Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Lòng thương xót của Thiên Chúa

Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm Vọng Phục Sinh tới hôm nay, Chúa nhật 2 Phục Sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Kitô Phục Sinh hiện ra.  Từ những lần thấy Đức Kitô Phục Sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây:

1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Kitô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường
Đức Kitô Phục Sinh không còn bị giới hạn trong không gian.  Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau.  Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người.  Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới.  Người xuất hiện ở làng Emmau, cách Giêrusalem một quãng đường dài.  Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp.  Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Damas, bên nước Syrira, nơi Phaolô lùng bắt người theo đạo.  Không gian xa xôi không làm chậm bước Ngài.  Không gian khép kín không ngăn được bước Ngài.  Đức Kitô Phục Sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

Đức Kitô Phục Sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian.  Người xuất hiện với Maria khi trời còn đẫm sương khuya.  Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng.  Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày.  Người xuất hiện ở Emmau khi trời sụp tối.  Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Kitô luôn có mặt.  Không có thời gian nào Người không ở bên ta.

Đức Kitô Phục Sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định.  Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.  Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá.  Trên đường Emmau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa.  Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi.  Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tôma.

2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô Phục Sinh khơi dậy niềm bình an, tin tưởng
Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Kitô Phục Sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con.”  Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo.  Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình.  Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước.  Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định.
Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình.  Đức Kitô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần.  Sau khi gặp Đức Kitô Phục Sinh, Maria buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Emmau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tôma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến.  Đức Kitô phục sinh chính là niềm bình an cho các ông.

3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu Phục Sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa
Sau khi Đức Kitô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ.  Các môn đệ tuyệt vọng.  Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường.  Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì.  Họ như đã chết với Thầy.  Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi.  Đức Kitô là linh hồn của họ.  Linh hồn đã ra đi.  Xác sống sao được.
Khi Đức Kitô Phục Sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa.

4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Kitô Phục Sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh
Đức Giêsu Phục Sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ.  Đức Kitô Phục Sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời.  Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó.  Maria lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phêrô và Gioan đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Emmau lập tức trở về Giêrusalem bất chấp trời đã tối đen.  Phêrô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh.  Và sau này, Phaolô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi.
Hôm nay chính Đức Kitô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”
Tất cả những người đã thấy Đức Giêsu Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh.  Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng.  Vì Đức Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ.  Vì lệnh sai đi của Đức Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng.  Như Thánh Phaolô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

Hôm nay Đức Giêsu Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta.  
Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian : Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên.  Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta.

Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: Trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm.

Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời.  Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ.  Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách.  Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ.  Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường.  Người ở bên ngưỡng cuộc đời bế tắc không lối thoát.

Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người.  
Hãy khao khát đón chờ Người.  
Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người.  
Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào.  
Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người.
Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào.

Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn.  
Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Email Langthangchieutim

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Hạt vui...hạt buồn...

1. Năm nay Việt Nam bị hạn hán, ao hồ cạn kiệt trơ đáy, đất khô cằn nứt nẻ, đất bị nhiễm mặn, một cuộc xâm nhập từ nước biển trong lịch sử 100 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long hơn 160.000 hecta hoang tàn, chưa bao giờ nước mắt người trồng mía, trồng lúa, trồng tiêu v.v... lại có vị chát, vị mặn như thế này ! Có lẽ cái độ chát, độ mặn của nước mắt còn hơn cả nước biển nữa ! Vì đó là nguồn sống, là tương lai của cả một gia đình. Thiếu nước ngọt nấu ăn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, một xô nước ngọt trước tiên được dùng để rửa rau,rồi rửa chén, sau cùng là đến súc vật uống. Đàn ông tắm nước mặn, chỉ dội qua loa bằng nước ngọt, nước ngọt bây giờ ưu tiên cho đàn bà và trẻ em. Khổ thật !
Bạn tôi từ Bảo Lộc nhắn tin về : ngay cả cỏ trong vườn cà phê mà còn vàng úa, huống chi cây !
Tháng ba nào cũng thế, thời tiết hanh khô, cái nóng rát thật khó chịu ! Tháng tư, tháng năm nếu không mưa thì cái nắng nóng lại càng dữ dội hơn.
Vậy mà có tin vui : mưa rồi.
Bảo Lộc mưa được ba lần, mưa đều hạt, mưa hơn một tiếng đồng hồ cho cây cỏ hồi sinh. Đặc biệt vào chiều thứ sáu tuần thánh, mưa to lắm, mưa lâu lắm, mưa mịt mù, không một ai có thể đến nhà thờ, Cha phải đợi giáo dân đến mới có thể cử hành nghi thức phụng vụ. 
Cám ơn Chúa đã ban mưa trời tắm gội cho lá, cho cây, cho đất bớt khô cằn, cho khí trời dịu mát, cho con người thêm niềm hi vọng vào ngày mai. Xin Người làm mưa trên tất cả những vùng đất còn đang mong đợi những hạt nước từ trời. 
Lạy Chúa, con cầu xin Người.

2. Buổi tối họp mặt bạn bè. Chị bạn kể : hôm nay chị đi thăm một giáo xứ nghèo ở Sa Đéc, giáo xứ Vĩnh Thạnh. Một mình cha chăm sóc hai giáo xứ, một mình cha chạy đi chạy về,  không có người phụ... 

Tôi nhắn tin cho đứa em trai : 
" Nhà thờ nghèo quá em, hai xứ mà giáo dân chỉ có khỏang hơn trăm người, họ nghèo quá lo làm ăn giờ đâu mà đi lễ. Có khi Cha làm lễ một mình vì không có ai đến dự. Cha nói : Chúa ở cùng anh chị em (ACE chả có ai, nên cũng không có lời đáp trả : và ở cùng cha. Hic !). Họ cũng không có tiền để xin lễ, có khi chỉ xin lễ bằng nải chuối hoặc trái cây gì đó trong vườn. Một mình cha ăn không hết từng ấy trái cây, mà muốn cho cũng không biết cho ai vì nhà nào cũng trồng, bỏ thì lãng phí, thiệt khổ ! Cha thương họ mà cũng không có tiền, không có ai xin lễ thì tiền ở đâu ra ? Ai cũng nghèo lấy đâu mạnh thường quân ? Em gọi điện nói chuyện trực tiếp với Cha xem có thể giúp được ít nhiều hay không ? Nếu em hỏi được thì cho chị phụ một chút. Chị hi vọng vào tấm lòng rộng rãi của em. Và chị tin tưởng Chúa sẽ không thua ai lòng quảng đại."
Vài giờ đồng hồ sau, em nhắn tin lại cho tôi : Em gởi 5 triệu đồng cho má. Ngày mai chị qua lấy rồi chuyển cho cha giúp em.
Đó là số tiền nửa tháng lương của em. Em nhỏ xíu con, nhưng tấm lòng của em không bao giờ nhỏ. Lúc này công việc của em khó khăn, nhiều lần bị dồn vào chân tường, em chỉ muốn bỏ việc, nhưng con em còn nhỏ quá, đứa lớn sang năm mới vào lớp một, đứa nhỏ chưa đến tuổi vào mẫu giáo. Tôi thương em nhưng chỉ biết cầu nguyện, xin Chúa thương em, Người sẽ thay đổi tình thế theo ý muốn của Người, một cách nào đó tốt nhất cho em để em có thể rộng tay chia sẻ.

3. Hoàng Thi từ Phanxicô về dự lễ phục sinh cùng với gia đình tôi.

Thánh lễ vọng Chúa sống lại trong dòng Mến Thánh Giá thật trang trọng, tâm tình và sốt sắng. Có cả Lê nữa, Lê theo đạo Phật nhưng lúc nào có thể được là cùng đi lễ.
Hai đứa ở nhà tôi từ lúc còn sinh viên, giờ Thi về nhà dòng, Lê chưa tốt nghiệp nhưng may mắn tìm được việc và đã đi làm gần một tháng.
Thi nói : IS bắt được một Cha người Ai Cập, tụi nó tuyên bố sẽ đem cha ra đóng đinh vào ngày thứ sáu tuần thánh. Từ khi biết tin, cả nhà dòng con hợp ý cầu nguyện, xin cho Cha bớt đau đớn, chứ tụi IS nói là làm. Tôi nghe mà cảm thấy sợ hãi, bàng hoàng, dã man và khủng khiếp quá ! Từ chặt đầu, cắt cổ, thiêu sống, bây giờ là đóng đinh ! Không lời gì có thể diễn tả nổi những đau đớn mà những nạn nhân bị bắt phải gánh chịu. Chúa ơi ! Ngày xưa Người cũng bị hành hình thê thảm như thế... Con cầu xin Người...!

4. Hình như ngày nào em cũng đi ngang qua nhà tôi. Em thường đứng nghỉ chân dưới bóng mát của cây bông giấy. Tiếng chuông leng keng, chậm chậm của em không lẫn với ai. Em bán kem thì cần có sữa hộp, vì thế thỉnh thoảng tôi lại chia sẻ với em món hàng ấy để em có thể lời thêm chút xíu nữa. Hôm nay em kể cho tôi nghe về chuyện đám tang của mẹ em, về chuyện cái xe honda cà tàng mới sửa, về chuyện học phí cho con sắp tới cùng với tiền nhà trọ, số tiền quả thật không nhiều nhưng liên tục trong thời gian gần nhau đối với những người như em thì đúng là khó xoay sở. Sở dĩ em kể là vì tôi thường hay hỏi thăm và lắng nghe chứ em chẳng hề có ý dám vay mượn, nhưng tôi đã tình nguyện làm điều ấy, Chúa phục sinh đã mang đến cho tôi niềm vui, tôi nghe như tiếng Chúa đang bảo tôi hãy chia sẻ niềm vui ấy cho những người tôi gặp. 

Em nói : công việc thấp kém như em khó có được niềm tin ở người khác, mấy năm nay chị hai (là tôi) cho em nhiều niềm vui về tinh thần, niềm vui đó làm em lạc quan hơn, sống vui hơn. Tôi tin lời em nói, có lần tình cờ tôi nhìn thấy chữ em viết, nét chữ rất đẹp và chuẩn, tôi đoán em là người có học nhưng không dám hỏi sợ làm em tủi thân, vì cuộc sống phải trôi dạt từ miền quê ra thành phố tha phương cầu thực. Tôi chợt nhớ lời thánh ca mà tôi vẫn thường hát :
"Chúa đã dạy tôi nhân ái, công bình
Chúa đã dạy tôi yêu người như chính thân tôi.
... Chúa đã dạy tôi yêu Chúa, yêu người
Manh áo bạc thân vui buồn chia sớt cho nhau
Tình không biên giới, vì nghĩa quên mình..."

5. Chiều chúa nhật, tôi và anh dự lễ ở nhà thờ thánh Giuse, một nhà thờ nhỏ thuộc quận 5, khu vực này đa số là người Hoa. Lễ phục sinh mà giáo dân chỉ có khoảng năm mươi người. Tôi thầm so sánh với nhà thờ Vĩnh Thạnh ở Sa Đéc. Saigon nhiều nhà thờ lắm, có những nơi giáo dân vừa đông, vừa giàu, người ta xin lễ nhiều đến độ dù cha đọc thật nhanh cũng phải mất hơn mười phút mới xong danh sách. Còn những nhà thờ như thế này...! Dù đời sống không phải có tiền là trên hết, nhưng không có tiền thì quả thật cái gì cũng khó ! Thôi thì khi các em cầm giỏ đi xin từng người, tôi đóng góp nhiều hơn một chút. 

6. Tôi đọc được những dòng chia sẻ của cháu trên face book : Đêm nay lại sợ hãi lo lắng tột độ....!!!! Không biết bao giờ mới thoát cảnh địa ngục trần gian này nữa đây.....!!!! 

Tôi biết cháu khi cháu còn nhỏ : xinh xắn, dễ thương, học giỏi. Một lần lỡ bước, cuộc sống mất đi biết bao là niềm vui ! Những buổi tối vào chăm bà nội (vú Tám), cháu vẫn chăm chỉ cùng tôi lần chuỗi Lòng Thương Xót, lần chuỗi Mân Côi dù cả ngày bận rộn, mệt nhọc với chuyện bán buôn, lo toan tiền bạc. Vậy mà đâu được yên thân, có những lần về khuya, tối ngày mai khi đến tôi thấy cháu bầm tím cả cánh tay, lại thêm một lần bị bạo hành ! Tôi hỏi cháu bị đánh bằng gì mà bầm dữ vậy ? Cháu trả lời là bằng tay. May là bằng tay mà da thịt đã bầm đến thế ! 
Vậy mà cháu vẫn cười, cháu nói với tôi : con đang vác thánh giá đó cô, đó là thánh giá của đời con. Con chỉ thích ngắm năm sự thương, cuộc đời con, con đã trải qua và con chiêm nghiệm được ba ngắm rồi cô, đó là khi Chúa buồn sầu trong vườn Giêtsêmani, khi Chúa bị đánh đòn, khi Chúa bị sỉ nhục... "Đời con một chuỗi Mân Côi - Hạt buồn xen lẫn hạt vui, hạt mừng". Niềm tin vào Chúa giúp con coi những khó khăn đời này là sự rèn luyện của Người, và tất cả những buồn vui, mọi biến cố trong đời sống con sẵn sàng đón nhận hết, dù là đón nhận trong sợ hãi.
Cẩm Tú ơi ! Khi Chúa sống lại, Người đã hiện ra với các môn đệ. Và câu đầu tiên Người luôn nói là : Bình an cho các con. Chúa sẽ nói với con câu nói ấy, và con hãy tin. Chỉ có điều bình an của Chúa không phải như thế gian ban tặng. Con hãy phó thác, cô cầu nguyện cùng với con. Với cô, con chính là Monica giữa dòng đời xuôi ngược...
Nhớ bài thánh ca mà con với cô rất thích và cùng hát chung trong những buổi tối ở nhà vú Tám :
"Lạy nữ vương rất thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con
Và hết lòng khấn xin Mẹ thương đoàn con tội lỗi...
Dù phiêu bạt đi tới nơi nao, một niềm tin ấy thôi,
vì Mẹ hằng soi dẫn người trong đêm tối,
Ngó ánh sáng sao, nhìn hướng vững tâm con chèo,
Chèo cho tới bến bờ quê hương mến yêu..."
Xin cho con luôn vững tin chèo chống trong sóng to gió lớn của cuộc đời, Monica ơi !

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

20 điều gởi bạn trong cuộc sống

1. Bạn sinh ra không phải để làm hài lòng tất cả mọi người. 
Vậy nên đừng quá bận tâm tới những gì người khác nói về bạn, Hãy cứ là chính mình.

2. Nếu bạn muốn đạt được những thứ bạn chưa từng có, 

Bạn phải làm những điều bạn chưa từng làm.

3. Nếu bạn tin rằng những đường chỉ tay nói lên số phận của bạn thì bạn cũng đừng quên rằng, chúng cũng chỉ nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi.

4. Cuộc sống luôn cho bạn cơ hội thứ hai. 

Nó được gọi là ngày mai.

5. Toàn bộ đại dương cũng không thể làm đắm được một con tàu trừ khi nước ngập vào trong. Tương tự, toàn bộ những gì tiêu cực trên đời cũng không thể nào hạ gục được bạn trừ khi bạn cho phép nó thấm vào người mình.

6. Hãy học cách trân trọng những gì bạn đang có trước khi thời gian dạy cho bạn biết trân trọng những gì bạn đã từng có.

7. Chính trải nghiệm chứ không phải thứ gì khác, là thứ làm nên con người bạn.

8. Hãy ở bên người làm cho bạn cười, ngay cả khi bạn mệt mỏi, không vui.

9. Đừng vội vàng từ bỏ người mà bạn yêu thương, 

Bởi tình yêu đâu phải ai cũng may mắn tìm được nhau.

10. "Hãy đếm số tuổi của bạn bằng số bạn bè, chứ không phải số năm. 

Hãy đếm cuộc đời của bạn bằng nụ cười chứ không phải những giọt nước mắt." - John Lennon

11. Không có ai hoàn hảo cả. 

Đó là lý do tại sao bút chì có cục gôm.

12. Thứ đắt giá nhất trên đời này là lòng tin. 

Để có được có khi cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.

13. Một cái đầu đầy nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ trống cho những ước mơ.

14. Tiền xu luôn gây ra tiếng động, nhưng tiền giấy lại luôn im lặng. 

Bởi vậy, khi giá trị của bạn tăng lên, hãy giữ cho mình khiêm tốn và ít nói đi.

15. Đôi khi bạn phải tự mình đứng dậy và bước tiếp, bởi không ai làm điều đó thay bạn đâu.

16. "Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì, 

nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người." - Bill Cosby

17. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng." - Trịnh Công Sơn [Để gió cuốn đi]

18. Mỗi ngày hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng của bạn.

19. Khóc cũng sống, cười cũng sống. 

Tại sao ta không chọn nụ cười để sống?

20. Thứ quý giá nhất đối với mỗi người không phải là tiền bạc hay địa vị,... mà chính là sức khỏe. 

Bởi vậy, hãy quan tâm tới sức khỏe trước khi quá muộn bạn nhé


Nguyễn Thành Lê (Sưu tầm)

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Tâm tình mừng Chúa phục sinh

Ngày tôi mới mở tiệm tóc, năm đầu tiên sống trên nước Mỹ chưa hiểu phong tục tập quán xứ người, ngày lễ Tạ Ơn mà tôi không muốn nghỉ, ham làm vì tham kiếm tiền, lúc đó một bà khách Mỹ đã giải thích cho tôi hiểu chuyện.
Bà thân mật gọi tên tôi, Kathy, "tao thích mày "và nói cho tôi hiểu ý nghĩa của ngày lễ Tạ Ơn, mọi cửa hàng đều đóng cửa nghỉ ăn mừng và quan trọng là tạ ơn Trời, tạ ơn nước Mỹ và sau cùng là tạ ơn nhau.

Ngày lễ Easter tiếng Việt là Lễ Phục Sinh, Chúa Sống lại Khải Hoàn Alleluia !!! Đồng thanh ta hát khúc hát: Chúa Đã Phục Sinh Quang Vinh, Chúa ta thương ta, Người đã hiển vinh, ngày lễ này những ai là người Công Giáo đều ăn mừng rất long trọng và kiêng việc xác nghỉ ngơi để dành thời gian đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, ca tụng Chúa, mừng Chúa sống lại, mầu nhiệm phục sinh, tin loài người ngày sau sống lại, niềm tin lớn nhất của người Ki Tô hữu, một bà khách Việt Nam lại dạy cho tôi biết như sau :
Ngày lễ Phục Sinh phải nghỉ, đóng cửa để Tạ Ơn Chúa về muôn vàn ơn lành phần hồn, phần xác Chúa đã thương ban cho chúng ta trong cuộc sống Để cảm tạ Chúa đã chịu chết vì tội chúng ta, ngày này : ĂN MÀY CŨNG TREO BỊ
Dù nghèo đói cũng không đi kiếm ăn ngày Chúa Nhật Phục Sinh, từ đó tôi ghi nhớ và luôn nghỉ ngơi vào các ngày đại lễ, thật ra Giáo Hội cũng dạy phải nghỉ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa, đi làm công sở cũng cho nghỉ 2 ngày cuối tuần, cho lại sức và dành thời gian bên gia đình, thăm cha mẹ, vợ chồng con cái có thòi gian cho nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn.
Nhiều ông chồng và bà vợ mãi làm, tham kiếm tiền không chăm sóc con cái khi chúng còn nhỏ, bỏ mặc con, vài năm sau nhìn lại con cái đã trưởng thành, chúng không cần đến gia đình vì thiếu tình yêu thương của cha mẹ, chúng hư hỏng, rơi vào tệ nạn xã hội, lúc đó thì hỡi ơi! tiền chẳng là gì, không tìm lại được mái ấm gia đình năm xưa, vợ chồng cũng thế, không dành thời gian cho nhau, chỉ biết đi làm không quan tâm người vợ, người chồng, chăm làm cũng rất tốt lành, nhưng làm vừa đủ, đừng quá mê man, kết quả có biết bao người khi có tiền phải chia tay không hạnh phúc vì tội hờ hững.

Với Chúa cũng vậy, chúng ta rất thờ ơ với Người, chỉ khi nào gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, gia đình bất hòa mới nghĩ chạy đến Chúa cầu xin, khi yên vui chẳng hề nhớ, cũng không ghé thăm Người hay đi lễ vài lần để giữ mối giao hảo, thử hỏi khi nửa đêm bịnh hoạn ta gọi Chúa, Người biết chúng ta là ai mà đáp tình, rồi đôi khi xin chưa được, cầu chưa thấy ta lại giận Chúa, lại nghỉ chơi không buồn đi lễ, không thèm xin nữa, Chúa vẫn ngồi đấy đợi chờ ta đến xin và Chúa sẽ ban ơn dù ta bất xứng, toàn xin những điều trái lẽ, xin những gì chưa cần thì phải đợi thôi, không gieo thì làm sao gặt được.
Chúa là người cha nhân từ đầy tình yêu thương, kiên nhẫn và không nóng giận, ngày lễ Phục Sinh khắp hoàn cầu đều hân hoan mừng Chúa Sống Lại, nếu không đói ăn, thiếu mặc thì chúng ta dành một ngày cho Chúa, ghé thăm Người, cũng là thêm sức mạnh cho mình, như chiếc phone hết pin cần charge để đủ mạnh nói tiếp, phone bên ta cả ngày trong túi, trong bóp, khi ngủ cũng ngay đầu giường, nửa đêm thức dậy cũng ôm phone, già trẻ lớn bé đều y vậy, các bạn cứ để ý mà xem, cả em bé một tuổi cũng biết chơi phone, ipad và im lặng một mình không phiền chung quanh.
Làm dư tiền cũng không ăn được nhiều vì sợ bịnh, cao máu, cao mỡ, cao đường, sợ đau nhức, ra đi chẳng mang theo được gì, hai bàn tay vất vả gầy dựng cả cuộc đời, cũng buông xuôi.
Trong tâm tình của tuần Thánh, bớt chút thời gian cho nhau, gọi thăm cha mẹ, vợ chồng con cái quan tâm đến nhau, chỉ một ánh mắt, một nụ cười thì ngoài trời có giông bão trong nhà vẫn ấm áp tiếng cười yêu thương.
Một chút hy sinh, một năm ít là một lần lễ Phục Sinh chúng ta đi thăm Chúa để lãnh nhận ơn Toàn Xá cho chính mình.
Mến chúc các bạn đọc bài chia sẻ này được nhiều niềm vui và hạnh phúc trong Chúa Phục Sinh.
(Chị Kim Dung - Em cám ơn chị đã gởi một tâm tinh)

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Đức Giêsu vẫn sống

Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi đến thăm mồ Đức Giêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Giêsu trong đó.  Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Giêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị không biết mồ nơi an táng Đức Giêsu là tài sản của ông Giuse Arimathia.  Chị chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Gioan.  Hai môn đệ này tới, và cũng nhận thấy xác Đức Giêsu không còn trong mồ nữa.  Tin mừng Gioan cho thấy “người môn đệ đến trước,” đã thấy và đã tin (Ga 20:8); tuy nhiên tin mừng lại không cho thấy ông tin điều gì.  Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào tin Đức Giêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Giêsu đã phục sinh (Mc 16:9-14).
Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài.  Trong lần hiện ra đầu tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin Đức Giêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông.  Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin.  Phục Sinh, là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin Đức Giêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu.  Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh khác với những người khác sống lại.  Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được.  Ngài hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài.
Những người được Đức Giêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể tới để gặp họ.  Đức Giêsu Phục Sinh thì không như vậy.  Chỉ người nào Ngài muốn, người đó mới được gặp Ngài mà thôi.  Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có thể gặp Ngài (Cv 1:3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh nữa.  Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào Ngài.  Đức Giêsu Phục Sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết.  “Phúc cho những ai không thấy mà tin.”  Bao nhiêu người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đều là những người được ơn đức tin.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao.  “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor 12: 3).
Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một hành vi tự do.  Những lý chứng cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh, không đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4.  Người ta vẫn tự do để tin Đức Giêsu Phục Sinh hay không.  Tin cũng là biết.  Hai anh chị yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin.  Tin vào người khác, là một cách biết người đó.  Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy.
Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Giêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Giêsu Phục Sinh.  Sau đó những ai tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của các tông đồ.  Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng những gì các ngài nói là sự thật.  Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm chứng.  Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật.  Tất cả các tông đồ đều tử đạo trừ tông đồ Gioan.
Không tin Đức Giêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là một ơn vô cùng lớn.  Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người đó hạnh phúc hơn.  Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của Kitô hữu.  Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta.  Muốn tin Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được.  Đó là hồng ân của Thánh Thần.
Để có thể đón nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời sống có thể đón nhận đức tin.  Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Giêsu Phục Sinh.  Tin Đức Giêsu Phục Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện.  Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để biện luận từ khước tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.
Kitô hữu không là những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt. Tin Đức Giêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn.  Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người.  Tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.  Và một khi biết Thiên Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình.
LM Giuse Phạm Thanh Liêm

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Sự thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan

Mỗi năm vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, giáo hội chúng ta đều đọc Sự thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan.  Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gioan viết sau các phúc âm khác, có lẽ khoảng bảy mươi năm sau khi Chúa Giêsu chết, các năm tháng này đã cho thánh Gioan nhiều thì giờ chiêm nghiệm về cái chết của Chúa Giêsu, nêu bật lên một số khía cạnh mà các phúc âm khác không nêu rõ bằng.  Những khía cạnh đặc biệt đó là gì?
Lời kể của thánh Gioan về cái chết của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến cuộc xét xử.  Phần lớn tập trung vào cuộc xét xử chúa Giêsu và phán quyết cuối cùng là lên án tử hình.  Nhưng nó được viết một cách tài tình.  Gioan viết về cuộc xét xử Chúa Giêsu theo một cách mà, trong khi Chúa Giêsu là người đang bị xử tội, thì tất cả các người khác đều đang bị xét xử ngoại trừ Ngài.  Philatô đang bị xét xử, các nhà cầm quyền Do Thái đang bị xét xử, các vị tông đồ và môn đệ của Giêsu đang bị xét xử, đám đông đứng xem xử tội đang bị xét xử, và chúng ta những người nghe câu chuyện này bị xét xử.  Riêng một mình Chúa Giêsu là không bị xét xử, dù cuộc xử tội của Người là cuộc xử tội của mọi người khác.  Vì vậy mà khi Philatô hỏi Chúa Giêsu:  Sự thật là gì?  Thì sự im lặng của Chúa Giêsu đã đưa Philatô ra xét xử bằng cách ném lại sự im lặng cho chính ông, sự thật của chính ông.  Với chúng ta cũng vậy. 
Tiếp theo, thánh Gioan nhấn mạnh vào thiên tính của Chúa Giêsu trong câu chuyện về sự Thương khó của Ngài.  Như chúng ta biết, phúc âm của thánh Gioan nhấn mạnh về sự hiện hữu trước của Chúa Giêsu với thiên tính của Người nhiều hơn là nhân tính.  Điều này soi sáng trong toàn bộ câu chuyện: Trong phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu dù đang bị đóng đinh trên thập giá nhưng Người luôn luôn chủ động.  Người không hề e sợ, không tỏ vẻ yếu đuối, mang thập giá của chính mình, chết một cách thanh thản và được chôn như một vị vua (với dầu thơm và dầu lô hội, áo liệm ướp hương nhu).  Giêsu của thánh Gioan không cần bất kỳ ông Simon vùng Cyrene nào mang giúp thánh giá, cũng không hề khóc lóc trong đau đớn và bị bỏ rơi.  Thánh Gioan viết sự Thương khó của Chúa từ góc độ thiên tính của Ngài.
Sau đó thánh Gioan sử dụng một số hình ảnh có tác động mạnh để giúp nhấn mạnh những điểm này. 
Thánh nhân viết Giuđa và quân lính đến bắt giữ Giêsu mang theo “đèn lồng và đuốc.”  Người định nêu một nét khôi hài mạnh mẽ như sau:  Giêsu là ánh sáng của thế gian và không thể không nhận thấy nét khôi hài ở đây, những kẻ chống đối người, những kẻ đến tìm người mà phải tự dẫn đường bằng thứ ánh sáng nhân tạo yếu ớt – đèn lồng và đuốc.  Bên cạnh những điều khác, điều này cho thấy bọn họ yêu thích bóng tối hơn ánh sáng và họ biết những gì họ đang làm chỉ làm được ban đêm vì nếu làm dưới ánh sáng mặt trời, chuyện này sẽ bị phơi bày một cách nhục nhã.  Những thế lực chống đối Chúa cần phải có lớp che đậy là bóng đêm và ánh sáng nhân tạo. 

Kế đó, vào cuối cuộc xét xử, Philatô đưa Giêsu ra trước đám đông và hỏi họ có muốn công nhận Người là vua của họ hay không.  Bọn họ đáp lại: “Chúng tôi không có vua nào, trừ Xêda!”  Về mặt lịch sử, đối với người theo đạo Do Thái, nói như vậy vào thời Chúa Giêsu giống như chối bỏ hy vọng của họ về Đấng Thiên Sai.  Điều này cũng đúng với chúng ta:  Bất cứ khi nào chúng ta không thừa nhận quyền năng của Chúa nơi con người đang bị đóng đinh trên thập giá kia, chúng ta đang chối bỏ hy vọng cứu rỗi của chính mình và công nhận quyền năng của thế gian này, đối với chúng ta, là thực tại sâu sắc nhất. 
Ngoài ra, câu chuyện thương khó của thánh Gioan nhấn mạnh Chúa Giêsu bị kết án tử hình vào chính ngọ, chính cái giờ trước ngưỡng cửa của lễ Vượt Qua khi các thầy tư tế trong nhà thờ bắt đầu giết cừu tế lễ.  Rõ ràng có thể suy luận ra:  Giêsu chính là con cừu tế lễ thật sự đã chết để chịu tội. 
Cuối cùng, trong câu chuyện về sự thương khó của thánh Gioan, sau khi Chúa Giêsu chết, binh lính đến và lấy mũi giáo đâm mạn sườn Người.  Ngay lập tức máu và nước chảy ra.  Đây là hình ảnh giàu ý nghĩa:  Trước hết, nó tượng trưng cho sự ra đời.  Khi đứa trẻ chào đời, máu và nước đều chảy ra.  Đối với thánh Gioan, cái chết của chúa Giêsu là sự chào đời của một điều gì đó mới mẻ trong đời sống chúng ta.  Đó là điều gì?
Các Kitô hữu đôi khi quá vội vàng coi hình ảnh này là ngụ ý về các bí tích của lễ Rửa Tội và Thánh Thể, dòng máu chảy là tượng trưng cho Thánh Thể và dòng nước tượng trưng cho Rửa Tội.  Có thể điều này thật sự có ý nghĩa, nhưng trước hết có một điều còn quan trọng căn bản hơn hình ảnh đó:  Máu tượng trưng cho dòng sự sống trong chúng ta.  Nước vừa xoa dịu cơn khát vừa rửa sạch bụi bặm khỏi thân thể chúng ta.  Điều mà thánh Gioan muốn nói qua hình ảnh này là những người chứng kiến cái chết của chúa Giêsu nhận ngay lập tức tình thương mà Giêsu đã thể hiện qua việc chết theo cách đó đã tạo ra một nguồn năng lượng và tự do mới trong cuộc đời của họ.  Họ cảm thấy vừa có một nguồn năng lượng vừa là một sự gột rửa, máu và nước, tuôn chảy từ cái chết của Giêsu.  Cốt yếu, họ cảm thấy một quyền năng chảy từ cái chết của người vào cuộc đời họ giúp họ sống bớt sợ hơn, ít mặc cảm tội lỗi hơn, nhiều niềm vui hơn, và nhiều ý nghĩa hơn.  Điều này vẫn còn đúng với chúng ta ngày nay. 
Câu chuyện thương khó của thánh Gioan đem tất cả chúng ta ra xét xử và đưa ra một phán quyết giải phóng chúng ta khỏi những xiềng xích sâu xa nhất của mình. 
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Email Langthangchieutim

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Rửa chân

Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm.

Rửa là hành động làm cho sạch.  Cái gì cũng phải rửa mới sạch, thân xác cần được rửa đã đành, chính tâm hồn cũng cần được rửa để làm sạch những “vết nhơ.”
Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ).  Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ.  Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ.  Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.”  Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ.”
Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa.  Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay.”  Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

Rửa Chân Là Yêu Thương
Trong Phúc âm, thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian.  Đây là điểm khác so với các Phúc âm nhất lãm.  Rửa chân người khác là hành động yêu thương.  Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc âm của thánh Gioan – là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” và vì thế mà thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu.  Người rửa chân là “người thực hành yêu thương,” còn người được rửa chân là “người được yêu thương” – và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).  Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10).  Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận.  Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo (1 Ga 4:12).  Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa.  Chết vì yêu là sống trong tình yêu.” Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu.  Quá ngược đời, và lạ thật!  Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

Rửa Chân Là Khiêm Nhường
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường.  Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức.  Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy.  Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng.  Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
Có vẻ lạ khi 3 tác giả phúc âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài.  Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại.  Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước.  Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân.  Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc, nhưng thật là dễ thương!

ĐGH Phanxicô, lúc còn là Hồng y Bergoglio TGM của TGP Buenos Aires, ngài cũng đã rửa chân và hôn chân người được rửa.  Một biểu hiện của đức khiêm nhường và tôn trọng nhân vị của người khác.  Ngài chỉ thở bằng một lá phổi từ hồi thiếu niên, nhưng ngài vẫn khỏe mạnh vì lá phổi đó hít thở không-khí-yêu-thương của Đức Kitô.  Ngài sống giản dị, thương người nghèo, tự nấu ăn và không có xe đưa rước, sống cầu nguyện, điều đó cho thấy ngài là một người thánh thiện.
Ngày nay khó tìm được những linh mục, giám mục và hồng y sống khó nghèo như vậy.  Không can đảm thì không thể sống nghèo và sống phục vụ trong yêu thương!  
ĐGH Phanxicô đã và đang làm gương cho mọi người là HÀNH ĐỘNG chứ không NÓI SUÔNG, nhất là đối với những người Công giáo, và đặc biệt là đối với các giáo sĩ.

Rửa Chân Là Phục Vụ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác.  Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26).  Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13:1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ.  Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng – như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều.”  Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực.”
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình.  Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ.  Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.  Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.  Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.  Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.  Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ.  Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai?  Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ (Lc 22:24-27).
Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ – tức là chúng ta, và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau.  Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác – đặc biệt là những người nghèo khổ.  Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13:6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”  Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”  Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”  Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”  Sợ không được chung phần, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa.” Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch.”  Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”

Rửa Chân Là Tha Thứ
Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ.  Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác.  Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ.  Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng.  Thánh vương Đa-vít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:4).
Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt.  Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21).  Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22) Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5:44; Lc 6:27).  Khó quá, nhưng không được phép không làm!
Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần.  Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “khá” lắm rồi, ai dè…!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa.  Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18:23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
          
Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch.  
Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ cho nhau như Con Một Ngài.  
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con.  Amen.

 (Trầm Thiên Thu)

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Hoan hô ! Đả đảo !

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.  Vì thế ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.

Trước hết, ngày Chúa nhật trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu lên thủ đô Giêrusalem lần cuối cùng.  Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi như cuộc biểu tình vĩ đại, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng trên đường và chặt những nhánh lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ.  Họ vừa đi vừa tung hô: "Hoan hô con vua Đavid", "Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến."  Người người nồng nhiệt hò la, Chúa Giêsu im lặng chấp nhận để họ đón rước và tung hô như thế.  Ngài là một vị vua vinh quang nhưng khiêm hạ, Ngài không phải là vị vua như dân Do Thái mong đợi, nghĩa là vua phần xác, đến để giải phóng dân tộc họ khỏi ách đô hộ ngoại bang Rôma, đem cơm áo ấm no cho họ.  Nhưng Ngài là vua trong lòng của họ, đem đến tình thương và hòa bình.

Đàng khác, cũng trong ngày lễ hôm nay, chúng ta nghe đọc bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Cuộc khổ nạn diễn ra vào ngày thứ sáu sau Chúa nhật lễ lá, nghĩa là chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô Chúa Giêsu, dân Do Thái lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa.  Ngài đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Caipha, rồi đến trước tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng phạm của xã hội.

Ngày lễ hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau của dân Do Thái: hoan hô Chúa và đả đảo Chúa, đưa Chúa lên ngai vua và hạ bệ Chúa trên thập giá.  Chắc chúng ta khó chịu, bực tức và lên án thái độ đổi thay, lòng dạ tráo trở của những người đó phải không?  Nhưng chúng ta hãy ý tứ, có người đã viết như thế này: "Giữa Chúa nhật lễ lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu:
 Hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa: Vạn tuế, vạn tuế, 
ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét: 
Đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh hắn vào thập giá.  
Hôm nay chúng ta yêu thương,ngày mai chúng ta oán ghét.  
Hôm nay chúng ta hân hoan, ngày mai chúng ta buồn sầu.  
Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ.  
Hôm nay chúng ta tin tưởng, ngày mai chúng ta hoài nghi.  
Vâng, danh sách các mâu thuẫn giữa thiện và ác còn có thể tiếp tục nối dài, và thực sự giữa Chúa nhật lễ lá và thứ sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu."

Để làm sáng tỏ những tư tưởng trên, một diễn giả đã dùng một cành lá dừa.  Cành lá dừa xanh tươi tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa nhật lễ lá như hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng.  Mỗi lần nêu lên một khía cạnh tiêu cực của cuộc sống như khước từ, oán ghét, buồn phiền, hung dữ, hoài nghi, diễn giả tuốt bỏ phần lá xanh, chỉ còn để lại cọng của cành lá dừa.  Cuối cùng, cành lá dừa xanh tươi đã biến thành một bó roi có thể dùng để hành hạ nhau, biến thiên đàng thành địa ngục.

Chắc tất cả chúng ta đều hiểu và thấm thía những điều trên đây?  Cuộc sống của chúng ta có nhiều tiêu cực hơn tích cực, chúng ta làm khổ nhau nhiều hơn làm đẹp lòng nhau.  Có phải chúng ta xích mích, gây chia rẽ bất hòa nhiều hơn là xây dựng, yêu thương, đoàn kết?  Chúng ta tôn vinh Chúa ở trong nhà thờ nhưng chúng ta có tôn vinh Chúa trong cuộc sống ở ngoài nhà thờ không?  Mỗi khi chúng ta không tôn trọng bất cứ người anh em nào là chúng ta không tôn vinh Chúa.  Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành với lời chúng ta hoan hô "vạn tuế" để trong cuộc sống, chúng ta quyết đem ra thực hành chương trình xây dựng hòa bình và tình thương của Chúa.

******************************
Cành lá hôm nay rộn tiếng "Hoan hô!"
       Cành là hôm sau reo vang "Đả đảo!"
Ôi!  Con người ngàn năm tráo trở
       Trong đó có con... xin tha thứ lỗi lầm!!!

(Email Langthangchieutim)