Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Chiều Chúa nhật buồn



Cuộc xuống đường lịch sử tại Sài Gòn, 10-6-2018 (Kao Nguyen, AFP)
Trưa Chúa Nhật. Đưa những người anh em cuối cùng ra về, tôi đi nghỉ. Nhưng, hình ảnh của những người dân biểu tình hiện đầy trên facebook. Tiếng la, tiếng còi xe, biểu ngữ tràn ngập màn hình… Tôi bần thần. Dân tôi đó, khái niệm “đi biểu tình” chưa bao giờ có trong tôi, thậm chí tôi vẫn dạy dỗ tín hữu đừng đi biểu tình. Nhưng chiều nay, trong căn phòng vắng, hình ảnh dân tôi ngập tràn. Tôi trỗi dậy, thay đồ ra phố.
Con đường Công Lý đông nghẹt, kéo dài cho đến ngã tư Yên Đỗ, cảnh sát không cho đi thẳng, bắt phải quẹo hướng Hai Bà Trưng, chúng tôi cố len vào dòng người để ra quận 1, nhưng cảnh sát đã chắn ngang đường bằng hai chiếc xe công vụ. Dòng xe từ đầu Yên Đỗ chạy đến cũng phải dừng. Chúng tôi bị kẹt giữa hai luồng xe, cứng ngắc. Trong khung cảnh ấy, tôi nghe tiếng la: “Mở đường cho dân đi, mấy anh ơi!”. Tôi nhìn quanh rừng người, đúng là sức dân như sức nước cuồn cuộn! Tôi hỏi người bên cạnh: – Anh ở đâu? – Phú Quốc! – Phú Quốc? Vậy phải vô đây từ hôm qua? – Dạ. Chớ hôm nay đi sao kịp? Có mấy anh từ Bắc Vân Phong vô nữa kìa! 
Lòng tôi chùng xuống. Dân lặn lội từ xa đến đây, mình ngay thành phố này mà nằm nhà hóng tin. Thiệt là…
Bỗng nhiên có tiếng la đồng loạt, vừa như tiếng hoan hô, vừa giống tiếng cầu cứu. Biểu ngữ đưa lên cao, đặc biệt không có lá cờ nào, chỉ toàn biểu ngữ chống “Luật khu kinh tế tự trị” và “Luật an ninh mạng”. Sau tiếng la vang có mấy người sắc phục công an to con, nét mặt hung hãn tiến vào giữa đám đông. Từ phía dân phát ra những tiếng hô vang: “Đoàn kết! Đoàn kết!”, “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam”… Nước mắt tôi bỗng trào. Việt Nam. Hai tiếng thiêng liêng làm sao. Dân tôi lặn lội từ khắp các nẻo đường về đây chỉ nói được có thế thôi sao? “Chúng tôi không muốn mất nước!”; “Tổ quốc trên hết!”; “Đoàn kết!”; “Việt Nam!”; “Hãy bảo vệ nhau, bà con ơi…”. Dân tôi không ai bảo vệ? Tiếng la hét xót xa đến xé lòng. Tôi ngước lên cao: “Chúa ơi! Xin thương xót, xin gìn giữ họ…”
Tôi đứng giữa Trời, ăn năn. Thấy mình đã từng giống người Pha-ri-si, nhìn thấy người dân bị cướp đánh đập bên đường nhưng vẫn bỏ đi, đi cho kịp giờ lễ, cho chu toàn chức vụ, bỏ mặc bên vệ đường một thân phận, một cuộc đời đau thương không được cứu giúp vì sợ… phiền. Dân tôi đó, đang kêu gào trong vô vọng, bể dâu, những tiếng kêu nhức nhối, còn tôi khoanh tay đứng nhìn và lạnh lùng với tuyên bố hàng trăm năm nay: “NGƯỜI TIN LÀNH KHÔNG DÍNH TỚI CHÍNH TRỊ!”.
Sai rồi! Tôi vẫn ‘làm’ chính trị mỗi ngày đấy thôi! Chính trị của tôi là xóa một điểm mại dâm trong khu phố; là khuyên nhủ, giải tán các tụ điểm ghi số đề quanh nhà; là hướng dẫn các thiếu nữ không hành nghề mại dâm mà trở về lao động chân chính; là khuyên các ông chồng say xỉn đừng đánh vợ; khuyên những đứa con bất hiếu bỏ cha bỏ mẹ quay về… Chính trị của tôi là tư vấn cho những người bị gia đình, xã hội bỏ rơi, tuyệt vọng, chỉ muốn tự tử; chính trị của tôi là ngăn chặn ai đó thôi làm chuyện phi pháp: buôn lậu, trốn thuế. Chính trị của tôi là đi khắp các nẻo đường rao giảng Phúc Âm và làm cho cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn lên; chính trị của tôi là…
Ai bảo người Tin Lành không ‘làm’ chính trị?
Có lẽ từ khởi thủy, khi các giáo sĩ của một giáo phái nhỏ được phân công đến đất nước nhỏ bé này để truyền giáo, họ bất ngờ bị lọt thỏm vào hai lằn ranh: theo Việt Minh sẽ bị Pháp bỏ tù, theo Pháp thì bị Việt Minh giết. Từ đó họ có lệnh không được theo bên nào, KHÔNG DÍNH LÍU TỚI CHÍNH TRỊ, KHÔNG ‘LÀM’ CHÍNH TRỊ để được yên thân mà giảng đạo và làm tròn chức vụ. Mệnh lệnh ấy được lưu truyền cho đến hôm nay, cũng vì lẽ đất nước tôi luôn bị kẹt giữa hai lằn ranh, hai chính kiến, hai chế độ, hai tư tưởng… Nhưng có một sự thật đáng buồn là dù bao lần tuyên bố “Người Tin Lành không ‘làm’ chính trị”, thì thể chế này vẫn cứ nghĩ, cứ tin và tuyên bố: TIN LÀNH = ĐẠO MỸ, TIN LÀNH = CHÍNH TRỊ; thậm chí TIN LÀNH = PHẢN ĐỘNG!
Có lẽ người sợ ta mà ta cũng sợ người, nên bao năm qua ta cứ phải ‘lẩn trốn’ trong cụm từ bạc nhược đó, để mặc dân lành lớn tiếng kêu la…
Một Môi-se quay lại Ai Cập, chấp nhận đương đầu với vua Pha-ra-ôn để giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra đi tìm vùng đất mới. Một Giô-sép sẵn sàng bước thẳng vào chức vụ Tể tướng Ai Cập để cứu dân mình. Một Giô-suê nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn quân Chúa giành những chiến thắng ngoạn mục. Một Đa-vít bách chiến bách thắng trên trận mạc. Một Mạc-đô-chê âm thầm cố vấn cho Hoàng hậu Ê-xơ-tê lên chương trình cứu dân Do Thái khỏi họa diệt vong. Một Nê-hê-mi miệt mài phục vụ trong cung vua Ba Tư cầu xin cho được giấy phép để quay về quê hương xây lại đền thờ của dân mình đã đổ nát, hoang phế…
Vậy đó, những Môi-se, Giô-sép, Giô-suê, Đa-vít, Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê, Nê-hê-mi… đều là những người làm chính trị chân chính, tỏ tường cho chính dân tộc họ, dưới sự cho phép, hướng dẫn và tể trị của Đức Chúa Trời. Thế nhưng ngày nay vẫn có những người nói rằng Cơ đốc nhân đã có quê hương… trên Trời rồi, không cần tranh đấu chi cho đất đai ở trần gian này nữa! Vậy thì cứ để giặc vào cướp phá ruộng đất, nhà cửa, vợ con, giày xéo, đập tan nhà thờ và di sản của dân tộc mà mình vẫn cứ khoanh tay: “Tôi có quê hương trên Trời rồi! Tôi không màng ‘làm’ chính trị!”… Nếu linh mục Martin Luther không cải chánh, cứ khoanh tay chép miệng: “Kệ. Tôi biết họ sai tỏ tường rồi, nhưng tôi phải thuận phục cái sai ấy!”, thì hôm nay thế giới đã không có Tin Lành. Nếu mục sư Martin Luther King không hành động, thì hôm nay người da màu chắc vẫn còn làm nô lệ. Tiền nhân đã hành động, sao hôm nay con dân Chúa bất động? Phi lý đến nực cười!
Len lỏi ra đến quận 1, tôi thấy một nhóm người trẻ đứng bên lề đường Tự Do nên dừng lại hỏi thăm, các em thật thà, trong trẻo: “Con tôn trọng chính quyền, tôn trọng Quốc hội, nhưng con muốn bày tỏ chính kiến của công dân. Dân biết, dân bàn, dân làm! Việc thông qua Luật Đặc khu dân không biết, không ai bàn với dân cả nên con mới đứng đây!”. Trong dòng người, chợt thấy một bà mẹ ba con (ảnh), cháu nhỏ nhất chừng 6 tuổi, tôi hỏi: – Cháu còn nhỏ quá, sao chị cho ra đây? – Dạ vì 99 năm là tới nó rồi! Mình sẽ không còn nhưng tụi nhỏ sẽ ra sao? Nó cần biết!
Người trẻ, kẻ già, người trung niên và cả những em thơ. Điều gì đã cuốn họ ra đường, chịu nắng nôi, bụi bặm, đói khát, bắt bớ… vẫn kiên trì, miệt mài, lầm lụi giữa dòng người và biểu ngữ trên tay? Điện thoại tắt ngấm, không gọi được về nhà. Tôi mượn điện thoại của vị khách trong bưu điện thành phố, vẫn không gọi được! Trước khi Luật an ninh mạng bấm nút, điện thoại của chúng tôi đã không sử dụng được rồi! Lý do? Vì chúng tôi đang bị cuốn vào dòng người biểu tình. Mưa xuống. Khu vực Nhà thờ Đức Bà vắng vẻ, mọi người chạy đi núp mưa, chúng tôi cũng tấp vào một quán cà phê gần đó. Quán dày đặc an ninh. Không còn chiều giáo đường thơ mộng của trai thanh nữ tú, quanh nhà thờ là những ba-ri-e sắt quấn kẽm gai như thời chiến nhằm ngăn người biểu tình. 
Bất giác tôi chợt nhớ một đoản văn xưa trong tác phẩm của nhà văn Đức Erich Maria Remarque – Một thời để yêu“Người lính trở về từ chiến trường tìm thăm nhà nhưng không tìm ra con phố cũ, vì tất cả đã đổ nát vì bom đạn. Anh hỏi vị linh mục: – Cha ơi! Phải làm sao đây? – Theo con thì phải làm sao? – Theo con, bây giờ chỉ cứu vớt những giấc mộng mà thôi! Linh mục cười buồn: – Không con ạ, bây giờ cần cứu vớt niềm tin, còn những giấc mộng thì để nó tự hồi sinh”.
Tiếng chuông giáo đường trỗi lên cắt ngang dòng tư tưởng. Tiếng chuông lồng lộng giữa trời chiều, vang cả góc đường, nhưng không có bóng dáng giáo dân nào đi lễ. Không có tà áo dài nào vương vấn trước giáo đường. Không có sinh viên, công nhân, người già, em bé vào nhà thờ xem lễ, vì đường vào giáo đường đã bị chặn. Trước và quanh giáo đường có xe công an, có cảnh sát áo vàng, áo xanh và cả thường phục, có vài khách nước ngoài, có cả người Trung Cộng nói xí xồ đôi tiếng tiếng Quảng Đông.
Mưa ngớt hạt. Tôi lặng lẽ đứng lên. Chiều Chúa Nhật buồn, nhưng tôi đã không chọn ‘nằm trong căn gác đìu hiu’ như ngày xưa mà ‘theo dân xuống phố trưa nay’, để khóc với dân, cười với dân, buồn với dân, trăn trở với dân, đồng cảm với họ, và nhất là nghe Tiếng Dân Tôi chiều nay vang trên phố, những tiếng kêu hòa quyện với mồ hôi mặn đắng, xé lòng. Tiếng kêu dội vào trái tim của một kẻ trước nay vốn né tránh, nhu nhược, sợ hãi, trốn tránh và… đóng hòm sự hiểu biết của mình trong vỏ bọc tôn giáo, đem giáo điều tôn giáo ra để che đậy sự hèn hạ của mình trước nỗi đau của đồng loại, của dân mình.
Sài Gòn 12/6/2018 
(*) Tựa bài hát của NS Trịnh Công Sơn - Tác giả gửi Trí Việt News

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Mân Côi của tôi

Tác giả bài viết đứng bìa phải, mặc áo dài nhung đen có bông hồng vàng
   Đúng 9 giờ sáng ngày 08/6/2018, như đã hẹn, tôi tới dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt để dự lễ Khấn trọn đời con của bạn Vân quê ở Cái Sắn.
       
​Khi tôi tới nơi cũng là lúc Đức Cha và các linh mục cùng các Soeur được khấn đang rước từ trong ra nhà thờ. Nhìn đoàn rước nghiêm trang, những khuôn mặt thánh thiện tràn đầy ơn Chúa và khung cảnh tu viện với cây cỏ hoa lá thơ mộng, tôi thấy như lạc vào cõi thiên thai - nơi những con người thoát tục đang ngày đêm âm thầm sống cho lý tưởng và tình yêu cao đẹp mà họ đã chọn.
          Sau thánh lễ, chị em vội vàng tìm nhau để cùng chúc mừng bạn Vân và soeur Minh Tuyết, con của bạn. Ai cũng hớn hở vui cười tay nắm tay trò chuyện rồi dẫn nhau lên gian cung thánh để chụp hình.... Khung cảnh thật nhộn nhịp!
          Tôi thấy ... chị Nhị, tóc đã bạc nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Chị vui vẻ tươi cười đi đi lại lại như thuở nào. Tôi thấy chạnh lòng và chợt nghĩ: “Chị ơi! Tóc em cũng bạc nhiều rồi nhưng em vẫn muốn thấy chị khỏe mạnh. Chị đừng già nhé!”.... Tôi cũng thấy chị Mười và một số chị nữa, vui thật các bạn ạ!
          Lễ Khấn xong, chúng tôi gồm: Sài Gòn, Cái Sắn, Bảo Lộc lên xe về nhà anh chị Hoa họp mặt và ăn bữa cơm thân mật. Các bạn ở Sài Gòn đã lên nhà chị Hoa từ 2 giờ đêm còn các bạn Cái Sắn lên tới khoảng hơn 4 giờ đêm. Đi một chặng dường dài mấy trăm cây số chắc ai cũng mệt nhưng khuôn mặt người nào cũng vui. Mọi người cùng nhau chuyện trò đủ thứ: những chuyện vui, những nỗi buồn; những trăn trở về chuyện đời, chuyện người; những câu chuyện có tâm và cả những xót xa cho cảnh cựu Mân Côi - vì đâu mà xa cách nhau ...
          Nói đến đây thì không thể không nhắc đến anh chị Tuyết Long. Mặc dù tôi chưa một lần gặp anh chị nhưng những việc anh chị làm cho các em thật đáng trân trọng. Anh chị có một tấm lòng được gió cuốn đi. Việc anh chị làm có thể có người cho là nhỏ bé nhưng chắc chắn rằng không phải ai cũng làm được. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần Sài Gòn, Cái Sắn, Bảo Lộc họp lại với nhau, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm của anh chị. Thay mặt các anh chị em, em xin gửi đến anh chị lời cảm ơn, thật nhiều, thật nhiều ...
          Anh chị Hoa đã tổ chức một bữa ăn thật ngon và thịnh soạn. Anh rất tốt đối với các em, âm thầm lo cho các em mọi việc có thể. Mỗi lần họp mặt, anh chị đều tính toán, cắt đặt chu toàn mọi chuyện còn các em chỉ việc nghe theo, tham gia một cách vui vẻ. Trước bữa ăn, chị đi đến vỗ vai từng người để gọi tên. Chị nói muốn được một lần gọi tên để mà nhớ nhau mãi...
          Trong bữa ăn, tôi ngồi gần chị Tùng và được nghe chị nói chuyện. Tôi thấy chị rất dễ mến, không cầu kỳ mà rất chân tình. Chị cũng có một tấm lòng vì mọi người. Điều đó không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn được chứng minh qua việc làm. Chúc chị luôn thành công trong cuộc sống.
          Sau khi ăn xong, chúng tôi đến với phần chia quà cho nhau: Sài Gòn mang cơm cháy chà bông, bánh hạnh nhân, Cái Sắn mang trứng vịt và Bảo Lộc có trà, cà phê, bơ. Chúng tôi vui vẻ gọi tên vùng, tên nhau : Bảo Lộc đâu .... Cái Sắn đâu ... Sài Gòn đâu .... Đến nhận quà đi... Có chưa... Có chưa... Khắp gian nhà nhỏ bé vang lên những âm thanh rộn rã và đầy ắp tiếng cười. Chắc có lẽ, đây chính là phần vui nhất và nhiều kỉ niệm nhất trong lần họp mặt này. Món quà cầm trên tay tuy nhỏ bé nhưng chất chứa cả tấm lòng dành cho nhau.
Saigon đẹp lắm ! Saigon ơi ! Saigon ơi !
          Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi nói lời tạm biệt nhau. Saigon lên xe khi trời bắt đầu đổ cơn mưa lớn. Dưới mái hiên, Bảo Lộc và Cái Sắn còn đứng đó, những bàn tay đưa lên vẫy chào qua mờ mờ những giọt mưa ngoài khung cửa kính. Mưa lớn như lòng mình nhớ nhau. Tuy không nói ra lời nhưng chắc hẳn ai cũng nghĩ : nếu có thể, tất cả chúng ta sẽ lại có dịp gặp nhau thêm một lần, rồi một lần, thật là tốt. 
NGÀY TÁI NGỘ - mãi mãi là niềm mong ước của tất cả mọi người....
 Chào nhé, các bạn thân mến

Nguyễn Thế (Gia đình MC Bảo Lộc) 
10 tháng 06 năm 2018, một chiều mưa.... 

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Cảm ơn Sài Gòn



 10/6/2018


Cảm ơn Sài Gòn đã cho tôi làm một ngọn sóng nhỏ, hoà cùng biển sóng cuồn cuộn sục sôi ấy. Đến giờ, vẫn nguyên cảm xúc ấy. Vẫn như đang bơi giữa biển người Sài Gòn mênh mông ào ạt ấy.
Chưa bao giờ xuống đường biểu tình. Là một nhà báo, trước nay, tôi luôn chọn cho riêng mình một phương cách khác. Nhưng lần này thì không thể không. Máu như sôi chảy hừng hực trong người.
Nhập đoàn biểu tình trước Tổng lãnh sự Mỹ. Kéo qua phía nhà thờ Đức Bà. Đạp bung dãy rào thép gai trước trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố. Tràn sang phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Nhiều người đẩy tôi lên phía trước. Người dúi vào tay tôi chai nước, chiếc khăn. Có mẹ già nào đó đưa tay lau mặt giúp tôi.
Trời nắng quá. Nhưng cái nóng như lửa cháy trong lòng lại là điều đẩy thúc bước chân chúng tôi đi.
“Vì độc lập, phản đối đặc khu”!
“Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng”!
Tôi hô đến khản giọng. Hàng trăm, nghìn tiếng hô đáp lại.

Sài Gòn ơi. Cảm ơn người đã cho tôi được cháy, được thét gào đến khản giọng giữa biển trời này. Cảm ơn hàng trăm, hàng vạn đồng bào đã cho tôi thấy thế nào là sức mạnh và sự thôi thúc, sục sôi của lòng yêu nước.
Hoà trong biển người ấy, tôi không thấy “bọn phản động, phe nhóm xúi giục, kích động” nào. Tôi không tin bất kỳ ai, hay một tổ chức phe nhóm nào có thể kích động nên những cuộc biểu tình hùng dũng, hiên ngang ngợp trời Sài Gòn thế.
Tôi chỉ thấy quanh mình, giữa biển ngừoi mênh mông ấy, trong những tiếng thét gào ấy là lửa lòng yêu nước đến sục sôi, bỏng cháy.
Chính những ngừoi dân, hàng trăm hàng vạn đồng bào quanh tôi đã tạo nên một Sài Gòn cháy bỏng thế, hôm nay.
“Vì độc lập, phản đối đặc khu”!
“Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng”!
“Phản đối! Phản đối! Phản đối!”... 

Không chỉ là tiếng tôi nữa. Không còn nhận ra tiếng một ai nữa. Cả biển người. Dội vang như sóng. Cuồn cuộn mọi ngả đường. 
Rồi tiến về Dinh Độc Lập. Vâng, đoàn người sùng sục như sóng biển khơi tiến thẳng hướng Dinh. Nó khiến tôi liên tưởng đến cảnh đoàn xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh, trong sự kiện Sài Gòn 30/4/1975.
“Những làn sóng khủng khiếp”. Đó là câu ông Phúc Thủ tướng thốt lên sau cơn phản ứng tức tối từ dư luận về hai dự luật “đặc khu” và “an ninh mạng”.
Không biết, khi thốt câu đó, Thủ tướng Phúc đã nhìn đoán trước cảnh này?
Không biết, nhìn cảnh Sài Gòn hôm nay, thấy trông những biển sóng ngừoi như thác thế, có ai liên tưởng đến một ngày nào, rất có thể cánh cổng Dinh Độc Lập kia lại một lần sụp đổ.

Không bởi một chiến xa nào, mà bởi chính những ngọn sóng biển ngừoi kia, bởi chính bàn tay không tấc sắt của hàng vạn, hàng triệu đồng bào- những biển ngừoi đang đứng bên tôi, quanh tôi hôm nay.
Chưa bao giờ, cho tôi cảm xúc diệu kỳ thế. 
Tôi yêu họ, yêu những ngừoi quanh tôi. Những ngừoi dân bình thường đã làm nên một Sài Gòn dậy sóng, hôm nay.


Trương Duy Nhất

Cho tới trưa nay (11/6) Phan Rí vẫn còn tiếp tục biểu tình. Nhiệt điện Vĩnh Tân xả khói lên trời, thải bùn xuống biển. Biển cạn kiệt gần bờ, ra khơi thì gặp tàu Trung quốc, kiểm ngư bảo kê các tàu chứ không còn là kiểm tra và bảo vệ, thanh long trồng không bán được. Bầu trời ô nhiễm, biển không còn xanh, cá tôm chết hết, Dân không còn gì để mất, dân đói lắm rồi, nên dân đành phải đứng lên, niềm uất hận khiến họ hành động quá khích, đốt cháy xe, đập tan tành trụ sở chính quyền và công an, . Lỗi tại ai ? Vì ai mà người dân biển Phan Rí trở nên như vậy ??? Ai trả lời dùm đi ???


Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

An-tôn Nguyễn Hoàng Thi : Hành trình ơn gọi

Cám ơn con đã gởi đến cô những tâm tình.
Xin Chúa hướng dẫn và đồng hành với con trên hành trình ơn gọi. Xin cho con được trở thành một linh mục thánh thiện, biết phục vụ và mang Chúa đến cho mọi người. Đó là điều đẹp lòng Chúa trong tất cả.

Dẫn nhập

Tôi là An-tôn Nguyễn Hoàng Thi, tôi đến từ giáo xứ Phú Yên, xóm Tân An, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi và đang tìm hiểu ơn gọi trong Nhà Tìm hiểu của dòng thánh Phan-xi- cô Việt Nam.
Mấy dòng ngắn gọn trên đây có lẽ đủ để tôi trả lời nếu có ai hỏi về tôi. Tuy nhiên, sẽ thật là khiếm khuyết nếu chỉ dừng lại ở đó, bởi lẽ nó chỉ là chút ít thông tin cá nhân đủ để ai đó tìm tôi, chứ chưa thể giúp tôi hiểu về mình.
Vì lẽ đó, hôm nay tôi viết hành trình ơn gọi.

Hành trình ơn gọi trước hết chính là hành trình sống mà tôi đã trải qua. Hai mươi lăm năm hiện diện trong cõi đời là hai mươi lăm năm sống ơn gọi làm người. Từ ngày cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của mẹ cha, chập chững những bước đi đầu tiên, rồi những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên vô tư bên dòng sông êm ả, cho đến những bỡ ngỡ của lần đầu xa nhà vào giảng đường đại học… Lần tưởng lại kí ức, tất cả hiện lên dọc theo dòng chảy của thời gian và để lại trong tôi những dư âm ngọt ngào.

Hành trình ơn gọi còn là bước đường tôi đã đi qua để đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Chúa gọi từ bao giờ ? Làm sao tôi biết tôi được Chúa gọi ? Có nhạc sĩ từng viết: “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người”, cảm nhận này thật sâu sắc nhưng với tôi nó quá cao vời. Ơn gọi của tôi gần và thực tế hơn. Đó là gia đình nơi tôi sinh ra có cha có mẹ, có anh chị em, ai cũng yêu thương tôi. Đó còn là những ngày tháng tinh nghịch, quậy phá tưng bừng trong nhóm giúp lễ bên cạnh cha già dấu yêu. Là mối tình đầu dang dở, hay quyết định nộp đơn vào Nhà tìm hiểu rồi lại ra đi học đại học…
Từng khuôn mặt, từng biến cố rất cụ thể dù không quá lớn lao để so sánh với ai, nhưng lại mang một ý nghĩa đặc biệt giúp hình thành và dẫn dắt tôi bước đi từng ngày.

Thật hạnh phúc khi nhận ra mình được yêu thương.
Cám ơn cha mẹ, các chị và em trai đã yêu thương con.
Cám ơn bạn bè vì đã đồng hành cùng tôi cảm nếm cuộc đời.
Cám ơn thầy cô vì những bài học kinh nghiệm quý giá.
Cám ơn Cô như gia đình thứ hai của con.
Và cám ơn các anh Đồng hành cùng tất cả anh em, “những món quà tuyệt vời”.
Sau cùng, nhưng trên tất cả, con cám ơn Chúa !


I. TUỔI THƠ

1. Chào đời.
Tôi sinh ra trong gia đình có chín người gồm có bố mẹ, năm chị gái trước tôi, tôi và em Trí. Nếu đếm theo kiểu người Bắc thì tôi là con thứ sáu trong gia đình, tuy nhiên lại rớt vào một vị trí khá đặc biệt: con trai trưởng. Nhà tôi có năm chị gái, và cho tới khi tôi ra đời thì chắc bố vẫn thường bị chọc là nhà toàn “cách cách”. Dù không có gì nghi ngờ về tình yêu bố mẹ dành cho các chị, nhưng trong sâu thẳm chắc bố vẫn mong có đứa con trai mà nối dõi tông đường chứ ! Vậy là tôi chào đời.

Tôi chào đời vào ngày 14 tháng 8 năm 1993, một ngày trước đại lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Ở giáo phận Vinh của tôi, đó là ngày ăn chay để chuẩn bị mừng lễ quan thầy giáo phận. Là con trai đầu, tôi được cưng chiều hơn so với các chị, đồng thời gia đình cũng đặt nơi tôi nhiều kì vọng. Có một chuyện khá thú vị về việc đặt tên cho tôi. Bố kể lại rằng, bà nội lúc còn sống vốn rất sùng kính ông thánh An-tôn (bà mất một năm trước ngày tôi sinh ra). Tuy nhà ở xa, bà vẫn thường đi bộ vào viếng đền thánh ở Trại Gáo để xin ơn, hồi đó rất nhiều người nhờ bà xin ơn. Bà cũng khấn ông thánh An-tôn để cho có đứa cháu trai, nghe bố bảo bà còn hứa sẽ dâng nó cho Chúa nếu được nhậm lời. Vì vậy mà bà bắt bố sau này nếu có con trai thì phải cho nó mang tên thánh An-tôn. Bố đã vâng lời bà, không những tôi mà thằng em tôi sau này cũng đều mang tên thánh An-tôn. Còn cái tên Nguyễn Hoàng Thi lại xuất phát từ một nguyên nhân khác, Thi là tên một linh mục người Thuận Nghĩa, sau này tôi biết đó là cố Thi dòng Phan-xi-cô. Bố đặt tên cho tôi theo tên ngài với mong muốn sau này tôi cũng phải đạo đức và học giỏi như ngài. Tên đệm Hoàng là do bác tôi chọn. Vợ chồng bác không có con, nên bác thương tôi như con của bác vậy. Hoàng là vua, bác chọn để cầu mong cho tôi được thành công.

2. Làng quê, giáo xứ.
Tôi sinh ra ở một làng chài nhỏ ven biển, có dòng sông Mai Giang uốn lượn chạy quanh. đầu làng nay là một bờ đê nối với trung tâm xã, cuối làng là một chiếc cầu bắc qua làng bên cạnh, còn mặt sau là đồng muối trải rộng. Vì thế nếu nhìn từ trên cao, cả ngôi làng trông giống như một hòn đảo. Nghe  ông bà kể lại, xưa đây vốn chỉ là một vùng đất nổi hoang sơ, nằm khuất sau hòn núi Rồng. Những ngư dân khắp nơi đến mùa bão lũ thường vào đây tránh bão. Đất lành chim đậu, người ta về đây lập nghiệp, dựng nhà dựng cửa, làm ăn buôn bán ngày càng đông, dần dần hình thành nên ngôi làng như bây giờ. Cái tên làng Tân An có lẽ cũng từ đó mà ra. Tân là mới, An là an bình nhằm nói lên đây là vùng đất mới an bình cho mọi người. Làng tôi còn là một xứ Công giáo toàn tòng, có khoảng hai trăm hộ với chừng một ngàn nhân danh. Tuy nhỏ nhưng lại là một giáo xứ có truyền thống trong giáo phận. Năm 2020 sắp tới chúng tôi sẽ kỉ niệm 100 năm thành lập giáo xứ. Từ ngày thành lập, giáo xứ đã trải qua nhiều biến cố quan trọng. Đặc biệt là biến có di dân năm 1954, đã khiến cho giáo xứ điêu đứng, chỉ còn vài chục hộ trụ lại. Ông nội và các bác của tôi cũng vào Nam năm đó. Suốt một thời gian dài chúng tôi không có cha xứ, bao lo toan thời cuộc làm cho đời sống đạo bị ngắt quãng. Cho mãi tới sau này, tức là khoảng những năm 90 chúng tôi mới có linh mục chánh xứ, từ đó giáo xứ bắt đầu trổ bông được nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Người dân quê tôi sống chủ yếu bằng nghề biển. Gắn liền với tuổi thơ tôi là hình ảnh dòng sông thơ mộng, là những chiếc thuyền đánh cá, là các lu nước mắm, rừng đước bạt ngàn và đồng muối bao la phủ một màu trắng nắng khi chiều về. Con người vùng biển thì hiền lành chất phác. Đàn ông tuy có nét thô kệch, ăn sóng nói gió nhưng chân tình thẳng thắn. Còn đàn bà ở nhà làm đủ thứ nghề, chạy chợ buôn bán nên lanh lẹ và sắc sảo. Nghề đi biển thì nguy hiểm, nhất là cái thời mà thiết bị liên lạc còn thô sơ, không năm nào vào mùa bão lũ mà không có tai nạn.

Cũng nên nói đôi điều về giới trẻ trong xứ vì tôi thuộc trong đó. Có lẽ do có nghề biển như an bài của số phận, nên trẻ con trong làng tôi trước đây thường bỏ học sớm. Con trai lớn lên thì đi câu mực, con gái thì lo lấy chồng nuôi con. Chỉ những ai mà muốn đi tu hay có chí lắm thì mới cố mà học tiếp. Vậy nên từ thời trước ở quê tôi đã có câu: “Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá lẹp”, dù không có ý khinh khi việc học nhưng là muốn nói lên một thực tế: đánh cá hái ra tiền ngay, còn học hành thì quá mạo hiểm. Sau này khá hơn, đến thời của tôi thì phần lớn học hết phổ thông. Thanh niên trong xứ bây giờ cũng ít đi câu, nhưng xuất ngoại để đi làm ăn xa là nhiều.

3. Gia đình.
Tuy gia đình tôi thuộc một giáo xứ miền biển, nhưng bố tôi lại không đi biển mà ở nhà làm nghề thợ xây. Thực ra thì hồi trước bố cũng từng đi biển và nhà tôi cũng có thời gian ở trên thuyền, nhưng đó là từ hồi tôi chưa sinh ra. Mẹ thì vừa làm muối, vừa đi chợ bán nước mắm. Khoảng năm tôi học lớp năm, lớp sáu gì đó thì mẹ không đi chợ nữa mà ở nhà bán hàng tạp hóa. Tôi có năm chị gái thì hai chị lập gia đình gần nhà, ba chị còn lại đi tu. Chị cả và chị thứ ba đã khấn trọn ở dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, chị thứ tư đang tu ở dòng Phao-lô Đà Nẵng. Cậu em trai thì học xong phổ thông liền xin đi làm ở Sài Gòn được hai năm, giờ đã chuyển về làm gần nhà. Gia đình tôi kinh tế bình thường, không khá giả nhưng cũng không đến nỗi túng thiếu. Cả bảy chị em đều được bố mẹ cho học hành đàng hoàng, có tôi may mắn hơn đã tốt nghiệp đại học.

Xét về tính cách, tôi thấy mình giống bố ở nhiều điểm. Nếu nói về bố mà chỉ dùng những từ ngắn gọn tôi sẽ nói những từ sau đây: trách nhiệm, nhiệt tình, vô tư nhưng bảo thủ. Trong công việc bố không ngại những công việc nặng nhọc nhất. Nhận làm các công trình trong xóm ai cũng thích. Đi sớm về muộn, nhưng có tiền công tiền thưởng là chia đều cho mọi người. Nhiều lúc mẹ tôi cũng bực mình vì cái tính sĩ diện đó của bố, nhưng tôi lại thích bố như vậy, phóng khoáng và không bao giờ vụ lợi. Bố là thợ cả của hội thợ. Bố bảo nghề nó chọn mình nên gắn bó đến nay đã hơn hai mươi năm. Có một thời gian bố phải nghỉ làm là vào năm 2003, năm đó vào dịp hè khi tôi đang ở trên nhà xứ, bố phải đi mổ thận. Bố phải cắt mất một quả thận vì bị sỏi, quả thận còn lại thì bị nang thành ra mười mấy năm nay bố sống chỉ với một quả thận. Chưa hết, bố còn bị đau dạ dày một thời gian dài. Sau lần đó sức khỏe bố xuống thấy rõ, da dẻ sạm lại, cộng với công việc thợ xây vất vả nên bố già đi nhanh chóng. Tuy nhiên trong nhà có lẽ bố lại là người lạc quan nhất. Hồi tôi còn ở nhà, có lần đang đi làm bố đau quá phải về giữa chừng, uống dăm ba viên thuốc vào rồi nằm nghỉ một tí, bớt đau là dậy đi làm tiếp. Chưa bao giờ thấy bố kêu ca để vợ con phải lo lắng cho mình.

Khi hai anh em tôi còn nhỏ, buổi tối bố đi làm về chúng tôi lại thay nhau đấm lưng cho bố, sau đó lại ngồi để bố bẻ lưng cho kêu răng rắc. Bố cũng hay kể chuyện cho chúng tôi nghe: nào là Thạch Sanh, Lưu Bình Dương Lễ, Tấm Cám, chuyện các thánh và cả chuyện ma nữa. Vì thế nên hai đứa cứ bám lấy bố mà đi ngủ. Bố cũng hay hát, rồi cũng biết thổi kèn tây và kèn harmonica, nhất là mấy bài nhạc đạo bố thổi rất hay. Có một kỉ niệm nhỏ tôi rất nhớ đó là có lần bố ngủ trưa mà nói mớ, bố hát nguyên một bài về Đức Mẹ La Vang. Bố ít đánh chúng tôi. Nhỏ đến lớn tôi chưa bị bố đánh lần nào. Mẹ thì có nhưng bố thì không. Bố chỉ bực khi nào chúng tôi cãi lời mẹ, hay đến giờ đi lễ đi nhà thờ mà còn coi ti vi là bố bắt đi liền.

Bố đã làm trong ban hành giáo từ lúc tôi chưa sinh ra. Bố làm thủ quỹ kiêm quản lý các đồ đạc của nhà thờ nên từ nhỏ mấy chị em tôi đã hay lui tới nhà thờ nhà xứ, nhất là mỗi khi có dịp chầu lễ. Cha già hồi còn sống ngài rất thương bố, cần việc gì cũng kêu bố làm. Mấy chị cũng nhờ cha hướng dẫn cho mà biết đi tu, cả tôi cũng vậy. Bố có nhược điểm là bảo thủ. Lúc còn nhỏ thì nghe nhiều người làm việc chung họ phàn nàn nhưng tôi không hiểu, sau này mới biết. Trong công việc, đặc biệt các công việc chung bố rất dễ nổi nóng và lớn tiếng khi ý kiến của mình không được lắng nghe. Điều này tôi không thích. Sau này nhiều lần tôi cũng bực mình vì điều đó, nhất là khi làm chung công việc gì với bố trong nhà. Nhưng rồi cũng quen, biết tính bố vậy nên mình chọn cách nói cho khéo khéo hơn một chút, rồi xét lại thấy mình cũng bị cái tính bảo thủ mà không biết chừng, nên phải nhớ để tập mà sửa.

Như đã nói đến từ đầu tôi có năm chị gái và một em trai. Trong số năm chị, có hai chị lập gia đình và ba chị hiện đang đi tu. Rồi trong số ba chị đi tu, có lẽ chị cả Thu là người ảnh hưởng đến quyết định đi tu của tôi nhiều nhất. Chị Thu đi tu từ lúc tôi còn bé tí, chắc khoảng 7 hay 8 tuổi gì đó. Chị đi tu tận trong Bến Tre, dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Tất nhiên là hồi đó tôi không thể hình dung ra được Bến Tre là nằm ở đâu, chỉ biết rằng nó rất xa, vì mỗi năm chị chỉ được về một lần hoặc hè hoặc tết, rồi lâu lâu mới có một lá thư. Cứ mỗi lần chị về là tôi và em Trí lại được một dịp sung sướng với biết bao là món mới lạ: nào là kẹo dừa, chôm chôm hay sầu riêng, măng cụt… Thế nhưng niềm vui này cũng phải trả cái giá khá đắt. Chị về là phải ở nhà học bài, không thể trốn mẹ đi tắm sông, phải tập đọc tập viết, phải tập quét nhà, dọn cơm… Mùa hè nào chị về là coi như chúng tôi phải miễn cưỡng thành con ngoan trò giỏi. Tôi thì tôi thích tắm sông và đá bóng hơn là học, nên việc phải ở nhà trong khi lũ bạn réo gọi là cả một cực hình. Tuy vậy cũng có một việc mà tôi thích đó là được học hát. Chị hay bày cho chúng tôi hát các bài hát sinh hoạt, nhiều bài rất dễ thương đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Dù trẻ con không thích kỉ luật, nhưng qua chị tôi bắt đầu thích cái khái niệm đi tu dẫu không biết thực chất như thế nào.

Tôi đã may mắn có được sự gần gũi với đời tu qua ngã đường gia đình ngay từ lúc còn nhỏ, và điều này thực sự đã ảnh hưởng đến nhiều quyết định của tôi trong tương lai.
Ngay từ nhỏ tôi đã có ước mơ sẽ trở thành linh mục. Còn nhớ mỗi khi có ai đến nhà chơi nếu có hỏi tôi sau này sẽ làm gì, tôi trả lời ngay sẽ làm linh mục, còn em Trí nó bảo muốn đi câu mực để nuôi bố mẹ. Ý nghĩ trẻ con đơn sơ những cũng cho thấy hai anh em rất khác nhau. Trước đây mẹ tôi và dì Quế vẫn thường đi chợ Ngò bán nước mắm. Do không biết đi xe đạp nên mẹ và dì phải gánh hàng và đi bộ tới tận chợ. Lúc nhỏ trong trí tưởng tượng của tôi chợ Ngò là một nơi xa xôi và vĩ đại lắm, vì mẹ phải đi từ lúc tờ mờ sáng cho đến chiều mới về. Thêm nữa hôm nào mẹ đi chợ về cũng mang theo đầy những loại bánh trái. Bữa thì bánh xèo, bánh chưng, có bữa lại là bánh ngào, bánh trôi hay khúc mía, quả cam, rồi những bộ quần áo mới trong các dịp lễ nữa... Vì thế cứ hễ bữa nào mẹ đi chợ, tôi và em Trí đều lên nhà bà ngoại từ sáng để đợi mẹ về. Ở nhà bà ngoại anh em tôi cùng với Trực và bé Thường (con dì Quế nên là em họ của tôi) tha hồ đùa nghịch suốt buổi sáng. Nhưng đến trưa là dượng Sĩ lại bắt cả đám vào ăn cơm, xong là nằm dài ra giữa nhà bắt đi ngủ. Ôi thôi khổ nhất là phải đi ngủ trong khi mẹ gần về, nhưng một phần vì sợ dượng, phần nữa là nhà bà ngoại gần sông nên rất mát, thế nên chẳng mấy chốc cả bầy đã lăn ra ngủ say sưa. Đến chiều cứ khoảng tầm ba giờ là mẹ về. Hôm nào ngủ dậy sớm chúng tôi đều chạy ra đợi mẹ từ ngoài bờ sông, mắt ngóng về phía con đê đầu làng. Vừa thấy bóng mẹ gồng gánh trên đê là chúng tôi đã hét lên, rồi thi nhau xem ai chạy ra đường trước để đón mẹ.

Tôi thì tôi thích ăn cơm bà nấu, nhất là món thịt kho, rồi nằm ngủ ở nhà bà ngoại hay nhà dì Quế cũng mát hơn nhà tôi, nên tôi hay lên bà ăn cơm và ngủ lại. Còn em Trí thì không, nó chỉ lên chơi, đến khi ăn cơm là đòi về nhà cho bằng được. Tôi nhớ có lần buổi chiều hai anh em mải chơi mà quên giờ về, đến lúc nó đòi về thì trời đã tối. Từ nhà bà về nhà tôi phải đi chừng hai trăm mét, dọc theo đường sông vì đi đường cái sợ xe nhiều nguy hiểm. Tôi đành phải dẫn nó về. Dọc đường cả hai anh em đều sợ ma, nhất là khi dưới sông có tiếng động của mấy chú cá đi ăn đêm là nổi hết cả da gà. Nhưng tôi vì là anh nên tuy rất sợ cũng không dám nói, tôi đành lâm râm đọc kinh Chúa Thánh Thần cho đỡ sợ, kinh mà ở nhà mẹ hay đọc khi bắt đầu giờ kinh gia đình. Tôi đọc rồi chỉ cho em Trí đọc chung, tôi giải thích cho em như ở nhà mẹ giải thích cho tôi, rằng Chúa Thánh Thần sẽ bảo vệ cho hai anh em khỏi sợ ma. Thế là thấy an tâm, không còn sợ nữa. Từ sau lần đó, mỗi khi sợ ma là tôi lại đọc kinh Chúa Thánh Thần để hết sợ.

4. Lên nhà xứ.
Hè năm lớp Bốn tôi được lên nhà xứ ở. Hồi đó với tôi điều này là cả một biến cố trọng đại vì
trong đám bạn cùng trang lứa chỉ mình tôi được vào nhà xứ. Bây giờ nhìn lại nó trở nên một phần quan trọng trong hành trình tôi theo bước ơn gọi, là khoảng thời gian vun đắp cho tôi nhiều tình cảm với nhà thờ, với Chúa. Cũng trong khoảng thời gian này tôi đã lãnh nhận hai bí tích quan trọng là Xưng Tội và Rước Lễ.

Tôi không biết vì lý do gì tôi được lên nhà xứ. Có lẽ vì bố muốn tôi đi tu nên đã gửi gắm tôi cho Cha già từ sớm. Tuy nhiên ban đầu tôi lại nghĩ rằng đó là một phần thưởng. Chuyện là cuối năm lớp bốn tôi được danh hiệu học sinh xuất sắc, lại thi đậu kì thi học sinh giỏi huyện nên bố hứa sẽ cho tôi vào giúp lễ. Từ nhỏ tôi rất thích được giúp lễ. Nhiều lần đi theo bố vào nhà xứ, tôi hay được cha xứ cho kẹo, các chú trong nhà xứ cũng rất thương tôi, hễ mà bắt được tổ chim nào lại cho tôi một con về nuôi. Rồi những lần được dẫn vào nhà thờ, vào phòng mặc áo, được ngắm nhìn gian Cung thánh từ phía sau, được chiêm ngưỡng bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu trên cao, tượng Đức Mẹ, thánh Giuse ở rất gần, hay được dẫn lên gác đàn nơi ca đoàn ngồi hát cuối nhà thờ, tháp chuông nơi mà trước đây đối với tôi là vô cùng bí mật. Nhà thờ, nhà xứ, tháp chuông không biết từ bao giờ đã trở nên thật gần gũi và thân thương.

Lên nhà xứ tôi ở với cha già Antôn Bùi Đức Duyệt. Ngài về đây để hưu, nhưng cũng vừa coi sóc giáo xứ đã được hơn 10 năm, cho đến khi tôi lên nhà xứ ở thì cha đã 89 tuổi. Ngài là một linh mục đạo đức, ở cái tuổi xưa nay hiếm tuy có chậm chạp nhưng còn rất minh mẫn. Trong nhà xứ lúc đó còn có chú Mười, người ở Đô Lương. Chú đã ở với cha từ hồi cha còn quản hạt Bột Đà quê chú, sau này khi cha ra đây chú cũng theo ra giúp cha. Rồi có anh Loan hơn tôi hai tuổi, người ở xứ Song Ngọc là cháu của cha. Hồi trước nhà xứ có O Giúp làm bà bọ, lo nấu nướng dọn dẹp cho cha, sau này vì anh Loan nấu nướng được, với lại o cũng lớn tuổi nên không ở phụ cha nữa. Vậy là những ngày đầu lên nhà xứ, tôi chỉ biết chạy lên chạy xuống nhà bếp để phụ với anh Loan nấu nướng và dọn dẹp. Thú thật là trước tới nay ở nhà tôi có các chị lo cho hết, chẳng phải đụng tay đụng chân làm gì nên giờ cứ lóng nga lóng ngóng. Vì thế mà ngay ngày đầu tiên ở nhà xứ tôi đã biết đến cảm giác nhớ nhà. Tuy nhiên tôi đã thay đổi từ khi vào nhóm giúp lễ.

Các chú mà tôi kể đến ở trên là những người ở với cha, ngoài ra nhà xứ còn có các anh trong nhóm giúp lễ. Giúp lễ thì chỉ lên xứ ngủ vào buổi tối, sáng ra lo công việc dọn lễ xong là về. Mới đầu lên nhà xứ tôi hay chơi với các anh hơn, tôi cũng thích được giúp lễ nhưng vì còn nhỏ quá nên cha chưa cho. Tuy nhiên tôi đã không phải chờ lâu. Vào Chúa nhật đầu tiên, có vài anh trong nhóm giúp lễ không đi nên thiếu người. Vì thế mấy anh xin cha kêu tôi vào nhà mặc áo tập giúp thay. Vậy là từ đó hội giúp lễ có thêm tôi, thành viên nhỏ tuổi nhất. Tôi nhanh chóng làm quen với công việc mới. Từ nay ngoài việc phụ dọn dẹp nấu nướng, tôi được phân công dọn phòng thánh trước thánh lễ, giựt chuông, đóng cửa nhà thờ. Ở xứ tôi các chú giúp lễ lo hết từ A đến Z, vậy là tôi có dịp đi khắp nhà thờ, cung thánh, trèo tháp chuông như tôi từng ao ước. Buổi tối tôi ngủ chung với anh em giúp lễ, chú Mười ngủ ở phòng riêng, chú coi sóc anh em chúng tôi.

Phần lớn anh em giúp lễ toàn trẻ con, lớn nhất chỉ mới lớp 8. Cũng chính vì vậy mà ở nhà xứ chúng tôi bày ra đủ thứ trò nghịch ngợm. Trò mà chúng tôi thích nhất là đá banh. Sân nhà xứ thì rộng, lại được láng xi măng bằng phẳng nên là nơi quá lý tưởng. Ban đầu chỉ đá vào buổi chiều, sau này khi chú Mười không còn ở đây nữa chúng tôi đá luôn cả buổi đêm. Buổi tối để cha xứ không phát hiện ra, chúng tôi lấy chăn che hết cửa sổ của ngài, lấy vải bọc kín quả banh nhựa, chong đèn sáng chưng, thế là tha hồ mà đá cho đến khi mệt nghỉ mà không bị ai la. Cuộc đời thật đẹp cho đến sáng hôm sau, cả nhóm đi lễ ngồi trên cung thánh mà ngủ gục lên gục xuống, có anh còn trốn vào tủ áo để ngủ nên quên luôn cả lễ. Đến lúc cha la thì cả bầy đứa nào cũng có tội nên huề cả làng, lần sau cứ vậy chơi tiếp.

Anh em trong nhóm giúp lễ có vẻ đoàn kết. Tuy nhiên lâu lâu cũng có kẻ phá đám, đó chính là tôi. Tôi nhớ có lần một anh lớn trong nhóm giúp lễ có xích mích với một anh ngoài làng. Thế là học giáo lý xong hai đứa kéo nhau ra sân banh trên kho muối đánh nhau. Tôi cùng mấy anh em trong nhóm giúp lễ cũng chạy theo để cổ vũ. Hôm đó mãi hơn 10 giờ đêm tôi mới về. Vừa về đến nhà tôi gặp thấy chú Mười đã đợi sẵn ở cửa. Bước vào nhà thấy anh Phương và Loan đã về trước, thấy tôi về mà lặng im không nói năng gì. Chú Mười hỏi tôi đi đâu mà giờ mới về, tôi sợ quá vì bình thường chưa bao giờ bị chú la, hôm nay dám bỏ đi chơi đến khuya. Tôi đành phải khai thật mọi sự, rằng đi coi anh Tiệp đánh nhau, kể tên hết những anh trong nhóm giúp lễ có mặt cổ vũ. Kể xong không thấy chú nói gì, chỉ kêu tôi đi ngủ. Nằm được một lát tôi thấy anh Tiệp và những anh em còn lại cũng lục đục kéo nhau về. Sáng hôm sau khi thánh lễ xong, vừa vào đến nhà xứ tôi đã thấy chú cầm roi mây ra kêu nhóm giúp lễ vào. Cả nhóm lo lắng kéo nhau vào. Chú đánh cho mỗi đứa hai roi vì cái tội đi chơi khuya, còn bày trò đánh nhau, riêng tôi không bị đánh roi nào. Chú tha cho tôi vì đã thành thật khai báo. Lúc này tôi mới biết anh Loan và Phương về trước đã nói dối chú là đi học nhóm, anh Tiệp về sau thì bảo là mấy đứa về nhà nên lên trễ. Vậy là tôi đã bán đứng anh em. Không bị đánh nhưng lòng cứ áy náy. Tuy vậy mấy anh không ai để bụng hết, chắc vì chú cũng đánh nhẹ, hơn nữa tôi là em út mà !

Một lần khác tôi bị chú đánh thật là vào dịp chầu lượt giáo xứ Song Ngọc. Ở xứ tôi buổi trưa bà con vẫn thường lên viếng Chúa và đọc kinh lúc 12 giờ. Chúng tôi có nhiệm vụ đánh kẻng báo hiệu. Bình thường khi có chú ở nhà, hai đứa không bữa nào dám bỏ kinh trưa, dù ra đến nhà thờ là ngủ không biết gì cho đến lúc về. Bữa đó chú chở cha đi chầu lượt, ở nhà chỉ có tôi và anh Loan. Gặp hôm trời mưa thế là sau khi ra đánh kẻng hai anh em chạy đi tắm mưa luôn. Tắm mưa không chưa đã, chúng tôi còn trèo lên cây hái quả trứng gà chín ném nhau chơi. Ngoài hai đứa còn có thêm mấy đứa hàng xóm chạy sang phụ họa làm mấy bức tường nhà xứ đầy những vết loang lổ, trứng gà chín choẹt vương vãi khắp nơi. Kết quả là chúng tôi bị một trận đòn ngay khi chú vừa về đến nhà. Lần này thì tôi không có lý do gì để chạy tội nữa cả.

Ở nhà xứ còn có lần tôi xém chết. Vào mùa mưa tầm tháng 7 tháng 8, ở quê tôi mưa rất to. Vùng đất nhà thờ rộng nên nhiều ếch, nên hễ có trời mưa là chúng tôi kéo nhau đi bắt, vừa vui lại đầy tính phiêu lưu. Bữa đó mưa dữ dội, sét đánh sáng cả trời. Vừa đi loanh quanh nhà thờ được một tí, chúng tôi gặp một con ếch to. Thế là cả nhóm chạy theo, đuổi đến gần cổng nhà thờ, dưới gốc cây phượng thì chụp được. Vừa bắt được chú ếch là một tia sét đánh ngay trên đầu cả bọn. Chúng tôi mỗi đứa bay dạt ra một góc, ngơ ngác như người mất hồn. Tôi tin là lần đó Đức Mẹ đã cứu chúng tôi, cây phượng nơi chúng tôi bị sét đánh nằm gần ngay tượng Đức Mẹ. Xong cú đó cả bọn bỏ luôn không đi bắt ếch nữa. Sáng ra vào nhà thờ kiểm tra mới thấy các ổ điện trong nhà thờ cũng bị sét đánh cháy bung hết.
Tôi ở nhà xứ được ba tháng hè, chuẩn bị đến năm học mới là tôi chuyển về nhà.

5. Xưng tội rước lễ lần đầu.
Mùa hè ở xứ tôi là thời gian để học giáo lý. Mỗi năm chúng tôi học hai đợt, đợt một là mùa
quanh năm vào các Chúa nhật, mùa hè là đợt hai chương trình học thường nhật. Vì thế mà buổi tối các anh trong nhà xứ ai cũng phải đi học giáo lý hết, riêng tôi thì học buổi sáng cùng với học giáo lý . Xưng tội buổi chiều. Tôi thích học giáo lý nên học rất mau thuộc. Từ ngày lên nhà xứ cho đến sau này, tôi thường hay được chọn để thi giáo lý hạt hàng năm. Năm 2006 khi đang học lớp Căn Bản 3, tôi một lần được đi thi giáo lý giáo phận và đạt giải khuyến khích. Đó cũng là thành tích tốt nhất tôi có được. Mùa hè năm 2003 cũng là dịp tôi được xưng tội rước lễ lần đầu. Tôi bắt đầu học giáo lý xưng tội trước đó chừng hai tháng, ông giáo Châu dạy chúng tôi. Sau khi đã học hành kỹ lưỡng và trải qua mấy lần thi khảo, đến khoảng giữa tháng 7 chúng tôi được lãnh bí tích.

Có một kỷ niệm trong lần xưng tội lần đầu mà tôi không thể quên. Lần đó tôi xưng tội với cha là mình ăn cắp tiền của mẹ để mua banh nhựa chơi. Không nhớ bao nhiêu lần nhưng nhiều lắm. Cha tha tội cho tôi, nhưng ngài giao cho tôi phải làm việc đền tội là về xin lỗi mẹ. Thế là tôi xin cha về để gặp mẹ. Giờ nhớ lại thấy cũng buồn cười, lí nha lí nhí mãi tôi cũng nói được, vừa nói vừa khóc. Tôi khai hết với mẹ về tội ăn cắp của mình, mỗi lần lấy một ngàn hai ngàn, tôi còn lý sự rằng vì mẹ giữ tiền lì xì tết của tôi, nên nay tôi lấy lại coi như huề vốn. Sau lần đó mọi người biết chuyện, nhất là mấy anh trong hội giúp lễ ai cũng chọc tôi. Nhưng tôi không sợ, vì ít ra mình đã dám làm thì dám chịu. Cũng từ đó về sau tôi bỏ luôn cái tật lấy tiền của mẹ.

6. Học hành.
Hồi nhỏ trong đám bạn tôi là đứa học khá, cả về giáo lý lẫn các môn trên trường. Bắt đầu năm lớp Ba tôi được chuyển qua học lớp chọn của khối. Cho đến lớp Chín năm nào tôi cũng được học sinh xuất sắc. Cuối năm lớp Chín tôi là một trong hai người đầu tiên của trường đậu học sinh giỏi cấp tỉnh môn sinh học, cùng nhiều giải cấp huyện ở các môn khác. Chắc là thời đó bố mẹ cũng khá yên tâm về chuyện học hành của tôi, một phần vì so với đám bạn tôi không đến nỗi nghịch ngợm hay cứng đầu. Vậy nên nếu tôi có cần đi học thêm hay mua sắm cái gì cho việc học là bố mẹ cho tiền ngay. Trong việc học tôi có rất nhiều quyền quyết định, ngay cả sau này cũng vậy, bố mẹ cũng như các chị luôn ủng hộ tôi. Có lẽ vì thế mà đôi lúc tôi quá chủ quan.

Nếu thành thật với chính mình, tôi phải thú nhận rằng chưa bao giờ tôi cố gắng mà học cho tới nơi. Tôi học nhanh nhưng lại không chắc, đặc biệt những môn nào mà tôi cho là của con gái là không thèm học. Tôi nhớ hồi lớp Bốn, hễ cứ kêu lên bảng trả bài là tôi phải đứng vì tội không làm bài tập về nhà. Rồi năm lớp Chín dám bỏ học văn để đi đá bóng. Học hành dù biết quan trọng nhưng chưa bao giờ là bận tâm hàng đầu của tôi. Chính điều này đã tạo cho tôi nhiều thói quen xấu mà cho đến giờ tôi phải rất vất vả để sửa đổi. Cuối năm lớp Chín tôi làm hồ sơ để thi chuyển cấp. Ở huyện tôi có tất cả bốn trường phổ thông công lập và hai trường dân lập. Riêng xã tôi chỉ có ba lựa chọn khả thi là trường Quỳnh Lưu I, trường Nguyễn Đức Mậu và trường Quỳnh Lưu III. Còn trường dân lập Cù Chính Lan là phương án hai dành cho những ai rớt các trường trên. Tôi chọn thi vào trường Quỳnh Lưu 3, là trường các chị tôi đã học. Từ đây tôi bắt đầu chuyển qua một giai đoạn mới trên hành trình của mình.


II. THỜI PHỔ THÔNG.

1. Bạn mới.
Sau kì thi chuyển cấp tôi đậu vào trường Quỳnh Lưu 3. Nhờ điểm thi môn toán cao, tôi được học lớp 10A2, là lớp học chương trình nâng cao khối tự nhiên. Quỳnh Lưu 3 là một ngôi trường đẹp, thuộc xã Quỳnh Lương, từ nhà tôi qua chừng năm cây số. Lớp chúng tôi nằm ở tầng một, phía sau là sân bóng cũng là sân học thể dục, phía trước là sân trường rợp bóng hoa sữa nên cứ vào độ tháng chín mùa tựu trường là cả vùng thơm ngát mùi hoa.

Người ta nói trên đời để có một người bạn tri kỉ hiểu mình thật khó, nếu vậy tôi hẳn là người
may mắn vì đã được ban cho một người bạn tri kỉ mà không phải kiếm tìm. Tình bạn của tôi và Công xảy đến giống như một sự sắp đặt của Chúa. Hồi mới vào học tôi khá rụt rè, phần vì lớp toàn bạn mới, bọn bạn cấp hai của tôi đa số học trường khác gần hơn, lại nữa do tính tôi hồi đó còn e dè, ít nói. Trong lớp và những lúc ra sân xếp hàng, tôi luôn phải ngồi bàn đầu vì là đứa thấp nhất trong đám con trai. Cũng vì lý dó đó mà tôi thân với Công. Lý do xem ra thật éo le nhưng đúng như vậy, Công cũng thấp như tôi nên nếu trong lớp hai đứa ngồi chung một bàn, còn ra sân thì bữa nào tôi đứng đầu là Công thứ hai, và tôi chỉ được đứng thứ hai chừng nào có Công đứng đầu. Nhưng có lẽ lý do thật sự quan trọng gắn kết chúng tôi phải kể đến đó là hai đứa đều có đạo. Trong lớp hơn ba mươi người chỉ
có ba đứa có đạo là Công, Hồng Lam và tôi, tỷ lệ một phần mười. Lại nữa Công và Hồng Lam đều là người ở xứ Lộc Thủy, là giáo xứ mà cha An coi sóc đồng thời kiêm giáo xứ tôi. Vậy chúng tôi cùng một cha. Quá nhiều điểm chung khiến cho tôi và Công sớm thân thiết với nhau. Chúng tôi chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện trên đời. Nào chuyện học hành, gia đình, chuyện giáo xứ. Tôi cũng hay kể chuyện học giáo lý, hai đứa cũng rất thích đố nhau các câu đố về Kinh Thánh. Lắm lúc chúng tôi còn chia sẻ cả các tật xấu của mình, hay bàn tán về các bạn nữ trong lớp. Rất nhiều chủ đề để chúng tôi thao thao bất tuyệt, trong lớp chưa đủ, đến giờ ra chơi chúng tôi còn có thú vui đi dạo dọc sân trường, hay ngồi “đàm đạo thế sự” dưới các gốc cây bằng lăng nhuộm tím một vùng. Sau này mỗi lần họp lớp tụi bạn mới bảo hồi đó cứ tưởng hai thằng bị pê đê, suốt ngày cứ bám lấy nhau mà nói chuyện. Chúng tôi chỉ biết cười trừ ! Tuy vậy, càng có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn, chúng tôi
càng nhận ra hai đứa có rất nhiều khác biệt trong tính cách cũng như những dự dự phóng cho tương lai. Tôi thì thích học toán nhưng lại dốt Tiếng Anh, ngược lại Công có đam mê học Tiếng Anh trong khi đôi lúc lại mệt với môn toán. Tôi thì nhác học nên học hành cứ chập chừng lúc dở lúc hay, còn Công thì nghiêm túc, đã quyết điều gì là làm cho tới cùng. Nói đến chuyện này làm tôi chợt nhớ đến một kỉ niệm. Hồi đó hai đứa xác định do mình lùn nên phải ngồi bàn đầu, từ đó quyết tâm tập luyện để cao hơn. Tôi không nhớ mình chọn giải pháp gì, nhưng chắc cũng không thực hiện được lâu, còn Công chọn hít xà đơn. Tuy nhiên hít xà cũng chưa đủ, Công còn nghĩ ra cách là buộc thêm hai viên xò dưới chân để kéo dãn chân ra, rồi bền bỉ tập luyện. Vì thế mà dù bằng nhau về cân nặng và chiều cao, nhưng người công lúc nào cũng chắc chắn và khỏe hơn tôi, chưa lần nào tôi vật tay lại Công.

Từ những năm tháng cấp ba tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tu. Chuyện này tôi ít kể với ai ngoài Công. Tôi kể Công nghe về ước mơ linh mục hồi nhỏ, về những kỉ niệm trong nhà xứ, dự định của tôi khi học xong cấp ba. Tôi không định sẽ thi đại học, nghĩ rằng mình đi tu luôn thì khỏi cần học nhiều làm gì. Điều này là một sai lầm trong ý nghĩ non nớt bấy giờ của tôi về đời tu, hay đúng hơn là tôi đã mượn chuyện đi tu để làm cớ cho sự biếng nhác học hành. Công thì khác, từ ban đầu Công đã có một thái độ rất nghiêm túc trong việc học. Công có cậu lúc đó đang tu học tại một chủng viện bên Úc, vậy nên tương lai Công muốn theo cậu. Hôm nay khi tôi đang ngồi đây viết những dòng này, thì Công đã thực hiện được ước mơ của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ Huế, Công bén duyên với ơn gọi chủng viện và hiện Công đang học tại chủng viện Sydney, Úc.

Suốt thời gian cấp III tôi còn có nhiều bạn khác nữa, nhưng phần lớn là bạn ngoại đạo. Chúng tôi cùng nhau học hành, vui chơi và gắn bó với nhau qua bao chuyện vui buồn. Trong đêm liên hoan chia tay lớp chuẩn bị cho mùa thi cử sắp tới, tôi nhớ bữa đó Công làm MC, Công đã trích một câu tiếng Anh trong bài hát yêu thích làm mọi người rất cảm động, Công còn nhớ không?
“LOVE IS NOW OR NEVER!”
Vâng, tình yêu là bây giờ hoặc không bao giờ!

2. Bén duyên ơn gọi Phan Sinh - Cha An.
Đầu năm 2008 giáo xứ tôi có cha quản xứ mới, cha Gioan Baotixita Nguyễn Duy An. Cha là linh mục dòng Phanxicô, người quê Thuận Nghĩa. Cha đến nhận giáo xứ thì đồng nghĩa cha Già chính thức nghỉ hưu, ngài không còn phải lo lắng các việc trong xứ nữa, tuy cha vẫn ở với chúng tôi và dâng Thánh lễ mỗi ngày. Còn cha An không ở đây, Ngài ở bên giáo xứ Lộc Thủy là giáo xứ của Công bạn tôi. Cùng một lúc cha coi sóc hai giáo xứ. Mỗi tuần ngài qua xứ tôi hai lần vào thứ tư và Chúa Nhật để dâng lễ. Cha mới về trẻ trung, năng động lại là cha dòng nên đã mang đến nhiều thay đổi trong giáo xứ. Cách riêng, Ngài chính là người đã giúp tôi bén duyên với ơn gọi Phan Sinh.

Thực ra thì hồi bé tôi đã có dịp gặp thấy cha dòng Phanxicô rồi. Đó là những lần mà cha Xuân Thảo và cha Công Minh về thăm quê. Hai anh em cùng là linh mục dòng Phanxicô, là cha quê hương của giáo xứ. Mỗi lần về quê các cha cũng hay ghé thăm bố tôi vì hồi xưa bố từng ở với ông Đức (là thân phụ của hai cha) trong thời gian anh em cha cùng mẹ di cư vào miền nam. Tuy nhiên hồi đó tôi còn nhỏ quá nên đâu có biết gì. Chỉ đến khi cha An về, tôi mới bắt đầu để ý đến cái áo dòng màu nâu ngài vẫn mặc, nghe Ngài chia sẻ về thánh Phanxicô, thích cái phong cách gần gũi giản đơn của ông cha dòng... Rồi trong thời gian coi xứ, cũng có nhiều lần cha mời các cha khách là anh em trong dòng về giúp tĩnh tâm, giúp Giáng sinh hay Tuần thánh như cha Sỹ, cha Khôi, cha Hùng. Lúc đó là giúp lễ nên tôi có nhiều cơ hội gần gũi với các cha, đôi lúc còn dẫn các cha đi thăm nhà này nhà kia.

Trong năm đầu cha về coi xứ có hai thầy trong dòng về giúp cha là thầy Đạt và thầy Huấn (cả hai giờ đều đã là Linh mục). Cũng như cha, hai thầy cũng ở bên Lộc Thủy, hàng tuần qua đồng hành với chúng tôi vài buổi. Hồi đó trong giới trẻ xứ tôi chỉ có một hội đoàn duy nhất, hội Hành khất Kitô. Hội này được thành lập từ mấy năm trước, dưới thời cha già. Tinh thần của hội sau này tôi nhận ra cũng na ná như hội giới trẻ Phan sinh, chắc là ý tưởng thành lập hội cũng xuất phát từ đó. Tôi tham gia hội từ những buổi đầu. Lúc mới khai sinh, hoạt động chủ yếu của chúng tôi là gặp gỡ nhau hàng tuần để chia sẻ lời Chúa và sinh hoạt. Chúng tôi cũng tham gia các công việc chung trong xứ, trong làng và là hạt nhân trong các phong trào của giới trẻ. Ban đầu điều hành hội là các anh lớn trong giới trẻ xứ, bây
giờ có thêm hai thầy đồng hành nên những hoạt động của chúng tôi đi vào khuôn khổ và quy củ hơn nhiều. Các thầy giúp chúng tôi tập chia sẻ lời Chúa trong nhóm, chơi các trò chơi tập thể, cùng tham gia các hoạt động tông đồ, tổ chức trại hè... Đôi lúc các thầy cũng chia sẻ về đời tu, về nhà dòng Phanxicô, về bước đường ơn gọi. Có lẽ đó cũng chính là những hạt giống Phan Sinh đầu tiên gieo vào lòng tôi, để hôm nay khi đã khôn lớn tôi tiếp tục vun trồng.

3. Cha già Antôn Bùi Đức Duyệt.
Cha già như một tượng đài trong lòng tôi. Tuổi thơ tôi gắn liền với nhà thờ nhà xứ cũng là một tuổi thơ bên cha. Tôi thuộc thế hệ giúp lễ chuyển giao giữa cha già và cha An, cũng là thế hệ gần gũi cha trong những năm cuối đời. Ở cái tuổi 90, với chúng tôi cha như một người ông thánh thiện, còn chúng tôi là những đứa cháu tinh nghịch và quậy phá hết trò này đến trò khác. Tuy vậy cha vẫn rất thương chúng tôi. Tôi nhớ có lần chúng tôi đi chọc tổ ong. Sân nhà thờ và nhà xứ trồng rất nhiều dừa, vì thế mà ong hay đến làm tổ. Có lần có tổ ong to ngay trên cây dừa gần lối vào phòng mặc áo. Thế là chúng tôi rủ nhau lấy đá chọi. Tổ ong rớt xuống từng mảng, đứa nào chạy không nhanh thì bị nó đốt cho. Mà lại toàn là ong vò vẽ nên nếu bị đốt thì đau phải biết. Vậy là ném xong, đứa thì chui vào tủ áo lễ trốn, đứa thì nhảy xuống hồ cá, đứa lại lấy chăn trùm kín người. Xui cho chúng tôi ngay lúc đó cha già đi ra. Ngài đi thì chậm, lại đâu có biết có tổ ong vỡ ngay cửa vào nhà mặc áo, thế là lũ ong tìm ngài trả thù. Sau vụ đó chúng tôi khiếp đến già, cha không phạt chúng tôi nhưng cha phải nghỉ dâng lễ mất mấy ngày nên về nhà bố mẹ phạt thay cha.

Cuối năm lớp Chín, bố dự định xin cho tôi vào ở với cha Việt. Cha Việt là tân linh mục quê hương và lúc đó đang coi xứ Trang Nứa gần tòa giám mục. Tôi thì dù đã làm xong hồ sơ để thi chuyển cấp, nhưng trong lòng vẫn thích được chuyển đến học ở nơi khác, được xa nhà. Tuy nhiên cha già không cho, bố nói rằng cha không cho bố gửi tôi vào cha Việt mà bắt tôi phải học ở nhà. Cha bảo còn nhỏ phải ở với bố mẹ, với lại cha cũng có ý sau này gửi tôi cho cha Phùng là nghĩa tử của cha. Thế là tôi đành ở nhà học tiếp cấp III, một quyết định miễn cưỡng nhưng giờ nghiệm ra là tốt cho tôi.

Cha già mất hơn một năm sau ngày cha An về. Ngài mất ngày 12 tháng 4 năm 2009, đúng vào đêm vọng Phục sinh. Cha bắt đầu yếu dần từ sau tết, khoảng đầu tháng Hai. Dù là đầu xuân nhưng thời tiết còn rất lạnh, từ lâu cha không dâng lễ sáng được nữa. Cha Phùng cũng về thường xuyên hơn để thăm cha, khi thì để chở cha đi bệnh viện. Tuần thánh năm đó cha An nhờ cha Sỹ giúp chúng tôi. Suốt tuần thánh cha già tham dự lúc được lúc không. Bố và chú Mười luôn phải ở gần cha. Đến trưa ngày thứ bảy, cha kêu bố tôi bảo thèm ăn canh bí đỏ hầm thịt. Bố liền đi nấu cho cha nhưng ngài chỉ ăn được một chút. Khoảng 3 giờ chiều cha bị xuất huyết phải đi cấp cứu. Buổi tối hôm đó là đêm canh thức vọng Phục sinh, cha Sỹ chủ sự các nghi thức và thánh lễ. Khi lễ gần xong thì nghe tiếng còi xe cứu thương đưa cha về, bà con kéo vào đầy sân nhà xứ. Cha được đặt nằm trên chiếc giường nhỏ giữa nhà, đầu hướng nhìn ra sân nơi bà con đang đọc kinh. Những giây phút cuối đời ngài gây cho tôi nhiều xúc động. Ngài đang hấp hối, nhưng tỉnh táo. Ngài hỏi thăm những thân người vào viếng, thều thào dặn dò bà con đủ điều. Ban đầu nhiều người khóc, nhưng lúc sau tất cả đều hòa chung trong lời kinh Mân Côi. Hai giờ sáng hôm đó cha ra đi, thanh thản an bình, hưởng thọ 95 tuổi với 60 năm đời linh mục.

Cha già được an táng trong sân nhà thờ, nơi có mộ phần của các cha tiền nhiệm. Cha Phùng là người đứng ra lo tổ chức tang lễ rất chu đáo. Chú Mười thì từ lâu đã theo giúp cha Phùng trong tòa giám mục, còn anh Loan thì về ở với gia đình tôi để học cho xong chương trình phổ thông và chuẩn bị thi đại học. Nhà xứ trở nên vắng vẻ, anh em giúp lễ cũng chỉ lên xứ hôm nào có thánh lễ. Năm đó tôi đang học lớp 10, tôi vẫn tiếp tục giúp lễ cho đến ngày vào đại học.

4. Năm 2011 – một năm sôi động.
Năm 2011 là một năm nhiều biến cố, đánh dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Là năm tôi kết thúc chương trình phổ thông, sẽ thi tốt nghiệp và đại học. Đó cũng là năm tôi quyết định đăng ký tham dự tuần tĩnh tâm khám phá ơn gọi, một quyết định táo bạo.

Tôi bắt đầu năm mới bằng một kỉ niệm khá ý nghĩa. Vào đêm tất niên cuối năm, xứ chúng tôi được vinh dự đón đức Giám mục và cha Việt về dâng lễ tạ ơn. Trong thánh lễ, ngài đã bất ngờ làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ hỏi mọi người về mong ước cho năm mới. Tôi ngồi trên gian cung thánh, trong đám giúp lễ đã bị tia đầu tiên. Giờ tôi không còn nhớ được mình đã trả lời chi tiết thế nào, nhưng đại ý tôi có xin cho mình thi đậu đại học, đồng thời cũng xin để có được những quyết định đúng đắn cho tương lai, hàm ý ám chỉ việc muốn đi tu.

Kế đến là làm hồ sơ thi đại học. Từ nhỏ tôi đã thích vọc máy móc, thích cơ khí, điện tử và học khá các môn tự nhiên. Rồi cũng thích học ở miền Nam chứ không thích ra Hà Nội dù phần lớn bạn tôi chọn Hà Nội. Vì thế nên tôi làm hồ sơ thi vào đại học Bách Khoa Sài Gòn. Để cho chắc ăn tôi còn đăng kí thi thêm khối B vào trường Đại học Y Dược, ngành Y Tế Công Cộng. Đến tháng 5 khi mà vừa kết thúc chương trình trên trường, tôi liền đăng kí vào một lớp luyện thi đại học trên thị trấn Cầu Giát. Vì thế mà tôi đã xin lên ở với Cha Phùng để tiện cho việc đi học thêm (sau thời gian làm thư ký tòa giám mục, cha chuyển về quản xứ và quản hạt Thuận Nghĩa từ năm 2010).

Tôi ở trên xứ Thuận Nghĩa với cha Phùng được chừng hơn một tháng, cứ mỗi cuối tuần lại đạp xe về nhà. Thời gian này tôi tập trung cho việc ôn thi nên không nghĩ nhiều đến việc đi tu. Tuy nhiên có dịp tôi vẫn kể cho cha Phùng nghe về dự định của mình, về việc tôi đang phân vân giữa học đại học và đi tu. Cá nhân tôi thiên về việc đi tu, cha Phùng cũng khuyên tôi như vậy. Cha muốn tôi đi tu, vậy thì học đại học không quan trọng lắm. Nhưng cha cũng nhắc tôi phải cố gắng học và thi, vừa để thử sức mình, vừa để có trải nghiệm và là một phép thử xem mình có nỗ lực hay không. Đi tu cần rất nhiều nỗ lực.

Tháng 7 năm đó tôi vào Sài Gòn thi đại học. Trước đó vài tuần thì tôi đã thi tốt nghiệp, việc này không có gì khó khăn lắm vì năm đó chúng tôi thi phần lớn các môn tự nhiên, sở trường của tôi. Tôi vào Sài Gòn một mình, có chị Dung, anh Chung và mấy đứa bạn đón xe cho tôi. Lần đầu tiên tôi đi xa nhà, lần đầu tiên đi xe giường nằm và lần đầu tiên đi một mình. Nhưng tôi không sợ, cám ơn Chúa vì tôi đã háo hức đến quên cả sợ. Vào tới Sài Gòn tôi ở trọ cùng với anh Hải, con trai một người bạn của mẹ mà sau này là thông gia với gia đình tôi. Anh Hải cũng đang học trường Bách Khoa, là người đã tư vấn cho tôi thi vào đây và cũng là người chở tôi đi trong suốt những ngày thi cử. Sau khi thi cử xong xuôi cả hai khối A và B, tôi đón xe đi xuống Trà Vinh thăm chị Thu và chị Viết. Đây cũng là thời gian tôi đưa ra quyết định sẽ tham dự tuần khám phá ơn gọi. Vì thế đi chơi được mấy ngày tôi liền đón tàu về lại quê để chuẩn bị hồ sơ.

Về nhà khoảng một tuần tôi nhận được tin báo mình đầu đại học, cả hai trường. Bạn bè gọi điện chúc mừng trong khi tôi vẫn âm thầm quyết định sẽ đi tu. Tôi hoàn thành hồ sơ, gửi đơn theo địa chỉ. Những điều này tôi làm một mình, cũng có rủ một ông bạn cùng xứ đi nhưng bạn không chịu. Tôi chỉ nói sơ sơ cho bố mẹ biết, bố mẹ không ngăn cản chỉ nhắc tôi cầu nguyện thêm. Riêng các chị thì muốn tôi đi học đại học. Tôi có trình bày với cha An, chính cha đã viết những nhận xét về tôi trong đơn gởi cha đặc trách. Vậy là về nhà chưa đến mười ngày, tôi lại đón tàu chuyến nữa vào Sài Gòn, vì tuần tĩnh tâm sẽ diễn ra ngay tuần đầu của tháng 8.

5. Khám phá ơn gọi - bước ngoặc.
Ngày mới đến Nhà Tìm hiểu lần đầu trông tôi giống như một đứa trẻ vì sau kì thi đại học tôi chỉ nặng bốn mươi ba kí lô, vừa gầy lại thấp, may nhờ mang cái kính cận nên có vẽ chững chặc hơn tí. Vào nhà dòng tôi gặp anh Vinh đầu tiên, lúc đó anh vừa xong lớp I và ở lại để giúp tuần tĩnh tâm. Anh dẫn tôi đi gặp cha Hải Minh. Trước đây tôi đã nói chuyện điện thoại vài lần với cha lúc làm hồ sơ và tìm đường đi, nhưng quả thật lần đầu gặp cha thấy cũng hơi sợ. Tuy nhiên chỉ cần nói chuyện một chút với cha là hết sợ liền vì cha rất gần gũi và ân cần. Cha hỏi thăm tôi về chuyến đi, dặn dò vài chuyện rồi kêu anh Vinh dẫn tôi lên phòng cất đồ đạc và nghỉ ngơi.

Tuần tĩnh tâm của chúng tôi diễn ra từ thứ hai đến trưa thứ bảy mới kết thúc. 
Ngày thứ nhất chúng tôi được tách thành các nhóm nhỏ rồi cùng nhau chia sẻ về bản thân mình. Trong đợt khám phá năm đó tôi cùng Mạnh, Công Châu là ba anh em nhỏ tuổi nhất, chỉ mới 18 tuổi. 
Ngày thứ hai chúng tôi được làm các bài test khá nhẹ nhàng nhằm kiểm tra IQ, khả năng phán đoán và tâm lý. Tôi nhớ mình đã làm bài với một tâm trạng thoải mái, không căng thẳng như dịp thi đại học chắc là vì lần này tôi không nhắm đến kết quả, tôi chỉ cố gắng trình bày thật nhất những gì mình nghĩ. 
Tiếp theo là ba ngày tĩnh tâm chỉ có thinh lặng, cầu nguyện và đồng hành. Thầy Sáng là người đồng hành với nhóm tôi. Thú thật là tôi ngủ hơi nhiều trong ba ngày đó, và cũng không thích phải thinh lặng ! À tôi còn có một kỉ niệm nhỏ trong dịp này. Trong bài chia sẻ tĩnh tâm của cha Gioan Baotixita Trần Khắc Du, ngài có mời gọi anh em chúng tôi vẽ lại hành trình ơn gọi, con đường đã dẫn anh em tới với Nhà Tìm hiểu. Lúc đó tôi đâu có biết là chỉ cần tưởng tưởng lại là được, nên trong lúc vừa cầu nguyện tôi vừa lo cắm cúi vẽ đúng hình một con đường, có hoa có lá, có gia đình tôi ở đầu đường, có hình bóng ngôi nhà thờ và dòng sông chảy bên cạnh. Một điều tôi nhận ra là con đường tôi vẽ quá bằng phẳng, chỉ hơi cong cong đôi chổ không đáng kể, nhưng nó đúng như những gì tôi đã sống suốt 18 năm qua. Tôi được bao bọc trong môi trường gia đình và xứ đạo, được bố mẹ chăm lo học hành đến nơi đến chốn, được trao cho nhiều cơ hội. Không phải vô ơn nhưng tôi bỗng cảm thấy có gì đó hơi nhạt, liệu rằng tương lai có còn an toàn nữa không? Tôi đến đây khá dễ dàng đến nỗi gần như không cần phải cố gắng. Chọn đi tu nghe có vẻ to tát nhưng cho đến lúc này tôi đâu có phải từ bỏ điều gì. Tôi thấy đôi chút bối rối về chọn lựa này nên đã trình bày tất cả với thầy đồng hành.
Ngày cuối cùng tuần tĩnh tâm là ngày chúng tôi khám sức khỏe. Một biến cố không mong muốn nhưng mang tính bước ngoặc đã xảy đến với tôi. Sau khi khám tổng quát, tôi không có dấu hiệu bệnh tật gì ngoài việc tôi trước đó tôi có bảo với cha rằng nhà tôi có mẹ và chị gái bị siêu vi B, tôi thì không sao vì mới làm xét nghiệm cách đó chừng ba tháng trước khi thi đại học. Tuy vậy cha Hải Minh vẫn kêu tôi đi làm xét nghiệm thêm. Lớp đó có tôi và anh Sỹ ở Nha Trang phải đi tới bệnh viện, anh Sỹ cũng giống tôi là có người thân mắc bệnh. Buổi sáng làm xét nghiệm đến chiều là có kết quả, cha Minh kêu hai anh em vào gặp, cha thì lúc nào tôi thấy cũng nghiêm nghị nên dựa vào sắc mặt ngài lúc đó tôi không hề đoán được kết quả, lòng vẫn đinh ninh mình ổn. Nhưng kết quả xét nghiệm thì ngược lại, cả hai chúng tôi đều dương tính. Chúng tôi còn phải vào bệnh viện lần nữa để làm định lượng, kết quả đúng dương tính tuy số lượng vi rút không nhiều. 
Tôi đã cảm thấy gì lúc đó ? 
Bất ngờ ? Có bất ngờ.
Thất vọng? Không.
Buồn ? Có buồn nhưng chỉ một chút. 
Thú thật tôi thấy mình là người chậm cảm xúc, chuyện buồn ít khi tôi buồn liền, có lẽ do tôi chưa tin lắm vào kết quả, cũng có thể vì không lường được hậu quả của căn bệnh này, đặc biệt là đối với người muốn đi tu. Nhưng đến khi đủ ngấm, cơn buồn thực sự đã gặm nhấm tâm hồn tôi. Tối hôm đó anh em cùng nhau qua nhà dòng Clara để dự buổi tưởng niệm giờ phút lâm chung của Mẹ thánh. Nhìn các thầy, các sơ Clara trong bộ áo dòng nâu khiến bao kỉ niệm ùa về, nghĩ đến chuyện phải chấm dứt giấc mơ đi tu từ đây tự dưng nước mắt chảy lúc nào không hay. Tôi đứng âm thầm khóc trong khi mọi người đang chuẩn bị các nghi thức, trời tối nên ít người để ý, có anh Khái đứng cạnh bên thấy tôi thút thít tưởng tôi nhớ nhà nên an ủi tôi. Tối hôm đó tôi còn nhận thêm một tin buồn khác nữa. Vừa gọi điện về nhà là nhận ngay tin dữ, Bảo đứa cháu gọi tôi bằng bác mới chết cách đó hai hôm. Nó mới mười tuổi, bị tai nạn thương tâm khi đi với mẹ nó từ nhà ngoại về. Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ được, vừa buồn chuyện của mình, vừa buồn chuyện gia đình, đầu óc cứ nghĩ đến cảnh tang tóc ở nhà. Ngày hôm sau anh em ra về gần hết, tôi xin nán lại nhà dòng thêm vài hôm. Cha Minh gặp và đồng hành với tôi. Cha khuyên tôi về nhà ở với cha bố một năm, khi sức khỏe tốt hơn thì quay lại nhà dòng, cha sẽ lưu hồ sơ của tôi. Tôi cũng gặp cha Đệ, năm đó cha vừa đi du học về. Khi biết tôi đã đậu đại học, cha khuyên tôi nên đi học.

Vậy là căn bệnh đã đặt tôi vào một tình thế không ngờ. Tôi lần nữa đón tàu trở về, lòng nặng trĩu. Bố mẹ và các chị biết chuyện ai cũng bảo tôi đi học đại học. Cha Phùng thì kêu tôi lên ở với cha. Một điều làm tôi cảm động là mọi người để tôi tự quyết định, không ai ép tôi phải làm gì. Cuối cùng tôi quyết định sẽ đi học đại học.


III. NHỮNG THÁNG NĂM ĐẠI HỌC.

1. Đại học Bách Khoa – duyên nợ.
Tôi vào Sài Gòn lần thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng, trước đó chưa một lần xa nhà. Chỉ quanh quẩn có hai tháng nhưng đủ thứ chuyện xảy đến. Tôi có cảm giác như mình già và trưởng thành hơn, dù lúc trên tàu có cô đến hỏi thăm vì tưởng tôi là thằng bé 15 tuổi bị lạc.

Sau khi quyết định sẽ đi học, tôi lại phải phân vân xem học trường nào. Bách Khoa là trường tôi chọn, là ngành học tôi thích. Nhưng Y Dược thì xem ra phù hợp với ước mong đi tu hơn. Cha Phùng bảo tôi nên học y, vì dù gì nó vẫn có ích dù tôi có tu hay không. Lúc này tôi thực sự phân vân. Tuy ơn gọi Phanxicô coi như chấm dứt (lúc đó tôi đã nghĩ vậy, tôi đồng hóa việc chọn đi học với việc cha Hải Minh thôi lưu hồ sơ của mình) nhưng có thể mình sẽ tu triều hay dòng khác cũng nên. Vậy là tôi nghe theo lời cha khuyên chọn Đại học Y Dược, ngành Y Tế Cộng Đồng.

Mới vào lại Sài Gòn còn lu bu nên tôi chưa có nhà trọ. Bên anh Hải thì không tiện ở lâu vì trong phòng còn các anh khác. Vậy là chị Thu xin cho tôi ở với cha Nhâm, cha dòng Xitô Phước Vĩnh, Trà Vinh. Cha lên Sài Gòn để học tiếng, vừa trông coi căn nhà của dòng ở quận Bình Tân, gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ở cùng cha hàng ngày tôi đón xe buýt xuống trường Đại học Y dược để học. 

Những ngày đầu là cả cực hình, phải đi hai ba chuyến xe buýt, xuống trường thì không quen ai, lịch học cũng thất thường vì tôi chưa nắm bắt được thông tin. Lớp học thì thay đổi lúc ở quận 5, có lúc lại ở quận 8, chương trình học toàn môn tôi không thích. Nó khiến tôi phải suy nghĩ lại, vốn tính tôi đã dễ thay đổi nên tôi sợ mình không đủ kiên nhẫn để học hết 5 năm trời. Vậy là tôi đi đến quyết định chọn lại học ở Bách Khoa, dù bên trường Bách Khoa đã nhập học được hơn một tháng.

Chọn học Bách Khoa bước đầu cũng không dễ dàng gì! Năm nhất phải học ở cơ sở 2 ngoài Làng Đại học Thủ Đức, vậy là tôi không thể ở với cha Nhâm được nữa. Kế đến vì nhập học trễ nên tôi chẳng hiểu mô tê gì. Vào đại học cái gì cũng mới: cách học mới, cách dạy cũng mới, lại không có lớp lang gì (thực ra là có nhưng vì đang chương trình đại cương nên chúng tôi học chung hết). Mọi thông tin thì phải tự coi trên web của trường, bạn bè không có ai để hỏi, thầy chủ nhiệm tôi còn chưa biết mặt. Tuy vậy tôi không thay đổi nữa vì ở bên đây dù sao tôi cũng được học đúng cái mình thích, nên dẫu có hơi hoang mang tôi vẫn tin mình sẽ sớm làm quen và vượt qua.

2. Nhà Phong Phú – Chúa Quan Phòng.
Để học ngoài làng đại học, cha Nhâm đã giúp tôi tìm chổ trọ mới. Cha dẫn tôi đến ở tại khu trọ của một người bạn cũ trong khu công nghiệp Sóng Thần. Từ nhà trọ đến trường khá xa, lại không tiện đường. Nếu đi xe buýt phải mất cả tiếng, đạp xe đạp thì hơn 30 phút nhưng về đến nhà là mệt lử. Thêm nữa vì ở trong khu công nghiệp nên rất phức tạp, mới hai ba ngày đầu chuyển đến tôi đã gặp mấy vụ đánh nhau, cướp đồ và tai nạn. Tôi bắt đầu chán dần, thấy mệt mỏi và cô đơn một chút là rất dễ nản. Nhưng vào đúng lúc đó, Chúa đã can thiệp theo cách mà tôi không thể ngờ.

Ở nhà trọ mới được gần một tuần, tôi đón xe buýt về thăm cha Du. Tôi chỉ mới gặp biết cha trong dịp tĩnh tâm, nhưng vì cha cũng biết cha Phùng lại là người cùng quê khiến tôi thấy rất gần gũi, tôi muốn đến nhà dòng để chào và thăm cha. Thực tế là từ lúc ra đi học tôi đã không còn hy vọng gì chuyện tu trì nữa, tuy vậy khi đến nhà dòng lần thứ hai, cái cảm giác muốn đi tu lại trở về, từ tận đáy lòng tôi có một thứ tình cảm gắn bó, rất gần gũi và thân thương, đặc biệt là sau khi phải lăn lộn gần tháng trời nơi đất khách quê người. Gặp lại cha Du, tôi kể cho Ngài chọn lựa của mình, tôi cũng kể về việc học hành ở trường đại học. Khi vừa nghe biết tôi đang học ở làng đại học cha liền bất ngờ đề nghị tôi chuyển về nhà Phong Phú ở. Cạnh nhà dòng cha có thuê một căn nhà nhỏ cho sinh viên, gồm những anh em thân quen hoặc đang có ý tìm hiểu Phanxicô. Tôi như người chết đuối vớ được khúc gỗ nên đồng ý ngay. Thứ hai kế đó tôi nghỉ học một ngày để chuyển hết đồ đạc qua nhà mới.

Nhà Phong Phú thời tôi ở có chín anh em, trong đó tôi là em út. Chúng tôi chia sẻ cuộc sống sinh viên với nhau, tôi được nâng đỡ nhiều nên nhanh chóng quên cảm giác nhớ nhà. Hàng ngày chúng tôi qua tu viện Clara đi lễ, cuối tuần thì vào nhà dòng sinh hoạt với anh em Tìm hiểu, từng chút một Chúa quan phòng và dẫn tôi lại với ơn gọi Phan sinh. Tôi còn cảm nhận được ơn Chúa quan phòng qua việc Ngài giúp tôi vượt qua những khó khăn trong việc học. Tháng Mười chúng tôi dừng chương trình trên trường để học giáo dục quốc phòng một tháng. Tại đây tôi quen nhiều bạn cùng lớp, trong đó có Thành. Tình cờ tôi biết Thành là người Công giáo, quê ở Đồng Nai. Tôi xin cha Du cho Thành về nhà Phong Phú ở chung, hàng ngày anh em chở nhau đi học. Thành học giỏi lại rất siêng năng nên nhờ học cùng Thành tôi đã nhanh chóng theo kịp chương trình, không còn chán đời như lúc đầu nữa.

Chuyển về nhà Phong Phú ở là một bước ngoặc nữa trong bức tranh con đường ơn gọi của tôi. Nếu như căn bệnh siêu vi B xảy đến đã làm tôi nghĩ về một tương lại khác, thì nay việc chuyển về sống trong nhà Phong Phú như dấu hiệu cho tôi biết rằng Chúa vẫn muốn tôi đi tu. Và nếu như trước đây tôi nghĩ mình sẽ cố gắng để đi tu thì nay tôi nhận ra việc tôi đi tu hay không là nơi ý Chúa. Tôi tập sống phó thác và tận hưởng niềm vui hiện tại nơi giảng đường đại học, dẫu cho đôi lúc cũng hơi chạnh lòng khi nhìn anh em cùng lớp Tìm hiểu vui chơi, cầu nguyện. Tôi bắt đầu có một cái nhìn tin tưởng rằng Chúa đang có cho tôi một kế hoạch khác, vì thế mà Ngài muốn chuẩn bị cho tôi thật chu đáo.

3. Gia đình cô Thúy Nga – mái nhà của tình thương.

Tôi chuyển đến nhà cô khoảng đầu tháng 9 năm 2012. Đối với tôi thì Cô, ba Linh, anh Quang và Lê như gia đình thứ hai của mình. Nhưng ngay từ đầu, việc tôi đến trong gia đình cô là hoàn toàn bất ngờ, không nằm trong dự liệu của tôi hay bất kì ai dù rằng có sự đóng góp của rất nhiều người.

Cuối năm thứ nhất đại học, vì nhu cầu của nhà dòng nên nhà Phong Phú được dùng cho anh em lớp Tìm hiểu vào ở, không nhận sinh viên nữa. Vậy là anh em chúng tôi phân tán mỗi người một nơi, riêng tôi thì cha Du bảo có thể ở lại với anh em Tìm hiểu. Tuy vậy đến năm hai tôi cũng phải chuyển vào học tại cơ sở I ở quận 10. Mấy ngày đầu tôi thử đi xe buýt từ quận 9 vào quận 10 học, nhưng đường xa nên rất bất tiện. Một lần nữa tôi sợ cái lý do đơn giản này sẽ khiến tôi bỏ bê việc học nên đã  quyết định xin cha chuyển vào nhà trọ gần hơn. Cha đồng ý với điều kiện là phải tìm chổ nào tin tưởng, không ở những nơi quá phức tạp có thể ảnh hưởng đến ơn gọi. Vậy là cha Du là người đóng góp đầu tiên. Hè năm đó cha Xuân Thảo có dịp về quê và ghé nhà tôi chơi, bố mẹ có kể với cha về tôi và nhờ cha giúp. Sau đó tôi đến gặp cha, cha lại giới thiệu tôi với thầy Hoàng dòng Xi-tô đang học nhạc tại Đakao. Chính thầy Hoàng là người đã xin cho tôi tới ở nhà Cô. Vậy là một cách rất tình cờ, qua sự giúp đỡ của nhiều người tôi đã chuyển đến ở nhà cô, nơi tôi gắn bó hơn hai năm trời và để lại cho tôi nhiều tình cảm sâu đậm lẫn những bài học quý giá.

Gia đình cô chỉ có ba người gồm cô, ba Linh và anh Quang. Lúc tôi đến thì có Lê cũng là một sinh viên như tôi đã ở với cô từ năm nhất, vậy nay thêm tôi nữa là 5 người. Ban đầu tôi và Lê được chia sẻ căn phòng với anh Quang, nhưng sau này chúng tôi lại hay qua ngủ bên phòng cô, mấy cô cháu nằm xem ti vi nói chuyện. Cô thương chúng tôi, tôi và Lê đều không phải bà con họ hàng, nhưng cô chăm lo và kiên nhẫn với chúng tôi như con cái trong nhà. Cô bảo ở đây có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, có việc thì làm. Cô nói vậy để chúng tôi biết coi đây như nhà mình, chứ chẳng bao giờ cô để chúng tôi phải thiếu thốn điều gì. Cô không lấy tiền nhà của hai đứa, mỗi tháng chúng tôi chỉ gởi cô ít tiền ăn uống sinh hoạt của mình, nhưng một điều chắc chắn là cô đã đối đãi với chúng tôi vượt trên tất cả mọi giá trị vật chất, đó là tình thương.

Có ba điều đặc biệt tôi học được được từ cô. 
Thứ nhất, Cô là người rất chu đáo, tình cảm và tế nhị. Những ngày đầu tôi tới cô vẫn đang đi làm. Hàng ngày cô đi từ sáng, chiều tối mới về. Anh Quang và ba Linh cũng đi làm, mỗi ngày cô đều dậy sớm chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà, chiều vừa về đến nhà lại vào bếp ngay để nấu cơm tối. Sau này tôi và Lê phụ cô thêm một chút, nhưng cô cũng không bao giờ để cho việc nhà phải ảnh hưởng đến việc học của hai đứa. Lúc mới chuyển đến tôi chưa quen với cách sinh hoạt của một gia đình thành phố, nhưng cô tập cho dần dần, lâu lâu cũng bị cô la cho vì cái tội đãng trí và cẩu thả. Tôi nhớ cứ buổi chiều tôi và Lê thay nhau lau nhà. Những lần đầu tôi lau qua loa, thấy vậy là sạch rồi, cũng chỉ lau ở giữa nhà bỏ không lau dưới gầm bàn tưởng cô không để ý. Nhưng cô biết và buồn, cô nhắc tôi phải làm cho cẩn thận chứ không được làm nửa vời. Lần khác lúc dọn nhà vệ sinh, tôi thấy hũ xà bông tuy cũ mà còn dùng được, nhưng vì nhác dọn nên tôi đem bỏ luôn vào thùng rác. Lúc về thấy vậy, cô không nói gì nhưng cô mang lại ra để dùng. Cô dạy tôi bài học biết tiết kiệm. Nhà có điều kiện, cô không tiếc với chúng tôi điều gì cả, nhưng cô lại rất bực mình khi tôi phung phí bất kể thứ gì từ đồ ăn cho đến điện nước. Cô nhắc chúng tôi biết liên đới với người khác, đặc biệt những người nghèo không có để dùng như chúng tôi. 
Cô có rất nhiều bạn, những người bạn từ ngày cô còn trẻ nhưng gắn bó với nhau mãi tới giờ. Ai cũng quý mến cô. Cũng phải thôi vì với mọi người cô luôn nhiệt tình, với bạn bè cô càng hết lòng. Khi đã nghỉ hưu rồi có thời gian rảnh cô hay đi thăm người này người kia. Có lần cô còn ngồi xe máy với tôi và Lê lên tận Bảo Lộc thăm bạn cũ, vậy mới thấy cô tận tình thế nào!

Điều tuyệt vời thứ hai nơi cô là lòng trắc ẩn. Cô rất hay thương người. Tôi với Lê là một điển hình, vì thương mà cô nhận chúng tôi vào nhà, lo cho hết mọi sự, dạy dỗ ân cần chu đáo. Cô thương những người bán rong đi qua nhà cô hàng ngày. Trước sân nhà có cây bông giấy phủ bóng mát nên người ta hay ghé lại nghỉ chân. Gặp thấy cô luôn tươi cười niềm nở, không bao giờ la rầy phiền hà. Lâu lâu buôn bán ế ẩm gặp cô mời mua là chẳng bao giờ cô từ chối. Có cô bán bánh bèo cứ đến trưa là lại
ghé trước nhà cô vì cô dành cho một phần ăn trưa, tôi có nhiệm vụ mang ra cho cô. Mỗi lần đi siêu thị nếu có giảm giá các mặt hàng như sữa, mì tôm hay các đồ gia dụng trong nhà cô liền mua lấy, sau đó tặng cho lại những người nghèo cô gặp. Cô rất nhạy cảm và dễ động lòng trước những cảnh nghèo cô gặp. Có lần tôi chở cô đi siêu thị, gặp một anh bán vé số chân đi khập khiễng cô kêu tôi chạy lại hỏi thăm. Sau này biết anh bị HIV cô đã động viên và nghĩ ra nhiều cách để giúp, tôi cũng cùng cô góp chút công như lần chở anh đi khám bệnh, bốc thuốc. 

Không những cô mà cả bà ngoại và các cậu nữa, ai cũng rất rộng rãi hào phóng. 
Ở nhà cô hai năm, có thời gian tôi hay chạy qua bà ngoại lau nhà. tôi và Lê thay nhau làm chẳng bao nhiêu nhưng đến cuối tháng là bà trả cho một khoảng kha khá. Với tôi là cả một khoảng tiền lớn, thoải mái chi tiêu lặt vặt không cần xin tiền gia đình. Phải lao động vất vả mới có tiền nhưng hễ có dịp là các cậu tổ chức đi làm từ thiện, giúp đỡ và mang niềm vui cho bao người khác.

Điều cuối cùng tôi học thấy nơi cô là lòng đạo bình dân nhưng rất thân tình với Chúa. Hồi học cấp hai cô từng học ở Dalat, trường của các soeur dòng Mến Thánh Giá, đến cấp ba tiếp tục vào Mân Côi Saigon. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, các trường học là nguồn kinh tế chính của các nhà dòng bị tịch thu, không còn nguồn thu để duy trì ơn gọi, nhưng cô đã được Bề trên gọi trở lại, cô kể với tôi lớp cô được đặc cách chỉ ở nhà Thử một tháng, sau đó vào nhà Tập. Sau một năm Tập ngặt, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô phải giã từ ơn gọi với bao nhiêu luyến tiếc. Mười đứa em nhỏ đang ở nhà với cha mẹ. Cô đi tu mà chẳng yên lòng. Cô yêu mến ơn gọi tu trì, nhưng Chúa lại đặt cô trong ơn gọi lập gia đình. Để rồi bao nhiêu người khác được yêu thương, trong đó có tôi. Cô sống hết tình với mọi người cũng là cách cô sống trọn tình với Chúa. Từ lúc nghỉ hưu, có thời gian nên cô cố gắng đi lễ hàng ngày. Hồi đó tôi cũng hay chở cô đi. Nay cô còn tham gia giữ xe nhà thờ. Cô cứ âm thầm đóng góp sức mình qua những công việc bé nhỏ như vậy. Cô chia sẻ cho tôi nhiều biến cố mà cô tin là có Chúa nâng đỡ, việc cô được chữa khỏi không cần uống thuốc là chứng rối loạn tiền đình, đau thần kinh tọa. Công việc của anh Quang thuận lợi, gia đình bình an... Nhờ cô tôi cũng cảm nghiệm Chúa rất gần gũi và thân tình.

Chúa có nhiều cách để bày tỏ tình thương của Ngài, với tôi và những người bán hàng rong qua nhà hàng ngày thì Chúa chọn tỏ lộ qua cô. Thời gian ở cùng gia đình cô, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều cả về đời sống tương quan trong xã hội lẫn đời sống đức tin. 
Cô hay nói với tôi mỗi người gặp nhau đều có cái duyên, việc tôi gặp cô cũng là duyên số. 
Còn tôi, tôi tin đó chính là sự sắp đặt, một sự sắp đặt đầy yêu thương của Chúa.

4. Nhà Văn Thánh – những xao động.
Tôi ở với cô được hơn hai năm, sau đó tôi chuyển về nhà Văn Thánh ở. Trước đây hàng tuần nếu không bận học hành hay hoạt động xã hội, tôi đều đón xe buýt về nhà dòng. Thường tôi đến từ chiều thứ Bảy, tối ngủ lại để sáng đi lễ Chúa Nhật, sau đó chơi cùng anh em đến chiều mới về lại nhà cô. Tuy vậy đến đầu năm tư, lịch học của tôi dày hơn, các hoạt động ngoại khóa cũng nhiều nên việc về nhà dòng thưa dần, có khi phải cả tháng mới về. Việc tôi quyết định xin về nhà Văn Thánh có nhiều lý do, việc học hành thay đổi chỉ là một phần. Tuy nhiên lý do chính là trong thời gian sau này tôi thấy mình có nhiều những xao động. 

Tôi bắt đầu đi dạy thêm từ giữa năm thứ 3. 
Bản chất việc đi dạy không ảnh hưởng gì, nhưng đi dạy thì có tiền lương.
Tôi có tiền tiêu vặt thoải mái, tôi thấy việc làm ra tiền giúp tôi giải quyết được nhiều thứ. Trước đây với tiền bạc tôi rất ít phải bận tâm, mẹ cho bao nhiều xài bấy nhiêu mà mẹ thì chỉ có thể cho vừa đủ sinh hoạt và học hành, biết vậy tôi không đòi hỏi và cũng chỉ mua những cái cần thiết. Nay có tiền là đẻ ra biết bao nhu cầu. Vậy là tôi nghĩ nhiều hơn đến việc sau khi tốt nghiệp tôi sẽ đi làm kiếm tiền. Bạn bè tôi ai cũng bắt đầu có nhiều kế hoạch cho lúc ra trường, có nhiều hướng đi tôi cũng ham, muốn được trải nghiệm. Vậy là tiếng gọi đi tu thấy nhạt dần. 

Thứ đến tôi cũng có gặp vài kinh nghiệm đau thương đối với con gái. 
Hai mùa hè liên tiếp ở nhà cô tôi đều có chuyện xích mích với Lê khi mà trong nhà lần lượt có Diễm và Trúc đến ở nhờ. Nghĩ lại thấy tôi đã có nhiều cảm xúc và cách hành xử khác lạ khi trong nhà có con gái ở. Đi học thì muốn về cho sớm, vì trên trường chỉ có mấy đứa con trai quen rồi nên cũng luộm thuộm, nay thì kĩ càng hơn. Về nhà gặp Trúc với Diễm là nói chuyện luyên thuyên. Cũng may Chúa đã can thiệp kịp thời, tuy theo cách khiến cho nhiều người phải tổn thương. Sau lần đó nhìn lại mình tôi bắt đầu thấy lo, sợ rằng mình đi tu mà không biết kiểm soát mình, mai mốt không biết ra thứ thầy tu kiểu gì. Điều này làm tôi nghĩ đến việc ra lập gia đình và tôi sớm kết luận ơn gọi đi tu không hợp với mình nữa. Những xao động làm tôi nghĩ lại ơn gọi, có dịp về nhà dòng tôi chia sẻ hết với cha Du.

Trong thời gian này nhà Tìm hiểu còn có sự tham gia của anh em ngoại trú, là những anh em cũng đang đi học như tôi. Một nhóm nhỏ anh em ở tại nhà Văn Thánh, gần Đaokao. Môi trường sống ở đây gần giống như nhà Phong Phú tôi ở 2 năm trước. Cha Du khuyên tôi nên chuyển về nhà Văn Thánh ở với anh em. Vừa để gần nhà dòng, lại có dịp sống lại nếp sống nhà tu, sống với anh em cùng  chí hướng hy vọng sẽ giúp tôi vững vàng hơn. Vậy là tôi quyết định chuyển về Văn Thánh, dù không dễ chút nào !

5. Tốt nghiệp
Ở đại học, tôi học khoa Cơ khí, chuyên ngành Kỹ thuật chế tạo máy. Chương trình học của tôi kéo dài bốn năm rưỡi, trong đó suốt học kì cuối tôi chỉ tập trung để làm luận văn. Học đại học không hề dễ dàng chút nào, nó còn khó hơn khi học ở Bách Khoa. Bạn tôi có vài người phải bỏ dở giữa chừng, còn chuyện học lại là thường ngày. Riêng tôi mỗi học kì vì cứ học tàng tàng nên rớt ít là một môn, hè lại phải lo mà trả nợ. Tuy vậy có nhiều môn tôi lại học rất tốt. Tôi nhận ra là mình rất nhanh  nhạy với các môn điện, điện tử. Học tốt nên hứng thú tìm học thêm ở khoa khác, có dịp là show ra với tụi bạn cũng vui. Học ở Bách Khoa nên tôi có dịp gặp nhiều bạn rất giỏi, giỏi cả trong việc học hành lẫn các kĩ năng mềm, rồi những thầy giáo hết tình với sinh viên, ở trường thì là thầy trò, ra quán nước nói chuyện là anh em, rất gần gũi tự nhiên. Trong suốt hơn bốn năm học, tôi cũng có dịp đi tham gia các công tác xã hội nhà trường tổ chức, đi mùa hè xanh sinh viên, trợ giúp mùa thi đều là những hoạt động rất ý nghĩa.

Học kì cuối chúng tôi dành toàn thời gian để làm luận văn. Tôi nằm trong số năm mươi phần trăm trong lớp hoàn thành các môn học đúng hạn, đủ điều kiện để làm luận văn. Đề tài tôi chọn là nghiên cứu chế tạo máy in 3D, một dòng sản phẩm tuy ra đời đã lâu với nhiều ứng dụng nhưng mới phổ biến gần đây, đặc biệt là ở Việt Nam. Tôi tình cờ biết đến nó là trong dịp tham dự một hội chợ công nghệ, thấy lần đầu là mê luôn. Người làm chiếc máy lúc đó cũng là một sinh viên của trường. 
Sản phẩm tặng cô từ máy in 3D của con

Tôi cùng với Mạnh, bạn thân của tôi trong mấy năm đại học cùng làm chung đề tài. Chúng tôi được thầy Huỳnh Hữu Nghị, cũng là thầy chủ nhiệm hướng dẫn. Trước khi bắt đầu làm luận văn, tôi với Mạnh được gửi đến thực tập hè tại một công ty chuyên về in 3D, đây cũng là khoảng thời gian tôi bắt đầu trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp. Luận văn tiến triển khá tốt đẹp, thời gian này hầu như hai đứa nằm vùng trong thư viện của trường, vừa để tìm tài liệu, tra cứu các luận văn cũ và cả để ngủ trưa nữa. Đối với tôi, những ngày làm luận văn là những ngày cực khổ nhất nhưng cũng là ngày vui nhất của đời sinh viên. Chúng tôi vừa tìm cái mới, vừa coi lại cái cũ, lục lọi các gian sách, cằm đầu vào máy tính vẽ vời suốt ngày đến nỗi khi ra ngoài là hoa cả mắt. Đồng thời với nghiên cứu trên sách vở, tôi và Mạnh cũng lên kế hoạch để làm một mô hình thực nghiệm. Vậy là những ngày nghỉ hay chủ nhật, tôi lại cắm cúi chạy qua các chợ phế liệu, chợ sắt, chợ linh kiện để kiếm đồ về lắp ráp. Khi có mô hình rồi chúng tôi được thầy giao cho riêng một phòng thí nghiệm trên trường để chạy máy, in mẫu thử đồng thời cho các em khóa sau tham khảo. Ngày bảo vệ đến, báo cáo của tôi và Mạnh đạt kết quả cao nhất khoa, một phần cũng nhờ may mắn vì chúng tôi có mô hình chạy tốt, các số liệu được kiểm chứng nên tăng tính thuyết phục. Vậy là tôi đã kết thúc chương trình học một cách khá tốt ngoài mong đợi.

Thời gian học đại học có lẽ là khoảng thời gian tôi cảm nhận được bàn tay quan phòng của Chúa nhiều nhất. Tôi bắt đầu trân trọng ơn gọi của mình hơn sau tất cả những thăng trầm của cuộc sống. Đồng thời với những biến cố được kể ra ở trên, khoảng thời gian này tôi cũng được an ủi nhiều nhờ gia đình. Suốt những năm tôi đi học, gia đình tôi được Chúa giữ cho bình an. Mỗi lần gọi điện về nhà nghe mẹ kể chuyện gia đình, bố vẫn đi làm được, sức khỏe thấy chừng tốt hơn hồi tôi còn ở nhà, ít đau ít ốm, nghe được vậy tôi mới yên tâm để học. Em Trí sau khi tốt nghiệp cấp III không đi học tiếp, ở nhà một năm rồi vào Sài Gòn làm. Ban đầu tôi cũng lo lắng, thấy tội nghiệp em mới xa nhà phải lao ngay vào môi trường phức tạp. Tôi cũng bị áy náy vì mình làm anh mà không chu toàn bổn phận cho xứng, không lo được cho ai. Tuy nhiên Chúa lại giúp cho công việc của em được tiến triển tốt đẹp. Ở
chổ làm tôi biết vất vả lắm nhưng tính em cẩn thận, lại siêng năng và thật thà nên sớm được mọi người tin tưởng. Chỉ sau một năm làm việc, em được người ta giao cho những công việc thường chỉ có những người làm lâu mới đủ tin dùng. Lương thưởng cũng tốt, em có tiền gửi mẹ để dành, sửa sang nhà cửa, đỡ đần cho các chị khi cần vốn làm ăn và cả giúp tôi nữa. Chúa luôn đi bước trước, không những lo cho tôi mà còn cho những người tôi thương yêu.

Tôi bảo vệ luận văn vào đầu tháng Một. 
Lễ tốt nghiệp sẽ diễn ra vào giữa tháng Tư, tuy nhiên sau khi về tết, tôi đã quyết định vào Nhà Tìm hiểu.


IV. NHÀ TÌM HIỀU.

1. Nhà Tìm hiểu – 5 năm một mối tình.
Người ta nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, tôi nghĩ nó đúng. Chính vì dở dang nên có nhiều tiếc nuối, mới làm cho hai người nhớ đến nhau nhiều hơn. Tuy vậy đời có thực sự “mất vui khi đã vẹn câu thề”? Nếu ngày đầu tôi đến Nhà Tìm hiểu trong tư thế của một người trẻ khao khát dấn thân, với xác tín mạnh mẽ sẽ yêu say đắm, thì năm năm qua như quãng thời gian tôi dang dở mối tình. Một khoảng thời gian không dài, nhưng năm năm của tuổi trẻ lại là những tháng ngày chất chứa bao đổi thay, mà trong đó có những đổi thay mang lấy sứ mệnh biến đổi cả cuộc đời một con người. 

Tôi trở lại Nhà Tìm hiểu khi bắt đầu xong chương trình đại học với hành trang khác xưa rất nhiều. Có trưởng thành và chững chạc hơn, nhưng đồng thời cũng nhiều xao xuyến và lo toan hơn. Có xác tín nhưng cũng có sợ hãi. Có tin tưởng nhưng lại bớt đi cái tình yêu đơn sơ buổi ban đầu. 
Trở về Nhà Tìm hiểu dịp này tôi gặp lại cha Hải Minh. Hồi đó khi tôi ra đi học đại học cũng là lúc ngài qua Philippines du học. Nay cha về tiếp tục công tác đã làm năm năm trước là Đặc trách Nhà Tìm hiểu. Tôi gặp cha, chia sẻ với cha chặng đường đã qua, chia sẻ cả những thao thức và lo toan đang tới. Tôi nói với cha về dự định sẽ đi làm cho đến tháng Chín mới quyết định. 

Cha mời gọi tôi thay đổi góc nhìn về Ơn gọi. Cha nhận xét tôi đang mang lấy não trạng coi Ơn gọi giống như một chọn lựa nghề nghiệp, vì thế tôi giành quyền quyết định xem cái nào tốt và cái nào tốt hơn để lựa chọn. Trong khi Ơn gọi phải là một ân ban của Chúa, chính Chúa mới là người chủ động. Vậy nếu tôi là người được gọi, thì không lý gì lại bàn lùi với Chúa chỉ vì sợ hãi.

Tôi nghĩ rằng mình hiểu được những lời này bởi đó cũng chính là những thao thức mà lâu nay tôi ấp ủ. Qua những gì đã xảy đến, những người tôi đã có duyên gặp gỡ, tôi nhận ra bàn tay Chúa quan phòng. Nhà tìm hiểu là nơi tôi luôn dành rất nhiều tình cảm, vẫn luôn nghĩ rằng mình sẽ quay về. Thế nhưng bỗng tôi lại phân vân khi được thúc giục bước thêm bước nữa. Qua lời khuyên của Cha, tôi tìm ra được lý do, đồng thời có cách để giải quyết vấn đề, đó chính là : Phó thác.

Vậy là tôi quyết định sẽ vào Nhà Tìm hiểu luôn, trong lúc các bạn tôi hí hửng nộp hồ sơ xin việc nơi này đến nơi khác. Cũng có chút vấn vương nhưng có lẽ đó không phải là con đường của tôi. Năm ấy trước tết nhà dòng có khóa khám phá ơn gọi, một số anh em đậu sẽ được tập trung vào sau tết thành lớp Dự Bị, và tôi là một trong số đó.

2. Lớp Dự Bị - Tu và học.
Tôi vào nhà dòng ngày 16 tháng 2 năm 2016, năm thánh Lòng Chúa thương xót. 
Lớp Dự Bị của tôi có tất cả mười ba anh em mà tôi thường gọi chơi là “mười ba người thay đổi thế giới”. Giống như con số mười ba tông đồ được nhắc đến trong tác phẩm của giáo sư Trần Duy Nhiên, chúng tôi mỗi người mỗi nét riêng rất độc đáo: Mai Anh đơn sơ vui vẻ, Quang Hòa mơ mộng, Khắc Hậu thì cá tính, Quang Thiên mang cái hào sảng của người con Sài thành, Đại Vương Đình Tụng đều là những nghệ sĩ tài năng. Hoài Nam với nét lãng tử và giọng hát nồng ấm, Xuân Thể thì đầy lửa nhiệt tình. Hữu Tuyển khá nghiêm túc còn Trọng Quỳnh là một người chu đáo. Cặp đôi Văn Hoành và Văn Mạnh thì luôn hài hước... 

Tất cả đã được Chúa kêu gọi và dẫn lối về đây, để rồi chia sẻ với nhau cùng một nếp sống, một lý tưởng. Cuộc sống trong nhà dòng những ngày đầu của tôi diễn ra tốt đẹp. Học kì đầu, anh em bầu tôi làm lớp trưởng, chắc vì tôi thuộc tốp anh em lớn tuổi trong lớp. Vốn quen với môi trường nơi đây nên tôi nhanh chóng hòa nhập. Cái khó của tôi lúc này là làm quen với khung thời gian mới. Thời sinh viên vốn vô kỷ luật, muốn ăn lúc nào thì ăn, ngủ lúc nào thì ngủ. Nếu cần thì có thể thức ôm máy tính đến hai ba giờ sáng. 

Vào Nhà Tìm hiểu tôi phải thay đổi hết các thói quen, từ giờ ăn giờ học đến giờ ngủ nghỉ hay giải trí. Tôi cũng phải tập để giữ các giờ thiêng liêng, giờ thánh lễ buổi sáng và các giờ kinh trong ngày. Đặc biệt các giờ thinh lặng thánh đối với tôi không dễ gì quen ngay, dầu có chuẩn bị tinh thần từ trước.

Vào nhà tu nhưng chúng tôi lại được dành phần lớn thời gian cho việc học. Chúng tôi học các môn gồm Grammar, Conversation, Việt Văn, Nhân Bản cùng Xướng Âm và các môn nhạc cụ. Tôi không
gặp khó khăn lắm trong việc học, nhưng ban đầu vẫn thấy ái ngại môn Việt Văn. Thú thật tôi chưa bao giờ thích việc viết lách, cái môn Văn học luôn là nỗi ám ảnh trong suốt những năm học trung học và phổ thông. Vậy nhưng tôi đã thay đổi quan điểm từ khi vào trong này học. 

Năm Dự Bị chúng tôi học văn với cô Hoa. Cô vốn là giáo viên Toán và Vật lý nay về hưu nên cha mời giúp chúng tôi. Tôi nghĩ chắc vì thế mà cô mang đến cho chúng tôi một môn văn rất khác biệt. Ngoài những lỗi quá cơ bản cần phải sửa, còn lại cô khuyến khích chúng tôi thoải mái viết những gì mình thích, những điều mình nghĩ, những thứ mình thấy tâm đắc. Tôi tha hồ điểm đến những thứ mình đọc được, chọn lọc sắp xếp mang vào bài văn của mình. Văn học nay trở nên thú vị hơn tôi tưởng. Về phần cô, cô lắng nghe mọi quan điểm của từng người, cho đọc các bài văn hay và sáng tạo. Đề văn cô ra thường nói về các giá trị như tình thương, lòng quảng đại vị tha, thái độ sống tích cực, tính trung thực, lòng trắc ẩn, thói quen đọc sách hay cả việc quản lý thời gian. 
Cô cũng chia sẻ những kinh nghiệm sống của cô làm ví dụ cho từng đề văn cụ thể, cũng từ đó tôi có thêm nhiều nguồn cảm hứng. Tôi nhận thấy cô như muốn gửi gắm những tâm tình, lời nhắc nhở chúng tôi qua mỗi bài văn. Chính vì vậy tôi thấy văn học thực sự gần gũi, là một cách thức tuyệt vời để tôi học cách sống, đồng thời bày tỏ quan điểm và chính con người mình.

Một môn học nữa mà tôi thấy có nhiều thay đổi là môn Tiếng Anh. Chúng tôi học Grammar với thầy Đức, Conversation với thầy Vân đều là những giáo viên kì cựu đầy tâm huyết. Hồi còn ở đại học tôi cũng có cơ hội học Tiếng Anh khá nhiều, đặc biệt thời gian ôn thi để lấy bằng TOEIC đủ điều kiện ra trường, tuy nhiên nó chưa bao giờ là thế mạnh của tôi. Vậy nên tuy có chút vốn liếng nhất định nhưng còn rất lộn xộn và thiếu tự tin. Tại nhà Tìm hiểu, chúng tôi dành nhiều thời gian cho Tiếng Anh cả trên lớp lẫn giờ học riêng. Cá nhân tôi bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc học một phần vì thấy nó cần, phần nữa vì sợ thua anh em. Đúng là ban đầu tôi đã có kiểu suy nghĩ đó, tuy không nói ra nhưng rõ ràng tôi sợ bị nói là học đại học xong mà lôi thôi. Cũng may nhờ chút vốn liếng cũ, cộng với việc nắm bắt được cách dạy rất khoa học của thầy, nên tôi bắt đầu cải thiện dần, cả điểm số lẫn sự tự tin trong giao tiếp. Chỉ cải thiện thôi chứ chưa tốt. 

Bên cạnh Tiếng Anh và Việt Văn, tôi cũng học thêm Guitar và Xướng Âm. Hát hò thì tôi thích nhưng học hát lại không dễ dàng gì. Nhưng cũng phải trách mình, tôi chưa đầu tư đủ cho nó. Tôi chỉ thích chứ không hề đam mê. Vậy là bước đầu tôi đã bị khớp với những môn này.

Trong nhà anh em lớp Dự Bị chúng tôi cũng được chia sẻ mọi công việc với các anh lớp I và lớp II. Riêng tôi vì còn phải làm một báo cáo khoa học, và chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp nên còn phải lui tới nhà trường hàng tuần. Cha Minh tạo cho tôi mọi điều kiện để tôi có thể chu toàn công việc ở trường, đồng thời cũng nhắc nhở tôi để không lơ là việc trong nhà. Đến Tháng Ba tôi hoàn thành báo cáo và qua tháng Tư thì tốt nghiệp, kết thúc chương trình đại học. Từ đây tôi bắt đầu dành toàn tâm toàn ý sống dưới mái nhà Tìm hiểu.

3. Lớp I – “Ngọt ngào đệ huynh!”
Sau một học kì ở lớp Dự Bị như thời gian để làm quen, tháng Chín năm đó tôi chính thức bước vào lớp I. Mười ba anh em lớp Dự Bị giờ còn mười hai, cùng với mười chín anh em trong hai khóa khám phá dịp hè, tổng cộng lớp chúng tôi nay có ba mươi mốt thành viên. Chúng tôi chọn thánh An-tôn làm bổn mạng. Cá nhân tôi rất vui vì mình cũng mang tên thánh An-tôn.

Ba mươi mốt anh em là ba mươi mốt cá tính. Mỗi người mang những nét rất riêng từ tính cách, sở thích đến khả năng sở trường, thật không ai giống ai. Sự khác biệt của anh em góp phần cho lớp được đa dạng. Chúng tôi cùng đóng góp mỗi cách vào công việc chung, nhờ vậy công việc được trôi chảy. Chúng tôi cũng có nhiều thời gian để đồng hành với nhau, qua đó tôi biết hơn về anh em, đồng thời cũng cố gắng để chia sẻ cho anh em biết về mình. Thường tôi chọn chia sẻ với anh em về gia đình và hành trình dẫn chúng tôi vào đây. Tôi cũng có dịp giúp vài anh em trong việc học. Thực ra nói là giúp nhưng cũng là để mình học và ôn lại cho chắc. Vậy là bước đầu tôi hiểu tình huynh đệ cũng tựa như tình bạn, tình anh em mà tôi từng kinh nghiệm trong quá khứ. 

Chúng tôi sống chung với nhau, cùng ăn cùng ngủ cùng vui chơi và học tập nên nhanh chóng hiểu nhau. Trong những lần đồng hành tôi cũng có hỏi anh em về mình để nghe phản hồi. Nhờ đó tôi biết nhìn rõ hơn điểm mạnh điểm yếu của bản thân. Có một điều tôi sớm nhận ra là trong số anh em, có những người tôi thích nói chuyện nhiều hơn những người khác, ngược lại cũng có những anh em tôi thấy rất khó nói, mặc dù anh em không làm gì sai. Dần dà để ý kĩ tôi mới thấy nơi những anh em mình thường nói chuyện thì hoặc chúng tôi có nhiều điểm chung, hoặc cùng sở thích về một việc nào đó. Vậy là từ những anh em đó, tôi cũng có thể nhìn ra tính cách và sở thích của mình một cách khá khách quan. Tuy nhiên nó cũng thể hiện là dù sự khác biệt giữa anh em bước đầu làm tôi thấy hấp dẫn, nhưng nay lại là một rào cản vô hình. Chính tôi cần phải sửa điểm này thì mới mong tạo lấy tương quan quân bình và chân thành.
Cũng trong dịp này, có lần anh Thuận cho chúng tôi làm một bài tập, mỗi người hoàn thành bản nhận xét về anh em trong lớp qua những khía cạnh khác nhau như tính cách, khả năng, điểm mạnh điểm yếu. Tôi đã thành thật để làm, diễn đạt được khoảng tám mươi phần trăm những điều mình nghĩ.Một điều bất ngờ là sau đó anh Thuận cho biết rằng những nhận xét của tôi về anh em, cũng chính phản ánh phần nào con người mình. Những điều tôi quan tâm, những xu hướng của con người tôi bộc lộ khá rõ khi tôi phóng chiếu qua anh em. Những điều này cộng với kết quả có được khi tôi học chuyên đề “Khám phá bản thân” của cha Hải Minh đã giúp tôi có một cái nhìn ban đầu về chính mình.

Suốt những tháng ngày lớp Dự bị và lớp I, tôi đồng hành nhiều cùng cha Hải Minh. Cha Hải Minh là một người rất tâm lý. Đồng hành cùng cha tôi thoải mái chia sẻ hết mọi nỗi niềm. Thời gian đầu, tôi kể cha nghe nhiều về gia đình, rằng dạo này ở nhà bố trở nên nóng tính, hay phàn nàn với mẹ. Tôi thương bố và mẹ vì cả đời lo cho chị em chúng tôi, đến khi về già thì con cái đi hết nên gia đình vắng vẻ quạnh hiu cũng buồn. Đồng thời tôi cũng áy náy và nghĩ ngợi khi mà mình học hành tốn biết bao tiền, giờ lại đi tu không làm được gì cho gia đình. Cha hiểu cảm xúc đó của tôi. Cha bảo tôi làm đơn xin học bổng, cha cũng gợi ý nói tôi kêu bố vào Sài Gòn một thời gian, đi thăm mấy chị em để cho khuây khỏa. Dịp tết trong chuyến đi thăm nhà anh em, cha chọn ghé nghỉ nơi nhà tôi hai ngày. Trong lần khác đồng hành với cha, tôi quyết định nói ra một bí mật của riêng mình: một thói quen phạm tội. 

Thú thật tôi đã rất khó khăn để nói được. 
Vừa ngại ngùng, vừa sợ không biết phải nói như thế nào cho cha hiểu, lại lo sau khi nói rồi không biết cha có thay đổi suy nghĩ về mình không ? 
Cân nhắc đắn đo mãi tôi cũng đánh liều, vì thấy rằng mình cần trung thực với chính mình, hơn nữa tôi cần tìm một lời khuyên cho vấn đề đó, còn nếu cứ loay hoay mãi sẽ không giải quyết được gì. Vậy là tôi nói. Cha lắng nghe tôi, nhẹ nhàng khuyên bảo. Qua cha, cái vấn đề gai góc mà bấy lâu như hòn đá kéo tôi lại nay bỗng trở nên nhẹ nhàng. Cha còn gợi ý từ nay nếu cần tôi cứ đến với cha để xin xưng tội, cha là cha giải tội của tôi. Tôi xúc động, không biết nói gì nữa. 
Hôm nay tôi tin chính Chúa đã giục cho tôi nói, và cũng đặt để để người nghe là cha Hải Minh. Chúa đã can thiệp trên tôi từng chút từng chút một hơn cả những gì tôi đợi.

Tôi đã khép lại năm nhất khá nhẹ nhàng, tạo dựng được những tương quan gần gũi và thân tình với anh em. Đồng thời cũng hiểu về bản thân mình hơn và có những kinh nghiệm mới về đời tu khi mà mình thực sự sống chứ không chỉ nghe và xem như trước đây. 
Hè năm đó chị Viết khấn trọn, các chị đã bước những bước dài trên quãng đời dâng hiến. Chúa đã giữ gìn và ban cho gia đình tôi nhiều ơn lành. 
Tháng bảy chúng tôi tham dự khóa học nhạc, tháng Tám tôi đi tông đồ một tháng tại cộng đoàn truyền giáo Cambodia.

4. Lớp II – Chúa gọi con ?
Bắt đầu năm II đời sống Nhà Tìm hiểu có nhiều thay đổi. 
Về mặt nhân sự, Cha Minh không làm đặc trách nữa nhưng là cha Niên. Các anh đồng hành gồm anh Thuận, anh Lượng và anh Lam, cũng có anh Vincel Tuấn qua giúp chúng tôi được một học kì. Vậy là trong số các anh đồng hành cũ chỉ còn lại mỗi anh Thuận. Lớp Antôn của tôi giờ còn hai mươi sáu anh em, vì trước đó có anh Quốc Tuấn và Hưng về trong dịp tết, còn anh Lập, Phúc và Đình Thiên về hồi cuối năm. 
Năm nay chúng tôi lên lớp II, được làm anh. 
Lớp I mới vào cũng có ba mươi mốt anh em như chúng tôi năm ngoái.
Năm hai với cá nhân tôi là một năm khá căng thẳng. Đầu học kì mới anh em bầu tôi làm trưởng nhà. Làm trưởng nhà là làm cầu nối giữa anh em với các anh Đồng hành, điều hành các cuộc họp nhà, lo các công việc chung và kêu gọi anh em khi cần. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc học của tôi.

Tuy nhiên tôi không ngại công việc, vì trong nhà hầu hết anh em nhiệt tình và luôn sẵn sàn. Chỉ có hai điều làm tôi sợ hơn cả đó là phải có trách nhiệm nhắc nhở anh em và sợ bị hiểu lầm. Bản thân tôi không phải là người có đời sống mẫu mực cả trong đời sống thiêng liêng lẫn nhân bản. Suốt năm lớp I đã nhiều lần tôi phải tự kiểm điểm mình về điều này. Nào là nói chuyện ồn ào, ăn vặt, ngủ nướng, học hành chểnh mảng, vào nhà nguyện trễ... tội gì cũng có. Vì thế mỗi lần cần nhắc anh em là lại nghĩ đến mình còn bậy bạ nên thôi. Tôi chưa thoát ra được lối suy nghĩ đó, dù biết là mình cần phải làm vì trách nhiệm. Cha Niên cũng gọi ý cho tôi nhìn việc này như cơ hội Chúa nhắc mình sửa đổi, nhờ đó tôi có để ý hơn nhưng cải thiện chưa được là bao. 

Trong thời gian làm trưởng nhà cũng có vài lần tôi bị hiểu lầm. Có những công việc mà vì dễ dãi nên tôi đã không truyền đạt đúng ý của anh đồng hành tới anh em. Cũng có những lúc vì anh em làm sai mà tôi bị nhắc nhở. Chuyện nhỏ thôi nhưng ngay lúc đó thì cũng thấy buồn. Sau này có thời gian nhìn lại mới nhận ra nó có ích cho tôi, nhờ đó mà tôi biết lo công việc cho chu đáo.

Về đời sống Thiêng liêng, năm nay chúng tôi bắt đầu có anh Linh hướng. Anh Lượng là người đồng hành chính, nhưng anh Thuận sẽ là linh hướng của chúng tôi. Ban đầu tôi đã không thực sự trân trọng sự thay đổi này, có phần hơi lo lắng. Tuy nhiên Chúa không vô lý khi đặt để như vậy, tôi dần dần nghiệm ra được điều đó qua một kinh nghiệm đau thương nhưng cần thiết. 

Trong một lần đồng hành bất ngờ, anh Thuận chia sẻ ba nhận định của anh về tôi. 
Cả ba đều là những nhận định tiêu cực. Thứ nhất tôi có xu hướng làm đẹp bản thân trong mắt người khác, tức là tôi chưa chân thành với mình và anh em. Thứ hai tôi có tính ăn thua, điều này thể hiện nhiều trong lúc tôi đá bóng, tôi có chơi tiểu xảo và sẵn sàng chơi xấu anh em. Thứ ba là về việc học, tôi đang chủ quan và thiếu phấn đấu. 
Khi vừa nghe những nhận xét như vậy tôi rất buồn. 
Việc học hành đúng thời gian này tôi có phần chủ quan, nhưng trong cách đối xử với anh em tôi không nghĩ tôi lại tệ như vậy. Lâu nay tôi vẫn thường cố gắng để sống chân thành, dù còn thiếu sót nhưng không ích kỷ. Tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực và có nhiều niềm vui trong tương quan với anh em. Trước nhận xét bất ngờ của anh tôi không biết trả lời thế nào. 

Tôi đã có cảm giác như mình bị hiểu lầm, rằng có sự vội vã và thiếu thông cảm trong cách nhận xét của anh. 
Tuy nhiên tôi cũng sợ mình ngộ nhận. 
Tôi sợ mình thực sự đã và đang sống như vậy nhưng lại cứ nghĩ là mình tốt lành. 
Tôi bối rối! Phải chăng mọi nhận định về bản thân trước nay của tôi đều sai trái ? 
Cả con người mà tôi đang cố xây dựng bỗng vỡ tan. 
Trong tôi xuất hiện nhiều cảm xúc và suy nghĩ rất tiêu cực. 
Tôi có cầu nguyện nhưng lòng không tìm được bình an, gặp anh em thì không thể nói mà cũng không muốn nói vì sợ mình thanh minh. 
Tôi đã trải qua một tuần tiếp theo thực sự nặng nề. 
Tôi biết rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là gặp anh lần nữa để trao đổi, nhưng cũng phải đấu tranh mãi mới quyết định được. Và đây là một kinh nghiệm quý cho tôi trong việc giải quyết khủng hoảng. Đồng hành lần này với anh, tôi nói nhiều về cảm xúc của mình, cả những ý nghĩ không vâng lời của tôi. Tôi cố gắng moi móc hết mọi thứ dù là tiêu cực nhất để nói với anh. Tôi tin rằng chỉ có như vậy thì may ra tôi mới bình an. 
Anh lắng nghe tôi, Anh giải thích cho tôi từng nhận định một. Có những điều dù chỉ mới chớm, nhưng sẽ là nguy hại trong tương lai nếu tôi không biết mà sửa từ hôm nay. Có điều tôi hiểu, có điều tôi phải suy nghĩ, nhưng rõ ràng là tôi phải thay đổi. Chúa đã thức tỉnh tôi một cách rất thẳng thắn qua anh Thuận.

Suốt năm hai tôi còn trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống đức tin. 
Nhiều lần tôi cầu nguyện không được, không phải do những chia trí như trước đây, nhưng là do tôi không tin. 
Thực ra nó đã manh nha ngay từ lúc tôi bắt đầu vào nhà dòng. 
Không dễ để diễn tả, dù rằng có những biểu hiện khá rõ. Tôi không thể tập trung khi vào nhà nguyện, tôi thấy trống trải, tham dự các giờ kinh theo thói quen. Hơn nữa nhiều lúc còn tôi tự hỏi liệu Chúa có tồn tại ? 
Tôi có tin thực sự khi lãnh bí tích? 
Đọc các sách thiêng liêng, tôi yêu mến gương thánh Têrêxa và thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Nhìn đến các Ngài tôi cố cảm nghiệm điều các Ngài đã cảm nghiệm về Chúa, nhưng rồi tôi thất vọng, tôi sợ hãi khi nhìn lại mình. 
Những tội cứ phạm đi phạm lại làm tôi sa ngã và thất vọng hơn hết. Tất cả đều là những kinh nghiệm khủng khiếp. Những điều này còn ám ảnh tôi đến lúc tôi viết đơn lên thỉnh sinh. Dù tin tưởng rằng Chúa gọi mình, tôi vẫn bị lo lắng và phân phân. Tôi bị cám dỗ nhìn đến một tương lại rất tiêu cực, nơi mà tôi chỉ đi tu vì cái vẻ bên ngoài, để được này được nọ, trong khi lòng trí thì khô khan và không có Chúa. Vậy thà tôi về sớm còn hơn !

Trải qua những kinh nghiệm này ngay khi vừa bắt đầu đi tu thực sự rất khó khăn. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được Chúa đang đồng hành với tôi. Tôi tin đó cũng là những kinh nghiệm Chúa gửi để tôi biết hoán cải. Tôi bắt đầu cầu nguyện nhiều hơn, chủ động chứ không còn khiên cưỡng. Và có một điều tôi được an ủi là chính trong những lúc đau thương nhất, thì cũng là lúc tôi cảm nhận được Chúa mời gọi mình nhiều nhất. 

Vậy giờ đây chỉ còn một điều với tôi là quan trọng:
“Lạy Chúa, xin thu hút lòng con, để con say mê Chúa hơn tất cả mọi sự trên đời. Amen.”
Nhà Tìm hiểu, ngày 30 tháng 04 năm 2018