Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

30 tháng 4 lại về

Mỗi năm cứ đến ngày này, tâm hồn tôi lại chao nghiêng về quá khứ. cái tuổi chưa tròn mười tám cũng đủ để biết được nhiều điều. Tôi tiếc một nền giáo dục nhân bản, một thời y tế miễn phí, giáo dục miễn phí. Những người lớn tuổi của chúng tôi không bao giờ quên được vì nó trộn niềm vui và nước mắt. Niềm vui của ngày chấm dứt chiến tranh nhưng sao hòa quyện quá nhiều ngổn ngang mất mát...
Tôi xin được mượn bài của Hùng Lân, của Minh Đức, của chị Kim Dung và của cả chính tôi :

1. Anh Hùng Lân
Điểm mốc thời gian ngắn gọn những gì mình biết thôi nhé, ghi ra không thôi quên:
- 30/4/75: Xong xuôi, binh lính sĩ quan VNCH đi học tập cải tạo, gia đình vợ con đi kinh tế mới.
- 25/4/76: Bầu Quốc hội chung, thống nhất và đổi tên nước.
- 1977: Đánh tan tác tư sản.
- 1978: Đói triền miên, ăn độn bắp mì bobo 90%.
- 1979: Cuộc chiến biên giới với Trung Quốc.
- 1980: Lần đầu được coi trực tiếp truyền hình Olympic Moksva qua vệ tinh Hoa Sen.
- 1981: Ngăn sông cấm chợ khủng khiếp. Sản xuất ra cái gì cũng không bán được, đem đi đều bị tịch thu. Ai làm quản lý thị trường lúc này là no nê nhất.
- 1986: Chính sách đổi mới, có khá lên đôi chút về lưu thông hàng hóa.
- 1995: Quan hệ với Hoa Kỳ, có dễ thở hơn tí về kinh tế.
- 2010: Xuất hiện tầng lớp tư sản đỏ ngày một nhiều hơn.
- 2012: Kinh tế bị khuynh loát bởi các đại gia giàu lên rất nhanh.
- 2017: Bắt đầu lộ diện các tội phạm về kinh tế, tham nhũng, quyền lực và nhất là tệ nạn xã hội càng lúc càng nhiều.


2. Bạn Nguyễn Minh Đức
Em điểm cho anh nè:
Mười năm đầu các ông oánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới, bắt vô tập đoàn, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ. 
Mười năm tiếp theo các ông thôi ngăn sông cấm chợ, thôi hợp tác xã, thôi tập đoàn, cho đổi tiền và gọi đó là đổi mới.
Mười năm tiếp theo nữa mời gọi nước ngoài đầu tư, công nhận thành phần kinh tế tư nhân là một thành tố của nền kinh tế và kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà đảng đã chọn.
Mười bốn năm gần đây, tham nhũng ổn định với thành phần cơ bản là tư sản đỏ, lợi ích nhóm trục lợi từ tham nhũng chính sách, kinh tế kiên đinh phát triển theo cơ chế quái thai được gọi là kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

Và suốt bốn mươi bốn năm nay, các ông loay hoay, tâm tư mãi với việc cải cách giáo dục, thi hay bỏ thi đại học, giữ hay bỏ trường chuyên, lớp chuyên, cải cách sách giáo khoa.

Ồ yeah, sơ kết 44 năm non sông về một mối, toàn dân được phỏng zái.


3. Chị Kim Dung
Sáng sớm vừa lái xe vừa nghe tường thuật về ngày 30 tháng 4 năm 1975 của đài Little Saigon, văng vẳng bên tai tiếng người xướng ngôn viên, một nỗi quặn đau đến lặng thinh.
Bốn mươi bốn năm rồi, sao còn mãi ấp ủ ? tôi tự nhủ lòng hãy quên mà không quên được, tiếng nói của các tướng vùng nhất định không bỏ chạy, không đầu hàng, phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng, rồi tự sát, nghe sao buồn xa xăm đến nhức cả đầu, mặt nóng hổi vì ngày đó đang hiện về trong tôi, người Việt xa xứ, nhất là ở tuổi của chúng tôi, hay nhớ về quá khứ, những khúc quanh lịch sử.
Bản thân tôi chào đời tại miền Bắc 1953, một năm sau đã được bà nội bế trên tay vào Nam bằng máy bay.
" Nhớ năm 1954,
Nhân dân Bắc việt di cư Nam phần,
Vội vàng tôi cũng rời chân,
Va li khăn gói ra sân phi trường,
Máy bay cất cánh lên đường,
Tung bay muôn dặm đường trường thẳng dông,
Vượt qua bao núi bao sông."


Mấy vần thơ trên tôi đã học thuộc lòng khi ở tiểu học, giờ ngồi viết lại biết mình may mắn được nội bế vào Nam chứ không thì bây giờ cũng là Việt cộng vô cảm.
Tạ ơn Trời đã cho con chạy vào miền Nam hiền hòa,
Rồi bốn mươi năm sau lại " bỏ của chạy lấy người," chạy trốn cộng sản, cùng chồng và các con được sang Mỹ theo diện HO cũng bằng máy bay, không phải vượt biển nghìn muôn cơ cực, biết bao gia đình đổi tính mạng tìm tự do, chết trên biển cả, bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp rồi quăng xuống biển, bị đói khát, chỉ một số ít % may mắn được các tàu Mỹ, Đức thương cứu vớt.
Lan man suy nghĩ tôi cũng đã về đến nhà, ra sau vườn cùng anh Mễ trồng hoa, 6 chậu hoa sống đời để dâng lên Đức Mẹ, kỷ niệm ngày 30 tháng 4, cầu xin cho Quê hương, cho người nằm xuống, người còn ở lại và cả những người đã đến được bến bờ tự do, xin cho tất cả được bình an, khỏe mạnh.

4. Của chinh tôi

- Năm 1976 ngày nào tổ trưởng cũng đến nhà dụ bố tôi đi kinh tế mới, họ bảo tự nguyện đi sẽ có 6 tháng lương thực, để cưỡng bức đi thì tự lo. Tôi 19 tuổi, nghe hù thì rét, bảo bố tôi chia gia đình làm hai : bố, tôi và em Cường đi ktm, để mẹ và các em nhỏ ở lại Saigon. Cám ơn Chúa cho bố tôi khôn ngoan, cỡ nào cũng ở lại O đi đâu hết. Bố tôi ít học mà sao khôn thế. Mấy năm sau những gia đình xóm tôi bị dụ hồi hương hay ktm đều trở về trong thất bại, mất mát được tính bằng gì ?
- 1977 tôi được nhận vào làm công ty xây dựng, trước khi làm phải học chính trị 2 tháng (chẳng hiểu đẩy xe rùa, trộn hồ học chi 2 tháng chính trị ?) được trả lương đàng hoàng. Học chính trị xong, cắt hộ khẩu về Hà Tiên, ai O đi phải bồi thường gấp đôi tiền lương vừa nhận. Ơn Chúa, bố tôi khôn ngoan một lần nữa, bố nói cắt hộ khẩu cương quyết không cho. Tôi vẫn rét vì sợ phải đền tiền, nhà tôi nghèo quá nhưng bố nói để bố lo, con đừng sợ. Các bạn tôi về Hà Tiên làm phụ hồ, ai khá hơn thì làm thợ chính, nam cũng như nữ. Cực quá muốn về thành phố nhưng hộ khẩu đâu mà về, hộ khẩu đâu mà xin việc làm ? Lây lất nhiều năm, cuộc đời có người đỡ hơn, người vẫn cực suốt chỉ vì những bộ óc “vĩ đại” của nhân loại. Chúng tôi chỉ là những học sinh mới vừa rời ghế nhà trường, chỉ qua hai tháng học chính trị trở thành bàn tay cầm bay, trộn hồ chuyên nghiệp !
- Cải tạo công thương nghiệp, cái từ mỹ miều nhưng đã làm nhiều người giàu chân chính phải nhảy lầu tự tử hoặc bỏ nước ra đi, may thì đến bến bờ tự do, không may thì làm mồi cho cá. ĐM có công với cách mạng nhưng với những người lương thiện thì ông ta là một tội đồ. Chẳng biết năm vừa rồi khi về thế giới bên kia gặp lại quá nhiều người vì ông ta mà bỏ mạng, ông ta trả lời ra sao và họ có làm gì ông ta không nhỉ ???


Một thời sẽ chẳng bao giờ quên......

Trong tâm trạng vô định, sáng nay tôi lên nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tôi thích ngôi thánh đường này vì luôn mở cửa suốt ngày từ sáu giờ sáng cho đến tận đêm, có cha ngồi giải tội thường xuyên, có Phòng Chầu Thánh Thể dưới tầng hầm, một không gian nhỏ bé, ấm cúng, yên tĩnh, thánh thiêng. Mỗi khi bước vào đây, tôi cảm nhận được bình an thật sự chiếm hữu tâm hồn mình, Chúa đang hiện diện ở đó, thật gần gũi và thân thương bằng tấm bánh nhỏ bé trong Mặt Nhật rạng ngời ánh hào quang sáng chói. 

Quì trước mặt Chúa, tư tưởng tôi có bao điều đang nghĩ đến : bốn mươi bốn năm với những người ra đi may mắn tìm được bến bờ tự do, những người thân xác chìm sâu giữa lòng biển cả, những người ở lại đang chịu nhiều bất công và áp bức, bốn mươi bốn năm đất nước tôi với nền giáo dục và đạo đức tụt hậu thế này thì bảo sao tránh khỏi tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tội phạm ngày càng trẻ hóa, bạo lực học đường, lòng nhân ái thường xuyên đi đôi với sự nghi ngờ...

Một tràng hoa Mân Côi tôi dâng lên Mẹ cầu xin cho đất nước bình yên, thế giới bình yên, người người biết thương yêu nhau, nhất là các nhà lãnh đạo luôn biết lo lắng cho dân. Bất chợt tôi hát một mình, lời hát âm thầm tự trái tim :
" Xin chỉ cho con đường đi của Chúa
Xin dạy bảo con lối bước của Ngài
Xin hướng dẫn con trong chân lý
Xin dạy bảo con những điều cao quí
Vì Chúa là Đấng Cứu độ con,
Là Đấng ngày đêm con cậy trông."
Ước gì mỗi người đều được như vậy. Ở đâu có Chúa ngự trị, ở đó sẽ có bình yên thật sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét