Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Phụ nữ nhớ nhé !!!


👉 Là phụ nữ phải nỗ lực giảm cân, kiếm thật nhiều tiền để đi spa, uống thuốc bổ, thoa kem các kiểu chăm sóc da cho thật đẹp, và phải thật thơm tho.
👉 Là phụ nữ, tuyệt vời nhất ko phải là có chồng giàu, ghệ đẹp, trai thơm đại loại. Mà tuyệt vời nhất là tự kiếm ra tiền, thật nhiều tiền... tiền chân chính.
👉 Là phụ nữ, ai cũng cần có sự che chở nhưng phải mạnh mẽ, phải cố gắng mạnh mẽ, ko được yếu đuối, phải mạnh mẽ!
Bé Cao Lớn's photo.👉 Là phụ nữ, đừng dựa dẫm vào người khác, phải tự lực cố gắng, cái gì ko biết thì hỏi, đừng nhờ vả khi thật sự ko cần thiết.

👉 Là phụ nữ, đừng luỵ tình kiểu ngu si mà phải biết lỡ có yêu đc thằng không ra gì thì cũng phải bỏ đc cái ""không ra gì"" ấy.

👉 Là phụ nữ, đừng õng ẹo chanh chua, đừng giả điên xạo xạo, đừng làm giá, bọn kia biết hết đấy! Chỉ là nó cũng đang giả điên theo mình thôi.

👉 Là phụ nữ, đừng thông minh quá, mà có lỡ thông minh quá cũng đừng để bọn nó biết. Giữ lại cái thông minh để mà đối phó những chuyện không lường trước được.

👉 Là phụ nữ, đừng cứ ai cho gì cũng nhận mà trước khi muốn nhận thì hãy tự hỏi: "Tại sao người ta lại cho mình?" Cuộc đời này không ai cho không ai bất cứ thứ gì đâu. Của biếu là của lo, của cho là của nợ, nhé phụ nữ!

👉 Là phụ nữ, đi 1 mình đừng làm mặt ngây thơ, ngu ngơ, điệu đà để bọn đấy nó trêu, mà phải "đeo" 1 vẻ mặt láo toét kiểu lạnh lùng vào, nhưng đừng làm quá... chúng nó đập cho.

👉 Là phụ nữ, phải biết chăm sóc người thân trước tiên rồi muốn ra đường chăm sóc ai cũng được.

👉 Là phụ nữ, phải biết thương bản thân mình trước rồi muốn thương ai thì thương, thương bản thân mình, chứ không phải ích kỷ chỉ biết mỗi mình. Không được ích kỷ!

👉 Là phụ nữ, người yêu không có, nhưng ít nhất phải có 1 đứa bạn chân thành, tốt dạ tốt lòng, không cần thân, chỉ cần hiểu là đủ rồi.

👉 Là phụ nữ, mềm mỏng yếu ớt lắm nhưng phải cố gắng đứng vững trên đôi chân của mình, vùng dậy trước sóng gió, đối mặt với khó khăn và làm chủ bản thân.

👉 Là phụ nữ, thiệt thòi hơn đàn ông trăm bề, hãy vì sự thiệt thòi đó mà mạnh mẽ, vững chắc, vươn lên!

(Sưu tầm - Chị Mary Phạm gởi CMCVN)

    Thư người mất vợ ở Paris gởi IS

    : Các người sẽ không nhận được sự hận thù
     “Cô ấy vẫn cứ xinh đẹp như khi tôi mới yêu cô ấy cách đây hơn 12 năm”, anh Antoine Leiris viết trên Facebook kể về thời khắc anh được gặp lại người vợ yêu Helene Muyal-Leiris từ … nhà xác.
    Chính phủ Pháp hôm 18.11 đã thông báo nhận diện xong toàn bộ 129 nạn nhân của vụ khủng bố Paris đêm 13.11, vì vậy người dân có thể đến nhận thi thể người thân về mai táng. Trong số này có cô Muyal-Leiris, mới 35 tuổi. Cô bị bắn chết tại nhà hát Bataclan cùng 89 người khác trong đêm kinh hoàng 13.11 qua.

    Những người chết sau vụ khủng bố Paris đã nằm xuống, nhưng gia đình họ, cả thành phố Paris, cả nước Pháp và cả thế giới này vẫn đang đau đớn.
    Người chồng mất vợ lên Facebook viết status gửi IS: “Đêm thứ sáu, các ông đã cướp đi một mạng sống lớn lao, đó là tình yêu của đời tôi, là mẹ của con trai tôi. Nhưng tôi sẽ không thù hận các ông. Tôi không biết các ông là ai và cũng không muốn biết. Các ông chỉ là những linh hồn đã chết”.

    Thông điệp của Leiris đã làm lay động con tim cộng đồng mạng, đang được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chia sẻ rất nhanh, thu hút hàng trăm ngàn lượt người đọc.
    Anh Leiris viết tiếp: “Nếu thượng đế, đấng mà các ông xưng danh để giết người bừa bãi, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của người, mỗi viên đạn trên thân thể vợ tôi là mỗi vết thương trong trái tim thượng đế. Vì thế, sẽ không có chuyện tôi cho các ông món quà hận thù. Các ông muốn nó, nhưng đem sự giận dữ ra mà đáp trả hận thù thì chẳng khác nào tôi cũng giống như các ông.

    Các ông muốn tôi sợ hãi. 
    Các ông muốn tôi nhìn đồng hương của tôi với cặp mắt nghi ngờ. 
    Các ông muốn tôi hy sinh tự do cho an ninh. 
    Các ông đã lầm.

    Tất nhiên, tôi đau đớn trước sự mất mất này. Tôi đã để cho các ông giành được một chiến thắng nhỏ. Nhưng sự đau đớn sẽ mau qua đi. Tôi biết rằng cô ấy sẽ luôn ở bên cạnh chúng tôi mỗi ngày và chúng tôi sẽ lại tìm được nhau ở chốn thiên đường của những linh hồn yêu thương và tự do, chốn mà các ông sẽ không bao giờ vào được.

    Chúng tôi chỉ còn lại hai người, con trai tôi và tôi. Nhưng chúng tôi sẽ mạnh hơn bất kỳ đội quân nào trên thế giới này. Tôi không còn giờ để dành cho các ông nữa. Tôi phải đến với Melvils. Nó đã ngủ trưa dậy rồi”.
    Nhưng người chồng trẻ Leiris, nhà báo làm việc cho một đài phát thanh ở Pháp cũng không quên “nhắn nhủ” IS thêm một điều: sẽ nuôi dạy Melvil lớn lên trong “hạnh phúc và tự do. Bởi vì không, các ông cũng sẽ không nhận được sự hận thù từ nó”.

    (Email Chị Mary Phạm gởi CMC)

    Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

    Chuyện của chim Yến

    Câu chuyện ray rức lòng người.
    Xé gió biển, đôi cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao xuống hết tốc lực. Chẳng có gì ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…
    Cảnh tượng đó lặp đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.
    Yến, sống trung thành - chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến, nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…
    Nếu không may gặp một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ, hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẩn và chọn cách gieo mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.
    Đa số chim Yến trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử, chim Yến trống sẽ sống cô độc suốt quảng đời còn lại.
    Xưa, kẻ cùng đinh mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý do không có "nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.
    Nay, lòng tham con người vô cùng vô tận.
    Tạo hoá không ban phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thuỷ chung đó lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15 giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là “làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.
    Bù lại, Mẹ Thiên Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn độc hơn thú dữ. Loài có thể chinh phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi. Loài đã làm những cuộc tàn xác đẫm máu mang tên “Yến Sào”.

    Yến chống chọi để tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh “rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây. Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được loài man rợ hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”!
    (Sưu tầm - Nguyễn thành Lê gởi - Đọc xong buồn quá !)

    Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

    Lên đường

    Ðường là để đi.  
    Ðường là để đi nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó.  Bản tính của đường là để đi, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú.  Như vậy, kẻ dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình.  Tôi phải xác định với lòng tôi: cuộc sống hôm nay là đường đến một quê hương khác?  Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà tôi lại chọn làm nơi cư trú, tức là tôi chẳng lên đường để đến nơi tôi phải đến.  Lối đi hôm nay của tôi có là đáp trả tiếng gọi của Chúa?  Nếu không, mà tôi chẳng lên đường theo tiếng gọi là tôi đang làm ngơ, đang cố quên đường về.

     

    Phải rẽ lối khai quang mới thành đường đi.  Sở dĩ có người rẽ lối khai quang để làm đường đi vì họ muốn đến một nơi nào đó.  Nghĩa là họ muốn tìm kiếm.  Như thế, trước hết, trái tim họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ kiếm tìm.  Cõi lòng họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ kiếm tìm.  Cõi lòng họ phải mở rộng cho một chân trời bước tới.  Sẽ không có đường đối với kẻ không muốn tìm kiếm.  Và ước mơ lên đường mà không lên đường thì cũng không thành đường đi.

     

    – Có ai không cần tìm kiếm vì đã dư thừa?

    – Có ai không cần lên đường vì đã gặp gỡ?

     

    Ước mơ hạnh phúc là dấu hiệu hạnh phúc đang vắng mặt.  Nguyện cầu cho hết phân ly là nói một cách khác họ đang khao khát được xum họp.  Khổ tâm khi thấy người thương mến của mình gặp bất hạnh nghĩa là kẻ đó đang thiếu thốn, và mình cũng chẳng đủ quyền năng cho họ hạnh phúc.  Khi tôi lo âu là lúc tôi có vấn đề.  Ai trong cuộc sống mà lại chẳng có lúc âu lo?  Tất cả đấy là những dấu hiệu giới hạn của con người, những thiếu thốn mà con người đang đi tìm.

     

    Và như thế, ai cũng cần phải lên đường, ai cũng phải tiếp tục tìm kiếm.  Ðời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi.  Mục đích là gặp điều tôi mong mỏi.

    Nhưng đi về chốn nào?  Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?

     

    Chắc chắn không thể là tôi.  Vì tôi có thể ban tặng cho mình được những gì tôi thiếu thốn thì tôi đã chẳng còn bao giờ ước mơ nữa.  Nếu tôi không thể đến một nơi nào đó để lấy được những gì tôi mong mỏi, như vậy, cũng có nghĩa là tôi không thể tự làm đường đi cho mình được.  Chắc chắn cũng không thể là người chung quanh tôi vì họ cũng thiếu thốn như tôi.

     

    Vậy, ai có thể giúp tôi đạt được những điều thiếu thốn đó?

     

    “Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14, 6).  Ðường của cuộc đời tôi đi là Chúa.  Những gì tôi thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của tôi.  Khi Chúa nói Chúa là sự sống, có nghĩa Chúa là hạnh phúc tôi đang túng thiếu.  Khi Chúa nói Chúa là đường, có nghĩa là để dẫn tôi tới hạnh phúc đó.

     

    Kinh nghiệm cho thấy hạnh phúc có thể thỏa mãn những thao thức sâu kín nhất trong tâm hồn tôi không hệ tại sự giàu có, người yêu, những gì trong phạm vi trần thế.  Nếu vậy thì phương cách để đạt được hạnh phúc có thể thỏa mãn tâm hồn tôi cũng không thể đến được từ trần gian.  Hạnh phúc ấy thuộc về phạm vi siêu nhiên, vượt tầm sáng tạo của nhân loại.  Cho nên, con đường dẫn tới hạnh phúc đó cũng phải là siêu nhiên, không thể là sản phẩm của con người.  Trong ý nghĩa này, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích.  Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc.

    * *

    Lạy Cha, Cha đã tỏ cho con biết Cha là đường của con.  Ðường đã có rồi.  Sự thật và sự sống đã có rồi.  Nhưng con cần Cha dọn cỏ, mở lối cho con.  Cỏ tối tăm và cỏ nguội lạnh là những giây leo rừng chằng chịt che kín lối.  Và con đã không thấy đường.  Cha là sự thật, nên không có loại cỏ tối tăm nào có thể che kín.  Cha là sự sống nên không loại gai nào có thể làm nghẽn lối.  Giây gai làm nghẽn lối, cỏ dại che kín đường không mọc ở đường đi, nhưng mọc trong chính trái tim con.  “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51).  Cha đã mở mắt và người mù đã thấy đường đi.  Một lần nữa, hành động của người mù cũng lại khởi đầu bằng ước mơ: ước mơ được sáng mắt.  Ðiều ấy cũng hàm nghĩa là anh ta luôn luôn muốn tìm kiếm ánh sáng.  Nếu anh ta không muốn lên đường.  Nếu anh ta chọn thế giới mù làm quê hương.  Nếu anh ta cư trú trong thế giới bóng đêm ấy và chẳng muốn bước tới nữa thì chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời.  Ðời anh sẽ tẻ nhạt biết bao.  Ðời con cũng vậy.  Con phải lên đường.  Ngày nào con cũng có lầm lỗi.  Ngày nào cũng có bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng.  Ngày nào con cũng có mù lòa.  Vì thế, con cần Cha mở mắt cho con hàng ngày.  Và, con phải lên đường mỗi sớm mai.

    * *

    Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp.  Nhưng để thực hiện lên đường lại không dễ.  Những hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm.  Muốn nhìn vũ trụ mênh mông phải giã từ mặt đất, cất cánh theo chim trời.  Nếu con sâu cứ lặng lẽ sống dưới mặt đất với loài trùng, thì nó chẳng có lý do để oán trách sao cuộc đời chung quanh chỉ là mùi ẩm của đất, mùi mốc của cỏ.  Nó phải hóa thân thành cánh bướm.  Và, lúc đó người ta sẽ ngước mắt nhìn theo.  Tất cả vũ trụ là của nó. “Trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi từ khi mới là thai nhi trong lòng mẹ” (Tv 51, 7).  Ðó là hình ảnh tôi sinh ra trong thân phận sâu.  Sinh ra trong thân phận sâu, nhưng lại không để làm sâu, mà được kêu gọi hóa thân làm bướm.  “Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian” (Ga 15, 19; 17, 16).

    * *

    Lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại.  Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ.  Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu.  Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi.  Bây giờ tôi phải từ bỏ.  Những liên hệ không ngay lành, nhưng cho tôi thú vui trần thế.  Bây giờ tôi phải cắt đứt.  Lười biếng là một thứ quyến rũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại.  Bởi, lên đường là mở cửa đi ra, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng.  Muốn được người ngưỡng mộ, tôi tạo ra khuôn mặt đẹp mà tâm hồn tôi không có.  Bây giờ, lên đường, nghĩa là tôi phải sống thật với tôi.  Trở về chấp nhận khuôn mặt nghèo nàn của mình là điều tôi không muốn.  Ðể người biết khuôn mặt thật của mình là điều tôi không dám.  Bước tới để thay đổi tâm hồn là một giá tôi phải trả.  Là một lên đường đòi nhiều can đảm.

     

    Những biến cố thay đổi cuộc sống của một tâm hồn trong Phúc Âm đều là những biến cố lên đường.  Chúa đã dùng những hình ảnh lên đường cụ thể, lên đường bằng đôi chân bước trên cát bụi để diễn tả cuộc lên đường nội tâm.  “Ði dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và Anrê dang quăng chài dưới biển.  Ðức Yêsu nói với họ: Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi là ngư phủ bắt người.  Tức khắc, họ đã bỏ chài lưới mà theo Ngài.  Ði xa một ít, Ngài thấy Yacôbê và Yoan em ông, cả hai đang vá lưới dưới đò.  Ngài gọi họ.  Và họ đã bỏ cha họ và những người làm công mà theo Ngài” (Mc 1, 16-20).  Phúc Âm thuật lại, sau khi theo Chúa rồi, nhiều lần Phêrô vẫn còn thả lưới.  Như vậy, đáng lẽ Chúa phải bảo Phêrô mang lưới theo kẻo mai mốt lại tốn tiền mua lưới khác.  Nhiều lần Chúa phải dùng thuyền mà đi.  Sao Chúa không dặn Phêrô giữ lấy thuyền vì mai mốt cả Thầy trò vẫn còn cần tới.

     

    Họ đã bỏ lại tất cả.

     

    Họ đã bỏ lại tất cả, phải chăng lưới mà Yacôbê đang vá lưới của những toan tính thiếu niềm tin vào Chúa, là mạng nhện đam mê gắn liền với tâm hồn tôi như áo tôi mặc.  Tôi chẳng muốn bỏ.  Mỗi mũi kim vá là một lần tôi níu kéo, bám theo . Phải chăng thuyền của Phêrô là những nét xấu như một thứ quê hương tôi đang sống ở trong.  Tôi đang an phận với quê hương ấy?

     

    Lạy Cha, Simon và Anrê, Yacôbê và Yoan đã lên đường.  Khi nghe Cha gọi, họ đã tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường.  Không lưỡng lự.  Dứt khoát.  Hình ảnh của những cuộc lên đường đẹp quá.  Lên đường của những kẻ muốn tung cánh trong tự do bát ngát như thập giá không chịu khuất phục sự chết.  Lên đường của những bàn chân không biết mỏi khắp cánh đồng Galilêa.  Lên đường không phân vân như mặt trời bình thản đẩy bóng tối lại đàng sau.

    * *

    Lạy Cha, nếu không lên đường, chắc hẳn Phêrô chẳng gặp Cha, 
    đã không được Cha huấn luyện và tâm hồn Phêrô đã nghèo nàn lắm.  
    Trong cuộc sống của con, Cha đã gọi.  
    Con cũng đã lên đường, nhưng con không can đảm như Anrê, như Yacôbê.  
    Lưới đời của con dầy mắt, những mắt lưới mà con nghĩ là sẽ bắt được nhiều cá: 
    cá bằng cấp, cá danh vọng, cá sắc đẹp, cá giàu có, cá tình yêu.  
    Mỗi lần bắt hụt vì lưới bị rách là con lại cặm cụi ngồi vá.  
    Có bao giờ con đã quá chú ý cúi mặt vá lưới đến nỗi Cha đi qua, 
    Cha gọi mà con chẳng nghe gì?

     

    LM Nguyễn Tầm Thường, S.J