Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

30/4 Ơi ! 1975 - 2016

Mỗi năm tháng Tư về, lòng tôi lại dấy lên một vết thương tưởng chừng đã lành, đã QUÊN nhưng thật ra chẳng bao giờ phai nhoà dù rằng cuộc sống đã ban cho chúng tôi cách riêng và những người tỵ nạn nói chung rất nhiều Hồng Ân, được người Mỹ mở rộng vòng tay và bao dung đón tiếp, tạo cho nhiều cơ hội để chúng ta hoà vào dòng chính trong xã hội, nếu mọi người biết bắt nắm lấy và trân quý.
Chúng tôi hồi tưởng lại ngày 30 tháng 4 năm 1975, mà chớp mắt mọi thứ đều sụp đổ, hoảng loạn, người thân, gia đình và bạn bè, sự nghiệp chỉ trong một ngày tan thành khói mây, chia cắt kẻ sống, người ra đi vĩnh biệt không lời giã từ, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, ai cũng cuống cuồng tìm đường thoát thân chạy, xuống tàu ra khơi, giành nhau lên trực thăng trốn chạy tìm tự do.

Cùng như bao người, tôi ngơ ngác không biết mình phải làm gì, ở lại hay ra đi, tiếng phó Tổng Thống Nguyễn cao Kỳ còn văng vẳng bên tai tôi : " Anh em hãy cùng tôi chiến đấu bảo vệ Quê Hương, không bỏ nước ra đi, cùng tôi sát vai bảo vệ Tổ Quốc..."
Vì câu nói dõng dạc trên, đã kéo chân tôi lại không bỏ chạy, lúc đó người yêu của tôi là phi công oai hùng vì nhẹ dạ tin vào lời nói không trung thành mà cuộc đời chúng tôi từ đó dang dở, người lính Việt Nam Cộng Hoà đã phải vào tù với một danh xưng " học tập cải tạo " không hạn định.

Ba tôi hơn 10 năm, khi đó em trai út tôi chỉ vài tuổi, ngây ngô không biết gì đã phải xa ba, không hề có tình cha âu yếm dạy bảo, ngày ba tôi được về đã như một ông lão già nua.Chồng tôi cũng không kém, gần 6 năm lao động trong tù nơi rừng thiêng nước độc, nhờ niềm tin và tình yêu tôi dành cho anh mà tháng ngày trôi nhanh đợi mong ngày đoàn tụ. Má tôi một mình ở lại chèo chống nuôi đàn con nhỏ dại, rồi các em tôi vượt biên, gia đình ly tán từ đấy, ngậm ngùi nhớ lại giây phút đi thăm nuôi trong rừng, đường xa hun hút, mấy mươi năm rồi mà tôi vẫn rùng mình kinh sợ tưởng như vừa hôm qua, ngày ấy xa rồi, đã 41 năm mà đôi khi trong giấc ngủ anh vẫn còn thấy mình đang học tập cải tạo, choàng tỉnh thức cảm ơn Trời, chỉ là giấc mơ !!!

Biết bao người bỏ nước ra đi, bỏ xác trên biển Đông, cuộc tháo chay diễn ra trong thoáng chốc, quân đội tan hàng, vứt bỏ quân phục quay về với gia đình, không mộng ước, chẳng tương lai, chỉ toàn sợ hãi, ngày ấy tôi còn rất trẻ, mới 22 tuổi đời nào hiểu gì về chính trị một cách sâu sắc, chỉ biết miền Nam lúa gạo đầy nhà và tự hào Việt Nam là Hòn Ngọc Viễn Đông. Công danh sự nghiệp, học hành đang theo đuổi tất cả đều ngừng quay, lúc đó tôi vừa là sinh viên trường luật, vừa đi làm ở Bộ Công Chánh, sở Giao Thông Vân Tải, thuộc công Ty cấp thoát nước, thế sự đổi thay, mọi việc cũng thay đổi, từ đang mặc chiếc áo dài thướt tha đi làm, chúng tôi phải thay đổi y phục cho phù hợp, từ đó chiếc áo dài cũng vắng bóng một thời trên đường phố.

Buồn vui lẫn lộn không sao kể hết tâm tư lúc đó, rất khó mà làm quen được với những gì đang thay đổi mỗi ngày, nhưng lâu dần cuộc sống cũng quen, phải hoà nhập, tất cả là quá khứ, ngày ấy xa lắm rồi mà tôi vẫn nhớ như in, vẫn không thể nào quên.
Biết bao người đã ra đi, đã nằm xuống nghìn thu lưu luyến, thế hệ chúng tôi nay cũng sửa soạn lên đường, nếu không nói ra những gì chất chứa trong lòng thì nhiều trẻ nhỏ thế hệ thứ 3 con cháu làm sao hiểu được vi sao có sự hiện diện của người Việt Nam trên toàn thế giới như hôm nay.

Vì hai chữ TỰ DO, ta mang đời lưu vong, dù muôn trùng xa cách, tim còn đập, còn yêu
Quê Hương, mong cho đất nước tôi mọi người được có tự do, ấm no, hạnh phúc và những người Việt Hải Ngoại chúng tôi hết thảy được bình an, các con cháu thế hệ trẻ cũng yêu Quê Hương, nhớ cội nguồn dù ở bất cứ phương trời nào trên thế giới, hãnh diện mình là người Việt Nam.
(Chị PK)

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Lavang - Con về bên Mẹ

Đã là một người theo đạo, con tin rằng không ai là không mơ ước trong đời ít nhất là một lần được về bên Mẹ Lavang, linh địa của Mẹ ở vùng đất Quảng Trị xa xôi, khô cằn, đầy nắng rát, đầy gió khô. Nơi đây ngày xưa Mẹ đã từng ra tay bảo vệ những người con của Mẹ trong cơn bách hại.

Lần đầu con đi năm 2006, cách đây cũng đã 10 năm rồi. Con đi chung với bốn bạn đạo Phật là chị Ngọc Bích, Thu Thủy, Thúy Quyên và Yến Hoa. Bốn bạn chỉ nghĩ đơn thuần là được đi du lịch giá rẻ. Con thì nghĩ cao hơn chút xíu là được đi Lavang kết hợp với du lịch. Đúng là giá rẻ thiệt, đi tám ngày với giáo xứ Cầu Kho mà chỉ có năm trăm ngàn đồng. Nơi chúng con đến là Trà Kiệu và Lavang, ngủ ở nhà thờ, đông người quá chẳng đủ chiếu, nằm sắp lớp dưới đất như cá hộp. đêm thì cúp điện, thời tiết khô rát, cái nóng hầm hập khó chịu vô cùng. Con thì chịu được nhưng bốn bạn của con thì tiu ngỉu như những con mèo đang cúp đuôi. Con nhìn các bạn lòng cũng rầu rĩ, mới ngày đầu tiên thế này, bảy ngày còn lại biết ra làm sao, về không đặng mà ở lại chắc cũng chẳng vui. Vậy mà Chúa hiểu, Người đã có cách của Người.


5 đứa tụi con được cả xe đặt là Ngũ Long công chúa. Trên xe Ngũ long ngồi ghế băng cuối, trước băng cuối là bốn đứa con trai đang học ở tiểu chủng viện Vĩnh Long. Giáo dân ai cũng tôn trọng gọi bốn đứa bằng thầy nhưng Ngũ long thì không chịu, chị Bích bảo : tụi bay đáng tuổi con tao, gọi tụi bay bằng mày, không chịu thì thôi...

Rứa mà tụi nó lại khoái cái kiểu tưng tưng của các cô đã lớn tuổi mà chưa biết mình già. Làm việc ở trường mầm non nên ai cũng có tính cách vui vẻ, sôi nổi cộng thêm cái chất miền tây dân dã của bốn đứa con trai nên không khí lúc nào cũng rộn ràng. Mọi người chia tổ để canh thức ban đêm bên Mẹ. Ngũ Long và bốn đứa con trai là một nhóm. Con nói : tụi bay đọc kinh phụ tao nha. mấy cô kia không biết đọc kinh đâu. Vậy mà thương lắm, những ngày ở Trà Kiệu, ở Lavang, các bạn cũng sáng sớm 4 giờ thức dậy đi lễ, chiều đi kiệu nến, đêm rút thăm giờ canh thức, có lần rút thăm vào hai giờ sáng mà các bạn vẫn vui như thường.  Sau tám ngày các bạn con ai cũng thuộc lòng kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, hát thánh ca như những người có đạo, có ở lại thêm vài ngày nữa chắc cũng chẳng sao !
Con ngẩm nghĩ Chúa quan phòng biết mấy, Người gởi cho những bạn của con niềm vui rất đời thường để hiểu về Chúa nhiều hơn, để có những tiếng cười vui trong suốt chặng đường bên Mẹ của Người.

Chia tay đầy lưu luyến sau chuyến hành hương, tình thân vẫn còn nối kết dù thời gian cũng đã mười năm tình cũ. Bốn đứa con trai ngày nào giờ chững chạc ở cái tuổi ba mươi hai. Trúc, Phương đã là Phó tế và tháng 6 này được thụ phong linh mục. Riêng Thứ vẫn còn thử thách thêm một thời gian nữa. Huy bị đau nên không thể tiếp tục con đường mình đã chọn.



*************
Con nghỉ hưu thời gian thấm thoát cũng gần ba năm rưỡi, bây giờ con là tỉ phú của thời gian. Con mơ ước được một lần nữa trở về bên Mẹ, con mơ ước được đến những nơi linh thiêng Mẹ đã hiện ra. Nhưng nếu tự đăng ký đi một mình chắc hẳn sẽ buồn, nên con đành chờ đợi...
Và rồi, niềm mơ ước ấy đã trở nên hiện thực. Cha xứ đã tổ chức một chuyến đi sáu ngày về Mẹ ở Đà Nẵng, Lavang, Kontum và Ban mê thuột. Con háo hức chuẩn bị hành trang, chỉ vừa đủ một túi xách nhỏ, con lên đường chung với mọi người.

Ngày 11/4/2016.

Khuya hôm ấy ba cái điện thoại reo cùng một lúc. Con thức dậy từ hai giờ sáng chuẩn bị cho một chuyến đi. Đúng 3giờ30 xe lăn vòng bánh đầu tiên. Con ngồi hàng ghế sau cùng vì không bị say xe, nhường chỗ trên cho người khác.
Điểm đến đầu tiên là thành phố Qui Nhơn thuộc tỉnh Bình Định, trời cũng đã xế chiều. Thành phố yên ả, ít người.

Ngày 12/4/2016

Đền thánh Anre Phú Yên trong hầm tối
Trả phòng từ 4giờ45 sáng. Chúng con đến Mẹ Trà Kiệu ở Đà Nẵng tầm khỏang 12giờ trưa
Đường đi rất nắng, nhưng rồi có những lúc cũng vần vũ áng mây đen che khuất mặt trời, dù không mưa nổi nhưng cũng vừa đủ làm dịu dịu cái oi bức buổi trưa của tháng bốn.
Đến nhà thờ Trà Kiệu, chúng con dự thánh lễ trong hầm tối, nơi thánh Anrê Phú Yên đã tử đạo.

Từ nhà thờ Trà Kiệu đến linh đài Mẹ chỉ cách nhau độ chừng 200 mét.

Mẹ Trà Kiệu
Đồi Bửu Châu đây, Mẹ vẫn đứng đó. Chúng con cầu nguyện trước linh đài Mẹ, thành kính dâng lên Mẹ những tâm tình vui buồn, ước nguyện của bản thân, của gia đình, của bạn bè, của đất nước Việt Nam.
Nơi đây có một giếng nước, dòng nước ngọt và mát. Muốn uống hoặc lấy về đều thoải mái.

Cầu nguyện xong, chúng con lại tiếp tục lên đường đến Lavang. 
Đến Lavang là 6giờ chiều, chúng con sắp xếp chỗ nghỉ. Ai ai cũng vội vàng để có thể đến với Mẹ sớm nhất. Cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy Mẹ thật xúc động, Mẹ đẹp quá, nét đẹp lung linh, thánh thiện. Con ước gì Mẹ bằng xương, bằng thịt để con có thể chạy đến ôm lấy Mẹ, và chỉ để nói một câu thôi : Mẹ ơi ! con nhớ Mẹ quá ! con đã về bên Mẹ sau mười năm không gặp. Nghĩ xong con lại thấy buồn cười chính mình...Con đi lễ mỗi ngày, ở đâu thì Mẹ cũng là Mẹ, nhưng sao đến đây tâm tình con vẫn khác.

Thánh lễ lúc 7giờ30 ở linh đài Mẹ khi : " trời đã tối, đêm về, gió lay nhẹ trăng với sao, chúng con đây, quì cầu xin Chúa trên cao..." 
Lễ xong, con tìm một chỗ khuất để quì gối bên Mẹ, để
Mẹ Lavang
im lặng và cảm nghiệm. Rồi phía sau con cũng đã xuất hiện ba bạn đường, thế là chúng con kết hợp với nhau thành một nhóm dâng lên Mẹ lời kinh Mân Côi, chúng con nhớ đến tất cả những người thân yêu, bạn bè, những người nhờ chúng con cầu thay nguyện giúp, nhớ đến tất cả những người đang đau khổ trên thế giới này, đau khổ về thể xác và tâm hồn. Xin Mẹ của Lòng xót thương che chở, hộ phù như ngày xưa Mẹ đã từng che chở đoàn con trong cơn bách hại.

10giờ30 chúng con rời linh đài, vậy mà cũng có đoàn người vừa mới đến, đang cùng nhau dâng lời kinh tiếng hát.  Nhóm của con hẹn gặp lại nhau lúc 3giờ sáng mai. Những phút giây bên Mẹ ít quá, chúng con hi sinh giờ ngủ để tranh thủ bên Mẹ càng nhiều càng tốt.

Ngày 13/4/2016

Tưởng là mình tới sớm nhất, ai ngờ đã có người đến sớm hơn. Chúng con quì gối trong yên tĩnh của sương khuya, lời kinh vang vọng trong không gian rộng lớn của đất trời Lavang, Mẹ có vui không Mẹ ? 4giờ45 là thánh lễ đồng tế. Sau thánh lễ chúng con chia tay Mẹ rồi, hẹn với Mẹ một ngày gần nhất, con sẽ trở về đây, bên Mẹ.

Xe chở chúng con tham quan động Phong Nha ở Quảng Bình, một kỳ công tuyệt tác của thiên nhiên, bàn tay sáng tạo của Chúa đó ! Người đã làm nên vũ trụ này.  Mỗi ghe chở mười hai người trên dòng sông Son trong lành, nước ngọt đầy ắp quanh năm suốt tháng. Người dân nơi đây không bao giờ thiếu những giọt nước mát trong. Họ đã biết nói lời cám ơn trời đã ban cho họ dòng nước ấy. Họ chưa biết rằng trời chính là Chúa của chúng con. Thật hạnh phúc biết bao khi con được làm con của Chúa. 

Trong lòng động, chúng con cùng nhau hát bài ca : " Xin dâng lời cảm tạ, hồng ân Thiên Chúa bao la. Xin dâng lời cảm mến, hòa theo tiếng hát dâng lên. Đôi bàn tay Chúa nâng đỡ con, xin dâng lời cảm tạ. Tay hồng ân Chúa đưa con về, xin dâng lời cảm mến..." Tiếng hát dội vào vách đá, âm thanh trầm bỗng quyện trong thiên nhiên huyền bí mới tuyệt vời làm sao ! Các ghe đều hòa chung một nhịp khiến tất cả những du khách có mặt ai ai cũng nhìn và lắng nghe.
Dù biết những người chèo ghe đã được trả công rồi, dù họ không đòi hỏi gì nhưng con và một chị đã gởi thêm cho họ chút nữa , cám ơn họ đã đưa chúng con đến thăm một kỳ công của Chúa, cuộc sống của họ còn vất vả lắm, họ cũng là con Chúa, khi du khách đông vào dịp được nghỉ lễ thì mỗi ngày họ được một chuyến, còn vắng như lúc này thì mỗi tháng chỉ được hai chuyến mà thôi. 
Hình chụp trong động không được rõ nét, cũng có vài ba tấm gần gần giống nhau, không nỡ trả lại, nhưng phải làm bộ nhăn nhó một chút, họ cho biết mỗi tháng chỉ được hai, ba lần vừa làm hướng dẫn vừa chào mời chụp hình, con nhẩm tính thu nhập chẳng đáng là bao, thôi thì mình rộng tay thêm xíu vậy.

Ngày 14/4/2016

Chúng con viếng đan viện Thiên An ở Huế, nơi đây có linh mục Trần An, thời thanh niên cha là một thanh niên nghiện ngập, từng ra vào trại cai nghiện. Nhưng Chúa đã thương và nâng người thanh niên ấy lên hàng khanh tướng và nhận là bạn nghĩa thân tình. Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối và tư tưởng của Chúa cũng cách xa con người bấy nhiêu.
Hiện giờ Cha đang phụ trách một mái ấm cho những thanh niên lầm lỡ để hướng dẫn họ quay gót trở về.

Chúng con có một buổi chiều tắm biển An Khê và nghỉ ngơi tại nhà hưu dưỡng các sr dòng thánh Phaolô. Mặc dù đi tu nhưng các sr nấu ăn rất ngon. Mọi người đều thích.


Đài và tượng Mẹ Sao Biển được đặt ngay giữa lòng công viên và trục chính giao thông của thành phố Đà Nẵng. Đài Mẹ lúc nào cũng có nến và hoa, rất nhiều hoa. Đó là điều không dễ gì chính quyền nhà nước này chấp nhận, nhưng tại sao họ lại bằng lòng như vậy ???

Mẹ Sao biển giữa công viên TP Đà Nẵng
Cha dẫn chúng con đến trước một bệ đỡ bằng ximăng cũ kỹ. Cha giải thích trước đây tượng Mẹ được đặt ở đây, lúc đó đang còn là đất của dòng thánh Phaolô. Cơn bão số 6 (Xangsane - 2006) đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh này, trong đó Đà Nẵng là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, sau bão là một trận mưa lũ khiến tất cả nhà dân và một phần nhà dòng đều bị sập và tốc mái, riêng mái che tượng Mẹ dù sơ sài vẫn bền vững trước phong ba. Chứng kiến hiện tượng lạ này nên sau khi xây dựng và mở rộng công viên, trong đó có một phần đất của nhà dòng, nơi để tượng Mẹ, chính quyền vẫn để nguyên bệ đài cũ, chuyển Mẹ đến giữa công viên, xây đài trang trọng cho giáo dân và mọi người đến viếng. Trong bất cứ bối cảnh nào, cám ơn Chúa vẫn chứng tỏ cho chúng con và mọi người biết quyền uy khi bảo vệ Mẹ của Người.



Đường lên Kontum viếng Mẹ
Ngày 15/4/2016 
Trả phòng vào lúc 3giờ sáng, chúng con khởi hành đi viếng Mẹ Măng đen ở Kontum, đường vòng vèo quanh co hơn ba trăm km. Ai say xe thì khỏi phải nói. Kontum như một Dalat thứ hai với những đèo dốc uốn lượn, với bạt ngàn rừng thông. Nơi đây còn hoang sơ lắm, trên một triền núi, bên tương thánh giá, Mẹ đứng giữa đất trời, không mái che, khuôn mặt xấu xí, có vẻ như đang lo sợ, hoảng hốt và đôi bàn tay cụt. Phải chăng Mẹ muốn giống như những đứa con của Mẹ ở vùng đất cao nguyên nghèo nàn này, những người con dân tộc, nghèo khó, khuyết tật ? Phải chăng Mẹ muốn chúng con là những đôi tay của Mẹ, biết cúi xuống, biết quan tâm đỡ nâng những người bất hạnh, kém may mắn đang ở chung quanh chúng con đây ?
Mẹ Măng Đen với đôi tay cụt, khuôn mặt xấu xí 

Cha dâng thánh lễ cũng giữa đất trời, chúng con quì dưới hàng ghế thô sơ, đầy bụi đỏ, để cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn biết bao nhiêu, và mỗi người chúng con sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ niềm vui và may mắn ấy cho anh chị em nơi đây, càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt với tất cả tấm lòng.


(Chuyện về Mẹ bắt đầu với thời gian chiến cuộc trước biến cố 1975. Tại một khu đất thoai thoải trong khu rừng Măng Ðen có một đại đội Ðịa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa đồn trú. Cạnh khu trại đó, trên một trụ xi măng có sẵn lâu đời, một tượng Ðức Mẹ cao cỡ 1m2 cũng làm bằng xi măng đứng hiển trị trong khung cảnh u tịch, không biết do ai xây lên. Như là một chuyện bình thường trong thời chiến, đơn vị này đi rồi đơn vị khác đến, không ai quan tâm. Thế rồi bom đạn bao lần dội xuống khu vực quân sự này và tàn phá một phần tượng Mẹ. Phần đầu và hai tay của tượng bị hư hại nặng nhưng không ai để ý làm gì. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng và được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng bên lương).

Thánh lễ xong, rời Kontum, chúng con lên đường đến Ban mê thuột, vùng đất cao nguyên có biệt danh là Buồn Muôn Thuở. 


Ngày 16/4/2016 

4giờ58 sáng ở Ban mê, con nhận được tin nhắn của Lợi : Chào bạn hiền ! Chúc một ngày bình an trong Chúa, 5giờ40 đi uống cafe nhé, chuẩn bị sắp xếp sẵn đi, về là mang xuống liền, mình đợi bạn".
Hai người bạn vừa quen nhau đi bộ ra nhà thờ chánh tòa BMT gần đó, chúng con ngước nhìn Thánh tâm Chúa, nghệ nhân nào khéo tay tạc khuôn mặt Chúa thật hiền, hay chính Người đã thổi hồn vào trong pho tượng ấy ! Sân nhà thờ có những giáo dân đang tập thể dục buổi sáng với nền nhạc thánh ca vui tươi, sôi động, bài Hãy yêu như Giêsu.
Cầu nguyện xong, chúng con ngồi uống cà phê vỉa hè, ngắm nhìn sinh hoạt buổi sớm nơi đây.

Từ thành phố BMT trở về nơi xuất phát,

Mẹ Giang Sơn
chúng con viếng Mẹ Giang Sơn. Từ chân đồi lên Mẹ khoảng hơn 3km, khung cảnh khá đẹp, yên tĩnh dưới bóng mát của nhiều cây xanh. Thánh lễ cuối cùng trong chuyến hành hương được cử hành dưới chân Mẹ, chúng con quây quần bên nhau, bên bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa đã thực hiện tình yêu thương và muốn chúng con tuân giữ giới luật ấy.

Về thành phố Saigon đúng 8giờ tối, 

Một chuyến hành hương thật nhiều ý nghĩa đối với con. Trong chuyến đi chúng con trở thành bạn bè của nhau, nhiều người trước đây chỉ nhìn thấy chứ chưa một lần nói chuyện. 
Vẫn có những hạt sạn không đáng có vì tính mỗi người vốn dĩ đã khác nhau. 
Nhưng con chỉ nhớ những kỷ niệm vui thôi, 
. Con nhớ Hằng vui tính, nói nhiều, có một con trai đã hai mươi lăm tuổi nhưng không mấy bình thường, Hằng dẫn con đi mà lúc nào cũng phải để ý trông chừng, rồi đau đáu tìm con khi chợt phát hiện ra nó chạy chơi chỗ nào không biết. 
. Con nhớ Lợi ngồi bên cạnh, hạp ý, kể chuyện miên man quên đường dài, chị Hướng cứ nghĩ là hai đứa quen nhau từ thuở nào chứ không phải lần đầu mới gặp. Lợi theo đạo Phật, người gốc Dalat, nghe cha Khảm giảng riết rồi theo đạo năm 37 tuổi. đến năm 48 tuổi bạn mới lập gia đình với một người có đạo là anh Minh trưởng đoàn đang hướng dẫn chúng con đi hành hương. Hai người bạn già sống và chăm sóc cho nhau vì nghĩa nhiều hơn những điều khác.
. Con nhớ Mai hiền lành ít nói, nhớ tiếng hát của Hoa rất hay và thánh thót, rồi Quí, Dung, Vân và nhiều, nhiều bạn nữa...

Xin Mẹ ghi lại dấu ấn trong mỗi người chúng con để sau chuyến hành hương này, chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu, con của Mẹ nhiều hơn. Con nghĩ đó là điều Mẹ yêu thích nhất.
Cám ơn Cha đã tổ chức một chuyến đi đầy ý nghĩa.
Cám ơn anh Minh, bạn Lợi là trưởng đoàn đã lo lắng thật chu đáo cho tất cả thành viên từ nơi ăn chốn ngủ.
Cám ơn mọi người đã nguyện cầu cho chúng con ra đi và trở về trong bình an.
Xin cám ơn Chúa và Mẹ và tất cả...                                   

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Nhật ký yêu nước

Người Hà tĩnh tự hào 
Có chủ tịch tỉnh trẻ nhất việt nam.
Có 14 người là ủy viên trung ương đảng
Có 4 người là thành viên chính phủ.

Mà sao không vào được khu vũng áng
Ai khóc dùm cho biển một lời không 
Ai trả lời đi ! Biển mình sao vậy ???
Ai thấy gì không? Biển đang chết đấy !

Biển oằn mình, vọng mãi tiếng cầu van!
Hà tĩnh ơi, nắng cháy mưa ngàn
Biển bạc thân thương cho vàn thứ cá
Đánh bắt gần xa, cá về ấm dạ

Giờ chết bạt ngàn. Cá chết bởi vì đâu ???
Dân chết trong lòng, đỏ mắt nhìn nhau
Thuyền đậu, tàu neo, lưới chài đem cất
Cá gom về chôn đầy trong lòng đất

Bến cá thuyền về không í ới chào mua
Biển Hà tĩnh cá nằm chết, đau chưa!
Oan ức lắm, dân làm chi nên tội?
Ai? Ai? Ai?...gây ra bao tội lỗi

Không lẽ trời???... gây nông nỗi... trời ơi!!!
Cõng rắn vô nhà, rước giặc về chơi
Đất đổi, bán mua cho vừa lòng giặc
Ích Tắc làm vua, dân tôi chết chắc!

Nhục nhã trăm đường, trăm thứ đều lo
Ai lập đàn trời kêu cúng để cho
Nước sạch lại như thời vua từng lập
Ai sẽ kêu oan, nói lên điều đau nhất

Hay dân mình nói mãi để đâu..

fb Lâm Ngọc Việt st
(Thương lắm Việt Nam của tôi, những người dân của tôi, nhưng tôi đã chẳng làm được gì ! Ngẫm nghĩ mà tức, mà buồn, mà đau)

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Anh đi rồi

Anh đi rồi, nắng tắt giữa chừng xuân
Em ở lại nhớ đừng buồn em nhé
Con còn nhỏ em cũng còn rất trẻ
Người đàn bà bé nhỏ của anh
Anh đi rồi, đời vẫn mãi tươi xanh
Em ở lại nhớ đừng rơi nước mắt
Dẫu vẫn biết tim em giờ đau thắt
Mạnh mẽ lên em, đi tiếp chặng đường dài
Anh đi rồi, đâu còn thấy ngày mai
Chuyến đi này khác những lần đi trước
Chẳng hẹn ngày về nhưng chân anh phải bước
Xa cách rồi mãi mãi sẽ chia phôi
Anh đi rồi, hương còn đọng trên môi
Mùi tóc em thủa chúng mình quen biết
Tình chồng vợ vẫn mặn nồng da diết
Bao năm rồi ân ái chẳng nhạt phai
Anh đi rồi, cuộc sống lắm chông gai
Em sẽ phải một mình mình bươn chải
Anh chẳng còn được giúp em mãi mãi
Xin lỗi mình, anh không thể bên em
Anh đi rồi, chắc mọi chuyện sẽ quen
Nỗi buồn cũng nguôi ngoai cùng năm tháng
Con sẽ lớn sẽ giúp em cáng đáng
Ở nơi xa anh mãi độ cho mình
Anh đi rồi, mang theo cả ân tình
Xót thương em người đàn bà tần tảo
Đã cùng anh vượt biển đời giông bão
Chỉ tiếc rằng anh nằm lại giữa trùng khơi
Anh đi rồi, em chắc sẽ chơi vơi
Nếu có gặp người yêu em chân thật
Đừng ngại ngùng chẳng có gì để mất
Cảm ơn ai đưa em cập bến đời
Anh đi rồi, đừng khóc nữa em ơi !
Để các con vững vàng qua sóng gió
Vĩnh biệt em người đàn bà bé nhỏ
Nắng tắt rồi anh phải đi thôi ....

Trần Lập - người anh cả của làng rock Việt, người “chiến binh” quả cảm trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư đã “về trời”, bỏ lại sau lưng bao niềm xót xa, tiếc nuối và nhớ thương. Dư âm cuộc sống của anh ngày hôm qua vẫn còn đó. Những bài hát, những nụ cười, những chuyến đi… vẫn bảng lảng đâu đó trong thực tại và hoài niệm. 

Với nhiều người, Trần Lập đang đi phượt ở đâu đó chứ không hẳn đã rời xa cõi tạm này vĩnh viễn.

Vì lẽ đó, khi những vần thơ của bài thơ “Anh đi rồi” do Lê Nam Thắng “đóng vai” Trần Lập viết chia tay vợ con đã khiến không ít người nhòe lệ. Những vần thơ viết cho hai đứa con thơ dại, cho người bạn đời còn rất trẻ mà Trần Lập đã gắn bó bao năm… thật tới mức khiến nhiều lầm tưởng đó là thơ của chính ca sĩ Trần Lập viết trước lúc đi xa.

(Báo Dân Trí )

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Ngày con tốt nghiệp


Ngày 22 tháng 4 năm 2016.
Một ngày như mọi ngày , nhưng đã là sinh viên thì đó là ngày hạnh phúc nhất mà ai cũng đều mơ ước. Thế là con đã chấm dứt quãng đời sinh viên một cách chính thức bằng buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học Bách Khoa. Ngôi trường mà tự thân nó nói lên nhiều điều với sinh viên và với tất cả những người khác.


Chị em con và mọi người đến chung vui
Năm lần 365 ngày dài đăng đẵng rồi cũng vụt qua nhanh, lúc đầu con không chọn, nhưng rồi khi đậu được vào đây các cha đã dành cho con thời gian để học. Trong đó có phân nửa thời gian con ở nhà cô. Cô nhớ lúc anh Hoàng là đan sĩ Xitô dẫn con đến, con nhỏ xíu, mặt đầy mụn. Cô nhìn con rồi bảo :
Là bạn bè từ những phương trời khác biệt
- Con ở nhà ba má con được cưng, nhưng con ở với cô, cô không cưng. Trước khi làm những điều lớn hơn, con phải hoàn thành việc nhỏ một cách tốt nhất.
- Dạ.
Con trả lời với tâm trạng chắc không mấy gì vui.
Cô phân công con làm việc nhà với Lê. Con lau nhà mà không chịu lau gầm bàn. Cô nhắc, con lau phân nửa. Tức quá,
cô la :
- Tại sao ăn thì đủ bữa, ngủ cũng đủ giấc mà gầm bàn thì mày lau có nửa cái ?
La thì la vậy thôi, chứ đứa nào cô cũng thương.

Khi con rời nhà để chuyển đến Văn Thánh, con nhắn tin cho cô :

Gia đình thứ hai của con ở Saigon
- Cô ơi ! Con không nghĩ là lúc ra đi con lại buồn như vậy !
Con đâu biết là cô cũng giấu con những giọt nước mắt...

Con tốt nghiệp đại học nhưng bỏ lại sau lưng những ước mơ, những dự tính đời thường.

Con chọn cho mình một hướng đi khác : Dòng Anh Em Hèn Mọn với màu áo nâu tượng trưng cho sự khó nghèo và đạm bạc.
Tính con thương người, khiêm tốn, dễ sống đời sống chung, cô mong Chúa sẽ chọn con.

Hãy mang theo hành trang là những niềm vui để bước vào cuộc đời dấn thân phục vụ.

Cô luôn nhớ và cầu nguyện cho con.

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Món quà không đúng lúc

Với Cha, tất cả đều là anh chị em, tất cả đều bình đẳng như nhau.
Nói vậy, nhưng một cách nào đó, Cha vẫn thương em hơn, Cha chọn em phụ trách ngôi nhà của Cha. Em nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng vì em với tôi không cùng một con đường đi, nên tôi phải gọi em bằng một danh xưng khác thật trân trọng. Không biết có phải vì điều ấy hay không hay vì tính quá thẳng thắn mà em chẳng vị nể ai, từ chị lớn, anh cả đến đứa em út ít, ai không vừa ý em là em nói tuốt tuồn tuột, nói không cần kiêng nể, lúc trước còn làm việc tôi ít gặp em, mấy năm nay thì khác, tôi gặp em thường xuyên hơn, vì vậy cũng xảy ra nhiều vấn đề hơn. Thỉnh thoảng tôi thấy em cũng có vui đấy, cười đấy, nhưng có thể liền lập tức em phang những lời chí tử, thật khó nghe vô cùng. Riết rồi có những anh chị chẳng đến với em nữa, họ buồn em, giận em, chắc là ít nhiều em cũng biết mà...

Em sắp chuyển nhà khác rồi, Cha có nhiều nhà, nên Cha muốn em đi.
Bữa tiệc tinh thần cuối cùng tiễn em, tôi nhìn thấy nơi em có đầy đủ đức tính mà Cha muốn : hiền lành, khiêm nhường và can đảm nữa. Em phân tích bằng những con số, em khiêm nhường nhận khuyết điểm, em hiền lành xin lỗi, em can đảm nói lên những điều không cần thiết phải nói trước mặt mọi người. Tôi ước gì em cứ mãi như thế này.


Tôi suy nghĩ đến một món quà cho em.
Tôi suy bụng ta ra bụng người : nếu đơn thuần món quà được gói trong giấy hoa thì dù đẹp cách mấy đi nữa cũng khô khan quá, thế là tôi lấy giấy bút hí hoáy viết một chút tâm tình :
"Gởi Em.
Bất cứ cuộc chia tay nào cũng có nét ngậm ngùi của nó, dù đó là cuộc chia tay do mình ước muốn nhất.
Cám ơn em những tháng ngày ở với các anh chị em, với những buồn vui cuộc đời. Xin em hãy giữ những niềm vui, những kỷ niệm vui thôi.
Cám ơn em đã luôn nhớ những điều Cha dạy để nhắc nhở anh chị em mình sống tốt hơn, sống đẹp lòng Cha hơn.
Xin cho em luôn được tràn đầy hồng ân của Lòng Chúa Thương Xót vì em đã luôn nổ lực và cố gắng."

Thực lòng có lúc tôi buồn vì em đã nhắc tôi khi tôi đến nhà Cha mà đi trễ, nhưng em có biết đâu dù trễ nhưng tôi đã hết sức cố gắng vì trước khi đi bỗng nhiên tôi choáng váng, tối tăm mặt mũi, phải uống một ly sữa cho tỉnh. 
Em nhắc nhở chuyện mua vé số theo cách suy nghĩ của em. Tôi lại giật mình vì tôi có cái tật mua vé số, thỉnh thoảng thôi, nhưng nhất là những lúc đi du lịch, đi chơi, đi hành hương tôi lại mua nhiều hơn, chỉ để chia sẻ cuộc sống với họ và cho họ thêm chút xíu nữa, mình không mua thì khó tặng lắm. tôi còn hay tếu táo với họ thế này : con lựa tờ nào trật thì đưa cô, còn tờ nào trúng con giữ lại để đổi đời, cho bớt khổ nghe con ! 


Tôi phấn khởi đạp xe ra nhà Cha, nhà Cha hôm nay nhiều anh chị em quá, người lo cắm hoa, người lo vệ sinh sạch sẽ, người lo dọn đồ giúp em. Tôi đưa món quà cho em nhưng em cau mặt lại, nói mà không buồn nhìn tôi : giờ này mà quà cáp cái gì ! không nhận đâu !
Tôi vẫn cố gắng nói một câu vớt vát : món quà nhẹ nhàng lắm em.
Vẫn im lặng...
Các chị em chung quanh nói đỡ cho tôi : nhiều đồ lắm chị ơi ! không có chỗ để, không mang đi được.
Tôi nói câu cuối cùng mà nước mắt muốn rớt : đành thôi vậy, chúc em đi bình an.
- Cám ơn chị, em nói vẫn không buồn quay lại nhìn.

Thiệt là cụt hứng, thiệt là quê, bao nhiêu thiện chí trôi đi hết rồi.
Phải chi em nhìn tôi, từ chối cũng được, có nhiều cách từ chối mà người tặng vẫn vui, sao em không làm được ?
Bị em nói riết thành chai. Anh chị em ai ai cũng biết tính khí của em. Đôi lúc tôi thấy có người nói ngang ngang nhưng em lại cho qua, mà đa phần là em nói thẳng trước mặt mọi người, nói mà không cần quan tâm đến cảm xúc của họ. Chao ơi ! Sao lại có thể như vậy được nhỉ ? Thật không hiểu nổi !

Món quà vẫn nằm đây, lạc lỏng, vô duyên.
Nhưng tôi chỉ buồn chút xíu rồi thôi. 
Tôi luyện được cho mình thêm một chút hiền lành, một chút nhẫn nhục.
Dù sao cũng cám ơn em về tất cả.
Tôi chỉ tự trách mình đã mang món quà tặng em không đúng lúc...

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Cách Trừ Bệnh Suyễn:

"Thử xem, không hại"
 Chất trừ suyn tốt nhất là củ nghệ + lá tía tô + lá  rau om .
Tôi bảo đảm 100 % nếu dùng củ nghệ + lá tía tô + lá rau om ( Enydra fluctuans Lour ) thì trị dứt nọc suyễn hoàn toàn.


Cách dùng như sau :

1.- Củ nghệ chừng 2 lóng tay
2.- Lá tía tô chừng 2 chục lá
3.- Lá rau om ( canh chua miền Nam bắt buộc có lá rau om nầy mới thơm ) . Rau om khác ngò gai . Dùng chừng 8-9 cây rau om.
Tất cả xay nhuyễn trong máy xay , sau đó đem chất sền sệt nầy vào máy sinh tố .
Thêm chừng 2 cốc nước nhỏ .
Xay tất cà trong máy xay sinh tố ra chất nước sẩm màu nâu . Mùi hơi khó chịu . Lọc chất cặn trong cái ray , chứa nước thuốc.
Chia ra làm 2 đêm uống như vậy .
Uống chừng 3 tuần là xong 6 tháng không bị suyễn.
Tôi có đứa em trai . Làm kỹ sư điện , vợ là dược sĩ làm trong pharmacy  CVS . Thằng em trai bị suyễn khá nặng . Nước mũi chảy hoài .
Dĩ nhiên đi bác sĩ là cái chắc . Nhiều loại thuốc phải có toa bác sĩ đặc biệt mới mua được.
Khi tôi chỉ nó thì vợ chồng bán tín bán nghi .
Nhưng tôi nói cứ thử vì không bị độc hai gì hết cho gan.
Quả thật thằng em trai dùng 3 tuần thì cơn suyễn từ từ hết.
Nay bỏ thuốc medicine Âu Mỹ rồi .
Ngày xưa ,trước 1975 , tôi là quân y sĩ VNCH. Trong đoàn Y Khoa Phòng Ngừa cho Cục Quân Y. Chúng tôi trị hết bệnh sốt rét cho nhiều người bị bệnh sốt rét tại quận Bình Đại Bến Tre . Nhưng đoàn tôi có một Trung sĩ y tá bị bệnh suyễn kinh niên.
Trong làng quận Bình Đại có một thầy thuốc Nam , thấy vậy ông mới chỉ nghề cho y tá của chúng tôi . Nên bài thuốc ấy tôi còn nhớ .
Sưu tầm
(Email chị Mary Phạm)
 
TDT

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Anh Lộc


Anh tên Lộc, Lộc trong Tài – Lộc. 
Có lẽ cha mẹ anh cũng đã gởi gắm rất nhiều khi chọn cho anh cái tên này, cũng đã hy vọng rồi đây tương lai anh sẽ sung túc giàu sang. Nhưng cuộc đời anh không được như vậy ! 

Tôi gặp anh trong một lần chở cô đi siêu thị, cô nhận ra anh giữa dòng người đông đúc. Tôi chở cô lại gần vì cô muốn giúp anh ít tiền, luôn như vậy, cô thương và luôn sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn gặp trên đường. Anh cao hơn tôi một chút, dáng vẻ hiền lành nhưng khắc khổ, đôi mắt lõm sâu trên khuôn mặt gầy gò. Hai tay chống nạng anh lết đi với một bên chân bị sưng húp, bầm tím. Anh bảo từ một vết trầy nhỏ trong một lần té xe, vết thương bị nhiễm trùng rồi lan rộng ra cả bàn chân. Cô hỏi sao không đi chữa cho hết, để vậy lỡ nó hoại tử có ngày phải cắt cả chân thì sao? Anh không trả lời… hỏi vậy nhưng cô cũng biết chắc là anh không có tiền. Hàng ngày anh vẫn đi bán vé số khắp khu vực cầu Chữ Y, cô cũng có gặp vài lần, trước thì còn đi được xe đạp, nhưng nay chỉ còn chống nạng thôi. Cuộc trò chuyện diễn ra chóng vánh, anh còn phải tiếp tục công việc để mưu sinh. Về nhà, cô bảo muốn mua cho anh Lộc bảo hiểm y tế, để đi khám cho đỡ tốn kém. Qua hỏi thăm mấy người hàng xóm, cô tìm ra nhà anh Lộc, anh sống chung với gia đình bác, người chị họ và anh trai, trong căn hẻm nhỏ gần chợ Ông Địa, là chợ mà tôi hay đi mua rau buổi chiều mỗi khi cần. Bố mẹ anh bỏ nhau từ khi anh còn nhỏ, thời gian đầu anh ở quê với bà, sau này mới chuyển lên thành phố. Chúng tôi cũng biết được anh đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS, có lẽ là chính nguyên nhân khiến anh rụt rè ái ngại trả lời mỗi khi tôi hay cô hỏi thăm. Nhưng không vì thế mà cô thôi muốn giúp anh, trái lại càng thấy thương hơn.

Cô có nhiều bạn, khi nghe cô chia sẻ về anh Lộc mọi người cũng chung tay giúp mỗi  người một ít, trong đó có sr Vũ Loan, là Bề trên Tổng quyền tu viện Mân Côi, sr trích một khoản tiền để đưa cô giúp cho anh Lộc, điều này hẳn đã đỡ đần cho anh rất nhiều. Nhưng cái chân của anh vẫn chưa thể điều trị, vì không đâu dám mổ… điều này thực làm cô lo lắng, nếu cứ để vậy thì đến lúc hoại tử, có khi phải cắt bỏ cả chân. 

Tình cờ, trong một lần giao lưu giữa nhóm Hiệp Nhất với nhóm Nắng Mai (tôi từng sinh hoạt trong nhóm HN hồi học năm thứ nhất đại học) tôi biết chị Nguyệt, chị là một chuyên viên về chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân AIDS, đang công tác tại khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS - trung tâm y tế dự phòng quận 9. Tôi trao đổi với chị về trường hợp anh Lộc, chị rất nhiệt tình, hẹn tôi ngày chở anh xuống phòng khám để chị coi, chị cũng giới thiệu cho tôi mấy chổ mà có thể giúp điều trị cho những trường hợp như anh. Tôi nói cô biết, cô vui lắm, tôi cũng vậy, vì bỗng thấy mình có thể giúp cho ai đó thêm chút hy vọng. Cô sang tận nhà báo cho anh Lộc, cô cũng đứng ra bảo đảm với chị của anh để mọi người yên tâm. Đến ngày tôi chở anh đi, từ nhà ở quận 8 đi đến phòng khám cũng mất cả tiếng rưỡi đồng hồ vì không dám chạy nhanh. Tới nơi tôi đưa anh đến gặp chị Nguyệt, anh Lộc khá rụt rè, hỏi gì nói nấy, khi coi vết thương ai cũng ái ngại. Chị Nguyệt bảo tôi sẽ gởi anh cho phòng khám Mai Hoa, là cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV – AIDS của dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, ở đó sẽ có bác sĩ mổ chân cho anh, rồi có các thầy chăm sóc lo cho anh bữa ăn hàng ngày. Anh đồng ý, chị căn dặn vài điều nữa thì vừa may có người từ phòng khám lên lấy thuốc nên họ chở anh về luôn. Tôi lo nhiệm vụ giữ hồ sơ và giúp anh lấy thuốc hàng tuần tại bệnh viện quận 8, vì nhà anh không có ai đi được. Về nhà tôi báo tin lại cho cô, cả hai cô cháu đều đầy hy vọng, mừng vì có nơi chịu chữa cho anh, lại có các thầy chăm sóc, chắc chắn sẽ rất chu đáo và tận tình. Anh vừa được chữa bệnh, lại có thời gian nghỉ ngơi chắc hẳn sẽ khỏi thôi.

Vậy mà, sáng hôm sau vừa thức dậy, thấy có cuộc gọi nhỡ của chị Nguyệt, linh cảm không lành, tôi gọi lại cho chị mấy lần mà không được. Mãi tới trưa chị lại gọi cho tôi, giọng chị buồn bã : “Lộc trốn về rồi em ơi !”. Tôi giật mình không hiểu chuyện gì, chị bảo Lộc vẫn còn nghiện, mà quy định của phòng khám là tuyệt đối không được sử dụng thuốc, tối qua lộc đòi về vì thèm thuốc, mọi người can ngăn nhưng không được. Tôi ngẩn người, tiếc nuối như thể vừa mất cái gì đó rất quý giá, mọi hy vọng bỗng vỡ vụn, và tôi biết có người còn buồn hơn tôi nữa… 

Ít lâu sau, cô nhờ tôi gọi điện lại cho chị Nguyệt, thì ra anh Lộc nhắn tin cho cô, chắc là anh cũng đau khổ và cảm thấy áy náy lắm, nay cái chân của anh lại trở nặng hơn, anh nhờ cô xin vào lại phòng khám để chữa. Cô bảo tin nhắn này cô nhận được từ tuần trước, nhưng nay cô mới hỏi con để trả lời, dẫu rằng cô rất thương và muốn giúp ngay. Tôi gọi cho chị Nguyệt, nhờ chị lần nữa, và như lần đầu chị lại rất nhiệt tình giúp đỡ. Lần này chị giới thiệu Lộc cho một nhà tình thương, cũng giống như phòng khám Mai Hoa nhưng nhỏ hơn, là cơ sở của tu hội Gia Đình Naza ở gần cầu vượt Sóng Thần, cạnh nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm. Lần này cô cũng đi, cô bảo cô muốn đi để động viên giúp anh Lộc thêm quyết tâm, mỗi lần đi là một lần khó, lần này không được chắc chắn sẽ chẳng có lần sau. Tôi chở anh Lộc và nhờ Khôi chở cô, chị Nguyệt cũng chạy từ phòng khám qua. Trên đường đi, tôi nói chuyện với anh Lộc rất thân tình. Anh chia sẻ rằng những ngày đầu lên thành phố không có việc làm, anh thường đi bụi với đám bạn, cũng xâm mình rồi lao vào hút chích và nhiễm HIV lúc nào không hay, chẳng mấy chốc cơ thể anh tàn tạ, gầy gò. Mới 27 tuổi nhưng không có sức khoẻ biết làm gì bây giờ, anh đành xin ít tiền vốn, chịu khó đi bán vé số kiếm tiền ăn qua ngày, và cả tiền để hút nữa… Anh đã từng đi cai mấy lần nhưng không thành, lúc về còn nghiện nặng hơn. Anh cũng xin lỗi tôi vì lần trước trốn về, thực sự khi được cô quan tâm anh vui lắm, vì lâu lắm rồi anh không được ai hỏi han, gia đình bác cũng nghèo, có lẽ cũng đã hết cách nên thôi đành thân ai nấy lo. Thực lòng tôi không giận gì anh, nhưng tôi tiếc vì mình vẫn chưa giúp được gì. Đôi khi tôi cũng thử đặt mình trong trường hợp của anh và không dám chắc mình sẽ hành động tốt hơn, cơn cám dỗ của ma tuý thực sự khủng khiếp mà thiết nghĩ ai có thể dứt được chắc hẳn phải là anh hùng. Tôi thì không phải anh hùng, nên tôi thông cảm với anh. 


Chúng tôi đến nơi khoảng ba giờ chiều, tiếp chúng tôi là cha phụ trách mái ấm, rất thân thiện và nhiệt tình. Sau khi biết về tình hình anh Lộc, cha nhíu mày bảo vết thương thì có thể cố gắng chữa được, mà phải chữa càng nhanh càng tốt, có thể phải cưa chân, nhưng vấn đề là anh vẫn còn nghiện, còn nghiện thì việc đấu tranh với cơn nghiện khó khăn hơn việc cưa chân rất nhiều… Rồi còn một rắc rối về mặt pháp lý, phải có người đứng ra bảo lãnh cho anh Lộc, nhưng cô lại không phải người thân của anh, mà cha bảo công an khu vực luôn tìm cách để gây khó dễ với cha. Dẫu biết nỗi khó xử của cha, nhưng chúng tôi đặc biệt là cô vẫn tìm cách năn nỉ, cô cố gắng thuyết phục cha khiến cho cha còn tưởng cô là mẹ của anh Lộc chứ không phải người dưng. Cuối cùng cha cũng đồng ý, cha căn dặn anh Lộc một số điều cần thiết cho việc sống chung và quá trình điều trị, cha đặc biệt nhấn mạnh rằng anh sẽ phải cai nghiện bằng mọi giá. Xong việc, chúng tôi ra về, về trong hy vọng dẫu rất mong manh.

Nhạc sỹ thiên tài người Đức Beethoven có nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Tôi thấy mình may mắn khi biết cô, với lòng trắc ẩn cô luôn luôn nhạy cảm với những nhu cầu của người khác. Cô nhìn thấy anh Lộc giữa phố xá đông đúc. Cô biết anh Lộc đau đớn, cô đơn và rồi luôn khắc khoải để tìm cách giúp đỡ. Tôi cũng được biết chị Nguyệt, một người phụ nữ nhanh nhẹn, nhiệt tình và cũng đầy tình thương. Dù chị không trực tiếp điều trị bệnh nhưng chắc rằng những người nào may mắn gặp chị sẽ luôn được an ủi và đỡ nâng. Rồi cha phụ trách mái ấm của tu hội Naza mà lúc này tôi không nhớ tên, hay các thầy, các y bác sĩ trong phòng khám Mai Hoa mà tôi chưa một lần gặp mặt, mọi người đều làm việc với cả tấm lòng, và những hy sinh của họ để mang lại hạnh phúc cho người khác thật cao quý và tốt đẹp.

Hai ngày sau cái buổi chiều ở tu hội Naza, chị Nguyệt báo tin anh Lộc đã xin về. Một lần nữa anh thất bại và cơn nghiện lại thắng. Anh quay lại với những tháng ngày lê bước dọc các con đường đông đúc quận 8, rao bán những tờ vé số để mưu sinh, một kết thúc không có hậu… 

Tôi chuyển về nhà dòng nên không còn gặp anh nữa, nhưng vẫn nhớ cầu nguyện cho anh. Ngẫm lại thấy rằng câu chuyện của anh cũng là bài học cho tôi. Tôi cũng mang trong mình một cơn nghiện, cũng mắc phải căn bệnh thế kỷ của tâm hồn: Tội lỗi, cũng nhiều lần đầu hàng những thói hư, nết xấu. Nhưng Chúa vẫn kiên nhẫn chờ tôi, để yêu thương, chăm sóc và chữa lành khi tôi chạy đến với Ngài. 


Lạy Chúa, xin hãy đặt con như một sự tình cờ
Đem may mắn cho những người con gặp...
(An-tôn Nguyễn Hoàng Thi)