Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Tích lũy của cải (Lc 12:13-21)

Một cách khác thường, Chúa Giêsu đã gọi người đàn ông trong dụ ngôn nầy là “người dại dột” (Lc 12, 20), không phải vì ông ta giàu có – giàu có không phải là một cái tội – nhưng vì thái độ sai lầm của ông đối với của cải.
  
Một phi công đang bay trên không trung với ba hành khách trong máy bay: một hướng đạo sinh, một vị linh mục và một khoa học gia về không gian.  Viên phi công quay về phía ba hành khách và đưa tin buồn một cách nhẫn tâm: “Máy bay đang rơi xuống!  Chúng ta có bốn người nhưng chỉ có ba cái dù.  Tôi có vợ và ba con đang cần đến tôi.”  Anh ta chộp lấy một cái dù và nhảy ra khỏi máy bay.  Nhà khoa học nói lớn tiếng: “Tôi là người khôn lanh nhất trần gian.  Thật là một đại họa cho nhân loại nếu tôi phải chết.”  Ông liền chộp lấy chiếc dù thứ hai và nhảy ra khỏi máy bay.
Còn lại vị linh mục và em hướng đạo sinh.  Vị linh mục quay sang em đó và nói: “Con ơi, cha không có gia đình.  Cha đã sống một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc rồi, nay cha sẵn sàng trực diện với Đấng Tạo Hóa.  Con đang còn trẻ.  Cả một cuộc sống dài lâu đang trải ra trước mặt con.  Con hãy cầm lấy chiếc dù nầy đi.”  Thật là một linh mục đáng khâm phục.  (Bạn có thể tin tưởng tôi khi tôi tuyên dương vị linh mục đó là anh hùng!)
Em hướng đạo sinh trả lời: “Xin cám ơn Cha, nhưng điều đó không cần thiết.  Cả cha và con đều có dù hết.  Cha có biết không, cái ông khôn lanh nhất trên đời đó đã nhảy ra khỏi máy bay, mang theo cái ba-lô của con!  Ông ta không khôn lanh như ông ta tưởng.”

Tôi thiết tưởng đó là phần chính của sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Linh đạo phá sản 
Chúng ta không luôn luôn khôn lanh như chúng ta thường nghĩ tưởng.  Phần nhiều những gì chúng ta làm, quyết định hay chọn lựa không có ý nghĩa thật sự, sau khi chúng ta xem xét kỹ càng.  Chúng ta cảm thấy mình ngu đần.  Người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy là một trường hợp điển hình.

Không có chỗ nào trong đoạn Phúc Âm nầy cho thấy ông là một con người xấu xa.  Có thể ông là một người tốt, một người tao nhã nữa.  Chắc chắn ông là một người làm việc đầu tắt mặt tối.  Đúng thế, những người làm việc khó nhọc đôi khi có những quyết định tồi tệ.  Người đàn ông trong đoạn Phúc Âm nầy đã lập kế hoạch đời mình căn cứ trên cuộc sống ở trần gian nầy mà thôi.

Cụm từ duy nhất mà ông biết đến là phải “có nhiều hơn nữa.”  Ông ta bị thôi miên bởi cụm từ “thêm nữa” mà không bao giờ có thể nắm bắt được.  Ông không bao giờ đi quá xa hơn cụm từ đó.  Ông càng có thêm, ông càng muốn thêm hơn.  Một người tham lam không bao giờ được thỏa mãn.  Đủ không bao giờ là đủ hết.

Bỗng chốc quả bong bóng nổ tung.  Chúa gọi ông ta và ông phải ra đi, để lại đằng sau tất cả của cải cho một người khác.  Ông không thể mang theo một thứ gì với mình.  Ông đứng trước mặt Chúa với tay không và trần trụi.  Ông không có một lời nào để thốt lên.  Sự trống rỗng của ông đã nói lên tất cả.  Cả Chúa cũng không có một lời nào để ngỏ với ông.

Tới lúc đó, ông mới biết mình chưa bao giờ làm gì hết.  Đám tang của ông cũng rầm rộ như đám tang của một tên trùm Mafia, với khối bông hoa và mộ bia bóng nhoáng.  Cuối cùng, tên trùm Mafia là người giàu có nhất trong nghĩa địa, nhưng được công bố là bị phá sản về mặt tinh thần.

Như vậy, những ưu tiên của chúng ta là gì?  Chúng ta đã sống cho lý tưởng nào?  Tất cả cuộc sống chúng ta dùng để làm gì?  Con tim chúng ta hướng về đâu?  Điều gì chúng ta đã mong muốn nhiều nhất?  Đó là những vấn nạn lớn lao.  Tất cả đều tùy thuộc vào câu trả lời. 

Sự sống sau khi chết
           Số phận của người đàn ông trong dụ ngôn nầy đưa chúng ta đến một câu hỏi sâu xa hơn nữa: Điều gì xảy ra sau khi chết?  Có phải chúng ta sẽ được kết thúc dưới ba tấc đất hay trong lò hỏa thiêu? Có phải chỉ thế thôi sao?  
Thánh Augustinô đã la lên: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và con tim chúng con bồi hồi xao xuyến cho tới khi được nghỉ an trong Chúa!”  Chúng ta có kinh nghiệm về sự bồi hồi thổn thức đó ở trong chúng ta hay không?  Có một khoảng trống trong con tim và một sự nhức nhối trong tâm hồn mà chỉ Thiên Chúa mới khoả lấp được không?  Lại một lần nữa, đó chính là những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.

Sự sống trước khi chết
Có một vấn nạn khác chúng ta cần phải nêu lên: “Có một cuộc sống trước khi chết không?” Điều đó xem ra là một câu hỏi quái đản đang đập vào đầu óc bạn.  Eric Fromm là một tâm lý học gia nổi tiếng đã viết: “Điều đáng thương hại trong cuộc sống ngày nay là phần đông chúng ta chết trước khi sống trọn vẹn.”  Nhà tâm lý học nầy đã quan tâm đến những người chỉ “hiện hữu” chứ không “sống” thật sự.  
Tối chắc chắn nếu nhà tâm lý học Fromm có mặt ở Waterford vào ngày hội gọi là “Spraoi” vào thượng tuần tháng tám, ông ta sẽ lấy làm sung sướng thấy rất đông người đang vui hưởng cuộc sống mà không chút ngượng ngùng.  Thiết tưởng ngay cả Chúa nữa cũng sẽ hết lòng tán thưởng.  Tôi tưởng tượng Chúa đang nhìn xuống, mỉm cười và nói: “Cuộc thí nghiệm lớn lao của Ta với sự sống đã được chứng minh.”  
Tôi đã đọc đâu đó một câu chuyện nói về những người khóc than lớn tiếng trên giường bệnh, sắp chết, là những người chưa bao giờ biết sống.  Họ chỉ là những quan sát viên đối với cuộc sống, những người ngoại cuộc, những khán giả thụ động.  Thần học lớn lao của Kitô giáo cho biết vinh quang của Thiên Chúa chính là con người biết sống một cách trọn vẹn.

Giả thiết
Thử tưởng tượng một chút là Chúa hiện ra và nói đôi điều với chúng ta cũng như Ngài đã nói với người đàn ông giàu có trong đoạn Phúc Âm nầy: “Thời giờ của con đã điểm.  Bây giờ là lúc con phải ra đi.  Con còn sống vài giờ nữa thôi để sắp đặt cuộc sống cho ổn định.  Bây giờ quá trễ để thay đổi được gì, ngoại trừ việc con nói lời giã biệt.  Không cần phải sửa soạn hành lý.  Tất cả những gì con mang theo với mình là những kỷ niệm của con.”

Những kỷ niệm gì bạn sẽ mang theo?  Những kỷ niệm gì sẽ khiến bạn nói lên: “Tôi sung sướng vì đã biết sống.  Tôi sung sướng vì đã cưới người phối ngẫu của tôi.  Tôi đã được lớn lên trong gia đình tôi, yêu thương cha mẹ tôi, đối xử với mọi người với lòng kính trọng và đầy nhân phẩm, làm cho nhiều người cười thay vì khóc, làm cho nhiều người cảm thấy được thoải mái, biến cuộc sống trở thành hòa nhã hơn, ân cần hơn và chan chứa nhiều kinh nghiệm tốt đối với kẻ khác?”

Những ưu tiên
Nếu bạn chỉ còn sống thêm ít giờ nữa thôi, bạn có còn quan tâm đến sự thành công, đến trương mục ngân hàng, danh thơm tiếng tốt, chơi gôn thật giỏi hoặc bất cứ điều gì mà bạn thích thú trong cuộc sống?  Tôi thiết tưởng tôi biết điều bạn muốn làm trong những giờ còn lại của bạn.  Tôi ức đoán ra ngay bây giờ đây!
Bạn sẽ nói với càng nhiều người càng tốt về một trong ba điều sau đây – có thể hai điều hay cả ba điều.  Có người bạn sẽ nói: “Tôi rất lấy làm buồn!”  Với người khác, bạn lại nói: “Tôi tha thứ!”  Và người khác nữa, bạn sẽ nói: “Tôi rất yêu thương!”  Đó là những gì bạn sẽ nói, bởi vì rõ ràng cuộc sống là như thế đó.

Cuối cùng, cuộc sống có tương quan đến Thiên Chúa và đến tha nhân.  Và như thế, người giàu có trong dụ ngôn nầy đã đánh mất điều đó ở đâu?  Những ưu tiên của ông ta đã sai lầm.  Ông đã săn đuổi hũ vàng cho tới khi cầu vồng biến mất và khi đến cuối cuộc đời, ông bàng hoàng khám phá ra rằng đó chỉ là ảo ảnh.  
Phúc Âm đưa chúng ta về với thực tại.  Sống là sống trong thực tại, chứ không phải bằng trí tưởng tượng.  Trí tưởng tượng cũng tốt, bao lâu không làm cho thực tại trở nên nhầm lẫn.  Phúc Âm đưa chúng ta trở về với những gì là quan trọng và những gì không quan trọng.

Lòng hào hiệp và sự chiếm hữu 
Trong vài giờ ngắn ngủi sau cùng đó, sự kiện trở nên giàu có hay nổi tiếng, trở thành vĩ đại và quyền thế, kho lẫm đầy thóc hay bất cứ chiến công, chiến tích nào mà chúng ta đã tích luỹ… không có điều gì trong những thứ đó sẽ trang trí cho khung ảnh cuộc đời.  
Điều quan trọng ở đây là lòng hào hiệp ở bên trong, chứ không phải sự chiếm hữu ở bên ngoài. Và nếu chúng ta chân nhận như thế, chúng ta sẽ không ngớ ngẩn sai phạm khi chộp lấy cái ba-lô mà tưởng là cái dù.  Mong bạn hiểu điều tôi muốn nói!  

Phúc Âm đã dạy: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.  Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình.  Quả vậy, những sự vật hữu hình thì tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2 Cr, 4 17-18)

Nguyên Tác In Step With God - LM Vincent Travers, OP
Hương Vĩnh chuyển ngữ

Gia tài

Người ta kể rằng ở miền rừng núi, dân Thượng có một lối bẫy khỉ rất đơn giản.  Họ làm một cái lồng có nhiều lỗ nhỏ vừa tay con khỉ.  Rồi họ buộc lồng vào một gốc cây và bỏ vào đó ít hạt bắp rang.  Các chú khỉ ngửi mùi bắp thơm thì thò cả hai tay vào bốc.  Lúc đó người bẫy khỉ ngồi xa xa cứ việc tiến lại bắt chú khỉ.  Con khỉ cuống cuồng muốn thoát chạy nhưng không rút tay ra được.  Lý do đơn giản là hai tay còn nắm chặt hai nắm hạt bắp.

Tác giả sách Giảng Viên đã suy gẫm sự đời một cách rất sâu lắng.  Phản ánh một triết lý sống. Thực ra cuộc sống con người rất phức tạp và đa diện.  Chúng ta nên quan sát và suy gẫm rất cẩn thận để tìm một hướng đi thích hợp.  Trước khi chúng ta được mở mắt chào đời, vũ trụ và muôn loài đã có đó.  Khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, muôn sự vẫn cứ tiếp tục hiện hữu.  Cuộc đời của mỗi người xuất hiện đó, rồi biến mất.  Không có gì tồn tại mãi ở trần gian này.  Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không và mọi sự đều hư không (Gv 1:2).  Hư không diễn tả một khía cạnh vô thường của cuộc sống này.  Có nghĩa là mọi sự hiện hữu như gió thoảng mây bay.  Giảng Viên chia sẻ kinh nghiệm sinh hoạt cuộc sống hằng ngày và gẫm suy:  Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao (Gv 2:21).

Chúng ta không nhìn cuộc sống một cách bi quan hay tiêu cực.  Vì sự sống là một hồng ân. Chuỗi ngày sống là một chuỗi ân sủng nối tiếp.  Sống là hiện hữu.  Mọi sự hiện hữu đều hữu ích.  Sự sống cần được sinh hoa kết trái.  Thể xác con người cần được lớn lên và phát triển mỗi ngày.  Đời sống tâm linh cũng được bồi dưỡng để tiến tới sự hoàn hảo hơn.  Sinh ra là khởi đầu.  Bắt đầu bước vào một cuộc lữ hành trần thế.  Cuộc lữ hành cần có hướng đi và cùng đích.  Trong các loài thụ tạo, sứ mệnh của con người thật cao quí.  Vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.  Thiên Chúa trao ban cho con người có ý chí, lý trí và tự do.  Với những khả năng ưu việt, con người có bổn phận và trách nhiệm xây dựng một xã hội giầu mạnh, thịnh đạt và an bình.  Với khối óc và bàn tay lao động, con người góp phần làm cho thế giới ngày tốt đẹp hơn.

Con người được trao quyền làm chủ trái đất và cai quản mọi loài.  Làm chủ chứ không làm nô lệ cho của cải vật chất.  Của cải trần thế là phương tiện thiết yếu giúp con người đạt tới cứu cánh.  Con người dùng những sản phẩm do mình tạo ra để phục vụ đời sống.  Con người không thể lệ thuộc làm tôi tớ cho của cải vật chất.  Chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của.  Chúa Giêsu nhắc nhở: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu” (Lc 12:15). Tất cả vũ trụ đều đang thay đổi, nay còn mai mất.  Của cải không thể bảo đảm kéo dài đời sống hạnh phúc.  Các phương tiện vật chất chỉ giúp cho cuộc sống con người được thanh thản, thoải mái và tiện lợi hơn.  Biết rằng ai cũng cần có tiền bạc của cải để nâng cao mức sống và đáp ứng những nhu cầu cần thiết.

Câu truyện Phúc âm, Chúa Giêsu giúp chúng ta nhận rõ về giá trị về việc tìm kiếm và sử dụng của cải trần đời.  Cần có thái độ chọn lựa đối với vật chất phù vân.  Chúng ta còn có gia sản tinh thần quí báu hơn.  Hãy dùng của cải hay hư nát để mua Nước Trời.  Hãy dùng tiền bạc thế gian để đổi lấy bạn hữu.  Hãy dùng của giả để đổi lấy của thật.  Hãy tráo đổi giá trị trần thế để mua gia sản nước trời.  Đổi tiền giả ra tiền thật.  Đó là dùng tiền bạc hay của cải để bố thí hoặc làm việc bác ái, chúng ta sẽ tích trữ được khó báu trên trời.  Chúa Giêsu đã dậy: Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu (Lc 16:9).

Điều quan trọng là chúng ta phải đặt đúng giá trị của sự việc.  Tiền bạc của cải không thể trở thành chủ nhân ông.  Đừng qúa tham lam thu tích của cải phù hoa thế trần, nhưng luôn ý thức hướng tới mục đích sau cùng.  Chúa Giêsu cảnh báo: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai? (Lc 12:20).  Người đời nghĩ rằng phải cố gắng làm việc để trở nên giầu có và có của ăn của để, phòng khi hữu sự.  Điều này thật phải lẽ!  Đối với các tín hữu, chúng ta được mời gọi không chỉ làm giầu gia sản vật chất nhưng quan trọng hơn là làm giầu trước mặt Chúa.  Chúa Giêsu nói tiếp: Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” (Lc 12:21).  Khi lao động làm việc hay kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt, các thành quả đều có giá trị giúp thăng hoa cuộc sống.  Chúng ta không chỉ tích trữ gom góp tiền bạc để thụ hưởng riêng mình, nhưng sử dụng của cải để sinh hoa quả cho tha nhân và xã hội.  Biến đổi giá trị vật chất phàm hèn tới giá trị tinh thần cao siêu trước mặt Chúa.

Những lời huấn dụ trong Kinh Thánh xem ra khó áp dụng cuộc sống đời thường.  Vì chúng ta thấy ai ai cũng đang mải mê lao động kiếm kế sinh nhai và vun đắp gia sản vật chất.  Chúng ta nêu đủ lý do để biện minh cho sự tham lam và tích trữ của cải.  Nói rằng nếu không cực lực lao động, lấy gì mà trả bills và các món nợ chồng chất.  Chúng ta đầu tư mọi vốn liếng và khả năng để lo làm giầu mỗi ngày.  Lòng tham vô đáy.  Chúng ta chắt chiu từng đồng và thấy vẫn cần thiếu một xu.  Chúng ta dần bị chìm đắm trong sự ham mê của cải vật chất.  Thế là cuộc sống lôi kéo vào sự kiếm tìm không ngừng nghỉ.  Biết rằng lao động kiếm sống là tốt.  Dành dụm tiền bạc để tiêu xài cũng tốt.  Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta hãy biết làm giầu trước mặt Thiên Chúa qua việc sử dụng tiền bạc của cải đúng cách để sinh hoa kết trái đời này và đời sau.

Truyện kể có người giầu có kia chết, chôn chưa được ba ngày, một tên đạo tặc giữa đêm lén đào mả lên, lột hết vàng bạc trong mình kẻ chết, rồi lại vác búa đập bể đầu, bể miệng.  Sao lại thù hằn dữ vậy?  Không, chỉ vì khi chôn, người ta cho ông ngậm viên ngọc quí đó thôi.  Giầu có sống không yên, chết cũng chẳng yên.

Lợi lộc gì chứ khi chúng ta chỉ biết cắm đầu lo làm giầu sở hữu của cải vật chất.  Hãy ngước nhìn lên và nhắm hướng về cùng đích.  Cuộc đời của chúng ta có những gia trị cao quí hơn nhiều.  Vì sự sống của chúng ta được chuộc lại bởi giá Máu châu báu của Chúa Giêsu.  Thánh Phaolô diễn tả: Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa (Col 3:1).  Quê hương đích thực của chúng ta là trời cao.  Tại sao chúng ta xả thân miệt mài thu tích của cải dưới đất nơi mối mọt rúc rỉa?  Hãy tìm kiếm những sự cao siêu hơn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất (Col 3:2).

Thánh Phaolô đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa.  Ngài đã trở thành con người mới hoàn toàn.  Sống phó thác và tin tưởng vào Đấng tạo thành vũ trụ.  Phaolô lên tiếng: Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó (Col 3:9-10).  Theo gương thánh Phaolô, tuy chúng ta còn khoảng cách rất xa trên con đường trọn lành.  Mỗi người chúng ta có thể khởi đầu từ hôm nay để chọn lựa một thái độ và thực hành sống lời Chúa cách tích cực hơn.

Lạy Chúa, chúng con xin chọn Chúa làm gia nghiệp đời chúng con.  
Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và mọi sự Chúa sẽ ban thêm.  
Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả.

LM Giuse Trần Việt Hùng

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Hai sắc hoa Tigon

T.T.Kh

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn 
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn 
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc 
Tôi chờ người ấy với yêu thương 

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng 
Dải đường xa vút bóng chiều phong, 
Và phương trời thẳm mờ sương cát, 
Tay vít dây hoa trắng lạnh lòng. 

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài những lúc thấy tôi vui. 
Bảo rằng “Hoa dáng như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.”

Thuở đó nào tôi có hiểu gì, 
Cánh hoa tan tác của sinh ly, 
Cho nên cười đáp: “Mầu hoa trắng 
Là chút lòng trong chẳng biết suy.”

Đâu biết lần đi một lỡ làng 
Dưới trời đau khổ chết yêu đương. 
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm 
Trong một ngày vui, pháo nhuộm đường. 

Từ đấy thu rồi thu lại thu, 
Lòng tôi còn giá đến bao giờ. 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ 
"Người ấy" cho nên vẫn hững hờ. 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, 
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi, 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tim bóng một người. 

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết 
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa 
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ 
Và đỏ như màu máu thắm phai 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi, 
Một mùa thu cũ rất xa xôi. 
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã 
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi! 

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, 
Chiều thu hoa đỏ rụng, chiều thu... 
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng, 
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò. 

Nếu biết rằng tôi đã có chồng, 
Trời ơi, người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ, 
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

********************************

 Huyền thoại thi ca tiền chiến Việt Nam những năm 1937-38 bỗng nổi cơn ba đào với bốn bài thơ ký tên T.T.Kh rồi sau đó lặng lẽ tan vào cõi hư không mặc cho dư luận ồn ào xôn xao.  Chất hưng phấn làm hoa ti gôn nở rộ một thời được khai hoa nở nhụy bằng một câu chuyện "Hoa ti gôn" của ký giả Thanh Châu đăng trên báo "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" xuất bản tại Hà Nội.  Là một truyện ngắn không có gì đặc sắc nhưng nhẹ nhàng và bay bổng, “Hoa ti gôn” kể về một chuyện tình buồn giữa một chàng họa sĩ và một thiếu nữ gia đình thượng lưu.

           Sau đó không lâu, tòa soạn nhận được một bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn", ký tên T.T.Kh do một người thiếu phụ trạc hai mươi, dáng bé nhỏ thùy mị, nét mặt u buồn mang đến.  Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện.  Câu chuyện "Hoa ti gôn" đã khơi lại mối tình xưa của người thiếu phụ (T.T.Kh.) với một chàng nghệ sĩ, cả hai đã qua một thời yêu thương hẹn hò dưới giàn hoa ti gôn.  Rồi chàng ra đi biền biệt không hẹn ngày về.  Nàng ở lại vâng lời mẹ cha gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một người chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của thời quá khứ.  Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết.  Sau bài thơ nầy, toà soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy lại nhận được bằng đường bưu điện ba tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh.  Đó là các bài "Bài thơ thứ nhất", "Bài thơ đan áo" (riêng đăng ở Phụ nữ thời đàm) và "Bài thơ cuối cùng".
           
Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa.  Không ai hiểu tại sao bài "Hai sắc hoa ti gôn" lại xuất hiện trước "Bài thơ thứ nhất" và cũng không hiểu tại sao tác giả lại lặng lẽ rời bỏ văn đàn không lời từ biệt để lại trong lòng người yêu thơ bao nỗi niềm thương nhớ luyến tiếc.

********************************
Bảy mươi năm trôi qua, nhân gian tốn bao giấy mực để tìm hiểu T.T.Kh là ai.  Người thì đoán Trần Thị Khánh, một nữ sinh Hà nội, người yêu của Thâm Tâm, một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng với bài Tống Biệt Hành.  Kẻ lại bảo là Nguyễn Bính, rồi em gái họ nhà thơ Tế Hanh.  Người khác đoan chắc đó là Trần Thị Vân Chung, người yêu nhà văn Thanh Châu, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn.  Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi tác giả tiếp tục thinh lặng sống hờ hết kiếp, trong duyên trái đời”. 

Làm sao có thể dệt nên chuyện tình buồn nếu chỉ có một người?  Thế là dư luận đổ xô đi tìm “người ấy” của T.T.Kh để hỏi xem“người ấy có buồn không?  Có còn nghĩ tới loài hoa vỡ”.  Kẻ xầm xì nói đó là nhà thơ Thâm Tâm, người lại bảo là nhà văn Thanh Châu.  Nguyễn Bính, J. Leiba và bao nhiêu anh hùng thiên hạ khác nữa cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình!  Ai đúng ai sai, làm sao biết được khi loài hoa ti gôn chỉ nở một lần, hoa rụng mang theo niềm bí mật của người yêu hoa.

Làm sao có thể dệt nên chuyện tình ngang trái nếu không có người thứ ba, là kẻ có nợ nhưng không duyên, có nghĩa nhưng không tình?  Thế mà thiên hạ chẳng ai buồn tìm hiểu người chồng “nghiêm luống tuổi” là ai?  Báo chí chẳng tốn một giọt mực, không một lời phân ưu.  Chẳng ai buồn thắc mắc đến danh tính của kẻ chiến thắng nhưng lại là chiến bại, kẻ “được” nhưng là “mất”.  Cũng như vợ mình, chân dung của ông vẫn là một ẩn số phụ bé nhỏ không lối đáp trong nghi án văn học T.T.Kh.
Bài thơ tình lãng mạn thời tiền chiến này đã đi sâu vào lòng tôi một thời.  Ngắm hoa ti gôn“sắc hồng tựa trái tim tan vỡ, và đỏ như màu máu thắm pha”, tôi ngậm ngùi xót thương người con gái bạc phận ôm mối tình dang dở lên xe hoa, theo lời mẹ cha nhắm mắt đưa chân sống “quang cảnh lạ, tháng năm dài.  Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.”  Tôi cảm thông tâm tình cay đắng người thiếu phụ buồn ngồi bên song cửa sổ miễn cưỡng “đan đi đan lại áo len cho chồng” mà mắt cứ dõi nhìn phương xa.  Tôi thầm trách “người ấy” đã làm tan nát thêm cõi lòng người yêu khi mang “bài thơ đan áo nay rao bán, cho khắp người đời thóc mách xem”.   Xót xa, tiếc nuối.… là những tình cảm lưu luyến dành cho hai nhân vật trai thanh gái tú có duyên gặp gỡ nhưng không phận phu thê đã dệt nên những áng thơ tình bất hủ cho nền văn chương Việt Nam! 
           
Cũng như người đời, tôi chưa một lần thắc mắc tâm tư người chồng đi bên lề cuộc đời vợ mình ra sao.  Ông buồn hay vui khi đêm đêm nằm ôm cái xác không hồn với cặp mắt ngơ ngác thất thần?  Ông nghĩ gì khi môi đụng làn môi băng giá?  Ông cảm thấy gì khi được vợ nhưng không được trái tim của nàng?  Cho đến một ngày tình cờ đọc Kinh Thánh, tôi ngờ ngợ như đọc được nỗi niềm cay đắng của ông, một người đứng bên lề cuộc đời người yêu qua những dòng chữ chua chát“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b).  Ôi, Thiên Chúa của tôi, Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, giàu sang và uy quyền, lại chia sẻ chung số phận hẩm hiu với người chồng già bạc phận trong “Hai sắc hoa ti gôn” hay sao?  Tôi đã sống ra sao để Ngài phải thốt lên những lời ai oán ấy?

Từ “ngày vui pháo nhuộm đường” đó, cuộc sống tuy nhiều sầu muộn, tháng ngày đong đầy những chua cay nhưng T.T.Kh. không hề có ý định chạy trốn cuộc sống, cũng chẳng dự định trốn theo người yêu.  Nàng“ vẫn đi bên cạnh cuộc đời” trong sự “ái ân lạt lẽo” của chồng với một thái độ lạnh lùng dửng dưng chấp nhận sự thật dù phũ phàng.  Tôi cũng thế, vẫn đi bên Thiên Chúa, vẫn thờ phượng Ngài, không có ý định bỏ đạo, càng không muốn chống đối Ngài.  Chỉ là một thái độ lạnh nhạt chấp nhận sự việc có Chúa bên đời như một tình cờ, như một sự ép đặt của mẹ cha.  Còn lòng tôi ư?  Người thiếu phụ có chồng “vẫn giấu trong tim bóng một người”, chỉ một người thôi!  Còn tôi, thờ phượng Ngài đó nhưng che giấu trong tim biết bao bóng hình, những mộng mơ với thế gian phù phiếm, những toan tính cho tương lai dù tương lai không thuộc về tôi và bao dự định dang dở….  Những bóng hình đó không ngừng đeo đuổi tôi đến nhà thờ những ngày Chúa nhật dù chỉ một tiếng, vẫn hiện diện trong những lời kinh ro ro thuộc lòng dù chỉ vài phút.  Như một thiếu phụ đoan trang khép mình trong lễ giáo, tôi tuân giữ những luật buộc một cách máy móc, dâng Ngài những của lễ dư thừa trong nhăn nhó.  Nhưng linh hồn tôi, trái tim tôi, tâm trí tôi… dật dờ đâu rồi trong một cõi xa xăm nào đó! 

Đi bên chồng nhưng lại hỏi “người ấy” có buồn không, đó là tâm trạng của người xưa.  Còn tôi hôm nay đi bên Ngài đó nhưng vất vả lo toan cho những việc ở trần gian.  Miệng nói tôn kính Thiên Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự.  Nhưng bao sức lực, trí lực, tài năng, máu huyết của tuổi thanh xuân…. tôi đã dâng hiến cho thế gian hết rồi để mong tìm một chỗ đứng trong xã hội, một cuộc sống tiện nghi…..  Còn chăng chỉ là cái xác mệt mỏi vô hồn trong lòng nhà thờ mỗi ngày Chúa nhật buồn.  Xa thật hai cõi lòng của tôi và Ngài!  Phải chăng những lời trách móc “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7:6b) là để chỉ tôi sao?

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời..., vẫn giấu trong tim...”, “vẫn đi” và “vẫn giấu”, một sự ngoan cố đến lạ lùng của một phụ nữ yếu đuối.  Không có ý định từ chối cuộc sống và gia đình nhưng cũng không có ý định chôn hình ảnh xưa cố quên để sống, nàng đã cố bám víu lấy nó như một thứ lương thực nuôi sống hiện tại.  Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh mình trong sự cố chấp bám dính quá khứ của người thiếu phụ.  Vẫn biết một ngày nào đó tôi sẽ phải rũ áo ra đi không mang theo được gì nhưng tôi vẫn ngoan cố xây đắp cho thật nhiều.  Vẫn biết đời sau mới là thiên thu vĩnh cửu nhưng tôi chỉ chăm lo hạnh phúc hời hợt của vài thu chóng qua.  Phải chăng đó là oan trái của kiếp người?  Phải chăng con rắn ngày xưa vẫn tiếp tục cám dỗ trong lòng mỗi người mãi không thôi?  Người thiếu phụ đã bám lấy cả hai và nàng đã phản bội cả hai: người yêu và chồng mà cuộc sống chỉ là “từng thu chết, từng thu chết”.  Kết quả cuộc sống của tôi có khá hơn không khi tôi cùng bám vào cả hai:  Thiên Chúa và thế gian?

Còn gì xót xa não nùng cho bằng khi nghe những lời thở than của người vợ hiền “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời.  Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.”   Phải chăng đó cũng là những tiếng trách móc của tôi về sự ái ân lạt lẽo” của Thiên Chúa?  Như một ông chồng già giàu có nhưng keo kiệt, uy quyền nhưng bủn xỉn, Ngài quay mặt làm ngơ trước những lời van xin thống thiết của tôi: cái xin không được, cái không xin lại cho, cái muốn được thì mất, cái mất lại được.  Ngài đã bỏ tôi chới với một mình trong khổ đau, mặc tôi ngụp lặn trong cô quạnh không lời ủi an.  Trong nỗi đau không tình cờ đó, Ngài tiếp tục thinh lặng, bí mật và khó hiểu….. không một lời đáp trả.  Quả là lạt lẽo và vô tình làm sao! 

Dù lời thơ ai oán, hồn thơ chất chứa niềm trách móc cam chịu của người vợ bị chồng “lạt lẽo, hờ hững”, nhưng tôi vẫn bắt gặp đâu đó một sự quảng đại nơi người chồng “nghiêm luống tuổi” môn đăng hộ đối.  “Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ, "Người ấy" cho nên vẫn hững hờ.”  Chỉ là hững hờ thôi sao?  Vẫn biết”,  một sự khẳng định chắc chắn đến thế nhưng không có cảnh đòi li dị, không đuổi về nhà người vợ ngày qua đêm lại chỉ“thờ thẫn hồn eo hẹp nhớ người xưa, không cưới năm thê bảy thiếp, không đánh đập hành hạ, mà cũng chẳng có chuyện “ông ăn chả bà ăn nem”, … không một hành động cụ thể nào cho sự trả thù.  Chỉ là một thái độ “hững hờ” của người quân tử!  Thái độ “hững hờ” hay nồng nàn, “lạt lẽo” hay sốt mến còn do thái độ cảm nhận của đối tượng nữa.  Tôi không thể nhìn thấy cuộc đời màu hồng khi đeo cặp kiếng đen.  Làm sao có thể tìm thấy một sự yêu đương nồng cháy khi “từ đấy thu rồi, thu lại thu.  Lòng tôi còn giá đến bao giờ?”  Ai có thể làm tan tảng băng nếu lối vô bị bít kín?  Ly nước đã đầy làm sao có thể rót thêm?  Làm sao có thể tìm được lòng sốt sắng yêu mến khi tôi đến với Thiên Chúa với tấm lòng giá băng qua những nghi thức thờ phượng hời hợt bên ngoài, với trái tim đầy ắp những tham vọng thế gian và cái đầu tính toán đầy những thành kiến. 

Có đúng chăng sự “hững hờ” và “lạt lẽo” của người chồng trong “Hai sắc hoa ti gôn” là kết quả cách sống thờ ơ của người vợ?  Có sai không thái độ giận dữ của Thiên Chúa “Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:15-16)  là kết quả cách sống dở dở ương ương của tôi?  Tôi còn có sự tự do lựa chọn cho mình một lối sống, nhưng người con gái đất Việt bảy mươi năm về trước thì không.  Vậy tôi và nàng ai đáng thương và đáng trách hơn?

Xuyên suốt bốn bài thơ của T.T.Kh, ngoài thái độ “hững hờ”  “lạt lẽo” của người chồng, còn một thái độ tế nhị khác nữa, đó là sự chờ đợi!  Ông đã âm thầm đi bên cạnh cuộc đời vợ mình để chờ đợi sự quay về của người vợ hiền, nếu không quay về vì yêu thương thì cũng xin vì bổn phận.  Qua ông, tôi bắt gặp hình ảnh chờ đợi của Thiên Chúa, Ngài đã kiên nhẫn đứng bên lề cuộc đời của những người đã chọn Ngài là Chúa nhưng chỉ là môi miệng để ngày qua tháng lại tiếp tục mòn mỏi trông chờ.  Một Thiên Chúa đầy quyền uy nhưng thật tội nghiệp vẫn lặng lẽ đứng đó, không một lời giải thích cho thái độ tưởng như hờ hững, lạt lẽo của mình, với đôi cánh tay giang rộng để chờ đợi không chỉ thân xác, không chỉ hình thức, không chỉ môi miệng nhưng là một tình yêu đích thực từ trái tim, một cái xác có hồn, một sự dâng hiến trọn vẹn tuyệt vời của người yêu.

Ngược lại với sự quảng đại chờ đợi trong âm thầm nhẫn nhục của người chồng là một sự phản bội tế nhị của “người ấy”:
“Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ đan áo của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.”
Là giết đời nhau đấy biết không?  (Bài thơ cuối cùng)

Bây giờ thì nàng đã rõ rồi tấm lòng yêu thương của người mà nàng hằng ấp ủ trong tim.  Trong khi người con gái “vườn Thanh” lo lắng “nếu biết ngày mai tôi lấy chồng.  Trời ơi! Người ấy có buồn không?  với một niềm tin mạnh mẽ vào người yêu “nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ.  Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em” và nỗi khắc khoải mong chờ được tái ngộ dù chỉ trong mơ “tiếng lá thu khô xiết mặt hè.  Như tiếng chân người len lén đến”.  Thế mà người ấy lại nhẹ nhàng đem tình nàng “rao bán” trên mặt báo.  “Bài thơ đan áo” chỉ viết riêng cho chị chia sẻ nỗi lòng u uất của người con gái lấy chồng phương xa, giờ còn đâu nữa những tâm tư thầm kín của người thiếu phụ khuê các.  Người ta đã quên rồi lời hẹn xưa: “Cố quên đi nhé câm mà nín.  Đừng thở than bằng những giọng thơ”.  Người ta thương gì “một mảnh lòng tan vỡ”,xót xa gì “một tâm hồn héo”, tiếc gì một đóa “hoa tàn dấu xác xơ”.  Không ăn được thì đạp đổ!  Hạnh phúc của người yêu nào có nghĩa lý gì!  Thẳng tay, phũ phàng và dứt khoát “lại chính là anh, anh của em” đó!  Đâu rồi một tâm hồn nghệ sĩ cao thượng?  Đâu rồi nét quân tử của người yêu hoa?  Chả trách nào tiếng chim trong lồng tắt lịm từ đó!

Hình ảnh “người ấy” phải chăng là hình ảnh của thế gian: đẹp đẽ, lãng mạn, nên thơ… khi tình đang mặn nồng, thưở “nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn”.  Nhưng khi lòng tôi thao thức với lời mời gọi thiêng liêng từ trong đáy tim thì thế gian cố níu kéo bằng những dụ dỗ ngon ngọt, những hình ảnh phù phiếm, sự hưởng thụ thân xác.  Và khi tôi nhất quyết quay gót trở về với Thiên Chúa thì bộ mặt thế gian biến đổi với những gian trá mưu mô xảo quyệt, với hành động trả thù bỉ ổi nhằm phơi bày tội lỗi thầm kín của tôi cho dù làm thế “là giết đời nhau”.  “Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở!”  Tình đã dang dở rồi đây nhưng người trong cuộc có thấy đẹp hơn, thơ mộng hơn không hay chỉ toàn cay đắng phũ phàng?

Thế gian là thế đấy!  Người tình là thế đó!  Mặc dù “oán hờn anh mỗi phút giây” nhưng lòng thì “giận anh không nỡ nhớ không thôi”!  Thiên Chúa có lẽ quá thấu hiểu sự yếu đuối mù quáng của con người nên hai chữ TỈNH THỨC được lập đi lập lại nhiều lần trong giáo huấn của Ngài và ân sủng từ trời cao không ngừng tuôn đổ để giúp con người biết lựa chọn và sống với sự chọn lựa của mình một cách sáng suốt.

Chuyện tình nào rồi cũng có đoạn kết, mối tình tay ba nào cũng phải kết thúc bằng sự lựa chọn.  Như “Người chồng  Người tình” không thể cùng song hành với nhau trong cuộc sống “Người vợ”, thì Thiên Chúa cũng không thể cùng đồng hành với thế gian trong trái tim và linh hồn một người.  Tôi đang ở đâu trong mối tình tay ba giữa Thiên Chúa – Thế gian –  và Tôi?  Tôi sẽ chọn lựa ai, chỉ một trong hai?  Và sẽ sống với thái độ nào trong sự tự do lựa chọn đó?

Lang Thang Chiều Tím
08/2007

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Saigon ơi ! Saigon ơi !

  Mỗi lần nhìn lại hình ảnh Sài Gòn xưa là mỗi lần nhớ tiếc một miền Nam hiền hoà , ấm áp , đôn hậu cũ :
Có sao nói dậy hà , ai hổng thích , gán chịu ! Bèn cảm thông cho người đàn bà trong Cổ Học Tinh Hoa đã khóc khi làm mất chiếc trâm cài bằng cỏ thi . 
Sài Gòn hôm nay đã không còn là Sài Gòn cuả những người muôn năm cũ nữa , bởi vì người Sài Gòn ngày nào đã tản mạn đi khắp nơi , đã mang Sài Gòn đi theo đến những chân trời mới lạ , họ đành đau lòng mà bỏ lại Sài Gòn trong tay bọn ăn cướp , bọn du thủ du thực , nhưng vẫn hẹn sẽ có một ngày về . Sài Gòn trong lòng người dân miền Nam là một Sài Gòn hoài niêm cuả những tháng ngày tươi thắm tình người , chứa chan hy vọng cho tương lai và vươn tới một ngày mai tốt đẹp cho con cháu .

Ông bí thư Thăng muốn trả lại cho Sài Gòn tên gọi một thời vang bóng cuả nó ư ? Hoài công thôi vì khi không có những tấm lòng Sài Gòn xưa , không có những tâm hồn trong sáng cũ , không có bàn tay xây dựng cuả những người thợ nề thấm nhuần phương châm cuả một nền Giáo Dục : Dân Tộc , Khai Phóng và Nhân Bản , thì làm sao có thể làm sống dậy một Sài Gòn tươi đẹp , hạnh phúc cuả VNCH xưa ?
Sài Gòn chỉ gột rửa được hết lớp phấn son giả tạo , nhơ nhớp do bọn thày tuồng ấu trĩ tô vẽ lên để lừa bịp thiên hạ khi có một ngày ... Châu về Hợp Phố mà thôi .

Hoàng Yến .

      Kính chuyển quývị, chuyện Saìgòn, Hà nội trước, sau 1954, nhât là ở caí tuổi mười mí, trăng tròn thật là có nhiều lưu luyên và đáng tiêc maĩ, bạn bè gặp nhau hàn huyên chuyện ngaỳ ây cả buổi cũng không nguôi. Vềchiện sau 30/4/75 lại là một chuyện daì, noí không hết nhưng có thể tóm gọn trong một câu hoỉ : Sao dân di cư 54 và người miên Nam mây ai đi ngược ra Băc sinh sôńg, thay vì hàng triệu người Băc XHCN, đa số là cán bộ, đảng viên lại ồ ạt rời bỏ caí thiên đường cs vaò miên Nam lập lại cuộc đời mới ? đó là không noí đên hàng triệu người bỏ nước ra đi, ht

Dương Đề

Bài viết hay lắm , làm nhớ Saigon xưa , có 1 điều mà bài viết chưa đề cập đến , dân Bắc kỳ 54 không hiểu sao vào Nam chỉ trong vòng 10 năm trở lại đã tậu được nhà to cửa lớn , làm ăn phát tài hơn dân Miền Nam kỳ cựu , họ đã làm gì mà có tiền hay quá vậy , dân Miền Nam thường hay chọc là " Bắc kỳ ăn cá rô cây ..." phải chẳng vì họ tiết kiệm không có tính rộng rãi phóng khoáng như dân Nam kỳ cho nên mới giàu có ??
 Nói gì thì nói dân Bắc 54 dù rằng sống ở Miền Nam lâu như vậy nhưng bản chất họ vẫn dữ tợn hơn dân Miền Nam nhiều lắm , thử xem làng Gia Kiệm , Biên Hòa , Dốc Mơ ...họ sống thành từng làng toàn Bắc kỳ với nhau , lỡ mà có dân Nam kỳ nào chọc phá hay đụng xe phải 1 ai đó của làng Bắc thề là chỉ có nước bị đánh đến tơi tả chứ không tha vì vậy phải chạy trốn cho kỹ ...xuất đầu lộ diện xin lỗi sau ...
vì vậy trai Bắc kỳ thích lấy vợ Nam kỳ là vì vậy , con gái Nam có giọng nói nũng nịu dễ thương , không chua ngoa , đanh đá hay lý sự với chồng ...biết chịu thương chịu khó hy sinh cho gia đình 


Quang Nguyên

Ông bí thư Thăng hai lần ngỏ ý muốn lấy lại vị trí và danh tiếng Hòn Ngọc Viễn Đông cho Sàigòn, nhưng dứt khoát, với người Sàigòn, còn đâu người xưa, tình cũ. Còn đâu hòn ngọc của họ, trừ phi họ tìm lại được.


Thiếu nữ Sài Gòn 

Người Hà Nội, người Sàigòn

Sàigòn trước năm 1975 có là Hòn Ngọc không? Điều này còn tùy người.

Dân Sàigòn, trước năm 1975, hãnh diện về thành phố của mình, dù nhiều người vẫn thấy Sàigòn đã có thể chưa bằng Seoul, Singapore, Bangkok. Có người, với góc nhìn nào đó, thấy Phnom Penh, Vientiane  đẹp hơn. Có người so sánh với các địa phương khác trong nước, thích Huế,  thích Dalat, thích Hà Nội hơn , nhưng đối với người Sàigòn thì thành phố của họ vẫn là viên ngọc họ yêu thương. Viên ngọc Sàigòn trong mắt họ và yêu thương trong tim họ khác với con mắt và tình cảm yêu thích của các tay thực dân ngồi salon từ thủ đô ánh sáng Paris nhìn sang, tấm tắc khen công trình kiến tạo ở xứ Viễn Đông của mình.

Sàigòn đẹp, nhưng Hà Nội có thua gì? Sàigòn làm sao có được những hồ nước trong veo, mát rượi, thơ mộng như Hà Nội? Sàigòn sao có được các công trình kiến trúc lịch sử như Văn miếu, chùa Trấn Quốc, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn? Và nhất là Sàigòn thời trước 1954, không quy tụ được nhiều tao nhân, mặc khách, văn nhân, thi sĩ như Hà Nội.

Người Hà Nội khác người Sàigòn. Người Hà Nội có vẻ từ tốn, lịch lãm, tao nhã, tế nhị và khách sáo. Tế nhị và khách sáo đến mức làm người Sàigòn khó chịu.

Lếch thếch chạy vào Nam, bỏ lại gia tài, sản nghiệp, xuống tàu di cư nhận 800 đồng mỗi người khi bước xuống đất Sàigòn, người di cư Hà Nội nhíu mày, tròn xoe mắt với cách sống của dân địa phương. Người “Sè –Gòng” trần trùng trục, thân dưới chỉ cuốn chiếc sà rông, co giò trên ghế, đổ cà phê loại pha bằng vợt, cà phê "dớ", ra dĩa, húp xì xụp. Họ xé toạc đồng bạc đề trả hay "thối lại" 5 cắc. Tệ hại hơn nữa là đi đâu cũng nghe chửi thề.

Dân Bắc đi chợ có thói quen mặc cả, trả giá kỳ kèo thêm bớt một hai luôn làm người bán hàng Nam kỳ khó chịu, có khi không bán hàng cho. Lần đầu tiên mua trái cây, người Hà Nội ngỡ ngàng, ngạc nhiên thú vị khi hỏi mua một chục, nhận được 12 trái, có khi 14, 16 thậm chí đến 20 trái.

Cách cư xử thoải mái, bình đẳng của người Sàigòn với mọi người cũng làm dân Hà Nội lấy làm lạ. Anh xích lô đạp, xich lô máy hay anh chạy xe ngựa cũng không khúm múm, không ông-con, bà-cháu với khách. Anh  sống  vất vả hơn, nghèo túng hơn anh công, tư chức nhưng thoải mái không thua gì. Sáng cà phê, bánh mì, hủ tíu, xíu mại, trưa kéo xe nằm dưới gốc cây làm một giấc no mắt, tối dẫn cả nhà đi coi cải lương. Gầm cầu có thể là chỗ ngủ của cả nhà. Anh ta có thể nói dóc chứ không nói xạo, không xảo trá.

Người Hà Nội di cư coi thường dân Sègòng nói ngọng, dân Sàigòn không tinh tế nhận ra điều đó, họ thản nhiên chấp nhận chia sẻ việc làm với hàng chục ngàn người nhập cư, chỉ thỉnh thoảng nhướng mắt hỏi: "Hòa bình rồi, sao không ở lại Bắc kỳ, zô Ziệc-Nam đây chi zậy?". 

Người ta phân biệt dân Bắc Kỳ cao su, dân bắc Kỳ 54. "Bắc kỳ cao su" nghèo mạt rệp, theo tây mộ phu vào đồn điền cạo mủ.  Dân "Bắc kỳ 54" phải gân cổ cắt nghĩa mãi người ta mới hiểu được tại sao cả triệu người phải bỏ quê hương vào Nam, tha hương cầu thực, và cho đến ngày được giải phóng, tất cả người miền Nam mới thật sự đồng cảm và cùng khóc với dân 54. 

Từ thập niên 70, chiến tranh lan rộng, Sàigòn có khi bị pháo kích bằng hỏa tiễn, đêm nghe đại bác, nhìn hỏa châu, dù phải nhận hàng trăm ngàn dân quê trốn chiến tranh ồ ạt đổ về thủ đô giành việc làm, người Sàigòn vẫn thoải mái bao dung. Nhà ổ chuột bắt đầu dựng cẳng cừ tràm trên kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc, trên bãi rác. Bên cạnh các cuộc biểu tình của nhiều thành phần chống chính phủ, người  Sàigòn vẫn thoải mái: Sáng ăn cơm sườn, chiếu ăn nước tương, tối chun vô mùng nằm nghe cải lương. Câu hát chơi, nhưng gần đúng với người Nam Bộ thời đó.

Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm

Sài Gòn xưa

Dưới 9 năm cai trị của một ông tổng thống mà người ta gọi là độc tài, Ngô Đình Diệm, nguyên bộ trưởng bộ lại thời Bảo Đại phong kiến, cả miền Nam, không riêng gì Sàigòn, đã thay đổi. Bệnh viện, nhà cứu tế, viện dưỡng lão, quán cơm cho sinh viên nghèo, cho người lao động chỗ nào cũng có. Ông Ngô Đình Diệm rất chú trọng đến giáo dục. Trường học từ mẫu giáo, tiểu, trung học đến đại học được xây dựng. Ngoài các lớp xoá nạn mù chữ, các lớp dậy văn hóa ban đêm, còn có các trường dạy nghề, dạy ngoại ngữ. Nghề giáo được coi trọng, lương giáo viên trung, tiểu học đủ nuôi vợ, nuôi con.  Quân nhân, công chức được khuyến khích, được tạo điều kiện dễ dàng đi học thêm, nhiều sĩ quan được ông Diệm cho giải ngũ, cho học bổng du học. Tư lệnh không quân, Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh nằm trong trường hợp này. Trong các trường đại học, sinh viên trẻ ngồi cạnh các công chức, sĩ quan già như Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng. Sáng, chiều đường phố Sàigòn ngập áo trắng học sinh. Hồi đó đồng phục nam sinh, chỉ áo sơ mi trắng, quần kaki xanh, nữ sinh  áo dài trắng, các trường tư không bắt bận đồng phục, trừ hầu hết các trường thuộc các dòng tu công giáo, nữ sinh thường mặc robe.

Trung tâm Sàigòn không thay đổi mấy, hình như chỉ có năm bảy dinh cơ làm mới, làm lớn ra: Dinh Độc lập, vì bị ném bom, rạp cinéma Rex, khu thư viện Hoa Kỳ bên cạnh đó và nhà hàng Caraven là đáng để ý. Đường Duy Tân cây dài bóng mát, đường tản bộ của các cặp sinh viên luật, Cường Để, Tú Xương và nhiều đường khác vẫn như thời xa xưa, yên bình, thơ mộng, lãng mạn và quý phái. Vùng xa trung tâm thành phố, khu Minh Mạng, Vườn Soài, Lăng Cha Cả, Xóm Mới bắt đầu đông dân, nhà cửa khang trang nhờ dân di cư.

Tội phạm ít, diện tích trên các trang báo dành cho tòa án, tội phạm rất nhỏ, thậm chí  xe cán chó cũng là tin. Đáng chú ý và rầm rộ nhất là tin vũ nữ Cẩm Nhung bị vợ Trung tá Thức tạt axit đánh ghen. Vụ này khiến ông quan năm bị ngài tông tông Diệm nóng mặt cách tuột chức tước. Các băng đảng cũng có nhưng họ  không "bẩn" như ngày nay. Các vụ giết người lại càng ít xảy ra. Phải nói thêm là dù có bất cứ tội phạm loại nào xảy ra, vụ việc được thông tin, không bao giờ báo chí có câu kết luận theo kiểu chỉ đạo mà các báo chí miền Bắc phải viết:" Đấy là tàn dư của chế độ cũ". Câu đổ tội vu khống rẻ tiền này theo vào Nam sau năm 75 làm dân Nam Kỳ nóng mặt chửi thề. Đến khoảng năm 80, cái câu tuyên truyền ngốc nghếch, bẩn thỉu học theo cách dậy bảo của trùm tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels này mới chấm dứt.

Người Sàigòn hầu hết đều thật thà và đáng tin cậy, họ thích huỵch tẹt mọi chuyện, ít để bụng nhưng cũng dễ "nổi khùng". Họ cũng thường không đua đòi, khoe khoang. Quý bà, quý cô phần lớn đều vui vẻ, nền nếp, kín đáo. Ăn nói dù không có duyên, không đằm thắm, quyến rũ lắm nhưng thẳng thắn và thành thật, nhất là không chua chát, xỏ xiên.

Những nhu cầu căn bản về ăn uống, quần áo, thuốc men, tiền thuê nhà dễ chịu cho tất cả mọi thành phần.Lương một công chức hạng thấp, một người lính, có thể nuôi cả gia đình, giáo viên có đời sống sung túc và được xã hội kính trọng như từng lớp trí thức. Có vài nơi cung cấp cơm trưa cho sinh viên học sinh, miễn phí, nhưng không được lâu.

Kiến trúc nhà ở đẹp mắt, đa dạng, rộng rãi không bắt chước lẫn nhau như kiểu nhà nào cũng tháp nhọn chọc lên trời biểu hiện tính khoe khoang, thiển cận, trọc phú.

Phương tiện giao thông vận tải không tuyệt vời như Đài Loan, nhưng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài hệ thống xe buýt rẻ tiền đến các nơi, các khu dân cư đông đúc, xa trung tâm thành phố, còn có xe taxi, xích lô. Trước xích lô máy khá nhiều, sau không hiểu sao dần vắng bóng, sau này thêm xe lam.Có điều thú vị là sĩ quan mặc quân phục không được ngồi xích lô hay đi xe lam. Nói chung, dù với người không có xe, việc di chuyển đi lại không bị hạn chế.

Các bệnh viện công khá nhiều. Có thời nhà thương công được gọi là nhà thương thí, dù thí nhưng bệnh nhân được chăm sóc ân cần. Rất nhiều nữ tu Công giáo lo việc chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, ngay cả người cùi, hủi. Bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản, bệnh viện Sài-Gòn, trên Lê Lợi (Nguyễn Huệ), bệnh Viện Gia Định trên Nguyễn Văn Học đều là nhà thương công. Bệnh viện Bình Dân nổi tiếng hơn vì nhiều sinh viên thực tập và các giáo sư dạy ở đây.Không có cảnh ghép đôi, ghép ba, ăn tiền, hạch sách bệnh nhân. Bệnh viện Vì-Dân được bà TT Thiệu xin tiền từ thiện xây, có hai phần, phần phải trả viện phí, phần miễn phí dành cho thân nhân quân nhân. Kinh phí cho phần miễn phí lấy từ nguồn thu của bên phải trả tiền.

Sàigòn thường có các cuộc triển lãm nghệ thuật. Các ban nhạc quân đội thay nhau biểu diễn cuối tuần trước trụ sở quốc hội, sau này là Hạ nghị Viện, hay tại bờ sông, trước bộ tư lệnh Hải Quân. Nhiều cuộc hội thảo về văn chương, đọc sách thú vị. Thị trường sách đa dạng, phong phú, nhiều ngôn ngữ. Ngoài các nhà sách lớn như Xuân Thu, Khai Trí còn có rất nhiều quầy sách, báo, tạp chí trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ. Đó cũng là những điểm cho đám sinh viên, học sinh đến "xem cọp" những ấn phẩm mới nhất, nhiều khi đứng đến cả giờ để ghi ghi, chép chép. Nói đến "xem sách cọp" nhớ đến "học cọp". Sài gòn xưa có nhiều điểm học luyên thi, thi tú tài 1, 2. Đông học sinh lắm, nhưng đám học cọp cũng không ít, họ vào lớp, thấy bóng giám thị đến là dọt ra. Các thày biết ai học cọp cũng kệ, việc đó của thày giám thị.

Các hoạt động chính trị rất phong  phú, nhiều đảng phái, nhiều nhóm như nhóm Caraven, nhiều chính khách salon. Các cuộc biểu tình có lúc diễn ra như cơm bữa. Sinh viên, học sinh biểu tình xong quay về trường học, có sức lần sau đi nữa. Đậu học tiếp, rớt đi lính rán chịu, không ai cản trở tự do của họ.

Đám tang đi qua, xe cộ đều tránh, người đi đường ngả mũ, cúi đầu chào vĩnh biệt. Đó cũng đánh giá được trình độ văn hóa của người Sàigòn.

Luật pháp và chính phủ còn một số bất cập, nhưng được đánh giá là cố gắng đem lại một nền dân chủ pháp quyền cho dân và cố gắng làm cho đời sống người dân khá hơn. Cảnh sát dù không được dân ưa, nhưng không đến nỗi bị khinh ghét.

Thời Bí thư Thăng

Sài Gòn nay

Trong Cổ Học Tinh Hoa, Nguyễn Văn Ngọc kể chuyện  một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Khổng Tử bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."

Khổng Tử hỏi: "Cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc?"

Người đàn bà nói: "Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa."

Ông bí thư Thăng hai lần ngỏ ý muốn lấy lại vị trí và danh tiếng Hòn Ngọc Viễn Đông cho Sàigòn, nhưng dứt khoát, với người Sàigòn, còn đâu người xưa, tình cũ. Còn đâu hòn ngọc của họ, trừ phi họ tìm lại được.

Xem lời bàn của Nguyễn Văn Ngọc:

"Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của no mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa..."

TB : Cám ơn những tác giả tuyệt vời đã viết dùm tôi một thời đã qua.
Cho tôi được chép lại trong blog của mình với tất cả niềm thương và nỗi nhớ.
Nhiều lần tôi đã khóc và luôn muốn khóc mỗi lần chợt so sánh : ngày xưa và hiện tại.
Saigon của tôi ngày xưa đâu mất rồi ?
Saigon ơi ! Saigon ơi !