Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Không bao giờ ở một mình

Một thiếu nhi thuộc bộ tộc thổ dân Cherokee ở Châu Mỹ vừa bước vào tuổi thiếu niên, cha của em đưa em vào rừng, lấy khăn bịt mắt em lại và bỏ đi, để em một mình.  Em buộc phải ngồi trên một thân cây cả đêm và không được lấy khăn bịt mắt ra cho đến khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện vào sáng hôm sau.  Em không được nhờ ai giúp mình.  Nếu em sống sót qua đêm đó, em sẽ được coi là khôn lớn.

Em không được nói cho các thiếu nhi khác biết về kinh nghiệm này, vì mỗi thiếu nhi đều phải bước vào tuổi thiếu niên theo cùng một cách như thế.

Tất nhiên là em rất sợ: em nghe đủ thứ tiếng động: chó sói hú, thú hoang rảo quanh tìm mồi, cũng có thể có người nào đang muốn hại em.  Em nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió rít qua cành cây, và em phải kiên cường ngồi trên thân cây, không được tháo khăn bịt mắt ra.  Vì đối với em, đây là cách duy nhất để em trở nên người lớn khôn.

Cuối cùng, sau đêm dài khủng khiếp ấy, mặt trời ló dạng, em đã có thể bỏ khăn bịt mắt ra.  Chính lúc đó em mới khám phá ra… cha em đang ngồi ngay bên cạnh em.  Cha em không hề bỏ đi, cha em đã im lặng canh chừng cả đêm, cùng ngồi trên thân cây đó với em, sẵn sàng che chở em khỏi mọi nguy hiểm, và dĩ nhiên ông đã không để cho em biết có ông luôn âm thầm ở bên em. 

Cũng thế, chúng ta không bao giờ ở một mình.  Dù chúng ta không thấy được Thiên Chúa giữa những tăm tối, thách đố, hiểm nguy của cuộc đời, nhưng Cha trên Trời luôn ở bên cạnh chúng ta, ngồi trên cùng một cảnh ngộ với chúng ta, để canh chừng gìn giữ chúng ta.

Khi khó khăn và tăm tối xảy đến, điều duy nhất chúng ta cần làm là tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha yêu thương.  Rồi một ngày, bình minh sẽ ló dạng và chúng ta sẽ thấy Người ngay bên cạnh chúng ta.

(Khuyết Danh)

****************************************************
“Lạy Chúa,
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Ðôi lần đến với con trong cuộc đời.

Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình:
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.

Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,

Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Ðau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.

Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Ði tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.


Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Ðể chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Ðấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.

Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.”

“Phút Cô Ðơn”, của Ludovic Giraud,
(trích trong sách “Lời Kinh Ðẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”)
(Nhận được từ Langthangchieutim)

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Thầy Giêsu và tôi


Tôi nổi giận thì Thầy lại bảo: Hãy nhịn nhục và thứ tha.
Tôi run sợ thì Thầy lại bảo: Hãy can đảm.
Tôi hoài nghi thì Thầy lại bảo: Hãy tín thác.
Tôi bồn chồn không ngơi thì Thầy lại bảo:
Hãy tĩnh lặng đi.
Tôi thích đi con đường riêng mình thì Thầy lại bảo:
Hãy theo Ta.
Tôi muốn lập kế hoạch riêng cho mình thì Thầy lại bảo:
Hãy quên đi.
Tôi nhắm tìm của cải vật chất thì Thầy lại bảo:
Hãy bỏ lại đằng sau.
Tôi muốn được bảo đảm ở đời này thì Thầy bảo:
Phần Ta, Ta chẳng hứa hẹn gì đâu.
Tôi thích sống cuộc đời riêng của mình thì Thầy bảo: Hãy từ bỏ chính mình đi.
Tôi nghĩ rằng mình tốt lành thì Thầy bảo: Tốt lành thôi thì chưa đủ đâu con.
Tôi thích làm ông chủ thì Thầy bảo: Hãy quỳ xuống mà phục vụ lẫn nhau.
Tôi muốn ra lệnh cho người khác thì Thầy bảo: Thôi, hãy vâng lời đi.
Tôi đi kiếm tìm tri thức thì Thầy bảo: Hãy tin.
Tôi thích sự rõ ràng thì Thầy lại dạy tôi bằng ngụ ngôn.
Tôi thích thi ca mơ mộng thì Thầy lại nói toàn chuyện hiện thực.
Tôi yêu sự yên tĩnh của mình thì Thầy lại muốn tôi bị quấy rầy.
Tôi thích bạo lực thì Thầy lại bảo: Bình an ở cùng các con.
Tôi rút gươm ra thì Thầy bảo: Vứt nó ngay lập tức.
Tôi nghĩ chuyện trả thù thì Thầy bảo: Đưa má bên kia cho người ta đánh luôn đi con.
Tôi nói về một trật tự thì Thầy bảo: Ta đến đem gươm giáo.
Tôi căm ghét thì Thầy bảo: Thôi, hãy yêu thương cả kẻ thù nhé.
Tôi muốn gieo sự hòa hợp thì Thầy nói: Ta đem lửa xuống thế gian.
Tôi muốn làm người lớn thì Thầy nói: Hãy trở nên trẻ nhỏ.
Tôi muốn ẩn thân, Thầy bảo: Ánh sáng thì phải chiếu rọi.
Tôi đi tìm chỗ nhất trong hội đường, Thầy lại bảo: Xuống chỗ chót hết mà ngồi.
Tôi thích được quan tâm, Thầy nói: Đóng cửa lại mà cầu nguyện.
Không, tôi không thể hiểu nổi ông Thầy Giêsu này,
Ông khiêu khích tôi, ông làm tôi bối rối.
Cũng giống như nhiều học trò khác, tôi rất muốn đi theo Thầy Giêsu này,
Thế nhưng, khổ quá, chắc là phải đi tìm ông thầy khác thì sẽ khá hơn,
Ít đòi hỏi hơn và lại có nhiều quyền lợi hơn.
Nhưng cuối cùng, tôi đã cảm nhận như anh trưởng Phêrô đã thốt lên:
"Tôi không biết ai khác lại có được Lời ban Sự Sống đời đời như Thầy Giêsu của tôi."  Amen.

Khuyết danh,
Theo Ephata

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

1 giọt máu đào

100 ngày sau hôm dì Lý mất.
Nhà dì cách Saigon 92km. Đây là lần thứ ba tôi đến nhà dì, lần đầu tôi đi với con trai, hai lần sau Lê chở.
Ngày xưa thời con gái dì đẹp lắm, nhưng hồng nhan thì  bạc phận, lỗi không phải do dì, mà ở người chồng đã có vợ rồi vẫn quyết tâm cưới dì làm vợ bằng đủ cách. Dì không nhẹ lòng, không dễ tin người, có ba má chồng đến hỏi cưới, ai ngờ là ba má giả. Khi biết ra thì cũng đã xong mọi việc, có chồng cũng như không...!

Má của dì là em ruột của ông ngoại tôi, tôi gọi má dì là bà cô.
Má tôi kể bà ngoại tôi và bà cô giống nhau như hệt, chưa có cặp chị dâu em chồng nào giống nhau chừng ấy, giống cái nết hiền lành, hiền lành lắm, thậm chí có lúc bị chửi oan vẫn không lên tiếng.
Dì đau cũng mấy năm rồi, ngồi xe lăn dì hay tủi thân, hay khóc. Lúc dì đau tôi đến thăm, trước mặt tôi đâu còn hình ảnh người thiếu nữ một thời xuân sắc mà là một bà già chưa đến nỗi hom hem nhưng trông tiều tụy, buồn bã. Ra đi như thế nhẹ cho dì.

Trên đường đi, Lê chở tôi ghé nơi thằng Nghiệp, bạn nó bị chết đuối, sát bên ngoài khu du lịch Bọ Cạp Vàng.
Chúa ơi ! Chúa hỡi ! mặt nước còn yên lặng hơn cả mặt hồ, hai bờ cách nhau chưa đầy ba mươi mét vậy mà con chết đuối được sao con ? Tất cả rồi vào quên lãng nhưng với gia đình nó, nỗi đau này chừng nào mới nguôi ngoai ?

Bữa ăn trưa nay giỗ 100 ngày dì mất, cũng là tiệc chia tay của Hạnh, con dì trước khi cháu sang Mỹ, Hạnh cao ráo, đẹp người y như mẹ nó ngày xưa.
Tôi gặp lại các cậu, các dì mà lâu lắm rồi cuộc sống cứ bận rộn cuốn trôi tình thân họ hàng dạt vào quên lãng. Cậu Quí, cậu Hiệp, dì Lan, dì Thông, dì Hương, dì Út.
Thấy tôi đến, cậu Quí đứng ngay lên hỏi : có nhớ ai đây không ?
Thiệt là tệ, bình thường trí nhớ tôi rất tốt, vậy mà lúc này nó đi đâu mất, nghĩ mãi vẫn không thể nào nhớ nổi tên cậu nhưng cái kỷ niệm lúc nhỏ cậu lên nhà tôi chơi, đi nhà thờ rồi cặp bè uýnh lộn thì tôi chẳng thể nào quên được. Tôi nhắc lại kỷ niệm ấy làm cậu và mấy dì ai cũng cười vui.
Dì Lan hơn sáu mươi mà trông trẻ đẹp hơn tuổi. Ngày xưa chồng dì thuộc dạng đẹp trai, tài giỏi, chỉ tiếc dượng bị tai nạn giao thông, ra đi quá sớm để lại cho dì một nách năm đứa con thơ dại, dì vất vả chèo chống nuôi con một mình, mừng cho các con dì hôm nay đều làm ăn khấm khá.
Dì Thông đi kinh tế mới ở gần thác Trị An,  vợ chồng dì đi làm rẫy, hai thằng con trai ở nhà rủ nhau đi tắm rồi bị dòng nước cuốn trôi không tìm thấy xác đứa nào. Nỗi đau mất con ngày nào giờ cũng lắng dịu, chứ lúc đó dì như người điên dại.

Ai ai cũng ở bên kia sườn dốc cuộc đời nên gặp nhau được lúc nào là trân trọng, là quí lắm...

Điện thoại cho qua, cho lại, các cậu, các dì và cháu hẹn gặp lại nhau.
Một ngày gần đây thôi, tôi sẽ đi Tam Hiệp và Biên Hòa, chắc chắn là như thế !

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Truyền giáo bằng cách sống

   Cách chung con người ngày hôm nay thường nóng vội, hấp tấp, làm đại.  Nghịch lý ở chỗ thích hoành tránh nhưng lại đòi phải nhanh, phải gọn.  Họ chỉ thích làm những chuyện lớn mà bỏ qua chuyện nhỏ.  Họ luôn xem việc nhỏ là tầm thường mà quên rằng việc lớn là do tích tiểu thành đại.  Không kiên nhẫn trong việc nhỏ thế nên, họ cũng bỏ lỡ cơ hội làm những chuyện lớn lao.

 

Điển hình là xã hội hôm nay không có những công trình thế kỷ mà chỉ có những kiến thiết hợp thời, model nhưng mau qua.  Về sự học dường như học sinh không thể ngồi yên để thuộc một câu thơ hay một bài lịch sử mà chỉ học trên net, trên Iphone…

 

Người ta kể rằng: Thời Đông hán có một thiếu niên tên Trần Phiên.  Hắn cho mình bất phàm nên chỉ làm chuyện lớn mà thôi.  Một hôm người bạn tới thăm thấy nhà hắn bẩn thỉu liền nói:  Nho tử sao không quét nhà để tiếp đón khách?

 

Trần Phiên trả lời: Đại trượng phu xử thế.  Nên quét thiên hạ sao lo một nhà?

Người bạn đáp lại: Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ.


Trần Phiên ngộ ra không nói được lời nào.

 

Xem ra muốn xây dựng giang sơn thì phải xây dựng từ gia đình mình.  Muốn làm những điều cống hiến cho đời thì phải rèn luyện mình thành người tốt.  Phải khởi đi từ việc nhỏ mới mong làm chuyện đại sự to tát hơn.  Muốn canh tân xã hội phải có một kế sách lâu dài và phải khởi đi từ những việc nhỏ nhất mới mong thành đại sự.

 

Phải chăng Giáo hội hôm nay cũng bị cuốn vào trào lưu thích hoành tráng, rầm rộ?  Thích phô trương đánh trống hơn là sống đạo mến yêu?   Các lễ nghi, lễ hội thật nhiều nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ra đi đến với người nghèo, người già yếu, bệnh tật…?

 

 Giáo hội luôn nói mình có sứ mạng truyền giáo và mời gọi các tín hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo, nhưng xem ra chẳng có kết quả, bởi vì ai cũng muốn làm việc lớn nhưng những việc bình thường là canh tân đời sống bản thân, là sống công bình bác ái, là phục vụ yêu thương khởi đi từ gia đình lại bị xem thường.

 

Thực vậy, làm sao có thể truyền giáo khi chưa tề gia để mang lại cho gia đạo êm ấm thuận hòa?

 

Làm sao có thể truyền giáo khi bản thân còn nhiều tính hư nết xấu, đôi khi còn trở thành gương mù gương xấu cho tha nhân?

 

Truyền giáo không phải là một lễ hội để đánh trống khua chiêng.  Truyền giáo là đem đạo vào đời qua muôn nẻo đường trần thế.  Thế nên, truyền giáo đòi hỏi từng người phải biết sống trở thành nhân chứng cho Chúa, phải mang tin mừng thẩm thấu vào trong trái tim và trao tặng cho anh em, cho bạn bè.  Truyền giáo phải như chút muối làm cho thế gian nồng thắm tin mừng.  Truyền giáo phải như chút men làm cho Tin mừng hòa vào thế gian.

 

Trong bài hát “Một chút” thôi của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống dường như cũng nói những điều thật đơn giản ấy.

 

Một chút những viên đá nhỏ hợƿ thành ngọn núi lớn
Một chút những bước chân đi xɑ về muôn lối
Một chút những ƿhút ủi ɑn dịu xoɑ ngàn nỗi sầu
Ϲhỉ một chút ƙhởi đầu tương lɑi sẽ đẹƿ màu
ĐK - Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi
Ɲhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới
Một chút trong đời trở thành một chút thật tuуệt vời.
Ϲhắt chiu từng chút ấу cho đời nàу thêm sáng tươi.

 

Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, ước gì chúng ta hãy từng chút một chắt chiu những việc làm tốt để sáng danh Chúa, có như vậy chúng ta mới gom thành một làn sóng yêu thương mang tin mừng lan tỏa khắp nơi.  Xin Chúa giúp chúng ta biết truyền giáo khởi đi từ việc nhỏ nhất trong đời thường bằng việc nêu gương sáng cho tha nhân trong bổn phận và trong việc bác ái dấn thân xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

 
LM Jos Tạ Duy Tuyền
(Nhận được từ Langthangchieutim)

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Nói lời yêu thương

Lúc này tôi cũng hay nghe thuyết pháp của thầy Thích Phước Tiến, mùa Vu Lan năm nay tôi học được đề tài : " Hãy Nói Lời Yêu Thương " của thầy, rất đơn giản trong cuộc sống thường ngày mà đôi khi tôi không biết để trôi đi, thật đáng tiếc !!! nhưng biết muộn còn hơn không biết, gửi những tâm tình chia sẻ với bạn bè và con cháu, để đóng góp cho cuộc sống thêm hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.Dù chẳng bao giờ thốt ra câu : " tôi yêu em, tôi yêu bạn, con yêu ba mẹ, I LOVE YOU. "
Nhưng chỉ cần một lời hỏi thăm, hoặc một cử chỉ lo lắng chăm sóc cho cha mẹ, nấu một món ăn ngon cho ba mẹ, thăm viếng, hỏi han khi các ngài đau yếu, mua cho con cái bánh mà con thích, pha cho chồng con một ly nước lúc đang mệt sau khi làm việc, mua cho con, cho cháu một món đồ chơi mà trẻ ước mơ, mua cho mẹ, cho cha một món quà mà họ yêu thích. Chỉ thế thôi, chẳng hề có câu nào nói là tôi yêu họ nhưng  các việc làm trên đã thể hiện cả một trời yêu thương, quan tâm và chăm sóc người thân với cả tấm lòng, đó chính là LỜI YÊU THƯƠNG MÌNH ĐÃ NÓI TỪ ĐÁY LÒNG.
Với những quan tâm và thể hiện như vậy thì ngày nào cũng là ngày Sinh Nhật ta đã tặng cho nhau những lời yêu thương vô giá mà chúng ta trao cho nhau bằng ánh mắt và nụ cười.

Giúp đỡ cũng là thể hiện tình yêu thương như trường hợp người ấy chẳng hề xin mà ta vẫn giúp, hoặc có khi  biết chúng ta tốt họ hay vòi vĩnh nhờ vả làm ta phiền lòng, dù không tự nguyện, chỉ vì ép buộc ta phải giúp, hành động đó chính là lời nói yêu thương. Lời nói yêu thương có thể làm thay đổi một con người, một tù nhân sẽ thay đổi suy nghĩ, sống thật tốt khi được Đức Giáo Hoàng thăm viếng, quan tâm đến họ là xoa dịu các nỗi khó khăn họ đang gặp phải mà chúng ta không ở vị trí đó, không  thể hiểu và cảm thông, lời nói yêu thương rất cần thiết, có thể cứu vãn được ai đó, lời nói lúc nóng giận, phỉ báng có thể làm hỏng cả một cuộc đời của người khác, làm tổn thương nhau khi ta trút ra lúc nóng giận.
Thông điệp của thầy Thích Phước Tiến, mong ước chúng ta biết nói lời yêu thương an ủi nhau qua hành động săn sóc, hỏi thăm, giúp đỡ nhau khi người thân mình gặp khó khăn, hoạn nạn, chúng ta không làm ngơ, không dửng dựng khi chung một mái nhà, lời yêu thương thể hiện qua hành động, dù chỉ là một lời thăm hỏi, một lời khuyên hay một ly nước lạnh với tất cả tình thương và tấm lòng thì đó chính là LỜI NÓI YÊU THƯƠNG TUYỆT VỜI mà chúng ta dành cho nhau.

(Chị PK)

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Chúa sai tôi đi

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ.  Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được?  Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất.  Thiếu phương tiện không có thể làm gì được.  Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường.  Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng.  Đó là thành phần ưu tuyển.  Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ.  Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng.  Đó là một đám đông không xác định.  Đó là tất cả mọi người giáo dân.  Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

- Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng.  Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa.  Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa.  Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa.  Ta phải mau mắn để khỏi lỡ mất cơ hội.

- Thứ đến ta phải cầu nguyện.  Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước.  Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo.  Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa.  Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban.  Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa.  Ta hãy noi gương Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.  Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín.  Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

- Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo.  Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình.  Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất.  Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

- Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người.  Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh.  Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh.  Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân.  Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo.  Mọi người đều có thể cầu nguyện.  Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa.  Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

**************************************
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vui mừng thấy triều đại Chúa mở mang thịnh trị.  
Vẫn còn thiếu mặt nhiều thực khách nơi bàn tiệc thánh trong phòng Tiệc ly, dưới ánh sáng hoàng hôn ngày thứ năm Tuần thánh, mà Lời Chúa hôm đó mời chúng con đến dự.  
Ngày mà nước Trung Hoa sẽ gia nhập đại gia đình Kitô hữu, để chung tiếng hát ca: 
“Hãy nâng tâm hồn lên.”  
 Ngày mà cả nước Ấn độ sẽ hát kinh Tiền tụng.  
Ngày mà toàn cõi Châu Phi, trong đôi bàn tay đen, sẽ dâng hiến Bánh thánh tinh truyền.  Ngày mà dân Chúa không còn nạn lạc đạo ly khai, sẽ quy tụ trong một cuộc dâng lễ vĩ đại, đặt tâm hồn muôn vật hữu hình trên đĩa vàng tiếng dâng Chúa.  
Ngày đó công cuộc Cứu độ của Chúa sẽ hiển hiện với đầy đủ sắc vẻ huy hoàng.  
Lạy Chúa của con, Chúa đã dạy chúng con phải thương yêu anh em đồng loại, hôm nay Chúa cho chúng con nhận biết toàn thể loài người là anh em thật sự của chúng con.  
Xin Chúa cho chúng con biết yêu mến nhân loại ruột thịt của chúng con, cách thành thật, tận tình.
(Nhận được từ Langthangchieutim)

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

Khóc một mình

Người con gái chải mái tóc vừa chấm vai, chuốt nhẹ hàng lông mi đen sẫm trước khi ra khỏi phòng. Trời nắng tràn đầy, người con gái bước ra đường nhoẻn miệng cười, một nụ cười cũng chưa bao giờ thiếu niềm vui. Nụ cười rất thật hằn lên mắt bằng những tia nhìn trong trẻo.

Chỉ có vệt thâm được phủ bằng lớp màu da biết một bí mật giấu trong nụ cười người con gái.
Người con gái ấy, đêm qua, đã khóc 1 mình.

-|-

Người con gái tai nhét headphone, vai đeo balô, chân giày sandal, quần jean, áo pull tóc cột cao, bước theo nhịp bài “fly me to the polaris” khi trời lất phất những giọt mưa cuối thu lạnh buốt đôi tay. Khách bộ hành nhìn người con gái như sắc vàng trong chuỗi cầu vồng ùa về khi mưa tạnh, lòng cũng ngân lên một nốt vút cao nồng ấm.

Vậy mà cái vẻ trẻ con hạnh phúc ấy vẫn không đánh lừa được những giọt nước của trời. Nước của trời không mặn, chỉ có nước chảy ra từ đôi mắt mới đủ làm đôi môi chợt run bần bật.
Người con gái ấy, trong mưa, đã khóc 1 mình.

-|-

Người con gái mái tóc dài buông xoã, trên đầu chỉ điểm một chiếc kẹp mái màu đen mộc mạc nằm lẫn màu tóc. Chân đi giày cao gót, chiếc váy hoa dài chấm gối bay nhè nhẹ trong làn gió mùa thu. Người con gái bước qua những con đường một cách thờ ơ, lạnh lùng và cao ngạo như một nữ hoàng. Cái vẻ dịu dàng trên khuôn mặt vẫn không che nổi đôi mắt màu đen tuyền không cảm xúc.

Người con gái gặp một người con gái khác đang oà khóc nức nở giữa đám đông. Người đi qua nối tiếp người ngược về . Chỉ có người con gái đứng nhìn, và hỏi 1 câu thật nhạt nhẽo với người con trai duy nhất ở cạnh người con gái đang khóc: “Cô ấy có sao không?” “Cảm ơn. Tôi nghĩ là sẽ ổn cả thôi. Tôi sẽ lo cho cô ấy.” Người con gái từ biệt rồi quay lưng bước đi. Sẽ chẳng có gì vô duyên hơn nếu tiếp tục ở lại.
Người con gái ấy, bước đi…
Trong tim, người con gái ấy đã khóc 1 mình.

P.S: Tặng những người con gái khóc-1-mình.
P/S: Đừng hỏi tại sao người con gái khóc 1 mình, hãy hỏi tại sao người con gái PHẢI khóc 1 mình =)?


Nguyễn thành Lê

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Đức Phật mến yêu

 Con xin được mượn tựa đề bài viết của cha Piô Ngô Phúc Hậu 
trong cuốn Nhật Ký truyền giáo.
Cảm ơn Cha.

Tôi và em cùng đến chia buồn với đám tang hàng xóm. Người chết theo đạo Phật, nhưng em chỉ thắp một cây nhang cho người đã khuất. Bàn thờ Phật bên cạnh không có nén hương của em. Em ở xóm đó lâu hơn tôi, rất lâu nên tôi không muốn khác làm gì, đành theo em vậy, theo mà cứ thấy lòng gợn những lăn tăn...
- Sao lại không thắp hương cho Phật ? Tôi hỏi .
- CV dạy như vậy là không đúng với đức tin.

Không biết lời em truyền đạt lại cho tôi có đúng 100% như CV nói không nhỉ ?
Tôi mong nó chỉ mấy chục % thôi và tôi nghĩ như thế này nè em :

1. Người nằm trong quan tài là một người bình thường, có hai vợ, đời sống không có gì nổi bật, thiện ác trong tâm mình không rõ.
- Đức Phật cũng là con người nhưng đạo hạnh của Phật thì không ai sánh bằng. Ngài là một hoàng tử cao sang quyền quí, vợ của hoàng tử chắc chắn là đẹp người, đẹp nết, con của hoàng tử chắc chắn phải sáng sủa khôi ngô. Vậy mà Ngài đã bỏ tất cả giàu sang phú quí, bỏ tột đỉnh vinh quang, bỏ hạnh phúc gia đình để vào rừng khổ tu. Tôi thầm so sánh Ngài ngang tầm thánh Phanxico thành Assisi hoặc hơn thế nữa...
Chỉ thắp nhang cho người đã khuất là ta đối xử quá sức thiên vị với đức Phật rồi.

2. Em theo đạo Chúa, chung quanh em, môi trường em làm việc cũng đa số là người theo đạo Chúa, em có thể hành động như lời CV.
- Còn tôi thì khác, bạn tôi trong suốt mấy chục năm dài làm việc phần lớn theo đạo Phật, tôi hòa mình với các bạn, đi tham quan vui chơi, nếu vào chùa tôi sẵn sàng cúi mình thắp nhang cho Phật. Vì vậy các bạn (bốn người) cũng sẵn lòng đi hành hương Đức Mẹ La Vang với tôi chín ngày trời, cũng 5giờ sáng dậy đi lễ, cũng dự giờ kinh tối, cũng canh thức ban đêm, cũng tham gia rước kiệu, một tay cầm nến, một tay cầm hoa huệ, cũng hát thánh ca, cũng thuộc lòng kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, cũng ngồi thinh lặng tâm sự và cầu xin trước Mẹ. Và trong chuỗi chín ngày hành trình tại La Vang này đức Mẹ đã gởi một niềm vui tinh thần để tất cả các bạn ngoại giáo lúc nào cũng vui tươi, náo nức trong những giờ dự thánh lễ và kinh nguyện (có dịp tôi sẽ kể chuyện về chuyến đi này).

Có bạn nghe tôi nói về Lòng Thương xót của Chúa đã về thưa chuyện với gia đình và vài ngày sau đó em bạn đã thức dậy từ năm giờ sáng, xếp hàng chờ đợi để đúng giờ ngọ ban trưa (mười hai giờ) mới được vào nhà thờ Chí Hoà tham dự thánh lễ. Bạn nói với tôi : Chúa linh quá chị ơi ! gia đình em được ơn rồi.
Em ơi ! so với cái cúi mình trước Phật khi vào chùa, với những gì các bạn tôi thực hiện, tôi thấy mình không hề bị lỗ mà còn lời chán !

3. Gia đình chồng tôi đạo Phật, khi lập gia đình với tôi, anh đã đồng ý theo đạo Chúa. Gần ba mươi năm chưa bao giờ anh bỏ lễ ngày Chúa nhật trừ những khi chẳng thể đặng đừng. Những lúc khó khăn, bệnh tật anh cầu nguyện rất thành tâm và Chúa đã tỏ cho anh biết sự hiện diện và uy quyền của Người như thế nào. Bố chồng chết, rước sư thầy đến, tôi cùng quì với gia đình nhất bái, nhị bái, tam bái trước vong linh bố và bàn thờ Phật. Tôi rất thành tâm vì lòng hiếu thảo. Nếu là tôi, em có thể làm khác được sao ?  

Báo Công giáo và Dân tộc số 2024 tuần lễ từ 18/9 - 24/9/2015, ĐGM Bùi Tuần có viết bài "Nguy cơ cực đoan đang đến gần" trong đó có một đoạn mà tôi rất thích :
Một trong những điều tôi lo cho tôi và Hội thánh tại Việt Nam của tôi là đừng bao giờ cũng trở thành cực đoan, coi cực đoan là một cách bảo vệ đạo và truyền bá đạo.

Tôi không muốn, phải nói đúng hơn là tôi chưa muốn tranh luận với em.  Trong đó có phần là do e ngại, ngại vì sợ đến tai CV, ngại vì em sẽ cho tôi là đi lạc đường...sao tôi sợ nhiều thứ vậy nhỉ ? 

Viếng đám tang, ai ai cũng đều thắp nhang hai bàn thờ : bàn thờ Phật và bàn thờ người vừa khuất.
Người nào theo đạo Chúa thì không thắp nhang bàn thờ Phật sao ?
Đối với tôi, Chúa là trên hết, nhưng tôi còn ngưỡng mộ đức hạnh của Phật nữa.
Đối với tôi, Phật là một vị Thánh lớn.
Vì vậy, khi có thể, tôi vẫn muốn thắp cho Ngài một nén hương.
Nén hương cho ai không quan trọng, điều quan trọng là đừng suy nghĩ cực đoan.
Nhưng trong ý nghĩ của nhiều người, tôi có lạc đường không nhỉ ???

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Sự lựa chọn khôn ngoan

Một đám cưới sang trọng tiêu tốn hết ba triệu rưỡi đô la để chỉ tồn tại không quá 15 năm là đám cưới của công nương Diana và hoàng tử Charles.  Một chiếc nhẫn trị giá đến 205 ngàn đô la để chỉ ngự trị trên bàn tay quí phái của Diana không quá năm tiếng đồng hồ là chiếc nhẫn mà nhà triệu phú Dodi Fayer đã tặng cho công nương trong đêm định mệnh.  Tai nạn bất ngờ xảy ra.  Diana đi về thế giới bên kia.  Không mang theo được đồng đô la nào.  Chiếc nhẫn kim cương đắt giá cũng được tháo ra trao lại cho gia đình Spencer.
Nằm trong quan tài, Diana với đôi tay không nhẫn cưới và cũng chẳng có nhẫn kim cương.  Điều kỳ lạ là trên đôi tay ấy người ta có thấy một cỗ tràng hạt do Mẹ Têrêsa trao tặng trong một lần tiếp xúc. Phải chăng:
Kiếp ngắn dài, một mộ bia
Xoay vần cát bụi ngày lìa dương gian
Dừng chân đếm túi hành trang
Những gì còn lại, chuỗi vàng lời kinh?
(Lm. Trần Cao Tường)

Phải chăng những người có trách nhiệm sau cùng trên thi hài của công nương đã muốn nói với mọi người: tiền bạc, kim cương, danh dự, vật chất, sang giàu, thế gian… không phải là hành trang cho một cuộc sống hạnh phúc đời đời, nhưng là những mầm sống yêu thương và những giá trị thiêng liêng mà Mẹ Têrêsa, qua bộ tràng hạt, đã trao lại cho Diana và thế giới như một lời nhắn nhủ?

Hạnh phúc sung mãn và trường tồn không thể tìm thấy trong sự sang giàu của thế gian.  Thánh kinh đã khẳng định điều đó.  Cả ba Phúc âm Nhất lãm đều ghi nhận: một ngày kia khi Chúa Giêsu đang trên đường đi về Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn hầu mang lại ơn cứu độ và hạnh phúc cho muôn người, thì một chàng thanh niên giàu có “chạy” đến.  Anh ta quì xuống trước mặt Đức Giêsu và thưa: “Lạy thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp.”  Chắc hẳn câu hỏi của anh thanh niên đã làm bối rối và sửng sốt cho không ít người: cứ tưởng “có tiền mua tiên cũng được,” đàng này trong con người còn có một thứ mắc hơn tiên đến nỗi có tiền chưa chắc đã mua được.  Đấy chính là một khát vọng vô biên.

Vì là khát vọng vô biên nên chắc chắn không một thực tại hữu biên nào trên thế gian này có thể lấp đầy.  Dù đó là xác thịt, kiến thức, giàu sang hay bất cứ thứ gì… ngoại trừ Thiên Chúa.  Chỉ có Thiên Chúa, Đấng Vô Biên, mới có thể thoả mãn cái khát vọng vô biên nơi lòng con người.  Chính Thánh Augustinô, sau khi trải qua biết bao kinh nghiệm tìm kiếm đối tượng cho khát vọng vô biên nơi lòng mình, đã thốt lên:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Trước những trăn trở không câu trả lời, người thanh niên giàu có thấy được Đức Giêsu như một cứu cánh.  Anh đã “chạy” đến với Ngài.  Chạy là thái độ của khao khát, nôn nóng kiếm tìm chân lý, trái nghịch với thái độ thẫn thờ, bàng quang, chẳng thiết tha.

Trước tâm tình và ước nguyện của chàng thanh niên, Đức Giêsu đã làm một cuộc phỏng vấn liên quan đến các giới răn: ngươi không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không làm chứng gian, không…. Và người đó đáp lại: “Thưa Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở còn thơ.”  Nghe thế Đức Giêsu bảo anh ta: “Ngươi còn thiếu một điều.  Có gì thì hãy đem bán mà cho kẻ nghèo.  Đoạn hãy đến theo Ta” (Mc 10:21).

Thật kỳ lạ! Sống không giết người, không trộm cắp, không ngoại tình, không bất công, không gian dối, ấy thế mà Chúa Giêsu còn bảo là chưa đủ.  Chàng thanh niên giữ các giới răn khá là trọn vẹn mà còn bị cho là thiếu.  Không biết đời tôi từng phạm điều này, lỗi nghịch điều kia, chắc là còn thiếu nhiều lắm!

Thế nên không thể cho rằng tôi sống đàng hoàng, không phạm 10 điều răn Đức Chúa Trời, chẳng để sót sáu điều răn Hội Thánh, tôi không làm hại ai, không gây tổn thương cho người nào là bảo đảm vào thiên đàng 100% rồi đâu.  Nếu chỉ không điều này, không điều kia mà đủ tiêu chuẩn để sống hạnh phúc đời đời thì cần gì theo Chúa.  Theo vô vi cũng được vậy.  Song người ta cần phải có.  Đó là có yêu thương, có quảng đại, có trao ban, có thứ tha, có cho đi chính mình như Đức Giêsu.

“Hãy đến mà theo Ta” cũng có nghĩa là bước theo Ngài trên nẻo đường dâng hiến đời mình cho sự sống tha nhân.  Và chỉ khi trao ban dâng hiến như thế con người mới tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc thật sự cho cuộc đời.

Nong nả đi tìm câu trả lời cho đâu là ý nghĩa của cuộc sống, ấy thế mà khi nhận được lời giải đáp, chàng thanh niên lại sa sầm nét mặt, bỏ đi buồn rầu.  Thánh kinh cho biết “vì anh ta có nhiều của” (Mc 10:22).

Bước theo Đức Giêsu đòi hỏi một thái độ vươn mình trên những gì là của cải vật chất.  Bởi vì “không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc nó sẽ ghét người này mà mến người kia, hoặc tha thiết với chủ này mà khinh màng chủ nọ.  Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.”  Ấy thế mà, nếu thành tâm xét lại, thì hình như trong đời tôi vẫn còn đó những khoảnh khắc vừa mang danh Kitô hữu lại vừa xem tiền bạc như lẽ sống.  Phải chăng vừa theo Chúa, tôi vừa tự biến mình làm “con vật kinh tế,” thậm chí có khi còn giành giật, lừa gạt, chà đạp, sát phạt kẻ khác… vì đồng tiền.

Bao lâu chỉ biết thu về mà không hề trao ban, người ta sẽ cứ mãi “sầm mặt xuống, buồn rầu.”  Khi nào biết san sẻ cho kẻ nghèo khó, người ta sẽ lớn lên trong tình yêu và tiếng cười.  Đã có một thời nhà tỉ phú George Soros than thở:  “Tôi không biết mình đang giàu hay đang nghèo; đang làm chủ số phận hay nô lệ cho thành công.  Bởi vì để thành công tôi phải làm việc như một con chó.  Để giàu có tôi phải chịu cảnh bất an liên tục.”  Nhưng rồi sau những công việc từ thiện bác ái, George đã tươi cười chia sẻ: “Chỉ từ khi biết yêu thương, đời tôi mới bắt đầu nếm được mùi hạnh phúc và sung túc thật sự.”

Cha Albert Marie thuộc dòng khổ tu Soligay ở Bỉ cũng có một kinh nghiệm tương tự.  Trước khi vào dòng, ngài từng là một chính khách triệu phú với danh xưng Van Cruyssen.  Trong đại chiến thế giới, ngài là một sĩ quan mang cấp bậc đại úy, với sáu huy chương và đệ nhất Bắc đẩu Bội tinh chói ngời trên ngực áo.  Nhưng giờ đây những huy chương và bội tinh ấy lại được đặt trước bàn thờ kính Trái Tim Chúa Giêsu trong tu viện.

Trong dịp ngài tuyên khấn, có rất nhiều vị dân biểu, chủ tịch và phó chủ tịch thượng viện, cũng như chủ tịch hiệp hội giới trẻ Công giáo Bỉ quốc đến tham dự.  Sau lễ nghi, vị tân khấn đã chia sẽ tâm tình với những người hiện diện: “Cha Albert Marie sung sướng và hạnh phúc hơn nhà triệu phú Van Cruyssen nhiều.”

Yêu thương và san sẻ cuộc đời cho kẻ khó nghèo chính là điều kiện tất yếu mà những ai muốn trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô đều phải thực thi.  Yêu thương san sẻ không hệ tại nơi tiền bạc của cải, song là ở tất cả những gì mình có.  Đức Giêsu đã bảo: “Hãy đi bán tất cả những gì ngươi có mà cho kẻ nghèo.” Người nghèo là người túng thiếu-không chỉ thiếu về của cải, nhưng còn có thể thiếu về giáo lý, kiến thức, sức lực, cảm thông, tha thứ, tiếng ca, nụ cười….

Vậy nếu trong gia đình, nơi giáo xứ, cộng đoàn, hay tại sở làm của tôi vẫn còn những người thiếu thốn như thế, liệu tôi có can đảm đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô- “Hãy cho, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời” - hay tôi sẽ cúi mặt, bỏ đi, buồn rầu.

Chọn lựa bước theo Đức Kitô là một chọn lựa quyết liệt và rướm máu.  Nhưng đó lại chính là một lựa chọn khôn ngoan và đáng giá vô cùng.

LM Phêrô Bùi Quang Tuấn
(Nhận được từ Langthangchieutim)