Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Đôi lời với Chúa...

Chúa ơi ! Chúa biết đó !
Từ nhỏ con đã là một con bé hay mơ mộng, thích đọc truyện, thích đọc sách. Bây giờ đến khi đã già rồi, con vẫn thế. Bao nhiêu là chuyện đời thường lan man cứ đan xen trong những giờ kinh, những giờ cầu nguyện, thân thưa với Chúa, con cứ phải thường xuyên lôi nó về và xin lỗi Chúa. Vậy nhưng hôm nay con sẽ cố gắng hết sức tập trung ý tưởng để viết cho Chúa đôi lời, con mong Chúa hãy lắng nghe con, Chúa nhé !

Chúa ơi ! Chúa biết đó !
Con không có nhiều con đỡ đầu, chỉ trừ các em dâu thôi, con sợ trách nhiệm. Mình sống chưa tốt thì làm gương cho ai, khuyên bảo được ai ? Lúc còn đi làm, con thân với Tiểu Song, Song bằng tuổi Chín, em gái con. Sau một lần đi lễ đêm Noel, Song nói với con là em muốn học đạo. Con dẫn em lên dòng Mân Côi gặp chị Lâm là chị giáo của con ngày xưa. Song thông minh, quyết tâm nên chị Lâm rất thích em. Con vẫn còn nhớ hôm trước khi rửa tội, con bảo Song :
- Nếu em thay đổi ý định vẫn còn kịp, bây giờ em độc thân, em tự do theo Chúa. Nhưng nếu sau này có chồng khác tôn giáo, nhiều chuyện phiền phức có thể xảy ra, Chị sợ...
Nhưng Song vẫn một lòng. 
Ngày Bích Du rửa tội
Nhiều năm sau, em lập gia đình, điều con lo lắng rồi cũng đến, chồng em không cùng tôn giáo, cũng không muốn con trai theo đạo mẹ. Vòng xoay cuộc sống chiếm quá nhiều thời gian, em không thường xuyên đến nhà thờ dù là ngày Chúa nhật. 
Chúa ơi ! Con đã chẳng sinh lợi được nén bạc Chúa trao.

Chúa ơi ! 
Ngoài Tiểu Song, con chỉ còn Bích Du. Ba mẹ Bích Du và con là những người bạn lối xóm từ ngày chúng con mới vừa mười tám, đôi mươi. Hai bạn đã ở đây từ lâu, con chỉ mới dọn nhà về nhưng chúng con chơi với nhau thật dễ thương. Ngày Du chào đời, lần đầu tiên con hạnh phúc được làm mẹ đỡ đầu. Chưa biết sợ trách nhiệm nên con nhận lời vui vẻ lắm. Bích Du ngoan ngoãn, hiền lành, thông minh, học giỏi và hiếu thảo. Cháu khiêm tốn, đơn giản và bình dị với tất cả mọi người nên ai ai cũng mến. Tốt nghiệp đại học, cháu may mắn có một công việc tốt, thu nhập tốt.
Con mừng cho cháu...
Vậy mà chỉ một lần động kinh thôi, đến bệnh viện khám thì phát hiện ra khối u trong não.
Phác đồ điều trị đã có, cháu tuân thủ triệt để, sức khỏe khá hơn và cháu đã đi làm trở lại.
Con vui vì mọi việc tưởng đã ổn.
Nhưng không phải thế !
Sau thời gian dài nằm bệnh viện, trải qua phẫu thuật sọ, giờ con của con nằm đó, bất động, tê liệt tứ chi, hai tay co quắp, mắt cháu mở to nhưng không còn nhìn thấy, tai cháu không còn nghe những tiếng động chung quanh. Khi còn nói được, lúc tỉnh, lúc mê sảng, cháu đã kêu lên những lời thật tha thiết như lời của Chúa trên thánh giá ngày xưa :
- Chúa ơi ! Con hiền lành lắm, con đâu có làm gì nên tội mà giờ này Chúa bắt con phải như thế này, con không cam tâm !
- Chúa ơi ! Chúa mang con về với Chúa đi ! Con chỉ muốn về với Chúa thôi !
- Con muốn đi lễ ! Làm Kitô hữu mà không đến nhà thờ thì làm sao là Kitô hữu !
- Mẹ ơi ! Mẹ đừng bỏ con !
- Vú ơi ! Sao không thấy vú đến thăm con !
- Nằm như thế này thì sống làm gì ?
- Ba mẹ ơi, cứu con ! Bác sĩ ơi, cứu con !
Lẫn trong những than thở đắng lòng là Lời kinh Kính mừng, lời kinh Lòng Chúa thương xót rời rạc, đứt quãng từ môi miệng con của con trên giường bệnh làm nước mắt con rơi, cổ họng con nghẹn lại. Chúa ơi ! Con cầu xin Người, xin hãy thương xót con của con theo cách của Người như ngày xưa Chúa đã cảm động trước tiếng khóc thương của bà góa thành Naim.

Bạn con chăm con miết giờ còn giỏi hơn hộ lý, y tá, bác sĩ.

Bạn nuốt nước mắt vào trong để chăm con một cách tốt nhất.
Bạn nói : Người ta chăm con, hi vọng thấy con mỗi ngày tốt hơn. Còn mình chăm con để thấy con mỗi ngày một lụi tàn như tim đèn leo lét.
Cố gắng đè nén vậy nhưng bàn tay của bạn vẫn đưa lên quẹt ngang đôi mắt.
Con qua thăm Bích Du thường xuyên và đều đặn từ ngày biết tin.
Cháu cũng chẳng nói được nữa rồi, chỉ còn những tiếng rên vì đau đớn.
Bích Du 33 tuổi, độ tuổi tràn đầy nhựa sống.
Vậy nhưng cháu nằm đó với những cơn đau. Những cơn đau cứ đến liên tục khiến cháu không thể nào chợp mắt.
Con gái chỉ vừa mới lên 3, vô tư nằm bên mẹ, nhiều lúc ồn ào giỡn không để mẹ yên
Con ngồi đó với cháu để thấy bất lực và xót xa.
Con ngồi đó với cháu, một tay nắm bàn tay cháu, một tay lần chuỗi.
Con ngồi đó với cháu, một tay nắm bàn tay cháu, một tay nắm bàn tay của bạn.
Con không biết phải nói gì, những lúc này sự im lặng, cảm thông có lẽ cần thiết hơn lời nói.


Con cũng tự hỏi : nếu Chúa đặt con vào hoàn cảnh như bạn con, con sẽ thế nào ? 
Có kêu ca, oán trách thập giá đường đời con phải nặng mang ?
Con kính gởi đến Chúa đôi lời, con tin Chúa hiểu lòng con.
Sống hay chết, điều đó không quan trọng, ai mà không một lần trở về trình diện trước Chúa ?
Nhưng xin hãy cất bớt chén đắng cho con của con đi Chúa, đau quá thân hình nhỏ bé không gánh nổi Chúa ơi ! 
Xin cho con của con được bình an, thanh thản lúc cuối đời. 
Xin cho con của con vững một niềm tin cậy mến.
Chúa ơi ! Chúa biết mà ! Con cầu xin Chúa !

Xin những người thân yêu, bạn bè tôi đi ngang qua những dòng viết này, hãy thân thưa đôi lời với Chúa cho con tôi sự bình an...Xin cám ơn tất cả.

Lá thư từ hỏa ngục

I. Lý Do Mà Các Linh Hồn Rớt Vào Hỏa Ngục :
Dựa vào lời tự thuật của cô Ana, một người bị rớt vào hỏa ngục, chúng tôi có thể rút ra những lý do mà các linh hồn rớt vào hỏa ngục như sau:

Khi còn sống, ta sống ích kỷ mà không yêu thương và giúp đỡ ai cả.
Ghen ghét và hận thù mọi người.
Không quan tâm đến những người chung quanh.
Nghĩ xấu về những hảo ý của người khác, tức là nghi ngờ lòng tốt của kẻ khác.
Không bao giờ biết cầu nguyện.
Từ chối sự hiện diện của Chúa và không muốn nghe ai nhắc đến Chúa.
Phỉ báng và chế nhạo Thiên Chúa.
Bỏ phí những cơ hội được nhận ơn phúc của Giáo Hội.
Từ chối các ân huệ Chúa ban nên không được ơn cứu rỗi.
Say mê các thú vui trần gian mà không để ý đến tôn giáo của minh.
Không xưng tội và không rước Mình Thánh Chúa.
Không cầu nguyện với Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Không làm việc sùng kính Đức Mẹ Maria: cầu nguyện chuỗi kinh Mân Côi.
Không xin Đức Mẹ Maria bảo vệ và cầu bầu cho mình.
Không cầu xin Lòng Thương Xót Chúa.
Vì không bền chí cầu nguyện nên không được ánh sáng Chúa ban cho để có sức mạnh mà hoán cải và đứng lên từ vũng lầy của tội lỗi.
Lì lợm cứng đầu, không muốn từ bỏ tật xấu.
Bịt tai trước những lời khuyên can của người tốt.
Thờ-ơ nguội-lạnh trước những gì liên quan đến Chúa.
Không tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật.
Không tin vào sự hiện diện của ma quỷ.
Không tin rằng ma quỷ gây ảnh hưởng trên nhân loại.
Muốn đi con đường thoải mái, mà không muốn đi con đường hẹp.
Không tin Chúa mà chỉ tin vào những gì mình ưa thích.
Giả hình, làm ra vẻ đạo đức những lòng thì độc ác như thuốc độc.
Không muốn nghe tiếng nói của lương tâm.
Không muốn sinh con cái vốn là hoa quả mà Thiên Chúa ban tặng.
Tôn thờ người đời hay tạo vật hơn là tôn thờ Chúa.

II. Các Bài Học Rút Ra Từ Cảm Nghiệm Của Linh Hồn Hư Mất :


Những lời cầu nguyện, cùng đau khổ và hy sinh của người khác có thể cứu người xấu xa khỏi rơi vào hỏa ngục.
Thiên Chúa cho phép ma quỷ đánh phá những kẻ đầu hàng ma quỷ.
Nỗi đau khổ của ma quỷ gia tăng mỗi khi chúng dắt thêm một linh hồn vào hỏa ngục.
Tiếng Thiên Chúa kêu gọi người xa lìa Chúa hãy trở lại cho đến giờ chết.
Nếu có sự đau khổ lớn lao và dài lâu xẩy ra là dấu hiệu ta được đền tội ở trần gian.
Người lịch lãm vẫn rớt xuống hỏa ngục nếu họ từ chối gặp gỡ Thiên Chúa.
Người sống xa lìa Chúa thì không bao giờ hạnh phúc trong nội tâm.
Nỗi thống khổ lớn lao nhất của linh hồn bị luận phạt là hoàn toàn mất Chúa.
Trong hỏa ngục, các linh hồn đau đớn với các mực độ lớn nhỏ khác nhau.
Người có lòng hiểm độc và biết rõ tội mình mà vẫn phạm tội thì bị trừng phạt nhiều hơn người phạm tội vì sự yếu lòng.
Người Công Giáo xuống hỏa ngục chịu đau đớn hơn người của các tôn giáo khác, vì khi còn sống, họ lãnh nhận được nhiều ân sủng và ánh sáng lớn lao hơn nhưng khinh thường.
Các linh hồn hiểu biết về Chúa nhiều thì đau đớn triền miên hơn các linh hồn ít biết về Chúa.
Đừng trì hoãn và đợi đến lúc gần chết mới hối cải vì cái chết đến đột ngột như kẻ trộm.
Khi vào hỏa ngục rồi vẫn biết rõ những gì liên quan đến người thân của mình ở trần gian và tang lễ của mình.

Cuốn phim về hình ảnh cuộc đời một người sẽ xuất hiện trước mắt linh hồn người ấy, từ khi trẻ đến lúc lâm tử, rồi linh hồn kinh hoảng xấu hổ, và chạy trốn tình trạng xấu xa của linh hồn mình bằng cách lao mình vào hỏa ngục.
Ngay khi chết, Chúa vẫn cho một cơ hội chót để chấp nhận Chúa hay quay lưng với Ngài.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Tin đạo chứ không tin người có đạo

Câu nói này tôi đã nghe nhiều người nói.  Nhưng đáng tiếc không phải là những người ngoại đạo nói mà là những người có đạo nói.  Đa số họ là những người đã lâu năm không tới nhà thờ.  Họ bỏ xưng tội rước lễ.  Họ bỏ đồng đạo.  Họ có đạo nhưng không sống đạo.  Họ mang danh Kitô hữu nhưng lại bảo rằng "đạo tại tâm" nên không thể hiện ra bên ngoài dấu chỉ là người Kitô hữu.  Thế nhưng, họ lại biện minh cho hành động chối đạo của mình là vì chê ghét một ai đó trong đạo.  Họ không đến nhà thờ vì ông A, ông B đã không tốt với họ.  Họ bỏ Chúa vì cha xứ quá khắt khe trong lề luật của Chúa.  Họ không còn xưng tội rước lễ vì bà A, bà B vẫn chứng nào tật ấy có tốt hơn họ đâu?  Họ đòi người khác phải làm chứng cho họ còn bản thân họ thì lại không chịu làm chứng cho tin mừng.  Họ đòi người khác sống tốt còn bản thân họ thì lại nuôi thù oán.  Họ đòi người khác phải bác ái yêu thương còn bản thân họ thì cô lập một mình không gắn bó với giáo xứ.  Họ chính là những cỏ dại đang làm mất đi vẻ đẹp của cánh đồng lúa Giáo hội Chúa Kitô.  Họ chính là những người có đạo nhưng không đáng tin vì tính cố chấp, nuôi thù hận mà bỏ Chúa, bỏ anh em.
Các thánh Tử đạo Việt Nam năm xưa đã lãnh nhận cái chết tử đạo nhiều khi cũng bởi chính những con người mang danh Kitô hữu nhưng đã không còn sống men tin mừng.  Họ đã tố giác anh em vì một chút bổng lộc.  Họ đã bán đứng anh em vì cố chấp trong tội lỗi.  Như trường hợp thánh An-rê Kim Thông, ngài đã bị tố giác bởi chính người cháu tội lỗi, ngang ngược.  Ngài đã từng nhắc nhở người cháu sửa đổi nhưng chứng nào tật ấy.  Hắn đã không sửa đổi mà còn tố giác ngài để cầu vinh.
Trường hợp Thánh Phaolô Hạnh cũng thế.  Ngài là một thanh niên nổi tiếng về sự quen biết những tay anh chị trong giới giang hồ tại chợ Quán.  Một lần, chứng kiến một phụ nữ bị đàn em bóc lột không thương tiếc.  Thánh nhân bỗng xúc động ra tay can thiệp, làm áp lực buộc chúng trả lại tất cả những gì đã lấy của nạn nhân.  Vì hành động nghĩa hiệp này, thánh nhân phải trả giá: họ tố cáo ngài ngoài tội là Kitô hữu, còn tiếp tay với quân đội Pháp.  Thánh nhân bị bắt, bị cầm tù, sau cùng bị trảm quyết tại Chí Hoà ngày 28-5-1859.
Trường hợp Cha Thánh Luca Vũ Bá Loan còn đáng thương và cảm động hơn.  Có hai tên tội phạm đang chờ xét xử.  Họ bàn tính với nhau đến bắt Cha Loan để lập công chuộc tội.  Thế là họ đang tâm nộp Cha cho quan huyện Phú Xuyên, nhưng quan không chịu nhận, họ phải đưa Cha về Thăng Long.  Sau cùng, ngày 5-6-1840, Thánh Luca Loan bị chém đầu.
Điểm chung của các thánh Tử Đạo chính là can đảm đón nhận thập giá Chúa gửi đến mà không oán hận kẻ làm hại mình.  Các ngài đã vui nhận hy lễ thập giá vì yêu mến Chúa Kitô.  Các ngài luôn xác tín rằng: những đau khổ đời này không đáng gì so với vinh quang bất diệt mai sau.  Các ngài dầu có chịu khổ hình trong giây lát nhưng được sống lại vinh quang muôn đời.  Đó là điều mà thánh Đaminh Hạnh đã xác tín, khi mà quan triều đình nói với ngài: "Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo, được tha về, ông cứ làm như thế tôi sẽ tha cho ông."  Nhưng thánh Đaminh Hạnh bình tĩnh trả lời: "Kẻ trung thành với Chúa, khi chết sẽ được lên thiên đàng."
Mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam là dịp nhắc nhở chúng ta hãy sống thể hiện niềm tin trung kiên của mình trong mọi tình huống.  Đừng vì một chút cỏ dại lấn át mà chán nản bỏ đạo.  Đừng vì một chút giận hờn mà thù hận cả niềm tin của mình.  Đừng chối đạo vì ghét ai đó, hay đánh mất niềm tin vì bên trong Giáo hội vẫn có cỏ lùng xen lẫn.  Và nhất là đừng bán đứng anh em để cầu vinh.
Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình.  Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê trụy lạc.  Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm.  Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là Kitô hữu.
Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian.  Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình.  Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án "tin đạo chứ không tin người có đạo", vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.
Lạy các thánh Tử đạo Việt Nam, là cha ông chúng con.  
Xin cho chúng con biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, biết noi gương các ngài để thể hiện niềm tin trung kiên của mình trước những cám dỗ lợi lộc của thế gian.  
Xin giúp chúng con biết thể hiện niềm tin của mình qua đời sống thánh thiện, bác ái yêu thương.  Amen.
LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Chết

Cổ nhân ta nói: "Sinh kí tử quy", sống là tạm gửi, chết mới là về.  Ðó là một nhân sinh quan, và cái nhân sinh quan ấy chi phối đời sống người ta, đến độ có nhiều người nói rằng "sống là chuẩn bị cho cái chết."

Từ quan niệm ấy, người Việt Nam hình như không sợ hãi khi đối diện với cái chết.  Những cụ già xây sẵn phần mộ, mua sắm sẵn cỗ áo quan, ra vào vuốt ve ngắm nghía nó như ngắm một vật thân quí, đôi khi vào nằm thử một cách bình tĩnh.  Các cụ còn định sẵn cả chương trình cho đám tang của mình, phải tổ chức ra sao, nghi thức thế nào.  Thật đúng là sự chuẩn bị cho một cuộc trở về.

Ðó mới chỉ là những cái bên ngoài biểu lộ quan niệm "sinh kí tử quy".  Một cách sâu xa hơn, người ta chuẩn bị cho chuyến trở về bằng cả một cuộc sống của mình.  Ðể cho cuộc trở về tốt đẹp, người ta sống tốt đẹp, cư xử tử tế với mọi người, tạo phúc đức để lại cho con cháu, trả sạch nợ nần để không phải vướng mắc với ai, không tạo ra những ác nghiệp v.v...  Thực hiện được những điều đó, người ta thanh thản trở về thế giới bên kia.

"Sinh kí tử quy." Sống là tạm gửi, chết mới là về.  Nhưng về đâu?  Ðó là vấn đề.  Có phải là về với lòng đất?  Có phải là về với hư không?  Có phải là về với tổ tiên?  Hay là về chốn bồng lai tiên cảnh?...  Ðiều đó tùy thuộc quan niệm và niềm tin của từng người.  Người Công giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ về cùng Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên mình.  Thiên Chúa là nguồn cội.  Từ Thiên Chúa, có muôn loài muôn vật, có chính mình.  Bởi thế, chết là một cuộc "lá rụng về cội" lớn lao nhất, quan trọng nhất.
"Lá rụng về cội".  Ðó có thể coi như một nguyên tắc, một lẽ đương nhiên?  Thật ra không hẳn thế.  Quan sát sự kiện thực tế ngoài đời, ta sẽ biết ngay: có chiếc lá khi rụng, chao đi vài vòng, rồi nhẹ nhàng đặt mình dưới gốc cây.  Nhưng cũng có những chiếc lá vừa lìa khỏi cành đã bị trận bão loạn gió cuồng cuốn bay đi xa lắc.  Lá rụng, nhưng lá không về cội.

Ðời người ta cũng như những chiếc lá.  Như lá được sinh ra và nuôi dưỡng từ chất nhựa từ cội là gốc rễ đưa lên thế nào, con người cũng được sinh ra, lớn lên, sinh hoạt trong dòng đời, từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa như thế.  Cái chết của con người cũng giống như chiếc lá lìa cành.  Về với Thiên Chúa cũng như "lá rụng về cội".  Nhưng lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa hẳn sẽ được về cùng Thiên Chúa.  Về được với Chúa hay không, cái đó tùy ở cách sống của mình, tùy ở chính mình.

Có người ví cuộc hành trình về với Chúa, hay nói khác đi là về Thiên Ðàng, là một chuyến đường.  Người đi phải tập làm quen với con đường, hay nói khác đi là phải đi lại nhiều lần trước khi ra đi để về thật.  Nếu không quen đường thuộc lối, rất có thể người ta sẽ đi lạc, và như thế chẳng về được nhà.

Con đường về với Chúa là con đường gì?  Ðó là đường Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.  Và Thiên Ðàng là nơi gồm toàn những người biết yêu Chúa và yêu nhau.  Như thế, làm quen với con đường về Thiên Ðàng cũng có nghĩa là tập sống yêu thương.  Yêu Chúa và yêu người.

Yêu Chúa thì dễ, vì Chúa là Ðấng trọn hảo và rất đáng kính yêu.  Chúa không làm cho mình khổ, Chúa không gây ra những rắc rối cho đời mình.  Chúa lại yêu mình hết mực.  Tuy nhiên, yêu Chúa "khơi khơi" thì dễ, chứ yêu đến nơi đến chốn, yêu với tất cả linh hồn và trí khôn, yêu đến độ sẵn sàng sống chết vì Chúa...  điều ấy chưa chắc đã dễ.

Yêu người khó hơn nhiều lắm.  Vì đã là người thì có khuyết điểm.  Người ta dễ làm cho mình đau khổ, cũng gây cho mình rất nhiều điều rắc rối.  Rất nhiều khi người ta không yêu mình, trái lại còn ghen ghét, thù hận mình nữa.  Người ta như vậy đó, thế mà mình phải yêu, để làm quen được với cái đường đi về Thiên Ðàng kia.
Nói cho cùng, cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết.  Cuộc sống quyết định cho đích điểm của một chuyến đi.  Chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người.  Ðây cũng là chuyến đi cô đơn nhất, vì không có ai đồng hành với ta.

Sống Yêu Thương, yêu Chúa và yêu người thật lòng, ta sẽ về được với Ðấng chính là Tình Yêu.  Sống không yêu thương, đường đi của ta sẽ ngược chiều, và ta khó lòng gặp được Thiên Chúa Tình Yêu.  Ðó là nỗi bất hạnh lớn lao nhất, nỗi cơ cực kinh khủng nhất.  Bởi vì hạnh phúc thật của con người, nói cho cùng, là về được, hòa nhập được với chính cội nguồn nơi mình đã xuất phát: Thiên Chúa.  Hòa nhập được với Thiên Chúa, Ðông phương gọi là hòa hợp cùng Ðại Ngã, còn chúng ta gọi là được về nước Thiên Ðàng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Còn nỗi cô đơn.  Ai mà chẳng sợ cô đơn.  Muốn tránh cô đơn, chỉ còn cách kết bạn và mời bạn làm kẻ đồng hành.  Nhưng bạn nào đồng hành được với ta trên đường về, mà khởi đầu là cái chết phần thân xác?  Chỉ có một "người" thôi, đó chính là Thiên Chúa.  Hạnh phúc cho ai, trên đường về có chính Thiên Chúa làm bạn đồng hành.  Trong tình bạn, cần có thời gian.  Bạn thân để có thể đồng hành lại càng cần thời gian dài hơn nữa.  Như thế, trong cuộc sống trần gian, nếu ta đã không từng quen với Chúa, thân với Chúa, chia sẻ với Chúa, thì khi ta chết, làm sao ta có được Chúa làm người bạn đồng hành trên đường về?

"Sinh kí tử quy", "Lá rụng về cội."  Ðó thật là những tư tưởng đẹp và thâm sâu.  Ðể hiểu được vẻ đẹp và sự thâm sâu đó, không phải một sớm một chiều.  Giá ta phải trả để hiểu được nó và áp dụng nó là cả một cuộc đời, với nỗ lực và với yêu thương.

(Quyên Di)