Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

Viết cho Mai, em dâu tôi

Buổi tối từ bệnh viện, chiếc xe đặc biệt hụ còi đưa em về nhà.

Gia đình và đồng nghiệp rất đông đang chờ em ở đầu hẽm. chị đứng cách vài ba mét trong bất lực xót xa vì không đủ can đảm đến gần bên em nhưng nhìn đôi mắt em, chị biết em còn tỉnh. Em đã trở về ngôi nhà thân thương của mình trong những giờ phút sau cùng, bạn bè chị sau thánh lễ đã đến kịp thời để cùng gia đình tiễn em bằng những lời kinh cầu Lòng Chúa Thương xót. Đôi mắt còn một chút tinh anh vừa nãy chị nhìn thấy đã không còn linh động nữa, em đã nhắm nửa chừng.

Nhớ những lúc em đau, rồi khỏe, đi làm được một thời gian, rồi đau lại, rồi bệnh trở nặng. Em ra vào bệnh viện nhiều lần và thường xuyên hơn. Mỗi lần em vào bệnh viện, cả đại gia đình ai ai cũng đều lo lắng, cầu nguyện. Vào thăm em, bao giờ em cũng nói với 
chị : chị hai ơi, chị nhớ xin lễ cầu Chúa chữa lành cho em nha chị hai. Lần cuối cùng chứng kiến sự đau đớn của em, mọi người đều đoán biết giờ Chúa gọi em đã gần. Trong nỗi đau tận cùng của thể xác, em vẫn cố gắng nói với chị : chị hai ơi, nếu em qua được tháng mười một, chị xin lễ dùm em cầu nguyện cho các linh hồn nha chị hai. Nhưng chị đã không kịp xin lễ như ý em rồi, Mai ơi ! 


Em ra đi khi kim đồng hồ đã qua khỏi 0 giờ, là ngày đầu tiên của tháng mười hai, là ngày thứ bảy kính Đức Mẹ.


Trong gia đình ruột thịt, em là đứa em út ngoan ngoãn, biết thương yêu, lo lắng cho anh chị và các cháu. Trong gia đình chồng, em là một nàng dâu nhiệt tình, nhanh nhẹn, có trách nhiệm và tình thương với tất cả mọi người. Em luôn nói với 
chị là chưa bao giờ em coi chị là chị chồng. Chuyện gì khó nói, em tâm sự với chị. Chị chồng, em dâu thân thiết như chị em ruột. Em là người tình cảm, sâu sắc và tế nhị. Em mong em khỏe mạnh để sau này khi chị già yếu, em sẽ lo cho chị. Vào bệnh viện rồi, cận kề sinh tử mà em vẫn nhớ sinh nhật của chị. Chỉ hai hôm sau chị em mình hai phương trời cách biệt. Chiếc bánh sinh nhật là món quà cuối cùng em dành cho chị trong cõi tạm này. 


Vì tình thương em dành cho các thành viên trong gia đình chồng như vậy nên những lần em đau, những giờ phút cuối cuộc đời đã có các chị em bạn dâu, các em chồng bên cạnh, nhất là Be, một đứa em chồng nhỏ bé nhưng mang trong tâm hồn trái tim của một vĩ nhân đã luôn cùng em trên mọi triền dốc thăng trầm công việc và sức khỏe. Riêng chị, những gì làm được cho em từ tinh thần đến vật chất, chị đã vuông tròn, để bây giờ nhìn lại đoạn đường có nhau, chị không cảm thấy tiếc nuối bất cứ điều gì nữa. Phải thế không Mai ?


Đám tang của em thật đông, thật ấm cúng.

Gia đình, bạn bè đồng nghiệp, những người thân quen, có cả sự hiện diện của những tu sĩ Thiên Chúa giáo, Phật giáo phụ trách các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, nuôi các cụ già mà khi còn sống em và Be đã từng viếng thăm, chia sẻ. Ngay khi nằm trên giường bệnh, em cũng nghĩ tới bữa ăn cho bệnh nhân bệnh viện điều dưỡng, gần nhà chị em mình, dù mỗi tháng chỉ được một lần. Những khi không bận việc chị luôn đồng hành với em trong khả năng của mình. Nhà thờ Vĩnh Chính, Bến Tre cũng có mặt để chia buồn, Cha Trúc cử hành thánh lễ cho em với bài giảng Hành trang lên đường, ngắn gọn nhưng thật sâu sắc. Các biện và các em mang theo đàn và hát rất hay, nhưng Mai vẫn im lặng, em đã không cùng với mọi người nữa rồi... 

Hôm nay Noel lại về. 

Lễ đêm vắng bóng em, từ giờ không còn nhìn thấy dáng em điệu đàng, dễ thương và gia đình không còn được thưởng thức những món ăn ngon do em trổ tài nấu nướng.
Em ra đi gần tròn một tháng. 
Một tháng với em trai chị và các con chắc dài lắm. Chị biết em chưa cam lòng ra đi nhưng Chúa gọi thì phải vâng phải dạ. 
Sống một cuộc đời đẹp như em, và có thời gian để chuẩn bị cho hành trang lên đường, chị tin Chúa đón em trong hân hoan. Em sẽ được đứng bên cạnh Mẹ Maria, người mẹ dấu yêu của Chúa. Không còn lo toan và đau khổ như ở cõi trần gian này, xin em nhớ cầu nguyện cho những người em đã từng gắn bó và yêu thương, Mai nhé !


Thương em nhiều.
Chị hai.
Dalat và chị em mình. Mai mặc đầm trắng, đẹp và sang

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Lạy Chúa, con như người thợ dệt

20 năm về trước, lần đầu biết đến quyển “Các giờ kinh Phụng Vụ”, chả hiểu sao Is chương 38 cứ in mãi vào tâm trí và đến bây giờ vẫn còn in đậm :
Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ.      
Mà thật ! Đời vẫn là như thế dù muốn dù không cũng đến ngày ra đi bỏ lại mọi sự để về với Nguồn Cội là Thiên Chúa.
          
Cách đây độ hai tuần non kém, tin chẳng vui ập đến khi hay cha Phêrô Trương Văn Khoa ra đi trong vụ tai nạn giao thông. Bàng hoàng và đau đớn cho gia đình linh tông huyết tộc, cho gia đình Giáo Phận Buôn Ma Thuột và cho những ai có những mối liên lạc thân thiết với Ngài.
          
Cha Phêrô ra đi khi đang còn trọng trách coi giữ xứ đạo Thánh Linh và chắc hẳn vẫn còn nhiều thao thức và ước mơ của người mục tử nhiệt tâm. Trời Buôn Hồ đẫm dòng lệ với vị mục tử gần 20 năm gắn kết với biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt. Cha đã để lại hình ảnh rất đẹp của vị chủ chăn nơi giáo xứ thân thương này.
          
Vài ngày sau đó, vào lúc 4 g 30 ngày 9/1/2017, lại nghe tin chẳng vui là Sư huynh Mattheu Nguyễn Văn Nhân lại qua đời. Thầy ra đi thật nhẹ nhàng như là “điềm” báo trước với anh em cách đó hơn 1 tháng. Thầy ra đi trong độ tuổi viên mãn nhất của cuộc đời và Thầy ra đi khi đang còn dang dở mộng ước bảo vệ luận văn Tiến Sĩ tại Mỹ. 

Và vừa mới hôm qua, chị nữ tu Matta Nguyễn Thị My cũng ra khi tuổi vừa ngoài bốn chục. Chị được sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình và một xứ đạo đậm chất tu của Cái Mơn – Thành Triệu. Đau đớn nhất là cha mẹ chị đã ra đi đột ngột trên sông trong một chiếc xuồng ba lá nhỏ mong manh để mưu sinh kiếp sống. Thế là chị mất cả cha lẫn mẹ sau tai nạn thương tâm đó. Rồi sau đó, 4 anh chị em ruột của chị cũng đã ra đi và gia đình còn duy nhất mình chị với cái tên người ta thường gọi “Út My” thật trìu mến. 
Sau khi cha mẹ mất, chị về ở với ngoại và rồi sau khi ngoại mất, chị về ở với nội và khi nội mất chị gửi cuộc đời mình sau cánh cửa nhà tu. Một thân một mình đơn chiếc với biết bao nhiêu vất vả của phận mồ côi nhưng chị vẫn cố gắng để dâng mình cho Chúa. Những mơ ước thêu dệt may những chiếc áo dòng và áo lễ tuyệt vời nay đã khép lại sau cơn bạo bệnh. 
Trước khi qua đời, chị được Nhà Dòng cử là người phụ trách trông nom nhà may áo lễ và tu phục. Nhiều chiếc áo lễ đậm chất phụng vụ được hồn của người miền Tây Nam bộ thả vào thật đẹp. Bàn tay người “thợ dệt” với nhiều mộng vàng và mơ ước của tuổi thanh xuân nay đã phải dừng lại để trở về với quê hương vĩnh cửu trên Trời. 

Và đâu đó, giữa chợ đời còn có những cái chết thật vô thường như gia đình nọ ở Châu Thành – Tiền Giang. Dù ở trong nhà nhưng vẫn không được nguyên vẹn khi một chiếc xe Container ập đến bất ngờ. Chẳng ai muốn đón nhận một cách chết và ra đi không một lời tạ từ như thế. 

Và rồi, lòng đau đớn khi hay tin một người cha trẻ ở xứ Martinô quận I Sài Gòn sau khi gửi con đến nhà thờ học giáo lý đã ra đi vĩnh viễn sau tai nạn tránh người đi bộ băng qua đường không quan sát. 

Năm hết, Tết đến nhưng niềm vui dường như cứ nhường chỗ cho nỗi buồn. Buồn bởi lẽ quanh ta đâu đó có những cuộc ra đi thật vội vã chẳng để lại tiếng chào. Cuộc đời là như thế và vẫn là như thế : thật vô thường.
Ta vẫn đi trên con đường của mình cho dù có nắng lên hay mưa đến. 
Có đoạn gập ghềnh khúc khuỷu, cũng có nơi đầy hoa thơm cỏ lạ. Trên hành trình ấy cuộc sống sẽ cho ta những bài học, để ở mỗi một khúc quanh cuộc đời, ta lại lên đường với hành trang đầy ắp những điều mới mẻ. 
Hãy yêu lấy con đường mà ta đi, đừng hững hờ với giọt sương buổi sớm đọng trên ngọn cỏ, với nắng hoàng hôn trên ngã ba sông.

Hẳn nhiên, cuộc đời ta khi còn thở, khi còn sống vẫn mong ước dệt những điều đẹp nhất cho đời và cho người. Thế nhưng, tất cả đều nằm trong bàn tay của Thiên Chúa là người đạo diễn tài hoa và quyền thế. Chỉ mình Chúa mới biết được phận số dài vắn của mỗi người.

Nhìn bảng cáo phó của thầy Matthêu, chợt nhận ra đâu đó cũng là người cùng tuổi thanh xuân để rồi mình cũng có thể ra đi tự lúc nào chả biết. Có điều, viết tới đây lại chợt nhớ có ai nào đó đã yêu thương nguyền rủa mình chết sớm đi cho rảnh, ngoài bốn chục chết cũng đã đủ rồi. Nghe lời nguyền ấy vài kẻ thương yêu lại nói cho kẻ mọn được hay rằng càng bị rủa ta lại càng sống lâu ! Những lời yêu thương vỗ về ấy nghe ra cũng ngọt tai nhưng thật sự vắn dài đời người cũng chỉ nằm trong tay Chúa.

          Đời người cũng đúng như lòng Isaia tâm sự :
          Con thở than như nhạn kêu chim chíp,
con rầm rì chẳng khác bồ câu;
nhìn lên Chúa mãi, mắt con đã hoen mờ. 

Vậy đó ! Cuộc đời có những lúc bi quan chán nản nhưng rồi hãy vững tin vào Chúa bởi lẽ Chúa mới chính là Đấng Cứu Độ duy nhất của đời ta:
Nhưng chính Ngài đã cứu con khỏi hố diệt vong,
vất bỏ sau lưng mọi lỗi lầm con phạm. 

Và như vậy, ta : Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua.
                Và cũng nên nhớ : Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ.

(Sưu tầm - Giáo phận Vĩnh Long)

Hành trình đến với Chúa của sơ Út Mười Thương

Vào một buổi sáng định mệnh, tôi đã gặp Sơ Út Mười Thương. Sau thánh lễ, tôi thấy một Sơ đang đứng mân mê chiếc điện thoại cùi bắp, vẻ đơn sơ thánh thiện của Sơ dòng được thể hiện qua nét vụng về của những thao tác trên cái máy điện thoại di động. Sơ đang mò số để bấm gọi nhờ đứa cháu điều khiển từ xa một chiếc xe grab đến, chở Sơ đi chữa bệnh. Đang lúc sơ bối rối tìm lại số điện thoại của đứa cháu, tôi ngỏ lời:
- Sơ ơi, Sơ đi đâu ? lên xe con chở đi !
Sơ nhìn tôi với chút ngạc nhiên nhưng cũng còn lưỡng lự chỉ biết tôi là một tín hữu mới tham dự thánh lễ sáng nay. Tôi tiếp tục mở lời:
- Con là một thầy dòng… Sơ cứ an tâm.
Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục Sơ lên xe.
Sau một hồi trao đổi, tôi được biết, trước khi đi tu, Sơ là một tân tòng. Vốn bản tính hay tò mò, tôi tiếp tục “tấn công” và có câu chuyện thú vị hầu các bạn.
Sơ là con út trong một gia đình gồm 9 người con, thế nên, Sơ được gọi bằng một cái tên rất “quê”: Út Mười. (Tôi đã gọi Sơ bằng một danh xưng của riêng mình: chị Mười Thương). Bố mẹ chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn sỏi đá của vùng biển nóng Phan Thiết. (Những chi tiết cụ thể này đã được sự cho phép của đương sự). Cả gia đình đều đã đăng ký Pháp Danh tại chùa. Từ đó, chúng ta hiểu phần nào lòng sùng đạo của họ. Chính khát vọng đi tìm chân lý mà hạt giống đức tin khả dĩ sẽ sinh hoa kết trái nơi gia đình chị.
Năm lên 7 tuổi, bé Út Mười đang theo học lớp 2 tại một trường gần nhà. Hằng ngày đi học, bé đều đi ngang qua nhà xứ ở gần đó. Cứ mỗi chiều của những ngày tháng 5 (tháng Hoa kính Đức Mẹ), sau khi học xong, bé không về nhà ngay nhưng ghé lại nhà xứ xem các bạn tập dâng hoa. Những màn múa sống động ấy đã tạo trong ký ức của bé những hình ảnh đẹp về một đạo có nhiều sinh hoạt sống động. Chưa hết, vào dịp lễ Giáng sinh, bé cũng trốn nhà và rủ các bạn đi xem các cha làm lễ mà trong trí tưởng tượng của bé các ngài là vua, còn mọi người là thần dân hằng tuân lệnh vua. Còn trong hang đá lại có một Đứa Bé Trai đang giang tay dường như cố mời gọi mọi người đến với mình không biết để làm gì ?!!! Sau những lần trốn nhà hay bỏ cơm không xin phép, bé đã chịu những trận no đòn từ tay người bố nghiêm khắc nhưng điều đó không cản trở bé thường lui đến sân nhà xứ để vui đùa với chúng bạn.
Thế rồi, thời gian vụt qua nhanh, sự đơn sơ hồn nhiên nơi bé Mười đã được thay da đổi thịt bỗng trở thành một thiếu nữ với mảnh bằng tốt nghiệp trung học trong tay, chị được giới thiệu vào một xí nghiệp để quản lý việc thu hoạch lúa vào thời bao cấp. Những người nghèo đến xay lúa, chị chỉ thu đủ tiền xăng dầu cho máy xay, các cơ sở tôn giáo xay lúa số lượng nhiều cũng được chị tính với giá phải chăng. So sánh với những người cùng làm chức vụ như chị vào thời đó, họ đã giàu to, thế mà chị vẫn không khá lắm chỉ đủ trang trải cho bố mẹ và bản thân. Chị không hề biết Tin Mừng về Chúa Giêsu nhưng lại sống như Ngài, nghĩa là chấp nhận sống đơn sơ đạm bạc để chịu sự khốn khó mà làm cho kẻ khốn khó bớt phần khốn khổ; thật hợp với lời của thánh Phaolô đã nói về Đức Kitô: “Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (II Cr 8,9b).
Cũng trong thời gian này, chị đã quen biết và gần gũi với các Sơ dòng Đa minh mà sau này chị xin gia nhập đạo. Các Sơ đã giới thiệu chị đến cha xứ để theo lớp dự tòng. Sau vài tháng theo học, chị đã chịu cám dỗ nặng nề, muốn tháo lui vì đối với chị, theo Đạo như một cách tỏ ra bất hiếu với Cha Mẹ, Ông Bà…Mặc dù, chị đã được dạy nhiều về việc theo Đạo nhưng vẫn giữ truyền thống thảo hiếu với Bậc tổ tiên. Trong lúc nội tâm phải giằng co giữa bên chữ hiếu và bên đức tin, cha xứ lại đòi buộc cha mẹ phải chấp nhận việc theo đạo của mình, chị đã cầu nguyện với Chúa nhiều nhưng vẫn cảm thấy bất lực, dầu vậy, chị phó thác tất cả cho Chúa.
Quả thế, đường lối của Chúa thật nhiệm mầu, trong lúc chị không dám nói với Bố mẹ về sự thật này thì Chúa đã dùng miệng người mẹ mà nói với chồng:
- Ông coi, con út hình như nó theo đạo nhà thờ đó ông. Tôi thấy mỗi tối nó cứ ngồi rù rì một hồi lâu rồi mới nằm ngủ, sáng sớm ra còn đi đến nhà thờ ông cha nữa.
- Phải không Út ? Ông bố nghiêm giọng hỏi.
- Dạ phải, mẹ nói đúng đó, bố ạ.
- Mai dắt tao lên nhà thờ coi cái ông cha dạy cái gì mà mày mê theo như điếu đổ vậy.
Sau khi tham dự một buổi học dự thính, ông bố dõng dạc tuyên bố với con:
- Tao thấy mày theo đạo này là Chân Lý đó, mai tao cũng theo.
Chị Mười đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác và thầm cảm ơn Chúa trong lòng. Ông bố nhất quyết đến gặp cha xứ xin học đạo, tuy nhiên, cha xứ trả lời rằng ông cần đợi khóa sau vì khóa này sắp xong rồi.
Thế là ông bố vẫn chấp nhận chờ đợi khóa sau học đạo. Ông đã học được 2/3 thời gian qui định thì bỗng ngã bệnh nặng, bác sĩ báo ông bị ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi, ông xin phép cha xứ nghỉ luôn việc học đạo. Thấy thiện chí của ông lão nhà quê, cha cho phép ông lãnh các phép trước thời hạn, ông vui vẻ dọn mình. Sau đó, ông lại khỏe hẳn như nhận được một phép lạ nhãn tiền nhờ việc Chúa tăng sức qua Bí tích Xức dầu thánh. Ông sống thêm 3 tháng nữa, rồi được Chúa gọi về trong sự thanh thản và bình an. Sau đó, là cuộc trở về đầy ngoạn mục của người anh Cả và của người Mẹ.
Có thể nói, những cuộc trở về này càng làm tăng xác tín của chị vào Chúa. Từ đó, chị quyết định theo đuổi con đường tu trì, nhưng nguyện vọng ấy không được các Sơ dòng Đa minh đón nhận ngay vì theo luật qui định một tân tòng muốn gia nhập dòng tu phải sống 10 năm ở ngoài đời. Chị đã chấp nhận điều này như thánh ý Chúa muốn.
Sau khi cha chị mất, chị tìm việc làm trên Sài gòn để gởi tiền lo cho mẹ già ngoài quê. Có một chi tiết khá thú vị trong giai đoạn này mà tôi không thể bỏ qua vì nó nói lên tư chất của một cô gái chân quê chân chất đến lạ lùng. Hành trang mà người mẹ cho chị lên Sài gòn là 2 giỏ trái cây mãng cầu để bán kiếm chút tiền hầu trang trải nơi đất khách quê người, và với một lời khuyên duy nhất: “Con lên Sài gòn đi đâu nhớ tìm ông xích lô lớn tuổi mà nhờ chứ bọn thanh niên chở đi là nguy hiểm đó”. Thế rồi, vừa đặt chân xuống đất ồn ào và náo nhiệt này, chị thấy một đội xích lô đứng đón khách, chị chọn người lớn tuổi nhất theo lời khuyên của mẹ. Chị nói:
- Chú ơi, chở con đến chợ để con bán 2 giỏ trái cây này để kiếm chút tiền.
- Cháu muốn đến chợ nào ? Chú xích lô dò hỏi.
- Cháu tưởng chú biết chợ đó rồi chứ ?
- Trời ơi, đất Sài gòn bao nhiều cái chợ mà biết.
Thế rồi, chú xích lô cũng chở chị đến một chợ gần đó rồi giới thiệu người bán giúp. Sau đó, chú lại hỏi:
- Bây giờ, cháu muốn đi đâu ?
- Chở cháu đến một xí nghiệp may để xin việc.
Hỏi thăm qua lại mới biết chú này cũng thuộc người công giáo, chú đã cho ở tạm tại tư gia đến khi xin được việc nhờ một người con của chú này giới thiệu.
7 năm lăn lộn bươn chải nơi đất khách, tình yêu đã hóa đất lạ thành quê hương. Thời gian “thanh luyện” đã xong, chị cảm thấy cần tìm đến một nhà dòng để theo đuổi khát vọng sâu xa mà Chúa đã đặt trong lòng chị từ ngàn xưa. Chị đã tìm đến dòng Cát Minh nơi thánh Têrêsa HĐGS, vị thánh bổn mạng của chị đã tu và nên thánh, tại Sài gòn; đồng thời, thánh nữ cũng là thánh bổn mạng của chị. Có thể nói, để có một quyết định nhanh chóng như vậy, vì ngay từ lúc theo đạo chị đã nghiền ngẫm nhiều lần về tác phẩm Một Tâm Hồn của chị thánh. Có một chi tiết nhỏ nhưng nói lên tâm tình yêu mến của chị đối với chị thánh.
Một ngày kia, chị gặp một người Công giáo bán bánh mì, họ lại xé từng tờ tác phẩm Một Tâm Hồn mà gói bánh mì bán cho khách. Thấy xót xa và xúc phạm nặng nề, chị đề nghị bà chủ để chị mua một mớ giấy khác hầu đổi lấy cuốn sách quí ấy, bà này đồng ý. Chị mang về đem photocopy phần đã bị xé đi rồi nhờ người đóng lại thành tập sách. Từ đó, nó là cuốn sách gối đầu giường của chị. Một cuốn sách với hai màu giấy trông có vẻ nham nhở kia nhưng lại gợi hứng cả một bầu trời thiêng liêng trong hành trình tâm linh của chị.
Chị tưởng mọi chuyện sẽ xuôi xắn khi đến tu viện của thánh Têrêsa tại Sài gòn, nhưng họ hẹn lại vì nhà dòng chưa nhận dự tu mới. Chị đến dòng Phanxicô ở Thủ Đức để tĩnh tâm và cầu nguyện hầu biết ý Chúa muốn: mình tu ở đâu. Trong những ngày tĩnh tâm chị bị cuốn hút bởi gương lành của thánh nữ Clara, chị hỏi cha giảng phòng rằng tu viện thánh Clara ở đâu. Cha trả lời: Con ra đầu cổng nhà dòng, bước sang bên kia đường là tới chỗ cần tìm. Bỗng dưng trong lòng chị cảm giác một sự bình an lạ lùng và thầm cảm tạ Chúa vì như mọi sự đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chị đã được Mẹ Giáo tập nhận vào với một lời an ủi: Dòng chỉ nhận dự tu không quá 25 tuổi, nhưng trường hợp của chị đã 28 tuổi, khá đặc biệt nên được miễn trừ. Từ đó, chị cảm nhận lòng Chúa thương chị nên ra công sống tốt đáp lại tình Người. Đến nay, chị đã sống được 24 năm trong nhà dòng, với khả năng điều dưỡng và may đồ phục vụ cho chị em, chị đã chăm sóc và “vá khâu” nhiều tâm hồn tan vỡ tìm đến với chị. Và dần dà, chị nhận ra Chúa ban cho mình một đặc sủng: người có tài an ủi. Chị đã trở thành tiếng nói chung cho những bên đối lập, cầu nối qua lại giữa các thành viên trong dòng.
Cảm ơn chị đã đi qua cuộc đời tôi như làn gió mát làm dịu hẳn những mưu tính theo kiểu con người nơi tôi, rằng Chúa có chương trình cho mỗi người. Điều còn lại, hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời chúng ta, nơi đó, mọi khô cằn sẽ biến thành hồ ao, hoang địa khô khan nên nguồn suối nước. Và rồi, Chúa sẽ làm cho mọi sự sinh ích với những ai quyết tâm theo Ngài.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

Cám ơn Tú, tác giả bài viết đã cùng với Út Mười Thương đến thăm gia đình chị và Mai là em dâu chị đang bị đau. Với gia đình chị và riêng Mai thì đó là một tình cờ đầy hạnh phúc. Chị tin rằng Chúa đã thể hiện tình thương mến thương của Ngài cho Mai qua những người khác. Chúc cho Tú, cho Út Mười Thương bền đỗ đến cùng và luôn là một bông hoa tinh tuyền xứng đáng cho Chúa ngắm nhìn.
Ghi lại một khoảnh khắc không dễ có trong đời.
Khi giã từ để trở về dòng, Tú gọi điện thoại cho tôi nhắn thăm Mai bằng lời cầu nguyện. 
Sr Mười nhắc Tú phải nhớ bổn phận, bổn phận, bổn phận cầu nguyện đặc biệt cho Mai.
Cám ơn bao nhiêu cho đủ trước những chân tình...
Lạy Chúa ! Cám ơn Chúa đã gởi niềm an ủi đến em con.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

Đôi mắt tâm hồn ở Giêricô (Mc 10:46-52)


Tôi là Ba-ti-mê, một người mù từ thưở lọt lòng mẹ, sinh ra và lớn lên ở miền đất Do Thái cằn cỗi nắng cháy, nhưng lại trù phú về những luật lệ khắt khe, dồi dào những thành kiến về con người.  Chẳng biết cha mẹ tôi, ông bà Ti-mê, có phạm tội lỗi gì không mà Thiên Chúa lại trừng phạt tôi thế này.  Tôi không tin vào điều đó vì biết cha mẹ mình là người hiền lương, ngay thẳng.  Tôi cũng không tin đó là hình phạt bởi một Thiên Chúa Nhân Lành.  Nhưng đó là một tín điều mà cả xã hội Do Thái, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia tin tưởng như vậy.  Bởi thế tôi đã bị liệt vào hạng tội lỗi ngay khi cất tiếng khóc chào đời mà không chịu mở mắt nhìn đời.  Cuộc đời vốn đã bị nhiều thiệt thòi vì không được thấy ánh sáng mặt trời, tôi lại bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người vì những thành kiến hủ tục của một xã hội quá “đạo đức.”

Ngày ngày tôi vác bị lê la ra ngồi ăn xin ở cổng thành Giêricô.  Bữa no, bữa đói tùy vào lòng thương xót của ông đi qua bà đi lại, nói chung cũng đủ để lây lất qua ngày, dù tôi chẳng biết sống qua ngày để làm gì.  Cuộc đời này có gì vui đâu để mà sống?  Vào buổi sáng của một ngày như mọi ngày, khi đang ngồi thơ thẩn chờ đợi ở ngoài cổng thành, tai tôi bỗng nghe được những âm thanh náo nhiệt ở phía trong thành vọng ra.  Tiếng ồn ào lào xào của một đám đông, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng chó sủa, tiếng những bước chân chen lấn xô đẩy… đang từ phía trong thành đi ra.  Lạ nhỉ, chắc là một đám đông lớn lắm đây, những âm thanh này khác hẳn với những đám đông khác.  Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ?  Đám đông này là ai?  Họ đi đâu?  Tôi nghểnh tai nghe ngóng!  Vì mất đi thị giác nên thính giác của tôi rất nhạy bén.  Tôi nghe thấp thoáng xen trong tiếng gió lao xao là những tiếng thì thầm: Ông Giêsu, Giêsu thành Nazarét…  Tim tôi bỗng như ngừng đập.  Có thật không?  Là vị Ngôn sứ Giêsu người đã gây nhiều xôn xao trong những ngày gần đây bởi những phép lạ, những lời giảng dạy về một giáo lý mới mẻ…  Tôi đã nghe thiên hạ bàn tán nhiều về con người lạ lùng này, về lòng thương xót của Người đối với những kẻ bần cùng bị bỏ rơi sống bên lề xã hội.  Tôi biết ông ta mà, không những thế, tôi còn biết cả cha mẹ, nghề nghiệp, và dòng dõi xuất thân của ông ấy nữa.  Ông thuộc dòng dõi Vua Đa-vít, một vị Vua Thánh nổi tiếng nhân từ trong lịch sử dân tộc tôi.  Tôi chờ đợi cơ hội này lâu lắm rồi.  Ông Giêsu đi ngang qua đây thật ư?  Lòng tôi bừng lên một tia hy vọng mong manh.

Tôi đứng phắt dậy, chộp cây gậy và quơ quơ trong không trung, rồi quay bên phải, quay bên trái, lúng túng không biết nên đi về hướng nào.  Sợ mất cơ hội ngàn vàng này, tôi lại bỏ gậy xuống đưa tay lên miệng làm loa hướng về đám đông la thật to:

-          Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.

Tôi hét thật lớn, lập đi lập lại nhiều lần đến khàn cả giọng với hy vọng ông Giêsu đang ở đâu đó trong đám đông có thể nghe được tiếng kêu lạc loài của tôi giữa những tiếng bát nháo hỗn độn.  Khoảng cách xa quá, tiếng kêu gào chưa tới được tai vị ngôn sứ thì đã làm cho những người đứng gần bên bực bội khó chịu.  Họ quát tháo nạt nộ bảo tôi im miệng.  Tôi cụt hứng, đang còn e dè chần chừ, bỗng một cái tát nảy lửa giáng vào mặt tôi, kèm theo một lời cục cằn thô lỗ:

-          Mày có câm miệng lại không?

Cái tát làm tôi xiểng liểng mất thăng bằng ngã lăn quay ra đất.  Tôi lồm cồm bò dậy, tay run rẩy mò mẫm tìm gậy, người tôi chao đảo làm tư tưởng tôi cũng bị lung lay theo.  Có nên nghe lời mấy người hung dữ này không?  Nếu không nghe họ, tôi có thể tiếp tục ăn thêm mấy cái tát, hay cú đá nữa không chừng.  Rồi sau này họ không bố thí cho tôi nữa thì sao?  Tôi đang sống nhờ lòng thương xót của họ mà!  Sau một lúc dao động, tôi chợt bừng tỉnh!  Không!  Không được, nếu nghe họ, tôi sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm một thưở này.  Biết bao giờ ông Giêsu mới đi qua đây lần thứ hai?  Nếu có, tôi đâu dám chắc mình sẽ ngồi ở đây lúc Ngài đi qua?  Hoặc nếu có, ai dám đảm bảo lúc đó lại không có những kỳ đà cản mũi khác?  Tôi không còn gì để mất!  Cuộc đời tôi đã đến tận cùng của bất hạnh rồi, không hoàn cảnh nào có thể tệ hơn.  Bất quá thì đói thôi!  Bất quá thì bị thiên hạ ghét bỏ, hoặc ăn thêm vài cái tát tai nữa là cùng.  Thà đói còn hơn sống kiếp mù loà.  Thà bị ghét mà được sáng mắt, còn hơn được thiên hạ ưu ái mà bị mù.  Lấy hết sức bình sinh tôi lại hướng về phía đám đông tiếp tục gào lên:

-          Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi.

Tôi gào đến lạc cả giọng, chỉ sợ ông Giêsu đi ngõ khác mà biến mất.  Lần này tiếng tôi kêu gào đã thấu đến tai vị Ngôn Sứ thì phải.  Tôi nghe tiếng dừng lại của đám đông, hồi hộp chờ đợi tôi nghểnh cổ nghe ngóng.  Loáng thoáng trong những tiếng ồn ào hỗn loạn, tôi nghe văng vẳng như có tiếng Người gọi tôi:

-          Gọi anh ta lại đây!

Hồi hộp chờ đợi là thế, nhưng khi nghe mình được kêu tên, ngạc nhiên chen lẫn lo sợ làm tôi lại thộn người đứng ì ra đó, không biết phải làm gì, không chắc là mình nghe có đúng không, không dám nhúc nhích, lòng vẫn còn lăn tăn sợ hãi, sợ lại bị ăn thêm mấy cái tát nảy lửa nữa thì khốn.  Như cảm thông với tâm tình rối loạn của tôi, một người đứng bên vỗ nhẹ lên vai tôi như trấn tĩnh, và bảo tôi đừng sợ, rồi một giọng nói thân thiện cất lên:

-          Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!

Đúng thế ư?  Ngài gọi tôi thật sao?  Là vị tiên tri Giêsu mà tôi hằng ao ước được gặp mặt?  Tôi đứng phắt dậy, vất ngay cái áo choàng là vật gia bảo trong kiếp ăn xin của tôi lại, quờ quờ quạng quạng tiến về phía phát ra tiếng nói.  Thấy tội nghiệp, một người đưa tay ra dắt tôi đi, được vài bước rồi ra dấu bảo tôi dừng lại.  Biết là đã đến trước mặt Người, Đấng mà lòng tôi hằng ao ước được diện kiến, tôi quỳ thụp xuống bái lạy Người để tỏ lòng tôn kính.

Một thoáng im lặng ngột ngạt, tôi có cảm tưởng như Giêsu và cả đám đông đang chăm chú quan sát nhìn tôi.  Rồi tôi nghe một giọng mạnh mẽ trầm ấm vang lên, phá tan sự im lặng:

-          Anh muốn tôi làm gì cho anh?

Xúc động trào dâng khiến tôi nghẹn ngào.  Vị ngôn sứ của dân tộc đang hạ mình xuống hỏi tôi, một kẻ ăn xin thấp hèn, cùng đinh của xã hội.  Tự dưng tôi ấp úng lúng búng gãi đầu gãi tai:

-          Thưa Thầy, thưa… thưa… thưa… xin cho tôi nhìn thấy được.

Cung giọng trầm ấm lại vang lên một cách mạnh mẽ quả quyết:

-          Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.

Ngay lập tức cái màng đen dầy đặc che kín cặp mắt tôi từ bao năm qua được vén sang một bên.  Tôi dụi mắt bồi hồi, cặp mắt đã quen với bóng đêm dày đặc chớp liên hồi.  Tôi mở mắt he hé.  Ánh sáng mặt trời rực rỡ ôm choàng lấy tôi bất kể thân phận tôi là ai.  Lòng tôi nghẹn ngào, rạo rực.  Tôi nhắm mắt lại, rồi mở ra, được một lúc lại nhắm lại, rồi mở ra.  Ánh sáng mặt trời là đây ư?  Chói chang quá!  Những tia sáng rực rỡ muôn màu sắc lung linh nhảy múa, lượn qua lượn lại rồi ôm choàng lấy tôi.  Thế giới này nhiều sắc màu quá, mỗi màu mỗi vẻ, màu nào cũng tươi đẹp đang nở nụ cười chào đón tôi.

Đám đông ồ lên xôn xao khi tận mắt chứng kiến phép lạ cả thể đang xảy ra trước mắt.  Người ta dìu tôi đứng dậy, tay tôi vẫn quơ quơ trong không khí theo phản xạ tự nhiên của những ngày mù lòa.  Tôi nhíu mày bắt đầu đưa cặp mắt yếu ớt nhìn dáo dác một vòng những người xung quanh.  Cái nhìn đầu tiên của tôi chạm ngay một cặp mắt nhân hậu đang mở to nhìn tôi với ánh nhìn trìu mến yêu thương.  Trên khuôn mặt rám nắng nở một nụ cười mãn nguyện của một người cha đang thích thú quan sát đứa con nhỏ loay hoay với món quà mới.  Tôi đoán đây chính là Giêsu, con cháu vua Đa-vít, Người chỉ phán một lời mà đôi mắt tôi thoát ra khỏi màn đêm tăm tối.  Ngài nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, dìu từng bước chân tôi tiến về phía trước, như người cha chào đón đứa con thơ, và tập cho con từng bước đi vào thế giới mới.  Cánh tay rắn rỏi của Ngài thay cho cây gậy là một điểm tựa vững chắc cho tôi trước một thế giới sáng mắt phức tạp mà tôi sắp bước vào.

Rồi Ngài đứng lại, buông tay tôi ra.  Tôi đứng im từ từ quan sát những khuôn mặt chập chờn xung quanh.  Có những khuôn mặt rạng rỡ hân hoan cùng chia sẻ niềm hạnh phúc với tôi, họ vẫy tay tươi cười chào đón tôi, đặc biệt là đám con nít.  Chúng la hét reo hò, vỗ tay hoan hô Vị Ngôn Sứ như vị anh hùng dân tộc.  Họ vui vẻ cười nói, chúc phúc cho tôi, và hân hoan cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu.  Cũng có những khuôn mặt thờ ơ lạnh lùng bàng quan, họ nhún vai nhếch mép cười khẩy, chẳng buồn cũng chẳng vui!  Phép lạ này chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống họ.  Có những khuôn mặt dữ tợn thô lỗ, họ né tránh cái nhìn của tôi bằng ánh mắt tiu ngỉu, ngại ngùng.  Tôi đoán đây là những người đã la lối hiếp đáp, ngăn cản không cho tôi kêu xin Giêsu.  Bên cạnh đó lại có những cặp mắt đỏ ngầu, cau có tức giận trong những khuôn mặt ra vẻ đạo đức đăm chiêu.  Những đôi môi tím tái mím chặt, như đang muốn thốt ra những lời nguyền rủa thay cho lời tạ ơn. 

Tôi rùng mình nổi da gà khi cặp mắt non nớt của tôi dừng lại trên những khuôn mặt ngút ngàn chất chứa hờn căm, đầy ánh ghen tị đó.  Đa số họ là Pharisêu, kinh sư, và các vị trưởng lão chức sắc trong dân.  Cuộc đời dưới ánh sáng mặt trời đẹp quá mà, sao lại nhìn nhau bằng ánh mắt như thế?  Sao lại ghen tị?  Họ không quý ánh sáng nơi cặp mắt họ, họ không trân trọng những gì họ đang có, đang nhìn thấy được.  Tự nhiên tôi thấy sợ khi phải đối diện với nhóm người này.  Tâm hồn ghen tương đố kỵ của họ trái ngược với vẻ ngoài đạo mạo.  Thà họ dữ tợn cục cằn như đám người lỗ mãng kia thì tôi lại không sợ.

Tôi bối rối nhắm mắt lại định thần, hít thở thật sâu cho lòng lắng xuống, cho những cảm giác ngỡ ngàng ban đầu qua đi, cho những cảm xúc hồi hộp, hoang mang không còn nữa.  Tuy là kẻ cùng đinh trong xã hội nhưng tôi biết mình có quyền chọn cho mình cái hướng để nhìn, một con đường để đi.  Tôi muốn nhìn ai, muốn thấy gì trong thế giới mới này?  Tôi muốn đi đâu, sống cuộc đời như thế nào sau khi đã được sáng mắt?  Đức Giêsu không chỉ cho tôi sáng mắt để thấy ánh sáng mặt trời, thấy thế giới vật chất này, mà Ngài còn mở mắt linh hồn tôi, cho tôi thấy được những điều thầm kín bên trong trái tim mỗi người qua cửa ngõ tâm hồn.  Vâng, tôi là một kẻ ăn xin dơ bẩn hôi hám về thể xác, nhưng tôi không muốn cửa sổ tâm hồn của mình bị vẩn đục bởi những cái không đáng để nhìn.  Tôi mở mắt ra, quay tìm về hướng Giêsu.

Ngài vẫn còn đó, hiền lành và kiên nhẫn dù các môn đệ đang giục Ngài lên đường!  Ánh mắt nồng ấm tiếp tục chờ đợi, chờ cho tôi cứng cáp, chờ cho tôi hoàn hồn trước một thế giới xa lạ, chờ xem sự chọn lựa và quyết định của tôi.  Một nụ cười cảm thông kín đáo như trấn an tôi đừng sợ trước những cái nhìn nham hiểm đầy mưu mô kia, như khích lệ tôi hãy mạnh dạn can đảm đối đầu với cuộc sống mới.  Ôi ánh mắt nhân hậu, cả một bầu trời mở ra, cả một đại dương yêu thương mà tôi muốn chìm mình trong đó.  Đây là cặp mắt mà tôi muốn ngắm nhìn mãi.  Qua cặp mắt Ngài, tôi thấy đuợc những khát vọng hoài bão thiêng liêng đang ấp ủ trong trái tim nồng cháy, tôi cảm nhận được một con tim sùng sục lửa yêu thương, một tình yêu to lớn ôm ấp không chỉ mình tôi mà cả thế giới.  Nơi Ngài toả lan một sức mạnh vô hình cuốn hút lấy tôi, làm tôi không cưỡng lại được.  Tôi chợt nhận ra rằng ngoài Ngài, không còn một con đường nào khác cho tôi.  Ngoài ánh mắt Ngài ra, tôi không thể tìm thấy được cái nhìn yêu thương ấm áp của một người cha như thế.  Không thể tìm đâu được một tâm hồn tuyệt hảo hơn!  Ôi, Giêsu!  Giêsu chữa lành cho tôi không phải vì lời kêu xin của tôi, nhưng vì lòng thương xót vô biên của Ngài, vì Ngài là tình yêu, chứ Ngài không hề nợ nần gì tôi, hoặc có trách nhiệm bổn phận phải chữa lành cho tôi.  Tự dưng nước mắt tôi trào ra khi cảm nhận được tình yêu vô điều kiện đó, những giọt nước mắt đầu tiên từ khi được nhìn thấy cuộc đời. 

Tôi cúi đầu mấp máy vài lời xin cho tôi được đi theo Giêsu và các môn đệ.  Tôi nghẹn ngào không nói được gì nhiều ngoài hai hàng nước mắt tuôn rơi.  Nhưng trong tim tôi thổn thức muốn nói với Ngài bao điều:  “Giêsu ơi, con là người vô dụng, không có tài cán gì ngoài tài ăn xin.  Con là kẻ bị bỏ rơi sống bên lề xã hội, xin hãy đón nhận con người hôi hám dơ bẩn cả về thể xác lẫn linh hồn của con.  Con quên chưa nói lời cám ơn Ngài, vị ân nhân của đời con, nhưng con biết Ngài thấu suốt tâm tư con.  Cuộc đời còn lại của con đây, xin được đặt dưới chân Ngài.  Xin cho con được đi theo Ngài trên mọi nẻo đường Ngài đi.  Cặp mắt con đây, xin dâng lên cho Ngài, xin cho cửa sổ tâm hồn con chỉ nhìn thấy Ngài, thấy những điều tốt đẹp của thế giới, của tình người, những gì mà Ngài muốn con nhìn thấy.  Xin cho con được ở lại trong ánh mắt yêu thương, trong trái tim nhân hậu của Ngài hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa.”

Lang Thang Chiều Tím


Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Cảnh
tượng này cho ta thấy đời anh bị bao phủ
bởi nhiều thứ bóng tối.

Trước hết là bóng tối thể lý. Không có đôi
mắt, đời anh chìm trong tăm tối. Không
biết thế nào là ánh sáng. Không biết thế
nào là cảnh thiên nhiên. Không nhìn được
khuôn mặt của những người thân. Không
tự mình làm gì được. Không tự mình sinh
sống được. Chẳng biết có ánh sáng ban
ngày. Đời anh chìm ngập một bóng đêm.
Bóng đêm dày đặc không một chút ánh
sáng. Bóng đêm triền miên không bao giờ chấm dứt. Tất cả là một màu đen. Thế giới màu đen.
Quần áo anh mặc màu đen. Khuôn mặt mọi người đều màu đen. Cơm anh ăn hằng ngày cũng màu đen. Một màu đen muôn thưở.

Kế đến là bóng tối xã hội. Vì tàn tật anh trở thành người dư thừa trong xã hội. Anh bị loại trừ khỏi xã hội. Chỉ còn ngồi bên vệ đường mà ăn xin. Như cây cỏ mọc bên đường thôi. Thậm chí khi Chúa đến, mọi người nô nức đón Chúa. Còn anh chỉ kêu lên thôi cũng đã bị người ta cấm đoán, đe nẹt rồi. Anh không có quyền gì hết. Vì anh chỉ là thân phận sống nhờ ở đậu.

Sau cùng là bóng tối tâm lý. Cuộc đời anh không có lối thoát. Anh bị kết án suốt đời chịu giam cầm trong bóng tối. Làm sao thoát ra được khi anh không thể tự mình làm gì. Khi mọi người kể cả những người thân ruồng bỏ anh. Khi xã hội gạt anh ra bên lề cuộc sống.

Nhưng Đức Kitô đem đến cho anh ánh sáng ngập tràn.


Người chiếu vào đời anh ánh sáng hy vọng. Tuy chưa được gặp Chúa, nhưng chỉ nghe những lời Chúa giảng, những việc Chúa làm anh đã tràn trề hy vọng. Chúa có thể giải thoát anh khỏi định mệnh tăm tối vây bọc cuộc đời anh. Người có thể đưa anh tới miền ánh sáng. Tương lai anh sẽ thay đổi. Cuộc đời anh sẽ tươi sáng. Anh tràn ngập niềm hy vọng. Niềm hy vọng trở thành ánh sáng chiếu soi cuộc đời anh.

Người chiếu vào đời anh ánh sáng đức tin. Tuy chưa gặp Chúa nhưng anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Không tin sao được vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu anh khỏi bóng tối. Vì thế thoạt nghe tiếng Chúa anh đã kêu van lớn tiếng xưng tụng Người là Con Vua Đavít nghĩa là Đấng Cứu Thế. Có lẽ những người đi đón Chúa hôm ấy đều có đôi mắt sáng. Nhưng không ai có ánh sáng đức tin. Vì không ai tin Chúa là Đấng Cứu Thế. Trừ anh mù. Mắt anh mù nhưng đức tin của anh sáng. Nên anh là người duy nhất lớn tiếng tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Thế. Niềm tin của anh thật mãnh liệt. Dù bị mọi người chung quanh ngăn cản, niềm tin ấy không những không bị suy yếu mà còn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Bị mọi người đe dọa, cấm cản, niềm tin của anh càng vững vàng không gì có thể lay chuyển được, nên anh càng kêu to hơn.

Người đã chiếu vào đời anh ánh sáng tình yêu
Chúa là tình yêu. Chúa không nghe bằng tai nhưng nghe bằng trái tim. Vì thế giữa đám đông hỗn độn của thành Giêricô phồn hoa, Chúa vẫn nghe được tiếng kêu van của một người con bé nhỏ ngồi bên vệ đường. Không những Chúa nghe thấy tiếng lòng khốn khổ của anh mà Chúa còn ưu ái gọi anh đến. Thật là một cử chỉ ưu ái quá sức tưởng tượng. Giữa đám đông trong một thành phố phồn hoa, Chúa chẳng gọi ai trừ ra người mù ngồi bên vệ đường. Chúa chẳng chờ đợi ai trừ ra chờ đợi người con nhỏ bé tội nghiệp bị bỏ rơi nhất thành phố đến với Chúa. Đời anh chưa được ai yêu thương như thế. Đời anh chưa được ai quan tâm như thế. Đời anh chưa được ai mời gọi như thế. Đời anh chưa được ai chờ đợi như thế. Và Chúa còn hỏi anh muốn gì. Đời anh chưa được ai âu yếm như thế. Tình yêu Chúa làm cho đời anh bừng sáng. Anh tìm thấy tất cả ý nghĩa cuộc đời khi gặp được Chúa.

Chúa đem ánh sáng đến cho anh. Chúa là tất cả đời anh. Anh không cần gì khác nữa. Anh vất bỏ cả áo choàng là tài sản duy nhất. Vì anh đã khám phá ra kho tàng quý giá nhất đời. Anh đứng phắt dậy mà đến với Chúa vì tuy mắt chưa nhìn thấy mà lòng anh sáng như sao băng. Và nhất là anh đi theo Chúa cho đến cùng vì Chúa chính là ánh sáng cho đời anh. Chúa sẽ dẫn đường anh đi. Đi đến sự thật và đến sự sống.


Đời sống tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin vào Chúa. 
Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt niềm hy vọng vào Chúa. 
Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa. 
Hãy tin tưởng vào Chúa. Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi. 
Hãy hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời. 
Hãy yêu mến Chúa. Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của tôi. Hãy noi gương anh mù thành Giêricô bỏ tất cả mà theo Chúa. 
Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Con đường thua tự nguyện

Mấy ngày nay thấy người người đi tìm hiểu ơn gọi, “nhà nhà” bước vào mùa ơn gọi, chợt nhớ một thuở nhấp nhổm “người đi tớ cũng đi”. Thật ra, đến bây giờ vẫn còn nhấp nhổm, nhưng là nhấp nhổm cầu nguyện cho ơn gọi. Gọi là “nhấp nhổm” chắc nhiều kẻ chê người trách, rằng thiếu nghiêm túc, rằng báng bổ việc thiêng thánh. Đành vậy, chung quy cũng chỉ tại vì vừa mừng mà cũng lại vừa lo... không yên được.
Ngày ấy cũng với ba lô trên vai, nhưng hơn phân nửa là ước mơ, là hoài bão xây dựng Giáo hội, mở mang nước Chúa, với những bản thảo, với những hình mẫu vẽ sẵn trong đầu, còn lại là đúng hai bộ quần áo cũ với vài thứ lặt vặt. Lúc ấy có ai mời đội đá vá trời chắc cũng chẳng ngại, vì thực ra trời lúc ấy cũng chỉ tầm dăm sải tay.
♦♦♦
Cũng chẳng nhớ là mất mấy năm mấy tháng nữa, chợt một ngày nhận ra, dù cũng mang tiếng là đi theo Chúa đó, cũng khát mong nên một với Chúa trong cùng một tâm tình, trong cùng một lối sống, cũng khao khát mang lấy trái tim của Chúa để biết run rẩy và chạnh lòng thương trước nỗi đau của phận người, cũng khát mong đi lại con đường mà Chúa đã đi, nhưng thực ra Chúa thì đã tụt xuống lâu rồi, còn mình thì cứ mải leo lên; Chúa trút bỏ mọi vinh quang danh dự để tụt xuống ôm lấy phận người, trở nên giống con người để chia sẻ với con người, còn mình thì cứ xây, cứ đắp, cứ leo, cứ trèo, cứ tìm kiếm vinh quang, tìm kiếm thành công để khẳng định sự khác biệt qua những bằng cấp, qua các chức vụ, qua các công trình...; Chúa chấp nhận hiến tế, bẻ ra, trao ban, để trở nên của ăn, của uống, để trở nên thần lương nuôi sống con người, còn mình thì cứ mải đắn đo tính toán được gì, mất gì trong từng chuyện cỏn con.


Chúa bước vào “con đường thua tự nguyện”, còn mình thì cứ mải mê trên “con đường thắng bất chấp”. Thành thử cứ ngược chiều nhau, cứ đau đớn mỗi lần thua thiệt, cứ tiếc nuối khi phải sẻ chia, từ bỏ, cứ dối lòng khi phải yêu thương. Giật mình nhìn lại, ngỡ tưởng mình đang đi theo Chúa, nhưng thực ra mình đang đi theo ý riêng của mình, hay chính xác là đang đi theo một Giêsu do chính mình vẽ ra chứ không phải như Ngài là, để rồi nơi mình chỉ còn là hình bóng một Giêsu đầy vinh quang danh dự và uy quyền, một Giêsu chưa bao giờ ngơi nghỉ trong cuộc đua thắng thua, dành giựt với các Giêsu nơi anh chị em khác.


Nhớ có lần cũng được đánh động bởi lời Chúa Giêsu nói với Giakêu: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, 5). Leo lên thì có thể “thấy” Chúa thật, nhưng tụt xuống mới có thể “gặp” Chúa, mới có thể “đồng bàn”, mới có thể đi vào tương quan thân tình với Chúa, mới có thể rước được Chúa vào nhà mình. Biết thế! nhưng tụt xuống chưa bao giờ là chuyện dễ dàng cả, cái cảm giác cứ buồn buồn tủi tủi làm sao ấy!


Năm đó, sáng Mồng Một Tết, đến dâng lễ tại một giáo xứ nọ, cũng giảng, cũng chúc Tết, cũng vỗ tay. Sau thánh lễ bà con khệ nệ ôm vác dắt díu nhau vào chúc tuổi cha xứ, mình lủi thủi dắt xe ra về, ngang qua những nụ cười xã giao mà cay cay khoé mắt. Tự nhiên trong lòng lại ao ước được bằng anh bằng em, lại tủi tủi buồn buồn.


Lần khác, cũng vào dịp Tết, cũng mua ký giò lụa và thùng bia về tết bố mẹ. Mấy ngày Tết chả thấy bố mẹ động đậy đến chả lụa với bia gì cả! Sốt ruột hỏi thì mẹ bảo: “Tao với bố mày mang sang Tết cha xứ rồi!”. Lại một lần nữa máu hơn thua nổi lên, “thằng bé” gắt gỏng: “Tại sao nhà mình cũng có cha mà lại không cho cha nhà mình ăn, mà lại cho cha nhà người ta ăn?”.
♦♦♦
Cứ liên tục như vậy, nhiều lúc lủi thủi một mình chuyển cộng đoàn, lại vớ vẩn ước ao được nghe tiếng nức nở của bà con giáo dân như các cha trong ngày chuyển xứ, một lần được ngồi xe kẻ đưa người đón. Nhìn bà con quấn quýt chúc mừng các cha trong ngày bổn mạng, trong ngày mừng 25, 50 năm linh mục..., cũng thấy thèm thèm, cũng muốn có, cũng muốn được. Cơn cám giỗ leo lên cho “bằng chị bằng em” là rất thật và dai dẳng như vậy đấy! Cứ sểnh ra là lại leo! Không leo được thì lại buồn, lại tủi, hoặc lại tìm cách kéo người khác xuống bằng cách nói xấu, dèm pha, thêm điều đặt chuyện...!
Nhấp nhổm cầu nguyện cho các ơn gọi, cầu nguyện cho mình, chính vì cái tính thích leo trèo của “đứa con nít” trong mỗi người, nếu không chăm sóc để ý, hở ra là nó leo ngay, làm cho tu sĩ ngày một dần xa Chúa. Mặt khác, bao nhiêu đau khổ, căng thẳng, khốn khó trong đời sống tu trì là do những “đứa con nít” leo trèo, thắng thua, kèn cựa, dẫm đạp lên nhau mà ra cả!
Hơn nữa, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lần đã khẳng định: “Sự thành công lớn nhất của đời người là sống thánh thiện”. Như vậy, rõ ràng sống thánh thiện mới là thành công lớn nhất trong cuộc đời tu sĩ, chứ không được đo bằng những công trình xây cất, cũng không phải bằng những chức vụ đảm nhiệm, cũng chẳng phải được tính bằng những bằng cấp đạt được. Ước mong, “đứa con nít” trong mỗi người dần trưởng thành và hiểu rằng “con đường thua tự nguyện” mới là con đường mà Chúa mời gọi chúng ta đi, mới là con đường nên một với ngài trong sự thánh thiện.

Gã Khờ (Gioankim Việt Dũng, OP.)