Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Anh là tảng đá

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.

Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.  Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.  Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.  Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.

Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.  Cả hai đều được Đức Giêsu gọi.  Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.  Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát.  Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.  Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.  Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.  Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.  Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.  Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.  Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.

Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.  
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.  Này anh Simon, anh có mến Thầy không?  Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,16)

Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”  (Gl 2, 20).  Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.

Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.  Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40).  Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).  “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7).  Cả hai vị đã chết như Thầy.  Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).  Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu, dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng.  Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.

*************************

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.  Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.  Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.  Amen !

Trích trong “Manna”
Lang thang chiều tím

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Hoa buồn dâng Mẹ

Một năm học trong dòng, có đôi lần con nói với tôi về các kỳ thi. 
- Dòng con thi rớt là về, con thấy mấy anh em học căng thẳng quá mẹ ơi. 
Và bao giờ tôi cũng trấn an : 
- Không sao đâu, con hãy cứ mạnh dạn bước đi, theo Chúa cũng cần có một chút liều lĩnh của Simon chứ con. 

Các cha cho con thi trước một năm. 

Thi triết vào ngày 06/4/2019. Gọi về cho tôi, giọng con vui vì con làm bài khá tốt. Tôi nhớ hồi thi đại học. con đã đoán đúng số điểm ba môn toán, lý, hóa. Con hi vọng, cả nhà hi vọng, bước đầu thế này thật là ổn. Tôi chuẩn bị đón kết quả trong tâm trạng chỉ xíu xíu lo lắng mà thôi.


Sau ba tuần lễ chờ đợi.
Một buổi chiều đầu tháng 5, tháng hoa, tháng của Mẹ.
Đang nấu bữa cơm cho gia đình thì chồng tôi lên tiếng :
- Thằng chó con nó về kìa em.
Nhìn ra thì con ở ngay trườc cửa, tôi lên nhà đón con :
- Sao về bất ngờ vậy ?
- Dạ. Có kết quả thi rồi mẹ, chiều hôm qua cha thông báo.
- Rớt rồi phải không con ?
Một linh tính rất nhanh vụt qua trong trí để tôi buột miệng hỏi con câu đó. Vì nếu là tin vui, con đã gọi cho mẹ từ xa, từ hôm qua rồi, chứ không phải đợi hôm nay về đến tận nhà. Tôi kềm chế cảm xúc :
- Không sao con, kể chuyện bố mẹ nghe đi.
- Mẹ ơi ! Anh văn con nhiều hơn 9 điểm là thủ khoa, nhưng môn Văn chỉ có 4,5 thôi. Hội đồng thi chấm phúc khảo lại cho con mà họ vẫn đánh rớt. Các cha bảo tùy con quyết định, có thể thi lại lần 2 vào năm sau, cha cho phép về nhà bàn bạc với gia đình mẹ ạ.

Ngoài miệng thì nói vậy với con nhưng trong lòng tôi một cảm giác buồn, buồn lắm, không thể diễn tả bằng lời. Tôi đã cầu nguyện nhiều cho con, và tôi biết con rất cố gắng. Thiếu 0,5 điểm giống như thi đại học, nó làm thay đổi hoàn toàn những dự tính trong cuộc đời. Tôi còn thấy sốc, huống chi con, bởi đó là điều mà không bao giờ tôi nghĩ nó sẽ xảy đến. Con là một đứa ham đọc sách, ham học hỏi, thường xuyên tham gia hoạt động xã hội, những lần thuyết trình đi thi kể chuyện cổ tích Việt Nam với các nước...Nếu con thiếu cảm nhận thực tế, thiếu chiều sâu và lời văn không lưu loát thì làm sao có thể hoàn thành tốt những việc này ?
Lúc trước tôi thường nói để con thoải mái, không bị bất cứ áp lực nào :
- Con nhớ đừng nặng nề quá nha, rớt thì về, có sao đâu.
Tôi nói vui là vì tôi nghĩ với bề dày thời gian và công việc như trên, chả lẽ con mình không được tối thiểu điểm 5 hay sao ? 
Vậy mà tôi đang phải đối diện với điều không ngờ ấy.
- Bây giờ con tính làm sao ? Nếu cha không cho con thi trước một năm thì năm sau con mới được thi mà. Cứ ở thêm thời gian nữa đi con.
- Nhưng nếu năm sau con thi rớt nữa thì sao bố mẹ ?
- Thì về thôi, bố mẹ không trách con đâu.
- Con cần yên tĩnh, bố mẹ để con suy nghĩ đã.
Tội nghiệp con. Tôi biết nó buồn lắm.

Con trở lại nhà dòng. Cha cho anh em tụi nó đi Dalat chơi 5 ngày.

Từ Dalat con gọi về cho mẹ :
- Đi chơi vui lắm mẹ, con đi Dalat nhiều lần nhưng chưa lần nào con có nhiều cảm xúc như lần này.
Tôi hiểu được tâm trạng của con trai. Thương con thật nhiều.
Sau những ngày vui, con trở về nhà. Bất chợt qua phòng con, thấy mắt nó đỏ hoe, tôi hỏi : 
- Khóc hả con ?
- Dạ không, con cắt móng tay bị văng lên mắt...
Con nói sao nghe vậy, nhưng là một người mẹ, tôi hiểu con.
Vợ chồng tôi nói chuyện với con, không nhiều lắm nhưng đủ để con yên tâm về cuộc sống và chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của con, hướng con nên thi thêm lần hai, nhưng rồi con trả lời mẹ :
- Mẹ tưởng con không buồn, không tiếc sao ? Con tiếc lắm mẹ ơi, nhưng có nhiều lý do để con quyết định về. Con không cho phép tâm trí mình chìm vào nỗi buồn và những cảm xúc tiêu cực, con phải nhìn về phía trước để mà bước tới mẹ à.
Có thể một trong những lý do đó là tuổi già cô đơn của tôi và anh, vì có lần con nói khi xa gia đình, con biết trân trọng hơn những điều mà trước đây con coi đó là chuyện bình thường. Thôi thì đành vậy...


************

Nhớ lại những lần con được về thăm nhà. 

Mặc dù chỉ cần có mặt ở dòng trước giờ cơm tối nhưng lần nào cũng như lần nấy, cứ tầm ba giờ chiều là nó vội đi. Nó nói con phải đi để kịp giờ kinh chiều với anh em. Khi đi xe đạp, khi đi bộ ra đầu hẽm để lên xe bus, nhưng cứ ra khỏi nhà một đỗi là nó lại quay lại, tay vẫy vẫy, miệng cười với tôi. Tôi cười với con mà nước mắt cứ tự nhiên ứa ra, nhớ con kinh khủng.
Hôm đám tang Mai em dâu tôi, Nhiệm bạn tôi từ Bảo Lộc về Saigon, con cũng về. 
Tôi hỏi con :
- Con đã từng đi làm khá khá tiền, bây giờ chọn đời sống từ bỏ hết, có lăn tăn trong lòng không ?
- Cách đây vài ngày con đi tĩnh tâm ở Củ Chi, có đoạn tin mừng của thánh Luca mà con nhớ là : "Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó".
Nhiệm nghe con trả lời, sau đó bảo tôi :
- Quang trưởng thành về tâm linh nhiều đó Nga, nó không trả lời thẳng mà ý nhị để mình tự hiểu. Nhiệm cảm thấy mừng.
Con trai gần mẹ, hay thủ thỉ kể chuyện, tâm sự.
- Thỉnh thoảng có soeur người Philippine đến nhà dòng chơi, anh em tụi con có dịp nói chuyện, con khá Anh văn nên hạn chế nói, dành phần cho các anh em nói chuyện nhiều hơn.
- Con trai của mẹ nổi tiếng lắm nha : nhà ở Saigon, con một, giỏi tiếng Anh. Tiếng đồn lan sang nhà triết, mấy anh qua tìm coi mặt thằng Quang, nhưng con xem chuyện đó không quan trọng, anh em cũng nhiều người giỏi đàn, giỏi hát, giỏi nhiều thứ mà mẹ.
- Mẹ ơi ! Hôm nay cha Bề Trên nhờ con đi dạy tiếng Anh vì cha đang ở nước ngoài, các cha khác cũng không rảnh. Tiền dạy học cha cho con nhưng con không nhận, con góp sức cho nhà dòng thôi.
- Có gia đình ân nhân cần một phiên dịch cho đám cưới, cha sai con đi giúp. Chú rể người Mỹ, nhìn mặt hiền như một linh mục đó mẹ.
- Mẹ ơi ! Hôm nay con và hai anh em được đi cùng với cha thăm bệnh viện Nhân Ái, bệnh viện nuôi những người HIV.
- Mẹ ơi ! Cha Bề Trên gọi con đến gặp riêng cha, hồi hộp quá. Mấy anh em hù con là từ nào đến giờ cha chưa gặp ai, lần này gặp mày cha cho mày về. Mẹ biết không ? Cha hỏi thăm con nhiều điều và đưa sách cho con đọc.
- Mẹ ơi ! Con siêng học lắm, anh em cứ chọc con, xin một chút siêng của con. Anh em viết trên bàn của mình là "Học đi, không lười", xoay qua con, anh em nói "Lười đi, đừng học".
Tết về, con khoe với mẹ là các cha lì xì cho con một triệu.
- Con đưa để mẹ lì xì cho các em nha.
- Không cần đâu, mẹ đã chuẩn bị tiền cho con lì xì rồi nè. Con cứ giữ lấy để xài.
- Vậy con đi chơi ha mẹ.
- Ừ con.
Nhưng cuối cùng con lại ở nhà. Con nói :
- Con không đi đâu mẹ ơi, đi chơi vài ngày có tiết kiệm cũng hết một triệu. Gần nhà dòng có ba bà già sống một mình, trong đó có gia đình hai chị em mà một người phải ngồi xe lăn. Con sẽ lấy tiền cho các bà.
- Mẹ ơi ! Cha cho con thi triết trước một năm ở dòng Tên, con cảm thấy vui nhưng lo nhiều. Con chỉ muốn thi chung với anh em ở Đaminh thôi.
Cuối cùng thì cha cũng đồng ý cho con thi ở Học viện Đa Minh với anh em. Vì dòng Tên đào tạo ba năm, trong đó có một năm tiếng Anh mà con thì không cần phải học tiếng Anh nữa, học ở Đa Minh chỉ hai năm sau là con đi phục vụ, con sẽ đi phục vụ ở Châu Phi.
Con kể cô giáo dạy Văn cũng thường khen con với anh em.
Một năm học, chín tháng trời với những giờ kinh nguyện, với sự dạy dỗ bảo ban của các cha, của các thầy cô dạy học, sinh hoạt với các bạn cộng với ý thức vốn có của bản thân từ trước, con tôi thay đổi khá nhiều theo chiều hướng tích cực.
Vậy mà cũng có một lần suy nghĩ lệch lạc, con bị bố giận và mẹ la quá chừng. Về đến nhà dòng con nhắn tin cho tôi :
- Mẹ ơi ! Bây giờ con vào nhà nguyện để sám hối, xin Chúa tha tội đây.
Buổi tối hôm đó tôi gọi điện thoại hỏi thăm cha phụ trách :
- Cha ơi ! con trai của con là con một, cháu ở nhà cũng khá ngoan. Con không biết khi vào trong đó nó có làm phiền cha và các anh em khác không ? Xin cho con biết để con dạy bảo nó thêm.
Câu trả lời của cha là như thế này :
- Quang sống tốt lắm chị. Nó là một đứa luôn tìm tòi và khát khao về Chân, Thiện, Mỹ. Không có gì chị phải lo lắng đâu.
- Dạ, con cám ơn cha. Nếu nó có điều gì chưa đúng, xin cha nhân từ và kiên nhẫn với nó nha cha.
- Được chị. Chị cứ yên tâm.

Mùng ba tết, hai mẹ con hái lộc đầu xuân.
Lời này Chúa dành cho tôi : Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con (Mc 1,11).
Lời này của con trai : Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em (Lc 6,20)
Lời của Chúa đem đến cho con hi vọng và niềm vui.
Làm sao không vui cho được khi tất cả sự việc gần như hoàn toàn xảy ra theo chiều biến thiên thuận lợi từ bản thân con, từ hướng đào tạo của các cha, tôi có thể cho phép mình mơ ước một chút về ngày mai. 
Và lạy Chúa, như một người thợ dệt, con dệt đời mình theo suy nghĩ của con...

                                                                        ************                                                 


Gần hết một tháng hoa, tôi không đọc nổi một kinh kính mừng. Chỉ còn lại giờ thánh lễ hàng ngày với cộng đoàn, thế nhưng tôi luôn đắm chìm trong nỗi buồn. Từ lúc con đi, tôi đã chuẩn bị cho tuổi già của tôi và anh để con có thể yên tâm phục vụ ở miền quê nghèo trên đất nước Việt Nam hoặc ở một châu Phi xa xôi nào đó, con nói với tôi sẽ luôn tận dụng thời gian để cố gắng học hỏi, con mong con có thể truyền đạt mọi thứ một cách tốt nhất nơi con sẽ đến. Con là vậy... 
Tôi khóc nhiều mỗi khi đứng trước ảnh Thánh tâm Chúa, tôi để nước mắt mình rơi trên ngực, nơi có trái tim Chúa mà tôi thường hay hôn mỗi ngày, tôi nói : con giận Chúa rồi, món quà quí nhất đời con, con tặng Chúa không một chút tiếc nuối mà Chúa chê, Chúa trả lại cho con. Chúa hiểu lòng con mà, con quí ơn gọi biết bao. Khóc thì khóc một mình vậy, nhưng trước mặt con, lúc nào tôi cũng cười.
Khải Tú nói với tôi : con đi cũng khóc, con về cũng khóc, biết sao chiều nổi đây trời !
Cha Trúc nhắn tin cho tôi : Cô nói Quang đừng buồn, năm sau thi tiếp, có những thử thách biết trước, có những thử thách bất ngờ...
Tâm hồn tôi trĩu nặng, tôi không biết Chúa đang thử thách để muốn con quyết tâm theo Ngài hay đây là dấu chỉ để con ngừng lại. Chúa cứ im lặng, làm sao tôi hiểu Chúa muốn gì ở tôi ?
Đúng là chồng tôi không muốn con đi chút nào vì mỗi lần con về thăm nhà, anh hay hỏi :
- Ổn không con ? Không ổn thì về.
Bao giờ cũng là câu trả lời : con ổn, bố đừng lo.
Hỏi thì hỏi vậy nhưng anh vẫn muốn con thành công, đi trọn con đường ơn gọi.
Còn tôi chỉ nhẹ nhàng : Chúa gọi thì con cứ đi, nhưng năm nay đã ba mươi tuổi rồi, được hay không thì quyết định chứ đừng để lâu.

Tôi thân với chị Mười, với Mơ, với chị Vũ Loan, các bạn ngày xưa của tôi hiện vẫn ở trong dòng. Các bạn luôn chia sẻ và đồng hành với tôi trong ơn gọi của con ngay từ những ngày đầu tiên. Cả Út Mười dòng kín Clara, dù chỉ mới quen thời gian gần đây nhưng em thường nhắn tin, cầu nguyện, em đề nghị con tìm hiểu ở một dòng khác và tha thiết tìm dòng mới cho con, Út chỉ mong con đến gặp Út để trở về với ơn gọi sống đời  thánh hiến...

Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tôi lại buồn, lại khóc nhiều hơn.

Tôi nghĩ nếu con còn ở trong dòng thì ngày lễ bổn mạng hôm nay chắc vui lắm. Trong cuộc đời mình. chưa có lần nào, tôi có nhiều cảm xúc thiêng liêng về Chúa Thánh Thần như hôm nay. 
 ***********

Con đi làm, đồng nghĩa với việc cuộc đời sang một trang mới.

Món quà quí giá mà Chúa Thánh Thần đã tặng cho gia đình tôi là con trai đã có công việc mới trước ngày lễ của Ngài. Ngài muốn tôi đừng khóc nữa.
Qua công việc của con, tôi thấy rõ một điều : có khi tìm hoài mà không được. Nhưng khi Chúa muốn, điều tưởng rất khó lại trở nên hết sức nhẹ nhàng và đơn giản. 
Lạy Chúa
Nơi mà con đã từng ao ước được đến
Khi đón nhận cuộc đời với những điều không như ý, xin cho con được can đảm nói với Chúa rằng : Xin hãy thể hiện thánh ý Chúa trên cuộc đời con vì Chúa biết điều gì tốt cho con. Chỉ xin cho con vững một niềm tin yêu, trông cậy và phó thác hoàn toàn đời mình trong bàn tay quan phòng và lòng thương xót của Chúa.
Cho con biết vui tươi đón nhận mảnh đời mà Chúa dệt cho con, để con đừng quá buồn phiền trách móc khi bàn tay Chúa bỗng cắt ngang hàng chỉ.
Bước đi theo Ngài, Ngài không để con phải thiệt thòi, uổng phí thời gian.
Bước đi theo Ngài, đời con bình an.

Một tháng mừng kính Mẹ trôi qua, con chỉ có những đóa hoa buồn. Thế nhưng Mẹ vẫn âm thầm can thiệp tình yêu Chúa trong đời sống gia đình con bằng công việc mới của con trai, có thuận lợi và cả những thử thách...
Xin Mẹ rất nhân từ hãy thương yêu gìn giữ con trai con như ngày xưa Mẹ từng nâng niu yêu thương Chúa Giêsu những tháng ngày thơ ấu, đồng hành khi Chúa trưởng thành, khi Chúa bước từng bước chân nặng nhọc trên đường thánh giá và cuối cùng là sự im lặng khổ đau trên đỉnh đồi Calvariô. 

PS : Mẹ gom tất cả những lời con kể thành một trang kỷ niệm đẹp, tặng con để thêm chút hành trang thiêng liêng trong cuộc đời. Xin cho con dù ở môi trường nào cũng vẫn là một người con ngoan hiền của Chúa, của Mẹ Maria và của gia đình nhỏ của mình, nhé con.
Xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho con.

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Số phận

Chỉ một tích tắc, sớm hơn một vài giây, chậm lại một phút có thể thay đổi cả một thế giới, đổi thay cả cuộc đời, có tất cả hoặc mất tất cả chỉ sau một khoảnh khắc chúng ta chọn lựa hay ngẫu nhiên.
Với trường hợp của riêng bà cháu tôi, chỉ cần nhanh một phút hay chậm lại một phút đã không hề gặp người say trên đường, rất may vì có Chúa luôn đồng hành, bàn tay Người đã chở che đã gìn giữ an lành không hề nguy nan dù tưởng như mình đã không thể còn tồn tại.

Đường vắng ngắt như của riêng chúng tôi, tài xế chạy 150 km một giờ, xe lao đi như tên bay làm tôi hơi kinh sợ và thầm cầu nguyện với Đức Mẹ, xin cùng đi với con, nhìn tài xế nhấn ga nhanh hơn 160 km lòng tôi thấp thỏm nhưng vững tin vào Mẹ, có gì mà phải lo sợ, tôi ngồi cạnh tài xế, xa thật xa phía trước có một xe cũng phóng như tên bay, trời tối đen như mực, tôi chẳng nhìn thấy gì, nghe rầm một cái như bom nổ, xe loạng choạng nghiêng lật, may là tài xế rất vững và từng lái xuyên quốc gia, từ Đức sang Bỉ để đến Pháp chỉ mất 6 tiếng, chạy một lèo chỉ ngừng để đổ xăng và ghé nhà nghỉ khoảng 20 phút là đến Pháp lúc 9 giờ sáng. Vì là sáng Chúa Nhật, người Châu Âu họ còn ngủ say, các khu buôn bán và business đóng cửa để dành thời gian cho gia đình và đi nhà thờ cảm tạ Chúa. Bà cháu tôi lặng người không biết chuyện gì đang xảy ra, trong tích tắc mở mắt ra tôi biết mình chưa chết, nhìn trong bóng đêm, kẻ say rượu lái xe đâm vào xe chúng tôi. tài xế xe kia sau khi gây tai nạn đã bỏ chạy nhạnh như chớp, Mỹ gọi là : HIT AND RUN

Lúc bấy giờ tôi mới kịp kêu lên : Chúa ơi ! Chúa ơi ! Thật kinh hoàng, kính chiếu hậu bên trái để chuyển làn đã gẫy vụn, nhưng trên xe cả bốn người đều an toàn không thương tích, tài xế định thần rượt đuổi chiếc xe định bỏ chạy trên freeway, chạy kiểu này chỉ có chết thôi, tôi can và xin đừng rượt theo nhưng không thể. Cuộc rượt đuổi sát sao, chiếc xe bỏ chay ra đường nhỏ lẩn trốn, tài xế xe tôi lanh trí vừa tin còi, vừa pha đèn, thoáng chốc đã dí sát ép chiếc xe đó phải dừng lại, xuống xe là một người đàn ông cao to người Bỉ chừng 40 tuổi, mặc vest. Trái với bề ngoài nhìn lịch sự, đẹp trai, ông ta rất là hung hăng, định đập cửa kính xe bên tôi ngồi, đã thế còn la hét bằng tiếng Pháp, nhưng tài xế xe chúng tôi không hề sợ.
Sau vài phút ông ta nhanh chóng leo lên xe bỏ chạy như tên bay trong màn đêm.
Tài xế bên xe tôi lại định vào xe rượt tiếp, Lúc này tôi nói đủ rồi, cháu trai đã chụp hình số xe và quay video cảnh tượng khi nãy, không cần rượt theo nữa làm gì, khi cãi cọ, chúng tôi nói tiếng Anh, tài xế nói tiếng Đức, tên đụng xe chúng tôi bỏ chạy nói tiếng Pháp.
Ôi ! ba thứ tiếng chẳng ai hiểu ai, chỉ có một điều duy nhất mà tôi hiểu là anh ta đã uống bia rượu nên mới đụng rồi bỏ chạy vì phạm luật, nếu xe chúng tôi bị lật chết hết hay bị thương nặng hôn mê thì giờ đây con người đó hoàn toàn vô trách nhiệm khi đường khuya vắng, chắc anh ta nghĩ mình đã chạy thoát.

Sau đó chúng tôi chạy lòng vòng kiếm sở cảnh sát của Bỉ mất cả tiếng mới nhìn thấy Ty cảnh sát của tỉnh, may mắn ông cảnh sát biết chút ít tiếng Anh, nhưng lại không biết tiếng Đức. Ngồi đợi khoảng 15 phút thì một bà cảnh sát ra biết cả hai thứ tiếng để nghe chúng tôi khai báo. Bà cảnh sát gọi tôi ra riêng lấy lời khai xem có ăn khớp với tài xế và cháu tôi không, mất khoảng một tiếng mới xong bản báo cáo, ký tên. Sở cảnh sát cam kết sẽ bắt được tên đó ngay ngày Chúa Nhật.
Tiếp tục lên đường sang Pháp với tốc độ chậm như rùa vì xe bị gẫy cánh, phải nhìn thật kỹ mới có thể sang làn bên trái an toàn.Khi đến Pháp vào thành phố còn nguy hiểm hơn vì xe chạy giống bên Việt Nam, mạnh xe nào nhanh cứ lủi, không ai nhường ai, có cọ quẹt cũng chẳng sao, luật rừng, Việt Nam mình ảnh hưởng Pháp nên dòng xe chạy tựa nước mình.
Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cùng đi với chúng con và gìn giữ bà cháu con an toàn.
Chúa ơi ! tình Chúa bao la, Người luôn ẵm chúng con trên vai.


(Chị PK)

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

Cuộc trùng phùng bi thảm

Theo đoàn quân tiếp thu Sài gòn mà lòng ông Hai Chi rối như tơ vò. Ông và hầu hết các đồng chí của ông ngơ ngác tưởng như chuyện mộng mị không thể nào xảy ra. Chính đơn vị của ông bị đánh tan tác gần như phải xóa sổ trong mùa hè 1972, đến nay vẫn chưa bổ sung xong, và đám bộ đội còn sống sót cũng chưa kịp hoàn hồn. Vậy mà Ban Mê Thuột mất, Tây Nguyên, Vùng 2, đến Vùng 1 có lệnh bỏ, để rồi cả miền Nam thất thủ chỉ trong vòng bốn mươi lăm ngày. Có lẽ những người ngồi trong Bộ Chính Trị ngoài Hà Nội cũng còn bất ngờ, huống hồ Hai Chi, chỉ mang quân hàm thiếu tá, làm sĩ quan hậu cần của một sư đoàn nằm tận vùng rừng núi Tây Nguyên heo hút..

Từ ngày vào bộ đội, ông Hai Chi luôn bị điều về những đơn vị chiến đấu. Nhờ phước đức mấy đời nên còn sống cho đến ngày tàn cuộc chiến. Không chết, nhưng trên người, và có thể cả trong lòng ông còn mang nhiều thương tích. Vết thương nặng nhất khi đơn vị ông bị B.52 dội bom trong trận Hạ Lào. Tiểu đoàn do ông làm thủ trưởng chỉ còn lại dưới 50 người. Nhờ thương tích ấy ông được điều về Sư Đoàn 320 làm cán bộ hậu cần. Mùa hè năm 1972, cả sư đoàn từng mang danh là Sư Đoàn Điện Biên hay Sư Đoàn Thép này gần như bị xóa sổ, khi tướng Hoàng Minh Thảo tung vào trận địa Kontum với ý đồ chiếm lấy Tây Nguyên, làm bàn đạp tiến xuống đồng bằng. Nhờ làm việc ở hậu cần nên ông Hai Chi sống sót để cuối tháng 4/75 có mặt trong đoàn quân ngơ ngác về tiếp thu Sài gòn.

Hai Chi chỉ là bí danh. Tên thật của ông là Nguyễn Công Chính, con cả của một gia đình gốc tiểu tư sản. Quê ở Hải Phòng. Trước 54 gia đình làm chủ một tiệm bán xe đạp và sản xuất xăm bánh xe. Bố mẹ sinh được năm người con, nhưng cả ba cô con gái mất sớm, chỉ còn hai cậu con trai, Hai Chi và người em út, nhỏ hơn đến mười một tuổi. Khi ông đang học Y khoa ở Đại Học Hà Nội, thì trận chiến Điện Biên Phủ kết thúc với sự thắng lợi của phe Việt Minh để Pháp phải ký Hiệp Định Genève, chia đôi đất nước. Từ vĩ tuyến 17 trở ra cả miền Bắc thuộc về Cộng Sản. Làn sóng di cư đổ xô về Hải Phòng, quê ông, nơi có những chiếc tàu há mồm chở họ vào Nam. Bị lực lượng Việt Minh tìm mọi cách ngăn chặn, nên khi ông về đến được Hải Phòng, thì nhà cửa đã bị tịch thu, không tìm được bố mẹ và người em trai của mình. Ông phải bỏ Hải Phòng, bỏ cả con đường trở thành bác sĩ, lên sống với một bà dì trên Ý Yên, Nam Định.

Nhờ có trình độ học vấn và phấn đấu liên tục để giấu đi gốc gác con nhà tiểu tư sản, ông được cho theo học khóa sĩ quan. Nhưng sau này, khi hầu hết bạn bè cùng khóa lên đến cấp đại tá, thiếu tướng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội hay công an, có người còn lọt vào Bộ Chính Trị, thì ông Hai Chi cứ vẫn là thiếu tá tiểu đoàn trưởng và cuối cùng, sau khi bị thương, được điều về làm cán bộ hậu cần của một đơn vị bại trận, cần thời gian để “biên chế”, bổ sung.
Giữa tháng 3/75 Ban Mê Thuột mất, rồi Quân Đoàn II và Quân Đoàn I gần như xóa sổ, sau những kế hoạch triệt thoái tồi tệ nhất trong lịch sữ chiến tranh, để cuối cùng ngày 30/4/75 cả miền Nam rơi vào tay Cộng sản.

Sư Đoàn 320 từ Tây Nguyên cũng được tăng cường cho đoàn quân tiến về Sài gòn, khi Cộng quân bị các đơn vị VNCH chặn đánh tại tuyến Long Khánh gần hai tuần lễ gây tổn thất khá nặng nề. Chiến tranh kết thúc, ông Hai Chi được chỉ định bổ sung cho đoàn cán bộ tiếp thu Tổng Kho Long Bình của QLVNCH bỏ lại. Sau thời gian quân quản, ông là một trong số những cán bộ may mắn được “biên chế” ở lại miền Nam . Nhiệm vụ của ông là kiểm kê và tổ chức chuyển hàng trong các kho về miền Bắc. Từng đoàn xe liên tục từ Nam ra Bắc suốt ngày đêm, chở theo các loại chiến lợi phẩm, không những đã tịch thu được của Quân Đội hay Chính Phủ mà của cả dân chúng miền Nam, nhất là sau kế hoạch “Đánh Tư Sản”. Lúc này trong dân gian truyền miệng một câu nói khá đau lòng mà lý thú: Đất nước thống nhất để miền Nam thì nhận họ, còn miền Bắc thì nhận “hàng”. Như con chuột gầy sa hũ nếp, ông Hai Chi trở nên giàu có. Ngôi biệt thự tại thành phố Biên Hòa tịch thu từ gia đình một tư sản gốc Hoa được cấp cho ông, cũng là nơi để ông cất giấu hàng ngàn cây vàng kiếm được. Một năm sau, vợ và đứa con trai của ông cũng từ ngoài Bắc được chuyển vào ở với ông. Học đòi một chút vương giả, bà vợ muốn có người ở, phụ bà lau nhà rửa bát và để cho bà có người sai vặt. Nhưng ngại nếu thuê mướn một người lớn, chuyện “làm ăn” và cả sinh hoạt trong nhà dễ bị “tai vách mạch rừng” lọt ra ngoài, nên sau khi bàn tán kỹ lưỡng, vợ chồng Hai Chi quyết định đi xin một đứa con nuôi. Vừa có một đứa đầy tớ không mất tiền thuê, vừa được tiếng nhân từ, giữ “truyền thống đạo đức cách mạng”.

Vợ chồng ông Hai Chi tìm đến các viện cô nhi để tuyển lựa “đối tượng”. Ông bà muốn có một đứa con gái khoảng 7-8 tuổi, khỏe mạnh và mặt mày sáng sủa. Cuối cùng vợ chồng cũng được như ước muốn. Khi bà soeur “quản nhiệm” Cô nhi viện Biên Hòa dắt con bé ra giao, bà chỉ cho biết con bé tên Phượng, 8 tuổi. Bố mẹ đã chết trong trận đánh Long Khánh. Có người thấy nó ngồi khóc trên vỉa hè nên mang về nhà nuôi. Một thời gian sau “giải phóng” gia đình này trở nên túng quẫn, không có đủ cơm ăn, đúng lúc con bé lại bệnh hoạn không sai bảo gì được, nên đã mang cháu đến giao cho cô nhi viện. Lúc ấy cô nhi viện cũng lâm vào cảnh khốn khó, nhưng các soeur không nở chối từ, chia bớt phần ăn của mình, lo chữa trị và nuôi dưỡng cháu lành bệnh, ngày một khỏe mạnh, xinh xắn..

Thực ra, thì soeur quản nhiệm biết bố của Phượng là lính Cộng Hòa, qua lời kể dù không rõ ràng lắm của cháu, nhưng trong thời buổi nhá nhem còn đầy không khí hận thù lúc ấy, soeur luôn dặn dò Phượng phải giấu kín điều này không cho ai biết. Ông Hai Chi làm khai sanh cho con bé, đặt tên Nguyễn Thị Hồng Phượng, để nhớ tới thành phố “Hoa Phượng Đỏ” Hải Phòng, quê hương ông.

Những năm 1978 – 1979, bọn cầm quyền cộng sản muốn đuổi những người Viêt gốc Hoa ra khỏi nước nhằm cướp hết tài sản của họ, bày ra chiến dịch quái đản, được người ta đặt tên là “Ra đi bán chính thức”. Nhờ biết tiếng Hoa và có nhiều kinh nghiệm trong các đường dây mua bán, ông Hai Chi lại được “đồng chí” Mười Vân (tên trên giấy tờ là Nguyễn Hữu Giộc) , Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai móc nối vào tổ chức “đen”, vừa đi tìm những người Việt gốc Hoa giàu có (và cả những người không phải gốc Hoa nhưng chịu chi nhiều vàng để nhận hồ sơ Hoa kiều giả), vừa cho đám đàn em lập ra những toán “lâm tặc” chiếm cứ, làm chủ các khu rừng, chặt hết gỗ quý đóng tàu bán với giá rất cao cho các nhóm người Hoa “ra đi bán chính thức”. Bọn họ mở nhiều xưởng cưa, nhiều cơ sở đóng tàu. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hai Chi đã trở thành đại gia, một nhà tư bản đỏ đầy quyền lực.

Bé Hồng Phượng lớn lên theo nhịp độ phát đạt của gia đình ông Hai Chi cùng nỗi cơ cực của một ô-sin. Điều may mắn duy nhất, cũng có thể do ông bà Hai Chi muốn tránh tiếng xấu, Phượng được cho đi học lớp đêm, và nhờ vào tính thông minh cần mẫn, Phượng học rất giỏi.
Điều may mắn khác, nhưng lại trở thành tai họa cho Phượng, là càng lớn Phượng càng xinh đẹp. Năm lên 16, nhan sắc của Phượng đã làm si mê bao cậu học trò. Và người say mê nhất lại là Diệp, thằng con trai duy nhất của ông bà Hai Chi. Diệp lớn hơn Hồng Phượng 3 tuổi và khi ấy đang là sinh viên của Trường Đại Học Bách Khoa. Mỗi lần Phượng ra ngoài, Diệp tìm mọi cách đi theo, ngăn chặn bất cứ gã con trai nào muốn tán tỉnh Phượng, lấy cớ là anh trai của Phượng. Ở nhà, Diệp thường bênh vực Phượng, trách cứ mẹ đã bắt cô em nuôi phải làm quá nhiều công việc.

Chưa bao giờ Diệp tỏ ra mình là một ông anh nhân từ tốt bụng như lúc này. Hơn nữa cậu ta cũng nể nang, tôn trọng nết na hiền thục cùng sự khôn ngoan của Phượng. Bà Hai Chi vốn nuông chiều cậu quý tử nên không dám làm Diệp buồn lòng. Điều này làm bà khó chịu, nhưng đó không phải là điều mà bà lo ngại. Điều lo âu nhất của bà chính là ông Hai Chi, mỗi lần bà bất ngờ bắt gặp đôi mắt của ông chồng say đắm nhìn cô con gái nuôi trong tuổi dậy thì xinh đẹp, cũng là con bé ô-sin của nhà bà.

Ngày xưa, sau khi kết thúc chiến tranh, ông cũng nể nang cái tình bao năm chờ đợi và thương cảm cảnh khổ của bà, nhưng kể từ ngày kiếm ra nhiều tiền, ông tỏ ra uy quyền và lơ là chăn gối với bà. Bà tìm mọi cách để giữ chồng. Nhờ người giới thiệu một số bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ tiếng tăm ở Sài gòn, chịu bỏ ra một số tiền khá lớn, bà là một trong những người Hà Nội 75 sửa sắc đẹp sớm nhất. Nhờ tài năng của mấy ông bác sĩ miền Nam còn sót lại, nhan sắc của bà có khá hơn nhiều lắm, nhưng so với những cô gái miền Nam, thì bà vẫn chỉ thuộc loại hàng phế thải được “tân trang” phần bên ngoài. Không đủ hấp dẫn ông chồng đang trên đà “đổi mới tư duy”

Vốn là con gái của một gia đình cộng sản, và sống bao nhiêu năm dưới chế độ tàn ác man rợ này, bà đã học được biết bao mưu chước và thủ đoạn để hại người. Trước mắt chồng con, bà luôn tỏ ra thương yêu nhỏ nhẹ với Phượng, nhưng trong đầu đang bày mưu tính kế để hãm hại cô bé mồ côi tội nghiệp này.

Ban đầu bà tính tạo cơ hội cho Diệp, thằng con trai duy nhất của bà cướp đi đời con gái của Phượng, để cho ông chồng già chứng kiến, bỏ cuộc, rồi lấy cớ đuổi Phượng đi, nhưng ngẫm nghĩ thấy mưu kế này có thể là con dao hai lưởi, không chừng thằng quý tử của bà mê luôn Phượng và quyết lấy Phượng làm vợ thì quả là tai họa, gậy bà lại đập đúng lưng bà! Không thể nào để con trai một của cán bô đại gia đi lấy con ô-sin. Cuối cùng bà nghĩ tới tay đàn em thân tín của ông. Bà để ý mỗi lần đến nhà, thấy Phượng là anh chàng này như kẻ mất hồn, nhìn chăm chăm vào Phượng rồi bất ngờ giật mình, sượng sùng quay đi chỗ khác. Hắn e ngại vì dù gì Phượng cũng là con gái nuôi của ông Hai Chi. Hắn tên Đạt, thượng úy công an, tay chân đắc lực của gã Mười Vân, giám đốc công an tỉnh, được “đặc phái” tới làm việc bên cạnh ông Hai Chi trong tổ chức “đen”, móc nối đưa người Hoa ra đi và phá rừng lấy gỗ.

Đạt có vợ, một con mang từ miền Bắc vào. Nghe nói cô vợ, trước kia là một “bộ đội gái”, từng mấy năm ở trạm giao liên trên miệt Trường Sơn trong thời “chống Mỹ”, phục viên khi chiến tranh kết thúc, nhưng con vi trùng bệnh sốt rét rừng vẫn còn mai phục trong máu, nên trông khá xanh xao vàng vọt.

Bà Hai Chi biết Đạt mê mệt cả nhan sắc lẫn thân hình của cô con gái nuôi đang độ dậy thì, nên đã dễ dàng dụ chàng ta vào kế hoạch. Hắn ta bất ngờ như trúng số độc đắc cặp mười, đưa tay thề xin hứa sau này sẵn sàng làm bất cứ mệnh lệnh nào của bà. Bà đích thân ra chợ trời tìm mua mấy gói thuốc ngủ. Tổ chức buổi cơm cuối tuần, gọi Đạt đến nhậu nhẹt cùng chồng như mọi khi. Trong bữa ăn, ông Hai Chi, Đạt và cả thằng Diệp thi nhau uống rượu ngoại. Chỉ có bà và Phượng uống nước cam vắt do chính tay bà làm. Trong bếp, bà đã lén bỏ vào ly nước của Phượng mấy gói thuốc ngủ mà bà đã tán nhỏ ra bột. Khuya hôm đó sau khi thấy Phượng thắm thuốc, ngủ say, bà mở cửa gọi Đạt vào để hiếp Phượng.. Bà giả vờ vào phòng nằm với chồng, chờ tiếng ho, như là một ám hiệu của Đạt, sau khi đã thỏa mãn cơn dục tình thèm khát bấy lâu nay. Bà chuẩn bị lấy giọng để la lên cho cả ông Hai Chi và thằng Diệp chứng kiến cảnh Phượng đang lõa lồ sau khi ân ái với thằng đàn em thân tín của ông. Bỗng dưng bà nghe nhiều tiếng động và sau đó là một tiếng súng nổ chát chúa từ phòng của Phượng. Không cần gọi, tất cả ông Hai Chi, thằng Diệp và bà vội vàng chạy ùa vào. Một cảnh tượng kinh hoàng. Đạt nằm trần truồng trên vũng máu, còn Phượng nép vào góc phòng hai tay còn cầm chặt khẩu súng K54 sẵn sàng nhả đạn tiếp.

Ông Hai Chi năn nỉ dụ dỗ mãi, Phượng mới đưa khẩu súng cho ông. Nhưng thằng Diệp vội vàng giật lấy khẩu súng từ tay cha với ý định xử tội Đạt. Trong lúc giằng co, một phát đạn nổ, may mắn không gây thêm thương tích. Tay thượng úy Đạt bị thương rất nặng ở vùng bụng, được xe cứu thương chở vào bệnh viện Biên Hòa cứu chữa, sau khi ông bà Hai Chị vội vã mặc áo quần vào cho hắn. Thằng Diệp hò hét chạy theo đòi giết hắn ta. Bà Hai Chi thì rất đỗi ngạc nhiên, cứ nghĩ rằng mấy gói thuốc như vậy, nhất định sẽ làm Phượng say ngủ mê man tới sáng, tại sao lại có thể giật súng bắn thằng Đạt. Sau này, bà nhờ bác sĩ thử nghiệm, kết quả: bình thường. Hóa ra thuốc bán ngoài chợ trời chỉ là thuốc giả.

Tay Đạt thoát chết nhưng bị cắt đi một khúc ruột và mất khá nhiều máu. Phượng bị bắt giam. Thằng Diệp đòi ra công an làm chứng, tố cáo Đạt hiếp dâm và Phượng chỉ tự vệ. Nhưng ông bà Hai Chi vừa quyết liệt ngăn cản vừa năn nỉ. sợ mang thêm tai họa. Bà Hai Chi lo lắng bị lộ ra cái quỷ kế ác độc của bà. Còn ông Hai Chi thì nghĩ Đạt là đàn em thân tín của tay Mười Vân, giám đốc công an tỉnh, quyền uy như ông vua một cõi. Đến các “đồng chí” phó bí thư, ủy viên thành ủy còn bị hắn ta lập kế bắt giam năm ngoái. Vả lại tay Đạt cũng chưa làm gì được thì đã ăn đạn rồi. Hắn ta chủ quan, cứ tưởng là Phượng đã say thuốc ngủ. Trút bỏ hết áo quần và cả khẩu “súng ngắn” để trên giường, trước khi đưa hai bàn tay sàm sỡ lên người Phượng. Chưa kịp bàng hoàng khi bất ngờ bị Phượng đạp mạnh xuống giường thì một phát súng đã nổ vào bụng. Cuối cùng Phượng bị tạm giam để đưa ra tòa án nhân dân, với cái tội “phản động”đã định sẵn. Các báo cho đăng tải tin tức này theo chỉ thị: “tàn dư Mỹ Ngụy dùng mỹ nhân kế ám sát cán bộ cách mạng”

*****

Trận chiến Long Khánh, dưới tài chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo, đại quân CS bị các đơn vị VNCH chặn đánh tan tác. Đặc biệt hai quả bom CBU được thả xuống địa điểm “tập kết” của địch, giết cả hai trung đoàn “sinh Bắc tử Nam”. Mang hận thù này, nên sau khi chiếm được Long Khánh, bọn chúng đã bắn giết dã man bao người dân vô tội, trong đó có mẹ của Phượng. Khi xông vào nhà, thấy tấm ảnh của bố Phượng treo trên vách, mang quân phục và cấp bậc VNCH, chúng đã bắt trói mẹ Phượng dẫn đi. Phượng chạy theo khóc kể, rồi lạc vào một nơi xa lạ đầy những xác người, sợ hãi, không còn biết đường về. Bố của Phượng là sĩ quan thuộc một Liên Đoàn Biệt Động Quân từ Vùng 3 tăng phái cho Vùng 2, bị bắt lúc bị thương trên đường di tản theo Tỉnh Lộ 7B từ Pleiku vào giữa tháng 3..75. Ông bị cầm tù qua rất nhiều trại. Nhiều năm sau không hề biết được tin tức vợ con, ông nghĩ là tất cả đã chết vì biết có những trận đánh lớn tại Long Khánh trước ngày mất nước.

Ngày 2/ 9 năm 1984, ông được thả. Ra tù, ông vội vã tìm về Long Khánh. Ngôi nhà của cha mẹ để lại, nơi vợ con ông đã sống từ ngày sinh ra Phượng, đã bị “cách mạng” tịch thu. Người chủ mới là một gã công an. Khi nghe ông hỏi thăm vợ con mình, những người chủ đích thực của căn nhà này, gã công an trợn mắt nhìn chằm chặp vào ông rồi thốt ra mấy tiếng cộc lốc, lạnh lùng: “tôi không biết, hỏi làm gì?”, bằng giọng đặc sệt Nghệ Tĩnh rất khó nghe. Khi đến trình diện công an xã, ông bị chỉ định về trình diện chính quyền trong một Khu Kinh Tế Mới nằm sâu trong núi để được tạm trú và quản chế. Một nơi ông hoàn toàn xa lạ, không có bất cứ một người thân quen nào.

Ông đón xe đi Biên Hòa, nơi có trại gia binh nằm bên cạnh doanh trại của đơn vị ngày xưa. Chắc chắn là trại gia binh đã bị tịch thu, nhưng hy vọng tìm được người tài xế và vài người lính cũ có thể còn ở lại gần đâu đó. Họ là những người thân thiết cuối cùng còn lại trong đời ông. Ông muốn đến thăm và tìm hiểu tình hình hầu tìm một con đường sống.

May mắn, anh tài xế vẫn còn ở căn nhà cũ phía ngoài trại gia binh. Căn nhà tôn mà trước kia vợ chồng anh đã hốt hai đầu hụi và mượn thêm cả một tháng lương của ông để mua với giá rẻ, mở cái quán nước nhỏ, bán cho anh em lính. Bây giờ cái quán không còn, nhưng anh hành nghề xe ôm với chiếc Honda từ đời 70 còn lại, nên cuộc sống cũng đáp đổi qua ngày. Thầy trò gặp nhau bất ngờ như từ cõi chết trở về, vừa vui mừng vừa cảm động. Anh tài xế ôm chầm lấy ông, bảo hết mình lo lắng cho ông Thầy. Anh bảo vợ và thằng con trai lớn chạy đi báo tin, gọi thêm hai anh em cùng đơn vị cũ còn ở lại trong vùng. Mỗi người góp một tay, làm mấy món nhậu uống mừng được gặp lại ông Thầy.

Men rượu ngà ngà, nước mắt ông cũng đầm đìa vì cảm kích cái tình huynh đệ, và nhớ tới những anh em đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên con đường 7 B oan nghiệt, tất cả đều chết trong tức tưởi. Bỗng tất cả im lặng hướng về chiếc máy truyền hình nhỏ để trên tủ thờ trước mặt, khi nghe giọng nói sắc máu của người nữ xướng ngôn viên thông báo trực tiếp phát sóng: Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Nai xét xử một cô gái mang tội “phản động, âm mưu ám sát cán bộ cách mạng”. Ông há hốc miệng, đôi mắt ráo hoảnh, khi nhìn thấy cô con gái đứng trước vành móng ngựa, hai tay bị còng, phía sau là một đám công an cả nam lẫn nữ mặt mày đằng đằng sát khí. Cô bé giống vợ ông như đúc. Khuôn mặt hiền lành xinh đẹp này ông đã gặp bao nhiêu lần trong giấc mộng, suốt hơn chín năm tù. Không kịp giải thích, ông bảo anh tài xế tìm mọi cách giúp chở ông thật nhanh đến tòa án Biên Hòa, nơi phiên xử mới bắt đầu.

Chỉ hơn 10 phút sau anh tài xế và ông đã có mặt. Phiên tòa đang tiếp tục phần “buộc tội” của một bà được gọi là đại diên Viện Kiểm Sát Nhân Dân. Ông giật mình khi nghe tên cô con gái “thủ phạm” là Nguyễn Thị Hồng Phượng. Đứa con gái duy nhất của ông có tên Nguyễn Lê Tuyết Phượng. Chưa kịp hình dung trọn vẹn hình ảnh người vợ và đứa con gái năm tuổi, khi ông được ba ngày phép về nhà đưa cháu vào bệnh viện mỗ tim rồi vội vàng chia tay lần cuối cùng để ra đơn vị, thì một điều bất ngờ khác làm ông bàng hoàng hơn: Người nhân chứng được gọi lên cung khai có tên là Nguyễn Công Chính, trùng tên với ông anh cả, đã thất lạc trên ba mươi năm, sau ngày ông cùng bố mẹ di cư vào Nam. Khi nhìn kỹ Nguyễn Công Chính bước lên vị trí nhân chứng, ông sững sờ nhận ra ngay, đó đúng là người anh ruột của mình. Dù dung mạo có đổi thay, nhưng ông không thể nào nhầm lẫn được. Với con mắt hơi lồi và hàm răng vễnh của bao năm trước. Lúc còn bé, ông anh còn có tên gọi trong nhà là cu Tun. Ông đứng bật dậy, định gọi lớn tên anh mình, nhưng kịp nhớ ra đang ở trong phiên tòa, và bản thân mình cũng là người tù chưa trình diện nơi quản chế. Lòng dạ rối bời, ông chưa kịp trấn tĩnh để nghe nhân chứng vừa nói điều gì, thì bỗng có tiếng la từ hàng ghế phía trước. Một cậu thanh niên đứng bật dậy, hét to:
– Tôi là Nguyễn Công Diệp đã đủ tuổi để xin làm nhân chứng.. Tôi chứng kiến tận mắt, ông thượng úy Đạt định hiếp Phượng, cô em nuôi của tôi. Em tôi chỉ phải tự vệ bằng chính khẩu súng của ông Đạt.

Bất chấp tiếng búa gõ và phản đối ra lệnh ngồi xuống của chủ tọa phiên tòa, cậu thanh niên vẫn tiếp tục:
– Khi bị bắn, ông Đạt nằm trần truồng ngay dưới giường ngủ của em tôi, chứ không phải mặc nguyên áo quần công an như bố tôi vừa nói. Tôi phản đối.

Tất cả nhốn nháo. Có lệnh tạm ngưng phiên tòa, buổi chiều sẽ nghị án. Ông Trực vội vàng chạy tới Phượng, nhưng chưa kịp nói điều gì thì mấy gã công an đã đẩy Phượng đi. Ông chạy ra hành lang tìm gặp Hai Chi. Ông ta bỏ đi trước một mình khi vợ và đứa con trai đang còn lớn tiếng cãi nhau

Khi thấy có người đập mạnh trên vai, ông Hai Chi quay lại, nhưng chưa kịp nhận ra ai. Nước mắt ràn rụa, giọng nói dường như nghẽn lại, ông Trực cố gắng lắm mới thốt ra lời:
– Anh Cu Tun ơi! Em là Trực, Nguyễn Công Trực, em út của anh đây. Cháu Phượng là con gái của em!

Ông Hai Chi khựng lại, sững sờ, trố mắt nhìn. Trời đất như quay cuồng trước mặt khi ông vừa nhận ra đứa em thất lạc đã gọi đúng cái tên cúng cơm của mình mà cả vợ con ông cũng chưa hề biết. Ông kéo tay ông Trực ra xa, đến dưới một bóng cây bên kia đường vắng. Trời đang vần vũ một cơn mưa. Cả hai đều chưa biết tung tích của nhau, nhưng riêng ông Trực thì đã đoán ông anh của mình phải là một cán bộ cộng sản cao cấp, với cái vẽ bệ vệ của ông cùng sự sang trọng của bà vợ và đứa con trai. Một cảm giác rờn rợn lẫn một chút xót xa thoáng qua trong đầu ông Trực. Ông Hai Chi căn dặn Trực tạm thời đừng tiết lộ điều gì với vợ và con trai ông. Bởi vợ ông là một người cộng sản thực thụ, có thể gây bất lợi cho em mình. Ông sẽ bảo vợ, Trực là một đàn em thân tín nhưng hoạt động trong bí mật.

Đưa Trực về nhà. Cả một buổi trưa, ông Hai Chi tưởng mình như đang rơi xuống chín tầng địa ngục. Ngoài trời mưa tầm tã, nhưng trong lòng ông nóng còn hơn lửa đốt. Ông nhắm mắt ngữa mặt lên trần nhà khi nghe người em của mình cho biết:

– Bố mẹ đã chết trong Tết Mậu Thân do pháo kích của các anh. Em bị các anh bắt giam cầm hành hạ hơn 9 năm trời, tưởng đã bỏ xác trong tù, vợ em có lẽ cũng bị các anh giết tập thể ở Long Khánh, và cháu Phượng là đứa con duy nhất của em, mới mấy tuổi đầu mà phải bị ức hiếp tù đày.

Là một người Cộng sản “theo thời thế”, ông Chính vẫn còn ít nhiều cái gốc tiểu tư sản. Một chút lương tâm còn sót lại bỗng làm ông bật khóc. Thực ra thì ông cũng đã từng bao lần khóc thầm, khi suýt bỏ mạng ở các chiến trường Hạ Lào, Tây Nguyên, chứng kiến những cái chết kinh hoàng và vô nghĩa của hàng vạn thanh niên nam nữ từ miền Bắc bị cưỡng bách đi B. Vài lần thoáng hiện trong đầu ông hai chữ “hồi chánh”, nhưng phân vân vì khi ấy vợ con ông ở ngoài Bắc, chắc chắn sẽ phải khốn khổ với đám cường quyền. Ý tưởng chưa ngã ngũ thì chiến cuộc kết thúc nhanh chóng đến bất ngờ. Ông tiếp tục “nín thở qua sông”, cố đóng cho thật khéo vai trò “đảng viên trung kiên”, để hưởng cho tròn cái lợi danh của người “bên thắng cuộc”.

Buổi chiều, phiên tòa tái nhóm. Ông Hai Chi xin được phản cung, thay đổi lời khai nhân chứng. Là một đảng viên có chức quyền, lại là bạn thân của “đồng chí” Mười Vân giám đốc ông an tỉnh, ông cũng được mấy ông bà “quan tòa” vị nễ. Nhưng tất cả đều ngỡ ngàng khi nghe ông tuyên bố:
– Lời nói của cậu con trai tôi sáng nay là đúng. Chính đồng chí thượng úy Đỗ Hữu Đạt đang thực hiện ý đồ hiếp dâm cháu Nguyễn Thị Hồng Phượng, là con gái nuôi của chúng tôi, còn đang tuổi vị thành niên. Với tư cách là một đảng viên và cán bộ nhà nước, tôi cam kết những lời xác nhận này là hoàn toàn chính xác. Sáng nay, vì muốn giữ danh dự cho chiến sĩ ngành công an, tôi có ý che giấu cho anh Đạt, nhưng rồi tôi đã kịp nghĩ ra, làm như vậy trước tòa là phạm pháp, có tội với đảng, với nhân dân.

Bà Hai Chi tròn mắt ngạc nhiên, tức giận, trước thái độ thay đổi bất ngờ của ông chồng.Tay thượng úy Đạt được tòa gọi đứng lên đối chất. Hắn ta không phản biện, vì biết tội đã quá rõ ràng, nhưng lại trút tội lên đầu bà Hai Chi. Hắn ta khai ra tất cả kế hoạch bỉ ổi của bà. Nội vụ lại chuyển sang một hướng khác, hoàn toàn ngoài dự trù của Viện Kiểm Sát. Phiên tòa tạm ngưng để tiếp tục điều tra.

Không khí trong nhà ông Hai Chi trở nên ngột ngạt, nhưng ông Trực cố nán lại đây để mong được sớm gặp con gái của mình và cũng tránh bị xét hỏi giấy tờ. Ông Hai Chi đích thân làm đơn bảo lãnh Phượng được tại ngoại. Cha con gặp nhau trong ngỡ ngàng. Phượng không nhận ra cha mình. Nhưng huyết thống phụ tử rất nhiệm màu, hơn nữa khi nghe ông Trực bảo “phía dưới ngực bên trái của con có một vết sẹo dài khi con mổ tim”, Phượng òa khóc và ôm chặt lấy cha. Trong lòng Phượng như vừa mới nở ra một đóa hoa tươi thắm nhất.

Giữa tháng 10/ 1984, khi phiên tòa chưa tái nhóm thì tại tỉnh Đồng Nai xảy ra một biến cố lớn, làm xôn xao cả nước, đặc biệt đối với dân chúng miền Nam, sau hơn chín năm vẫn chưa kịp nhận ra hết bộ mặt thật của những người cộng sản:

Mười Vân Nguyễn Hữu Giộc, đảng viên cao cấp, con hùm xám Nam Bộ một thời, đang là Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị bắt. Đích thân “đồng chí” bộ trưởng công an, âm thầm đưa cả một lực lượng công an chuyên nghiệp và tin cẩn từ Hà nội vào Sài gòn lập kế bắt Mười Vân ngay trong phòng họp. Lục soát tư dinh và nhiều nơi khác, công an tịch thu hơn hai ngàn cây vàng và cả trên 500 kg vàng cùng hột xoàn các loại.

Ngày 1.11.1984, một phiên tòa đặc biệt được khẩn cấp triệu tập tại thành phố Biên Hòa, dưới sự “chủ trì” và xét xử của Viện Kiểm Sát Nhân Dân và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Phiên tòa đặt dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của “đồng chí” Trần Quyết, Bí Thư Trung Ương Đảng, Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao.

Mười Vân bị xử tử hình. Bản án sơ thẩm cũng là chung thẩm, được thi hành cấp kỳ sau một tuần tại trường bắn Long Bình.
Lần đầu tiên báo chí tại Sài gòn được đăng tải tin tức phiên tòa mà thủ phạm là một ông lớn, đảng viên cao cấp. Người ta cũng biết được có những chiếc tàu chở người Hoa đã bị bỏ đói, nhận chìm, ngoài bờ biển Cát Lái, Rạch Giá, Phú Quốc và vài nơi khác ở miền Trung, làm chết rất nhiều người. Và khắp cả nước bàn tán về chuyện cướp bóc, tham nhũng, ăn chia không đều giữa những người cộng sản!

Sau đó nhiều phiên tòa đặc biệt khác được tiếp tục, xử những người đồng lõa, trong đó có cả mấy ông bà trong Tòa án nhân dân Đồng Nai. Nhờ đó, vụ án của Phượng bị bỏ quên, không còn ai nhắc tới. Nhưng ông Hai Chi và cả tay thượng úy công an Đỗ Hữu Đạt lại dính vào vụ án lớn. Bởi cả hai đều là cánh tay đắc lực của gã Mười Vân.

Biết không thể nào vượt qua số phận, ông Hai Chi tự động đến trình diện trưởng ban điều tra của “ban chuyên án”, và xin giao nộp 800 cây vàng, ông khai là Mười Vân nhờ giữ hộ. Và cũng nhờ ông khai thêm những đường dây làm ăn của Mười Vân, nên ủy ban bắt thêm một số đàn em, trong đó có thượng úy công an Đỗ Hữu Đạt, tịch thu thêm cả ba ngàn cây vàng, gồm cả 800 cây được giấu kỹ dưới hồ nước sau nhà một đàn em thân tín của Mười Vân, phải điều xe cần trục câu lên.

Tất nhiên với dạn dày kinh nghiệm, ông Hai Chi kịp thời tẩu tán một số vàng. Ông vội vàng móc nối một đường dây quen biết cũ, tung vàng ra để gởi cha con ông Trực, dắt theo Diệp, thằng con trai duy nhất của ông vượt biển khẩn cấp ra khỏi nước.

Nhờ tàu Cap Anamur cứu vớt trên biển, bố con ông Trực và Diệp được đến định cư tại Tây Đức.

*****

Mùa Hè năm 1990, trong một dịp sang thăm người bạn thân cùng tù Hoàng Liên Sơn lúc trước, tôi được gặp anh Nguyễn Công Trực, một cựu sĩ quan Biệt Động Quân, là bạn láng giềng thân thiết với người bạn tù của tôi. Anh đã kể cho tôi nghe về những ngày cuối cùng của đơn vị anh trên Tỉnh Lộ 7B – từ Pleiku di tản xuống Tuy Hòa, và cả câu chuyện trùng phùng bi thảm này. Tôi cũng được nói chuyện với cháu Phượng, cô con gái hiền thục xinh xắn của anh, vừa mới tốt nghiệp dược sĩ. Chúng tôi cũng đến thăm cậu Diệp, con trai của ông bà Hai Chi, cũng là cháu ruột của anh. Diệp đang sống chung với cô vợ người Đức và đứa con trai hai tuổi.

Tôi cũng được biết ông Hai Chi, nhờ “thành khẩn khai báo”, nên được hưởng khoan hồng với hai mươi năm tù. Vợ ông, bà Hai Chi bị án sáu năm tù về tội đồng lõa và tàng trữ vũ khí, vàng bạc phi pháp. Bà chết trong tù sau hai năm thụ án, do chính tay công an Đỗ Hữu Đạt, người bị giam cùng trại, đánh lén bằng cuốc trong giờ lao động, để trả mối thù xưa. Hắn ta nghĩ rằng chính bà đã lập mưu để hại hắn, chứ Phượng không hề bị bà cho uống thuốc ngủ. Hắn ta cũng nghi ngờ ông Hai Chi đã khai hắn là tay chân đắc lực của Mười Vân, đã từng giết người bịt miệng, nên nhà cửa bị tịch thu cùng với bản án bốn mươi chín năm tù.

Và sở dĩ có phiên tòa và vụ án làm xôn xao cả nước thời ấy, hoàn toàn không phải chống tham nhũng mà chỉ vì bọn chúng không ăn chia đồng đều. Tay Mười Vân đã dành riêng cho mình một số vàng quá lớn, và từng làm mưa làm gió, qua mặt đám đàn anh, không còn xem trung ương ra thể thống gì.

Về sau tôi còn biết thêm: Sau khi ông Hai Chi giảm án ra tù, được con trai bảo lãnh sang Đức. Nhưng ông đã quẫn trí, thường ngồi thẫn thờ nhìn lên trời cao, lúc khóc lúc cười. Ông qua đời năm 2006.

Phạm Tín An Ninh