Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Làm Cha sở ngày nay


Ngọc Bảo (LM xứ Thái Thiện)
Đây là những nhận xét của người dân về các cha.

Nếu cha giảng lâu quá 10 phút – Cha lại nói thao thao bất tuyệt!
Nếu cha mời mọi người chiêm niệm về Thiên Chúa – Ôi, cha chỉ toàn là nói chuyện trên mây trên gió!
Nếu cha đề cập hơi nhiều đến các vấn đề xã hội – Rõ ràng là cha lại khuynh tả rồi!

Nếu cha chỉ cư ngụ trong khuôn viên Giáo Xứ – Cha đã tự ý cắt đứt liên hệ với thế gian!
Nếu cha cứ cả ngày ở trong Nhà Chung – Cha chẳng chịu đi gặp gỡ tiếp xúc với ai cả!
Nếu cha thường xuyên đi thăm người này người kia – Cha chẳng chịu bao giờ ở Nhà Xứ!
Nếu cha sẵn sàng trao Bí Tích Thánh Tẩy và chứng Hôn Phối cho bất cứ ai đến xin – Đúng là cha đã bán tống bán tháo... các Bí Tích!

Nếu cha đòi hỏi cao hơn và nhiều hơn – Cha chỉ muốn Giáo Hội gồm toàn những người trọn hảo!
Nếu cha thành công với thiếu nhi – Đạo của cha là đạo ấu trĩ!
Nếu cha năng thăm viếng các bệnh nhân – Cha chỉ phí thời giờ, và không đi sát với các vấn đề của thời đại!

Nếu cha sửa sang Nhà Thờ – Cha lại ném tiền qua cửa sổ mất rồi!
Nếu cha không tu bổ gì – Cha đã bỏ bê mọi sự!
Nếu cha cộng tác chặt chẽ với Hội Đồng Giáo Xứ – Cha lại để cho người ta xỏ mũi cha rồi!
Nếu cha không lập Hội Đồng Giáo Xứ – Cha độc tài quá đi mất!

Nếu cha hay mỉm cười – Cha quá dễ dãi!
Nếu vì đãng trí hay quá bận tâm một chuyện gì đó nên không nhìn thấy một người nào đó – Cha khinh người vừa vừa chứ!
Nếu cha hay bực bội vì một sai sót nào đó của người khác – Cha thiếu sự độ lượng nhân từ rồi đấy!
Nếu cha hiền hòa nhẫn nhục – Cha thiếu nghị lực cả quyết!

Nếu cha còn trẻ – Đúng là cha còn thiếu kinh nghiệm trường đời!
Nếu cha đã có tuổi – Xin mời cha nghỉ hưu đi là vừa!

Vậy thì, kính thưa cha sở, xin cha cứ can đảm lên nhé !

Xin đừng

 Xin đừng sáng lễ, chiều kinh
Mà ra phố chợ lại khinh khi người
Xin đừng lần chuỗi Mân Côi
Mà vờ không thấy cảnh đời bi ai
Xin đừng nguyện ngắm hôm mai
Mà xua kẻ khó đứng ngoài cổng xa
Xin đừng hát khúc tình ca
Mà lòng vô cảm như là đá trơ
Xin đừng dệt nhạc làm thơ
Mà che mắt thánh, hững hờ người dưng
Xin đừng làm bộ rưng rưng
Mà tâm nói nhỏ tay đừng cho đi
Xin đừng giả dạng từ bi
Mà vun kho báu, nghĩa nghì trên môi
Xin đừng thờ phượng Chúa Trời
Mà không yêu nổi loài người Chúa yêu
Lòng ơi dối trá đã nhiều
Thì thôi, dừng lại, mà yêu thật thà
Yêu như Chúa đã yêu ta
Hết tình dâng hiến mới là Đạo Yêu

(Sưu tầm)
************
Lạy Chúa Giêsu!  Có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa. 
Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ, nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong trắng của đôi bạn trẻ... 
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, ngọn đèn màu đỏ lung linh sáng, mời gọi tha nhân dừng bước, để trầm tư và gặp được Chúa. Amen 
Tổng hợp từ R. Veritas

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Muôn hoa dâng Mẹ

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa.  Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt.  Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi.  Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật.  Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người.  Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên.  Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp.  Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. 
Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người.  
Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt.  Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương.  
Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.  Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò.  Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai.  
Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi.”  Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu!  Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người.  
Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau.  
Khi buồn người ta cũng trao gởi lẳng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.  
Hoa khích lệ lòng người.  
Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.  
Hoa mơn man lòng người đau khổ.  
Hoa khích lệ những ai thất bại.  
Hoa chúc mừng những ai chiến thắng.  
Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa.  
Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng.  
Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa. Chẳng hạn, hoa Hồng giàu lòng yêu mến. Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa. Hoa Hồng đức mến, hoa Huệ đức Khiết trinh, hoa Tím đức Khiêm nhường.  Đức Mẹ là hoa Huệ khiết trinh.  Đức Mẹ là hoa Hồng yêu mến.  Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa. 

Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ.  Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người.  
Dâng hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn.  
Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ.  Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.  Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi… dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật… chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành.  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, 
xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.  
Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, 
xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.  
Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, 
xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.  
Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, 
xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.  
Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, 
xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con.  Amen!

(LM Giuse Nguyễn Hữu An)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Những mối phúc nho nhỏ...

(Linh Mục Mi Trầm)

PHÚC CHO AI NHỚ TẮT ĐIỆN THOẠI KHI VÀO NHÀ THỜ , 
THÌ HỌ SẺ ĐƯỢC NGHE LỜI CHÚA.....
NHỮNG MỐI PHÚC NHO NHỎ
Phúc thay ai biết hài hước để tự cười, tự châm biếm mình: họ đã không ngớt đùa vui.
Phúc thay ai có khả năng phân biệt, đâu là mô đất, đâ
u là núi cao: họ sẽ tránh được những nỗi lo âu phiền muộn.
Phúc thay ai có thể nghỉ ngơi an giấc mà không cần viện cớ này cớ nọ: họ sẽ trở thành những kẻ khôn ngoan.
Phúc thay ai biết im lặng và biết lắng nghe: họ sẽ học được nhiều điều mới lạ.
Phúc thay ai có khá đủ thông minh để không tự xem là người quan trọng: người chung quanh sẽ quý mến họ.
Bạn là người hạnh phúc nếu bạn biết xem xét cẩn thận những việc nhỏ và bình tĩnh quan sát những việc lớn: bạn sẽ thành công trên đường đời.
Bạn là người hạnh phúc vì biết tán thưởng một nụ cười và biết quên đi một nét mặt nhăn nhó: đường đời bạn sẽ sáng sủa vui tươi.
Bạn là người hạnh phúc nếu rộng lượng đối với tha nhân, dù tha nhân không hợp ý bạn: người ta sẽ coi bạn là khờ dại, nhưng Đức Ai phải mua bằng giá đó.
Phúc thay ai biết suy nghĩ trước khi hành động và cầu nguyện trước khi suy nghĩ: họ sẽ tránh được những điều sai lầm.


(Trích lẽ sống)


Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Bông hoa dâng Mẹ

Bài giảng tĩnh tâm tháng tại Đan Viện - Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
I. ĐỨC MẸ LÀ BÔNG HOA
Trong tháng Hoa ta muốn dâng kính Đức Mẹ nhiều bông hoa. Nhưng thiết tưởng không có hoa nào sánh được với Đức Mẹ. Đức Mẹ chính là bông hoa hường mầu nhiệm. Bông hoa đẹp trổi vượt các loài hoa. Vẻ đẹp của Đức Mẹ khiến Đức Mẹ trở thành Mater amabilis. Đức Mẹ dễ thương dễ mến. Dễ thương dễ mến trước mặt Thiên Chúa. Dễ thương dễ mến cả đối với con người. Dễ thương dễ mến là một nhân đức. Nhân đức bao gồm nhiều vẻ đẹp. Ở nơi Đức Mẹ ta thấy có ít nhất 4 vẻ đẹp này.
1. Vẻ đẹp trinh trắng.
Vẻ đẹp trinh trắng không chỉ nói về sắc dục. Như Đức Mẹ khẳng định với sứ thần: “Tôi
không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Nhưng còn về tất cả đời sống. Tất cả vẻ đẹp của Đức Mẹ được gói gọn trong lời chào của Tổng lãnh Thiên thần Ga-bri-en: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).
Đầy ân sủng có nghĩa là không vướng chút bợn nhơ nào. Tâm hồn con người ví như chiếc bình chứa đựng ân sủng. Tội lỗi là những vật dơ bẩn, chướng ngại. Có tội lỗi cản trở, tâm hồn không thể có ân sủng. Tội nhẹ thì cũng không thể đầy ân sủng. Một tâm hồn đầy ân sủng có nghĩa là tâm hồn hoàn toàn trong sạch. Không có chút tội lỗi nhỏ nhặt nào.Ân sủng của Thiên Chúa đổ đầy vào tâm hồn Đức Mẹ. Tâm hồn Đức Mẹ lãnh nhận được đầy tràn ân sủng. Không mất mát hư hao chút nào. Nếu sự thánh thiện của Chúa được diễn ta qua phẩm phục trắng tinh: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3), thì tâm hồn Đức Mẹ cũng giống như một tấm vải trắng không tì vết. Một chiếc bình rỗng không. Có thể chứa được đầy tràn ân sủng.
Hơn nữa Đức Mẹ còn có Chúa ở cùng. Không chỉ có ân sủng của Thiên Chúa, Đức Mẹ có chính Chúa. Là nguồn mạch mọi ân sủng. Là trọn vẹn mọi ân sủng. Là ân sủng trổi vượt. Ân sủng tràn đầy. Ân sủng phong phú. Không chỉ là nguồn suối ân sủng. Nhưng là cả một dòng sông ân sủng. Là cả đại dương ân sủng. Cả kho tàng ân sủng chứa trong tâm hồn Đức Mẹ.
Một điều khiến tâm hồn Đức Mẹ trổi vượt mọi tâm hồn thánh thiện nhất. Đó là Đức Mẹ không chỉ có Đức Chúa ở cùng theo bí tích hay theo nhiệm hiệp. Đức Mẹ có Đức Chúa cụ thể, sống động, bằng xương bằng thịt. Đó là Ngôi Lời nhập thể. Là Thiên Chúa làm người. Đức Mẹ không chỉ là Đền Vàng cho Thiên Chúa ngự trị. Không chỉ là lâu đài Đa-vít cho vị vua kế vị cai trị. Còn hơn thế Đức Mẹ nên một với Đức Chúa. Thiên Chúa tượng thai trong cung lòng Đức Mẹ. Máu thịt của Đức Mẹ trở thành máu thịt của Thiên Chúa nhập thể. Còn gì cao quí hơn. Đó là Mình Máu Chúa. Chứa đựng Thiên Chúa đã là cao quí lắm rồi. Nhưng còn hơn thế, Đức Mẹ trở thành chính Máu Thịt của Chúa. Phải là Máu Thịt vô cùng tinh tuyền trong sạch mới xứng đáng trở thành Máu Thịt của Con Thiên Chúa Chí Thánh.
Mô-sê chỉ được diện kiến dung nhan Thiên Chúa thôi mà diện mạo của ông đã sáng láng rồi. Đức Mẹ được mang chính Thiên Chúa trong mình. Máu thịt của Chúa hoà lẫn với máu thịt của Đức Mẹ. Chắc chắn Đức Mẹ có một vẻ đẹp không bút nào tả nổi. Vẻ đẹp trinh trắng nguyên khôi. Vẻ đẹp rạng ngời thánh đức. Vẻ đẹp chiếu toả dung nhan Thiên Chúa. Nhưng thật lạ lùng, vẻ đẹp vô song ấy lại ẩn giấu trong vẻ đẹp khiêm nhường sâu xa.
2. Vẻ đẹp khiêm nhường

Đức Mẹ là một tấm gương khiêm nhường tuyệt đỉnh.
Khiêm nhường khi xưng mình là nữ tỳ của Chúa. Tổng lãnh Thiên thần báo tin lớn lao nói lên vai trò cao trọng của Đức Mẹ: “Thưa Bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33).
Theo lời sứ thần, Đức Mẹ sẽ sinh ra vị quân vương. Thuộc dòng tộc Đa-vít. Như thế Đức Mẹ sẽ trở thành hoàng thái hậu. Thân Mẫu của vị quân vương được muôn dân trông đợi từ bao đời. Cao quí biết bao. Đáp lại những lời long trọng loan báo một địa vị cao quý, Đức Mẹ khiêm nhường thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Nữ tỳ là thân phận thấp hèn nhất thời ấy. Là tầng lớp rốt cùng trong xã hội. Không được coi là người. Chỉ ngang hàng với súc vật. Chủ toàn quyền sử dụng. Thậm chí có thể giết chết mà không có tội gì. Nô lệ được buôn bán như một món hàng.Khi xưng mình là nữ tỳ, Đức Mẹ không nói một lời hoa mỹ. Nhưng là một sự thực. Đức Mẹ hoàn toàn từ bỏ bản thân, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng đời mình.
Không chỉ xưng mình là nữ tỳ trước mặt vị Tổng lãnh Thiên thần. Đức Mẹ vẫn xưng mình là nữ tỳ trước mặt bà chị họ. Chính Bà Ê-li-sa-bét khi chứng kiến những sự lạ lùng diễn ra trong bản thân: đứa con trong bụng nhảy mừng khi nghe lời Đức Mẹ chào, đã xưng tụng Đức Mẹ: “”Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1,42-43). Lập tức Đức Mẹ trả lời bằng cất lên bài Magnificat tuyệt diệu ca tụng Thiên Chúa. Thiên Chúa đầy quyền năng làm nên những việc lạ lùng. Đức Mẹ chỉ là người tôi tớ thấp hèn. Nhưng được Chúa đoái thương:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
thần trí tôi hớn hở vui mừng,
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới.
Từ nay hết mọi đời,
sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,46-48).
Hiển nhiên Đức Mẹ coi đó là một sự thực. Nhận thức thân phận của mình là hư vô trước mặt Chúa. Tất cả đều bởi Chúa. Tất cả đều do tình thương của Chúa.
Không chỉ xưng mình là nữ tỳ, Đức Mẹ cư xử như một nữ tỳ thực sự. Không chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa, Đức Mẹ còn trở nên nữ tỳ của loài người. Đức Mẹ ở lại với bà Ê-li-sa-bét cho đến khi bà sinh con. Trong căn nhà neo đơn. Bà Ê-li-sa-bét thai nghén. Đức Mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà. Chợ búa, nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, may vá…Như một người tôi tớ.
Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường. Không chỉ hạ mình. Mà còn hạ mình thẳm sâu. Tận cùng. Không chỉ phụng sự Thiên Chúa. Mà còn phục vụ cả con người. Không lạ gì Đức Mẹ được Thiên Chúa sủng ái đặc biệt. Đó chính là điều Đức Mẹ cảm nghiệm:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư,
người giầu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1 51-53)
Khi hiện diện tại tiệc cưới Ca-na, Đức Mẹ thật khiêm nhường. Có lẽ Đức Mẹ giúp phục vụ dưới bếp nên biết rõ tình hình thiếu rượu. Và khi giúp đỡ Đức Mẹ cũng thật kín đáo. Đức Mẹ khẩn cầu Chúa. Một cách kín đáo. Rồi nhắc nhở đám gia nhân. Nên nhớ chỉ với gia nhân chứ không phải với ông quản tiệc hay với cô dâu, chú rể. Và cũng rất kín đáo. Chỉ tập trung vào Chúa Giê-su: “Người bảo gì các anh hãy làm theo” (Ga 2,5). Đó là sự khiêm nhường. Nhưng thể hiện sự quan tâm giúp đỡ.
3. Vẻ đẹp quan tâm giúp đỡ
Người đầy tớ Thiên Chúa cũng có tấm lòng của Thiên Chúa. Luôn quan tâm đến người khác. Luôn muốn cho đi. Quên mình. Đức Mẹ là như thế.
Khi vừa thụ thai Chúa Giê-su, nếu Đức Mẹ lo lắng chuẩn bị cho mình cũng là hợp lý. Vì Chúa Giê-su cũng cần chuẩn bị. Và Đức Mẹ cũng neo đơn. Nhưng được tin bà chị họ Ê-li-sa-bét đang có thai, lập tức Đức Mẹ lên đường. Không phải lên đường bình thường. Nhưng là “vội vã lên đường”. “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Gia-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét” (Lc 1, 39-40). Trong mầu nhiệm cứu độ thì Thiên Chúa vội vã đến gặp dân Người. Và chuẩn bị cho Gio-an Tẩy giả, người dọn đường. Nhưng về phương diện con người, Đức Mẹ quan tâm đến bà chị họ. Đang mang thai. Trong tuổi già. Lại neo đơn. Nếu chỉ vì gặp gỡ và tha tội cho thánh Gio-an, Đức Mẹ có thể trở về ngay. Nhưng vì quan tâm đến bà chị họ, nên Đức Mẹ ở lại hẳn ba tháng để phục vụ bà. Thật là một trợ giúp khiêm nhường, tế nhị và đúng lúc cần thiết.
Tại tiệc cưới Ca-na Đức Mẹ cũng biểu lộ sự quan tâm như thế. Chúa Giê-su đã nói rõ điều đó: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Quan tâm là coi việc của người khác cũng như việc của mình. Đặc biệt trong tình cảnh khốn khổ. Việc hết rượu chẳng can gì đến Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Nhưng tấm lòng quan tâm và muốn giúp đỡ khiến Đức Mẹ bị liên luỵ. Và Đức Mẹ vào cuộc. Chúa Giê-su vì Đức Mẹ cũng phải thay đổi chương trình. Để lòng mình “chạnh lòng thương” những người khốn khổ.
Sau khi Chúa Giê-su về trời Đức Mẹ vẫn quan tâm đến các tông đồ. Một sự quan tâm luôn ân cần, hiệu quả. Nhưng cũng luôn tế nhị, kín đáo. Chắc chắn trong những ngày tang tóc đầy bối rối Đức Mẹ luôn ở bên các tông đồ. Đức Mẹ đã an ủi vỗ về Phê-rô. Đức Mẹ qui tụ các ông. Cầu nguyện cùng các ông. Chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự đến. “Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Bác-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,12-14). Chỉ sau khi Chúa Thánh Thần ngự đến, các tông đồ vững mạnh. Giáo hội thành hình. Đức Mẹ mới thực sự ẩn dật trong cô tịch. Với Thiên Chúa. Đó chính là vẻ đẹp trung tín.
4. Vẻ đẹp trung tín
Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá là biểu tượng của lòng trung tín.
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ con”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27).
Đã nhận lãnh nhiệm vụ đón nhận Chúa Giê-su, Đức Mẹ trung tín với nhiệm vụ đó. Có mặt từ khi Chúa Giê-su tượng thai cho đến khi Chúa Giê-su từ giã trần gian.
Đứng dưới chân thánh giá để tiếp tục cưu mang Chúa Giê-su trong cung lòng trinh trắng. Để tiếp tục bày tỏ tấm lòng khiêm nhường. Quả thật, lúc Chúa vinh quang không thấy Đức Mẹ đâu. Nhưng trong giờ phút đau khổ tủi nhục nhất, lại thấy Đức Mẹ có mặt. Để xác nhận đây là con mình. Cùng chịu đau khổ với con. Cùng chịu nhục nhã với con. Cùng chịu lưỡi đòng đâm thâu trái tim đau đớn vô cùng. Đứng dưới chân thánh giá để tiếp tục quan tâm giúp đỡ. Chẳng giúp được gì. Ngoài sự hiện diện. Nhưng là sự trung tín.
Và để một lần nữa nói lên lời “Xin Vâng”. Xưa kia xin vâng ý Chúa Cha. Nay xin vâng ý Chúa Con. Để tiếp tục lãnh nhận nhân loại. Để tiếp tục yêu thương nhân loại. Trung tín với Chúa, Đức Mẹ cũng trung tín với loài người.
Quả thật từ xưa mỗi khi nhân loại lâm vào cảnh khốn cùng, Đức Mẹ lại hiện ra giúp đỡ, ủi an, vạch đường chỉ lối. Ta hãy xem ba trường hợp tiêu biểu :
* Gua-đa-lúp-pê
Sau khi Krit-tốp Cô-lôm khám phá ra châu Mỹ, một làn sóng truyền giáo mạnh mẽ tràn sang miền đất mới. Tại Mê-hi-cô, các cha dòng Phan-xi-cô gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với nền văn hoá Mai-a và Az-te-ca. Việc truyền giáo không mấy thành công. Ngày 9-12-1531, Đức Mẹ hiện ra với thổ dân Hoan Đi-e-gô. Sai ông đi trình với Đức Giám mục xây một nhà thờ kính Đức Mẹ trên đồi Te-pei-ac. Thoạt tiên Đức Giám mục không tin. Nhưng đã có những bằng chứng tỏ tường. Chú của Hoan Đi-e-gô được Đức Mẹ chữa lành cách lạ lùng. Và nhất là những bông hồng trái mùa hái được trên đỉnh đồi cao lại in thành hình Đức Mẹ trên chiếc khăn tin-ma của Hoan Đi-e-gô. Đức Giám mục tin tưởng và cấp tốc cho xây nhà thờ kính Đức Mẹ. Từ đó việc truyền giáo phát triển nhanh chóng. Có đến 80% dân số Mê-hi-cô tin Chúa. Và trung tâm Gua-đa-lúp-pê trở thành trung tâm Thánh Mẫu lớn trên thế giới. Đức Mẹ Gua-đa-lúp-pê quả là Đức Mẹ của việc truyền giáo.
* La-vang
Vào năm 1798 vua Cảnh Thịnh ra lệnh bắt đạo. Vua quan truy lùng gắt gao những người có đạo để giết đi. Người dân miền Quảng Trị chạy trốn vào rừng. Và Đức Mẹ đã hiện ra tại La-vang để an ủi những người con khốn khổ. Từ đó trải qua hơn ba thế kỷ chịu bắt bớ, tín hữu Việt nam luôn kiên cường tuyên xưng đức tin. Có rất nhiều vị tử đạo. Con số lên đến hằng trăm ngàn. Nhiều vị tử đạo không còn danh tính. Nhất là trong việc Văn Thân vào cướp phá các làng công giáo. Giết chết người công giáo cách vô tội vạ. Tại nhiều nơi như Phú ninh (giáo phận Bùi chu), Cao mại (giáo phận Thái bình), Bảo nham và Tam toà (Giáo phận Vinh), Bà Rịa (giáo phận Bà Rịa), Văn Thân rình lúc người tín hữu đi lễ ngày Chủ nhật đông đảo, đóng cửa nhà thờ và thiêu sống tín hữu trong đó. Miền bắc còn truyền tụng câu vè : Phú ninh quằn quại, Cao mại đau thương. Nhưng nhờ Đức Mẹ La-vang nâng đỡ ủi an, người tín hữu Việt nam kiên cường tuyên xưng đức tin. Nên đã có rất nhiều vị tử đạo. Làm cho đức tin vững mạnh và phát triển trên đất nước Việt nam. Đó là kết quả của Lòng Thương Xót của Đức Mẹ.
* Fa-ti-ma
Vào năm 1917 khi chiến tranh thế giới thứ nhất đang hoành hành khốc liệt. Biết bao thành phố bị tàn phá. Biết bao người thiệt mạng. Biết bao người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên là Lu-xi-a, Gia-xin-ta và Phan-xi-cô tại Fatima để cảnh báo nhân loại. Vì tội lỗi quá nhiều, nên con người sẽ phải chịu nhiều thảm hoạ. Thảm hoạ ghê gớm nhất là hoả ngục. Rồi đến chiến tranh. Và bắt bớ. Kể cả Đức Thánh Cha cũng bị ám sát. Đức Mẹ yêu thương muốn cứu thoát con người. Đã chỉ cho con người 3 phương thế. Đó là Sám Hối, Lần Hạt và Tôn Sùng Trái Tim Đức Mẹ.
Sứ điệp Fatima thật quan trọng. Vì ảnh hưởng đến toàn thể thế giới. Vì thực tế trong lịch sử nhân loại. Đức Mẹ đề cập đến nhiều trường hợp cụ thể như nước Nga. Như tiên báo Đức Thánh Cha bị ám sát. Những lời tiên báo này đã ứng nghiệm cụ thể. Vì thế ba vị Giáo hoàng sau cùng đều quan tâm kêu gọi mọi người hãy lắng nghe và thực hành lời Đức Mẹ dậy. Để cứu vãn thế giới.
Quả thật Đức Mẹ có Lòng Thương Xót vô biên. Đức Mẹ luôn đứng dưới chân thánh giá. Giờ đây thế giới đau thương như đang bị đóng đinh. Đức Mẹ vẫn trung tín đứng dưới chân thánh giá. Để Thương Xót loài người. Để cảm thông chia sẻ. Và nhất là để tìm phương thế cứu giúp con người.
Tạ ơn Chúa Giê-su đã trối lại cho ta người Mẹ hiền tuyệt vời tràn đầy Lòng Thương Xót. Tạ ơn Mẹ luôn trung tín với Lòng Thương Xót. Để luôn Thương Xót chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành lời Mẹ nhắn nhủ. Để chúng con được thừa hưởng Lòng Thương Xót của Chúa. Tránh được các hiểm hoạ hoả ngục, chiến tranh và bắt bớ.
II. HOA LÒNG DÂNG MẸ
Với những hiểu biết hạn hẹp chúng ta cũng đã thấy những nét đẹp tuyệt vời trong cuộc đời Đức Mẹ. Đó chính là những bông hoa hiếm có trong đời sống con người. Vì thế trong tháng Hoa dâng kính Mẹ, không gì bằng ta hãy noi gương Đức Mẹ. Cũng trở thành những bông hoa thơm tho xinh tươi theo gương Đức Mẹ. Đó là những bông hoa khiến Đức Mẹ hài lòng nhất.
1. Hoa trinh trắng
Nhìn vào xã hội hôm nay ta càng thấy sự trinh trắng thật quí giá. Thế giới đang tràn đầy ô nhiễm. Tại quê hương ta nạn ô nhiễm đang trở nên trầm trọng. Đặc biệt tháng 4 -2016, hiện tượng cá chết hàng loạt tại các bờ biển miền Trung càng khiến người ta ghê sợ nạn ô nhiễm. Ô nhiễm dẫn đến cái chết tức khắc. Nhưng tiềm ẩn cái chết dần mòn. Chất độc ngấm vào đất nước. Vào cây cỏ. Người tiêu dùng ngấm dần. Bệnh tật. Chết dần. Hiểm độc là nước nhìn vẫn trong xanh. Không ngờ có nọc độc ẩn tàng.
Vụ cá chết không chỉ bộc lộ ô nhiễm nguồn nước. Nhưng còn cho thấy nhiều thứ ô nhiễm khác. Đó là ô nhiễm lương tâm. Ô nhiễm luân lý. Ô nhiễm lý trí. Ô nhiễm chính trị.
Ô nhiễm lương tâm. Những người gây ra vụ ô nhiễm nguồn nước hành động vô lương tâm. Họ vì quyền lợi mà giết hại biển cả. Giết hại cá mú. Giết hại cả những ngư dân chỉ sống nhờ biển nhờ cá.
Ô nhiễm luân lý. Luân lý giúp người ta cư xử theo đạo lý. Con người có những qui tắc phải tuân giữ khi cư xử với bản thân và với tha nhân. Càng ở cấp lãnh đạo cao cấp càng phải có nền luân lý tương xứng. vụ cá chết là một hành xử thiếu đạo đức nghiêm trọng.
Ô nhiễm lý trí. Người gây ra cái chết của cá thiếu hẳn lý trí. Hành động mù quáng theo bản năng. Không còn biết phân biệt phải trái, thiện ác, đúng sai. Không xác định được bậc thang giá trị. Thật sai lầm khi đặt dân tộc dưới chính quyền. Tiền bạc trên đạo đức. Vật chất hơn con người. Lợi nhuận trên sự sống. Phe nhóm hơn toàn thể.
Ô nhiễm chính trị. Chính trị là nghệ thuật phục vụ hạnh phúc của người dân. Làm cho đất nước ổn định, phát triển. Những người gây ra vụ cá chết không còn biết thế nào là chính trị. Vì làm cho đất nước lạc hậu, nghèo túng, thui chột. Làm cho dân tình bất an tạo nên bất ổn.
Như nước biển ô nhiểm gây nên cái chết của tôm cá. Các ô nhiễm khác gây nên cái chết của con người. Của xã hội. Có cái chết tức khắc. Có cái chết tiềm ẩn. Dần mòn. Bằng bệnh tật. Suy nhược. Mất sự sống dần dần trong cơ thể.
Trong cộng đoàn tu trì cũng có nạn ô nhiễm. Khi nọc độc bị gieo rắc vào đời sống chung. Nọc độc những tin đồn thất thiệt. Nọc độc nạn ngồi lê đôi mách. Nọc độc truyền đi những tư tưởng xấu. Nọc độc tục hoá. Chia rẽ. Bè phái. Đòi hỏi quyền lợi theo tinh thần thế tục.
Trong tình hình ô nhiễm, giữ được tâm hồn trinh trắng là một cuộc chiến đấu khốc liệt. Phải có phân định. Có lập trường. Có ơn Chúa. Có đạo đức. Mới giữ được tâm hồn trinh trắng. Trinh trắng quả là một bông hoa quí hiếm. Nhưng có được bông hoa trinh trắng dâng lên Đức Mẹ chắc chắn khiến Đức Mẹ hài lòng.

2. Hoa khiêm nhường
Thế gian tràn đầy kiêu ngạo. Đặc biệt trong thời đại đề cao hiệu quả và thành công. Vì kiêu ngạo nên có tranh chấp. Đấu đá. Âm mưu sát hại. Nhưng kiêu ngạo thường được nguỵ trang và biến tướng. Ta có thể thấy vài nguỵ trang và biến tướng của kiêu ngạo.
Dấu hiệu dễ thấy nhất của kiêu ngạo là khoe khoang. Khoe khoang những điều có thật đã là khó coi rồi. Huống hồ còn nói phét một tấc lên đến trời. Khoe khoang cũng thường hay nói về bản thân.
Dấu hiệu thứ hai làlên lớp. Có những người việc gì cũng biết. Việc gì cũng xen vào. Luôn muốn dạy dỗ người khác. Có thể lầm tưởng là nhiệt tình phục vụ. Thực ra đó là dấu hiệu của kiêu ngạo.
Một biến tướng của kiêu ngạo là tự ái. Tự ái cao. Dễ bị chạm tự ái. Khó tha thứ. Không để ai nói đụng chạm đến mình. Ai đã đụng chạm đến mình thì nhớ mãi. Hận thù dai dẳng. Suốt đời.
Giận dữ là một biến tướng của kiêu ngạo. Vì không hài lòng. Không được như ý. Vì người ta làm sai ý, khác ý. Nên nổi giận. Có những cơn giận dữ lồng lộn như thú dữ.
Một đặc tính khác của thời đại góp phần cổ vũ kiêu ngạo. Đó là sự đề cao cá nhân. Muốn độc đáo. Không đụng hàng. Dễ rơi vào thói tự tôn. Khẳng định mình quá đáng.
Trong một thời đại như thế sống khiêm nhường thật khó. Phải phấn đấu lắm mới có thể hạ mình trước mặt người khác. Phải lội ngược dòng thời đại để tìm quên mình. Nhận mình bé nhỏ nghèo hèn. Vui tươi khi bị thua thiệt. Chọn chỗ thấp hèn nhất. Chọn công việc tầm thường nhất. Đó chính là bông hoa hiếm hoi. Đó chính là bông hoa quí giá. Đó chính là hương thơm thanh khiết trong cõi đời ô trọc. Làm giảm nhiệt thế giới kiêu ngạo. Làm dịu đi bầu khí đấu tranh. Là bông hoa đẹp lòng Đức Mẹ.
3. Hoa quan tâm giúp đỡ
Chúng ta đang sống trong thời đại cá nhân chủ nghĩa. Con người qui về bản thân. Cái tôi là quan trọng. Vì thế thường nghĩ về mình. Nghĩ cho mình. Khép kín vào bản thân. Đòi hỏi người khác phục vụ mình. Ít nghĩ đến người khác. Vì thế nhiều thảm cảnh xảy ra. Trong gia đình vợ chồng lục đục. Đồng sàng dị mộng. Chung quanh đan viện chúng ta trong những ngày vừa qua đã có nhiều thảm cảnh gia đình. Vợ làm gì chồng không biết. Vợ giấu kín những hoạt động của mình. Nhưng khi đổ bể thì thật là thảm hoạ. Gia đình tan nát.
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay không hiểu nổi con cái. Con cái sống trong nhà như trong một thế giới lạc loài. Học hành. Giao tiếp. Cư xử. Hoàn toàn khác. Cha mẹ không hiểu được. Tâm tư. Nguyện vọng. Kiến thức. Cha mẹ càng không hiểu. Vì thế gây nên khoảng cách giữa các thế hệ.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa ta đã chứng kiến nhiều tệ nạn. 
Biến của chung thành của riêng. 
Trộm cắp của chung. Bòn rút của chung. Xà xẻo quỹ chung. 
Mượn danh nghĩa chung để thủ lợi riêng.
Tâm thức thời đại len lỏi cả vào các cộng đoàn tu trì. Sống chung nhưng mỗi người vẫn là một thế giới riêng. Vì thế quan tâm đến nhau thật khó. Và thông cảm với nhau càng khó hơn. Nhiều tu sĩ cô độc giữa một cộng đoàn đông đúc là điều không hiếm thấy. Mẹ Tê-rê-xa dạy ta bất cứ khi đến đâu, hãy tìm đến những người bé nhỏ, nghèo hèn nhất. Chỉ khi gặp được người bé nhỏ nhất, ta mới gặp được Chúa. Chúa Giê-su ở trong người bé nhỏ nhất. Khi quan tâm phục vụ người bé nhỏ nhất. Tôi được gặp Chúa. Được phục vụ chính Chúa. Đó chính là bông hoa cao quí nhất. Là phần thưởng cao quí nhất dành cho chính tôi. Là bông hoa dâng lên được Đức Mẹ đoái nhận.
4. Hoa trung tín
Thời đại hôm nay là thời đại của thay đổi. Thời của hưởng thụ. Thời của tiện nghi. Thời của sản xuất. Thời của mua sắm. Nên người ta thay đổi chóng mặt. Thay đổi hàng hoá. Thay đổi mẫu mã. Thay đổi kiểu dáng. Mau chán cái cũ. Thích tìm cái mới.
Thời đại hôm nay cũng là thời đại vất bỏ. Chưa bao giờ vấn đề rác thải trở thành nan giải như hôm nay. Người ta tiêu dùng quá nhiều. Người ta vất bỏ quá nhiều. Xử lý rác trở thành vấn đề lớn.
Tâm lý tiêu dùng ăn sâu vào cuộc sống. Ảnh hưởng cả vào những mối liên hệ sâu xa nhất. Khái niệm về trung tín trở thành cổ hũ lỗi thời. Người ta thay người như thay áo. Thậm chí thay đổi cả vợ chồng. Xưa kia hôn nhân hầu như là tuyệt đối bền vững. Ngày nay ly dị trở thành bình thường. Hợp thì ở. Không hợp thì bỏ. Ngày nay với sự phát triển thông tin, mạng, người ta có quan hệ rộng rãi hơn. Quen biết nhiều người hơn. Nhưng bỏ nhau cũng dễ dàng hơn.
Tính hay thay đổi. Văn hoá vất bỏ. Cũng lan tràn vào đời sống tu trì. Chúng ta dễ thay lòng đổi dạ. Không trung tín với Chúa. Không trung tín với lời khấn. Không trung tín với đoàn sủng của Đấng Sáng Lập. Không trung tín với bổn phận hẳng ngày. Nhất là cầu nguyện.
Trong tình hình mọi sự đều thay đổi. Kể cả lòng người. Trung tín đang trở thành một điều hiếm hoi. Đó là bông hoa quí ta dâng Đức Mẹ. Chắc chắn Đức Mẹ sẽ thương đoái nhận.
III. KẾT LUẬN
Tất cả những loại hoa trinh trắng, khiêm nhường, quan tâm giúp đỡ và trung tín là những

loại hoa quí hiếm. Vì không thể tìm thấy dễ dàng ở ngoài đồng ruộng. Càng không thể mua bán ngoài chợ hoa.
Đó là những loại hoa phải tự tay ta làm ra. Để làm ra những loại hoa đó cũng rất khó. Ta không thể dùng chất liệu nào khác. Phải dùng chính bản thân mình. Dùng chính tâm hồn mình.
Để làm được những loại hoa đó cũng tốn kém. Không tốn kém tiền bạc. Nhưng tốn kém bản thân. Phải gọt dũa chính mình. Phải uốn nắn chính mình. Và nhất là phải từ bỏ chính mình.
Nhưng khi sản phẩm thành hình sẽ rất giá trị. Giá trị vì giống Đức Mẹ. Vì đó là những loại hoa Đức Mẹ ưa thích. Là những loại hoa Đức Mẹ suốt đời vun trồng. Chẳng còn gì khiến Đức Mẹ vui hơn là thấy những người con giống Mẹ. Những bông hoa này sẽ rất thơm. Mùi hương thơm kín đáo nhẹ nhàng. Nhưng sâu lắng. Len lỏi vào những chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn. Của cộng đoàn. Và hương thơm vững bền mãi mãi.
Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự sống tinh thần tháng Hoa. 
Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự có những bông hoa đích thực. 
Có được những bông hoa ấy tôi mới thực sự dâng hoa cho Đức Mẹ.
(TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

7 ơn Chúa Thánh Thần

Các Bạn hãy khao khát những sự trên Trời thì các bạn sẽ được sống; còn những gì thuộc trần thê sẽ khiến bạn trở nên làm nô lệ cho nó và nó dẫn đến tiêu vong.  Vì thế hãy học biết về bảy ơn Chúa Thánh Thần đễ làm chủ cuộc sống mình.  Chúc ban một ngày tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần.
1. Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sự khôn ngoan
Click the image to open in full size.
Những khi tâm trí con cố định bám chặt vào một con đường, xin đến giúp tâm trí con thoát ra khỏi vòng cố định đó. Soi dẫn tâm trí con nhận ra con đường chương trình của Thiên Chúa muốn trong đời sống mình.
Xin ban cho con khả năng nhìn tất cả mọi biến cố trong đời sống bằng con mắt đức tin vào Thiên Chúa.
“Quảvậy, nơi đức khôn ngoan có một Thần Khí tinh tường và thánh thiện” (Thư gửi Titus 3,6).
2. Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sự thông minh
Click the image to open in full size.
Click the image to open in full size.Xin đến giúp con không chỉ nghe hay đọc Lời Chúa, nhưng còn biết nhận ra sứ điệp Chúa nhắn nhủ cùng đem ra thực hiện trong đời sống cụ thể hằng ngày.
“Ta sẽ ban tặng các người một qủa tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các người” ( Ezechiel 36,26)
3. Lạy Chúa Thánh Thần, Thần linh ân đức biết lo liệu
Nhiều khi tâm trí con xoay quanh, luẩn quẩn như một vòng tròn vào một điểm, như người sống trong hồ nghi không sao tìm ra lối thoát khỏi khu vòng đó. Xin giúp tâm trí con thoát ra khỏi vòng sống chật hẹp luẩn quẩn, cùng sẵn sàng nghe lời khuyên nhủ khuyến khích vươn lên.
“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng …” ( Luca 4,18)
Click the image to open in full size.4. Lạy Chúa Thánh Thần, thần linh sức mạnh
Qua ơn khôn ngoan và biết lo liệu, Chúa Thánh Thần giúp con hiểu nhận ra ý Thiên Chúa muốn sắp đặt trong đời sống. Xin đến giúp con có sức mạnh chống trả lại sự cám dỗ thúc đẩy từ bên ngoài cũng như từ bên trong thâm tâm, cùng can đảm lội ngược dòng nước chống lại cám dỗ quyến rũ bất chính.
“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em” ( Công vụ tông đồ 1,8).
5. Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí sự hiểu biết
Click the image to open in full size.
Click the image to open in full size.Xin đến giúp chúng con nhận ra luật lệ của công trình tạo dựng thiên nhiên, để sử dụng xây dựng đời sống trở nên có ích lợi.
Xin giúp con biết bỡ ngỡ trước sự lạ lùng kỳ diệu trong thiên nhiên, cùng có tâm tình biết ơn tình yêu Thiên Chúa đã tạo dựng nên thiên nhiên cho nhân loại.
“Nếu chúng ta sống nhờ thần khí, thì cũng hãy nhờ thần khí mà tiến bước” (Galata 5,25).
6. Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí lòng đạo đức
Xin đến giúp tâm hồn chúng con khi gặp những đau khổ, thử thách buồn phiền, không kêu than trách Thiên Chúa, nhưng biết thắc mắc: Lạy Chúa, Chúa muốn nhắn bảo điều gì cho con qua biến cố sự việc này?.
Xin chỉ dậy chúng con đừng lần theo tại sao, nhưng lần theo con đường ý nghĩa của biến cố sự việc, cùng đặt lòng tin tưởng vào Chúa.
“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (1 Corintho 3,16)
7. Lạy Chúa Thánh Thần, thần khí kính mến Chúa
Click the image to open in full size.
Xin đến giúp chúng con trên mọi nẻo đường đời sống, biết thắc mắc tìm theo ý Thiên Chúa hơn theo ý riêng mình muốn. Xin củng cố tâm hồn chúng con sẵn sàng kính trọng trật tự trong công trình sáng tạo thiên nhiên, nhận biết raThiên Chúa là chủ thiên nhiên và bảo vệ gìn giữ mọi loài được tạo dựng trong đó.
“Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa.” (Công vụ tông đồ 10,44).
(Thực thi của Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long)
Xin cho mỗi người chúng con được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình để nên trọn lành như Cha trên trời là đấng trọn lành.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

SAIGON - Hòn ngọc bị đập nát

Sáng chủ nhật 8 tháng 5…
Sài Gòn trung tâm giống như thiết quân luật. Từ khu vực quảng trường Quách Thị Trang đã dày đặc đồng phục các loại. Góc đường nào cũng có một toán người nhà nước đứng cạnh những rào cản sắt gắn kẽm gai, sẵn sàng để bao vây, bịt kín… Không khi căng thẳng này chứa đựng điều gì đó rất không bình thường trong một ngày lẽ ra bình thường.

Đoạn Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến nhà hát thành phố khá vắng. Đường Pasteur một chiều qua các ngả tư cũng tràn ngập đồng phục. Những chiếc gậy trên tay họ chỉ ra một hướng di chuyển duy nhứt. Rất đông người ngồi trên xe bốn bánh và xe hai bánh nhìn quanh quất, để chỉ thấy hai bên đường toàn những bộ đồng phục các màu, các kiểu giống nhau… Có một số người không mặc đồng phục nhưng rõ ràng họ không phải là dân.

Từ ngã tư Pasteur - Nguyễn Du tới ngã tư Nguyễn Du - Trương Định vẫn chỉ một chiều di chuyển. Sang Nguyễn Thị Minh Khai đã hai chiều nhưng không khí vẫn chẳng giống ngày thường. Từ phía đường Hai Bà Trưng nhìn vào đường sách thấy vắng tanh. Tất cả hàng quán trên khu vực bị phong tỏa đều không hoạt động.
Sài Gòn trung tâm thiết quân luật vào sáng chủ nhật.
Thiết quân luật dành cho người biểu tình.
Công viên 30 tháng tư đã bị cắt khỏi tầm nhìn và mọi liên kết với phần còn lại của thành phố. Nghĩa là, sẽ không có nhà báo, không có đông người dân chứng kiến những gì xảy ra ở công viên 30 tháng Tư sáng nay. Không ai thấy được cả người biểu tình lẫn người nhà nước đối mặt nhau thế nào trong buổi sáng 8 tháng 5 nắng nóng nứt cả da đầu này…
NẾU KHÔNG CÓ FACEBOOK…
Nếu không có facebook thì mọi chuyện có thể sẽ xảy ra như vậy.
Nhưng từ những tường thuật bằng hình ảnh và clip tự quay của người biểu tình, sự ngăn cắt của nhà nước đã không còn tác dụng. Những người Sài Gòn ngoài công viên 30 tháng Tư vẫn nhìn thấy những gì xảy ra. Và tất cả người Việt trên khắp hành tinh đang nối kết qua mạng internet đế ngóng về Việt Nam cũng đã thấy…
Sáng 8 tháng 5, những cảnh đánh/bắt người tàn khốc hơn hẳn lần biểu tình ngày 1 tháng 5. Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt/hốt về sân vận động Hoa Lư quận I. Nhiều người đã bị đánh với thương tích nặng nề. Nhưng chạm vào trái tim người xem khiến nó đau đớn nhứt chính là hình ảnh hai mẹ con Hoàng Mỹ Uyên: người mẹ trẻ với gương mặt bầm dập đang hoảng hốt ôm chặt con gái trong đôi tay gầy, với sự che đỡ của những người biểu tình khác chung quanh.
Hoàng Mỹ Uyên sau đó đã kể lại sự việc trong một clip. Chị cho biết khi việc đàn áp xảy ra, những người biểu tình đã ngồi xuống để khẳng định thái độ bất bạo động. Thế nhưng nhân viên an ninh thường phục đã chen vào giữa đoàn biểu tình, chỉ vài người biểu tình đã có một an ninh. Chị đã bị xô đẩy về phía trước và bị ngã, bị những người mặc đồng phục xanh đạp vào đầu vào mặt, cố dứt chị ra khỏi con gái. Nhờ người biểu tình dồn đến và lập thành một vòng rào che chở nên mẹ con chị đã thoát được. Tuy nhiên, những vết thương ở mặt và tay chân cho thấy chị đã bị đánh khá đau. Hoàng Mỹ Uyên cũng cho biết con gái chị đã tự mình đọc tin tức về vụ Formosa trên điện thoại và từng hỏi mẹ, nếu ở trường (bữa ăn) có cá, mực… thì nên làm thế nào. Cô con gái nhỏ đã muốn được đi cùng với mẹ, và hẳn cả hai mẹ con đều nghĩ rằng, việc tuần hành ôn hòa với mong muốn bảo vệ môi trường chẳng có lý do gì để bị đàn áp, đánh đập thô bạo.
Một khác biệt nữa trong đàn áp biểu tình ngày 8 tháng 5: xịt hơi cay vào mắt. Nạn nhân có hình ảnh đưa lên FB là một học sinh mười sáu tuổi: Đào Nguyên Anh, cháu nội Phó Giáo sư Đào Công Tiến (người đã có các bài viết về dân chủ). Nguyên Anh đã được những người biểu tình khác chăm sóc, rửa mắt bằng những chai nước uống mang theo. Sau đó em đã bị công an bắt đi khiến gia đình phải đi tìm để bảo lãnh.
Lúc trở về nhà, cậu học trò mười sáu tuổi đã viết một status ngắn gọn nhưng cũng đủ để nói lên tất cả những gì cậu đã suy nghĩ và gởi gắm cho mọi người:
“Chào mẹ, gia đình và bạn bè gần xa đã lo lắng cho con (mình).
Nghe tiếng mẹ khóc, con thấy mình khốn nạn quá, con cũng trách mình k ở bên mẹ nhiều hơn, k làm mẹ vui hơn, trước mẹ con yếu đuối và bé nhỏ.
Giờ con đã hiểu cảm giác đó, cảm giác của A Lầu bị bắt rồi bị đánh. Con hiểu cảm giác của anh Trương Minh Tam, của bác Điếu Cày, và những người đã sẵn sàng hy sinh, Chúa ơi, quá nhiều thứ vì mong muốn.
Ngày hôm nay, con thấy họ lôi đồng bào ra, 10 người đánh một, con thành người Việt Nam.
Ngày hôm nay, con thấy nước mắt mẹ chảy và lòng gia đình bạn bè con lo, cũng thành kẻ có tội.
Ngày hôm nay, con thấy những gương mặt đau đớn, và vẻ mặt hả hê của đầy tớ nhân dân, và tiếng xúc phạm danh dự nhân phẩm của các anh trị an, con thành người Việt Nam.
Con tự hào biết bao, và cũng đớn đau biết bao khi biết cái giá con phải trả không chỉ là mạng sống và tương lai con, mà còn là trái tim mẹ và gia đình.
Một bên con bất hiếu không chăm lo cho mẹ được hết, một bên con khao khát hòa chung với ước ao của dân tộc, lạy Chúa, là chúng con được nhìn nhau cười vui, quên đi những cú đánh căm hận đó.
Sáng danh Chúa, những lúc bần cùng, là lúc tỏ mọi sự, con, một thân phận yếu hèn hòa chung vào bản hòa ca của đời này, cho những gì đáng để tin và đáng để hy sinh, có phải đó là hy sinh?
Con đang cố gắng đánh đổi, vi một xã hội yên ấm hơn, con cũng nghĩ tới mọi người gia đình, bạn bè anh chị em, mà cũng như con đang mất tất cả.
Con đã không đổ một giọt nước mắt trước những cây gậy, trước những người vô cảm sẵn sàng làm đủ thứ, nhưng con sẽ đau khổ vì những gì con phải trả giá”.
Những người đã xịt hơi cay vào mắt cậu học trò chỉ bằng tuổi con em mình, hẳn họ đã nghĩ rằng sẽ khiến cậu phải đau đớn và khiếp sợ. Nhưng thực tế đã trả lời. Hành động độc ác phi nhân văn của họ chỉ tạo ra tác dụng ngược.
SÀI GÒN, HÒN NGỌC BỊ ĐẬP NÁT
Bí thư Đinh La Thăng từng nói rằng ông mong sẽ sống lại một Sài Gòn-Hòn Ngọc Viễn Đông ở thành phố mà ông chịu trách nhiệm. Nhưng thật ra ông Thăng vẫn chỉ chú trọng đến hoạt động kinh tế, về phần trăm đóng góp cho trung ương của thành phố Sài Gòn.
Ông quên mất phần quan trọng mà nhờ đó Sài Gòn ngày trước đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông: Văn hóa.
Để có thể là một đại đô thị thứ thiệt, ngoài những công trình xây dựng lớn, những hoạt động kinh tế quy mô lớn, còn rất cần một thứ tạo nên hồn vía thật sự cho một nơi để sống của con người: Văn hóa- tinh thần. Sài Gòn ngày xưa được mặc nhiên thừa nhận là đại đô thị, bởi trong phần hồn của Sài Gòn đã sẵn có một tinh thần dung nạp rộng mở. Sài Gòn cho phép những người có tài năng sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình. Sài Gòn khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Tôi từng nghe chủ nhiệm- chủ bút tạp chí Bách Khoa, bác Lê Ngộ Châu vui vẻ kề rằng, hai nhà văn Võ Phiến và Vũ Hạnh ngược nhau như nước với lửa trong thái độ chính trị, nhưng khi bước vào tòa soạn Bách Khoa thì hai ông vẫn xử sự hòa nhã như với tất cả đồng nghiệp khác. Khi bị chủ bút buộc phải ngồi tại chỗ viết bài cho kịp lịch xếp chữ, hai ông lại mỗi người một ghế ngồi cạnh nhau trong cái tòa soạn chật cứng, để hí hoáy viết những bài mà có thể nội dung hoàn toàn trái ngược nhau.
Sau tháng tư năm 1975, rất nhiều các thầy tôi ở Đại học Khoa Học Sài Gòn, những giáo sư- tiến sĩ được đào tạo ở Âu Mỹ, đã chọn việc ở lại, với hy vọng là làm khoa học tự nhiên, họ sẽ được tiếp tục dạy học và cống hiến cho đất nước- dân tộc trong hòa bình, như họ từng mơ ước suốt mấy chục năm chiến tranh. Nhưng sự thật phũ phàng sau đó đã cho thấy họ không được tin cậy, không được sử dụng chuyên môn đúng như mong muốn, và cuối cùng nhiều người đã phải ra đi…
Sài Gòn cho đến nay vẫn là lựa chọn ngay cả của những người dân Hà Nội đã không còn muốn tiếp tục sống ở thủ đô. Còn với dân các tỉnh nhỏ cả nước thì, Sài Gòn đúng là miền đất hứa. Rất nhiều sinh viên tỉnh nhỏ tốt nghiệp đại học đã không về quê mà ở lại Sài Gòn, chấp nhận những công việc lương thấp không đúng với chuyên môn được học, chỉ bởi hy vọng một ngày nào đó, Sài Gòn sẽ cho mình một cơ hội.
Sài Gòn đủ rộng và đủ cả sự độ lượng cho những khác biệt về mọi mặt. có đủ chỗ cho cả người giàu hưởng thụ lẫn người nghèo nhặt nhạnh. Thành phần nghèo đói nhứt, những người buôn gánh bán bưng mỗi ngày bỏ ra 20.000 đồng cho một chỗ ngả lưng ban đêm vẫn thấy Sài Gòn đã mở rộng vòng tay với họ, cho họ một thu nhập dù tối thiểu nhưng vẫn có cái để họ gởi về quê nghèo nuôi cha mẹ, vợ/chồng con.
Nhưng Sài Gòn trong các cuộc biểu tình ngày 1 và ngày 8 tháng 5 đã thật sự bị chà đạp, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khi nhìn thấy hình ảnh cô gái trẻ Lê Vi đầu tóc rũ rượi, gương mặt uất ức đang khóc một cách đau đớn trong chiếc áo dài trắng lấm lem nhàu nát sau khi bị đánh, người xem FB cảm thấy nghẹt thở, như chính mình bị đánh. Càng không thể chịu đựng khi biết cô đã bị những gã đàn ông đá đạp vào bụng, cho đến khi những người biểu tình khác phải (nghĩ ra cách để) la lên là cô đang có mang thì những kẻ kia mới chịu buông tha cô.
Cũng như vậy, gương mặt thất thần kinh hoảng của Hoàng Mỹ Uyên và những vết thương cho thấy những người đàn ông mặc đồng phục đã hành hung chị bằng tất cả sự thù hận có thật. Sự thù hận đó tới từ đâu? Nếu người đàn ông đạp vào đầu vào mặt Mỹ Uyên biết chị là người đã cho đặt trước nhà mình thùng bánh mì miễn phí dành cho những người nghèo đỡ bữa, anh ta có đánh chị như đánh kẻ tử thù? Khi đánh một người phụ nữ với sự tàn bạo như vậy, anh ta đã nghĩ gì? Thù hận trong đầu anh ta bắt nguồn từ cái gì?
Sài Gòn sáng ngày 8 tháng 5 thật sự là một hòn ngọc bị đập nát. Sự đàn áp thô bạo dành cho người biểu tình là điều mà những con người bình thường còn đủ lương tri không bao giờ hiểu nổi, không bao giờ chấp nhận.
Vì sao người dân lại bị đối xử như vậy? Việc bày tỏ ý muốn được sống trong một môi trường trong lành với thực phẩm sạch có gì sai trái? Đó là một cái tội đáng bị trừng phạt thật sao?
BIỂN CHẾT NĂM 2016 - BỐ ĐÃ LÀM GÌ?
Tôi yêu những khẩu hiệu rất phong phú mà người biểu tình đã cầm nó trên tay, chúng là những phát biểu cực kỳ sát sườn và hiểu biết. “Biển chết năm 2016 - Bố đã làm gì?”. Đó là câu cật vấn mà năm, mười năm nữa, những đứa con hôm nay còn bé bỏng sẽ buộc người cha thờ ơ vô trách nhiệm của chúng phải trả lời. Nếu anh ta không có được giải đáp hợp lý, anh ta sẽ mất những đứa con. Tôi nghĩ đây là một trong những khẩu hiệu hay nhứt trong cuộc biểu tình của người Sài Gòn sáng 8 tháng 5.
“Minh bạch thông tin - Bảo vệ môi trường - Cứu dân miền Trung”. Người dân Sài Gòn đã không vô cảm trước hoạn nạn của ngư dân miền trung, mà thật ra cũng là của chính mình, của tất cả những người Việt Nam có lương tri khác. “Con tôi cần nước Sạch- Không khí Sạch- Thực phẩm Sạch- Chính quyền Sạch”. Đó là lời giải thích cho việc có mặt trong đoàn biểu tình của một trong hàng ngàn hàng triệu những người mẹ yêu con một cách có trách nhiệm…
“Stand up for our survival”. “Biển chết thì con người cũng chết”. “Stop Formosa- Stop killing nature”. “SOS, Our sea has died”. “Việt Nam khủng hoảng môi trường sống”. “Polluters are Criminals”. “Save Our Seas”.. “Vì môi trường trong sạch cho Việt Nam”. “Môi trường là lẽ sống”. “Bảo vệ biển và ngư dân”. “Biển sẽ xanh khi chúng ta sạch”. “Bảo vệ môi trường- Bảo vệ sự sống”…
Ai đã cam tâm đui điếc để tung tin người dân đi biểu tình là do được thuê tiền? Đó là một sự xúc phạm sâu sắc và vô liêm sỉ.
Ai dám nói là người dân không am hiểu điều họ đang làm, không biết vì sao họ phải ra đường để đối đầu với các hiểm nguy đang chờ chực. Họ thông thái hơn rất nhiều những “nhà khoa học” hư danh, những chức danh bằng cấp hợm hĩnh in đầy trên danh thiếp để tự sướng, những chức vị dài thượt bắt dân nghe đến nhàm tai những khi có các loại lễ lạc dông dài đến vô tận…
Sao có thể thẳng tay đàn áp những công dân ưu tú như vậy? Chính quyền phải tự giáo dục lại nhân viên của mình chớ không phải cứ quen miệng đòi “giáo dục nhân dân” một cách hết sức vô nghĩa và hỗn xược.
Các nhà chính trị hãy cố thực thi tài kinh bang tế thế của mình nhưng hãy để yên nhân dân sống bên nhau không bị lừa dối và đầu độc. Hãy bắt những kẻ hủy diệt môi trường phải trả giá bằng pháp luật, bằng bản án kinh tế để không chỉ một Formosa Vũng Áng mà những Formosa dự bị của tương lai, trước khi hành động phi nhân vì lòng tham, sẽ e ngại sự trừng phạt mà kịp thời ngưng lại.
Hãy để Sài Gòn và những thành phố, làng xã khác khắp cả nước không tái diễn cảnh đánh đập, xúc phạm những trái tim đầy yêu thương người dân dành cho nhau… Hãy trả lại cho Sài Gòn sức mạnh mà Hòn Ngọc Viễn Đông từng có được.
Đó là lòng tin vào điều lành, cái tốt, có được nhờ những giá trị tâm linh sâu sắc, khiến người dân luôn làm việc lành một cách bản năng chớ không phải làm việc ác một cách mù quáng như những gì đang thấy.
Đó là, tinh thần dung nạp rộng mở, để những người có tài năng được sử dụng, phát triển và hưởng thụ thành quả từ tài năng của chính mình, khuyến khích những con người sống cạnh nhau biết thể tất, dung hòa, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.
Đó là, để người dân được nói đúng tiếng nói của mình, được tôn trọng và tin cậy dù điều họ nghĩ và nói khác với những gì nhà cầm quyền mong muốn. Hãy biết lắng nghe dân, để tạo nên những thay đổi không chỉ tốt cho người dân mà chính là tốt hơn cho cho những người đang có trách nhiệm cầm quyền.
Chỉ như thế thì Hòn Ngọc Viễn Đông mới có hy vọng tái sinh…

(Fb Ngô thị Kim Cúc)