Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

Chút cảm nghiệm tuổi về chiều

Khi đã bước chân vào trần gian, không ai không thoát khỏi cái định luật của con người: sinh – lão – bệnh – tử.
Cái cửa tử là cái cửa chắc chắn nhất mà ai trong chúng ta dù muốn dù không, dù sớm dù muộn đều phải bước qua.  Nhưng, bước qua như thế nào và bước qua đi về đâu mới là chuyện quan trọng.
Thật ra mà nói, ai cũng mong cho mình sống lâu; thế nhưng chuyện sinh tử là chuyện của Thiên Chúa. Sống ngày nào trên trần gian chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người.  Con người không ai có quyền định đoạt được thời gian sống của mình.
Có những người đang dệt ước mơ đời mình nhưng bỗng chốc lại ra đi.
“Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”
 (Tv 103, 15-16)
Hay là:
“Lạy Chúa, con như người thợ dệt
đang mãi dệt đời mình,
bỗng nhiên bị bàn tay Chúa
cắt đứt ngang hàng chỉ” (Is 38,12).
Nhiều biến cố, nhiều sự kiện diễn ra hằng ngày bên đời ta để ta thấy điều đó rõ hơn ai hết.  Và, khi nhìn lại đời sống của mình, mỗi ngày còn thức giấc là mỗi ngày tạ ơn cũng như xin Chúa gìn giữ ta trong quãng đời còn lại:
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12).
Nhiều lần nhiều lúc cũng vui vẻ với bạn bè, choáng váng với những hào nhoáng chóng qua… đến khi chợt tỉnh giấc nhận ra rằng tuổi của mình đã xế chiều.
Những ngày tháng xế chiều này, Chúa cho tôi thời gian nhìn lại con người tội lỗi của mình.  Thật sự mà nói là quá tội lỗi trong một thời gian quá dài.  Chẳng dám ví đời mình như Thánh Augustino nhưng quả thật, tội lỗi của tôi sao chồng chất.
Tỉnh ra mới thấy mình đã đi sai đường Chúa dạy.  Chính trong cái giật mình đó, tôi lại chìm đắm trong cầu nguyện, trong lời kinh, đặc biệt Kinh Mân Côi.
Đến với Kinh Mân Côi, tôi tìm được sự bình an cũng như chuyển những ơn lành mà Chúa và Mẹ hứa dành cho các linh hồn đã ra đi.
Những năm dài lăn lộn với thương trường mà như người ta nói còn hơn cả chiến trường nữa.  Ở đó, người ta tranh giành và sẵn sàng đánh đổi tất cả để đi tìm cái lợi cho mình.  Vì nguồn lợi cho mình, người ta có khi tán tận lương tâm của mình.
Tạ ơn Chúa đã cho tôi thấy và tôi dừng.
Có thể người này người kia sẽ bảo tôi bất bình thường, tôi chơi nổi, tôi đánh bóng tên tuổi của tôi khi tôi viết ra đây những cảm nghĩ của mình.  Có thể khi suy nghĩ này đến với quý vị tôi sẽ bị chỉ trích, lên án và sẽ được những thúng… gạch đá…  Chẳng sao cả, có gạch đá để chuyển đến những nơi nghèo cần xây nhà tình nghĩa.
Tuổi đang dần chiều, nhìn lại và tôi cảm thấy thấm với tâm tư của anh chàng nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!
Thật sự là như thế, đôi khi ta cứ mãi loanh quanh đi tìm cái gì đó cho mình là danh, là tiền, là quyền, là địa vị…  Thế nhưng, tất cả những thứ mà người ta mãi đi tìm đó sẽ là con số không thật khổng lồ khi con người ta nhắm mắt xuôi tay.
Những câu chuyện thật mà tôi cũng như nhiều người đã đọc như mẩu chuyện “Bao nhiêu tấc đất cho vừa” đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.   Con người ta mải miết tham miếng đất như anh chàng trong câu chuyện đó để mãi đi tìm, tìm cho bằng nhiều nhưng khi chiều đến do tham quá không nghỉ ngơi ăn uống nên khi lấy được miếng đất thật to thì cũng là lúc mà anh ta kiệt sức.  Cuối cùng, những người hầu của ông địa chủ bán đất cho anh ta chỉ còn có việc duy nhất là chôn anh ta.
Chuyện là ông địa chủ bán đất cho anh với giá 1 đồng bạc.  Chủ nói là anh cứ đi từ sáng cho đến chiều, đến khi nào mệt nghỉ thì số đất mà anh đi qua sẽ thuộc về anh.  Vì tham lam nên bỏ ăn, bỏ uống, bỏ nghỉ để chạy cho thật nhiều, để mảnh đất mình mua được dài nhất.  Thế nhưng, vì tham quá nên đã chết sau khi chạy con đường dài không ngơi nghỉ.
Bài học thực tiễn trong cuộc đời chúng ta đó!  Có khi cứ mải miết đi tìm và đi tìm cho thật nhiều để rồi không bao giờ thấy mình đủ.
Ngày hôm nay không phải là ở cái thời bao cấp nữa, không phải cái thời đói kém nữa để rồi phải dùng cái từ chạy ăn chạy mặc.  Ngày hôm nay không ai còn chết vì thiếu ăn thiếu mặc nữa mà chết vì ăn nhiều quá và chết vì tốn nhiều tiền cho chuyện mặc của mình quá.
Và vì thế, tôi có cái cảm giác là cuộc sống của những người lớn tuổi như tôi đây nên chăng phải cảm thấy mình đủ.  Khi cảm thấy đủ mình sẽ được bình an và sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để kết hợp mật thiết với Chúa, để dọn lòng thanh thản ra trình diện trước mặt Chúa.
Có một chuyện mà tôi cảm thấy nực cười đó là ông bà và cha mẹ quá khéo lo cho con cháu đến độ con cháu bực mình.  Hay là lo cho chúng cho đã để rồi nhận lại thái độ lạnh lùng bất hiếu.  Sau đó, lại oán trách chúng bởi lẽ suy nghĩ giữa hai thế hệ khác nhau.
Cứ như phương Tây, 18 tuổi đủ trưởng thành và ta cho nó tự lập.  Có chăng ta đứng sau lưng để dõi theo và nhắc nhở.  Phần của ta, ta cứ lo phần của ta để sao ta có thời gian nhiều để cầu nguyện, để gắn bó với Chúa.
Có nhiều bậc cha mẹ đổ lỗi vì lo cho con cái đến độ không có thời gian dành cho Chúa!  Nhưng thử hỏi có cha mẹ nào lột da để sống đời bên cạnh lo cho con cái đâu?  Cuối cùng, đời cũng chẳng ra đời mà đạo cũng chẳng giữ cho suông vì cứ viện lý do này lý do nọ.
Tôi trộm nghĩ tuổi già là cái tuổi đẹp để ta có nhiều thời gian gần Chúa hơn, và khi gần Chúa, ta sẽ thấy mình thật thư thái, bình an và có thời gian nhiều để cầu nguyện cho con cháu nữa.
Vấn đề chính tôi cảm và tôi chia sẻ ở đây đó là thời gian dành cho Chúa ở cái độ tuổi về chiều.  Đôi khi vì lý do nào đó ta cứ biện minh là lo cho con cho cháu đến độ không còn thời gian.  Hay là lo cho cơm áo gạo tiền đến độ không còn giờ cho Chúa nữa.
Nếu suy nghĩ như thế và hành xử như thế, ta nên nhìn lại để quân bình đời sống tâm linh và đời sống thể xác của ta.  Có khi mãi cứ chăm chút vào thể xác mà quên đi phần hồn của ta là điều quan trọng hơn cả.
Chính vì lẽ đó nên ở cái tuổi về chiều, xin mọi người hãy nhìn lại cuộc đời của mình, xin nhìn lại phần tâm linh mà suốt thời gian còn trẻ mình đã quên phần nuôi dưỡng.
Cuộc đời qua đi quá vội và rất vội!  Xin hãy dành nhiều thời gian cho Chúa bằng kinh nguyện và những hy sinh.  Sống như thế, khi Chúa gọi ta về, lòng ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thản, và khi đó ta vui vẻ hát rằng: 
“Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười, lưỡi tôi ngàn lời ca hát, ngàn dân tung hô tôi thật vinh phúc”.
Micae Bùi Thành Châu
(Chị Mary Phạm gởi CMCVN)

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Chuyện ông Park

Chiều qua ngồi nhậu trong quán lẩu cua đồng Thị Nghè, thấy bàn bên là mấy cậu mặc đồ công sở và ngồi tâm sự, chắc mới đi làm về. Bản chất nghe lén của Tony bỗng dưng trỗi dậy, cũng tại mấy cậu nói to quá. Một cậu than thở dạo này công ty tao đủ chuyện hết. Khách hàng nợ dây dưa không trả, rồi nhiều sự cố nên cả công ty ai cũng mệt mỏi, tao cũng buồn. Thằng bên cạnh chửi nói mày ngu quá, mắc mớ gì căng thẳng, chuyện công ty là của công ty chứ có phải của mày đâu. Nó mà không trả lương đầy đủ thì mày mới lo.
Một cậu khác nói tao lớn tuổi nhất ở đây, tụi mày phải nghe. Việc thằng H buồn chuyện công ty như vậy là sai. Chuyện của họ để họ giải quyết, nhắm không ổn là nghỉ. Như ở ngân hàng của tao nè, dù có 10 việc ngày hôm đó, nhưng tao làm 5 việc thôi, để dành 5 việc kia bữa sau làm tiếp. Chứ làm hết rồi mấy ổng thấy làm nhanh quá lại giao việc nữa. Ông sếp trực tiếp tao mắt mũi như cú vọ, cứ nhìn nhìn coi ai rảnh là giao việc. Nên làm gì tao cũng kéo dài ra thiệt lâu. Làm cho lắm cũng mấy ông trong hội đồng quản trị ngân hàng giàu chứ tao vẫn vậy.
Cậu còn lại gật gù, khuyên thôi mày cứ nộp đơn chỗ khác đi. Gửi nhiều chỗ vào. Cái cậu H mới phân bua, nói tao là nhân viên chứng từ đâu có ra ngoài được. Cái 3 đứa kia chửi ngu tiếp, nói thì mày kiếm lý do gì đó trốn ra. Giả bộ nói mẹ bệnh phải đưa đi khám bác sĩ. Hay sáng đó mày nói nhức đầu tiêu chảy gì đó không lên văn phòng được. Thật thà cha dại, cứ nói đại lý do gì đó rồi ra ngoài tìm cơ hội tốt hơn. Nhắm không kiếm chác gì được ở đó thì chuồn. Cậu H có vẻ xiêu xiêu theo. Rồi cả bốn cậu đều cụng ly dzô dzô. Sống trên đời này, phải lo trước cho mình, mày không thấy người Trung Quốc dạy với nhau trong phim Tàu sao, "người không vì mình, trời tru đất diệt", đó là sự khôn ngoan, ai kệ ai chứ - cậu lớn tuổi nhất khuyên bảo cả nhóm.
Tony chợt nhớ lúc còn đi học, vào lúc nghỉ hè, Tony vô một xí nghiệp may mặc của Hàn Quốc ở Bình Dương xin thực tập không lấy lương để quen việc xuất nhập khẩu. Lúc đó nhà máy cũng bị lâm vào khó khăn tài chính, khủng hoảng tài chính 1997 thì phải, tới tháng thứ 3 thấy công ty vẫn không trả được lương. Ông giám đốc người Hàn tên Park có họp và năn nỉ mọi người thông cảm, ráng gánh gồng giùm vì hàng không xuất được, bên Hàn Quốc không cho vay tiền nữa vì thắt chặt tài chính theo đơn thuốc của IMF. Tony thấy xe hơi ổng cũng bán, vợ con thì về nước hết, hằng ngày ổng đi lên nhà máy bằng xe ôm hoặc xe buýt, Tony lúc đó chưa có xe máy nên đi làm bằng xe buýt, thỉnh thoảng ngồi cùng xe với ổng. Bình thường ổng cầm theo cái cà mèn (cặp lồng), vợ ổng nấu cơm kiểu Hàn mang theo, giờ vợ con về quê hết nên buổi trưa ổng ra trước ăn dĩa cơm bụi có mấy ngàn đồng như công nhân. Nhưng chỉ có vài nhân viên còn trẻ như Tony là thương ổng, mấy anh mấy chị lớn chửi quá trời. Nói mắc mớ gì thông cảm, tụi này cũng cần tiền để sống vậy. Ổng làm chủ công ty thì phải có tiền chứ, không có tiền thì đừng có qua đây xây nhà máy, đừng có làm ăn. Một buổi sáng nọ, Tony vô công ty và không thấy chị trưởng phòng XNK tên Đài đâu cả, Tony mới gọi điện về nhà hỏi thì chị Đài nói tao nghỉ việc rồi. Tao cầm cái máy fax và mấy giấy tờ quan trọng của công ty về nhà coi như siết nợ, mày nói với ông Park có trả lương tao thì tao mang lên trả.
Ổng thương nhân viên người Việt ghê lắm, nhất là chị Đài, người được ổng đào tạo từ lúc mới ngáo ngơ ra trường. Sáng đó ổng kêu Tony giúp ổng gửi cái công văn này cho một công ty Hồng Kông. Tony đọc thấy hợp đồng bán thanh lý toàn bộ nhà máy. Ổng kêu chị Lan kế toán vô, bảo các bạn mai không cần phải đi làm nữa, tuần sau lên nhận lương, công ty sẽ không nợ ai một đồng nào, bù cho mỗi người 1 tháng lương để đi tìm việc mới. Ổng gục đầu xuống nói xin lỗi, nói làm chủ mà không lo được cho mọi người, rồi nói gì dài lắm, tiếng Anh giọng Hàn cứ xí xô xí xào. Cái thôi, Tony lật đật đi làm việc ổng giao.
Khổ là cái máy fax bị chị Đài lấy mất rồi nên không gửi qua Hồng Kông được. Mới vô báo lại, ổng chưng hửng nói ủa máy fax sao cũng lấy. Ổng bảo thôi mày ra ra bưu điện gửi fax cũng được, ổng đưa Tony 200 ngàn. Hồi đó chưa có email, làm gì cũng đánh máy, in ra rồi gửi fax, một trang cả mấy đô, mắc lắm. Tony chạy ra cổng nói anh bảo vệ cho em mượn xe của anh chút, em ra bưu điện Sóng Thần rồi về ngay. Anh bảo vệ nói đi vậy tiền xăng ai chịu, tao đâu có ngu. Tony chạy lên phòng nhân sự hỏi mấy người mà không ai chịu cho mượn, nên lại vô phòng báo cáo ông Park. Ổng giật mình ngồi một lúc thì hiểu ra, lục lọi hết trong túi quần túi áo, đưa Tony thêm đâu khoảng một trăm ngàn, nói đi xe ôm đi cho nhanh. Tony xong việc đem hợp đồng và tiền thừa về trả lại cho ổng. Vô phòng giám đốc không thấy ổng đâu, mới chạy đi tìm. Thấy ổng đứng ngoài gốc cây phía sau xưởng hút thuốc, mắt đỏ hoe…
Hôm bữa Tony tình cờ gặp chị Lan, kế toán cũ. Chị Lan nói ông Park vẫn giữ liên lạc với chị đến bây giờ. Sau khủng hoảng ổng cũng có gầy dựng lại một cái nhà máy mới bên Campuchia. Chị mấy lần rủ qua Việt Nam chơi nhưng ổng nói thôi tao không quay lại nơi đó đâu, nhớ kỷ niệm xưa buồn lắm.
Chị Lan nói ông Park không nhớ tên em, nhưng nói nếu có gặp thì cho tao gửi lời hỏi thăm cậu sinh viên cao cao ốm ốm, hồi xưa hay đi gửi công văn giấy tờ. Chị nghĩ là ổng nói em đó.
Sau này ra đi làm, sóng gió thương trường, Tony mới hiểu.
Mỗi lần nghĩ về ông, nước mắt cứ chảy.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Nội, Ngoại và Bà Cô



Hình bố ở giữa hai mẹ
Trong bốn anh em thì bố lớn nhất. Bà nội mất khi bố là chàng thanh niên 17 tuổi và chú út Lâm vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Tôi không biết mặt bà, chỉ nghe bố kể lại. Bố nói bà nội hiền lắm, nhà nghèo, chịu cực chịu khổ,  bà vất vả, tần tảo ngược xuôi vẫn không đủ nuôi anh em bố. Bố vẫn nói với chị em tôi rằng điều ân hận lớn nhất trong cuộc đời bố là không lo cho bà nội được ngày nào. Bố là đàn ông, lớn thế, già thế, nhất là trong lúc thời gian đau kéo dài, bố hay gọi một mình : Mẹ ơi mẹ ! tôi nghe thật não lòng, tôi biết bố thương và nhớ bà nội lắm, nhưng mẹ còn đâu nữa để trả lời cho con ?

Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì bà ngoại hiền lắm, hiền ơi là hiền !
Bố tôi là con rể, bà nội mất sớm nên khi lấy má thì bố thương bà ngoại như mẹ ruột của mình. Bố vẫn thường nói với tôi câu nói ấy. Bố chạy taxi, nhưng chúa nhật là bố nghỉ, buổi sáng đưa vợ con đi ăn phở. Có khi ăn phở của bác Thiện lối xóm, có khi ăn phở Tàu Bay cạnh nhà thờ Bắc Hà. Sau màn ăn phở no nê, bố chở tất cả lên nhà ông bà ngoại chơi. Tôi nhớ mỗi tháng một lần bố lại mang đến một bao gạo thật to vì ông bà ngoại ở với mấy cậu mợ và dì. Nhà ông bà ngoại gần nhà thờ tuốt trên Gò Vấp (tôi quên mất tên nhà thờ ấy vì ông bà ngoại đã dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi) . Sân nhà thờ rộng, có trò chơi mà con nít tụi tôi thời đó đứa nào cũng thích là xích đu, cầu tuột. Taxi của bố vừa ngừng ở cửa nhà, chào ông bà ngoại xong là chị em tụi tôi dông thẳng ra sân nhà thờ, leo lên cầu tuột chơi cả buổi sáng : mình mẩy lấm lem, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, còn đít quần thì thôi khỏi phải nói, đen một màu đất. Chơi đến trưa đói bụng mới chịu về nhà ăn cơm, lần nào má tôi cũng bực mình la cho một hồi vì phải giặt đồ cho tụi tôi chắc chắn chà mỏi cả tay may ra mới sạch. Chơi mệt, ăn cơm nhiều và lăn ra ngủ một giấc ngon lành là đến giờ về. Thế nào bà ngoại cũng dúi cho chị em tôi mỗi đứa một ít tiền lẻ. Bố má tôi không cho lấy nhưng mắt trước mắt sau thế nào tụi tôi cũng nhận, sợ phụ lòng bà vì bà nhất quyết cho mà ! Khi bố má biết được thì đâu đã vào đấy, chả lẽ bắt trả lại, mà trả thì bà ngoại cũng đâu có chịu nhận !
Nhớ có lần bà hỏi tôi : Cháu sợ má hay sợ bố ?
Tôi trả lời ngay : Sợ má chứ không sợ bố vì bố không đánh, còn má đánh đau lắm.
Bà dạy tôi : Dù bố không đánh nhưng phải sợ, phải ngoan, không được trả lời như vậy nha cháu !
Tôi dạ nhưng quên mất tiêu những lời bà nói.
Tôi được bố má gởi lên Dalat học, mỗi lần tết đến, hè về mới gặp bà ngoại, lớn rồi nên khi bà cho tiền tôi không tranh thủ cố cầm như hồi còn bé nữa.
Tôi nhớ mùa hè 1973, mới từ Dalat về được mấy ngày thì bà mất. Bà bị ung thư xương.
Những giây phút cuối cùng bà vẫn tỉnh, bà vuốt ve bàn tay, khuôn mặt tôi, đôi mắt thật trìu mến, ánh mắt ấy tôi còn giữ mãi đến bây giờ... Đó là ngày 31 tháng 05.

Bà ngoại mất được một tuần thì bà cô tôi cũng ra đi.
Bà cô là em ruột của ông nội. Chồng của bà có một đời vợ trước. Vợ mất sớm nên ông đi thêm bước nữa với bà cô, bà cô không có con nên thương và chăm sóc người con riêng duy nhất của chồng như con ruột, Tôi gọi con riêng của ông là chú Tính. Khi chú Tính lập gia đình và có con cũng một tay bà cô tôi chăm sóc.
Bà cô bán bánh mì vào buổi sáng sớm, Bán xong vội vàng về nhà chợ búa, cơm nước cho chồng con. Vậy mà cuối đời bà khổ lắm. Bà bị ung thư, khi bà vào bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bịnh ung thư đâu có lây, thế nhưng chú Tính không cho mang bà về nhà, bố tôi và chú Khánh xin mãi mà vẫn không thể nào lay chuyển. Lần cuối tôi đến thăm bà ở bệnh viện, bà nằm ngoài hành lang vì bệnh nhân quá nhiều. Bà đau lắm, bác sĩ cho bà uống thuốc ngủ triền miên để giảm cơn đau. Vậy mà khi bố nhấc bà lên để chú Khánh thay drap, bà vẫn kêu lên đau đớn, tôi chứng kiến cảnh ấy không cầm được nước mắt . Suốt đời bà chăm sóc con riêng, rồi tới cháu nội của chồng mà phút giây sinh ly tử biệt chỉ có các cháu, cũng không được về lại ngôi nhà mình đã từng gắn bó, tận tụy, yêu thương, chắc bà buồn và cô đơn lắm...

Hôm qua gặp má, nhắc lại chuyện ngày xưa, má kể cứ mỗi tháng một lần bà lại lên thăm ông nội. Lần nào lên chơi bà cũng có quà cho tất cả các cháu, bà cưng mày lắm, rồi má chép miệng thở dài : số bà cô khổ lắm con ơi, sống cũng khổ, chết cũng khổ !
Vậy mà hơn bốn mươi năm tôi đâu có nhớ, sự vô tình quên lãng của tôi như thể một tội ác. Bà tha lỗi cho cháu, bà ơi ! Cháu và má sẽ cùng xin tặng bà một thánh lễ trọn đời, dù muộn vẫn còn hơn không, xin lễ nhưng cháu hi vọng giờ này bà ở trên thiên đàng rồi, bà sẽ mĩm cười tha lỗi...