Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

13 cảnh báo của ĐTC Phanxicô về ma quỉ

"Ma quỷ đang ở quanh ta … trong thế kỷ 21 này!" 
Luận điệu gian xảo nhất của Satan là đang thuyết phục con người tin rằng hắn không còn tồn tại trong thế kỷ này?

ĐGH Phanxicô không ngạc nhiên trước luận điệu đó.

Bắt đầu từ bài giảng đầu tiên sau khi nhậm chức Giám mục Roma, ĐGH Phanxicô luôn nhắc nhở các tín hữu rằng ma quỷ là thực hữu và chúng ta luôn phải cảnh giác với chúng, và niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta có thể chống lại ma quỷ là Đức Giê-su Ki-tô.

Dưới đây là 13 câu trích dẫn từ những bài giảng của ĐGH về vấn đề này.

1) “Khi một người không tuyên xưng Đức Ki-tô, người đó sẽ tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ.”
Bài giảng đầu tiên, 14/03/2013

2) “Ông Hoàng của thế giới ngày nay là Satan rất ghét sự thánh thiêng, hắn không muốn con người bước theo Đức Ki-tô.  Có thể có người sẽ nói: “Nhưng thưa Cha, cách Cha nói về ma quỷ đã quá lỗi thời trong thế kỷ 21 này!” Nhưng các bạn hãy cảnh giác vì ma quỷ vẫn đang hiện hữu!  Ma quỷ đang ở trong thế giới này… ngay trong thế kỷ 21 này!  Và chúng ta đừng thờ ơ nữa.  Hãy học trong Thánh Kinh cách chiến đấu chống lại với Satan.”
Bài giảng ngày 10/04/2014

3) “[Ma quỷ] đang tấn công dữ dội vào các gia đình, là nơi ma quỷ không muốn tình yêu được thể hiện và chúng đang tìm cách để phá hủy tình yêu.  […] Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho mọi gia đình.  Xin Người ban sức mạnh cho các gia đình trong cơn khủng hoảng này, cơn khủng hoảng mà ma quỷ đã tạo ra để phá hủy nền tảng gia đình.”
Bài giảng ngày 01/06/2014

4) “Đã quá đủ khi báo chí đầy dẫy những tin tức tội ác và chúng ta thấy được sự hiện hữu của tội lỗi, của ma quỷ vây quanh ta.  Chúng đang hoạt động tích cực.  Nhưng Ta muốn cất cao giọng tuyên tín rằng “Thiên Chúa là sức mạnh vô song.” Vậy các bạn có tin điều đó không, rằng Thiên Chúa có quyền uy trên tất cả?”
Triều yết chung, 12/06/2013

5) “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa đoái thương đến chúng ta trong những cơn sóng gió này.  Người đã đến thế gian để chiến đấu cứu rỗi chúng ta.  Người đã chiến thắng bóng tối ma quỷ!  Xin hãy đừng tiếp tay cho ma quỷ!  Người đang tìm những con chiên lạc, Người bảo vệ che chở chúng ta … Đừng thờ ơ nữa, hãy luôn cảnh giác!  Và hãy luôn ở trong Đức Ki-tô!”
Bài giảng ngày 08/11/2013

6) “Ma quỷ đã xuất hiện ngay từ trang đầu tiên của Thánh Kinh, và Kinh Thánh cũng kết thúc có sự hiện hữu của ma quỷ cùng với chiến thắng vinh quang của Thiên Chúa.”
Bài giảng ngày 08/11/2013

7) “Chúa Giê-su đã nói “Hoặc ngươi theo ta, hoặc chống lại ta” … [Đức Giê-su đã đến] để giàng lại cho chúng ta quyền tự do … [khỏi] tình trạng nô lệ mà bóng tối ma quỷ đang bao trùm trên chúng ta … Như vậy không thể có sự lập lờ về thái độ.  Cuộc chiến luôn diễn ra ở nơi đâu có ơn cứu độ, ơn cứu độ đời đời.  Chúng ta phải luôn đề phòng và cảnh giác chống lại những mưu chước của ma quỷ, chống lại những cám dỗ của chúng.”
Bài giảng ngày 11/10/2013

8) “Ma quỷ gieo rắc mầm mống tội lỗi vào những nơi tốt lành, chúng cố gắng chia rẽ con người, phá tan các gia đình và dân tộc.  Nhưng Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn mỗi người và kiên nhẫn chờ đợi với tình thương bao la: Người nhìn thấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, nhưng Người lại nhìn đến và kiên nhẫn tìm kiếm và chờ đợi những hạt giống tốt lành trong mỗi chúng ta nảy mầm.”
Bài giảng ngày 20/07/2014
 
9) “Ma quỷ không bao giờ chịu đứng im nhìn sự thánh thiêng và tốt lành của Giáo hội hay của mỗi chúng ta mà không cố tìm cách phá hủy sự tốt lành đó.”
Bài giảng ngày 07/05/2014

10) “Hãy xem cách Đức Giê-su đáp trả lại [những cám dỗ]: Người không đôi co với Satan, như Eva trong vườn Địa đàng.  Đức Giê-su biết rất rõ rằng con người không thể dùng miệng lưỡi đôi co lại với Satan vì hắn rất xảo quyệt.  Vì vậy, thay vì tranh luận với hắn như Eva xưa, Chúa Giê-su đã chọn cách vững chắc là dùng Lời Chúa để đáp lại ma quỷ với uy quyền của Lời Người.  Chúng ta hãy ý thức điều này mỗi khi chúng ta bị cám dỗ…:  Đừng đối thoại với Satan, nhưng hãy dùng Lời của Chúa để bảo vệ chúng ta.  Và Lời Người sẽ cứu thoát chúng ta.”
Bài giảng Chúa Nhật 09/03/2014

11) “Chúng ta cũng phải bảo vệ đức tin của mình, bảo vệ đức tin tránh xa những bóng tối.  Vì rằng rất nhiều khi bóng tối nằm ẩn nấp đâu đó dưới vỏ bọc ánh sáng.  Như Thánh Phao-lô cảnh báo rằng ma quỷ có những lúc chúng cải trang thành thiên thần.”
Bài giảng ngày 06/01/2014

12) “Ẩn sau những lời đồn thổi là sự đố kị và ganh ghét.  Những câu chuyện ngồi lê đôi mách này chia rẽ cộng đoàn, phá hủy cộng đoàn.  Buôn chuyện là một vũ khí rất hiệu quả của ma quỷ.”
Bài giảng ngày 23/01/2014

13) “Chúng ta hãy luôn ý thức rằng kẻ thù của Ánh sáng luôn tìm cách ngăn cản chúng ta đến với Chúa và chúng cấy vào trong tâm hồn chúng ta sự thất vọng chán nản mỗi khi công việc tông đồ phục vụ của ta không được tưởng thưởng kịp thời.  Hàng ngày ma quỷ gieo những hạt giống bi quan và cay đắng trong tâm hồn chúng ta…  Xin cho chúng ta luôn mở rộng cõi lòng đón nhận sinh khí của Chúa Thánh Thần, Người không bao giờ ngừng gieo những hạt giống hy vọng và tin cậy.”

Diễn văn ngày 18/06/2013
Tri Khoan 
Nguồn: ChurchPOP

**************************
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu đau khổ và bị cám dỗ.  
Chúa là Đấng quyền năng đã đến để cứu giúp những người đang bị xiềng xích bởi ma qủy, vì Chúa luôn nâng đỡ những kẻ đi theo Ngài.
Lạy Chúa, xin gìn giữ những kẻ tin vào danh thánh Chúa trong cánh tay Ngài.  
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, mà ban niềm hoan lạc bất diệt.  Amen!
St. Gregory of Khandzta (759-861)

**************************


Có ma, có quỷ thật không?
Quỷ ám, quỷ nhập như thế nào?
Những chuyện bùa ngải, thư ếm là thực hay hư?
Tại sao Thiên Chúa để cho ma quỷ quấy nhiễu, hành hạ con người?
Tất cả những thắc mắc trên đây đều được giải đáp, không phải bằng lý lẽ, nhưng bằng những câu truyện ly kỳ, kinh dị và khủng khiếp mà Đức Cha Cristiani sẽ thuật lại trong tác phẩm “Ma Quỷ Trong Thế Giới Ngay Nay
Đây là một cuốn sách đã được tiếp đón nồng nhiệt sau những tháng ngày đằng đẵng trông mong.
Một cuốn sách gây ấn tượng mạnh, hấp dẫn lạ thường, đồng thời sinh nhiều lợi ích cho bất cứ độc giả nào đã một lần đọc qua.

Xin mời đọc sách “Ma Quỷ Trong Thế Giới Ngay Nay” tại đường link sau:

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Lùn, thấp bé, nhưng...

Tôi vẫn còn nhớ bài hát ngày còn bé : 
"Ông Gia kêu lùn đang leo lên cây để nhìn xem Chúa.
Ông Gia kêu này, xuống đi ! Vì tôi đến thăm nhà ông bây giờ.
Vâng, vâng thưa Thầy, tôi xin đem chia gia tài tôi hết.
Bao nhiêu phương hại bất công, thì tôi sẽ xin đền ba, bốn lần.
Hôm nay gia đình này được ơn tiên tri cứu độ nhân thế..."

Đọc câu chuyện ông Gia kêu có lẽ ai cũng phải nực cười xen lẫn cảm động.  Cái nực cười thứ nhất là Gia kêu thấp bé, vóc người không giống ai.  Cái nực cười thứ hai, ông Gia kêu làm trưởng ban thu thuế thời Chúa Giêsu.  Gia kêu lúc nào xem ra cũng rổn rẻng với tiền bạc, với việc làm giầu v.v…  Con người bề ngoài khác thường về vóc dáng, nhưng thực tế lại là một con người đầy lòng nhân từ, biết sám hối, biết hối cải.  Chúa Nhật 31 thường niên cho chúng ta một cái nhìn rất thực tế, đầy an ủi về lòng nhân từ bao la của Chúa:“Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống: Trước Thanh Nhan, ôi vui sướng tràn trề” (Tv 15, 11).  

Gia kêu nếu xét theo một nghĩa nào đó thực là một người đáng ghét, đáng khinh vì ông làm việc cho đế quốc Roma, làm nghề thuế vụ, làm trưởng ban thuế, làm cái nghề tiếp tay với ngoại bang bóc lột dân chúng.  Gia kêu giầu có, có quyền lực vì ông làm việc cho đế quốc Roma.  Dân Do Thái không ưa ông, ghét ông, xếp ông vào hàng tội lỗi và đặt ông ngang hàng với bọn điếm đàng.  Đối với dân Do Thái, ông không thể ăn năn, không thể hối cải.  Ông đáng sa vào hỏa ngục lửa thiêu.  Thế nhưng, Chúa Giêsu lại chọn nhà ông Gia kêu để ghé thăm nhà ông.  Gia kêu chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu đi ngang chứ làm sao dám mời Chúa Giêsu ghé thăm nhà ông được.  Chúa Giêsu đã làm một việc không ai ngờ được.  Chúa đã chọn nhà ông Gia kêu.  Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người được Thánh Thần hướng dẫn khi thấy ông Gia kêu giữa đám đông.  Chúa Giêsu minh chứng Người đã tới Giê-ri-khô để cứu một người giầu có.  Tuy nhiên, người Do Thái vẫn dị nghị, vẫn hiểu lầm Chúa và hiểu lầm cả ông Gia kêu.  Họ cho rằng “Chúa lại vào ở nhà người tội lỗi.”  Nhưng thực ra Chúa Giêsu hiểu mọi người và hiểu ông Gia kêu.  Chúa đến nhà của Gia kêu không phải vì miếng ăn, vì bữa tiệc, vì chén rượu, chén trà, nhưng vì ơn cứu rỗi của ông và của gia quyến ông.  Dịp này, ông Gia kêu và cả gia đình ông đã công khai thú tội trước mặt Chúa Giêsu và trước mặt mọi người dự tiệc, và hứa “xin bán đi nửa gia tài, phân chia cho kẻ nghèo khó, và đền trả một gấp bốn cho những ai ông gây thiệt hại” (Lc 19, 8).  Chúa Giêsu đã nói về ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Lc 19, 9).  

Tự sức con người, con người không thể làm lành, nhưng Thiên Chúa có thể làm được tất cả.  Chúng ta hãy đọc các đoạn Tin Mừng như: “Con chiên lạc.  Đồng bạc đánh mất.  Người con hoang đàng.  Người phụ nữ ngọai tình v.v…” để thấy lòng nhân từ của Thiên Chúa như thế nào.  Con người phản nghịch, con người tội lỗi nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người.  Thiên Chúa yêu con người và không muốn để bất cứ ai bị hư mất.  Ông Gia kêu dư biết thiên hạ ganh ghét ông và thèm được như ông.  Gia kêu đâu có phải là người xấu bụng dù rằng ông đã nhúng tay vào việc thật xấu xa, nhưng trong cõi lòng sâu kín của ông vẫn còn chứa chất điều thiện, ông thầm tin tưởng và cám ơn Chúa Giêsu mà ông coi như một vị ngôn sứ lớn.  Ông tha thiết muốn gặp gỡ Chúa Giêsu, do đó ông và cả gia đình ông đã được ơn cứu độ.  Chúa đã giải thoát cho ông và gia đình ông khỏi tội lỗi, khỏi hư đi.  Ân huệ cao vời Chúa ban cho ông khiến ông đã bộc lộ tất cả những gì là tốt lành, là nhân ái, còn chứa trong nỗi lòng sâu kín nhất của ông.  Gia kêu đã trở nên mẫu gương cho những ai biết đón nhận ơn tha thứ bằng việc thật tâm hối cải, quay trở về với Chúa.  Đúng thật, Chúa tới để tìm kiếm những gì đã hư mất.  

Bí Tích Giải Tội là Bí Tích do Chúa Giêsu thiết lập và là một hồng ân cao vời Chúa ban cho nhân lọai.  Đây là phương thế giúp chúng ta làm hòa với Chúa, với Giáo Hội và với anh chị em, là phương thế Chúa ban lại sự an bình tâm hồn cho con người và thêm sức mạnh cho tương lai, trả lại tình trạng trong sáng đã bị tội lỗi làm lu mờ.  Bí Tích Giải Tội nối những gì tội lỗi đã làm con người xa lìa Thiên Chúa.  Do đó, chúng ta phải yêu mến Bí Tích Giải Tội và luôn siêng năng lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa để được gần gũi Thiên Chúa, gần gũi Giáo Hội và gần gũi anh chị em.  

Lạy Chúa xin cho chúng con có tấm lòng như Chúa, có đôi mắt của Chúa để chúng con luôn biết cảm thông với những yếu hèn của người khác.  Amen.  

LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Mẹ là sao biển

Cuộc đời này được sánh ví như đại dương bao la.  Mỗi ngày sống là một ngày vượt trùng khơi, vật lộn với sóng cả ba đào để tới bến bờ.  Có những hành trình êm ả thuận lợi, nhưng cũng có những hành trình vất vả gian nan.  Trong hành trình vượt đại dương cuộc đời, người tín hữu Công giáo có Đức Mẹ là “Đấng chỉ bảo đàng lành”.  Như ngôi sao sáng dẫn chỉ lối giữa đại dương bao la, Mẹ Maria cũng được tôn vinh là “Ngôi Sao Biển - Maris Stella”.

Ai đã từng vượt biển mới cảm nghiệm nỗi kinh hoàng khi đại dương rùng mình dậy sóng.  Khi chuẩn bị bước sang thế kỷ 21, một số nhà nghiên cứu đã tổng hợp các sự kiện đáng ghi nhớ của dân tộc Việt Nam.  Biến cố vài trăm ngàn người Việt bỏ lại đàng sau quê hương xứ sở, vượt biển ra nước ngoài được coi như một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử dân tộc Việt Nam của thế kỷ 20.  Người vượt biển phải đối diện với biết bao nguy hiểm, lằn ranh giữa sự sống và cái chết rất mong manh.  Không ai thống kê được con số người đã bỏ mạng trên biển, vì đói khát, vì bão tố phong ba và vì hải tặc.  Nhiều người may mắn thoát chết đã bị ám ảnh suốt đời vì những gian nan đã trải qua.  Trong hành trình vượt biển này, có nhiều người đã được ơn lạ của Đức Mẹ.  Người viết bài này có dịp tiếp xúc với một số người quen biết hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, nghe họ kể về những trường hợp lâm nguy, trên những con thuyền mong manh như chiếc lá giữa đại dương.  Trong giờ phút nguy khốn ấy, họ đã kêu cầu Đức Mẹ.  Trong số đó có những anh chị em ngoài Công giáo.  Có người hứa với Đức Mẹ, nếu thoát mạng, sẽ xin nhập Đạo.  Sau này, khi đến đất nước thứ ba, họ đã giữ lời hứa ấy và trong số đó có người đã làm linh mục.  Họ là chứng từ sống động về tình thương Thiên Chúa và về lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ.  Đức Trinh nữ Maria quả thực đã là ngôi sao biển dẫn đưa những người có niềm cậy trông về bến an toàn.

Khi tôn vinh Đức Mẹ là ngôi Sao Biển, chúng ta thể hiện lòng cậy trông của chúng ta đối với Đức Mẹ.  Bên chân thập giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan, đồng thời Người cũng trao phó Thánh Gioan cho Đức Mẹ.  Cử chỉ ấy muốn nói lên rằng, trong đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu, từ nay có Đức Mẹ đồng hành.  Thánh Gioan ghi chú thêm: “Kể từ giờ đó, người môn đệ đón Đức Mẹ về nhà mình” (Ga 19,27).  Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Thư Chung công bố đầu tháng 10-2016 vừa qua, cũng mời gọi các tín hữu Việt Nam hãy “đón Mẹ về nhà” và yêu mến Đức Mẹ với trọn tình con thảo.  Quả thật, có Đức Mẹ hiện diện, chắc chắn đời chúng ta không còn cô đơn.  Trên hành trình vượt biển cuộc đời, Đức Mẹ hiện diện ở đó để hướng dẫn chúng ta biết sống sao cho đẹp lòng Chúa.  Nhờ Đức Mẹ chỉ bảo, con thuyền cuộc đời của chúng ta biết “bát, cạy”, tức là biết lái sang bên phải hoặc bên trái, với mục đích đem lại cho chúng ta hạnh phúc niềm vui trong cuộc sống và ân sủng từ trời.

Trong buổi lễ kết thúc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II vào ngày 21-11-1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội.  Sau khi tuyên bố Đức Maria là một “thành viên trổi vượt”, là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng viết: “Giáo hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với người Mẹ rất đáng mến yêu” (LG 53).  Mẹ là Mẹ của Giáo Hội lữ hành đang vượt biển trần gian.  Giáo Hội vẫn được trình bày như con thuyền căng buồm lướt sóng ra khơi, giữa biết bao sóng cả ba đào.  Cờ hiệu của con thuyền Giáo Hội là cây thập giá, dấu chỉ của chiến thắng và hy vọng.  Trên con thuyền Giáo Hội, có Mẹ ở đó, hiện diện âm thầm, để dõi theo từng bước đi của Giáo Hội, như Mẹ đã âm thầm dõi theo từng bước đường truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, Con của Mẹ.  Hình ảnh Đức Mẹ hiện diện giữa các tông đồ, chìm sâu trong lời cầu nguyện, được Thánh Luca kể lại trong sách Công vụ Tông đồ, cho thấy, Giáo Hội của Đức Giêsu không cô đơn, vì có Đức Mẹ đồng hành (x.  Cv 1,12-14).  Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều ấy.  Trên thế giới, có nhiều địa điểm được Đức Mẹ thăm viếng, và nhanh chóng trở thành những linh địa, những điểm hành hương nổi tiếng.  Tuy vậy, người tín hữu luôn tin rằng, dù không được đến những địa điểm hành hương nơi Đức Mẹ đã hiện ra, ở bất cứ nơi nào, nếu họ tin tưởng phó thác và kêu cầu sự bảo trợ của Đức Trinh nữ, thì Đức Mẹ vẫn hiện diện trong cuộc đời của họ.  Đó là sự hiện diện thân thương mà đầy quyền năng, đem lại cho tâm hồn người tín hữu ấm áp và an bình.

Một câu chuyện rất cảm động kể về lòng can đảm của một phụ nữ xóm chài: Trong lúc mọi ngư dân đang đánh cá ngoài khơi, thì bỗng một cơn bão lớn nổi lên.  Chiều đã tới và màn đêm buông xuống mà bão tố vẫn chưa tan.  Những người phụ nữ và trẻ em đều nóng lòng sốt ruột ngóng trông ra biển, vì hầu hết những người đàn ông và thanh niên trai tráng đều ở ngoài khơi, và giờ đây họ đang chống chọi với bão tố để tìm đường về.  Bà con làng chài đốt những bó đuốc lớn với hy vọng những người thân ngoài khơi nhận ra hướng đất liền để trở về.  Một người phụ nữ nhanh trí đã phóng lửa đốt cả ngôi nhà mình, mong tạo lên mội khối lửa khổng lồ, vượt xuyên màn đêm tối.  Nhờ khối lửa khổng lồ này, những ngư dân đã trở về đất liền an toàn.  Người phụ nữ đã hy sinh tất cả, với ước nguyện cứu sống những người thân.

Hình ảnh người phụ nữ xóm chài gợi lại cho chúng ta người mẹ đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê năm xưa, đó là Đức Trinh nữ Maria.  Mẹ đã hy sinh tất cả, đã âm thầm cầu nguyện trong đau đớn, để cùng với Con của mình dâng hy tế cứu độ trần gian.  Nhờ cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhân loại được hưởng niềm vui và hạnh phúc.  Đức Giêsu là tất cả của Mẹ.  Người là sự sống, là niềm vui, là niềm an ủi, là trọn niềm yêu thương.  Đức Maria đã can đảm hiến dâng người con ấy, để cho trần gian được cứu rỗi.

Ý thức được mình đang được ngôi Sao Biển có tên là Maria hướng dẫn, chúng ta không sợ lạc đường, nhưng an tâm bước đi trong cuộc sống mỗi ngày.  Như người lữ hành vượt trùng khơi, chúng ta phải luôn ngước mắt nhìn ánh sao biển để nhận biết phương hướng cho cuộc hành trình.  Cũng vậy, tôn vinh Đức Mẹ là Sao Biển không phải là một khẩu hiệu rỗng tuếch, nhưng đó phải là tâm tình yêu mến cậy trông.  Ngày hôm nay, Mẹ vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để dặn dò chúng ta như Mẹ đã dặn dò những người giúp việc trong tiệc cưới ở Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo!” (Ga 2,5).  Đúng vậy, khi chuyên tâm thực thi ý Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tìm được hướng đi cho đời mình.  Đức Mẹ soi sáng cho chúng ta hiểu Lời Chúa, như Mẹ đã chiêm niệm, suy tư và ghi nhớ Lời Chúa trong lòng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Thông điệp “Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng
Spe Salvi” đã tôn vinh Đức Mẹ với tước hiệu “Ngôi Sao Hy Vọng”.  Ngài viết: “Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao của hy vọng cho chúng ta? Khi Mẹ “Xin Vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới của chúng ta cho chính Thiên Chúa; Mẹ trở nên Hòm Bia Thiên Chúa sống động, trong đó Thiên Chúa nhập thể, trở nên một con người như chúng ta, và dựng lều ở giữa chúng ta (x.  Ga 1,14)” (Số 49).

Hành trình vượt biển là một hành trình dài, đầy những sóng xô nghiệt ngã và thử thách gian nan.  Mẹ Maria là ngôi Sao Biển rạng ngời hướng dẫn chúng ta.  Có Mẹ đồng hành, chúng ta không còn sợ nguy biến.  Nghe Mẹ chỉ bảo, chúng ta sẽ cập bến.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Tháng Mân Côi 2016

Toàn cảnh trận lụt lịch sử tại quê nghèo miền Trung

Thương lắm Việt Nam yêu dấu ơi ! Bao giờ thanh bình...??? 

(Nhận từ email chị Mary Phạm)

Trận lụt lịch sử từ ngày 13-16/10/2016 tại các tỉnh miền Trung khiến 15 người chết, 9 người mất tích, 18 người bị thương và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước.

7

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13/10 Quảng Bình bắt đầu có mưa to đến rất to. Mưa lớn lại kéo dài khiến hàng ngàn ngôi nhà tại thành phố Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa chìm nghỉm trong nước.

Hon 20.000 ngoi nha chim nghim trong nuoc nhin tu tren cao hinh anh 5

Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước.

3-1952

Còn tại Thừa Thiên – Huế, rạng sáng 14/10 áp thấp nhiệt đới đã gây gió mạnh kèm mưa to gây ra tình trạng lụt lội khắp nơi.

14724145_745398932264953_1890778070_o-1113

 Một cây xanh nằm trên đường Đống Đa (thành phố Huế) bị gió quật đổ nằm đè lên một chiếc ô tô 4 chỗ. 

20161015125042daphoho-0935

Ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, do xã lũ bất ngờ cùng với mưa lớn kéo dài khiến nước dâng quá nhanh, người dân không kịp trở tay. 

dsc00816-2240

Cổng trường ngập nặng tại huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh.

quang-trach-6-1203

Nước nhấn chìm nhà cửa, người dân ở huyện miền núi Hà Tĩnh phải chèo lên nóc nhà tránh lũ.

5555555555-2042

Nhiều gia đình phải chèo thuyền lên ủy ban xã tránh lũ.

tre-em

Bé trai 7 tháng tuổi con anh Lâm ở xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được bố mẹ đưa lên nóc nhà tránh lũ - Ảnh: Zing.

14656252_1136275669759944

Những chú bò được di chuyển lên giường chạy lũ.

bo

Đây là cách người dân huyện Tuyên Hóa cứu gia súc trong tình hình ngập lụt nghiêm trọng. 

20

Con bò cày, tài sản làm nên cơ nghiệp nhà nông đang bị nước lũ đe dọa.

1312

Những chú chó này cũng ướt như chuột lột, run lẩy bẩy.

14

Nước lũ dâng cao, chỗ cao nhất dành cho đàn gà

19

Cảnh người dân tìm cách bảo vệ đồ đạc tránh ngập - Ảnh: Lê Xuân Trường.

1

Người đàn ông vớt vát những hạt đã gạo ướt nhèm trong xô để mang đi nấu ăn tạm qua ngày.

4

Người dân ở khu vực trũng xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) phải sơ tán lên trường trung học cơ sở. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra tại đây.

mitom

Các sinh viên Quảng Bình ngồi nhai mì tôm sống do nước lụt không thể mua được thức ăn.  

ca

 Nồi cháo được nấu từ chính những con cá bắt được trong dòng nước lũ cải thiện bữa cơm cho các sinh viên.

quang_binh_sat_lo_flsa-10

Trận lụt khiến đường tàu Bắc Nam tê liệt hoàn toàn do sạt lở, hàng chục đoàn tàu phải dừng chờ, hàng ngàn hành khách bị kẹt ở Quảng Bình.

8

Mẹ mất vào đúng đợt lũ đỉnh điểm nên anh Trương Trung Thông (xã Minh Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) vội vã làm đám tang mẹ trong khi nhiều thân nhân không thể có mặt để chịu tang. 

9

Chị Huyền phải bơm ruột ôtô làm phao bơi qua sông Rào Nậy về chịu tang mẹ lúc 5h sáng. Còn người con rể  bắt xe về quê vợ nhưng bất lực khi thấy đám tang đi qua mà không thể đi đưa đành đứng từ xa vái vọng.

6

Còn ở huyện miền núi Hà Tĩnh, gần đến ngày cưới thì gặp phải mưa lũ, nước dâng nên buộc chú rể Tuấn Dũng phải chèo thuyền đến đón cô dâu về nhà trong ngày cưới.

20161016155938-anh-2-1731

Dù khó khăn nhưng đây là kỷ niệm khó quên của đôi bạn trẻ. 

received_1012337532204283

Chiều 16/10, nước lũ đã rút ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Nước rút đến đâu cảnh xóm làng tan hoang, xơ xác đến đó.

received_1012338515537518lut_zing_1_1

Từ trẻ nhỏ đến người già đều ra sức dọn dẹp nhà cửa.

rut-9-174813219

Sau 3 ngày lũ lụt, nhiều gia đình ở miền Trung rơi vào cảnh tay trắng. Nhưng với nhiều người, còn giữ được tính mạng đã là điều may mắn, bởi có hàng chục người dân miền Trung đã mãi mãi ra đi cùng với dòng nước lũ.

nuoc-rut

Sau lũ, người dân Quảng Bình lại phải đối mặt với một nỗi lo khác đó là tình trạng ô nhiễm môi trường và khả năng hồi phục sản xuất, kinh doanh. 

bao

Nhưng một nỗi lo gần hơn của người dân đang hiện hữu, đó là cơn bão số 7 mạnh nhất năm đang tăng tốc từng giờ chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, uy hiếp dải đất nghèo miền Trung. 

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Me Maria - một con người tín thác

Như bao thiếu nữ khác đang ở độ tuổi xuân thì, cô Maria ở ngôi làng Nazaret xứ Palestin năm xưa chắc hẳn cũng ôm ấp cho mình những mộng ước tương lai. Cô đã đính ước với một trai trẻ tên là Giuse. Chàng không giàu có và phong lưu, nhưng lại là người tốt lành tử tế. Cuộc đính ước này hứa hẹn cho hai người một gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Maria sẽ trở thành một người vợ và một người mẹ như bao phụ nữ khác. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, êm đềm và ngập tràn hơi ấm. Nhưng Thiên Chúa đã chen vào kế hoạch ấy, khiến cho cuộc đời cô thiếu nữ thôn quê này như được mở sang trang. Cô vẫn là cô thôn nữ Maria, nhưng cô được mời gọi mang trên người một trọng trách có một không hai trong lịch sử. Cô sẽ là Evà mới, là mẹ của công trình tạo dựng mới mà Thiên Chúa sẽ thực thi.
Ngày Thiên Sứ truyền tin, cả vũ trụ và muôn loài trong trời đất đợi chờ lời đáp của Mẹ. Hai tiếng “Xin Vâng” đơn sơ ấy của Maria không phải chỉ liên can giữa Mẹ và Chúa, nhưng là với tất cả mọi loài thụ tạo, vì nó quyết định việc công trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực thi lúc ấy hay không. Lời đáp ấy cũng mở đầu cho một hàng loạt những tiếng Xin Vâng khác trong cuộc đời Mẹ, có khi đau khổ đến vô cùng. Mẹ chấp nhận rủi ro có thể bị ném đá như hình phạt dành cho những người phụ nữ chưa ăn ở với chồng mà có thai, nếu bị Giuse tố giác. Ai sẽ tin rằng Mẹ thụ thai do quyền năng Thánh Linh? Ai tin rằng bào thai ấy là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa nhập thể? Mẹ đánh liều sự sống mình để theo Chúa, vì Mẹ tin Chúa sẽ có cách của Người. Cuộc đời có lắm trớ trêu, sở dĩ Mẹ có thể nói được lời Xin Vâng liên lỉ, ấy là nhờ niềm tin của mẹ vào Chúa luôn kiên vững không lay.
Thiên sứ nói với Mẹ rằng Mẹ sẽ cưu mang Con Chúa Trời. Một vinh dự vô cùng lo lớn. Nhưng rồi suốt mấy mươi năm làm mẹ Giêsu, Mẹ có được hưởng chút vinh quang nào đâu. Mẹ làm mẹ của một Thiên Chúa tự hạ và khó nghèo, Mẹ gắn chặt cuộc đời mình với vị Thiên Chúa ấy, nên đời Mẹ cũng luôn là một hành trình đi xuống và khiêm nhu. Có ai ngờ Chúa lại muốn hạ sinh khi đang lữ hành trên đường, nơi chuồng súc vật hôi tanh, ngoài trời đông lạnh lẽo. Vinh dự gì đâu chuyện một người phụ nữ lâm bồn trong hoàn cảnh bị xua đuổi ra ngoài đường, chứ không phải nơi chăn ấm nệm êm, có người chăm nom hầu hạ. Có ai ngờ Con Thiên Chúa quyền uy đến thế, lại cúi mình trước bạo quyền Hêrôđê, chấp nhập tị nạn sang Ai Cập. Mẹ cũng chịu cùng số phận như Con mình. Giữa đêm khuya lạnh lẽo, thân người phụ nữ vừa mới sinh con, còn yếu ớt, đã phải vội vã cất bước ra đi.
Ngày truyền tin, Thiên Sứ nói với Mẹ rằng người mà Mẹ cưu mang sẽ là một đấng anh hùng, sẽ ra tay cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Nhưng đợi chờ mãi, 10 năm, 20 năm, 30 năm, tóc Mẹ có lẽ cũng đã pha sương, nhưng chẳng thấy nơi con trai của mình dấu hiệu gì của một đấng quân vương, ra tay giải phóng. Rồi ngày kia, con mình nghe được tiếng gọi của Cha, cất bước lên đường, rong ruổi khắp thôn này xứ nọ, truyền rao chân lý Tin Mừng. Mẹ vẫn an vui với cuộc sống lẻ loi một mình nơi làng nhỏ. Giuse lúc ấy có lẽ đã qua đời, Giêsu cũng bỏ Mẹ lên đường thực thi sứ mạng. Mẹ cô đơn nơi góc nhà quạnh vắng. Yêu con lắm, nhưng Mẹ biết Mẹ không nên làm điều gì níu kéo bước chân con. Mẹ lại trở về trong lặng thinh và cầu nguyện. Mẹ tiếp tục thưa tiếng “Xin Vâng”.
Rồi ngày kia, Mẹ như đau buốt con tim, ngàn lưỡi gươm như xé nát lòng Mẹ khi chứng khiến cảnh người con dấu yêu bị xử tử như một tên tội đồ. Trên đồi cao u ám, trước mặt Mẹ đây, không còn là một thân hình cường tráng, mạnh khỏe và đáng yêu như ngày nào, nhưng là một thân xác tả tơi vì dặm trường sương gió ba năm dong dủi trên đường, vì những đòn roi vô tâm, bội phản, vì những sỉ nhục của ganh ghét bạo quyền. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau của một người mẹ chứng kiến cảnh con yêu của mình bị giết chết nhưng không thể làm được gì? Đây là Đấng Cứu Thế ư? Đây là Con Thiên Chúa sao? Đây là Đấng dựng nên muôn loài, Đấng thống trị muôn dân, Đấng trỗi vượt trên các tầng trời sao? Trong giờ phút ấy, Mẹ mới hiểu được thế nào là xin vâng, Mẹ mới thấu được đâu là cái giá phải trả khi thưa tiếng Xin Vâng. Chính tại giây phút đau đớn nhất này, Mẹ đã sống hai chữ Xin Vâng trọn vẹn nhất.
Mẹ Maria trở thành một người cao cả không phải vì Mẹ đã làm được những chuyện phi thường to tát kinh thiên động địa, chuyển núi dời non. Nhưng như bà Elisabet từng nói, Mẹ diễm phúc là vì Mẹ đã tin. Chính thái độ đón nhận và vui sống một cuộc sống bình thường mới làm cho người ta trở nên phi thường hơn hết. “Xin Vâng” có nghĩa là trao phó hoàn toàn cho Chúa, là đón nhận lấy tất cả những gì xảy đến cho mình mà không ta thán hay hận đời, cả khi phải chạy trốn, khi bị xua đuổi, khi sống trong cảnh nghèo, khi đưa tay vẫy chào Con đi xa thi hành sứ vụ, khi tận mắt chứng kiến cảnh Con bị đánh đập và treo trên thập giá. Mẹ chẳng hiểu vì sao Con Mẹ lại phải chịu đựng một cái kết thảm thương đến vậy. Mẹ không hiểu tại sao một đời phụng sự Chúa của Mẹ lại mang đến cho Mẹ những khổ đau đến vậy. Mẹ không hiểu nhưng Mẹ tin vào sự công chính, tin vào chân lý, tin vào Chúa, Đấng mà Mẹ đã luôn kính yêu và tôn thờ. Mẹ vui lòng đón nhận hết vì Mẹ không bao giờ nghi ngờ Chúa, Mẹ không bao giờ đánh mất niềm hy vọng, không bao giờ chịu để cho những bất trắc ấy đánh gục ý chí và con tim tràn đầy cảm mến của Mẹ.
Vinh dự sinh ra Đấng Cứu Thế không cất khỏi Mẹ những phiền não lo âu. Trái Mẹ, dường như chính vinh dự ấy còn khiến cho Mẹ phải đối đầu với những bất trắc nhiều hơn nữa. Nhìn vào gương của Mẹ, chúng ta như thấy được tiếp thêm sức mạnh vì chúng ta tin rằng Mẹ sẽ hiểu cho những tâm tư và muộn phiền mà ta đang trải qua. Ngước nhìn lên Mẹ, chúng ta được mời gọi để vui lòng đón nhận lấy tất cả những gì mà cuộc sống gửi đến với một niềm tín thác và mến yêu. Đêm đen rồi cũng sẽ qua đi, sóng gió rồi cũng sẽ không còn… Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ phụ lòng những ai luôn đặt trọn niềm tin vào Ngài. Thiên Đường chẳng ở đâu xa. Thiên Đường ở ngay trên cây thập giá, khi ta dám liều mình để bám vào ý Cha. Ngay trong những khi bế tắc đường cùng, mọi sự đều trở nên có thể với kẻ có lòng tin. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa sẽ được minh chứng ngay lúc chúng ta như bị rơi vào bóng tối đớn đau của kiếp người. Sống giữa cuộc đời, tránh sao được những lúc có sự cố bất ưng xảy đến với ta khiến ta như muốn ngã gục. Nhưng ta có đủ sức chịu đựng nó hay không là tùy thuộc ở việc niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa có đủ lớn hay không.
Các bạn thân mến, cũng giống như Mẹ, trí óc ta không thể nào hiểu thấu được mọi chuyện phi lý xảy ra giữa cuộc đời này. Nhưng chúng ta có noi gương Mẹ, cố gắng đón nhận hết mọi điều với một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa toàn năng không? Cứ tin vào Chúa đi, bạn sẽ không bao giờ thấy mình thiệt thòi đâu. Mẹ Maria đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.
 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Tìm kiếm dấu lạ

Khi đám đông tụ họp đông đảo, Ðức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômon nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nivivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”

+ Suy niệm:
Theo nhận xét của thánh Phaolô trong thư gửi giáo hữu Côrintô,
“Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan” (1 Cr 1, 22).
Có vẻ người Do Thái sính dấu lạ và đòi hỏi dấu lạ để tin.
Đối với họ, dấu lạ là một bảo đảm cho tính chân thực của lời rao giảng.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong mấy năm rao giảng Tin Mừng.
Trừ quỷ và chữa những bệnh nan y là những dấu lạ Ngài hay làm.
Ngài chữa người mù bẩm sinh, người phong, người nhiều năm bất toại.
Ngài hoàn sinh con gái ông Giairô, con trai bà góa thành Nain,
và nhất là cho anh Ladarô chết chôn trong mồ bốn ngày được sống lại.
Có những dấu lạ Ngài làm trên thiên nhiên mà chỉ các môn đệ biết,
như bắt bão táp phải lặng yên hay đi trên mặt nước lúc sóng gió. 
Cũng có dấu lạ trước mặt cả ngàn người như làm cho bánh hóa nhiều.
Không ai có thể phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ (Ga 11, 47).
Nhưng Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn phô trương. Ngài cũng không dùng dấu lạ để mua lòng tin của dân chúng.
Dấu lạ của Đức Giêsu không qui về vinh quang hay lợi lộc cho Ngài, nhưng nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và hạnh phúc nhân loại.
Nhiều lần Ngài thắng được cám dỗ làm dấu lạ. nhưng Ngài đã không biến đá thành bánh để ăn cho no bụng hay nhảy xuống từ nóc Đền thờ để dân chúng kinh ngạc tung hô.
Ngài cũng không biểu diễn vài dấu lạ trước mặt Hêrôđê để được tha. Trên thập giá, Ngài đã không đáp lại thách đố của các nhà lãnh đạo. “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu lấy mình đi!” (Lc 23, 35).
Đức Giêsu đã làm dấu lạ cho người khác, nhưng không làm cho mình.
Ngài không tự cứu lấy mình, nghĩa là không xuống khỏi thập giá.
Hôm nay, chúng ta có thể không mãn nguyện như người Do Thái xưa.
Tuy Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ trong đời ta, nhưng, như họ, ta vẫn đòi một dấu lạ đầy ấn tượng từ trời. Chúng ta muốn một dấu chỉ không thể chối cãi được để tin thật sự có Thiên Chúa, tin Ngài mạnh hơn sự dữ ở quanh ta.
Nhưng chúng ta quên rằng Thiên Chúa cũng là Đấng ẩn mình, và quyền năng của Ngài được biểu lộ qua sự bao dung khiêm hạ.
Chúng ta chờ dấu lạ về việc Đức Giêsu hùng mạnh đến giải thoát ta, nhưng lại quên rằng Ngài cũng thích cùng ta âm thầm chịu đau khổ.
Làm sao tôi nhận ra được những dấu rất lạ mà lại rất đỗi bình thường, những dấu lạ lớn lao mà nhỏ bé Chúa vẫn làm cho đời tôi?
Làm sao tôi nhận ra được cái bình thường của đời tôi cũng là dấu lạ ?
Ngỡ ngàng như trẻ thơ trước những điều mà nhiều người coi là tự nhiên, tôi dần dần hiểu rằng đời tôi được bao bọc bởi tình yêu là dấu lạ. Thay vì bôn chôn tìm kiếm và đòi hỏi những điều ngoạn mục, ly kỳ, tôi khám phá ra Chúa vẫn ở bên tôi trong những điều đơn sơ nhỏ bé.
Xin được ơn sám hối chỉ vì những dấu lạ bình thường Chúa ban cho đời tôi.

+ Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.
Amen.