Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Những bài văn không bao giờ quên



 Mời đọc những đoạn văn dễ thương, vui vui của một học sinh tiểu học :



  1. Tả con đường từ nhà em đến trường :     Con đường từ nhà em đến trường là cả một quãng đường dài nối liền từ quận 5 đến quận 8. Trên đường đi em thấy người ta bán hàng sida, bán quần áo sida, bán bánh trung thu, bán lồng đèn trung thu và rất nhiều thứ khác nữa…
    …Đường đi khói bụi mịt mù, tiếng kèn xe bóp lung tung làm đinh tai nhức óc, thỉnh thoảng lại xảy ra một vài vụ đụng xe chết người thật kinh khủng.
    Vì bụi như thế nên em phải đeo khẩu trang. Khi em đến trường các bạn em chọc em là “sát thủ bịt mặt”.
                     (Cô giáo cho 5 điểm với lời phê : tả thật quá)



  1. Tả mẹ em  :      Mẹ em rất đẹp, da trắng, tóc dài, mắt xanh, môi hồng lúc nào cũng mĩm cười. Miệng mẹ luôn thốt ra những lời dịu dàng âu yếm với em…

(Mẹ đọc xong rồi cười một mình

vì ba đi làm xa, có mỗi mẹ với đủ thứ công việc

nên thường xuyên nhóc con bị la, có khi còn bị đòn

mà tả mẹ đẹp hiền như cô tiên, nịnh ghê và chẳng đúng sự thật tí nào !)



  1. Tả ông nội  :  Ông nội em tóc đen, tuy nghèo nhưng rất lịch sự. Dù đi xe đạp nhưng lúc nào ông cũng đeo kiếng và áo bỏ trong quần…

(Lời bình : hình như giàu thì mới lịch sự hay sao ấy …?

Bài này ông nội chưa đọc)



  1. Tả con mèo

Nhân ngày sinh nhật của em, mẹ em tặng cho em một con mèo…

(Sinh nhật mà tặng mèo mới ghê chứ ?)



  1. Tả con gà trống

…Con gà trống có mào đỏ, lông nó sặc sỡ đủ màu rất đẹp. Dưới màu lông đẹp ấy là da, da nó có nhiều hột, sờ vào thấy mà ớn…

(Đọc tới đây hết còn lời bình nào luôn)




Đây là những bài tập làm văn của Nhật Quang mà mẹ còn nhớ.
Mẹ cứ chọc con là những bài văn dựng tóc gáy.
Quang bây giờ đã 24 tuổi, viết lách cũng khá lắm, chứ không kinh khủng như hồi còn bé.








Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Xin đừng khóc thương tôi, Sudan

Xin giới thiệu với các bạn phim về một cuộc đời rất đẹp , cuộc đời tận hiến của Cha Gioan Lee là linh mục dòng S. Don Bosco , một người cùng thời với chúng ta .
Cha Gioan Lee là linh mục dòng S. Don Bosco. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng cha đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp sau lưng, và cha đã đáp lại tiếng gọi mãnh liệt của Thiên Chúa để trở thành một linh mục truyền giáo trong dòng S. Don Bosco. Ngay sau khi được truyền chức linh mục tại Tòa Thánh Vatican, cha đã tình nguyện đến truyền giáo tại miền Nam Sudan thuộc Phi Châu. Cha đã từ bỏ tất cả công danh, sự nghiệp của người bác sĩ để trở thành linh mục. Và hơn thế nữa, cha còn muốn trở thành người mục tử nhân lành sống giữa đoàn chiên nghèo khổ để chăn dắt họ. Vì thế nên cha đã tình nguyện đến sống tại một xứ sở nghèo đói nhất thế giới, giữa những người đói khổ và bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền Nam Sudan- Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi cha qua đời vị căn bệnh ung thư ruột già...




Cha Gioan Lee là linh mục dòng S. Don Bosco. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng cha đã bỏ tất cả ...

BỐ ƠI !


Tháng 9/2011 bố đi xa lắm … và bố sẽ không bao giờ về nữa. 
Và như vậy đã 2 lần tháng 9 rồi bố nhỉ ? nơi bố đến không có thời gian nhưng ở đây sao chúng con cảm thấy nhanh quá đỗi. 

Những ngày còn bé, được bố cưng biết bao nhiêu, con còn nhớ là mình cũng xinh xắn. dễ thương, lại học giỏi, tuy vậy nhiều khi con cũng phạm lỗi làm cho bố phải đau lòng. Nhưng trong tâm tưởng chẳng bao giờ con quên mỗi lần vào toillet là bắt bố phải vào quét nhện mà hồi đó hố xí của nhà mình ẩm thấp nên hay xuất hiện những con vật rất đáng ghét ấy.

Con nhớ con không ăn được rau, mà rau thì tốt cho cơ thể nên bố bắt phải ăn, thế là bữa cơm được chan bằng canh là nước mắt, ăn vào ói ra, cuối cùng người đầu hàng con vẫn là bố.

Con nhớ được đi học mỗi ngày bằng taxi, không phải nhà mình giàu nhưng vì bố là tài xế, bố rất ít nói nên không khí trên xe thường im lặng mà con thì ghét im lặng nên chẳng bao giờ thích được đi với bố. Cả đời bố hy sinh yêu thương gia đình nhưng cứ luôn im lặng vậy đó.

Con nhớ con gầy lắm, và con được lên Dalat học hy vọng ở đó con sẽ lên cân , 13 tuổi con xách vali rời gia đình trong nỗi nhớ ... để bây giờ Dalat luôn chiếm phần lớn trong ký ức tuổi thơ của con. 

Con nhớ bố hay nói câu này : Ở có đức thì mặc sức mà ăn, bố không có tiền để lại cho chúng con nhưng bố sẽ luôn làm nhiều việc tốt, mỗi ngày lái xe ra đường bố phải làm ít nhất một việc tốt để dành cho các con để chúng có thể phần nào đi thong dong trong cuộc đời này. 

Con nhớ lúc chở con đi học, mấy năm trời đều đặn mỗi ngày trên đường bố chở một chú bị mù đến sạp để lấy báo đi bán . Không quen biết cũng chẳng tiền công bố cứ chở miết cho đến ngày giải phóng thì không gặp chú ấy nữa. Ngoài chú bán báo mù ra, trên đường chạy xe những khi không có khách, hễ thấy người tàn tật nào đi trên đường là bố lại dừng xe hỏi có cần đi đâu không bố chở ? tất cả đều trả lời một câu giống hệt nhau “tiền đâu mà đi taxi ông ơi” ! 
- Cứ lên đi tôi chở dùm cho, không lấy tiền đâu. 
Bố của tụi con là thế đó. 

Con nhớ bố chở các em bị liệt 2 chân phải đi bằng nẹp sắt từ chỗ nội trú tập thể đến Thảo cầm viên. Nơi nội trú đó con đã quên tên ngày xưa rồi, bây giờ là Trung tâm phục hồi chức năng trẻ bại liệt ở đường Võ thị Sáu . Hội Cha Mẹ nuôi quốc tế cứ mỗi ngày đến dẫn 5 em đi chơi, thường là người ta dẫn các em vào Thảo Cầm Viên vì không gian rộng rãi, thoáng mát, nhiều thú lạ. Bố kể lúc đó taxi thích chở người Mỹ hơn người Việt vì sẽ kiếm được nhiều tiền nhưng bố thì không, bố đã lặng lẽ dành thời gian vì các em lên và xuống xe rất lâu, lặng lẽ không lấy tiền công để bù đắp phần nào thiệt thòi mà các em đã gánh chịu, người ta là người nước ngoài mà còn tốt như thế, tại sao mình có thể nhận tiền công, bố đã nói như thế với một phụ nữ Mỹ và bà ấy rất cảm động. 

Con nhớ bố về nhà thường là trời bắt đầu chạng vạng tối, nhưng hôm đó đã tối lắm rồi vẫn không nghe tiếng xe quen thuộc. Ông nội sốt ruột đi ra đi vào, má cũng đâu khác gì…cuối cùng chịu không nổi má dẫn một bầy con ra tuốt ngoài đường cái chờ bố. Rồi cuối cùng bố cũng về tới. Khi lớn lên nghe bố kể lại chuyện này mới biết hôm đó có 2 người đàn ông đón xe bố, bảo chở họ đi hết chỗ này đến chỗ khác, khi họ bảo dừng thì trời tối và chung quanh bây giờ là đồng không mông quạnh chẳng một bóng người. Bố cảm thấy nguy hiểm thì đâu còn đường lui nữa. 1 người đàn ông xuống xe và 1 người ở lại. Người đàn ông trên xe sắc mặt như dao hỏi bố : “Ông có sợ chết không ?” Bố trả lời : “Ai mà không sợ chết, nhưng mỗi người ai cũng phải chết 1 lần. Tôi chỉ thương vợ và 5 đứa con không ai nuôi”. (trời ơi bố nói khôn thiệt đó, ở trường hợp này con không biết trả lời sao để nó tha cho mình). Nói xong bố im lặng chờ đợi, từng giây trôi qua thật nặng nề, chậm chạp và đáng sợ. Thời đó thỉnh thoảng cũng có chuyện giết tài xế để cướp taxi, nhưng rồi họ đã không làm như vậy. Chắc nhờ bố làm nhiều việc tốt nên Chúa đã che chở bố qua những phút giây nguy hiểm, nếu không chị em con đã mồ côi từ nhỏ rồi. 

Giải phóng 30/4/1975… ai cũng nghèo, tiền đâu mà đi taxi. 

Phượng tiện kiếm tiền nuôi vợ và bầy con 11 đứa trong mấy chục năm trời giờ chỉ là đống sắt vụn, bán sắt vụn cũng chẳng ai mua, ngày đó đâu có mấy ai thu mua ve chai . Bố buồn, má buồn, con vừa đủ 18 tuổi cũng hiểu …bây giờ nhiều thứ mất đi, sẽ chẳng còn được như ngày xưa nữa. Bố đi lao động ở nông trường Lê Minh Xuân ròng rã từ năm này qua năm khác, đi làm mướn cho người ta để có tiền đưa má đi chợ, đóng tiền học cho tụi con. Gánh nặng cơm áo nhiều khi làm má bực mình, con nhớ bố đã nói thế này : “Má Nga à, mình nghèo mình đã khổ về vật chất rồi, thì đừng tự làm khổ thêm về tinh thần nữa.”. Con hay kể chuyện về gia đình cho con trai của con nghe, 1 lần vô tình vào Facebook của nó, con thấy nó bê nguyên xi câu nói của bố và còn “còm men” thế này nè bố : Ông ngoại ít học mà nói một câu nghe chết người thiệt. Con đọc vừa vui, vừa mắc cười, vừa nhớ bố… Không ngờ thằng cháu ngoại của bố cũng ngộ nghĩnh thiệt chớ ! Con kể xong thì quên nhưng nó nhớ tuổi thơ của bố nghèo khổ, bà nội mất sớm, bố phải ở nhà bà con, phải làm đủ việc cực nhọc và đâu có được đi học. 

Thời gian cứ thế trôi, tụi con cứ thế lớn lên như những trái bầu, trái bí…may mà chẳng có đứa nào hư hỏng. Ngày ấy con nít không dễ hư như bây giờ. 

Tụi con lần lượt có vợ, có chồng, bố vui khi thấy từ từ đứa nào cũng có tổ ấm chui ra chui vào không phải lo trả tiền mướn nhà mỗi tháng. Giờ chỉ có Tám và Út Y là còn “thân cư thê” nhưng vẫn được gia đình vợ cưng hết sức. 

Bố già đi và bệnh tật, hình như đa số con người đều phải thế mà . Nhìn bố mỗi ngày phải chích 2 lần, phải thử máu, nhìn bố mắt đã mờ, chân đã run, bố vào bệnh viện liên tục, lòng con se sắt, chỉ biết thì thầm cầu nguyện. 

Con nhớ buổi sáng cuối cùng đưa bố vào bệnh viện, cũng đã nhiều lần vào bệnh viện rồi nhưng sao lần này cảm giác chị em con khác lắm… 
Bố ra đi thật rồi, nơi bố nằm đẹp lắm. Mộ bố có 4 câu thơ mà chị em tụi con hùn nhau làm, nhưng chẳng phải là “thi sởi” nên phải nhờ người sửa lại đôi chút cho hoàn chỉnh : 
Của cải tiền tài cha không có 
Thương con, cha tạo đức cao dày 
Gia đạo vững bền trong an lạc 
Đời đời con cháu nhớ ơn sâu.
Những câu thơ hay thế mà em con có đứa tinh nghịch , biết tính bố nên họa lại : 
Của cải bạc tiền ba không thiếu 
Chỉ cho các con một ít xài 
Còn lại bao nhiêu làm từ thiện 
Đời đời thiên hạ nhớ ơn ba 

Bố ơi con nói vui một chút bố nhé, con biết bố bao giờ cũng thích tụi con vui mà. Dù 11 đúa con là 11 hoàn cảnh khác nhau, nỗi lo cơm áo, nỗi lo giáo dục con cái nên người vẫn còn nặng gánh trên vai nhưng tụi con luôn tin rằng bố vẫn ở bên để thương yêu, che chở như ngày nào còn nhỏ tụi con cần có bố. Vậy bố nhé ! 

Kính thương tặng Bố của chị em con

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Xin chào!


Thế là mình cũng có một blog trên Internet.
Chia sẻ cảm nhận là niềm vui cuộc sống!
Xin chào mọi người! Xin chào bạn bè của tôi nhé!