Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Trung thu và con

Năm nhất sinh viên cũng là lúc con bắt đầu công tác xã hội. Nhớ hôm đó mẹ đưa cho con tờ báo đăng tin tổ chức Donate For Children (DFC) cần tuyển tình nguyện viên, con đã gởi email xin được tham gia. Cũng lâu lâu về sau, con nói với mẹ đã gởi email hai lần rồi mà họ không trả lời, như vậy họ đâu có cần người như họ nói. Mẹ bảo con gởi thêm lần nữa đi, có thể hổm rày họ bận. Và lần này thì có câu trả lời. Từ đó cứ đến ngày trung thu là con về dưới quê, về vùng sâu vùng xa với các trẻ em nghèo. Trước ngày đi con nhận tiền của các mạnh thường quân ủng hộ. Mẹ có một chỗ quen ở chợ Phạm thế Hiển là cửa hàng bách hóa, cô chú này nghe nói mua quà cho trẻ em nghèo là bán sát giá luôn, không tính lời, lại còn cho người chở về đến tận nhà mình. Con tìm thêm người phụ, phân công các bạn tập văn nghệ biểu diễn cho các em xem. Lúc đó nhà mình là nơi chứa hàng hóa, bận rộn mà vui. Saigon tối trung thu nào trời cũng mưa, mẹ cầu cho nơi con đến đừng bị mưa như thành phố để những đứa nhỏ có niềm vui trọn vẹn.
Những lần đi như vậy mãi tới chiều hôm sau con mới về đến nhà. Mệt nhưng nụ cười luôn ở trên môi. Con nhỏ to với mẹ :
- Tội nghiệp các em quá mẹ ! đường dưới quê tối đen như mực, chả có ánh đèn nào, không thấy đường đạp xe mà tụi nhỏ vẫn đi được mẹ à !
- Nếu con ở dưới quê chắc con cũng không hơn gì tụi nhỏ đâu mẹ !
Mẹ ừ, mẹ hiểu những suy nghĩ và cảm xúc trong con.

Con tham gia vào những tổ chức khác nhau, vào những dịp khác nhau, nội dung công việc cũng khác nhau. Con xuôi miền tây sông nước để hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, con ngược lên cao nguyên, khi thì Ban mê Thuột, lúc thì Kontum. Ở đó có nhiều mái ấm tình thương, con đến để thăm, để tặng quà,  để thực hiện hệ thống công nghệ thông tin... Con âm thầm vận động. Có những tấm lòng ủng hộ con, ai cho gì thì nhận nấy. Mẹ chỉ biết qua lời cậu bảy vì cậu là người lái xe chở quà dùm con. 

Mẹ nhớ lần chuẩn bị đi Kontum, nhìn danh sách chỉ có hai nam, mà là tên Đặng Bảo Chánh, con hỏi mẹ có phải con cô Ry không ? Con nói tên Bảo Chánh khó trùng với ai, chắc là anh Chánh rồi mẹ ơi ! Đúng là cô Ry họ Đặng, nhưng con thì mang họ cha chứ đâu mang họ mẹ, không lẽ chồng cô Ry cũng họ Đặng, họ này ít người có, dễ gì hai vợ chồng trùng nhau... Thôi thì ai cũng được, miễn có thêm một nam cho con làm bạn đồng hành là tốt rồi.
Lên tới cao nguyên, con điện thoại cho mẹ kể chuyện Kontum, con và Bảo Chánh ở chung phòng, vui lắm mẹ. Bảo Chánh đúng là con của cô Ry.  Hôm gặp nhau ở bến xe miền Đông, Chánh nhìn con ngờ ngợ, quen quen. Không để Chánh chờ lâu, con nói ngay :
- Em là Nhật Quang, con cô Nga nè anh Chánh !
Không hẹn mà gặp, những đứa con của những người mẹ ngày xưa giờ chung chí hướng với  nhau trên đường đời.

Hôm lên Bảo Lộc, cô Nhiệm chở mẹ đi ngang qua trường các em bị câm điếc, cô Nhiệm kể có lần con đi với đoàn lên thăm trường này, mẹ ngớ ra không biết, chả nghe con nói gì với mẹ cả. Những lần đi, con chỉ nói với mẹ là :
- Con đi đây mẹ ơi, mai con về.
Thì ra con trai mẹ đến những nơi như thế này đây !

Càng lớn, con càng ít nói với mẹ về những việc con làm ngoài xã hội. Thi thoảng con mới nói thôi. Con nói tới đâu, mẹ biết tới đó.
Một đôi lần thấy con cứ bỏ công bỏ sức đi "vác tù và hàng tổng", mẹ nói trong cái ích kỷ vốn có của bản năng :
- Cứ đi làm không công vậy hoài hả con ?

Con trả lời :
- Chỉ một chút thời gian thôi mà mẹ, khi mẹ có ít con thấy mẹ cũng có cách giúp người khác được mà, mẹ cứ để con làm, không sao đâu mẹ !

Sở dĩ mẹ nói như vậy là vì mẹ biết con rất thiết tha được nhận vào những tổ chức phi chính phủ để có thể tận tâm tận lực cho công việc mà mình yêu thích nhưng tám năm rồi, thời gian cũng đủ dài thế nhưng họ chỉ cần tình nguyện viên. Và con trai của mẹ cứ thế mà làm với nhiệt tình, không đòi hỏi bất cứ điều gì...

Trung thu năm nay trời nắng ráo, nhưng con không về quê như mọi năm. 
Con đang có những dự tính cho công việc, cho những ngày sắp tới của con. 
Mẹ biết những nỗi lo trong con. 
Và mẹ chỉ biết cầu nguyện cho con thôi, con trai của mẹ...

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Trung thu ngày xưa

Chuyện gì bắt đầu bằng hai chữ ngày xưa đều dễ yêu và thật ấm áp, bây giờ mỗi Trung Thu ăn bánh, uống trà tôi đều nhớ nội dáng hiền hòa.

Lúc ấy nội tôi già, còn con gái tôi thì rất bé, chỉ bốn năm tuổi, một già một trẻ bằng nhau, nội tôi hay hỏi :
- Sắp Trung Thu chưa con ? 

Tôi trả lời : Có gì không bà ?
Nội nói muốn ăn bánh Trung Thu, dù còn cả tháng nữa mới đến rằm, thế là ngày mai đi làm về, trên chiếc xe ông xã tôi đã chất vài hộp bánh cho nội và cả nhà, đủ các bánh, ai thích loại nào cũng có, đậu xanh 2 trứng, hạt sen, thập cẩm vi cá gà quay.


Đặc biệt là hộp bánh Trung Thu hình chú heo mẹ nằm có đàn heo con vây quanh, nhìn rất đẹp mắt và dễ yêu, con gái nhỏ tôi rất thích chỉ để ngắm mà không ăn, chỉ dùng tay nựng nịu mấy chú heo con, cầm lên để xuống vui đùa đắc ý vì nhất xóm chả ai có được một con heo chứ đừng mơ đến một đàn.


Thêm cả chục cái lồng đèn con gà, con bướm đỏ, vàng và đèn xếp, một bó nến để phát cho đám con nít hàng xóm tụ lại rước đèn vui chơi, lóc cóc đèn tự làm bằng lon sữa bò, thật êm đềm khó phai nhòa trong trí, tôi nghĩ con gái mình cũng nhớ mãi kỷ niệm tuổi thơ ấy và tự hào.


Thời gian cứ thế trôi, con lớn, bố mẹ già đi, bà nội mất, tuổi đời chồng chất, kỷ niệm cũng mờ dần, nhưng giờ đây lại được bù đắp là con mua bánh cho bố mẹ thưởng thức, có năm mua cả gần hai mươi hộp ăn từ đầu mùa đến khi sale mua một tặng một mới ngưng rồi sợ mập, sợ đường, sợ bịnh nên chỉ vài hộp, 5 hộp thôi, trước cúng bà nội, bố mẹ chồng, sau là cả nhà cùng ăn.

Nội ngồi đấy, không còn đi ra, không còn đi vào, không còn đòi ăn, cũng chẳng đòi uống, bánh Trung Thu chắt đã  mua, vì tôi là hàng cháu thì con gái tôi là chắt.
Bà về nơi ấy bình yên, không còn lo lắng muộn phiền, con rất nhớ Nội.

 (Chị PK)

TB : Chị ơi ! như em già mà vẫn thích ăn bánh trung thu có đàn heo đấy thôi. Đơn giản vì em thích ăn bột, nhân bánh ngọt quá nuốt không vô. Hôm nọ em gái cho chị bánh hình chú heo mẹ có bốn heo con. Mang về nhà em rỉa từng con một, đã gì đâu !

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Trăng là gì ?

Gia đình tôi với gia đình “hắn” là chỗ thân tình. Cách đây khoảng chục năm, nhân dịp tôi đến khám mắt tại bệnh viện hắn làm việc.

Hắn say sưa khoe với tôi về nguồn thu nhập hậu hĩnh kiếm thêm từ việc khám và giải phẫu mắt ngoài giờ của mình. Bất ngờ, tôi đặt ra một câu hỏi, chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện hắn say sưa: “ Có bao giờ ông dành thời gian ngắm trăng với vợ, con không? Đến lượt tôi bất ngờ vì câu trả lời của hắn: “ Trăng là gì?”.

Về nghề nghiệp hắn là bậc cao thủ trong làng chuyên khoa mắt của Sài Gòn. Bệnh nhân của hắn thuộc loại “thứ dữ”. Hắn có nhiều mối quan hệ xã hội “có số, có má”. Do vậy đồng nghiệp và ban giám đốc bệnh viện, nơi hắn làm việc, nể hắn một phép. Tên tuổi của hắn đã giúp bệnh viện ăn nên làm ra, chuyên khoa mắt lúc nào cũng chật cứng người chờ đợi. Ai muốn được hắn trực tiếp khám và mổ, phải lấy hẹn trước, rất lâu. Số tiền chi ra cho những lần khám hoặc mổ đó, so với mặt bằng, giá ở các bệnh viện khác, cao hơn rất nhiều. Thế nhưng lịch khám của hắn lúc nào cũng dày đặc. Người ta nói với nhau, “ Được bác sĩ (hắn) đụng tay vào thì dù mắt đang không thấy đường cũng sáng lại.”.

Hồi còn đi học phổ thông, tôi với hắn ở chung một quận, quận nhì. Tôi với hắn bằng tuổi nhau, nhưng hắn sanh sau tôi tám tháng, vì vậy sau này khi hắn lập gia đình và có con, hắn dạy tụi nhỏ gọi tôi bằng bác, bác gái. Nhưng trong giao tiếp hắn gọi tôi bằng “bà”, tôi gọi hắn bằng “ông” và chúng tôi xưng “tui” với nhau.

Tôi quen hắn và vợ hắn lúc chúng tôi cùng sinh hoạt trong ban liên lạc học sinh cùng lớp, hắn làm trưởng ban, tôi làm phó ban, vợ hắn (lúc bấy giờ nó chưa quen) là một trong những thành viên. Sáng thứ bảy nào ban liên lạc của chúng tôi cũng gặp nhau tại một nhà hàng cà phê trên đường Điện Biên Phủ, quận ba. Chủ nhà hàng này cũng là thành viên trong ban liên lạc, nhờ vậy chúng tôi ăn uống ít khi phải trả tiền, nếu trả cũng chỉ là tượng trưng.


Cô gái (mà sau này là vợ hắn) đẹp một cách mong manh, vì vậy chúng tôi đặt tên là “cô gái mong manh”. Cô là con gái duy nhất của một gia đình công chức thường thường bậc trung, nhà ở quận nhất. Cô gái hay đi họp ban liên lạc bằng cách ngồi trên chiếc xích lô đạp cho người ta chở, thân mình lúc nào cũng diện bộ áo dài lụa màu nhạt, lung linh như mây khói (cho tăng thêm phần mong manh?). Gái Sài Gòn chúng tôi có thói quen đi lại trên chiếc xích lô (năm năm sau ngày giải phóng vẫn giữ thói quen này). Khi ngồi trên xe chúng tôi chú ý giữ cho người thẳng bằng cách lưng không tựa vào thành ghế, tóc buông xõa và tay không giữ tà áo, cố ý để gió luồn vào thổi tung bay. Hình ảnh ấy góp phần làm phố xá mỹ miều. Tại sao gái Sài Gòn không đi bộ hoặc đạp xe đi học như quý cô nương khác trên cả nước? Có lẽ do diện tích Sài Gòn rộng, đi bộ không tới, đi xe đạp ngại mỏi chân. Nhưng còn một lý do tế nhị khác mà chỉ có gái Sài Gòn mới hiểu, ngồi xe xích lô cho người ta chở mới là tiểu thư chính hiệu!
Hắn là con của ông bà chủ hãng xuất nhập khẩu. Nhà hắn có ba anh em trai, cả ba học cùng trường với chúng tôi, chỉ có lớp là khác. Khi đi học, ba anh em hắn có tài xế đưa đón, học xong là về nhà, không la cà phố xá. Những lần hắn tổ chức sinh nhật mời ban liên lạc tới nhà, tôi thấy gia đình hắn, nhất là bà má, nề nếp qui củ lắm. Trong lớp, chúng tôi bầu hắn làm lớp trưởng vì hắn uy tín, học giỏi và tác phong nghiêm túc. Trong sinh hoạt tập thể hắn luôn là ngọn cờ dẫn dắt chúng tôi. Về ngoại hình thì khỏi chê, chúng tôi hay gọi hắn là “Alain Delon” (tài tử lừng danh của Pháp thời1950-1980) nhưng nếu muốn hắn nổi sung thì thêm chữ “beng” (A len đờ lông beng) đằng sau nữa. Nhiều tiểu thư nhà giàu đạt danh hiệu hoa khôi trường này trường khác mết hắn lắm, nhưng hắn chẳng thèm để ý đến cô nào.

Tới giờ tôi cũng không sao nhớ ra, bằng cách nào cô gái mong manh “lọt” được vào ban liên lạc của lớp, nơi quy tụ những người “xuất chúng”. Về sắc diện, hình thức, học lực, tài vặt, thành phần xã hội, so với những tiểu thư trong trường, cô thuộc loại trung bình. Về công việc tập thể, ban liên lạc giao cô phụ trách, cô thực hiện lúc được, lúc không. Nói chung, ngoài cái khoản mong manh làm người ta động lòng, còn thì cô chẳng tạo được một dấu ấn gì cho ban liên lạc ghi nhớ sự hiện diện của cô. 
Thế mà đùng một cái chúng tôi thấy cô gái không đi họp bằng xe xích lô nữa mà ngồi trên chiếc xe Vespa Sprint màu xanh da trời, loại 150 phân khối do hắn chở. Thời đó, chỉ có công tử nhà giàu mới sắm nổi chiếc xe hách xì xằng như vậy. Chẳng bao lâu sau ban liên lạc nhận được thiệp hồng. Ngày hai người cưới nhau tôi thấy hạnh phúc đầy tràn trong mắt tân lang và giai nhân. Khách tới dự tiệc cưới chúc vợ chồng hắn trăm năm hạnh phúc; tôi nghĩ, phải chúc ngàn năm hạnh phúc mới xứng. Thế mà, chỉ hơn hai mươi năm sau đó, vợ chồng hắn rẽ thúy chia uyên.

Lần gặp khoảng chục năm trước, mặc cho bệnh nhân chờ, hắn luôn miệng kể lể với tôi, đã có với cô gái mong manh hai mặt con, một trai một gái, cả hai theo nghề của cha, học chuyên khoa mắt bên Mỹ. Hắn nói, “ Tụi nhỏ đứa nào cũng đẹp, học giỏi, thông minh, tụi Tây mết lắm, giống tui ngày xưa vậy.”; nói xong hắn cười sang sảng. Tôi hỏi: “ Cuộc sống của ông bây giờ thế nào?”. Chỉ chờ có vậy, hắn huyên thuyên: “ Sáng trước khi tới bệnh viện ( nhà nước), tui mổ hai ca, nếu mổ một con mắt thì hai mươi triệu, nếu mổ hai con mắt thì bốn mươi triệu, sau đó mới đi làm; trưa, tui tranh thủ làm một hoặc hai ca nữa; chiều, khám bệnh ngoài giờ ở dưỡng đường do tui làm chủ, đến tối mịt mới về nhà.”.

Còn bà xã thì sao? Tôi hỏi tiếp, hắn trả lời: “ Tui xây cho bà ba cái dưỡng đường, mổ xong, tui chuyển cho bả chăm sóc. Chưa kể tiền thuốc, khám sau mổ, chỉ tiền phòng không thôi bà cũng thu được năm triệu một người/ngày. Bả bây giờ trẻ, đẹp hơn xưa. Đó là nhờ tui cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Mỗi ngày bà chỉ có việc ngồi trên chiếc xe đời mới nhất (xe cũ tui thay liền) cho tài xế lái đi từ dưỡng đường này qua dưỡng đường khác, xem sổ sách, thu tiền, là hết việc. Chung quanh bả lúc nào cũng có hàng chục người hầu hạ, sung sướng như bà hoàng.”.

Đúng đoạn hào hứng này tôi hỏi hắn “chuyện ngắm trăng”. Và tôi nhận được câu hỏi lại của hắn “ Trăng là gì?”, kèm theo một nụ cười ngạo nghễ.

                                          ……

Hôm rồi cửa sổ tâm hồn của tôi lại trở chứng, nhìn xa bị mờ, nhìn gần mờ hơn nhìn xa. Thấy vậy, bạn bè người khuyên đi mổ, người can ngăn. Tôi chợt nhớ đến hắn, liền đến gặp, tôi cần ở hắn một lời khuyên.

Lần gặp lại này, nếu hắn không chủ động chào tôi trước, tôi sẽ không nhận ra. Trước mắt
tôi là ông bác sĩ già khọm, tóc bạc trắng, mặt buồn rười rượi, nước da tối sạm. Đâu mất rồi một ông bạn có gương mặt phơi phới, hình thức lịch lãm và nụ cười ngạo nghễ? Thấy vậy tôi quên mất mục đích đến là để khám mắt, vội hỏi,“ Làm ăn thất bát hả?”. Hắn im lặng rất lâu rồi nói một câu chẳng ăn nhập gì đến câu tôi hỏi:“ Cô gái mong manh đã bỏ tôi đi lấy chồng khác rồi! Bỏ vội vã đến nỗi không thèm chia gia tài bà ạ.”. Tôi giật mình: “ Bỏ luôn ba cái dưỡng đường to đùng sao?”. Hắn nghẹn ngào: “ Ừ, bỏ luôn, thế mới điên!”.

Tôi nhẹ nhàng ngồi bên cạnh, cầm tay hắn, im lặng. Hắn bắt đầu chia sẻ: “ Bà có nhớ cái thằng cù lần trong lớp mình không? Cái thằng hâm hâm đi học bằng chiếc Mô bi lết (Mobylette) cà tàng, con của ông già sửa xe đầu đường gần trường tụi mình học đó.”. Hắn nói tiếp, mắt hắn như có nước:“ Thằng đó coi vậy mà học giỏi, tụi mình không nhằm gì với nó đâu, bây giờ nó làm giáo sư của một số trường Đại học. Nghe nói, tình duyên nó trục trặc sao đó (không chừng hồi nhỏ nó thương thầm vợ tui à nghen) nó ở vậy luôn cho đến giờ. Hôm rồi làm thủ tục ly dị với tui xong, bả kết hôn với nó liền. Thằng đó nghèo rớt mồng tơi, lương thầy giáo nuôi bả gì nổi. Hiện nay bả phải nhận may quần áo thêm cho khách, hai người mới đủ sống. Vậy mà gặp lại tui, mặt bả tươi rói, chưa bao giờ ở với tui mà mặt bả tươi rói như vậy.”.  Rồi hắn nói, như nói với chính mình: “ Đàn bà nhiều người kỳ cục lắm, chồng cung phụng cho đủ thứ, nuông chìu hết mực mà vẫn đành lòng bỏ đi lấy người không bằng một góc của chồng mình. Thật không thể hiểu nổi!”.

Chờ hắn vơi bớt nỗi ấm ức tôi hỏi thăm hai đứa nhỏ. Tôi nghe từ hắn một giọng thiểu não hơn:“ Tưởng hai đứa nối nghiệp cha, ngờ đâu, từ lâu tụi nó đã chuyển qua học nghề khác, đứa học thiết kế thời trang, đứa học phóng viên báo chí. Đã thế tui gọi về để giao tài sản mà chẳng đứa nào chịu về. Tụi nó nói “ Ba mê tài sản hơn má và chúng con thì ba cứ giữ lấy.”. Tôi động lòng thương cảm, hỏi: “ Bây giờ ông sống như thế nào?”. Hắn nói, “ Tui ở luôn trong bệnh viện, về nhà ở một mình, buồn lắm.”. Không thể không hỏi thêm: “ Thế căn nhà lớn ở quận nhất và ba cái dưỡng đường ai ở, ai trông coi?”. Hắn nói, giọng nhẹ như gió thoảng: “ Lâu lắm rồi tui chẳng ghé về nhà, còn ba cái dưỡng đường đang treo bảng bán hoặc cho thuê.”. Thói quen nghề nghiệp, tôi đánh giá: “ Ba cái dưỡng đường đó, bán cũng bộn tiền ông ạ.”. Hắn ngẩng lên nhìn tôi, mắt hắn sâu thăm thẳm: “ Của đó vô thường lắm, không có thật đâu bà.”.

Giá mà, mười năm trước hắn nhận ra sự vô thường đó thì đoạn kết của đời hắn đâu đến nỗi buồn như bây giờ?

Tự nhiên tôi nhớ gương mặt phơi phới với nụ cười ngạo nghễ khi hắn hỏi ngược lại tôi “ Trăng là gì?”.

Trăng là gì ư? Trăng là ly nước mát của vợ trao tận tay mà hắn quên uống. Trăng là cái bình hoa vợ chăm chút cắm mong chồng để mắt tới, thế mà hắn đành lòng không màng. Trăng là tiếng cười reo của hai đứa con đón hắn sau những giờ làm việc nhưng vì mệt, hắn đã cằn nhằn, quạu quọ. Trăng là những bữa cơm nóng mà khi hắn về thì đã nguội lạnh, rồi cả nhà nhịn ăn theo hắn.

Trăng còn là cái nắm tay âu yếm mà từ rất lâu hắn quên trao cho vợ. Trăng còn là những đêm vì sợ con lạnh, hắn rón rén bước qua phòng kéo mền đắp cho con mà sau này vì mệt mỏi, ngủ vùi, hắn quên. Trăng còn là tất cả những mây và gió, những hương và hoa trong cuộc sống mà do tâm không an, thân không lạc cho nên hắn không thể cảm nhận được.

Trăng là gì nữa? Là người vợ đã bỏ chồng giàu đi lấy chồng nghèo; là những đứa con thà kiếm tiền từ sức lao động và trí tuệ của mình chớ không nhận tài sản của người cha để lại. Trăng còn là kết cục của đời hắn, bỏ mặc căn nhà lớn ở quận nhất và đóng cửa ba cái dưỡng đường to đùng vào ở trong bệnh viện, vì ở một mình buồn lắm.
Những người chồng bận rộn ơi, nhớ dành thời gian ngắm trăng với vợ và con, đừng để trăng lặn mất, rồi tiếc như hắn, bạn của tôi.
 
                                                        Không rõ tác giả

                                           (Chị Mary Phạm gởi CMC VN)

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Lời cho người vừa nằm xuống

Anh ơi! mẹ gọi em là con gái út.
Sáng nay, khi trở về sau những ngày bên cạnh gia đình và anh, em nghe bản Fly me to polaris ở nhà cô Nga. Bắt đầu nghe em đã cảm nhận được rằng đây chính là bản nhạc buồn của em và anh. Nếu anh cũng có thể quay trở lại cõi đời này như nhân vật trong sự tích đó thì em cũng nguyện trở thành con chuồn chuồn đi bên anh, dù nhìn anh bên cạnh một ai đi nữa.
Khi anh sinh ra mọi người cười còn anh khóc, khi anh mất đi tất cả mọi người khóc còn anh thì mỉm cười hiền hòa. Ra đi, thanh thản lắm phải không anh? Anh chỉ như đang ngủ thôi, và còn mỉm cười với em nữa. Dù biết em và anh có duyên không nợ, nhưng kiếp này anh đã nợ em mất rồi. Nợ em cả một gia đình, nợ em hai tiếng vợ yêu…Anh từng nói em rằng “đừng bao giờ bỏ ông già nha”, vậy mà giờ đây anh lại là người bỏ em mà đi.
Anh đã mãi ở tuổi 23, những năm tháng qua anh đã không sống hoài sống phí. Anh là người con có hiếu, người anh đáng kính, người em ngoan hiền, người bạn nhiệt thành và một người yêu đầy trách nhiệm. Có phải trên cao anh vẫn đang dõi theo mọi người và cả em nữa. Sáng ra, em khóc- khóc cho cuộc đời quá ngắn ngủi của anh, khóc cho cuộc tình đôi ta. Nhưng những giọt nước mắt kia sẽ lại thôi không đong đầy , em sẽ phải tự gạt đi nước mắt mà tiếp tục sống, vì em biết ở đâu đó anh vẫn dõi theo em và mỉm cười với em. Em sẽ không làm anh buồn và thất vọng, vẫn là người mà anh kỳ vọng nhất, là người mà anh có thể tin tưởng.
Trung thu đến rồi kìa anh, trung thu này em mất anh, và mãi mất anh rồi. Em tin rằng duyên nợ đôi ta vẫn chưa chấm dứt, anh hứa với em nhiều điều lắm, anh còn nhớ không? Hãy trở về với gia đình anh nhé, đừng bận lòng điều gì. Anh làm được, em biết anh làm được, cả gia đình, bạn bè anh và em cầu nguyện cho anh được an nghỉ và sớm siêu thoát.
Em sẽ không tag anh vào nữa, em muốn để anh an nghỉ. Nên hãy vì tất cả mọi người mà hãy bình an ở nơi đó nha anh, anh sẽ vẫn còn mãi trong trái tim của mọi người, sẽ luôn là thế. Em nhớ anh lắm!
(HÀ HUYỀN)

Với tôi, đây là bức thư tình tuyệt vời nhất...
Cô chúc con vượt qua những đau buồn của hôm nay, cuộc đời còn dài lắm và mọi chuyện đang chờ con ở phía trước... 
N sẽ phù hộ con mà, hãy tin vào tình yêu người ấy dành cho con.

Tháng 9 và thu hát cho người

Sau đám tang của Nghiệp, tám ngày trọn vẹn thời gian, trọn vẹn tình nghĩa dành cho nhau.
Lê, Khánh, Huyền có mặt ở Saigon trong căn nhà của tôi.
Lần đầu tôi gặp cô bé ấy, khuôn mặt buồn và ánh mắt long lanh nước, lúc nào cũng như cố kìm nén những giọt lệ sẵn sàng rơi.
Nhưng tôi đã đọc thấy một chút niềm vui trong nước mắt, cô bé ấy có thêm cha, thêm mẹ, thêm chị, bật tiếng gọi trong tình cảm sâu xa. 
Ba mẹ Nghiệp cứ ngỡ mình có thêm con gái để rồi sớm mai thức giấc lại thấy căn nhà trống trải, quạnh hiu, lại buồn hơn bao giờ.
Niềm vui và nước mắt sao cứ mãi đan xen nhau trong cuộc sống...
Sáng nay Lê gởi cho tôi bài viết về Nghiệp...



Tháng 9 khỏa lấp nỗi niềm chưa kịp nói. Ngày lên vậy thôi cho mình tạm biệt nhau.
Tháng 9 im lặng sượt qua những mái đầu rất vội. Những gì không cần nói xin chôn vùi vào quên lãng của thiên thu.

Tháng 9 như 1 ly rượu sóng sánh đầy vơi cho say chếnh choáng. Cơn mơ cũng chợt tan trong bàng hoàng xót xa.


Tháng 9, trời mưa lâm râm như mắt buồn sâu thẳm.

Tháng 9, tình yêu thoảng qua đời như 1 trò chơi. Ngỡ Bạn mình là con cá nhỏ bơi trong biển yêu thương gợn sóng. Đầy vụng về lóng ngóng để tình yêu trượt vội qua những kẽ tay chưa kịp đan cài. Nên cá nhỏ nằm ngoắc ngoải nơi bờ cát dài thoai thoải, chờ 1 đợt thủy triều lên không còn kịp nữa rồi.
Tháng 9, những người quen trở thành xa lạ. Nuốt nước mắt lăn dài trên má mà sao nụ cười cứ chơi vơi. Kỷ niệm rạng ngời bỗng chốc là phù phiếm. Nỗi đau cuộn tròn trong những câu chuyện phiếm. Xót xa tìm kiếm cho Bạn định mệnh không màu trong vô vàn những đắng cay cuộc sống. Buông thõng rồi cũng qua 1 kiếp con người.


Tháng 9, mùa thu ra đi rất nhẹ, phải không?


Sắp Tháng Mười, Mùa Đông theo gót Mùa Thu về trên con đường nhỏ. Người đi không kịp đợi ai đứng lại ngại ngần. Riêng ta còn mãi bâng khuâng ngày nao lá hết thôi bám cành lần lữa.

23 tuổi, sống tròm trèm 1/3 cuộc đời, chợt thấy Bạn mình rơi vào giai đoạn khủng hoảng đến cùng cực. Lẽ ra phải hừng hực sống, hừng hực yêu thương, đầy ắp lý tưởng, hoài bão và hy vọng. Lẽ ra phải căng tràn nhựa thanh xuân trong từng thớ thịt, trái tim ăm ắp chảy máu nhiệt huyết. Thế mà trái tim đập thoi thóp, những thớ thịt bệ rạc bủng beo. Những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi. Đi như điên dại để tìm 1 nơi bản thân tồn tại. Nhưng càng đi, càng đi mà không biết bản thân đã như những hạt cát bay theo gió, chẳng hiện hữu ở 1 nơi nào cố định.

23 tuổi, đi qua những năm tháng cho 1 tình yêu đầu đời. Khi những khúc mắc cuối cùng được sáng tỏ, bài kinh kệ cầu siêu cũng vừa dứt những âm niệm cuối. Thoát thai cho 1 tình yêu, đứt đoạn xuống tay giết những rung động vừa chớm nở bằng cách cà rỡn với xúc cảm của bản thân. Bạn đã rất cần 1 mối quan hệ nghiêm túc, nhưng lại chạy trốn khỏi những yêu thương nghiêm túc. "Không thể chịu đựng nổi" là lời bào chữa vụng về thường được mang ra làm bức bình phong cho 1 nguyên cớ sâu xa trong những ngôn từ tắt lịm.

Mà trời thì vẫn mãi xanh ngăn ngắt...



Viết cho Q.U.Ê.N – L.Ã.N.G...
Không phải là viết cho những gì mình luôn nhớ...
Mà muốn viết cho góc mạng nhện của trái tim...
Những cái tên vẫn còn nhớ... Nhớ trong quên...
Vô tình đọc... Vô tình nhận ra... Có đôi khi không phải người khác quên mình...
Những người Tui đã “quên”,………… cố tình “quên”,………….. day dứt “quên”...

Q.U.Ê.N là một động từ cần có sự 2 chiều để hoàn tất trọn vẹn...Chứ không như N.H.Ớ...

Người tui NHỚ họ QUÊN...
Người tui QUÊN họ NHỚ...

Có sự quên bằng những dấu “ba chấm có than”...
Có cái quên đơn giản là bỏ xó cho gió thổi bay...

Như là “điều ấp ủ” lâu rồi vẫn chỉ thế này thôi...
... “ chúng ta đã gần nhau ngày bắt đầu gặp gỡ rồi xa nhau mãi để tiến về vô cực......”
Ừ đó, “…” cứ lững lờ mãi kìa... Bao giờ cho nó 1 cái kết thúc để hoàn thành 1 món quà, 1 nén hương,...

...Sms trói buộc người ta vào không gian “trở về”...
...Sms cho xin lỗi, cảm ơn...


“Làm sao cho trái tim bình yên...”
“Bạn như mây trời bốn phương...”
“Cuộc đời dài rộng quá đôi khi lại rất buồn...”
“Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa...”


Tủi thân khi bước vào căn nhà có đại gia đình của Bạn. Mình không ghen tị mà mình tủi thân. Nhìn ông bà Bạn ôm đứa cháu vào lòng, nhìn dì dượng ba mẹ Bạn lăn dài những giọt nước mắt, mình thấy nhớ Bạn dù giờ đang ở rất xa. Mình đã ở đó để tiễn bạn đi. Bạn đi trong sự tiếc thương của nhiều người. Những ngày qua mình cũng đón nhận cái tin Bạn ra đi đột ngột như vậy. Mãi cho đến hôm nay nhìn thấy khung cảnh ở nhà Bạn, lòng mình mới vỡ òa. Những đám tang nối tiếp nhau trong cảnh đầu bạc khóc tóc xanh. Sự mất mát bủa vây con người ta đến tận cuối đời chẳng chịu buông tha.

Một lần nghe Chị của Bạn kể chuyện em trai ngày xưa. Đôi khi mình cứ nghĩ, nếu Bạn không ra đi đột ngột thì biết đâu Bạn sẽ có 1 gia đình đúng nghĩa? Cỗ quan tài vô hình chôn vùi Bạn vào lòng đất lạnh.



Nhớ lúc trước anh em mình còn tập trung phòng trọ chơi đánh bài. Chiếu bạc vẫn còn, chỉ thiếu 1 tay chơi kì cựu được người ta chậc lưỡi nhắc nhớ nhau: "Phải mà Bạn còn sống..." Mà tiền không mua được những ngày đó trở lại.
                            Ngày Bạn mất, mùng 1 tháng 8 (ÂL) đượm mùi nhang trầm.

Năm sau Bạn không đón Tết ở nhà. Tết năm sau đại gia đình của Bạn chắc buồn hơn. Ngày còn bé mình không thể hiểu sâu sắc được rằng, chính con cái đã là linh hồn cho những lần gia đình quây quần bên nhau. Bạn đóng vai người kéo màn cho vở kịch, âm thầm lặng lẽ bên cạnh tiếng cười mọi người tặng nhau. Mấy ai biết khi không còn người kéo màn, vở kịch cũng không thể diễn tiếp được nữa.

Nên những ngày này mình cảm nhận được đại gia đình của Bạn đang lượm lặt những cảnh còn sót lại trong ký ức, dù mình biết nó sẽ làm mọi người tủi thân gấp bội.

Nhất là khi nhìn thấy nụ cười của cơn say nắng đặc biệt ấy.

"Cố quên đi một người Bạn ta đã từng thân giống như cố nhớ 1 người ta chưa bao giờ gặp mặt."

Ký ức giống như thứ nước ngầm dưới tảng băng. Dù bề mặt đã đông cứng trong giá lạnh thì bên dưới vẫn là dòng chảy ấm áp đến xót xa lòng.

Như nước mắt nóng hôi hổi bất chợt lăn dài trên má.
Mà có trách được đâu.
Mà trách để làm gì?
Chẳng để làm gì.



Bữa trước, lần đầu tiên
Khi bạn H ra biển Bình Thuận…
Ta loay hoay,
Tìm 1 nơi để chơi trò khắc tên…
H bảo H sẽ là người khắc trước
Rồi H chạy ra xa…
Tui đứng lặng im bên biển dài nhìn bóng H nhỏ bé
Lom khom những vệt dài nguệch ngoạc

Ơ kìa, sóng!!!
H khóc rồi...
Tui vội vàng nhưng không kịp…

Chỉ còn đọng trên cát những hình thù kì dị
Tui cười xoà : “Chữ đẹp nhỉ…”
Tui chỉ biết đứng nhìn H…

Viết “Bình Thuận, ngày..tháng..năm…Vắng Anh…..” trên cát  (không có sóng tràn vào)

Để H cười giòn tan vào gió…
H đâu ngờ gió dỗi hờn không muốn H làm điều đó,

Thổi bay mất chữ vô tình và đắc thắng…
H khóc rồi…
Hôm nay…

Tui đã tìm ra lời giải đáp
Cho trò chơi vụng dại của ngày xưa…
Đâu cần một nơi nào để ta khắc tên nhau trên đó,


Sao Anh(N) quên trái tim Anh đã có???
Sao Anh quên trái tim Anh tràn ngập từng tiếng tên em(H)???
Sao Anh quên…

Cho hôm nay, trên bờ biển ấy…
Lang thang 1 bóng người
Nguệch ngoạc những nét không tên…


"Khi đau lần đầu, bạn H gào thét.
Khi đau lần thứ hai, bạn H đập phá.
Khi đau lần thứ ba, bạn H  khóc, nước mắt lăn dài, mắt và mũi thì đỏ hoe.
Khi đau lần thứ tư, bạn H lại khóc, nhưng lần này chỉ có nước mắt rơi...
...
... lần thứ n, bạn H nhìn vô định, rồi vô thức,...
Mệt đến mức chẳng còn nói nổi chữ ...đau."



Một buổi trưa…
Sau những tiếng thở hắt từ bờ môi khô đắng…
Bạn tung chăn và ngước mắt…
Thấy vô tình dâng lên trong vắt…
Rồi xuôi dài mặn đắng…
Có chăng Bạn vừa mất đâu đây…
-/-
Một buổi trưa…
Bạn hâm hấp và nóng hổi…
Thấy lỡ làng bỏ quên cứng cỏi…
Khổ khốc lăn mòn mỏi…
Có chăng Bạn vừa mất đâu đây…
-/-
Có chăng Bạn…
…vừa mất đâu đây?
Với tôi, nỗi đau của bản thân không đáng sợ bằng nỗi đau của những người xung quanh. Nhìn họ đau mà không làm được gì. Nhìn họ ra đi mãi mãi mà không ngăn được.
Chỉ có thể ngăn dòng nước mắt của mình đừng chảy.

Bởi "chết quá dễ, mà sống thì quá khó..."

(Nguyễn Thành Lê)

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Có đi chung với nhau lâu đâu !

Một thiếu nữ đang ngồi  trên xe buýt: 
Một bà già mang đủ thứ  lỉnh kỉnh, miệng lẩm bẩm, đến ngồi  bên cạnh, xô mạnh cô. 

Bất bình, anh thanh niên bên  cạnh hỏi tại sao cô không phản đối và bảo vệ quyền lợi mình. Cô mỉm cười  và trả lời: 
"Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế,  có đi chung với nhau lâu đâu ! Trạm tới, tôi xuống rồi." 
  

Đây là một câu trả lời mà chúng ta phải xem như một khẩu hiệu viết  bằng chữ vàng để hướng dẫn cách cư xử hằng ngày của chúng ta ở  khắp mọi nơi : "Đâu cần phải cãi cọ  vì chuyện nhỏ như thế, có đi  chung với nhau lâu đâu !" 
    
Nếu chúng ta có thể ý  thức rằng cõi đời tạm của chúng ta  dưới  thế thật ngắn ngủi, cãi cọ tầm phào  vừa làm cho mất vui, vừa làm  mình mất thời gian và sức lực cho chuyện  không đâu.   
  
Có ai làm mình tổn  thương ? 
Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu  đâu ! 

Có ai phản bội, ức  hiếp, sỉ nhục mình ? 
Bình tĩnh, có đi chung  với nhau lâu đâu ! 
  
Dù người ta có gây ra cho  chúng ta buồn phiền gì chăng nữa, hãy nhớ rằng: 
có đi chung với nhau lâu đâu! 
  
Chúng ta hãy ăn ở hiền  lành. Hiền lành là một đức tính không  bao giờ đồng nghĩa với hèn nhát, nhu  nhược nhưng đồng nghĩa với cao cả. 
  
Chuyến đi chung của chúng ta trong cõi đời dưới thế này ngắn  ngủi lắm và không đi trở ngược lại được. 
      
Không ai biết chuyến đi của mình dài bao lâu ! 
Không ai biết mình có phải xuống ở trạm tới hay không ! 

(Chị Mary Phạm gởi CMC VN)

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Mưa Cali - Mưa Saigon

Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá...Tôi thì thực tế hơn không muốn làm giọt mưa, giọt nắng hay cây cỏ mà muốn làm chính mình, yêu con người mình, thi vị hóa cái nhìn để thấy cuộc đời đáng yêu dù chung quanh ta có biết bao chuyện buồn vui sướng khổ mà ngẫu nhiên nó xen vào cuộc sống.

1. Đêm khuya mưa to gió lớn, cây chanh nhà tôi đã hờn dỗi té nhào.
Một thoáng mong manh buồn nhưng niềm vui vô cùng lớn vì Cali hạn hán đã 6 năm rồi, Trời không khóc mà chỉ cười.
Hy vọng cây chanh không nằm im, sẽ đứng lên, 10 năm tặng rất nhiều trái cho đời, tôi và chanh tươi, chanh muối, chanh mang tặng, ai ai cũng yêu thích.
Lemon, chanh hỏi chảnh sao chỉ một cơn mưa em đã nằm ngã xuống ? Hãy hồi sinh cho bạn bè vui vẻ, tôi yêu chanh nhiều lắm, trời nóng 100 độ F ta vẫn bên nhau, mỗi sáng mỗi chiều đều tưới tắm chuyện trò, chanh cũng là tên con đường nhà tôi, LEMON ơi ! 
Tạ ơn Trời làm mưa.
Cơn mưa không lạnh mà rất ấm, mưa khá lớn. Cơn mưa đầu mùa, đường trơn trượt, nhưng không khí mát mẻ, dịu dàng, những giọt mưa chào đón mùa Thu thơ mộng và cuốn trôi đi hết muộn phiền.

2. Đi trong mưa, dạo phố chiều mưa, nghĩ vậy cho đời thêm lãng mạn. 
Tôi rất thích Trời mưa, giọt mưa tí tách hiền hòa, mưa rớt trên môi, trên mắt làm tan đi những cơn nóng, mưa xoa dịu những vết thương lòng, những nhớ mong đợi chờ sẽ nương theo giọt mưa, lời thề hứa thủy chung, những bản nhạc tình, những bài thơ cũng từ mưa mà hiện hữu, dù đôi lúc mưa cũng dữ tợn làm bão tố phong ba, cuốn trôi đi hết những lời thề... 
Nhưng cuối cùng thì mưa vẫn là điều tôi yêu mến, thuở mười tám đôi mươi, tôi rất thích được đi trong mưa, đứng cạnh người yêu trú mưa bên hiên nhà khi mưa chợt đến chợt đi, dõi mắt nhìn theo đám trẻ lội bì bõm trong vũng nước. Cả một hồi ký về mưa sống lại, thời thơ mộng nay còn đâu ? Nhắm mắt lại cảm nhận được mưa rơi, mưa âm thầm, mưa trong lòng. 
Ôi! Yêu quá Saigon và những tháng ngày đã qua.

Cũng nhờ nét đẹp của mưa gió có chút phong ba cho tôi nhiều cảm xúc, Trời không mưa, tôi cũng lạy Trời mưa, mưa một góc nhỏ trong lòng tôi, lá cây vẫn đọng long lanh vài giọt nước như tiếc như thương những gì đã mất, mưa nói dùm tôi tất cả những gì mình không thể nói.
Cuộc sống không thiếu những chuyện vui nhưng cũng đầy ắp những muộn phiền xót xa, thôi thì hãy biết đón nhận, vươn vai thở nhẹ nhàng và coi nhẹ mọi thứ.
Vì : lâu rồi đời mình cũng qua... (TCS)

(Chị KD)

Cây muốn lặng...


Hãy khóc cho trôi hết dĩ vãng, hiện tại, không thấy, không nghe, không nói, hãy nhìn lá rơi, mùa Thu đến rồi, cây sẽ trơ trụi lá , lau nước mắt đi, thoa chút son môi, miệng nở nụ cười.
Đã bao lần tôi tự hỏi, cuộc sống có thật vui ? 
Vui cũng có, buồn ngay bên cạnh thành một bức tranh, lâu rồi đời mình cũng quen, hãy nhẫn nhịn, bỏ qua để cuộc sống bình yên, đừng nóng nảy  mắng mỏ nhau để thấy toàn màu hồng.


Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không ?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau.

(Chị PK)

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Mai tôi đi

(Bài của chị PK - Em cám ơn sự đồng cảm)

Viết cho một người trẻ vừa nằm xuống bên sông. 
Một cháu trai tuổi đời vừa chín tới, chỉ mới hai mươi hai, gia đình, người thân và bạn bè tiễn cháu trong chiều mưa, Saigon đang mưa tầm tã, nước ngập thành sông, Trời đã khóc chắc tiếc thương cho một kiếp người vắn số.

Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười.
Tuy chẳng biết mặt cháu chỉ nghe bạn cô kể : cháu ra đi không trở lại vào một buổi sáng mùa mưa, xác trôi trên sông, mênh mông thật buồn.
Chiều tiễn biệt cháu Trời cũng đổ mưa, mưa tầm tã, mưa đem hết nỗi buồn phiền và những giọt nước mắt của người thân đi, lá xanh sao vội lìa cành? 

Cô là người mẫn cảm, dễ xúc động với những cảnh đời xót xa, thôi thì mỗi khi chiều về, nhìn chiếc lá rơi cô sẽ thầm thì với Thượng Đế cho cháu lên đường bình an, về nhà mới, đất mới quên hết bụi trần, tháng ngày vất vả ngược xuôi học hành, kiếm sống...
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi... 
như cháu từng hát trước ngày ra đi thì cũng là lúc cháu trả thân mình về thành cát bụi.

Ra đi không phải là chấm dứt mà là bắt đầu cho một hành trình mới, có thể viên mãn và hạnh phúc hơn, nợ nần con đã trả xong, thảnh thơi nhé, cháu Nghiệp!
Chúc con thượng lộ bình an trên quê Trời.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Chiều mưa tiễn biệt

Không biết có phải là điềm báo trước hay không
 mà buổi chiều tối cuối cùng trên sông, nó cứ hát những khúc nhạc thật buồn : 
- Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi... 
- Xuân này con không về...
Và sáng  mai là chúa nhật buồn, nó không về thật, nó không về mãi mãi.
Ba mẹ nó thương con, cứ để Nghiệp nằm trong nhà cho ấm áp.

Thứ ba, 
đang mùa mưa nên ông trời khóc suốt. 
Gió lạnh rít lên từng hồi.
3 giờ chiều tiễn thằng Nghiệp ra nghĩa trang.
Nó sẽ ở đó một mình, dưới lòng đất, cô đơn, hiu quạnh.
Và gia đình của nó những tháng năm dài : buồn thương, trống vắng.

Nam mô a di đà ! 
buồn như tiếng kinh cầu xa.
Cuộc đời là vô thường. 
Ôi ! kiếp nhân sinh phù du. mong manh.
Sống thì tranh đua hơn thiệt, nhọc nhằn gánh nặng áo cơm,
thoáng một chốc nhắm mắt xuôi tay, trả hết lại cho đời, 
không một chút vương mang, thân trở về cát bụi.

Sẽ chẳng bao giờ thấy thằng Nghiệp qua nhà cô nữa, 
chẳng bao giờ nghe giọng biển của thằng Nghiệp nữa.
Nhưng trong lời kinh cầu mỗi ngày cô đọc sẽ có phần cho con.
Nghiệp ơi ! Con ơi ! Tạm biệt...!
Gởi tặng con bài thơ ngày xưa cô rất thích

Nhạc Sầu      Tác giả: Huy Cận

Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế ! 
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường 
Phố đìu hiu màu khói cũ lên sương 
Sương hay chính bụi tàn phai lả tả 

Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá 
Chim vui đâu cây đã gãy vài cành 
Ôi chiều buồn ! Sao nắng quá mong manh 
Môi tái nhạt nào mà cười héo vậy ? 


Ai chết đó? trục xoay và bánh đẩy 
Xe tang đi về tận thế giới nào ? 
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao 
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó
Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ 
Trần gian sao? Đây thành phố đang quen 
Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền 
Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy ! 



Và ngựa ơi, đi nhịp đằm chớ nhảy 
Kẻo thân đau chưa quên nệm giường đời 
Ai đi đưa, xin đưa đến tận nơi
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi 



Người đã chết- Một vài ba đầu cúi 
Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ 
Để cho hồn khi sắp xuống hư vô 
Còn được thấy trên mặt người ấm áp 

Hình dáng cuộc đời từ nay xa tắp 

Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh 
Không gian ơi, xin hẹp bớt mông mênh 
Ảo não quá trời buồn chiều vĩnh biệt !

Và ngươi nữa, tiếng gió buồn thê thiết 
Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn 
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn 
Báo tin xấu, dẫu hồn người đã xế... 



Ai chết đó ? nhạc buồn chi lắm thế ! 
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương 
Của cuộc đời ? ai rút tự trong xương 
Sầu chi lắm ! trời ơi chiều tận thế !

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Khóc lá xanh rơi

Lê và Nghiệp (áo xanh) và con nít Bình Phước
Nếu có chữ DUYÊN trong cuộc đời này thì thằng Lê đến nhà tôi ở chắc là do cái duyên đưa đẩy, vì chẳng họ hàng cũng không quen biết, lại khác tôn giáo, độ dài khoảng cách gần ba trăm cây số. Từ lúc nó bắt đầu con đường đại học đến khi sắp ra trường, từ cái khác biệt ban đầu của hai cuộc sống và hoàn cảnh gia đình đến cái thân quen hôm nay. Ấy vậy mà cũng đã hơn bốn năm rồi, tôi thương nó rồi thương luôn đám bạn của nó thỉnh thoảng ghé chơi : thằng Vũ có mái tóc rễ tre và đôi mắt chỉ một đường ngang hệt ca sĩ Tuấn Vũ, nó ghé nhà tôi thường là để ngủ, có khi ngủ cả ngày, ngoài giờ đi học nó làm ở quán cà phê lúc nào cũng ồn ào nên thiếu ngủ triền miên, thằng Nghiệp tướng dong dỏng cao, nói năng nhỏ nhẹ như con gái, ghé nhà tôi thường xuyên nhưng ít vào nhà, chỉ đứng ở cửa nói chuyện với Lê rồi đi, lúc nào nó cũng có vẻ vội vàng, tôi nhớ giọng nói đậm chất biển của nó : con chào cô Nga - thưa cô Nga con đi - cô Nga ở lại ăn tết vui vẻ, thằng Khánh quê ở Bình Phước, nhìn cần cù chính hiệu nông dân, mộc mạc chân chất... có tất cả ba thằng, thằng nào cũng hiền lành, dễ thương.

Là dân tỉnh lẻ, lên Saigon học cái gì cũng thiếu thốn nên mỗi lần tụi nó qua nhà là tôi phải tìm cái gì để cho, khi thì cơm cháy chà bông, khi thì vài gói mì, khi thì bánh phồng, có lúc tôi còn bảo Lê mang cho bạn ít bánh ngọt, ít thịt bò để họp mặt bạn bè v.v... Nếu đến nhằm giờ cơm là tôi bắt phải ngồi ăn với gia đình.
Lê nhiệt tình và thương bạn, nó ở nhà tôi thì yên thân nên những lúc rảnh rỗi là tranh thủ chạy qua với bạn, nó cũng hay kể chuyện cho tôi nghe đủ thứ về đám bạn của nó : học hành ra sao, làm thêm ở đâu, còn nợ mấy môn học, hoàn cảnh gia đình thế nào ?

Tôi thường lắng nghe nhưng thỉnh thoảng cũng chêm vào nhận xét của mình, tôi bảo : trong đám bạn của con thì thằng Nghiệp đẹp trai nhất, mặt nó hiền quá con. Nó đi đâu chắc được nhiều người thương.
Lê đồng ý ngay, nó còn kể thêm :
- Mẹ nó gầy ốm như cô, da còn đen hơn da cô bán bánh bèo nữa. Thằng Nghiệp nó rất siêng: khi thì làm bảo vệ nhà nghỉ, khi thì lãnh làm cài tóc trang sức của phụ nữ, nó còn đi bán móc khóa, bán cam vắt, bán được mấy ngày thì bị những người bán trước ở đó hăm dọa không cho bán nữa, sợ quá còn mấy trái cam nó đem về phòng trọ vắt cho tụi con uống. Làm cái này không được nó xoay qua cái khác. Hổm rày nó đang theo cậu nó đi làm công trình xây dựng. Con bảo nó bớt việc để học cho xong rồi hãy tính, nợ môn hoài biết khi nào mới ra trường nhưng nó nói với con rằng nó có nỗi khổ riêng của nó, nhà thằng Nghiệp khó khăn lắm cô !
- Nghèo vậy chứ nó chơi với bạn được lắm cô à ! Tính nó nhường nhịn bạn chứ không tranh cãi như con đâu.

Vậy mà trưa nay...
Đang nằm nghỉ tôi nghe thằng Lê gọi điện thoại về khóc rưng rức :
- Cô ơi ! Con đang ở bệnh viện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Cô cầu nguyện cho thằng Nghiệp nha cô. Nó chết rồi cô ơi !
- Con bình tĩnh nói lại cô nghe. Cái gì ?
- Dạ, thằng Nghiệp bị tai nạn chết rồi cô ơi !
Một thằng con trai ngoại đạo, xin người khác cầu nguyện cho bạn trong tiếng khóc nghe thương vô cùng. Tôi thắp sáng ngọn đèn trên bàn thờ rồi quì xuống trước thánh giá Chúa lần chuỗi Lòng Thương Xót và chuỗi Mân Côi. Nghiệp ơi ! dù con đạo Phật nhưng cô vẫn dành tặng con những lời kinh, cầu xin Chúa đón nhận linh hồn con.

Nghiệp không bị tai nạn mà nó chết đuối. Nó cùng một nhóm bạn đi chơi, linh tính thế nào mà Huyền bạn gái nó cản không cho đi, nhưng rồi nó lén lên đường, mà đâu trách nó được, cứ cắm cúi làm, học thì cũng có lúc nó đi chơi cho khuây khỏa. Chính nó là người rủ cả nhóm bơi đua. Khi nó bắt đầu chìm thì mấy đứa bạn đi chung nhìn thấy la lên nhưng đợi có người đến cứu thì nó đã chìm lỉm mất rồi. Ngoi lên, hụp xuống vẫn không thấy nó đâu. Lúc đó có người đứng trên bờ bảo lấy áo nó đang mặc quăng xuống nước, áo trôi tới đâu thì xác nó ở đó. Mọi người làm theo vì khi bơi nó để quần dài và áo trên bờ, chỉ ở trần và mặc quần đùi thôi. Kinh nghiệm dân gian thật đúng, tìm ra nó rất dễ dàng. Từ lúc chìm đến khi đưa được nó vào bờ mất ba mươi phút nhưng tất cả đã quá muộn, thằng Nghiệp đã vĩnh viễn ở cái tuổi hai mươi hai.
Người dân ở nơi này kể năm nào cũng có người chết đuối ở đây.
Cứ như có ma đưa lối, có quỉ đưa đường.

Nhà nó có ba chị em. Chị lớn chết đuối năm bảy tuổi, chị thứ hai học trung cấp y sĩ nhưng tốt nghiệp chẳng tìm được việc đành phải làm công nhân trong xí nghiệp may, thằng Nghiệp là út thì như thế này đây !
Mẹ nó ngất xỉu khi nghe tin. Con ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, với bao nhiêu dự tính, ước mơ mong muốn thực hiện, bỏ lại gia đình, bè bạn, bỏ lại giảng đường, bỏ lại nhọc nhằn mưu sinh đời sống xa nhà, nhưng từ nay đôi vai mẹ sẽ oằn hơn, mắt mẹ trũng sâu hơn. Đau lòng quá con ơi ! Nghiệp ơi !

Ngày nó giã từ quê hương biển mặn để bước chân vào giảng đường đại học, ba mẹ nó đặt bao nhiêu là niềm vui và hi vọng.  Bốn năm rưỡi đại học cũng sắp đến hồi kết thúc, chỉ vài tháng nữa thôi ba mẹ sẽ đỡ lo, con ra trường sớm muộn cũng có việc làm, sẽ có dâu ngoan cho ba mẹ vui lòng, có ai ngờ...! Thằng Lê kể bạn của Nghiệp là Huyền rất dễ thương, một cô gái nết na, đầy lòng tự trọng, bạn bè đứa nào cũng mừng cho nó. Cô bé ức lòng vì đã cản rồi mà người yêu vẫn cố đi. Những giọt nước mắt ngắn dài đầu đời con gái sao thật xót xa ! Tất cả giờ chỉ còn đọng lại một ký ức buồn. 
Dân Bình Thuận từng bơi ở biển, sao lại chết đuối ở sông thế này hả con ? Mà phải chi là sông lớn cho cam !

Sáng sớm mai Lê và nhiều đứa bạn của nó về quê, sống trọn tình thân bè bạn những giờ phút sau cùng. Tôi gởi theo Lê tấm lòng sẻ chia của người thành phố.  Tôi thương thằng Nghiệp, thương gia đình của nó quá. Là một người mẹ, tôi hiểu được nỗi đau trong lòng mẹ nó.
Một cái chết nhanh chóng, nhẹ tênh và hết sức bất ngờ.
Con hư quá Nghiệp ơi ! Con có nhìn thấy nước mắt của gia đình, của thầy cô, của bạn bè con không ?
Người về tiên cảnh lòng thanh thản,
Kẻ ở dương gian, dạ ngậm ngùi”.

Từ xa cô thắp cho thằng Nghiệp một nén nhang lòng tiễn biệt.
Tôi nói với Lê : sau này khi con đi làm có tiền, thỉnh thoảng hãy ghé thăm gia đình ba mẹ bạn, Hãy đem đến cho ba mẹ bạn một chút niềm vui. Tình bạn cao quí và đẹp với thời gian chứ không chỉ gói gọn trong thời khắc này. Hãy sống trọn vẹn những điều nhân nghĩa cho cuộc đời nhẹ bớt những tai ương, con nhé !
Lê dạ. Tôi mong và tin Lê sẽ làm được điều đó.