Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Từ một tai nạn thập tử nhất sinh...

Bài chia sẻ của chị Maria Rose Vũ thị Loan
(Bề trên Tổng quyền Tu viện Mân Côi Chí Hòa)

Câu chuyện xẩy ra vào lúc 17 giờ 45 ngày 08-12-2011.
Ngày hôm ấy, khi nhận được tin Ông Cố Phêrô Nguyễn Văn Bảnh, Ba của chị M.Têrêsa Nguyễn Thị Mỹ Dung được Chúa gọi về. Thánh lễ an táng sẽ cử hành lúc 08 giờ sáng ngày 09-12-2011 tại Nhà Thờ Phan Rí. Chúng tôi, 20 chị em Mân Côi, đã thuê một chiếc xe 29 chỗ, khởi hành từ Sài gòn đi Phan Rí chia buồn với gia đình chị Mỹ Dung và dự lễ an táng. Phái đoàn dự định sẽ dừng chân tại Phan Thiết, nghỉ qua đêm tại nhà chị Hoàng Yến, rồi sáng hôm sau sẽ tiếp tục đoạn đường từ Phan Thiết tới Phan Rí.
Khi đi xe, chúng tôi có thói quen đọc kinh Mân Côi chung với nhau. Hôm ấy, sau những tràng chuỗi Mân Côi dâng kính Mẹ và cầu nguyện cho linh hồn ông cố vừa qua đời, Chị Hồng Thúy nói với mọi người : “Lần chuỗi xong thấy lòng mình ấm hẳn lên rồi”. Chỉ khoảng 10 phút nữa là đến nơi chúng tôi dừng chân và dùng cơm tối. Chị em đang vui vẻ trò chuyện bên nhau thì... ẦM một cái… chiếc xe conteneur húc mạnh từ phía sau đẩy xe chúng tôi phóng sang bên trái đường và đâm vào một xe tải đang chạy ngược chiều. Cuộc đụng chạm kinh hoàng : xe chúng tôi đã bị tai nạn !
Tôi ngất lịm ngay sau tiếng “ẦM” ấy. Khi tỉnh lại, tôi thấy đầu chiếc xe tải dập nát ngay trước mặt và người ta đang cố kéo thi thể người tài xế xe tải xấu số xuống khỏi cabine. Thân xác anh rũ rượi, mềm nhũn. Anh đã tắt thở !
Tôi cảm thấy khuôn mặt tê rát và ướt sũng, đưa tay lau nhẹ mới biết mình đã bị thương. Thấy tôi máu chảy đầy mặt, người ta kéo tôi ra khỏi xe và đưa đi cấp cứu. Tôi cố ngoái lại nhìn chiếc xe thấp bé của chúng tôi dập nát bên chiếc xe tải và rùng mình nghĩ đến sinh mạng của chị em. Tôi run rẩy trong lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện rất đỗi thiết tha và hoàn toàn tín thác vào Chúa : “Lạy Chúa, đối với Chúa, không có gì là không thể làm được” (x. Lc 1, 37). Xin Chúa cứu chị em chúng con !
Chị Tịnh Khiết, ngồi bên tôi, còn tỉnh táo, thấy hết sự việc, sau đó đã kể lại tình hình lúc bấy giờ : “Khi tai nạn xảy ra, xe tối om, lại tràn ngập bởi những mảnh vụn kính xe. Tài xế và chị Hoàng Xuân ngồi phía sau máu me đầy người, bị kẹt cứng trong ghế. Mấy chị bị gãy chân không thể tự mình di chuyển được, đang kêu cứu. Nhìn về phía sau, hình như có khói ! Nghĩ đến tình trạng cháy xe có thể xảy ra, nên các chị còn đi lại được, nhảy vội ra ngoài qua các cửa sổ và cầu cứu mấy thanh niên địa phương đến phá cửa xe, giúp đưa những người còn lại ra khỏi xe...
Lúc đó, trời mưa lất phất nhỏ hạt và tối om, đường không có điện, hai bên là cánh đồng. Sau một lúc tìm gọi xe, mấy chiếc honda của người địa phương đã chở vài chị đến trạm y tế gần đó. Trạm y tế không có phương tiện, lại chờ gọi taxi để đưa nạn nhân đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Thế rồi, một người địa phương tốt bụng đã dùng chiếc xe tải nhỏ của mình để chuyển giúp các chị bị gãy chân tay đến thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.”
Một chuyến đi không đạt mục đích !
Nằm tại bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, tôi nhớ đến Ông Cố Phêrô vừa qua đời, tôi thương cảm sâu sắc gia đình chị Mỹ Dung, tôi lo lắng cho chị em vừa gặp nạn, tôi nghĩ đến nỗi âu lo của các Bề trên và các chị em trong Dòng cũng như của những người thân, tôi cầu nguyện cho người tài xế xe tải đáng thương…
Trong khi được cấp cứu, đầu óc tôi khá tỉnh táo. Có người đang thấm khô vết thương của tôi nói với ai đó rằng tôi bị chấn thương đầu, máu chảy nơi tai, mũi và miệng… Tôi không làm nghề y, nhưng tôi cũng hiểu được với nguy cơ ấy thì tôi có thể rơi vào 1 trong 3 trường hợp : một là chết, hai là mất trí và ba là sẽ bình phục. Nếu não tôi có vấn đề, tôi có thể rơi vào hôn mê bất cứ lúc nào, nên tôi trân trọng và ý thức từng nhịp thở trong những giây phút còn tỉnh táo và rất quý báu ấy, kèm theo những tác động yêu mến và hiến dâng để dọn mình chết lành…
Những giây phút ấy đối với tôi quả là một cuộc chiêm niệm tuyệt vời. Tôi như sắp phải vẽ lại sự thật đời mình trước Thiên Chúa, cũng như sắp được nghiệm ra những mầu nhiệm đã một đời tìm kiếm. Tôi thầm thĩ nguyện cầu cho các chị em đang lâm nạn. Tôi nghĩ đến hai Bà và các chị em đang ở nhà và các cộng đoàn, tôi nhớ đến gia đình, những người thân quen đã một lần đi qua trong đời tôi. Tôi lưu luyến ôn lại những kỷ niệm còn đậm nét trong tâm trí và định rõ từng chi tiết của nó. Tôi thực sự yêu mến cuộc sống này. Tôi muốn gặp lại mọi người tôi thương mến. Lòng tôi bám chặt vào lời thánh vịnh 36,5 : Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Tâm trí tôi lúc ấy như được bay bổng khỏi mọi ràng buộc để nhìn sang một thế giới khác, và tôi nghiệm ra : Không có góc nhìn cuộc sống nào tốt hơn là nhìn nó khi đối diện với cái chết.
Sau khi được cô y tá khâu lại những vết thương trên mặt, tôi tiếp tục đi vào viễn tượng : Nếu lúc đó tôi không tỉnh lại thì cái chết của tôi khá nhẹ nhàng và nhanh chóng. Người ta sẽ đặt tôi vào một manh chiếu bên vệ đường. Tôi sẽ trở về Nhà Dòng với một thân xác bất động. Chị em sẽ bỏ tôi vào quan tài và tổ chức lễ an táng, đem tôi đến lò thiêu và rồi, một chút tro tàn được lưu giữ trong Núi Đá, nơi an nghỉ của Hội Dòng mang tên Cộng Đoàn Thiên Quốc.  Phần tro tàn còn lại sẽ mất hút trong bầu trời này…
Tôi trở về thực tại khi cô y tá đến đẩy tôi đi qua các phòng chụp X quang và CT. Lúc đó, lòng tôi cảm thấy những giây phút hiện tại vô cùng quý báu. Tôi trân trọng và ý thức từng giây phút đang qua đi để có những khoảnh khắc thật tròn đầy trong Thiên Chúa… Tôi muốn được nhìn lại một lần các chị em vừa gặp nạn, nhưng ước nguyện không đạt được trong lúc này vì ai nấy đều đã có chỗ của mình trong các phòng cấp cứu. Tôi nghĩ các chị em cũng đang cầu nguyện và có tâm trạng như tôi. Tôi phó thác tất cả cho tình thương của Chúa và Mẹ Mân Côi. Tôi tiếp tục đếm trên ngón tay những lời Kinh Mân Côi vì tôi muốn được chết trong khi miệng đọc kinh Kính Mừng Mẹ…
Khi các xét nghiệm đã xong, người ta đẩy tôi về phòng bệnh, đầu óc tôi vẫn tỉnh táo và lòng tôi thầm thĩ những lời nguyện xin. Ít phút trôi qua… Một bác sĩ, giọng nói vui vẻ, đến báo cho tôi biết là không có dấu hiệu nào nguy hiểm đến tính mạng cho tất cả chúng tôi, các vết thương sẽ được bình phục với thời gian… Tôi sung sướng quá, chúng tôi đã được cứu sống. Cảm tạ Chúa ! Tôi nghẹn lời trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã “cứu gỡ mạng tôi khỏi chết, và tôi sẽ lại bước đi trước mặt Người, trong miền đất dành cho kẻ sống” (TV 114, 8). Tôi cầu nguyện cho mọi người đã cứu và chữa trị cho chúng tôi tại bệnh viện Đa khoa Bình Thuận này. Đặc biệt chúng tôi được chị BTTQ, chị PT Bích, chị Thùy Anh và Hoàng Yến là chị em trong Dòng, đã từ Đàlạt đi Phanrí và đến ngay với chúng tôi khi vừa được tin. Ngoài ra, các cha, các tu sĩ và một số người thân của chị em cũng đến thăm và túc trực bên chúng tôi suốt đêm hôm ấy.
11 giờ ngày hôm sau, chúng tôi được 3 chị : Cố vấn Nụ, Quản lý Phúc và Y tá Thu Hà, từ Sàigòn ra làm thủ tục đưa chúng tôi về. Chúng tôi được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy trên 4 chiếc xe cứu thương và 1 xe 18 chỗ. Sau khi làm các xét nghiệm, chúng tôi được về điều trị tại nhà, còn lại 6 chị phải nằm lại bệnh viện chờ giải phẫu chân tay bị gãy.
Rõ ràng, cái chết có đến hay không, thì vụ tai nạn vừa qua cũng là một dấu nhấn của tình yêu thương. Không gì kinh hoàng hơn mà cũng tràn đầy tâm tình tạ ơn hơn là sau một tai nạn kinh hoàng. Không ai lý giải được hoàn cảnh quá éo le của chị em chúng tôi lúc bấy giờ. Trong khi chiếc xe của chúng tôi vừa nhẹ vừa thấp, bị hai xe trọng tải lớn húc đập từ hai phía mà chúng tôi không ai bị tử thương. Đúng là “thập tử nhất sinh”, có tới 10 lối ngõ dẫn đến cái chết và chỉ còn một con đường sống, nhưng Chúa lại mở cánh cửa con đường sống để chúng tôi bước vào. Theo nhiều người chứng kiến tận mắt thì đây quả là một phép lạ ! Vâng, lạy Chúa, “cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con” (TV 138, 7). Thiên Chúa giầu tình thương, bàn tay Ngài hướng dẫn mọi sự và Ngài có thể biến sự ác thành sự lành. Thiên Chúa không bao giờ muốn điều xấu cho con người nhưng Ngài có thể dùng những khó khăn trắc trở để chấn chỉnh mọi hoàn cảnh. Chúa cho chúng tôi nghiệm ra điều tốt lành trong sự dữ, Ngài khơi lên hạnh phúc từ những bất hạnh. Chúng tôi nhìn lại biến cố ấy như một mạc khải của Thiên Chúa về Tình Yêu vừa sâu đậm vừa bí nhiệm của Ngài. Hiểu thế nên từ đấy, chúng tôi liên tục sống tâm tình tạ ơn, chúng tôi nhắc nhở nhau về những điều kỳ diệu Chúa làm mà “suy niệm trong lòng”. 

Chị Tịnh Khiết, một trong bốn chị em được thoát nạn chia sẻ như sau :
“Tôi không hiểu tại sao trong lòng chiếc xe ấy, tôi lại được bình an. Tôi chỉ có thể hiểu được sự may mắn đó khi nhìn nó như một hồng ân được tặng ban.
Chị Thụy Miên, phụ trách cộng đoàn Lộ Đức Bảy Hiền, gẫy tay và chấn thương mặt cũng chung tâm tình tạ ơn ấy :
“Tôi chỉ biết cảm tạ Chúa, Đấng đã thử thách tôi rồi lại cứu chữa tôi. Đấng đã cho tôi đến gần cái chết như một tích tắc rồi lại cho tôi sống. Với biến cố này, tôi cảm nhận như cái chết luôn ở bên tôi và có thể đến với tôi bất cứ lúc nào. Tạ ơn Chúa đã giữ gìn tôi”.
Chị Minh Hằng, bị chấn thương nhẹ ở mắt và chân, cũng đồng cảm nghĩ :
“Sau biến cố tai nạn ngày 8 tháng 12 vừa qua, tôi càng xác tín hơn vào tình thương của Chúa dành cho Hội Dòng cũng như cho riêng tôi. Hành trình cuộc đời của chị em chúng tôi dù thế nào đi nữa thì cũng không ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Tôi nghĩ như thánh Phaolô  : “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx. 5, 18). Tôi muốn sống hết mình với Chúa và  tha nhân trong giây phút hiện tại để tôi không phải hối tiếc khi rời bỏ cuộc sống này bất cứ lúc nào”.
Chị Vũ Hồng, bị bể xương bánh chè, trong suốt thời gian nằm viện chị luôn cảm tạ Chúa. Khi vừa xuất viện về đến nhà, chị chia sẻ :
“Đúng là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho, không ai bị quá nặng đến nỗi mất mạng hay không chữa được. Hôm đó ngày lễ Đức Mẹ, chính Đức Mẹ đã ra tay phù giúp. Đức Mẹ đã ban cho chúng ta một ơn lớn lao, mỗi chị em có những thương tích nặng nhẹ khác nhau, nhưng đều vừa sức của mình”.

Được khơi nguồn từ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng tôi muốn để cho lòng biết ơn được tiếp tục dâng lên như lời ca tri ân đối với Quý cha, Quý Bề trên và toàn thể chị em trong Hội Dòng, các thân nhân và ân nhân xa gần, trong đó có các Cựu Mân Côi trong và ngoài nước. Là người đại diện chị em tiếp nhận sự giúp đỡ của những bàn tay và tấm lòng nhân ái ngay từ giây phút đầu, chị Tịnh Khiết đã bộc bạch tâm tình :
“Tôi không khỏi nghẹn lời khi nhớ lại những khuôn mặt ấy. Những khuôn mặt của tình người ấy, vượt quá lòng mong đợi… Và cho đến hôm nay, nhiều người, bằng những nghĩa cử thân thương, qua việc ân cần thăm hỏi, cùng tới lui giúp đỡ, sẵn sàng liên đới sẻ chia hay âm thầm nhớ tới trong khi nguyện cầu… Một chút lắng sâu, tôi nghe lòng áy náy, chẳng biết phải nói sao hay diễn tả thế nào để đáp trả những món quà vô giá này. Quả thực, một biến cố đau thương nhưng phủ đầy tình thương. Vì vậy, nỗi đau như được giảm nhẹ và sự thương như lại lóe lên niềm vui của tình Chúa, tình người…”

Em Thu Huyền, một khấn sinh trẻ, bị gẫy chân bên phải cũng xúc động chia sẻ :  
“ Khi không thể đi được, tôi cần đến sự giúp đỡ của người khác biết bao, cần đến chị em biết chừng nào ! Và rồi, tôi đã được hưởng sự giúp đỡ ấy vượt quá điều tôi đáng được hưởng. Thật vậy, tại bệnh viện hay ở nhà, tôi đã được nhiều người đến thăm. Là một người em nhỏ trong Dòng, tôi không cảm động sao khi được cả các chị lớn chăm sóc cho tôi ? Tôi thấy mình may mắn quá. Tạ ơn Chúa và cám ơn mọi người.
Đứng trước thử thách, mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Có thể có người coi đó như một thảm họa ; người khác coi như một cơ hội để thanh luyện. Người này tìm trong đó một bài học quý giá cho cuộc sống ; người kia thấy đó là yếu tố để thăng hoa tâm hồn. Chị Phạm Loan, phụ trách cộng đoàn Mai Khôi, bị chấn thương cột sống cổ, chia sẻ :
“Tai nạn đã xảy ra với một số chị em đại diện Dòng đi thi hành một nghĩa cử bác ái. Chúa muốn nói gì với Hội Dòng ? Chúa muốn nói gì với từng người ? Phải chăng Người đang chuẩn bị một điều gì, hay ban tặng một ơn thiêng nào đó cho chúng ta qua biến cố này?  Qua sự thương yêu chăm sóc của chị em trong Dòng, qua người thân, qua bạn bè, tôi thấy mình đã nhận được “ gấp trăm” ngay ở đời này như lời Chúa đã hứa”.
Chị Hoàng Xuân, phụ trách cộng đoàn Song Vĩnh, bị gẫy 2 chân và chấn thương mặt, trong lúc đau đớn, đã lâm râm thân thưa với Chúa bằng chính lời nguyện của Chúa Giêsu : “Xin cất chén này cho con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha.” Chị tâm sự :
“Khi tôi nghĩ đến Chúa Giêsu đau đớn trên thập giá, tôi lại thấy mình hạnh phúc vì được chia sẻ cái đau với Chúa…Tôi cảm tạ Chúa cho tôi cơ hội nên giống Chúa. Tôi thầm nhủ: khi khỏe lại, tôi sẽ phải sống hết tình hơn nữa với Chúa, với Nhà Dòng, với chị em và với mọi người”.

Chị Phạm Nhẫn, người lớn tuổi nhất trong chuyến đi, bị chấn thương mặt, xác tín hơn vào một việc đạo đức vẫn luôn thực hành trong đời sống :
“Biến cố này làm tôi xác tín hơn vào một điều tốt tôi vẫn thực hành. Đó là, mỗi khi đi đây đi đó, tôi luôn cầu xin cùng thiên thần bản mệnh gìn giữ tôi. Các Ngài sẽ đẩy lui sự dữ và tìm cách chở che tôi. Nếu có điều gì không may xảy ra, tôi tin rằng Thiên Chúa sẽ sai Thiên Thần đỡ nâng tôi và đưa tôi thoát khỏi hiểm nguy. Tôi tin Thiên Chúa chỉ muốn điều tốt cho tôi nên tôi thấy an vui trong biến cố này”.

Là người ngồi trên cùng với tài xế, chị Trí Diễm nhìn thấy chiếc xe của mình đang lao trực diện về phía xe tải chạy ngườc chiều và nắm chắc cái chết trong tay, nhưng ngay lập tức, chiếc xe lại được quẹo sang một hướng khác, chị kể lại :
“Khi thấy mình đối diện với xe tải đang phóng tới, tôi nghĩ cái chết đến với mình trong tích tắc, nhưng chiếc xe lại quẹo đầu sang bên phải rồi đụng cái rầm…Chiếc ghế của tôi bật lên và đẩy tôi đứng phắt dậy về phía trước, đầu tôi ló ra phía ngoài xe đã vỡ kính. Vài giây phút định thần, tôi thấy mình còn sống và tôi tự hỏi : Chúa muốn tôi sống để làm gì ? Chúa muốn nói gì với tôi đây ? Và từ lúc đó tôi quyết tâm sống mỗi phút giây thật tròn đầy để Chúa đến với tôi lúc nào cũng được. Tạ ơn Chúa ! ”

Chị Kiều Thu, bị thương nhẹ nơi đầu và mặt, cũng chia sẻ như sau :
          “Qua biến cố, chắc chắn mỗi chị em đều nhận được một thông điệp từ Cha Trên Trời,            để có thể đi tiếp cuộc hành trình trong niềm tin yêu và phó thác. Với tôi, câu trả lời               ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ TÌNH THƯƠNG. Vì tôi không thể giải thích gì khác hơn”. Tạ ơn               Chúa là Đấng giầu tình thương !”

Chị Thanh Trinh, bị chấn thương nhẹ ở lưng, đã nhận ra “bài học tỉnh thức” mà Chúa muốn nhắn gởi cho chị và cho mọi người :
“Biến cố 08-12-2011 cho tôi một bài học về sự tỉnh thức, một sự tỉnh thức đầy trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tràn đầy tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giàu lòng nhân hậu. Xin tạ ơn Chúa về một kinh nghiệm sống tỉnh thức Ngài đã ban cho tôi.”
Chị Tươi, bị chấn thương nhẹ, qua biến cố này, cũng nhận ra bài học Chúa muốn huấn luyện mình:
“Tôi đã học được bài học sẵn sàng và tỉnh thức một cách cụ thể. Chúa gọi bất cứ lúc nào và tôi phải thưa ngay khi được gọi. Giữa lúc sống chết bất phân ranh giới, tôi chỉ còn thấy sự diệu kỳ của bàn tay Thiên Chúa quan phòng. Thấy chị em bị đau đớn, tôi rất muốn được gánh lấy phần nào những đau đớn của chị em”.
Chị Bích Hợp, không bị một vết trầy xước nào, bản tính thường ngày nhút nhát nhưng hôm đó thật dũng cảm :
“Lúc đó tôi quên hết sợ hãi, chỉ thấy thương các chị và lăn xả vào mọi việc cần thiết để giúp các chị. Một mình tôi trở lại cái xe tối om ấy để lấy ra các túi xách cho các chị. Tôi đã học được bài học vượt khó để lo cho người khác chứ không nghĩ gì đến mình nữa. Tôi không được nếm cái đau như các chị. Có lẽ Chúa thấy tôi chưa đủ sức chịu đựng nên đã cho tôi cảm giác bay bổng trong xe khi xảy ra sự cố”.
Nếu nhìn tất cả trong viễn tượng của tình yêu, tôi sẽ thấy mọi sự có ý nghĩa và mang nét đáng yêu của nó. Không có cái gì mới mà chẳng qua một cơn đau. Biến cố nào cũng mang một giá trị mặc khải. Chị Thanh Thủy, phụ trách cộng đoàn Mẫu Tâm, người cao lớn và khỏe mạnh, giờ đây bị giới hạn đến từng bước đi, nằm bất động với đôi chân bị gẫy ba khúc, rất đau đớn đã nghẹn ngào tâm sự :
Thật bất ngờ, thật đau đớn và thật khó hiểu trước thử thách to lớn này. Trong đau đớn, tôi vẫn cố gắng cầu nguyện và tin rằng mọi người cũng đang cầu nguyện cho tôi được vui lòng xin vâng Ý Chúa và nhận ra điều Chúa đang muốn nơi tôi và muốn cho tôi.”

Thiên Chúa ban cho con người đủ sức để sống với mọi hoàn cảnh. Do đó mỗi khi gặp thử thách bất thường, Chúa lại ban cho những ơn nâng đỡ khác thường. Chị Nguyễn Soi, bị thương mặt và chân đã cảm nghiệm được điều ấy :
“Tai nạn khủng khiếp và bất ngờ quá, mất mát nhiều thứ, nhưng Chúa lại ban tình thương và bù đắp lại bằng những ơn lành khác. Tôi tạ ơn Chúa, cám ơn chị em, cám ơn mọi người đã hiệp thông chia sẻ với chúng tôi”.
Suy đi gẫm lại, tôi càng thấy rõ bàn tay Thiên Chúa đã an bài mọi việc mà con người không hề hay biết. Người làm mọi việc khác với điều chúng ta suy nghĩ và chăm sóc chúng ta bằng cách chúng ta chẳng nhận ra. 

Chị Hồng Thúy, phụ trách cộng đoàn Phước lộc, bị gẫy tay trái, bị thương chân và xuất huyết nhẹ bán cầu não trái, đã cảm nhận rằng :
“Trong cơn bấn loạn, tôi vẫn được bình tĩnh để nhận ra sự quan phòng của Chúa trên đoàn con cái và để lo cho chị em tôi về đến bệnh viện cấp cứu. Một tai nạn khủng khiếp nhưng Chúa vẫn có cách để giữ lại mạng sống chúng tôi. “Tạ ơn Chúa đã dựng nên chúng con cách lạ lùng (TV 139, 14) và cứu chúng con còn lạ lùng hơn nữa” (Thánh Augutinh). Cảm tạ Chúa vô cùng đã đong đầy chúng tôi bằng tình thương của Chúa”. Cám ơn Hội Dòng và những người thân quen đã hết tình chăm sóc chúng tôi”.
Chị Nguyệt Hằng, ngồi phía đầu xe, chỉ va chạm nhẹ vì cảm nhận như có bàn tay Chúa bảo vệ mình :
“Theo sự thường thì chỗ tôi ngồi không thể không bị va đập mạnh, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như có người bảo vệ mình, tôi nhìn rõ mọi chuyện xảy ra nhưng tôi vẫn ngồi yên trên ghế. Có lẽ Chúa muốn dành ra mấy chị em khỏe mạnh để giúp đỡ nhau”.
Giữa lúc “tính mạng ngàn cân treo sợi tóc” thì chỉ còn một cách là “Chúa sẽ ra tay”, bởi vì “Chúa biết rõ chúng tôi cần gì trước khi chúng tôi cầu xin Người” (Mt 6,8). Sau khi gặp tai nạn, chị Vũ Phước có khuôn mặt má to má bé, đã chia sẻ như sau :
“Ngay trong khoảnh khắc “sinh tử dài bằng tích tắc” ấy, tôi cảm nghiệm sâu sắc bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên sinh mạng con người : “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (TV 30, 4). Hơn bao giờ hết, tôi ý thức sâu sắc về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người. Không ai biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vài giây sắp tới ngoài Thiên Chúa”.

Đôi khi Thiên Chúa cũng thúc giục ai đó làm một điều gì nhằm ích lợi về sau, nhưng thường lúc đó họ không hay biết. Sau này khi có chuyện xảy ra, họ mới thấy mình đã có linh tính trước. Chị Trịnh Sinh, y tá, được “bình an vô sự” trước khi lên xe, lấy mang theo một bịch bông cứu thương, chị nói:
“Một cách tự nhiên và không suy nghĩ, khi ra xe, tôi ghé tủ thuốc lấy bịch bông cứu thương mang theo. Khi chuyện xảy ra, tôi mới thấy Chúa đã an bài cho hành động của tôi. Khi chị em bị thương, tôi có bịch bông ấy để rịt các vết thương, rất hiệu quả, chị em không bị mất nhiều máu. Lúc đó, tôi bình tĩnh một cách khác thường để có thể lo cho chị em. Tạ ơn Chúa, ơn này làm sao đền đáp ?”
Thật ra, biến cố nào cũng chuyển tải những giá trị và ý nghĩa của nó. Biến cố không đến rồi qua đi như một may rủi, cũng không phải chỉ tác động đến những người trong cuộc, nhưng là một bài học quý giá cho mọi người. Thiên Chúa có nhiều cách thể hiện ý muốn của Ngài. Một biến cố không mong đợi vẫn là những ngôn từ Chúa dùng để nói cho con người về tình yêu của Ngài cách cụ thể và chân thực.
Cho tới hôm nay, sau 2 tuần chúng tôi được điều trị khẩn cấp và chu đáo, phần đông chúng tôi đã có thể tiếp tục các sinh hoạt chung của cộng đoàn. 6 chị bị thương nặng còn cần một thời gian nào đó để hồi phục: ba tháng, sáu tháng hay một năm… tùy vào thể trạng mỗi người. Đối với chúng tôi, thời gian dài ngắn không còn quan trọng nữa, nhưng điều quan trọng hơn cả là một kinh nghiệm sống : kinh nghiệm về chỗ đứng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm về thân phận con người trong cuộc đời này. Kinh nghiệm về thái độ sống trước một biến cố vui hay buồn, về việc cho đi và đón nhận trong tình liên đới với tha nhân… Và còn rất nhiều bài học khác, bài học chung cho mọi người, bài học riêng của từng người. Tất cả đều giúp chúng tôi làm sao sống hết mình với cái thời của mình để khi cái kết cục đến, thành quả của mọi cố gắng sẽ là cửa ngõ dẫn về bến Thiên đàng.
Như mặt trời làm tươi nở những cánh hoa mà đêm đen đã khép lại, tình yêu Thiên Chúa luôn khơi động niềm vui, vực dậy lòng người sau những vất vả nhọc nhằn. Thiên Chúa có nhiều cách diễn tả tình yêu của Ngài. Ngài đang dùng những cánh tay nối dài của Ngài là Quý cha, các tu sĩ, toàn thể chị em trong Hội Dòng, cách riêng các chị y tá, thân nhân, bạn hữu xa gần để yêu thương chúng tôi bằng một sự dịu dàng và thân tình vượt quá điều chúng tôi mơ ước hay cảm nghĩ.  Chúng tôi không dám xin Chúa cho khó khăn xảy đến, nhưng khi nó đến rồi, chúng tôi lại thấy đó như một hồng ân. Vì vậy, điều chúng tôi muốn diễn tả trước Thiên Chúa và mọi người sau khi nhìn lại biến cố tai nạn vừa qua là sống tâm tình của Thánh Phaolô : “Mỗi ngày tôi cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho mọi người” (Phil 1, 4)
Ghi lại ngày 22-12-2011
Tại Chí Hòa

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Cuộc gặp gỡ cảm động nhất


Thứ Ba, Ngày 20 tháng 01 năm 2015
Giây phút cảm động nhất cuộc Tông Du của Đức Thánh Cha. Một bé gái đã hỏi ngài :  
''Tại sao Chuá lại để xảy ra như vậy ?''
Trần Mạnh Trác 18/01/2015



“Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?" là câu hỏi trong nước mắt cuả bé gái 12 tuổi Glyzelle Iris Palomar đặt ra cho Đức Giáo Hoàng.

Em cùng với một bé trai 14 tuổi tên là Jun Chura là đại diện cho những trẻ bụi đời đang được viện 'Tulayng Kabataan' nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố cuả xã hội lên ĐTC, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Santo Tomas.


Sau khi kể hoàn cảnh cuả mình là một bé gái bị bỏ rơi và bị vất ra ngoài lề cuả xã hội. Trong cuộc sống bụi đời ấy em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm, em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn và nhìn lên ĐTC, em đặt câu hỏi:

“Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?” ("Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?")

"Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?"


Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.


Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin?” ("và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?") 
Người ta đã phải dỗ em trước khi đưa em lên bắt tay ĐTC. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.

Hình ảnh một vị Giáo Hoàng cũng rưng rưng nước mắt và em Palomar chôn mặt mình vào lòng cuả Ngài đã lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất cuả cuộc Tông Du.


Trong bài giảng, để đáp lời em Palomar, ĐTC đã dùng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, là một việc Ngài làm khi cần bày tỏ những tâm tình cá nhân, Ngài nói:


"Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt."


"Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?" Ngài đặt lại câu hỏi.


"Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được", Ngài nói.


Và ĐTC kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc.


"Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?"


"Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con: Hãy học để khóc...hãy học, học thực sự để mà khóc, khóc cách nào."


Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã khóc.


ĐTC nhấn mạnh đến cách mà Chúa Giêsu đã phục vụ cho người dân của mình. Ngài đã không sử dụng lòng từ bi của thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những cuả cải vật chất. Nhưng, Đức Thánh Cha nói, Chúa Kitô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và để thông cảm với người dân của mình.


"Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc," Đức Thánh Cha nói. "Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăm sóc. "

Chỉ khi nào chúng ta học cách khóc với những ai đang đau khổ là chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu họ và yêu thương họ, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.


"Nếu các con không biết làm thế nào để khóc, các con không thể là người Kitô hữu tốt", Ngài nhấn mạnh.



"Chúng ta hãy học cách khóc, như Glyzelle đã làm gương cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đừng quên bài học này.

(chị Mary Phạm gởi CMC)

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Hành Trang Cuộc Đời: Hư Vô

Một người hấp-hối chết, nhìn thấy Chúa ưu-ái trao cho chiếc va-li. 


Chúa nói : Đến giờ con ra đi rồi !
Ngạc- nhiên người này hỏi : Bây giờ sao ?  Sớm quá, con còn nhiều việc chưa làm !
Chúa nói : Rất tiếc vì tới giờ con ra đi thôi !
Người này hỏi : Có gì trong va-li hở Chúa ?
Chúa đáp : Hành trang của con đó .
Sở hữu của con, y phục, tiền-bạc ?
Chúa đáp : Các vật đó không phải của con, chúng thuôc về trái đất !
Vậy có phải ký ức của con ?
Chúa đáp : Không phải của con, của thời gian !
Phải chăng tài năng của con ?
Chúa nói : Không phải của con, của hoàn cảnh
Có phải bạn bè hay gia đình con ?
Chúa nói : Rất tiếc cũng không phải của con, chỉ là tiến trình cuộc đời

Phải chăng  vợ con của con ?
Chúa nói: Không phải của con, mà là tâm-tư con
Có phải là thân xác của con ?
Chúa nói : Cũng không phải của con, nó là cát bụi !
Phải chăng tâm linh con ?
Chúa nói : Không, của ta !

Phập phồng người chết nhận chiếc va-li Chúa trao,
Liền mở ra xem, bên trong không có gì cả, trống rỗng !
Bàng hoàng người chết nói không  có cái gì là cúa tôi cả !
Chúa nói : Đúng thế, tất cả thời gian con sống là của riêng con 


Đời sống là thời gian đó của riêng mình !


Bởi thế, nên tận hưởng thời gian đó, khi mình có !
Đừng để những gì mình có qua đi
Sống đi, vui sống đời mình
Đừng bỏ qua nguồn vui khi có, vì chính đó là sở hữu của mình !

Tất cả mọi thứ mình có hiện tại là của riêng mình, 
và bạn không thể mang theo được gì cả khi ra đi !!!


Nếu Biết Thế!

Nếu biết thế xin đừng ham cố
Bởi không ai mang được xuống mồ
Một mai khi về cõi hư vô
Của trần gian dù là vô số

Nếu biết thế màng chi danh lợi
Lợi danh như bọt biển phù vân
Có gì tồn tại mãi cõi trần
Mà mê muội dốc lòng đeo đuổi

Nếu biết thế xin dừng nghiệp chướng
Hãy biết đủ làm kẻ thiện lương
Nếu dư hãy đầu tư thiên đường
Để  một mai còn được an hưởng

(Chị Mary Phạm gởi CMC) 

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Ăn ớt không ?

Hồi ở Phước Lộc, sáng nào cũng vậy, bữa cơm nạp năng lượng ra đồng làm việc chỉ vỏn vẹn thức ăn là một dĩa muối mè và một dĩa rau luộc. Hôm nay rau muống luộc, ngày mai rau dền luộc, mốt thì bầu luộc, rồi bí luộc v.v... toàn luộc và luộc...
Tôi dân thành phố, kén ăn nên từ đó về sau tôi bị ám ảnh bởi món luộc và muối mè.

Có một lần tôi về thăm các chị.
Bữa cơm quê nghèo đạm bạc, cũng chỉ có một dĩa rau luộc và món mặn là chuối xanh om mỡ thì phải. Hôm đó, ngồi ăn chung với các chị, rất vui.
Chị Nụ hỏi tôi :
- Thúy Nga ăn ớt không ?
Tôi không trả lời mà hỏi ngược lại :
- Chị Nụ biết ăn ớt không ?
Chị Nụ hơi chần chừ một giây :
- Biết, nhưng chút chút thôi. Mà em có biết ăn ớt không ?
- Em cũng biết ăn chút chút thôi.
- Vậy thì chị dầm ớt nha !
- Vâng, chị dầm ớt đi, có chút ớt cũng ngon.

Bữa ăn chấm dứt mà chén nước mắm có ớt vẫn còn nguyên.
Chị Nụ bảo tôi :
- Sao Thúy Nga nói biết ăn ớt ?
- Dạ, em đâu có biết ăn, nhưng em nghĩ chị biết ăn nên mới nói thế.
- Chị cũng đâu có biết ăn ớt, nhưng nghĩ em thích ăn nên chị nói vậy để em ăn, ai dè em cũng giống chị.
Vâng, chúng tôi đã luôn nghĩ cho nhau từ những điều nhỏ nhất nên chuyện tưởng chừng đơn giản lại vô tình trở nên phức tạp.

Bây giờ thì trái lại, tôi ăn ớt rất tốt.
Bữa ăn nào không có ớt, nó sẽ giảm đi mấy chục phần trăm ngon miệng.
Trái ớt : nhỏ nhỏ, xinh xinh, cay cay, gắn với một kỷ niệm dễ thương trong đời...

(Một chút nhớ ngày xưa không dành tăng chị Nụ.
Chị làm lớn chắc quên mất những chuyện vụn vặt thế này rồi.
Nhưng em tặng chị PK...)

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Đức Giáo Hoàng yêu cầu

ĐỨC GIÁO HOÀNG YÊU CẦU

    Đừng khóc cho những gì bạn đã mất , hãy chiến đấu cho những gì bạn có .
    Đừng khóc cho những gì đã chết, hãy chiến đấu cho những gì được sinh ra trong bạn .
    Đừng khóc cho những người đã bỏ rơi bạn , hãy chiến đấu cho những người sống với bạn.
    Đừng khóc cho những người ghét bạn, hãy chiến đấu cho những người cần bạn .
   Đừng khóc cho quá khứ của bạn , hãy chiến đấu cho cuộc đấu tranh hiện tại của bạn .
   Đừng khóc cho đau khổ của bạn , hãy chiến đấu vì hạnh phúc của bạn.

Với những điều đang xảy ra với chúng ta, chúng ta bắt đầu hiểu rằng không có gì là không thể giải quyết được, chỉ cần tiên tới về phía trước.

    Đức Thánh Cha yêu cầu về kinh nguyện xin Chúa bảo vệ ngài và ban cho ngài sức mạnh để ‘hoàn thành’ trước nhiệm vụ khó khăn này .... Ước gì được như vậy !
    Mục tiêu của chúng ta là đạt được mười triệu kinh Kính Mừng cho Đức Giáo Hoàng Francis .


Chiến dịch này bắt đầu ngày hôm nay. 
Xin gửi thông điệp này đến tất cả bạn bè Công giáo hoặc thậm chí cho những người thích ngài.
Chúng tôi cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.
Xin Mẹ trên trời cầu bầu cho Ngài và bảo vệ Ngài trong sứ vụ của mình :


    Kính mừng Maria đầy ơn phúc . Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử . Amen.

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Chị Dung

Khi còn làm việc với nhau thì chị là sếp.
Vài năm sau thì cả tôi và chị cùng nghỉ hưu.
Chị và tôi cùng tuổi, chị sinh đầu năm, tôi cuối năm. Nên khi nghỉ hưu thì chị nghỉ trước tôi mấy tháng. Tôi thường hay nói đùa : tuổi tôi ai cũng làm lớn, làm sếp, duy chỉ mình tôi làm lính. Cũng có chức danh kế toán trưởng mà có mỗi mình ên, nên sếp cũng mình, lính cũng mình. Nghĩ cũng thấy vui vui, hài hài !

Nhà chị ở gần nhà tôi, nên hai chị em có dịp gặp nhau. 
Có chút gì ngon chị nhớ đến tôi, có chút gì biết chị thích tôi lại đem qua tặng chị.
Nhẹ nhàng thôi, đơn giản thôi, nhưng ẩn sâu trong đó một chữ tình.
Khi công danh, sự nghiệp, công việc ta trả lại cho đời thì chỉ còn lại niềm vui của bạn già.
Ai đó đã nói : 
Tất cả đều hư ảo, duy chỉ một điều muôn đời bền vững, 
đó là TÌNH THƯƠNG CHÂN THÀNH.
Chị Dung thân mến !
Chị em mình giờ ở nhà, nên quà sinh nhật gởi đến chị chỉ là lời chúc :
sức khỏe, bình an, con cái ngoan ngoãn, thành đạt. Chị nhé !

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Báu vật cuối cùng

Ngày 10 tháng 3 năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém vì tội rao giảng Phúc Âm. 


Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho họ một kỷ niệm và một bảo đảm đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cỗ tràng hạt... Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow.

Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định rời bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.
Những mẩu chuyện trên đây không phải là ít trong lịch sử Giáo Hội. Việc sám hối luôn gắn liền với kinh Mân Côi. Ðó là mệnh lệnh mà Mẹ Maria đã ban bố tại Fatima năm 1917: "Hãy năng lần hạt Mân Côi".

Thánh Grêgoriô thành Nysse thường dùng thí dụ sau đây để nói về ảnh hưởng của kinh Mân Côi trong đời sống Kitô của chúng ta: "Mỗi người chúng ta được ví như một họa sĩ, linh hồn chúng ta là một khung vải còn nguyên vẹn, màu sắc được dùng là các nhân đức Kitô giáo, hình ảnh phải họa theo là chính Chúa Giêsu Kitô, hình ảnh sống động của Chúa Cha.Họa sĩ nào càng muốn hình ảnh họa lại được giống hình mẫu, càng phải năng ngắm nhìn mẫu khi đặt bút vẽ".

Mẹ Maria là mẫu gương của đời sống Kitô. Qua kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhờ ôn đi, đọc lại nhiều lần, các biến cố đó sẽ thấm nhập tâm hồn chúng ta để dần dần biến chúng ta theo khuôn mẫu của các Ngài.

Kinh Mân Côi không những là hình thức đạo đức có tính cách cá nhân, nhưng còn là chất keo nối kết mọi người trong gia đình lại với nhau. Còn hình ảnh nào được ghi đậm trong tâm khảm chúng ta cho bằng những giờ kinh Mân Côi đọc chung trong gia đình... Gần đây, người ta phát động việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình với khẩu hiệu: "Một gia đình cầu nguyện chung với nhau là một gia đình đứng vững".

"Nơi nào có hai hay ba người ngồi lại với nhau vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ". Mà nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó cũng sẽ có Tình Yêu. Vì Tình Yêu là chất men liên kết mọi người trong gia đình lại với nhau.

Việc cầu nguyện trong gia đình, nhất là với kinh Mân Côi, là yếu tố bảo đảm sự bền vững của hôn nhân và khơi dậy ơn gọi trong gia đình.
Trong tông huấn về việc tôn kính Mẹ Maria, Ðức Phaolô VI đã nhắn nhủchúng ta như sau: "Những điều kiện sinh sống đổi thay của ngày nay khiến việc hội họp gia đình không được dễ dàng và dù khi sum họp được thì nhiều hoàn cảnh lại làm cho cuộc họp mặt khó biến thành một dịp nguyện cầu. Các gia đình muốn sống trọn vẹn ơn gọi và tinh thần của gia đình Công Giáo phải tận lực lướt thắng những áp lực cản trở gia đình không thể hội họp và cầu nguyện chung".

Tinh thần đạo đức của các phần tử trong gia đình được thể hiện và tăng triển trong những giờ cầu nguyện chung, gồm cả việc đọc kinh hay đọc sách Thánh, chia sẻ lời Chúa, nhưng thuận lợi hơn cả đối với các gia đình Việt Nam đó là việc đọc kinh Mân Côi. Cũng chính Ðức Cố Giáo Hoàng VI khuyên nhủ chúng ta: "Sau việc đọc kinh Nhật Tụng thì việc đọc kinh Mân Côi được coi như một trong những kinh cầu nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích đọc".

(Chị Mary Phạm gởi CMCVN)



Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Leng keng !

Khoảng thời gian trước em rất hay đứng dưới giàn bông giấy trước nhà tôi. Chỉ cần nghe tiếng chuông leng keng là tôi nhận ra em. Dáng cao gầy, khuôn mặt khắc khổ nhưng nhìn hiền lành. Những ngày ấy đang chuẩn bị vào mùa thi. Em kể con gái em mới ở quê vào, cháu sắp thi đại học, phòng trọ nơi em ở lại chật thêm chút nữa rồi, nhưng tình thương gia đình thì đong đầy hơn.
- Cháu học giỏi lắm chị ! Năm nào cũng có giấy khen. Vợ chồng em buôn bán cực khổ mấy cũng vui.
- Vậy hả ? chị mừng cho em, cháu thi khối nào vậy ?
- Dạ, khối D chị à !
- Chắc là cháu giỏi Anh văn nên mới tự tin thi khối này, nói cháu ráng làm bài để thi đậu nha em !
- Dạ ! em cám ơn chị.
Em vừa nói vừa cười, ánh mắt rạng rỡ khi nói về con.
Tôi gởi em  chút quà nhỏ cho con gái với hi vọng cháu có niềm vui ấm áp khi đặt chân lên thành phố này, với niềm vui đó, biết đâu...!

Thi xong...
- Cháu làm bài được không em ?
- Dạ ! không được tốt lắm.
- Không sao đâu, em đừng buồn, thi đại học khó nhưng cháu học giỏi thế, chắc là vào cao đẳng dễ thôi, em nói cháu đừng buồn, cứ hi vọng lên nghen !
- Dạ ! em cám ơn chị.

Hổm rày không thấy em đứng nghỉ chân dưới giàn bông giấy, tiếng chuông leng keng đi qua hình như vội hơn mọi lần. Con em có kết quả chưa ? tôi sốt ruột muốn hỏi mà chẳng gặp em.  Cuối cùng thì cũng có câu trả lời. Em cho biết con rớt cả đại học và cao đẳng, buồn quá chị ơi !
Tôi nói với em những lời an ủi, dẫu thừa vẫn hơn không.
- Có tính gì sắp tới cho cháu không em ?
- Dạ, cháu chơi vài ngày rồi về quê, vừa làm vừa ôn bài, sang năm thi tiếp, chị ạ ! 
- Ừ ! nói con gái đừng buồn, cố gắng lên nha em !
- Dạ ! em cám ơn chị.
Em cười, nhưng nụ cười buồn quá.

Tôi nhớ ra mình có hai bộ quần áo rất mới, bà sui của má tôi cho nhưng vì kiểu dáng và màu sắc tươi trẻ, không hợp với tuổi của mình nên tôi cất mãi. Bây giờ có người mặc dùm tôi rồi.
Con gái ơi, đại học là con đường ngắn nhất nhưng không phải là cánh cửa duy nhất để bước vào tương lai. Con đừng buồn, cô mong sẽ gặp lại con nơi thành phố này trong thời gian tới, con nhé !

Gần tết rồi !
Em sẽ vội vàng về quê thăm con gái, rồi lại vội vàng lên thành phố.
Em nói : ở không xài tiền nhiều lắm chị !
Chắc phải có một chút quà gì đó cho con gái người ta chứ nhỉ ?
Qua một học kỳ trong năm học rồi, càng gần đến ngày thi lần thứ hai.
Cố gắng, thực hiện, chờ đợi và hi vọng
Thương làm sao những tiếng leng keng ...leng keng...
(Viết tặng người không đọc)

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Be


Phúc thay ai biết xót thương người,
 vì chính mình sẽ được xót thương.
Mt 5, 1- 12

Tình yêu bắt nguồn từ ngôi nhà chúng ta, 
và không quan trọng chúng ta làm nhiều bao nhiêu…
 quan trọng là chúng ta đặt bao nhiêu tình yêu vào hành động đó. 
MẹTeresa

Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí.


Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: 
họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều.

Chị mong ước em là con chiên nhỏ

Để Chúa ẵm trên tay...

(Tặng Be "mèo" - Một trái tim không nhỏ
Sinh nhật em 03/01/2015 )

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Lời nguyện đầu năm

Lạy Chúa
365 ngày vụt qua nhanh, ngày đầu năm mới đó mà hôm nay đã cuối năm rồi.
Tờ lịch sang trang mới. 
Cuộc sống của con còn bao nhiêu tờ lịch sang trang nữa ?
Con không biết. 
Ngày mai là của Chúa.


365 ngày cũng có chút sóng gió trong công việc, trong sức khỏe, 
nhưng Chúa đã dẫn chúng con trong bình an. 
Con kính dâng lên Chúa lời tạ ơn chân thành với tất cả tâm tình biết ơn.


Qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, 
Con kính dâng lên Chúa những dự tính, những ước mơ về một năm mới.
Xin Chúa là nguồn bình an, thương chúc phúc cho gia đình con, 
những người thân yêu của con, bạn bè con.


Xin Chúa thương chúc phúc cho những người chung quanh con : 
những người đang ưu tư tìm kiếm công việc làm ăn, 
những người vất vả sớm hôm mà vẫn sống trong cảnh nghèo khổ, 
những người lang thang cơ nhỡ, 
những người cô đơn, bệnh hoạn, đói khát, tật nguyền, khổ đau cùng cực, 
những người đang phải sống trong vùng chiến tranh với biết bao lo sợ, tiếng súng thay cho tiếng cầu kinh.

Xin trải dài trên suốt cuộc đời của mỗi người chúng con 
tình thương vô biên của Lòng Thương xót Chúa : 
để chúng con luôn có tấm lòng mở rộng, chia sẻ với nhau từ vật chất đến tinh thần, 
để lời nguyện cầu của chúng con luôn được Chúa chấp nhận.