Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Lời tạ ơn con dâng lên Chúa

Chúa nhật thứ hai Phục sinh : 
Đại lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Mẹ nhặt được trên fb của con những dòng như thế này :

1. Về tới nhà tự nhiên thấy hạnh phúc quá, mẹ nằm ngủ chèo queo, nhào lại ôm cho đã.
Rồi đang ngồi măm măm, suy nghĩ lại vài điều rút ra được từ lần này.
Tự nhiên hông muốn ngủ...
2. Đúng hẹn ghê mẹ nhỉ… chắc là cứ mỗi 4-5 tháng gì đó… vết thương đó của con lại tái phát kèm với những cơn đau thấu trời và kết quả là tấm drap bọc nệm bị cào cấu rách bươm cả lên…
Mẹ ơi, con chẳng muốn đau thế đâu… đau làm chi để mẹ phải tay thì chườm nước nóng còn miệng thì cứ hết đọc kinh cầu nguyện lại đến “ước gì mẹ chịu đau thay được cho con…”
Hay… đó là 1 lời nhắc nhở từ Chúa rằng… con còn thiếu sót rất nhiều trong bổn phận làm con của mình… Bởi vì chỉ trong những lúc như vậy, con mới thôi ko suy nghĩ về những thứ công việc ở ngoài đường nữa, và tưởng tượng về 1 ngày không có mẹ bên cạnh…
Nếu cứ tiếp tục như vậy, khi không còn mẹ bên cạnh, con biết con vẫn sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ của 2 mẹ con mình… nhưng có lẽ khi đó hối hận vì chăm sóc mẹ chưa đủ thì đã muộn…
Con nên cân bằng đúng hông… vì ước mơ đó cũng là của mẹ truyền cảm hứng cho con mà…
Vết thương này ko ảnh hưởng gì sức khỏe cả, chỉ là mỗi lần tái phát thì đau vài tiếng vậy thôi. Con sẽ cố gắng sử dụng thời gian của mình tốt hơn… để lần đau tới… con sẽ không còn cái cảm giác của ngày hôm nay nữa…
Con yêu mẹ…
“thằng chó Quang” của mẹ!

Tâm tình này con viết cách nay cũng gần bốn năm rồi.
Lúc đó con đau hoài, cơn đau đầu tiên xuất hiện thật là khủng khiếp, chỉ hai tuần mà con đã phải vào cấp cứu ba lần, ở ba bệnh viện khác nhau.  Sau những lần như vậy, gia đình mình có thêm một bác sĩ đó con : đó là Lòng Thương Xót Chúa. Từ đó đến nay, cứ con đau là mẹ chườm nóng, miệng lâm râm đọc lời kinh : "Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, 
xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới"
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, không phải một lần mà nhiều lần. Lần cấp cứu ở bệnh viện Pháp Việt là lần cuối cùng.
Con học võ, con chạy bộ, con tập khí công. Việc thường xuyên luyện tập cơ thể làm con khỏe lên rất nhiều, mẹ mừng vì con biết quí trọng và giữ gìn sức khỏe của mình. Không ỷ lại vào Chúa, phải cố gắng hết sức trong khả năng của mình, và Chúa chẳng bỏ rơi con. Con đã khỏe hoàn toàn từ lúc nào không biết. 
Lạy Chúa con ! Lạy Thiên Chúa của con ! Con cảm ơn Chúa vô cùng. Chúa ơi !

"...Vì ngoài Lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hi vọng nào.
Con xin đặt vào Chúa niềm tín thác của mỗi chúng con..."





"Tiểu hòa thương" của mẹ mặc áo xanh, ngồi ở giữa.
(Lần con đi kể chuyện cổ tích Việt Nam tại Thái Lan với các nước)

Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Nhật ký tuần thánh

Khi nghỉ hưu tôi có thời gian đi lễ hằng ngày vào mỗi buổi chiều.
Cả tuần lễ mà sao chỉ thấy hai người ngồi giữ xe miết. Tôi buột miệng hỏi mới biết tổ giữ xe có người nghỉ, chưa tìm được ai thay nên anh chị phải làm. Tôi nói nếu không chê tôi ốm yếu thì tôi xin giữ xe phụ với mọi người.
Tôi trở thành người giữ xe bất đắc dĩ từ sau buổi chiều hôm ấy.
Nhận công việc rồi mới thấy chán, người giữ xe chung với mình thật là khó tánh, không chỉ dẫn nhưng lúc nào cũng sẵn sàng để quạu, có khi tôi bị rầy, có khi bị nạt chuyện chẳng đáng. May mắn là tôi đã xác định rõ mục đích công việc nên với thời gian mọi sự cũng trở thành nhẹ nhàng hơn.
Mỗi tuần tôi giữ xe hai buổi : chiều chúa nhật và chiều thứ hai.
Chiều chúa nhật là thánh lễ có số người tham dự nhiều nhất. Vì vậy công việc giữ xe cũng cực hơn nhiều lần so với ngày bình thường. Nhưng chồng và con trai tôi luôn có mặt đầu giờ và cuối giờ để giúp tôi hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Thằng nhóc Lê nghe lời tôi cũng tham gia giữ xe cho nhà thờ.

Tuần thánh năm nay hầu như ngày nào tôi cũng có mặt ở bãi xe.

1. Thánh lễ tiệc ly vào chiều thứ năm từ 18gi - 20gi : tôi và Lê.
Hồng tình nguyện ra phụ vì thánh lễ chiều nay rất đông, chỉ có hai người thì không xuể.
Người giữ chính phải có mặt trước một giờ để dọn dẹp vệ sinh và giữ xe cho những người đến sớm.
Sau lễ mọi người còn la cà nói chuyện, gặp gỡ thành thử phải đợi ít nhất từ nửa giờ cho đến một giờ đồng hồ nữa.
Bỗng xuất hiện một thằng ngáo đá xông vào bãi xe, nó xục xạo tìm tòi cái ví tiền của nó, nó đâu có bình thường làm cả tổ giữ xe không biết phản ứng cách nào. May lúc đó cũng vừa hết giờ lễ, thấy mọi người túa ra đông nên nó bỏ đi. Anh Tám tổ trưởng dân phòng cho chúng tôi điện thoại và dặn có chuyện gì thì gọi cho anh, tổ dân phòng ở gần đó.
Sau thánh lễ có chầu Thánh Thể đến 12 giờ đêm.
Bảo con trai đi chầu với mẹ, con trả lời bận không đi được, con sẽ đọc kinh một mình.
Tôi nói hôm nay thì khác, con không đi mẹ giận.
Con trả lời bằng lòng đi nhưng chắc chỉ có cái xác của nó thôi, vì nó không sẵn sàng..
Tôi chấp nhận, miễn sao con chịu đến nhà thờ. Ở đó, nó sẽ cảm nhận được điều Chúa sẽ nói với nó. .
Mà đúng là như vậy thật.
Các diễn viên nghiệp dư trong ngôi nhà thờ nhỏ

2. Thứ sáu, thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó Chúa : tôi và Lê tiếp tục giữ xe.
Hôm nay Lê giữ dùm cho giáo họ, tôi giữ dùm cho Thanh vì cô ấy lo nhiều chuyện phụ với cha.
Vì phụ nên tôi có thể tham dự thánh lễ và chạy ra chạy vào để xem diễn nguyện dù không trọn vẹn.
Thánh lễ sốt sắng, buỗi diễn nguyện tiến trình từ đêm tiệc ly đến con đường khổ nạn và táng xác Chúa. Các diễn viên nghiệp dư diễn với tất cả tâm tình nên rất nhiều cảm xúc, đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Nhất là em đóng vai Chúa Giêsu quá đạt, nửa giờ được treo trên thánh giá, điểm tựa chỉ có nửa bàn chân và không nhúc nhích. Một vai diễn tuyệt vời.
Chồng tôi cũng tham gia một vai trong 12 môn đệ. Nhìn anh tôi thấy vui vui.
Nhờ vai diễn này, anh đã hiểu rõ hơn, sống tâm tình hơn.

3. Ba giờ chiều thứ bảy con trai theo mẹ viếng xác và hôn chân Chúa, ngắm đàng thánh giá và lần chuỗi Lòng Thương Xót, con rất dễ thương chứ không như hôm thứ năm tuần thánh.
Nhà thờ nhỏ, ít người chầu nên giữ xe sát hông nhà thờ và không đeo thẻ xe.
Hậu quả, bị mất một chiếc xe đạp. Kẻ gian trà trộn vào người đi viếng Chúa, bãi xe đã bắt đầu bị để ý. May mà chỉ mất xe đạp. Cha bảo trích quĩ đền. Ca giữ xe hôm đó là hai vị có thâm niên giữ xe gần mười năm. Cũng may cho tôi.

4. Đêm thứ bảy thánh lễ vọng Phục sinh bắt đầu từ 21giờ : tôi và Lê lại có mặt ở bãi xe tiếp.
Có mặt ở bãi xe một giờ trước thánh lễ mà hình như cũng hơi bị trễ. Mọi người đến sớm quá.
Chồng và con trai thay nhau cùng với tôi giữ xe suốt giờ lễ vì sợ gặp thằng ngáo đá như hôm thứ năm vừa rồi.
Về đến nhà gần 24 giờ đêm,
Con trai phụ mẹ kiểm tra thẻ xe để sáng mai Chúa nhật có thẻ cho thánh lễ.
Gần 1giờ sáng tôi mới thiếp đi vì mệt.

5. Đồng hồ báo thức lúc 5giờ30 sáng chúa nhật, tôi bật dậy để ra giữ xe nữa.
Hôm nay bạn tôi bận công việc nên đề nghị đổi ca với tôi. Tôi nhận lời dù rất mệt.

Vậy là tuần thánh năm nay tôi miệt mài với công việc nhỏ bé, tuy thầm lặng nhưng không kém phần căng thẳng. Mỗi lần xong ca mà yên ổn là thoải mái, là vui rồi.

Mệt. Nhưng có lẽ trong 60 năm trần thế, đây là tuần thánh đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy mình có được một tâm tình trọn vẹn nhất.
Con cám ơn thời gian khuyến mãi và ân huệ mà Chúa dành tặng cho riêng con.
Cám ơn Chúa đã đồng hành với con trong công việc hèn mọn này.
Cám ơn chồng và con trai, nhất là con trai, chẳng bao giờ nhăn nhó khi mẹ nhờ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả.

Phục sinh

Chứng lý về sự Phục sinh của Chúa Kitô, không chỉ dựa vào sự kiện ngôi mộ trống, mà còn phải kể đến những lần Đấng Phục sinh hiện ra với nhiều người, cũng như phải quan tâm đến những lời chứng của những người đã tận mắt nhìn thấy Chúa Kitô sống lại.  Trang Tin Mừng hôm nay sẽ cung cấp cho chúng ta những chứng lý quan trọng và sống động ấy.

Chúa Kitô Phục sinh hiện đến vào lúc thánh Tôma vắng mặt, cho nên ông đã không tin rằng Chúa Giêsu sống lại.  Vì thế, ông đòi hỏi một sự kiểm chứng.  Thử hỏi 10 vị tông đồ kia, nếu không tận mắt nhìn thấy và đích thân gặp gỡ Đấng Phục sinh, các ông có thể dễ dàng chấp nhận lời của anh em khác không?  Chúng ta rất hồ nghi.  Bởi lẽ, chuyện kẻ sống lại là chuyện rất khó chấp nhận.  Và chính các ông đã không ít lần tỏ ra nghi ngờ, nao núng, kể cả sau khi đã gặp Đấng Phục sinh.

Chúng ta không nên trách Tôma, ngược lại phải biết ơn ngài.  Bởi vì chính “sự cứng lòng” của ngài lại làm kiên vững cho niềm tin yếu đuối của chúng ta, khi Đấng Phục sinh đáp trả đòi hỏi sự kiểm chứng bằng giác quan của thánh Tôma:“Tôma hãy đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.”  Điều này không chỉ để thỏa mãn đòi hỏi riêng của thánh Tôma, mà còn đáp trả cho yêu cầu của tất cả chúng ta, những kẻ “không thấy” mà được gọi là “tin”, nhất là trong thời đại khoa học thực nghiệm hôm nay.

Đồng thời, “sự cứng lòng” của thánh Tôma cũng làm cho lời chứng của cộng đoàn thêm mạnh mẽ. Ngày nay, chúng ta đều là những người không thấy mà tin dựa vào lời chứng của các tông đồ – những kẻ dám sống, dám chết cho niềm tin của mình.

Thánh Tôma là môn đệ cuối cùng tin Chúa sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng đức tin. Sau khi được kiểm chứng về việc Phục sinh, ngài đã tin – một niềm tin đầy đủ nhất khi ông tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.”  Khi ông tuyên xưng như thế, thì lời chứng của các tông đồ thật sự trở thành “đắt giá”, thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho việc tuyên xưng đức tin của bao thế hệ Kitô hữu.

Hơn thế nữa, Đấng Phục sinh hiện ra không chỉ để chứng minh Người đã sống lại, nhưng còn để ban cho các ông sự sống mới “Người thổi hơi vào các ông…”

Con người vốn chỉ là bùn đất và chỉ có thể trở nên sống động qua việc “thổi hơi” của Thiên Chúa. Thì ở đây, chúng ta cũng nói được rằng chính Đấng Phục sinh đã thực hiện một cuộc sáng tạo mới, Ngài thổi hơi để biến đổi các tông đồ từ những con người yếu đuối, nhút nhát trở thành những con người mới với sức sống mới, trở thành những khí cụ sắc bén trong Thánh Thần để rao giảng Tin Mừng Phục sinh.

Đồng thời với việc ban sự sống mới là mệnh lệnh sai đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”  Tiếng “như” ở đây không phải là so sánh, mà là nền tảng và cội nguồn: nguồn cội của mệnh lệnh là chính Chúa Cha và nền tảng của mệnh lệnh là sứ vụ cứu thế mà Đấng Phục sinh hoàn thành.  Các tông đồ được sai đi để làm chứng về Đấng Phục sinh và để nối dài hành động của Người trong thế giới.  Hành động này giải thoát thế giới khỏi sự thống trị của tội lỗi, mà sức mạnh lớn nhất của nó là sự chết đã bị vượt qua.

Mỗi chúng ta, nhờ bí tích Thêm sức cũng được mời gọi trở nên những tông đồ hăng say làm chứng cho Chúa ngay trong môi trường sống của mình.

Trong thời đại hôm nay, chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh không chỉ bằng lời rao giảng mà còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta.  Cụ thể trong xã hội hôm nay, có rất nhiều người nhất là những người trẻ, họ luôn sống trong lo âu, sợ hãi, khủng hoảng hoặc không cần biết đến ý nghĩa cuộc sống, họ lao vào những tệ nạn xã hội mà không thoát ra được.  Trước tình trạng đó, lẽ nào chúng ta ngồi yên?  Là những con người của thiên niên kỷ mới này, chúng ta phải là những người đi bước trước đem sự bình an và đức tin sâu sắc giúp họ thoát khỏi thất vọng để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống.

Mỗi chúng ta cần phải mở rộng lòng dám đi sâu vào thế giới để tìm hiểu và đem Chúa Phục sinh vào mọi lãnh vực, không bo bo trong vỏ ốc nhưng phải mở rộng ra khắp thế giới.

Có một câu chuyện kể lại rằng, một nhà thông thái kia muốn sáng lập một tôn giáo mới.  Ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của mình ra thuyết phục thiên hạ mà chẳng thấy ai theo.  Ông bèn than thở với một người bạn thì nhận được một lời khuyên: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại!  Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông?”

Quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là Napôlêon!

Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở đây, điều có sức lôi cuốn người ta chính là sự sống lại.

Thực vậy, biến cố Chúa Kitô Phục sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo chúng ta.

Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các tông đồ.  Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng tạo mới.”  Xin cho mỗi ngày Chúa nhật cũng trở thành một ngày giúp chúng ta sống thánh thiện, hiệp thông, yêu thương… để mỗi chúng ta trở thành một bằng chứng cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh.

Sưu tầm

***************************************
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin ban cho con sự sống của Chúa, 
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, 
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, 
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, 
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, 
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Nỗi niềm Simon miền Kyrene

Ông rón rén bước từng bước chân thô kệch lên kinh thành Giêrusalem tráng lệ trong một buổi sáng đẹp trời đầu Xuân.  Trong khuôn mặt chất phác rạm nắng là một cặp mặt ngơ ngác của người miền quê mới lên tỉnh, dáo dác hết nhìn ngang rồi nhìn dọc cảnh phố phường nhộn nhịp, tấp nập người qua kẻ lại trong những bộ cánh nhiều màu sắc.  Còn ông, với bộ quần áo thơm tho mới tinh hằn nhiều nếp gấp, không đủ để che giấu dáng bộ cục mịch vạm vỡ của một người nông dân chân lấm tay bùn khỏe mạnh.  Simon cảm thấy vui vẻ hân hoan như đứa con nít tung tăng trong bộ đồ mới dạo chơi phố phường.  Âm thanh của những người bán hàng rong rao hàng, tiếng chuông lắc, tiếng động vật bị nhốt trong chuồng bị mang bán, tiếng gọi nhau í ới của người mua kẻ bán.... tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn vui tai với ông.  Vậy mới là thành phố chứ!  Khác xa hẳn thôn làng bình yên của ông.  Đường phố Giêrusalem hôm nay tấp nập lạ thường, cũng như ông, thiên hạ đang nhộn nhịp đi mua sắm, đổi chác hàng hóa để chuẩn bị cho ngày đại lễ Vượt Qua ở Do Thái.

Bỗng Simon nghe những tiếng gào thét ở cuối con đường dắt ra ngoại ô Giêrusalem.  Tò mò ông tiến về phía những tiếng hò la đó, rồi len lỏi luồn mình lách vô giữa đám đông, để xem chuyện gì đang xảy ra mà thiên hạ phấn khích la thét rầm vang cả một góc trời đến thế.  Ở giữa hai hàng người hiếu kỳ là một người đàn ông mình mẩy bầm dập đầy thương tích, máu me be bét nhỏ giọt trên con đường đá sỏi, quần áo tả tơi, bê bết dính đầy máu và bùn đất.  Trên khuôn mặt hiền lành là những lằn roi chằng chịt ngang dọc, không còn chỗ trống nào lành lặn nữa.  Đôi mắt bầm đen sưng húp to như hai trái trứng gà như không thể mở ra được.  Đầu ông đội một mão gai thô kệch với những miếng gai dài, nhọn hoắc cắm sâu vào đầu, làm cho máu từ những lỗ gai nhọn đó chảy ri rỉ xuống mặt, xuống cổ, và xuống thân thể người đàn ông tội nghiệp.  Hỏi thăm những người xung quanh, Simon mới biết vì người này tự xưng là vua dân Do Thái, nên ông bị quân lính La Mã chế giễu đội cho một vòng mão gai trên đầu thay cho vương miệm Đức Vua.  Trên vai ông ta là một cây gỗ xần xùi, thô ráp được đóng chéo vào nhau thành hình thập tự.  Lưng ông khòm hẳn xuống dưới sức nặng của cây gỗ, bước chân ông loạng choạng ngả về bên phải, rồi đổ về bên trái, kéo lê cây thập tự trên cát thành đường mòn zích zắc.

Tìm hiểu thêm Simon được biết người đàn ông tội nghiệp kia tên Giêsu, người miền Nazaret, có thể là Đấng Messiah hay tiên tri gì đó, bị kết án tử hình, giờ đang phải vác cây thập giá của chính mình lên núi Sọ để bị đóng đinh ở đó.  Simon nghe những người phụ nữ rỉ tai nhau về những phép lạ ông Giêsu làm, mà phép lạ gần nhất là làm cho một người đã chết bốn ngày được sống lại, về huấn chương Nước Trời mà ông Giêsu rao giảng…  Simon nhíu mày bối rối, nếu thế thì có liên hệ gì đến tội chính trị đâu nhỉ?  Có thật ông ta xưng mình là Vua dân Do Thái không, hay bị chụp mũ vì những lý do nào khác?  Có thật ông ta nguy hiểm đến nỗi cần phải khai trừ khỏi xã hội loài người bằng án tử không?  Simon chăm chăm nhìn vào khuôn mặt người tử tù mong tìm ra dấu vết hung ác của một tên cướp, hay một nét tinh khôn sắc sảo của người làm chính trị.  Không, qua những lọn tóc dài be bét trộn lẫn với những giọt máu đóng cục, ông chỉ thấy một khuôn mặt hiền lành cam chịu, không một tiếng khóc, không tiếng rên la hay trách móc.  Cặp môi nứt nẻ sưng mọng đỏ bầm đang bặm vào nhau, như cố ghìm lại tiếng nấc nghẹn ngào trong tim, không cho thoát ra ngoài. 

Thỉnh thoảng Giêsu lại ngước cặp mắt lờ đờ ngơ ngác ngước nhìn lên đám đông, như muốn hỏi họ tại sao ông lại bị kết án thế này?  Chẳng ai đủ can đảm hay buồn trả lời người tử tội đáng thương đó.  Đám đông vẫn điên cuồng gào thét xung quanh, ngày càng hăng máu hơn, kẻ hả hê, người đấm ngực than khóc, con nít sợ hãi khóc rú lên quay mặt đi khi nhìn thấy cảnh tàn bạo này.  Những cặp mắt mãn nguyện ẩn trong những khuôn mặt đạo đức, những chòm râu bạc phơ không che nổi nụ cười đắc chí của các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái.  Đó đây túm tụm vài người phụ nữ vây quanh lấy Giêsu mà khóc lóc cho số phận nghiệt ngã của kẻ bại trận.  Trái tim một người dân quê hiền lành chân phác thổn thức trước cảnh người hành hạ người.  Ừ, nếu thật ông Giêsu này có tội thì cứ mang đi tử hình, nhưng hà cớ gì mà phải hành hạ, nhục mạ, phỉ nhổ người ta đến thế!  Ông không hiểu được khi nhìn thấy nét mặt hân hoan, thoả mãn của các các vị bô lão Do Thái, người Pharisêu trước cảnh quân lính ngoại quốc đánh đập dã man người cùng chung một giòng máu với mình như thế.

Bỗng người tử tội đáng thương như không chịu đựng nổi sức nặng của cây thập giá nữa té sấp mặt xuống đất, lăn quay mấy vòng rồi chổng vó lên trời, máu chảy chan hòa, cây thập giá văng ra ngay dưới chân Simon đang đứng.  Ông há hốc miệng kinh ngạc, đôi mắt mở to nhìn Giêsu đang lăn tròn trên con đường đá sỏi.  Những làn roi cá sấu của binh lính La Mã tới tấp vụt xuống lên thân thể Giêsu để giục ông mau mau đứng dậy đi tiếp.  Không ai dám tiến đến, đỡ ông đứng lên.  Người tử tội co rúm người lại trước làn mưa roi lồm cồm bò dậy, nhưng rồi lại loạng choạng khụy xuống lần nữa. 

Trong lúc Simon đang đăm đăm hút hồn nhìn thảm cảnh trước mắt, bỗng một bàn tay thô bạo túm lấy cổ áo ông, giọng nói một tên lính La Mã quát bên tai: “Đi, mau ra khiêng cây thập tự phụ nó!”  Theo phản ứng tự nhiên, Simon ghì người, lùi lại một bước lui vào đám đông để chống lại sức kéo của tên lính.  Không, dù có cảm thương cho số phận hẩm hiu của vị ngôn sứ này, nhưng Simon không muốn dính vào chuyện tai bay vạ gió bên đường.  Ông không liên quan gì đến ông Giêsu này cả, ông chỉ là người qua đường.  Ông còn vợ dại và hai đứa con trai bé bỏng ở nhà!  Tên lính dí dí mũi giáo sáng chói vào mặt Simon, trợn mắt gầm lên: “Có đi không, hay muốn chết?”  Nhìn khuôn mặt dữ dằn với binh khí trên tay của tên lính, ông thở dài sợ hãi, biết mình không thể không tuân lệnh.

Simon buông xuôi hai tay lững thững bước ra giữa đám đông.  Tự dưng ông cảm thấy ghét người tử tội đang nằm bất động trong đống máu giữa đường này.  Mới trước đây vài giây Simon còn cảm thấy tội nghiệp cho ông ta, vậy mà bây giờ.  Hừm, vì hắn mà ông bị vạ lây.  Dù bản chất là người nông dân chất phác, nhưng Simon cũng lanh trí để tính đường binh cho mình.  Lỡ rồi, không thoát được cây thập giá này thì thôi, cứ vác cho có vậy, cho đủ bổn phận thôi, đủ để qua mặt đám lính ác ôn này.  Lên tới đỉnh đồi rồi thì lo mà chuồn lẹ.  Nghĩ thế, Simon tiến lại dìu người tử tội đứng lên, rồi ông nâng cây thập tự đặt lên vai Giêsu.  Xong ông nhẹ nhàng bước ra phía sau khiêng phụ khúc đuôi.  Simon để ý tránh né, để cây thập giá sần sùi đen đủi không làm dơ, và rách bộ quần áo mới của mình. 

Lẽo đẽo đi theo phía sau nhưng Simon cứ ngó chăm chăm vào người tử tội phía trước.  Ông ta nhìn càng lúc càng kiệt sức hơn, bước chân chậm dần, lảo đảo xiêu vẹo như người say.  Mỗi lần người tù dừng bước để thở, thì những làn roi lại tới tấp tuôn xuống người Giêsu như mưa.  Cũng may mà Simon đứng phía sau, nên ông không bị dính nhiều cây roi lên người.  Dù đã có người phụ khiêng, nhưng chỉ là khiêng khúc đuôi của cây thập tự, phần nhẹ nhất, còn bao nhiêu sức nặng của cây gỗ vẫn đổ dồn về phía trước.  Simon chặc lưỡi, lòng thương xót khi nãy lại quay trở về với trái tim đa cảm của ông.  Ông cảm thấy nghèn nghẹn nơi cuống họng, tim như có ai bóp chặt. 

Ông Giêsu này trông thảm thương quá, nhìn không còn giống hình hài con người nữa, da thịt rách nát tả tơi, dính nhầy nhụa lên bộ quần áo, mà giờ chỉ còn là những tua vải quấn quanh người đang phất phơ trong gió.  Là Đấng Messiah mà dân Do Thái trông chờ đây ư?  Simon không biết gì về Đấng Messiah cả, ông cũng chẳng trông chờ Đấng nào đến trong cuộc đời ông.  Nhìn ông Giêsu như thế này, Simon không tin ông ta là Đấng Messiah.  Mà cho dù có là Đấng Messiah đi nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến ông.  Thật khó xử!   Simon thở dài cúi đầu suy nghĩ, nên sống theo lý trí khôn ngoan, hay nghe theo tiếng mách bảo của con tim? 

Giêsu bỗng quay lại nhìn người phụ khiêng cây thập tự với mình, bốn ánh mắt chạm nhau nghẹn ngào trong hoàn cảnh ngang trái.  Cặp mắt sưng húp bầm đen nhìn Simon như muốn nói lời cám ơn, trong khi Simon ngại ngùng xấu hổ, né tránh tia nhìn dịu dàng đó.  Simon đỏ mặt bối rối:“Mình có làm gì to tát đâu mà ông ta lại cám ơn mình như thế nhỉ?  Ông có biết là mình đã né tránh phần nặng nhất của cây thập tự kia không?”  Simon nghĩ thầm như thế.  Nhưng cái nhìn tha thiết tri ân của người tử tù đáng thương, đã ban thêm sức mạnh cho ông.  Simon biết mình phải nên làm gì lúc này, phải nghe theo tiếng nói của con tim thôi, không thể khôn lỏi như vậy được.  Đang miên man suy nghĩ thì Simon lại bị kéo nhào về phía trước, ông Giêsu té kéo theo cả người bạn đồng hành phía sau, cả hai té chồng lên nhau, rồi cùng lăn quay ra trên những cục sỏi đá vô tình bên đường.  Lần này Simon nhanh chân đứng dậy, ông biết đứng dậy càng sớm, thì càng đỡ những roi đòn của quân lính.  Simon cúi xuống nâng cây thập tự rồi để lên chính đôi vai vạm vỡ của mình, sau khi xốc lại cây thập tự cho ngay ngắn trên vai, ông cúi xuống đưa cánh tay còn lại cho Giêsu dựa vào mình, rồi từ từ dìu Giêsu đứng lên đi tiếp đoạn đường còn lại.

Mặt trời lên cao ánh nắng gay gắt hơn, đường lên đồi Sọ ngắn dần nhưng lại cao dần, đường đi khúc khuỷu gập ghềnh hơn.  Máu ra ngày càng nhiều, sức lực của Giêsu ngày càng yếu đi, hơi thở dồn dập nặng nhọc vì thiếu nước, Giêsu như muốn gục xuống lết đi không nổi nữa.  Khi thấy bước chân người tử tù chậm lại, những làn roi lại tới tấp tuôn xuống rào rào như mưa.  Lần này vì đứng gần với người bạn đồng hành, nên những ngọn roi vô tình không buông tha cho Simon.  Chiếc áo mới của ông bắt đầu rách teng beng, máu me lấm lem, tay chân bẩn thỉu.  Simon liếm môi thấy mặn chát nơi đầu lưỡi, những giọt máu lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng.  Simon cắn môi chịu đựng, không than thân trách phận mình tò mò, không tiếc chiếc áo mới tinh, không còn trách người tử tù đáng thương nữa.  Simon cũng chả biết mình đã học được đức tính đó từ người bạn đồng hành khi nào?  Ông im lặng nhẫn nhục chịu đựng như Giêsu.  Simon chỉ cầu xin sao cho lên đến đỉnh đồi càng sớm càng tốt, cho Giêsu đỡ bị hành hạ nhục mạ, và ông cũng đỡ gánh nặng dọc đường.

Rồi cả hai cũng từ từ lếch thếch leo lên đến đỉnh đồi, đám đông vẫn đi theo xung quanh, reo hò la hét ngày càng to hơn, như bị kích động bởi màn kịch đang tới hồi gây cấn nhất.  Simon thả cây thập tự xuống đất, thở phào nhẹ nhõm.  Thế là xong, ông đã hoàn tất phận sự của mình rồi, ông chỉ muốn về cho nhanh, ra khỏi Đồi Sọ đầy mùi tử khí này càng sớm càng tốt.  Ông không muốn nghe thêm những tiếng hò hét khoái chí, tiếng khóc than của những người phụ nữ, cũng chẳng muốn nhìn cảnh người bạn đồng hành của mình bị đóng đinh.  Nhưng lạ thay bước chân của ông lại không nỡ cất bước ra đi.  Chân ông không còn nghe theo sự điều khiển của lý trí nữa rồi. 

Simon tần ngần đứng lại, lòng ông xao xuyến bồi hồi cảm thương, dù chỉ một vài phút gặp gỡ ngắn ngủi trong hoàn cảnh bi đát, nhưng đong đầy bao nghĩa tình.  Dù chỉ vài phút bên nhau, dù chẳng biết gì về ông Giêsu đó có thật là Đấng Messiah hay tiên tri nào khác, nhưng con tim mách bảo cho ông biết người tử tù kia vô tội, và hơn nữa không phải là một người bình thường như những người khác.  Ông tin vào cảm nghiệm chân thật của mình.

Nghĩa tử là nghĩa tận, Simon đứng nán lại trên đồi Golgotha chờ cho đến khi Giêsu trút hơi thở cuối cùng, như tiễn đưa người thân trong gia đình.  Ông cúi đầu lặng yên, nước mắt lăn dài lên khuôn mặt sần sùi đầy vết roi oan nghiệt.  Simon không khóc khi bị những nhát roi chí tử vô tình của binh lính La Mã, không khóc khi bị nhục lây với cái nhục của người tử tội mà ông phải vác thập giá dùm, nhưng ông lại khóc cho thân phận người bạn mới quen đã chết trong tức tưởi ô nhục, chết trong sợ hãi cô đơn. 

Bóng tối bao trùm cả bầu trời, đất rung đá vỡ, đất trời rung chuyển, ai ai cũng sợ hãi trước cảnh tượng đó.  Đám đông giải tán dần, Simon lững thững thả bộ xuống đồi như người mất hồn, bên tai ông còn văng vẳng tiếng nói của viên đại đội trưởng La Mã: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”  Ông thẫn thờ lẩm bẩm:  “Là Con Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ư?  Mình được vác thập tự phụ với Con Thiên Chúa.”  Rồi ông lại ngạc nhiên lòng hỏi lòng“Là Con Thiên Chúa mà cần người nông dân ngu dốt, nghèo hèn như mình giúp đỡ sao?  Là Con Thiên Chúa mà cần một người không biết gì về Thiên Chúa như mình giúp sao?”  Ông lắc đầu không hiểu.  Điều đó dường như quá cao siêu với đầu óc đơn sơ giản dị của ông.

Người tử tội Giêsu chẳng nói riêng với Simon một lời nào, nhưng cái nhìn tri ân trong khuôn mặt máu me cam chịu, bước chân siêu vẹo ngả nghiêng trên cát dưới làn mưa roi, đã từng bước chầm chậm đi vào trái tim ông.  Buổi sáng định mệnh hôm ấy đã để lại một dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong đời ông.  Cuộc gặp gỡ đó có là tình cờ không?  Sao không phải là ai khác mà lại chính là ông?  Giêsu miền Nazarét, ông là ai?  Là Đấng Messiah mà dân Do Thái đang trông chờ?  Là Con Thiên Chúa?  Là vị tiên tri?  Là một phàm nhân bình thường?  Hay chỉ là một tên cướp không gặp thời?  Simon bắt đầu lần mò từng bước tìm hiểu về Giêsu thành Nazarét.  Người ấy giờ đây đã trở nên quá gần gũi thân thương với ông.  Cuộc đời Simon giờ đã sang trang.  Ông bỗng thấy trân qúy cuộc sống.  Cảnh sống nghèo nàn ở thôn quê với người vợ dại, hai đứa con thơ, người mẹ già ốm đau rề rề, trước đây là một gánh nặng của ông thì giờ đây lại trở thành mái ấm được chúc phúc.  Là ông đã giúp Giêsu mang cây thập giá hay chính Giêsu đã đến trong cuộc đời ông, giúp ông tìm ra một ý nghĩa mới cho cuộc sống?  Lạ thay với Simon, người tử tội Giêsu đã không chết, nhưng lại bắt đầu bước vào cuộc sống mới của ông, thánh hóa cuộc đời ông.  Simon cúi đầu thầm tạ ơn cho một ngày hồng phúc đã thay đổi đời ông từ đó.

Lang Thang Chiều Tím
Tuần Thánh 2017

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Tôi là ai ?

Chúng ta đang sống trong tuần thánh, tưởng niệm lại cuộc khổ nạn thương khó của Chúa Giêsu Kitô.

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm.


Nhưng thử hỏi, nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án của Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào?


1. Nếu tôi là một trong nhóm 12 môn đệ được Chúa tuyển chọn :

- Tôi là Gioan, trong đêm tiệc ly đã ngồi tựa đầu vào trái tim Chúa. Là người theo Chúa suốt chặng đường khổ giá, cùng đứng bên mẹ Maria trên đỉnh đồi Calvariô ?
- Là Phêrô nhiệt tình, nhưng lại hèn nhát chối bỏ Thầy mình khi gặp nguy khốn ?
- Là Giuđa, lòng dạ hẹp hòi, một kẻ giả hình, âm mưu phản bội ?
- Là một trong những môn đệ còn lại : hoảng sợ chạy trốn ? . 

2. Nếu không thuộc nhóm 12 môn đệ, tôi sẽ là :

- Là các thượng tế, biệt phái, kinh sư cổ võ, xúi giục dân chúng giết Chúa Giêsu ?
- Là Philatô rửa tay, phủi trách nhiệm trước cái chết của người vô tội ?
- Là các binh sĩ La Mã đánh đập, hành hung và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
- Là những tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên : “Đả đảo ! Đóng đinh nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !

Phải thú nhận rằng :

- Tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê vác đỡ thập giá Chúa Giêsu. 
- Tôi không dễ gì làm được như bà Veronica, quá thương Chúa, đã xông vào giữa vòng vây giáo mác của binh sĩ  quì xuống đưa khăn cho Chúa Giêsu lau mặt. Và Chúa đã cảm ơn người phụ nữ can đảm ấy bằng cách in khuôn mặt mình vào chiếc khăn. 


Một mình vò võ trong những đớn đau tinh thần và thể xác. Chúa Giêsu như tên tử tội cô đơn trước dinh thượng tế Caipha, trước dinh tổng trấn Philatô rồi vác thánh giá lầm lũi tiến đến pháp trường.

Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến ngày tận thế.

Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một xỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ đứng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý. Tôi dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng khi gặp nghịch cảnh.

Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. 


Nếu Kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, 

thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. 
Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. 
Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành đô Giêrusalem 
Và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết… 
Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu.
Tình yêu vô cùng lớn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại.
Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu,
chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn,
yêu thánh giá của mình hơn
và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

(Email của một Đan sĩ linh mục dòng Xitô Phước Vĩnh)

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Chiêm ngắm dung mạo Chúa Giêsu Kitô trong cuộc thương khó

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A (09/04/2017)

Nếu 4 Sách Phúc Âm đều có Bài Tường Thuật về cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su thì Bài Tường Thuật về cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Mát-thêu (26,14 - 27,66) là Bài Tường Thuật đầy đủ và gây xúc cảm nhất. Vì thế mà Giáo Hội cho chúng ta đọc Bài Tường Thuật ấy ngay đầu Tuần Thánh. Với tâm tình kính tôn, yêu mến và cảm tạ chúng ta hãy chiêm ngắm chân dung tuyệt đẹp của Con Thiên Chúa làm người và chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta và toàn thể nhân loại.

Dung mạo Chúa Giêsu có những nét đáng chúng ta ghi nhận trong tâm trí như sau :

- Một là Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a bị bán rẻ cho kẻ thù, bởi một trong mười hai môn đệ là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tại sao Giu-đa lại bán Thày mình lấy một số tiền còm như thế? Có người cho rằng vì hắn tham tiền! Có người cho rằng không phải là vì Giu-đa tham tiền mà vì ý đồ chính trị. Có người cho rằng vì Giu-đa vừa tham tiền vừa có ý đồ chính trị. Ý đồ chính trị làm động cơ cho việc Giu-đa bán Thày là: Giu-đa đã chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu và tin rằng Thày mình đúng là Đấng phải đến để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa. Nhưng Giu-đa không đủ kiên nhẫn chờ đợi ngày Thiên Chúa ra tay và nhất là không chấp nhận con đường cứu thế của Đức Giê-su là con đường đau khổ. Con đường mà Giu-đa muốn Đức Giê-su theo là con đường vinh quang tức chiến thắng bằng bạo lực. Thấy Đức Giê-su cứ “dùng dằng” và “vô tư” trước âm mưu của kẻ thù, Giu-đa tìm cách đẩy Đức Giê-su vào chân tường để cưỡng ép Người dùng quyền năng và vũ lực mà làm cho thiên hạ phải bái phục. Giu-đa bị cám dỗ y như chính Đức Giê-su đã từng bị Xa-tan cám dỗ trong hoang địa. Nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan và cám dỗ của nó, còn  Giu-đa thì đã thất bại và nghe theo nó. Đức Giê-su chọn là Mê-si-a tự hạ, tự hủy, khiêm cung và tự hiến, còn Giu-đa thì đã không chấp nhận điều ấy.

- Hai là trong bữa ăn cuối cùng của Thày trước lễ Vượt Qua năm 33, Chúa Giê-su là Đấng hết mực yêu thương chăm sóc các môn đệ bằng viêc lập Bí Tích Thánh Thể là Hiến Tế Tình Yêu và các Thừa Tác Viên có chức thánh để các ngài lặp lại Hiến Tế ấy : “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thày; Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thày…Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

- Ba là trong vườn Cây Dầu Chúa Giê-su đã phải chịu nỗi cô đơn tột cùng trước viễn cảnh cuộc Thương Khó. Kể cả ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê, cũng không chia sẻ được những gì chứa chất trong tâm hồn Người và những gì đang chờ đợi Người ở phía trước. Nhưng Chúa Giê-su đã tỏ ra rất dũng cảm và tuyệt đối vâng phục Thánh Ý của Cha: ”Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi,, thì xin vâng ý Cha”. Tại đây chúng ta còn khám phá Chúa Giê-su là Đấng bị rình bắt, như một tên bất lương; đồng thời bị phản bội bằng một cái hôn gỉa hình mang tính “chỉ điểm” của Giu-đa! Cũng tại đây chúng ta còn khám phá Chúa Giê-su có tấm lòng hiền lành, dịu dàng, ưa chuộng hòa bình và chủ trương bất bạo động: “Hãy xỏ gươm vào vỏ...”

- Bốn là Chúa Giê-su là Đấng đã bị chối bỏ bởi một trong bốn môn đệ đầu tiên và hết sức thân cận là Phê-rô, Tông đồ Trưởng của Nhóm Mười Hai. Phê-rô đã được  Đức Giê-su ưu ái cách đặc biệt khi được chứng kiến những giây phút rất riêng tư  và bí mật của Thày (trên Núi Ta-bo, trong Vườn Cây Dầu). Tại sao Phê-rô lại chối bỏ Thày mình một cách quá dễ dàng như thế? Chỉ có một lý do: Phê-rô là một kẻ nhát gan! Mới trước đó không lâu, chính Phê-rô còn khăng khăng quả quyết với Thày: “Dầu tất cả có vấp ngã đi chăng nữa, thì con cũng nhất định là không?” Nhưng chỉ mấy giờ sau thì Phê-rô đã chối phăng mối liên hệ của mình với Thày khi bị hai đứa tớ gái và gia nhân nhà thượng tế hạch hỏi. Ba lần bị hỏi là ba lần chối thẳng thừng: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì! Tôi thề là không có biết người mà các ông nói đó!”

- Năm là sau khi bị Phê-rô chối, Chúa Giê-su còn bị các môn đệ khác bỏ rơi. Giu-đa đã bán Chúa. Phê-rô đã chối Chúa. Còn các môn đệ khác thì cũng chẳng hơn gì. Trừ  Gio-an có mặt dưới chân thập giá (theo Tin Mừng Gio-an) thì tất cả các môn đệ khác đều đã cao chạy xa bay và trốn biệt tăm biệt tích vì sợ hãi. Họ cũng nhát sợ như Phê-rô! Thế mà trước đó họ cũng thề thốt với Thầy như Phê-rô vậy.

- Sáu là tại dinh thượng tế Cai-pha, Chúa Giê-su là nạn nhân của những âm mưu đen tối và hèn hạ của giới hữu trách Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và Do-thái giáo của người Ít-ra-en: Họ là các thượng tế, kinh sư  và kỳ mục của dân, tức là giới lãnh đạo cao cấp của Đền Thờ. Họ tìm mọi cách (kể cả vu oan, chứng dối) để loại trừ Người, chỉ vì Người không đi theo họ, không phục vụ quyền lợi của họ và làm giảm uy tín của họ. Tại dinh tổng trấn Phi-la-tô là đại diện của chính quyền đế quốc Ro-ma đô hộ, Chúa Giê-su là nạn nhân của viên tổng trấn vừa nhát gan vừa tham quyền cố vị, khi ông ta nhắm mắt làm ngơ trước người vô tội bị oan và đồng lõa với giới lãnh đạo Do-thái giáo, để khử trừ vị thiên sai và ngôn sứ vô tội.

 - Bảy là Chúa Giê-su là Đấng bị đóng đinh và treo trên cây Thập giá trên ngọn đồi Gol-go-tha, nơi hành quyết những tên tội phạm hình sự. Ở đây trước khi nhắm mắt lìa đời Chúa Giê-su còn bị nhạo báng, sỉ vả và thách thức! Nhưng chính ở trên Cây Gỗ này mà Tình Yêu Cứu Chuộc của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách mãnh liệt và huy hoàng nhất!

Những Sứ Điệp của Bài Thương Khó (Mt 26,14 - 27,66)

- Sứ điệp đầu tiên là chúng ta hãy đón nhận và tôn vinh Tình Yêu vô bờ bến của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa làm người, đã chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu thương và cứu độ loài người theo ý định của Chúa Cha, nên Chúa Giê-su đã chấp nhận mọi cực hình trong tinh thần và thể xác.


- Sứ điệp thứ hai là chúng ta hãy suy gẫm và tìm hiểu tính bí nhiệm của chương trình hay kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng toàn trí có thể cứu chuộc loài người bằng trăm triệu cách mà lại chọn con đường Thập giá. Thiên Chúa cực thánh đã trở thành một kẻ tội phạm đáng khinh bỉ, bị phản bội, bị đầy đọa một cách bất công….

- Sứ điệp thứ ba là chúng ta hãy cảnh giác với sự tráo trở của lòng dạ con người nơi chính bản thân chúng ta. Chúa Giê-su đã là nạn nhân của sự nhát gan của các tông đồ và tổng trấn Phi-la-tô. Người cũng đã là nạn nhân của sự xảo trá, ghen tỵ nhỏ nhen của giới lãnh đạo tôn giáo. Người còn là nạn nhân của sự tàn ác, vũ phu của bọn lính và sự vô ơn của đám đông quần chúng, thì chúng ta đừng quá ngây thơ mà cho rằng không ai có thể phản bội chúng ta!

Phần đáp trả của chúng ta

Đọc/Nghe bài Thương Khó của Tin Mừng Mát-thêu (26,14 - 27,66) chúng ta không thể không đặt cho mình  ba câu hỏi sau:
- Một là tôi có suy nghĩ và hành động giống Giu-đa không? Có bao giờ tôi muốn Đức Giê-su làm theo ý mình không? Có bao giờ tôi đã cam tâm bán rẻ Đức Giê-su và Đạo Thánh của Người để lấy một chút vinh hoa, phú quí, quyền chức, tiền bạc hay thú vui không?

- Haì là tôi có suy nghĩ và hành động giống Phê-rô không? Phê-rô yêu Thày thật sự và với tất cả tâm hồn và bầu nhiệt huyết. Nhưng Phê-rô ỷ vào sức riêng mình và sợ chết. Còn tôi, tôi có ỷ sức mình, có tự cao, tự đại, kiêu căng mà coi thường sự giòn mỏng của bản thân mình không? Tôi có sợ bị liên lụy với Đức Giê-su không?

- Ba là tôi có suy nghĩ và hành động giống như các môn đệ khác của Đức Giê- su không? Tôi có nhát đảm, có sợ bị thiệt thòi, sợ bị sa thải, sợ mất việc làm, sợ bị trù dập, sợ bị mang tiếng là người duy tâm lạc hậu khi người ta biết tôi là người Công giáo, là Ki-tô hữu không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su là Ngôi Lời Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, 
là Hy Lễ dâng lên Chúa Cha vì tội lỗi thế gian và tội lỗi của con.
Xin ban cho con
Ơn nhận biết và can đảm tuyên xưng Chúa là Ngôi Lời,
Ơn biết rao giảng, loan truyền Chúa là Sự Thật,
Ơn biết đi theo con đưòng của Chúa vì chỉ có Chúa là Đường,
Ơn biết thắp lên Ánh Sáng Tin Mừng vì Chúa là Ánh Sáng,
Ơn biết chết cho mình và sống cho Chúa vì Chúa là Sự Sống,
Ơn biết yêu Chúa và yêu thương tha nhân vì Chúa là Tình Yêu,
Ơn biết chia sẻ niềm vui với mọi người vì Chúa là Niềm Vui,
Ơn biết tận hiến đời con cho Chúa vì Chúa là Của Lễ,
Ơn biết trở nên khí cụ trao ban bình an của Chúa vì Chúa là Bình An,
Ơn biết khao khát và ơn năng rước Thánh Thể vì Chúa là Bánh Hằng Sống.
(Phỏng theo tư tưởng của Thánh Tê-rê-xa Cal-cut-ta).

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 
Sàigòn ngày 29/03/2017

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Chia tay con : Bích Du

Mới ngày hôm qua...

Hôm nay đã...
Phù vân ! Phù vân !
Tất cả là phù vân
Con là con đỡ đầu của vú.
Như thường lệ mấy tháng nay từ lúc biết con bệnh, cứ sáng hoặc chiều, hoặc tối, có thời gian là vú chạy qua với con. Lần đầu tiên nhìn con nằm trên giường bệnh, không nghe, không thấy, không nói gì được nữa, vú đã bật khóc. Bích Du đây sao ? Đứa con gái ngoan hiền, giản dị, học giỏi ngày nào đây sao ? Vú chỉ còn biết ngước nhìn lên ảnh tượng trên đầu giường của con : khuôn mặt Chúa Giêsu khổ đau trên thánh giá trong giờ phút sau cùng khi tuyệt đối vâng lời Chúa Cha . Vú không biết chia sẻ và dùng lời nào để an ủi ba mẹ con, hai người bạn thuở thiếu thời của vú... 

Bên giường con, có khi vú lần chuỗi Mân Côi, có khi lần chuỗi Lòng Thương Xót, có khi kể chuyện đời, có khi là những tâm sự vui buồn với mẹ con, nhưng luôn luôn vấn đề sức khỏe của con vẫn là chính. Những người bạn nhiều lúc gần mà lại hóa xa vì bận bịu, bây giờ có dịp ngồi với nhau lâu và trong hoàn cảnh như thế này, thật buồn phải không ?
Con nằm đó, có nghe được câu nào không Du ?
Có bất chợt nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ không Du ?

Sáng nay cũng vậy, vú qua nhà con, vú ngồi đó với con nhưng vú đã không nắm được bàn tay con, không vuốt ve được khuôn mặt con nữa rồi. Con gần lắm mà cũng xa lắm. Chỉ một gang tay đã là hai thế giới khác biệt nghìn trùng. Chiều hôm qua khi bước vào cuộc sống mới, mọi người đều nhìn thấy nét mặt con tươi tắn, con đẹp hơn lúc còn sống. Nét đẹp thật thanh thản, vú phải thốt lên : sao nhìn con y như búp bê gỗ vậy ? Con đẹp như ma-nơ-canh người ta trưng bày trước cửa tiệm sang trọng.

Đứa con gái bé nhỏ của con, Maika vừa tròn 3 tuổi, nó chưa biết gì, hồn nhiên gọi khi vú vừa đến :
- Bà ơi ! Mẹ con chết rồi ! Mẹ con chết rồi !
Vừa nói nó vừa cười tươi. Mẹ con nói nãy giờ ai đến nó cũng khoe như vậy hết. Xót xa quá !

Sinh năm 1983. Con ra đi khi tuổi đời còn quá sớm, mẹ con nói con còn nhiều dự định cho công việc, cho đời sống tinh thần của con, con sẽ vào ca đoàn nhà thờ, con sẽ lo cho ba mẹ con... Ba mẹ con luôn hãnh diện khi có một đứa con gái giỏi giang và hiếu thảo.
Vú cũng thế Bích Du ơi ! Vú nhớ những mùa tết con đến thăm vú, vú nhớ khi con đã khỏe lại và đi nhà thờ, vú tưởng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp hơn...

Bông hoa nào đẹp thì Chúa hái về thiên đàng sớm để Người ngắm.
Mọi người an ủi nhau như thế trong đức tin, nhưng mà nỗi buồn, thậm chí rất buồn, rất đau khổ thì làm sao tránh khỏi, phải không con ?
Mẹ con khóc mãi, vú chỉ biết xoa nhẹ bờ vai bạn : Xin Chúa an ủi Liên.
Vâng, chỉ có Chúa mới có thể xoa dịu nỗi lòng người mẹ.
Mẹ Maria ngày xưa cũng thế, dưới chân thánh giá, Mẹ đau khổ dường nào !

Với đời sống ngoan hiền của Bích Du khi còn mạnh khỏe, với sự chịu đựng khi con phải trải qua những tháng ngày đau đớn trên giường bệnh về thể xác cũng như tinh thần, vú luôn tin con đã sống rất đẹp lòng Chúa, Nét mặt xinh tươi của con đã cho vú một niềm tin như thế.

Con ra đi chưa phải là hết, trên thiên đàng, con sẽ luôn nhìn về gia đình bé nhỏ của con, nơi đó có ba mẹ và đứa con bé nhỏ dại khờ, con biết mình sẽ xin với Chúa điều gì mà, phải không Du ?
Vú và em Quang sẽ luôn nhớ con.
Con đi bình an Du nhé ! Mọi người chia tay con.
Xin cầu nguyện cho linh hồn Maria Goretti. 
Xin vĩnh biệt mọi người
Tôi ra đi lần cuối
Không bao giờ trở lại
Hẹn nhau trong Nước Trời...
(Lời Đức TGM Phaolô Nguyễn văn Bình trước khi về với Chúa)