Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Có những thứ cho đi...

CÓ NHỮNG THỨ "CHO ĐI" KHÔNG MONG ĐỀN ĐÁP
CÓ NHỮNG "GIÚP ĐỠ" KHÔNG BAO GIỜ CHỜ BẠN NÓI  :
"CẢM ƠN"

Biết ơn là phẩm chất cao quý của một tâm hồn đẹp. Chính vì vậy mà có rất nhiều truyện kể được lưu truyền để nhắc nhở chúng ta rằng: Làm người, cần có lòng biết ơn!

Có một câu chuyện kể rằng:

Xưa có một hành khách bước đơn độc trên chặng đường xa. Khi đã quá mỏi mệt và kiệt quệ, anh nằm xuống và ngủ một giấc ngon lành trên thảm cỏ ven đường. Không lâu sau, một con rắn độc từ trong bụi cỏ chui ra và bò về phía người độc hành này.

Khi con rắn chuẩn bị cắn người khách đang ngủ, bỗng một người đi ngang qua đó, kịp thời đánh chết con rắn độc rồi đi tiếp. Người độc hành vẫn ngủ say sưa mà không hề biết chuyện gì đang diễn ra. Cho đến cuối cuộc đời, anh vẫn không hay biết rằng mình đang sống trong ận huệ của người qua đường vô danh thuở nọ…

Có thể vị khách độc hành không hề biết đến ơn cứu mạng ấy, và người qua đường cũng đã quên từ lâu, nhưng sự tình này đều ghi dấu trong Trời Đất.

Lại cũng có chuyện như thế này:

Một hôm, người chồng trở về nhà. Lúc đó trời đã khuya lắm rồi, nhưng chiếc đèn bên hiên nhà vẫn sáng rực, chiếu rọi một đoạn đường phía ngoài ngôi nhà. Anh cho rằng vợ mình ngủ quên, định bụng vào trong nhà tắt đèn, nhưng không ngờ lại bị vợ cản lại. Anh chưa kịp hỏi nguyên do thì chị vợ đã chỉ tay ra ngoài cửa sổ cho chồng nhìn.

Ven đường bên ngoài cửa sổ là một chiếc xe ba bánh chở đầy rác. Ngay cạnh đó, một cặp vợ chồng đang ngồi nghỉ dưới ánh đèn ấm áp bên hiên nhà. Họ vừa nói vừa cười, và cùng nhau ăn chút gì đó để lót dạ đêm khuya.

Nhìn thấy cặp vợ chồng ấy đang chuyện trò vui vẻ dưới ánh đèn, cả anh và vợ đưa mắt nhìn nhau rồi nhẹ nhàng rút lui. Có lẽ hai vợ chồng người thu gom rác ấy sẽ vĩnh viễn không biết rằng, ở đâu đó trong thành phố này, có một ngọn đèn vẫn hàng đêm vì họ mà thắp sáng.

Và bạn thấy đấy, có những sự giúp đỡ diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ. Vậy cớ sao cứ phải đợi đến khi mắt thấy, tai nghe rồi chúng ta mới biết ơn trong lòng?

Bởi vì, có những “cho đi” không bao giờ mong chờ bạn đền đáp. Có những “giúp đỡ” không bao giờ chờ bạn nói “Cảm ơn!”

Vì vậy, hãy cứ biết ơn cuộc đời này và hãy dùng lòng cảm ơn để đối đãi với tất cả mọi người xung quanh bạn.

Và đừng quên rằng:
  • Không biết trân quý, có núi tiền cũng chẳng thể vui tươi.
  • Không biết khoan dung, có bạn bè rồi cũng rời ra.
  • Không biết cảm ơn, có tài giỏi cũng chẳng thể thành công.
  • Không biết hành động, có thông minh cũng chẳng thể viên dung.
  • Không biết hợp tác, có làm việc chăm chỉ cũng không thành đại sự.
  • Không biết tiết kiệm, có kiếm nhiều tiền cũng không thể phú quý.
  • Không biết thỏa mãn, có nhiều tiền cũng không thể hạnh phúc.
  • Không biết dưỡng thân, có trị liệu cũng chẳng thể trường thọ.

Hãy nhớ:
  • Có một thứ không thể lợi dụng: Đó chính là thiện lương.
  • Có một thứ không thể gian dối: Đó chính là tình cảm.
  • Có một thứ không thể lừa gạt: Đó chính là sự chân thành.
  • Có một thứ không thể thiếu: Đó chính là bạn bè.
  • Có một thứ không thể tha thứ: Đó chính là phản bội.
  • Có một thứ không thể cứu được : Đó chính là tuyệt vọng.
  • Có một thứ không thể bội quên : Đó chính là cảm ơn.

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

Mùa vọng : Mùa trong veo

Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài.  Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền.  Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình.  Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái.  Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa.

Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu.  Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn.  Kết truyện là đám cưới.

Truyện có hậu và có nét hấp dẫn riêng của thể loại, nhưng điều hấp dẫn hơn hết đối với tôi không phải là cốt truyện cho bằng chính tựa đề “Tình yêu trong veo”: trong veo giữa hai người cha biết xoá tan ngờ vực để thêm gần gũi; trong veo giữa hai bạn trẻ biết vượt qua thử thách để giữ vững tình yêu.  Xin mượn tựa đề “Tình yêu trong veo” ấy để gọi tên Mùa Vọng là mùa trong veo một tình yêu.

1) Bằng tình yêu trong veo, Thiên Chúa trao thân cho con người.

Trong khi người Do Thái còn đang mải miết với một vì Chúa ở trên cao và dường như say sưa về một Đấng ở xa con người, đến nỗi trong quan hệ nguyện cầu, thay vì xin những biểu tỏ gần gũi để dễ dàng nắm bắt, họ lại chỉ dám xin một dấu lạ điềm thiêng mãi tận trời cao vượt quá tầm nhìn; và trong niềm mong chờ Đấng Cứu Thế, vốn là mạch sống hy vọng cho cả dân tộc, họ những tưởng nghĩ rằng Người sẽ đến, nhưng là đến trong cung cách của một vị Chúa oai phong lẫm liệt, cho muôn dân nếu không phải cúi đầu sợ hãi thì cũng phải bái phục tôn thờ.  Có ngờ đâu, khi Chúa đến, Người lại chọn cho mình một cách đến rất khác lạ.

Người đến thật gần: trong thân phận của một con người để làm người giữa muôn người trần thế.  Người đến thật thấp: thấp đến nỗi chọn cho mình cách sống của một người cùng khổ dưới đáy xã hội. Người yêu thương con người để sẵn sàng trao thân cho họ, chấp nhận phải điều đình, chấp nhận được cưu mang, chấp nhận được sinh hạ, chấp nhận được làm người: “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).

Phải chăng khi trao thân cho con người như thế, Thiên Chúa sẽ được thêm vinh quang?  Phải chăng nếu không trao thân cho nhân loại, Thiên Chúa vẫn là Chúa, nhưng là một vị Chúa không được ai biết đến hay là một vị Chúa bị kết án phải cô đơn?  Thưa không phải thế.  Chính khi trao thân cho con người trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa không còn úp mở như trong thời Cựu Ước nữa, Người đã dứt khoát cho thấy mình là Đấng giải cứu con người và sẵn sàng làm hết cách để thực hiện bằng được chương trình của Người mà không đợi chờ mảy may vinh quang nào ngoài lợi ích cứu độ cho người trần gian.  Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể; để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

Chính hai Danh xưng được nêu lên trong phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã nói lên tất cả.  Danh xưngEmmanuel khẳng định “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Danh xưng Giêsu bộc lộ “Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ” (Mt 1,23-25).  Nối kết hai Danh xưng ấy nơi Đấng Cứu Thế, ta sẽ thấy một tình yêu trong veo Thiên Chúa dành cho con người: Người là Thiên Chúa ở cùng ta để cho ta ơn cứu rỗi, và Người là Thiên Chúa cứu độ ta bằng cách ở cùng ta.

2) Bằng tình yêu trong veo, con người gửi phận cho Thiên Chúa.

Nếu bằng tình yêu trong veo cứu độ, Thiên Chúa trao thân cho con người, thì Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng cho thấy những nhân vật gần gũi với mầu nhiệm Giáng Sinh nhất là Đức Maria và thánh Giuse đã bằng tình yêu trong veo tự nhiên gửi phận mình cho Thiên Chúa.

Đối với Đức Maria, tình yêu trong veo đã rõ qua tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, mà Phụng Vụ hữu ý mừng kính ở đầu Mùa Vọng.  Tình yêu ấy đã rõ trong việc Mẹ dâng mình vào Đền Thánh, nhưng tình yêu ấy còn rõ ràng hơn khi tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.  Ngày Truyền Tin, mới gặp sứ thần, Đức Maria đã bối rối, thứ bối rối của một tình yêu trong sạchbuổi đầu gặp gỡ.  Rồi, lúc được đề xuất làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã băn khoăn, thứ băn khoăn của một tình yêu trong sáng muốn được giải thích đôi câu.  Và chính lúc thưa “Xin vâng” (Lc 1,38) là cả một tình yêu trong veo như chưa bao giờ trong đến thế, Đức Maria đã gửi trọn phận mình vào tay Thiên Chúa, bất chấp đó là một mạo hiểm chết người: trinh nữ mà lại mang thai, phải ăn nói ra sao với thánh Giuse? Mới đính hôn thôi mà sắp thành mẹ, phải dàn xếp thế nào cho hợp luật pháp?

Còn thánh Giuse, con người lặng thầm nhất của Mùa Vọng, đã được đặt vào một tình huống khó xử đến độ ray rứt, nhất là trong những ngày trước lúc Đấng Cứu Thế giáng sinh như Phúc Âm hôm nay mô tả.  Nhưng chính ở đây ông đã chứng minh bằng những nét đẹp kín đáo hào hùng về một tình yêu trong veo từ lâu đã dệt nên đời sống qua những lựa chọn xé lòng.  Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, ông cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui.  “Đào vi thượng sách” là giải pháp an toàn nhất.  Nhưng chính lúc ấy, được tỏ nguồn cơn, ông đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong veo, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).

Nhìn như thế, tình yêu trong veo đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse, để mái nhà chung sống không chỉ là nơi che nắng trú mưa cho qua ngày đoạn tháng, mà đã trở thành một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng để sinh Người ra cho dương thế, cho dẫu tình yêu trong veo ấy trên đường cứu độ như một bản trường ca sẽ không thiếu những quãng nghịch, mà việc khó xử hôm nay trong Phúc Âm mới chỉ là những nốt nhạc mở đầu.

3) Cũng bằng tình yêu trong veo, ta đón mừng lễ Giáng Sinh.

Hiểu như trên, Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng rõ ràng là một tình yêu hai chiều trao gửi: Thiên Chúa trao thân cho con người để con người biết gửi phận mình cho Thiên Chúa.  Đồng thời cũng là Chúa Nhật trong veo của những tấm lòng biết gửi trao tấm lòng trong ơn cứu độ.

Trên nền tảng ấy, tình yêu trong veo đã trở nên tinh thần phải có để đón Chúa Giáng Sinh.  Trong những ngày này, đi ra phố xá, đã nghe vang lên những bài ca Giáng Sinh quen thuộc; ngang qua nhà thờ, đã thấy trưng bày những bộ Noel với hang đá, cây thông, đèn sao đẹp mắt; và đi tới chỗ nào cũng thấy thấp thoáng Giáng Sinh với muôn màu lấp lánh.  Nhưng có một màu được xem là không thể quên hay không bao giờ quên đối với mọi tín hữu mừng lễ Giáng Sinh, màu đó không ở trên áo quần giầy dép, môi mép tóc tai, hoa cài áo khoác, mà là ở trong tấm lòng kìa!  Đó là màu trong veo của những tâm hồn trinh trong biết cưu mang ý Chúa và biết sinh hoa kết trái trong cuộc sống công minh chính trực của mình.

Nếu ngày xưa trong khúc hát quan họ Sion, câu xướng “Ai được lên Núi Chúa?” đã nhận được lời đáp “Chỉ những người thật thà ngay chính tay sạch lòng thanh mới được bước tới Thánh Cung” (Tv 23,3-4), thì hôm nay cũng thế, trong bài ca cuộc sống ai cũng nôn nao xôn xao ồn ào huyên náo tiếp cận lễ Giáng Sinh cả, kẻ tiếp thị, người tiếp tân; nhưng chỉ có những tấm lòng trinh trong mới xứng đáng trở nên Hang đá tiếp đón Chúa sinh vào.  Chúa chỉ một lần đến sinh ra trên trần thế là đủ để cứu chuộc muôn người, nhưng giả như Người có đến sinh ra nhiều lần hơn nữa cũng vẫn thiếu, nếu lòng người chưa sẵn sàng một tình yêu trong veo mở ra đón nhận.  Liệu ta hôm nay đã sẵn có một tâm hồn như thế trước lễ Giáng Sinh?

Hơn nữa, tình yêu trong veo cũng là tiếng nói cuối cùng của Mùa Vọng thúc đẩy ta đến với những người xung quanh.  Không thể có Mùa Vọng đầy đủ nếu bỏ quên chiều kích tha nhân trong tình yêu của mình, và cũng chẳng tiếp đón Chúa cho đủ nếu từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong những sinh hoạt hằng ngày.

Trong Phúc Âm, Giuse biết tiếp nhận ý Chúa “qua giấc mơ”, để rồi sau đó “tỉnh dậy” ông mau mắn đón Đức Maria nên bạn đường bạn đời của mình, cho dẫu hậu thế có kẻ điều ong tiếng ve xem ông như kẻ “vô tư”.  Nhưng đó lại là bước đột phá của một tình yêu trong veo biết nhận ra rằng: Thiên Chúa đã ân cần trao thân cho mình qua mầu nhiệm Nhập Thể, thì mình cũng tín thác gửi phận mình trong mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa.  Đó là hai chiều gặp gỡ của tình yêu Giáng Sinh.

Tóm lại, tình yêu trong veo là động lực khiến Chúa đến với con người và là nguồn lực thúc đẩy con người tiếp đón Chúa, để trong cuộc sống cụ thể trở thành nỗ lực của mọi tín hữu đón lễ Giáng Sinh. Trong khi còn chuẩn bị và chưa thực sự được tiếp đón Chúa, hãy bắt đầu bằng cách thực tập tiếp đón những hình ảnh sống động của Chúa là những người ta gặp hoặc những người gặp ta bằng một tình yêu trong veo luôn thăng tiến.  “Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ, sẽ chẳng gặp Ngài giữa cao sang. Nếu không gặp Ngài ở dưới đất, sẽ chẳng gặp Ngài chốn Thiên Đàng” (thơ Xuân Ly Băng).

Đến đây, xin được khép lại những chia sẻ Mùa Vọng năm nay.  Xin cám ơn Mùa Vọng đã đem đến những ý nghĩ đẹp màu.  Xin cám ơn cộng đoàn đã vui lòng lắng nghe.  Hy vọng những tâm tình chia sẻ cũng cung cấp chút ý tưởng giúp mỗi người hình thành được Máng Cỏ tâm hồn.  Và cám ơn đứa cháu nhỏ đã tình cờ viết lộn chữ Mùa Vọng thành chữ “Màu Vọng” để có được bốn sắc màu chia sẻ nơi đây. Qua xanh đến tím gặp hồng, dìu ta đón Chúa với lòng trong veo.

(ĐGM Vũ Duy Thống)

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Sống mùa Vọng

Sống mùa Vọng này với kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima, chúng ta sẽ có một cái nhìn phải đổi mới chính mình và Hội Thánh mình trên Quê Hương Việt Nam.

1. Để kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh năm nay. Hội Thánh dạy chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn một cách sốt sắng. Thời gian chuẩn bị kéo dài bốn tuần lễ. Thời gian đó quen gọi là mùa vọng.
Suốt Mùa Vọng, tôi cầu nguyện và làm những việc mà Phụng Vụ chỉ dẫn.
Kinh nghiệm trong Ơn Chúa Thánh Thần, tôi nhấn mạnh nhiều hơn đến mấy việc sau đây. Xin phép được chia sẻ vắn tắt.

2. Việc thứ nhất là tăng cường những liên đới thương cảm.
Phúc âm thánh Gioan dạy: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
Tôi hiểu: vì thương yêu tôi, nên Chúa giáng trần. Tôi tin Chúa giáng trần, là để cứu tôi. Tôi đón nhận Người bằng sự tôi tin vào tình yêu của Người, và bằng sự tôi thương người khác, như Người đã phán: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

3. Theo kinh nghiệm, tôi thấy những việc yêu thương nhau giữa chúng ta, nếu muốn được là“như Chúa yêu thương chúng ta”, thì chúng ta phải có lửa yêu thương thực sự do Chúa chia sẻ cho. Lửa yêu thương đó được tôi gọi là thương cảm.

4. Thương cảm là một tình yêu cho đi. Nó như lửa. Vui vì được hi sinh cho người khác. Cho đó là ý nghĩa đời mình.

5. Tới đây, tôi nhớ tới những thương cảm, mà tôi đã nhận được từ bao người dành cho tôi. Những thương cảm đó rất sống động, tuy rất âm thầm, rất kín đáo, và rất bé nhỏ. Những thương cảm chân thành đó đã cứu tôi, đã giúp tôi nhận ra Chúa, đã đưa tôi về với Chúa, một Chúa là tình yêu hi sinh trên thánh giá.
Cũng chính những thương cảm đó đã mở rộng lòng tôi ra, để tôi biết nhìn mọi người bằng cái nhìn yêu thương của Chúa. Phải nhận sự thực này là: đối với những người nghèo khổ bệnh tật, cô đơn, chúng ta tuy có giữ liên đới, nhưng thường vẫn thiếu thương cảm thực sự.

6. Việc thứ hai là tăng cường những thứ tha, lấy yêu thương xoá bỏ hận thù.
Tôi tin lời Chúa phán:
“Thiên Chúa sai Con Một Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Tôi tin như thế. niềm tin của tôi được thể hiện bằng sự chính tôi cũng biết bắt chước Chúa, mà tha thứ, mà không lên án.

7. Tôi sẽ xin với Chúa Cha cũng một lời cầu của Chúa Giêsu xưa trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, Vì họ làm nhưng không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

8. Suốt cuộc đời dài của tôi, tôi đã gặp được không ít những tấm lòng thứ tha quảng đại. Những tấm lòng đó đã giúp tôi sống nhẹ nhàng, chỉ có yêu thương, chứ không nặng nề với những hận thù và kết án.Những tấm lòng đó là những hạt giống Tin Mừng đang được gieo vào lịch sử Đất Nước tôi. Cần phải có thời gian, để những hạt giống đó nảy sinh ra cánh đồng an bình yêu thương.

9. Nhưng cũng rất cần tôi phải tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa vào những cám dỗ xa lìa những cơ hội để tha thứ. Nếu tôi cứ khăng khăng quả quyết: chính họ phải xin lỗi chúng ta, thì chúng ta sẽ rất lầm, và dễ dánh mất cơ hội để hoà giải.

10. Việc thứ ba là cùng với Mẹ Maria tăng cường những khám phá ra những tiềm năng tốt trong lịch sử mình đang sống và nơi những người xung quanh mình.
Tôi luôn nhớ tới lời Chúa Giêsu nói từ trên thánh giá với môn đệ Gioan: “Đây là mẹ của con”(Ga 19,27).
Chỉ một tiếng: “Mẹ của con” đã giúp tôi khám phá biết bao tiềm năng tốt trong lịch sử mà tôi đã và đang trải qua.

11. “Mẹ” là cảm xúc gần gũi và ngọt ngào. Suốt đời tôi, nhất là trong mùa vọng, Mẹ Maria là tình yêu bao la đã và đang giúp tôi khám phá. Khám phá mà Mẹ giúp tôi thực hiện, thường kín đáo. Khám phá những sự lạ lùng Chúa làm trong thế giới các tâm hồn. Ngay tại Việt Nam hôm nay, vẫn có rất nhiều tâm hồn được Chúa ban cho những ơn rất trọng đại. Họ là những tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường.
Với Mẹ Maria, tôi nhìn thấy nơi nhiều đồng bào những điểm tốt, nhất là về nhân bản, nhân đạo, nhân cách.

12. Sống mùa vọng, như tôi vừa chia sẻ trên đây, sẽ không ồn ào và hoành tráng. Giống như Mẹ Maria xưa, khi mang thai Chúa Cứu Thế, nhiều tâm hồn sống mùa vọng đã và đang âm thầm tỉnh thức và cầu nguyện.

13. Nếu tôi thực sự cảm thấy mình còn xa những gì Chúa dạy tôi như trên, cái mình có vẫn còn quá ít, thì chính nhận thức đó sẽ giúp tôi nhận ra sự nghèo nàn của tôi, để càng tăng thêm hối cải và tin vào lòng thương xót Chúa.

14. Hiện tình Việt Nam là rất phức tạp. Hiện tình thế giới là rất căng thẳng. Chính vì vậy, mà mùa vọng này đang là một mời gọi Chúa gửi đến chúng ta. Chúng ta cần trân trọng đón nhận lời mời gọi tha thiết này của Chúa. Tôi có cảm tưởng là: thế giới đang bước vào thời kỳ mà quỷ Satan được phép lộng hành. Chỉ Chúa mới trị được nó mà thôi.

15. Năm 2017 sắp tới sẽ là kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Nhân kỷ niệm này, chúng ta nên nhớ lại những cảnh báo, mà Đức Mẹ đã nói ở Fatima. Cảnh báo về một tình hình khủng khiếp sẽ xảy ra cho thế giới và cho Hội Thánh. Chỉ Chúa mới cứu được thôi.
Sống mùa Vọng này với kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ Fatima, chúng ta sẽ có một cái nhìn phải đổi mới chính mình và Hội Thánh mình trên Quê Hương Việt Nam.
Đổi mới. Phải đổi mới ngay từ bây giờ. Kẻo sẽ quá muộn. Khiêm nhường biết mình cần đổi mới là bước đầu tốt. Tự mãn coi mình không cần đổi mới, là tự sa chìm xuống vực thẳm hư vong.

16. Riêng tôi, tôi vui mừng cảm tạ Chúa, vì Chúa ban mùa Vọng này cho tôi, như một cơ hội chứa chan niềm vui và hi vọng.
Niềm vui và hi vọng này sẽ được chia sẻ rộng rãi trên khắp Quê Hương Việt Nam yêu dấu.
Niềm vui và hi vọng này cần có một cái nhìn sáng suốt và một tinh thần trách nhiệm cao.
Niềm vui và hi vọng này là của chung mọi đồng bào thân yêu, không phân biệt ai, không loại trừ ai. Mùa Vọng là của mọi người. Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 24.11.2016
+ Gm. GB Bùi Tuần

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Khi con không có tóc

1. Từ lúc nào không biết, mẹ rất ghét những thằng con trai không có tóc, nói nôm na bình dân là những thằng đầu trọc. Mẹ không cần biết nó đẹp hay xấu, tốt hay không, chỉ nhìn cái đầu không có tóc của nó là ưa không nổi. Ông bà mình nói ghét của nào trời cho của đó, hay mẹ bị quả báo nhãn tiền, hay là mẹ bị Chúa phạt v.v... mà  khi học gần xong, sắp sửa nộp hồ sơ xin việc làm bỗng dưng tóc con cứ thưa dần, thưa dần. Bố và mẹ rầu trong bụng lắm mà không dám nói ra, thời gian đó còn làm việc nên mẹ hay trốn để đi lễ kính Lòng Thương xót Chúa mỗi chiều thứ năm trong tuần ở nhà thờ Chí Hòa. Mẹ nhớ mẹ đã cầu nguyện với Chúa hai ơn :
- Ơn thứ nhất : Xin Chúa cho ông ngoại bớt bệnh để đừng bị chích nữa.
Lúc còn sống, ông ngoại bị tiểu đường, mấy năm rồi ngày nào cũng phải chích hai mũi sáng chiều, ngày nào cũng phải thử đường. Cậu tư phụ trách công việc chích cho ông ngoại, chích riết không còn chỗ chích, từ cánh tay, vai, bụng v.v... chỗ nào có thể chích được là cứ cầm kim lủi tới chứ biết sao !
- Ơn thứ hai : Xin cho con đừng bị rụng tóc.
Mẹ nói với Chúa : Chúa ơi ! con trai của con không có ngoại hình cao to, đẹp trai, nó không được giỏi giang như con người ta mà bây giờ tóc nó còn bị rụng như vầy làm sao xin việc được. 
Mẹ nghĩ nhà tuyển dụng nào cũng giống mẹ ghét những thằng không có tóc.
Cầu nguyện xong rồi mẹ quên vì mẹ biết hai điều mẹ xin chắc là khó, thôi thì cầu thì cầu nhưng cứ chấp nhận sống chung với lũ vậy.

Mẹ và bố loay hoay tìm thuốc cho con. Đầu hẻm nhà ngoại người ta bán nước ép bưởi, họ cho vỏ bưởi thoải mái, nhưng càng xức tóc con lại càng thê thảm hơn. Uống thuốc thì sợ tác dụng phụ. Con nói với mẹ là con không quan trong chuyện có tóc hay không thì bố mẹ cũng đừng lo lắng như thế, 
Nghe con nói, bố mẹ bớt lo. Ừ ! Dẫu sao con cũng là con trai mà.

Không bao lâu sau đó, mẹ không nhớ chính xác thời gian.
Trong một lần khám bệnh định kỳ, bác sĩ điều trị không để ông ngoại chích nữa, chỉ uống thuốc thôi.
Con cũng  xin được việc làm ở công ty của Pháp, rất nhanh, rất nhẹ nhàng.
Mẹ nhớ hôm đi phỏng vấn về, con buồn buồn nói với mẹ :
- Mẹ ơi, hôm nay con đi phỏng vấn với một đứa du học ở Mỹ về, nó có hai bằng đại học, phỏng vấn từ bên Pháp bằng điện thoại mà nó trả lời lưu loát lắm, trong khi con nghe không rõ, cứ phải yêu cầu người ta lập lại hai, ba lần mới nghe kịp.
Mẹ an ủi con đừng buồn, con không được nhận là chuyện bình thường thôi, mẹ còn đi làm một năm nữa, con cứ yên tâm học cho thật tốt, con cũng chưa ra trường, không cần phải nôn nóng.
Vậy mà chỉ năm ngày sau, công ty gọi con đi làm, giữa hai người xin việc, con được chọn.

Tóc con cứ thưa dần, thôi thì chẳng thà cạo sạch còn dễ nhìn hơn.
Lúc đầu con còn ra tiệm, về sau con mua tông đơ về, tự làm tại nhà luôn, đỡ tốn tiền và tiết kiệm được thời gian.
Mẹ bỗng nhớ lại hai điều mẹ đã cầu nguyện với Lòng Thương xót của Chúa ngày nào, mẹ đã quên rồi nhưng Chúa thì nhớ. Chúa đã cho chúng ta điều chúng ta cần chứ không cho cái chúng ta xin.
Điều mẹ cần là công việc của con chứ không phải mái tóc của con.
Cám ơn Chúa về công việc của con.

2. Bích Du là con đỡ đầu, con thiêng liêng của mẹ. 
Bích Du học giỏi, hiền lành, hai chị em khá hợp nhau. 
Bích Du bệnh, hóa trị rụng hết tóc. Mẹ và con đến thăm chị. 
Nhìn hai cái đầu trọc lóc ngồi cạnh nhau, mẹ nói vui :
- Mai mốt con có đi đâu nhớ rủ Quang đi với, khỏi mắc công đội tóc giả làm chi cho nóng nực. Ai có hỏi thì nói sư tỉ đi chơi với sư đệ nha con.
Bích Du cười thành tiếng khi nghe mẹ nói.

Nhưng hôm nay thì bệnh của chị không chỉ dừng ở chỗ rụng hết tóc.
Bích Du không còn cử động chân tay được nữa, cổ cứng đờ không thể quay qua quay lại. Khối u ở não đã to gần bằng nắm tay bên ngoài hộp sọ. Phần sống và hoạt động duy nhất của chị bây giờ có lẽ chỉ còn trái tim đang đập trong lồng ngực.
Mọi người nhìn chị xót xa.

Chị không thể để tóc nhưng tóc vẫn mọc dài, mọc lên cả vết thương, chỗ đó da rất mỏng.
Khó tìm người có thể cạo tóc cho chị lúc này. Thợ cắt tóc không dám làm.
Và con đã đến, bằng tất cả kinh nghiệm bản thân, con nâng niu, nhẹ nhàng từng đường ủi trên mái tóc ấy, không để chị đau. Tóc cạo xong, con lại tỉ mỉ, kỹ lưỡng lấy cho sạch, không để bất kỳ một sợi tóc nhỏ nào sót lại trên thân thể người bệnh, khó chịu lắm vì chị không còn nói được nữa. 

Nhìn con làm, sau nhiều năm mẹ đã nói lên được rằng :
Lạy Chúa, đây là lần đầu tiên con biết nói lời cám ơn với Chúa, vì Chúa đã để cho con trai của con không có tóc. Vì Chúa biết ngày hôm nay nó sẽ làm công việc ấy cho một người bệnh như thế này...

Cám ơn Chúa đã thương ban cho con sức khỏe, công việc.
Xin cho con biết dùng những ưu, khuyết điểm của Chúa ban để giúp đỡ anh chị em và những người chung quanh con như người đầy tớ trung tín biết sinh lợi nén bạc cho chủ.

(Viết tặng con trai vào ngày sinh nhật lần thứ 27 của con)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Ngày 8/12 - Giờ ân huệ


GIỜ ÂN HUỆ DO MẸ MARIA BAN CHO: 8 THÁNG 12
LỜI YÊU CẦU CỦA ĐỨC MẸ MARIA VỀ GIỜ ÂN HUỆ:

1. GIỜ ÂN HUỆ bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 1 giờ trưa, ngày 8 tháng 12 hàng năm. Đó là ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và đó là Giờ Ân Huệ.

2. Nếu không đến được Nhà Thờ thì hãy cầu nguyện ở nhà nhưng đừng nghe điện thoại hay mở cửa đón tiếp ai. Hãy tịnh hiệp với Chúa Giêsu trong Giờ Ân Huệ này.

3. Quỳ cầu nguyện Thánh Vịnh 51 ba lần với hai cánh tay giang ra.


4. Sau đó, hãy cầu nguyện trong thinh lặng với Chúa để suy niệm về Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu KiTô. Có thể đọc Kinh Mân Côi, cầu nguyện ca ngợi Chúa và đọc các Thánh Vịnh khác.

5. Xin hãy thông báo cho nhiều người được biết.

6. Hãy cầu nguyện cho tổ quốc trong Giờ Ân Huệ này.

7. Đức Mẹ Maria mong muốn mọi người hãy truyền bá các thông điệp của Mẹ cho toàn thế giới được biết. Hãy giúp đỡ Mẹ trong sứ mệnh của Mẹ để các Linh Hồn được tìm về với Chúa để rồi Chúa Giêsu được mọi người yêu mến. Đó là bài ca tuyệt mỹ hằng sống trong Mẫu Tâm Mẹ. Đó cũng là điều mà trái tim chúng ta mong ước.

Đức Mẹ phán: “Các con sắp sửa nhận ra sự vĩ đại của Giờ Ân Huệ này!”
Giờ Ân Huệ: Ngày 8/12 Đức Mẹ Hiện Ra Với Tước Hiệu Hoa Hồng Mầu Nhiệm

Đức Mẹ hiện ra tại vùng Montichiari, nước Ý với một nữ y tá độc thân là bà Pierina Gillio (1911-1991). Bà làm việc tại một bịnh viện. Đức Mẹ Maria phán với bà Pierina rằng:

“Bằng việc hiện ra ở Montichiari, Mẹ mong muốn được tôn kính với tước hiệu Hoa Hồng Mầu Nhiệm (Rosa Mystica). Mẹ mong muốn có một giờ của Lòng Thương Xót cho toàn thế giới vào lúc 12 giờ trưa mỗi ngày 8 tháng 12 hàng năm (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội).

Việc tôn kính này sẽ đem lại nhiều ơn lành cho Linh Hồn và thể xác các con. Lòng Thương Xót của Mẹ muốn có một thánh tượng Hoa Hồng Mầu Nhiệm được tạc và qua việc rước kiệu ấy, Mẹ sẽ ban nhiều ơn lành thánh cho toàn thế giới.

Các con nên trình lên Đức Giáo Hoàng Piô XII về sự mong muốn của Mẹ để có một giờ Ân Huệ cho toàn thế giới. Nếu ai không thể đến Nhà Thờ được thì hãy cầu nguyện tại nhà của họ vào đúng 12 giờ trưa ngày 8 tháng 12 thì người ấy sẽ nhận được nhiều ơn lành qua Mẹ. Những ai cầu nguyện và khóc lóc thống hối thì sẽ tìm được cầu thang lên Thiên Đàng và nhận được sự bảo vệ và ơn lành của Mẹ”.

Trong một tài liệu khác nói về thị kiến của bà Pierina Gillio thì Đức Mẹ Maria nói thêm rằng:
“Nếu người nào quỳ gối giang tay đọc Thánh Vịnh 51 ba lần vào lúc 12 giờ trưa mỗi ngày 8 tháng 12 hàng năm thì sẽ nhận được nhiều ơn tha thứ”.


MẸ MARIA HOA HỒNG MẦU NHIỆM

Vào ngày 8 tháng 12 nhân dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, qua thị nhân Pierrina, người Ý, Đức Mẹ Maria đã ban một thông điệp như sau:

“Ước muốn của Mẹ là cứ mỗi năm vào ngày 8 Tháng 12 vào lúc 12 giờ trưa, các con hãy làm một giờ Thánh gọi là Giờ Ân Huệ cho toàn thế giới. Các con sẽ nhận được rất nhiều ân sủng thánh thiện cho việc làm này!”.

Và:
“Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ đổ tràn đầy Lòng Thương Xót Chúa trên những người tốt lành vì họ biết cầu nguyện liên lỉ cho các người tội lỗi”.

“Giờ Ân Huệ này mang lại nhiều ơn hối cải đến cho những trái tim chai đá và cứng cỏi. Ân sủng của Chúa sẽ đụng chạm đến họ và biến đổi họ thành những con cái trung thành của Chúa trong tình yêu mới. Thiên Chúa mong muốn nhân loại hãy thống hối”.

Đức Mẹ Maria phán:
“Việc đền tội không gì khác hơn là hãy chấp nhận những cây Thánh Giá hàng ngày một cách vui vẻ. Dù Thánh Giá lớn hay nhỏ thì cũng hãy chấp nhận với tình yêu!”.

Đức Mẹ Maria phán với thị nhân Pierrina rằng:
“Con hãy đến với Mẹ vào buổi trưa ngày 8 tháng 12 bởi vì đó là Giờ Ân Huệ của Mẹ”.

Chị Pierrina hỏi Mẹ xem chị cần phải làm gì để chuẩn bị cho Giờ Ân Huệ này thì Đức Mẹ Maria phán:

“Các con hãy chuẩn bị với lời cầu nguyện và việc đền tội. Hãy cầu nguyện Thánh Vịnh số 51 ba lần với hai tay giang ra. Trong Giờ Ân Huệ này, nhiều ơn lành thiêng liêng được ban cho những ai hết lòng cầu nguyện và thống hối. Những kẻ có trái tim chai đá nhất sẽ được ơn Chúa tác động. Mẹ hứa ban cho những ai xin ơn Mẹ trong Giờ Ân Huệ này, ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất, ơn ấy sẽ được ban cho, nếu hợp với Thánh Ý Chúa Cha Trên Trời”.

****
THÁNH VỊNH 51:  

           Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, 
            mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
4          Xin rửa con sạch hết lỗi lầm 
            tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
5          Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
6          Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, 
            dám làm điều dữ trái mắt Ngài. 
            Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, 
            liêm chính khi xét xử.
7          Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, 
            đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
8          Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, 
            dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
9          Xin dùng cành hương thảo 
            rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền ; 
            xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
10         Xin cho con được nghe 
            tiếng reo mừng hoan hỷ, 
            để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
11         Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi 
            và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.
12         Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, 
            đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
13         Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, 
            đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
14         Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, 
            và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;
15         đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, 
            ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
16         Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, 
            xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính.
17         Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, 
            cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
18         Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, 
            con có thượng tiến lễ toàn thiêu, 
            Ngài cũng không chấp nhận.
19         Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, 
            một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
20         Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, 
            thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại.
21         Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, 
            lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế. 
            Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.

*****
“Các con hãy thông báo cho Đức Giáo Hoàng Pio thứ XII rằng đây là ý của Mẹ, Mẹ muốn Giờ Ân Huệ cho toàn thế giới được truyền bá cho tất cả mọi người được biết. Nếu ai không thể đến Nhà Thờ được thì hãy cầu nguyện tại nhà mình vào buổi trưa ngày 8 tháng 12 thì họ cũng nhận được ân huệ của Mẹ. Những ai cầu nguyện và khóc lóc thống hối sẽ tìm thấy một cầu thang vững chắc để dẫn đến Thiên Đàng. Họ cũng sẽ nhận được sự bảo vệ và ơn phúc qua Trái Tim đầy tình yêu Từ Mẫu của Mẹ”.

Sau đó Đức Mẹ Maria chỉ cho thị nhân Pierrina thấy Mẫu Tâm của Mẹ và phán:

“Con hãy nhìn xem Mẫu Tâm Mẹ yêu thương nhân loại nhiều vô cùng nhưng nhiều người đã xúc phạm đến Mẫu Tâm Mẹ. Nếu những người tốt và xấu cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện thì họ sẽ nhận được Lòng Thương Xót và bình an trong Mẫu Tâm Mẹ. Thiên Chúa đang bảo vệ những người tốt và đang ghì lại những hình phạt dành cho người tội lỗi vì Mẹ đang cầu bầu cho tất cả các con”.

Đức Mẹ Maria mỉm cười và phán:
“Các con sắp sửa nhận ra sự vĩ đại của Giờ Ân Huệ này!”.
Khi chị Pierrina thấy Đức Mẹ Maria sắp biến đi thì chị cầu khấn:
“Lạy Mẹ, con xin cảm tạ Mẹ. Xin Mẹ chúc phúc cho tổ quốc của con là nước Ý và toàn thế giới. Xin Mẹ ban ơn đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng của chúng con, cho các Linh Mục và tu sĩ nam nữ và cho những người tội lỗi”.

Đức Mẹ Maria phán:
“Mẹ vừa chuẩn bị cho một dòng suối ân huệ ngập tràn cho tất cả những con cái lắng nghe lời Mẹ và giữ lời Mẹ trong trái tim họ”.

XIN VUI LÒNG PHỔ BIẾN CHO NHIỀU NGƯỜI ĐƯỢC BIẾT GIỜ ÂN HUỆ NÀY. 
XIN CẢM ƠN VÀ XIN CHÚA CHÚC LÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.