Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Ta muốn lòng nhân

1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: "Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !" 3 Người đáp : "Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. - 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát."


Suy Niệm
Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.
Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.
Ngài viết : “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?
Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,
dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân” (Luận Ngữ, IV, 5).
Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.
Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu :
“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.
Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do-thái giáo.
Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.
Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.
Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sa-bát.
Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.
Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng,
đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).
Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.
Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,
vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).
Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.
Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.
Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),
thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,
những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.
Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.
Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.
Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,
khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.
Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,
phải đi với lòng nhân.
Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,
thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).
Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.
Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.
Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Khi yêu thì người ta trở nên chi li.
Không phải chi li để xét đoán người khác.
Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.
Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.


Cầu Nguyện
Lạy Chúa GiêSu, vì con bé nhỏ
nên xin yêu Ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày
những công việc âm thầm
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa , xin cho con can đảm
dám chọn những gì giúp con nên nhỏ bé hơn
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ BeLem đến Núi Sọ
và được ở bên Chúa trong Nước Trời .

Amen

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Gần gũi với Thánh Giuse

1. Từ rất nhỏ, tôi được nghe nhiều lần Bố tôi kể lại lời trối của Ông Nội tôi, đại khái như sau:
Trong giờ hấp hối, Ông Nội gọi tất cả các con lại bên mình và trối rằng: Các con hãy yêu mến Thánh Giuse một cách đặc biệt. Thánh Giuse rất thương kẻ nghèo. Gia đình mình cũng nghèo.

2. Với lời trối đơn sơ đó của Ông Nội, tôi thường cầu nguyện với Thánh Giuse. Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, tôi càng cầu nguyện với Ngài một cách tha thiết và gắn bó hơn.

3. Được gần gũi với Thánh Giuse, tôi hay được Ngài dạy bảo. Ngài dạy bảo tôi một cách nhẹ nhàng, có vẻ chậm rãi. Không có gì gọi được là áp đặt cả. Riêng trong lãnh vực tu đức, tôi xin diễn tả con đường Ngài dạy tôi vắn gọn như sau:

4Hãy khiêm tốn quên mình.
Xưa, khi được sứ thần Chúa báo cho Ngài biết ý Chúa là: Hãy hãy đón nhận trinh nữ Maria làm bạn trăm năm, để bảo vệ trinh nữ và hài nhi Giêsu, thì Thánh Giuse đã khiêm tốn quên mình. Ngài không nghĩ gì đến quyền của người gia trưởng, trái lại Ngài coi mình như người bảo vệ.

5.  Rồi, khi được sứ thần Chúa báo cho Ngài: Hãy đem Maria và hài nhi trốn sang Ai Cập, Ngài đã khiêm tốn quên mình. Ngài không nghĩ gì đến quyền được mang nhiều tài sản theo mình, mà chỉ lên đường một cách rất nghèo, coi Hài Nhi và Mẹ Hài Nhi mới chính là tài sản, mà mình phải bảo vệ một cách khôn ngoan. Ngài cũng không nghĩ gì đến quyền được tỏ mình ra là một quyền lực thiêng liêng có thể đối đầu với bạo chúa Hêrôđê. Trái lại Ngài rất kín đáo quên mình, dấn thân mình vào chuyến đi dài đầy gian nan một cách khiêm nhường phó thác.

6. Thêm vào sự khiêm tốn quên mình là hãy khiêm tốn hoà mình.
Xưa, ở Belem, ở Ai Cập, cũng như ở Nadarét, Thánh Giuse đã luôn khiêm tốn hoà mình vào lớp người bình dân, nghèo khó. Sống giữa họ, sống như họ, sống nhờ họ, sống chia sẻ chan hoà với thân phận xóm nghèo.
Khiêm tốn hoà mình nơi Thánh Giuse có thể ví như hình ảnh tấm men nhỏ được hoà trong thúng bột, mà Chúa Giêsu đã nói về hình ảnh Nước Trời (x. Mt 13,33). Kín đáo, âm thầm, nhưng hoà tan để biến đổi vô số lòng người.

7. Hơn nữa, hãy khiêm tốn chôn vùi mình.
Xưa, trong suốt cuộc sống, Thánh Giuse đã vất vả, nhọc nhằn, với nhiều hy sinh thường ngày. Ngài đã chôn vùi mình vào những hy sinh đó, như một hạt lúa được chôn vùi để chịu chết đi, đúng như lời Chúa Giêsu đã phán: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

8. Chôn vùi mình một cách khiêm tốn vào những hy sinh hằng ngày, mà chỉ mình Chúa thấy, đó là điều tu đức, mà Thánh Giuse luôn nhắc tôi, nhất là thời gian này tôi đang phải trải qua nhiều thử thách do tuổi già bệnh tật.

9. Ba điều trên đây về tu đức, mà thánh Giuse dạy tôi, thực rõ ràng. Thế mà tôi thực hiện chưa đi đến đâu. Tôi thường thú thực như thế với Thánh Giuse. Ngài an ủi tôi bằng nhiều cách. Ngài khuyên tôi đại khái là: Cứ chầm chậm, cứ nhẹ nhàng, cứ kiên trì.

10. Dần dần, tôi hiểu ý Thánh Giuse là muốn tôi hãy sống bé nhỏ. Bé nhỏ là luôn phải coi mình cần đến ơn Chúa. Bé nhỏ là luôn phải học tập. Bé nhỏ là luôn phải coi mình còn kém hơn những người khác. Tóm lại bé nhỏ là khiêm nhường.

11. Nếu đúng là thế, thì để sống bé nhỏ, tôi không nhìn vào tôi, cho bằng tôi nhìn vào Chúa Giêsu. Tôi nghĩ thánh Giuse xưa cũng đã nhìn vào Chúa Giêsu, để coi đó không những là gương để noi theo, mà còn là nguồn mạch ơn khiêm nhường để mà đón nhận những gì chỉ làm được nhờ ơn Chúa mà thôi.

12. Ơn khiêm nhường để sống bé nhỏ, đang được ban cho nhiều người tại Việt Nam hôm nay. Thánh Giuse chính là Đấng thánh đang âm thầm gieo những hạt giống khiêm nhường vào nhiều tâm hồn.
Ngài gieo những hạt giống đó trong thinh lặng. Ngài gieo một cách kín đáo, chầm chậm, nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Tôi đang thấy như vậy.

13. Và đó là niềm vui và hy vọng của tôi, trước một tình hình Hội Thánh và nhân loại đang hốt hoảng bởi sự xuất hiện nhiều thứ bạo chúa, bạo quyền, bạo lực, bạo ngôn, bạo hành, bạo loạn. Tất cả đều do kiêu ngạo.

14. Riêng tôi, tôi đang hân hoan được bước theo thánh Giuse. Tôi tập quên mình, tôi tập hòa mình, tôi tập chôn vùi mình. Bởi vì tôi tin vào Chúa. Tin vững vàng, tin tuyệt đối, tin với tất cả lòng khiêm tốn bé nhỏ. Cho dù tình hình có những chuyển biến phức tạp và nguy hiểm, tôi vẫn tin vào Chúa, nhờ lời cầu của thánh Giuse là Đấng luôn tin vào Chúa.

Long Xuyên, 18.02.2017
Gm. GB Bùi Tuần

Như những cây tre

Con xin lỗi được mạn phép đặt tựa đề cho đoạn văn này. 

Bào Công giáo và Dân tộc Xuân Đinh Dậu 2017 có rất nhiều bài của các ĐGM viết về tuổi thơ và sự trưởng thành trong ơn gọi của các ngài. Bài viết nào cũng hay và có ý nghĩa riêng. Nhưng với con, có lẽ đây là ý tưởng mà con yêu thích nhất. Một sự khiêm tốn, con yêu thích điều khiêm tốn và mộc mạc ấy.

...Chúng tôi như những cây tre làm thành cây cầu tre nối hai bờ kênh, với ước mong có nhiều người bước qua đó để đến với nhau ; ước mong có những học sinh vùng quê nghèo bước qua đó để đến trường; ước mong có nhiều giáo dân bước qua đó để đến nhà thờ gặp Chúa; ước mong có nhiều trẻ em chạy nghịch qua đó để tận hưởng niềm vui đơn giản của tuổi thơ tại vùng nông thôn nghèo; ước mong có nhiều bạn trẻ bước qua đó để gặp Giáo hội và khám phá ơn Chúa gọi, đặc biệt là ơn gọi linh mục. 
Như cây cầu tre chỉ là tạm thời trong đà tiến của xã hội, chúng tôi ước mong khi không còn vững chắc để tiếp tục được sử dụng như một cây cầu, những khúc tre cũ mục vẫn còn được sử dụng để đun sôi một ấm nước, hay nấu chín một nồi cơm. Và cũng ước mong ít tro tàn còn lại của những khúc tre này sẽ được trộn với phân người và vật để làm phân bón cho một luống rau của một gia đình nghèo. Thế là chúng tôi mãn nguyện về đời mình để sẵn sàng "ra đi bình an theo lời Chúa đã hứa" và thưa với Chúa, "con chỉ là đầy tớ vô dụng"


ĐGM Giuse Trần văn Toản - Phụ tá GP Long Xuyên
(Trích trong Báo Công giáo và Dân tộc Xuân Đinh Dậu 2017- trang 15)

Năm nay lễ trọng kính mừng thánh Giuse được dời vào ngày thứ hai 20/3/2017, 
Chúc mừng bổn mạng của hai người đàn ông trong gia đình. Nhưng con trai phải giữ xe nhà thờ với mẹ, chồng đi làm về trễ, dự thánh lễ cũng trễ nhưng thôi, con tin Chúa hiểu lòng chúng con. Lễ xong, cứ như cả tuần nay, mẹ và con ghé nhà chị Bích Du để cùng mọi người đọc kinh cho chị. 
Lời kinh dành cho Bích Du lúc cuối đời.

Cô Bích Liên kể với mẹ : Du nói khi hết bệnh, con với mẹ sẽ vào ca đoàn, từ nào giờ cứ lo làm việc ngoài đời không hà...!  
Hai mẹ con ai cũng hát hay, ước mơ bây giờ không thực hiện được ở trần thế nữa rồi, hi vọng khi ra đi, Du sẽ mang điều ước lên thiên đàng, lúc đó con sẽ hiệp lời cùng với ca đoàn các thánh, con nhé !

Ngày xưa, thánh Giuse rất hạnh phúc khi giây phút cuối đời có Mẹ Maria và Chúa Giêsu bên cạnh.
Giờ đây, xin Ngài là quan thầy của những người đang hấp hối, trợ giúp cho con.

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Im lặng là vàng

Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Đó là câu châm ngôn mang nhiều ý nghĩa và được coi như là một triết lý sống. Triết lý sống ấy, phần lớn do người ta ngao ngán với “nhân tình, thế thái”. Mặt khác, cũng có một số người nghĩ im lặng sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bản thân trong mọi lúc, mọi nơi. Rồi từ chỗ ít nói, ngại nói, không dám nói những điều mình đang trăn trở, nghĩ suy, người ta trở nên dửng dưng trước mọi biến động của xã hội. Dẫn đến tình trạng tôn thờ chủ nghĩa MAKENO, dửng dưng với những bất hạnh của tha nhân. Im lặng là vàng cũng rất cần thiết để mình cân nhắc sự việc, để mình suy tính, không vội vã mà hành động khôn ngoan hơn.
Im lặng là vàng đôi khi còn là cơ hội để đón nhiều sự may mắn và niềm vui.
Người ta kể rằng: Edison vừa phát minh một dụng cụ điện tử, ông muốn bán phát minh này với giá 3.000 USD, và tự nhủ nếu các thương gia chỉ trả 2.000 USD cũng được. Lúc gặp nhau, họ hỏi ông về giá cả, Edison lúng túng im lặng chưa biết phải nói như thế nào. Một người trong số họ đành phải bắt đầu trước:
- Chúng tôi không trả cao đâu, ông nghĩ sao với cái giá 40.000 USD?
Đúng là “Im lặng là vàng”. Ở đời người ta chỉ cần học được chữ nhẫn, chữ nhịn trong im lặng sẽ mang lại biết bao niềm vui của chiến thắng hân hoan.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm một con người đã làm nên chuyện phi thường trong im lặng.
Trước mọi vấn đề Ngài đều im lặng để tìm hiểu, để suy xét và đón nhận. Sự im lặng của Ngài không phải là của kẻ khiếp nhược trước sự dữ của cuộc đời. Sự im lặng của ngài thể hiện lòng phó thác tin yêu trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Ngài im lặng để tìm kiếm ý Chúa. Ngài im lặng để lắng nghe tiếng nói của con tim luôn rung nhịp yêu thương. Ngài im lặng để cho tiếng Chúa vang lên trong tâm hồn của mình mà nhờ đó Ngài đã hết lòng phụng sự theo thánh ý Chúa.
Đó chính là thánh cả Giuse. Một vị đại thánh không để lại một lời huấn dụ nào nhưng lại được cả Giáo hội qua bao thế hệ yêu mến, tôn kính. Ngài không để lại di ngôn nhưng để lại một đời sống nội tâm thật phong phú.
Phúc âm ghi lại trước mỗi biến cố xảy đến ngài thường chọn im lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Ngài đã im lặng khi biết tin Maria đã mang thai, nhờ đó mà ngài nghe được tiếng Chúa bảo ngài đón nhận Maria về nhà làm bạn mình. Ngài im lặng trước biết bao phong ba bão tố trong cuộc đời hài nhi, nhờ đó mà ngài đã làm cho mọi sự nên trọn khi ngài gìn giữ hài nhi Giê-su vượt qua giông tố cuộc đời. Ngài đã im lặng khi tìm kiếm con bôn ba suốt ba ngày trời, nhờ đó mà ngài đã vâng theo thánh ý Chúa dù rằng ngài chưa hiểu hết những gì đang xảy ra.
Lý do cho sự im lặng của ngài không phải là do sợ hãi hay nhu nhược mà là ngài tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thử hỏi, nếu ngài không tin vào Thiên Chúa có lẽ ngài đã ngã lòng trước biết bao biến cố xảy ra trong cuộc đời hài nhi Giê-su? Từ khi nhập thể cho đến khi chào đời, khôn lớn phải trải qua biết bao sóng gió. Nhờ đức tin ấy mà ngài đã dẫn dắt gia đình sống trong bình yên. Nhờ đức tin ấy mà ngài đã chu toàn mọi sự theo thánh ý Thiên Chúa.
Cuộc đời luôn có biết bao điều xảy ra ngoài dự định của chúng ta, và đôi khi còn vượt lên trên trí hiểu của chúng ta. Xin cho chúng ta biết im lặng để tìm ra ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin cho chúng ta biết noi gương thánh Giu-se luôn tận tụy với bổn phận của mình trong niềm phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Ước gì chúng ta cũng học bài học im lặng để khôn ngoan cân nhắc trước mọi biến cố xảy ra. Amen
LM Jos Tạ Duy Tuyền
Xin chúc mừng các em và gia đình bạn bè tôi những ai có bổn mạng là thánh Giuse. 
Thánh lễ trọng được mừng kính vào ngày thứ hai 20/3. 
Nhớ dành chút thời gian cho Ngài nhé !

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

8 tháng 3 của tôi

Buổi sáng : tôi lên thăm mẹ chồng một chút. Dù đã ở riêng từ ngày mới cưới với cái tổ ấm nho nhỏ chưa đầy 20 mét vuông, Nền nhà không có tiền lót gạch, trần được lợp bằng thứ rẻ nhất là tôn fipro xi măng nóng hầm hập, tội nghiệp con tôi trưa trưa nằm võng ngước mặt lên trần nhà không laphông nên da ngày càng đen nhẻm. Khó khăn, chật vật là thế nhưng tôi vẫn có thói quen về thăm cha mẹ chồng ít nhất mỗi tháng một lần. Tôi biếu bố mẹ theo thu nhập của hai vợ chồng, nhưng vì nghèo nên chẳng được bao nhiêu. Ngày ấy, chỉ có tấm lòng là thơm thảo. Giờ tôi nghỉ hưu cũng gần 5 năm rồi, nhưng cám ơn Chúa, con tôi đi làm lương cũng kha khá, nó đưa tôi để lo cho gia đình, tôi biếu bố mẹ nhiều hơn ngày xưa.
Hôm nay 8/3 tôi về với mẹ.  Chồng con bận làm không thể đi chung, tôi nhờ Lê chở. Có quà tặng mẹ nữa đây, mẹ vui lắm.

Buổi chiều tối : họp nhau ở nhà má tôi. Giấy khai sinh của má chỉ ghi năm chứ không ghi ngày tháng nên chị em tôi chọn 8/3 là sinh nhật má. Mỗi đứa làm một món ở nhà rồi mang ra ăn chung với nhau. Nhà tôi đông chị em nên vui hơn. Năm nay má tôi tròn 80 tuổi. Buổi sáng đi ăn bún riêu ở đầu hẻm. Chị bán bún riêu là hàng xóm mấy chục năm, chị biết tụi tôi từ ngày bố má tôi mới dọn về xóm này. Chị nói với tôi : em còn mẹ, hạnh phúc quá. Chị mất mẹ rồi, mới thấy mình mất một chỗ để đi về. Chị ít học, mà nói một câu sao thấm quá chừng ! Thằng nhóc Lê ở nhà tôi có tài nấu ăn, nó nấu ăn ngon, nêm nếm rất vừa miệng, có nó tôi mạnh dạn đăng ký món miến xào cua mời mọi người. Món gì ế chứ riêng miến xào cua thì sạch sẽ, nhưng tụi nó chê cua ít quá, tôi mua cua giá đó là quá mắc. Ừ thì rút kinh nghiệm lần sau vậy. Món này ngon, nhưng chủ nhân hơi bị hao, nhưng mà hổng sao, chị hai có Quang tài trợ mờ !

Tranh thủ chạy qua nhà bạn tôi thăm Bích Du.
Cháu vẫn nằm như thế mấy tháng rồi, chân tay co quắp, không nghe, không thấy, không nuốt được. Cả tuần nay bác sĩ không tìm thấy ven để truyền dinh dưỡng. Đút ống dẫn thức ăn bằng mũi thì đau quá, rồi cũng đến một ngày... Bạn hỏi tôi giờ phải làm sao ? Tôi cũng không biết nói với bạn thế nào nữa... Chỉ biết nói thầm : Lạy Chúa con ! 

Một ngày 8/3 từ sáng đến tối cho những người thân yêu.
Quà tôi nhận được là những yêu thương từ chồng và con trai, đâu chỉ riêng ngày này, đâu cần hiện vật. Tính đi tính lại sao bây giờ nhiều ngày dành cho mình quá : nào là quốc tế phụ nữ, ngày của mẹ, sinh nhật... tội nghiệp mấy đứa con có hiếu, cần chi nhắc nhở, con cũng biết lo mà.
Tôi cảm nhận được niềm vui không phải là nhận mà còn là cho đi.
8/3 năm nay tôi có niềm vui và hạnh phúc như thế đó.

Cám ơn một món quà đặc biêt từ vợ chồng em trai, cái nhẫn bé bé xinh xinh nhưng mắc tiền, lúc nào em cũng rộng rãi, từ tâm với tất cả mọi người.
Cám ơn lời chúc chân thành của các em trai, của những người bạn thân quen, bạn nhỏ, bạn lớn... 
Tôi yêu mọi người...

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Đôi dép ấy...

Bóng chiều đã ngã, những khoảnh khắc chênh chao lơ lửng của cái nắng đầu tháng ba ở Bình Thuận cũng khá gay gắt, rát bỏng. Trên chiếc xe lăn bánh vội vàng tiến về “nhà chung” của Giáo Phận, để tưởng nhớ hương hồn Đức Cha Giuse, người cha chung kính yêu vừa mới “tạ thế”. Trong tâm trạng nhớ thương ấy, bầu không khí ảm đạm ở các giáo xứ dọc hai bên đường quốc lộ, từ giáo xứ Đông Hà ra tới Tòa Giám Mục, ở đâu cũng băng rôn “Vô cùng thương tiếc Đức Cha Giuse”, cờ tang thương màu tím. Màu tím bao phủ khắp các giáo xứ và toàn Giáo Phận. Màu tím, màu của “phân ưu”, màu của chia buồn, màu tang thương khóc lóc và đau khổ. Tuy nhiên, màu ấy cũng là màu của sự trung thành và chung thủy. Màu của niềm hy vọng Nước Hằng Sống.
Thứ tư lễ tro, ngày chay tịnh của toàn Giáo Hội, ngày của lòng sám hối với việc xức tro trên đầu để nhắc nhớ phận người mong manh, mọn hèn và dễ vỡ. Ngày ấy thật đầy bất ngờ khi anh em trong Tu Đoàn được tin Đức Cha Giuse đã ra đi. Trong giờ cơm trưa hôm ấy, vì là ngày chay, trên bàn ăn của anh em chỉ có mấy miếng đậu hũ, một chén cà muối và một tô cơm cũng vơi hơn mỗi ngày. Bầu không khí của giờ cơm hôm nay thật lặng lẽ, trầm lắng và ngậm ngùi thương nhớ, vì sự ra đi của Đức Cha Giuse, để lại trong anh em biết bao sự ngỡ ngàng.
Ngồi trên xe, tôi miên man hoài niệm lại như thế, rồi chợt tĩnh. 
Kiếp người vắn dài cũng như ai:
“ Mai tôi đi…chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng mùa thu,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện vô thường giữa giòng đời trôi nổi ”
Thực vậy, Đức Cha Giuse ra đi để lại bao nỗi niềm tiếc thương cho mọi thành phần con cái trong Giáo Phận. Ngài ra đi như một chiều Chúa gọi về và ngài sẵn sàng lên đường. Khi còn sống trên trần gian, ngài đã xác tín ơn gọi của mình từ tình yêu Chúa Kitô hấp dẫn ngài: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Và giờ đây, khi ngài  “tạ thế”, chúng ta cũng xác tín rằng: ngài đã hoàn thành cuộc đời và ơn gọi của mình trước lời mời gọi đó của Đức Kitô.

Trong những ngày vừa qua, trên trang mạng xã hội facebook, người ta hay đăng tải và chia sẻ bài hát “Đôi Dép” mà chính ngài phổ nhạc và trình diễn. Quả thực, ngài như là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, đã gửi những tâm tình trải nghiệm sâu sắc vào bài hát ấy, làm rung động lòng người.
Mối tình của ngài với Giêsu như mối tình của đôi dép. Hai chiếc dép ấy, “Giêsu và Duy Thống” dường như rất bình dị, khiêm tốn nhưng vô biên tuyệt diệu. Cái duyên được sinh ra làm người, và thật là thần thiêng khi kết thân tri kỷ với Giêsu. Và suốt một đời trung thành với Ngài, dù cuộc đời Mục Tử lắm truân chuyên buồn tủi:
“ Bài thơ đầu tôi viết tặng cho em
Là bài thơ tôi viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ.

Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bào giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau”
Với dòng đời 65 năm làm người, 32 năm linh mục, 16 năm Giám mục, chắc đôi dép ấy cũng đã mòn gót nhiều lắm, đã đứt quai đôi lần, đã đụng chạm với biết bao nhiêu đau thương và yếu đuối của phận người, đã lấm lem biết bao nhiêu bụi trần. Nhưng chúng ta tin rằng, đôi dép ấy đã được Thiên Chúa của ngài làm cho nên sạch trong, đã gọt giũa nên tinh tế và rửa cho hết lấm lem bụi trần để trở nên tinh tuyền.
“Cùng bước, cùng mòn không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận này phụ thuộc vào chiếc kia”.
Lòng trung thành và chung thủy của Đức Cha Giuse với Giêsu, với lý tưởng ơn gọi thánh hiến thật tròn đầy. Ngài là một Mục Tử trẻ trung, năng động, một Mục Tử nghệ sĩ, yêu ca hát và văn phong dí dỏm sâu sắc. Ngài chấp nhận lệ thuộc và phó thác tất cả cho Giêsu, vì ngài biết rằng số phận của ngài là số phận của Giêsu, và định mệnh của Giêsu cũng chính là định mệnh của ngài. Ngài yêu cái định mệnh “không kẻ thấp người cao”, “ bị chà đạp”, nhưng không bao giờ chia xa, vẫn một lòng sắt son chung tình. Dù cuộc đời Mục tử lắm chông chênh, nhưng ngài luôn luôn “đặt thuộc lòng” bàn chân mình vào Đôi Dép đầy yêu thương ấy. Bởi thế, Đôi Dép ấy đã bảo vệ ngài trên mọi nẻo đường, đã bao bọc đôi chân mềm yếu của ngài trong cương vị Mục tử, và nhất là cùng đi với ngài trên suốt hành trình dương thế, để cuối cùng ngài đạt tới đích, đích của niềm vui về Nhà Cha.
“ Nếu một ngày một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”
…………
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.”
Thế là từ nay vắng bóng ngài, mọi thành phần trong Giáo Phận thương nhớ ngài. Chúng con xin chân thành tri ân Đức Cha Giuse và xin lưu lại những tình cảm của ngài dành cho Tu đoàn chúng con trong dòng chảy lịch sử phát triển. “Chảy đi sông ơi với biết bao nhiêu bí ẩn và huyền nhiệm ẩn chứa trong lòng ngươi ! Ta nghiêng mình kính cẩn chào ngươi như vị thầy dạy sự khôn ngoan và triết lý cuộc đời. Chảy đi sông ơi với biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đào hòa quyện trong lòng ngươi! Là dòng sông của lịch sử và cuộc đời, ngươi phản chiếu cho ta hình ảnh hào hùng của các Vị Tiền Nhân đã để lại dấu ấn khó phai mờ. Ta biết ơn Ngài, thì cũng trân trọng tri ân ngươi.”

Xin Chúa cho linh hồn Đức Cha Giuse hưởng niềm vui bên Chúa muôn đời.

Ngày 03 tháng 03 năm 2017
vptudoan