Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Hai bài tập làm văn

VRNs (27.8.2014) – Sài Gòn - Thằng Bi sinh đầu năm trước, thằng Bin sinh cuối năm sau. Anh lớn hơn em gần hai tuổi. Hai đứa là anh em ruột, nhưng cùng cha khác mẹ. Chị Lan, mẹ thằng Bi bị tai nạn giao thông, không qua khỏi, nhưng người ta cứu được đứa con. Thằng bé sinh non, không có sữa mẹ, gầy quắt như một con mèo hen, oặt oẹo như một cọng bông súng héo, tưởng không thể sống được. May, trước cám cảnh ấy, chị Huệ hàng xóm, không cầm lòng được. Chị giúp anh Hải nuôi dưỡng thằng bé, chăm chút cho nó, như một người mẹ. Chị thương yêu nó, rồi thương yêu bố nó lúc nào không hay. Vì con, và được cả ba bên nội ngoại ủng hộ, anh Hải đi bước nữa. Họ, anh Hải và chị Huệ kết hôn với nhau. Được hơn một năm, thằng Bin cất tiếng khóc chào đời.
Năm thằng Bi lên sáu, chuẩn bị vào lớp một thì nó bị ốm nặng. Ông bác sĩ chuyên tu ở trạm xá xã bảo nó bị thương hàn. Sau gần một tuần lễ theo dõi và chữa trị, bệnh tình thằng Bi không những không thuyên giảm mà còn diễn biến xấu hơn. Ông bác sĩ đành bó tay, phải chuyển nó lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà bác sĩ trưởng khoa nhi mắng vợ chồng anh Hải như tát nước:
- Sốt xuất huyết rành rành ra đó, lại đi chữa thương hàn. Sao không để vài ngày nữa hẵng đưa nó lên, rồi mang nó về chôn luôn một thể?
Trận ốm ấy, thằng Bi thoát chết, nhưng trễ mất một năm học. Thế nên, hai anh em nó học cùng lớp với nhau.
*   *   *
Thằng Binh, con trai cưng của cô giáo chủ nhiệm lớp Bốn A, móc cọng dây thun vào hai ngón tay trỏ và giữa bàn tay trái, đặt lên bả vai nung núc thịt của thằng Bin. Nó kéo căng cọng thun rồi buông ra:
- Một… Đã quá!
Thằng Bin giật bắn người, nhăn mặt:
- Ai da! Đau. Bạn bắn nhẹ thôi, được không?
Thằng Binh trả lời bằng cách kéo cọng thun căng hơn:
- Hai… Mày mướn của tao mười tập truyện Doremon, mỗi tập hai ngàn, tất cả là hai mươi ngàn. Tao bắn trừ nợ, mỗi phát một ngàn. Hai mươi trừ hai bằng mười tám, còn mười tám phát nữa. Không bắn thì thôi, đã bắn thì như lời bố tao, phải bắn “nghiêm văn chỉnh”. Nếu không chịu được thì mày trả tiền cho tao. Cái gì cũng phải “rành văn mạch”.
- Ba…, bốn…, năm… Sướng làm sao!
Thằng Bin cắn răng, mím môi chịu đựng. Nhưng vì đau quá, nó òa khóc. Thằng Bi nghe thấy, chạy vội tới, luống cuống:
- Ai? Sao? Cái gì?
Thằng Bin chưa kịp trả lời anh thì thằng Binh đã vác mặt lên:
- Nó nợ tao hai mươi ngàn, tao bắn trừ nợ, còn mười lăm phát nữa.
Thằng Bi móc túi quần:
- Mình có sáu ngàn trả bạn, còn chín, mình chịu thay cho em mình được không?
- Ô kê thôi.
Đến phát thứ năm thì thằng Bi thấy đau quá, không chịu nổi. Nó đứng dựng lên:
- Còn bốn. Cho mình khất, mai trả.
Thằng Binh không đồng ý. Nó chì chiết:
- Lớn đầu mà không giữ lời. Đúng như bố tao vẫn mắng mẹ tao, mày là thứ “vô văn hóa phẩm”.
Thằng Bi tức lắm. Nó nhớ có lần bố nó giải nghĩa cho nó: “Vô văn hóa là câu chửi rủa rất nặng, cũng như mắng nhiếc người khác là vô giáo dục hay đồ ngu, hay đồ mất dạy vậy”. Nó trừng mắt:
- Bạn không được quyền chửi mình. Mình cấm bạn.
- Không ai cấm được tao. Này thì cấm này.
Thằng Binh giương thẳng cánh tay đấm vào mặt thằng Bi. Nhanh như một con chim cắt, thằng Bi thụp đầu tránh đòn đồng thời đưa tay gạt mạnh, làm cho nắm tay thằng Binh tự đập vào mặt mình. Vốn bị bệnh chảy máu cam, lỗ mũi thằng Binh chảy máu lênh láng.
Nhà trường viết thư về mời phụ huynh. Thằng Bi bị đưa ra hội đồng kỷ luật, bị đuổi học một tuần lễ và bị hạ một bậc hạnh kiểm. Theo yêu cầu của cô chủ nhiệm, hai anh em nó phải chuyển sang lớp khác. Hình như từ đó, không bạn nào dám bắt nạt thằng Bin nữa. Nhưng chị Huệ trách chồng:
- Thằng Bi đánh con người ta giập mặt. Hoặc là nó có gien hung dữ, hoặc là có bản tính độc ác, hoặc là anh nuông chiều nó thái quá.
Anh Hải cười nhạt, không nói một câu nào.
*   *   *
Đích thân cha xứ xuống dự buổi kiểm tra các em ấu nhi đang học giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Chị huynh trưởng đặt câu hỏi:
- Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa?
Chắc là sự có mặt của cha xứ làm các em sợ, không một em nào đưa tay trả lời. Chị huynh trưởng có vẻ ngượng. Chị chỉ tay gọi thằng Bin. Nó đứng lên, ngập ngừng đôi chút, rồi dõng dạc:
- Thưa chị! Bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa khi linh mục đọc câu thần chú: ‘‘Này là Mình Thầy…, này là chén Máu Thầy…’’
Cả lớp cười rộ. Cha xứ cũng không nín cười được. Chị huynh trưởng càng ngượng. Chị cảm thấy mọi người không phải cười thằng Bin mà đang cười chính chị. Đó là lỗi của chị dạy dỗ không nên. Chị chỉ thằng Bi. Nó đứng lên:
- Thưa chị, không phải ‘‘câu thần chú’’ mà là ‘‘lời truyền phép’’ ạ!
Khi tiếng vỗ tay ngưng hẳn, chị huynh trưởng từ tốn:
- Đúng rồi! Bi nhớ về nhà chỉ bảo cho em mình, nghe không?
Nếu cha xứ không can thiệp thì chị huynh trưởng đã không cho thằng Bin đủ điểm xưng tội rước lễ lần đầu rồi. Biết chuyện, chị Huệ trách chồng:
- Thằng Bi giống bố như đúc, thâm hiểm thật. Đã giao cho nó trông nom, kèm cặp thằng Bin. Thế mà có một cụm từ ‘‘lời truyền phép’’ thôi, nó cũng nỡ không nhắc nhớ, dạy dỗ em nó.
Anh Hải cũng vẫn im lặng, không nói câu nào.
*   *   *
Chị Huệ gọi thằng Bi ra, dặn dò:
- Bố mẹ và em Bin đi công chuyện. Con khóa cửa trong cửa ngoài cẩn thận. Nhớ ôn bài. Có đói thì nấu đỡ gói mì tôm, ăn, nghe không?
- Dạ!
Anh Hải chở vợ và thằng Bin đến một nhà hàng tạm được coi là hạng sang ở trung tâm thị trấn. Hôm nay mừng sinh nhật lần thứ ba mươi lăm của chị Huệ. Trong lúc chờ tiếp viên đem thức ăn ra, chị thủ thỉ với chồng:
- Anh biết không? Lúc đầu em thương thằng Bi như con đẻ, thương thật tình, thương hết lòng. Nhưng từ khi có thằng Bin, nói anh đừng buồn, hình như em thương thằng Bin hơn thằng Bi hay sao ấy. Làm sao thế, anh nhỉ?
Anh Hải trầm tư:
- Đó là tình mẫu tử, là quy luật cuộc sống, là bẩm sinh, là bản năng người nữ. Anh không trách gì em. Anh luôn nhớ ơn em. Thử hỏi: nếu không có em, thằng Bi sẽ ra sao? Anh sẽ ra sao? Nhưng thôi. Hôm nay mừng sinh nhật em, mình chỉ nói chuyện vui thôi. Đây quà mừng em.
Anh đặt chiếc bánh sinh nhật lên bàn, đưa cho vợ tờ hóa đơn mua chiếc máy giặt đã trả tiền, giao hàng sau:
- Giúp em đỡ vất vả đôi chút. Còn đây, quà của hai con mừng sinh nhật em.
Chị Huệ mở chiếc phong bì anh Hải đưa, lấy ra hai tờ giấy học trò. Chị đọc từng chữ:
Tập làm văn
Nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi lăm năm của mẹ, em hãy viết ngắn gọn một lá thư chúc mừng mẹ.
Bài làm của thằng Bin:
“Dear Mom,
Happy birthday,
Chúc mừng sinh nhật mẹ. Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm. Mẹ mua cho con quần áo đẹp, cho con ăn những món ngon, cho con chơi games bằng điện thoại của mẹ, con thích gì mẹ cũng chiều, cái gì mẹ cũng cho con hơn phần hơn anh Bi, bố có phạt con thì mẹ lại bênh.Con thương mẹ lắm. Nếu mẹ mua cho con truyện tranh Doremon trọn bộ thì con còn thương mẹ hơn nữa. Bin của mẹ”.
Bài làm của thằng Bi:
“Mẹ!
Nhân dịp mừng mẹ tròn ba mươi lăm tuổi, con cầu chúc mẹ khỏe mạnh, vui vẻ. Từ ngày được rước lễ lần đầu, nhớ lời cha tuyên úy, không ngày nào con không cầu cùng Chúa Giêsu Thánh Thể xuống ơn lành cho bố mẹ và em Bin. Con hứa sẽ cầu xin hàng ngày. Con cũng cầu xin cho bố bớt uống rượu, em Bin ngoan, giỏi để mẹ vui lòng. Con hứa sẽ nhặt rau, rửa bát, quét nhà, phơi quần áo, giúp mẹ đỡ vất vả phần nào. Bi”.
Không hiểu tại sao chị Huệ chợt nhớ tới một câu đối đã lưu truyền trong dân gian mà bố chị thường nói đến khi trà dư tửu hậu. Chị nghĩ khác đi một chút, rồi chị mấp máy môi:
- “Con cả, con thứ hai, cả hai thứ con đều là con cả”.
Chị đứng lên, lưỡng lự vài giây rồi rút điện thoại ra, chị bấm một số quen:
- A lô! Làm ơn cho một chiếc taxi bốn chỗ. Nhà hàng X, số Y, đường Z.
Anh Hải không hiểu gì:
- Em đi đâu?
- Em về đón con tới đây.
- Đón thằng Bi ấy à? Để anh chạy xe về.
Chị Huệ kiên quyết:
- Không! Em… phải…, đích thân em phải về đón con.
Anh Hải chưa hiểu được điều gì xảy ra nơi nội tâm của vợ sau khi chị đọc hai bài tập làm văn của hai đứa con. Anh cũng chưa kịp hỏi chị tại sao, thì đúng lúc ấy, tiếng nhạc trỗi lên, đồng thời anh thấy người ta chiếu lên màn hình trên sân khấu một trái tim đến là to, đến là đỏ, đến là đẹp, đến là sáng, đến là rực rỡ.
 Lão ngu
(Chị Mary Phạm st)

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Chuỗi Mân Côi : hạnh phúc


Chàng sinh viên lúc nhỏ vẫn thường sốt sắng lần hạt, kính Đức Mẹ Mân Côi. Nhưng càng lớn chàng càng bỏ quên thói quen lành thánh. Ngày hôm nay, khi thoáng thấy cỗ Tràng Hạt Mân Côi bị đánh rơi bên vệ đường chàng định tảng lờ đi như không nhìn thấy. 

Tuy nhiên, lòng kính mến Đức Mẹ MARIA bỗng bừng lên trong lòng. Chàng cúi xuống nhặt, vừa lau chùi vừa tự nhủ:
- Nếu không trả lại được cho người đánh mất thì mình sẽ trả lại cho Đức Mẹ MARIA, bởi vì Tràng Chuỗi được làm là để dâng kính Đức Mẹ. Vậy mình sẽ để Tràng Hạt Mân Côi nơi bàn thờ Đức Mẹ trong ngôi thánh đường nào mà mình gặp thấy đầu tiên trên đường đi.

Sau một quãng đường, trông thấy một nhà thờ, chàng sinh viên liền ghé vào và đi thẳng đến bàn thờ có tượng Đức Mẹ MARIA. Không ngờ, Đức Mẹ chọn chính giây phút ấy để đưa người con hoang trở lại với Hiền Mẫu. Đức Mẹ gợi ý cho chàng:
- Con hãy lần hạt Mân Côi trước khi để cỗ tràng hạt trên bàn thờ!

Cảm động, chàng sinh viên quỳ gối xuống, và như thưở xưa vẫn làm, chàng sốt sắng lần trọn Chuỗi Mân Côi .. Bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu tâm tình ngoan đạo lại dồn dập trở về trong tâm trí. Chàng như nghe một tiếng nói rõ ràng trong lòng:
- Con hãy trở thành Linh Mục. Con đã bất trung với tiếng gọi của Con Mẹ. Tuy nhiên, không có con đường nào khác ngoài con đường trở thành Linh Mục. Hãy trở về với tình yêu trong thời thơ ấu và hãy bước theo ơn gọi Linh Mục của con.

Tiếng nói như một luồng sáng dọi thẳng vào tận thâm cung tâm hồn khiến chàng sinh viên kêu lên:
- Vâng, lạy Mẹ, con sẽ trở về với Mẹ và với Đức Chúa GIÊSU. Với ơn Mẹ trợ giúp, con sẽ trở thành Linh Mục của Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Chàng sinh viên trẻ giữ lời thề hứa với Đức Mẹ MARIA vào buổi sáng hôm đó.

Chàng gia nhập chủng viện và trở thành Linh Mục, một Linh Mục rất thánh thiện. Với cỗ Tràng Hạt Mân Côi lượm được, không ngày nào mà vị Linh Mục không sốt sắng lần chuỗi, sốt sắng đọc kinh dâng kính Hiền Mẫu MARIA.

Mấy năm sau, THIÊN CHÚA Quan Phòng đưa Cha đến làm Tuyên Úy trong một bệnh viện.

Một ngày, người ta đưa vào nhà thương một bệnh nhân. Người bệnh không ngớt miệng nói:
- Đừng bao giờ nói với tôi về Đạo Công Giáo. Tôi là kẻ cứng lòng và không tin tưởng gì ráo trọi!

Tuy nhiên, vị Linh Mục Tuyên Úy vẫn thường xuyên đến viếng thăm người bệnh. Một ngày, khi thấy người bệnh giận dữ xua đuổi mình, vị Linh Mục hiền từ nói:
- Không sao, tôi sẽ lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho ông bạn!

Người bệnh la lớn:
- Chớ có nói với tôi về Tràng Chuỗi Mân Côi!
Vị Linh Mục hỏi:
- Tại sao thế? Đây là lời kinh chỉ mang lại cho ông bạn điều lành mà?
Ông trả lời:
- Trái lại, tràng hạt là nguyên do cho nỗi bất hạnh của con đó Cha à!

Cha Tuyên Úy tò mò hỏi tiếp:
- Tại sao vậy, ông bạn. Ông bạn muốn nói gì thế?

Con sẽ kể cho Cha nghe, vì Cha muốn biết. Ngày con còn nhỏ, mỗi ngày, mẹ con đều dạy con lần hạt Mân Côi chung với mẹ. Lớn lên con ra tỉnh học nghề. Nơi đây, bạn bè xấu kéo con vào con đường xấu, sống khinh thị luật Chúa. Đang sống buông thả như thế thì được tin mẹ con đau nặng và gọi con về gấp. Thấy mẹ hấp hối, con bèn dấu nhẹm mọi sự, không kể gì với mẹ về cuộc sống hiện tại của con. Rồi để mẹ an tâm nhắm mắt, con còn hứa với mẹ là sẽ lần hạt Mân Côi, ít ra mỗi ngày một chục, khi nào có thể. Mẹ liền trối cho con Tràng Chuỗi Mân Côi của mẹ. Chôn cất mẹ xong, con lại lên đường ra tỉnh. Trên đường đi, tên quỷ rót vào tai con:
- Hãy tẩy chay tràng chuỗi và vứt nó xuống đất đi cho rãnh!

Con liền nghe theo tên cám dỗ và khinh bỉ vứt Tràng Chuỗi Mân Côi xuống bên vệ đường. Nhưng cũng kể từ giây phút đó, con gặp hoạn nạn liên miên và con nghĩ là mình đã bị chúc dữ!

Vị Linh Mục Tuyên Úy cảm động theo dõi câu chuyện. Nghe xong, Cha hỏi:
- Ông bạn có nhớ là vào tháng nào, năm nào, ông đã vứt bỏ cỗ Tràng Hạt không?

Sau khi biết chính xác năm tháng, Cha cho tay vào túi, rút ra cỗ Tràng Hạt Mân Côi, đưa lên trước mặt người bệnh và hỏi:
- Ông bạn có nhận ra Tràng Chuỗi Mân Côi này không?

Người bệnh chỉ biết kêu lên một câu:
- Đây chính là cỗ Tràng Hạt của mẹ con!

Vừa nói ông vừa giơ tay đón lấy Tràng Chuỗi Mân Côi, giơ lên môi âu yếm hôn và hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài trên đôi gò má ông..

Im lặng một hồi lâu, vị Linh Mục Tuyên Úy cất tiếng:
- Tràng Chuỗi Mân Côi mà ông cho là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh của ông, thì trái lại, nó là nguyên nhân mang lại hạnh phúc cho tôi, bởi vì nhờ Tràng Chuỗi này mà tôi trở thành Linh Mục .. Giờ đây, thưa ông bạn, Tràng Chuỗi sẽ là dịp mang hạnh phúc đến cho ông.

Người bệnh trả lời:
- Vâng thưa Cha, đúng thế. Con muốn xin xưng tội!

Cha Tuyên Úy trả lời:
- Ngày mai, tôi sẽ trở lại ban các bí tích sau cùng cho ông. Trong khi chờ đợi tôi để cho ông Tràng Chuỗi Mân Côi này để ông đền bù mọi lỗi lầm quá khứ. Sau đó tôi sẽ lấy Tràng Chuỗi lại.

Mấy ngày sau, người bệnh êm ái trút hơi thở cuối cùng sau khi đã lãnh đủ mọi bí tích sau hết, trong tay vẫn âu yếm nắm chặt Tràng Chuỗi Mân Côi thân yêu của người mẹ hiền ..

Vị Linh Mục Tuyên Úy lấy lại Tràng Chuỗi Mân Côi quý hóa và không bao giờ quên câu chuyện liên quan đến Tràng Chuỗi Mân Côi.


(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, 
Mambre Editeur-Diffuseur, 1992, trang 118-120)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Những tông đồ người hủi

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y bị mọi người kinh tởm xa lánh như bệnh siđa ngày nay vậy. Trong  Đạo Do Thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu phải kêu lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà tránh xa. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như người mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nổi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nổi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm thiêu đốt.
Chúa Giêsu đã vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Và Người còn đưa tay chạm vào thân mình lỡ loét ấy. Lòng thương yêu đã khiến Chúa Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Chúa Giêsu đã bất chấp những điều được coi là cấm kỵ của Đạo Do Thái. Khi chữa khỏi bệnh phong, Chúa Giêsu giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thao tao. Anh là một con người như bao con người khác.
Điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi bệnh nan y, đồng thời Chúa Giêsu cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi chạm đến thân thể anh thì Người cũng chạm đến tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh, nay qua Chúa Giêsu anh cảm thấy mọi người gần gũi thân thương. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt, nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi, nay dưới bàn tay dịu hiền của Chúa Giêsu anh cảm thấy đựoc yêu thương vỗ về. Nhữg vết thương trong tâm hồn nay đã lành lặn. Chúa Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.
Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội, Chúa Giêsu bảo anh đi trình diện với Thầy Cả theo luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, nay anh đựoc bàn tay âu yếm ân cần của Chúa đón nhận anh trở lại với xã hội loài người. Qua vị thượng tế anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm được phục hồi, danh dự được tôn trọng. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người như mọi người.
Chúa Giêsu đã chữa lành thể xác và tâm hồn của người bệnh phong. Chính thái độ tin tưởng, đơn sơ của anh đã chạm đến lòng lòng thương xót của Chúa. Phép lạ phát sinh từ lòng tin của bệnh nhân và từ ý muốn đầy quyền năng của Chúa Giêsu.
Có một môn đệ theo gương Thầy Chí thánh đã đến ở giữa người cùi, cùng sống và đã chết giữa họ. Đó là Cha Đamiên mà Đức Hồng Y FX.Nguyễn Văn Thuận đã kể trong cuốn sách “ Những người lữ hành trên đường hy vọng”. Vị Tông đồ người hủi ấy đã được Giáo hội phong thánh.
Molokai, quần đảo xa xăm ấy nằm cô đơn giữa lòng Thái Bình Dương mênh mông. Trên đảo toàn là người hủi: cụt tay, đứt chân, mắt đui, môi lở, răng rụng...
Một hôm, Đức Giám Mục đặc trách quần đảo này gióng tiếng kêu gọi các Linh Mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ. Một Linh Mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh hăng hái đáp lời. Đó là Cha Đamiên, người về sau được thêm biệt danh: “Tông Đồ người hủi”.
Chiều hôm đó, trong Nhà Thờ ở đảo Molokai đông nghẹt những người hủi da ngăm đen với mùi hôi tanh nồng nặc, Đức Giám Mục đứng trên Bàn Thờ quay xuống giới thiệu với giáo dân: “Các con thân mến, các con hằng mong ước có một Linh Mục đến cùng các con, thì đây, cha Đamien, một Linh Mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết. Các con có sung sướng không ?”
Cả Nhà Thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ. Cha Đamien đứng cạnh Đức Giám Mục chẳng hiểu tý nào. Rồi họ từ từ tiến lên Cung Thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đamiên càng nhìn thấy họ đến gần mình thì càng sởn tóc gáy. Họ trông như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha sờ vào mặt, vào tay, vào áo Cha... Cha hỏi Đức Giám Mục: “Thưa Đức Cha, họ làm gì thế ? Họ nói gì thế ?” Đức Cha trả lời: “Họ nói, họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, còn trẻ, đẹp trai, không bệnh tật như Cha, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất khốn cùng này. Họ không tin mắt mình nên mới đến sờ mó vào người Cha, xem thử Cha có thực sự bị phung hủi như họ không. Rồi họ nói với nhau: ”Không, Cha đẹp quá !”
Dần dần, Cha Đamiên hoà đồng được với họ. Ngài không còn cảm thấy tởm gớm họ như ngày đầu. Nói đúng hơn, ngài quá yêu Chúa Giê-su bị bỏ rơi trong họ nên chẳng còn thấy e sợ, gớm ghiếc chi.
Một ngày kia, đến lượt Cha cũng bị mắc bệnh phong hủi. Thân hình Cha lở loét, nhức nhối. Mặt mày Cha sù sì, đen đủi, u nần trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình Cha Đamiên để mô tả sự hy sinh vĩ đại của Cha. Bà cụ thân sinh của Cha mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình cũng chẳng nhận ra nổi người con yêu. Bà hỏi các con trong gia đình: “Hình ai đây mà trông mà trông ghê sợ vậy ?” Các con đều trả lời mẹ:Thưa mẹ, đó là một trong những người hủi trên đảo Molokai của anh Đamiên đấy”. Qua mặt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ... Cha Đamiên đã sống với người hủi cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp Cha hy sinh suốt đời vì họ.
Ở Việt Nam có hai trại cùi lớn: trại Di Linh trên đường lên Đà Lạt và trại Quy Hoà ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn. Đức Cha Gio-an Cassaigne đã gắn bó với anh em dân tộc K’Hor ở Di Linh bị phong cùi một thời gian dài, rồi sau 15 năm làm Tổng Giám Mục Sài-gòn, đã lại xin tình nguyện quay trở về sống giữa những người bệnh cùi ở Di Linh. Ngài sống với họ thêm 18 năm rồi lây bệnh và qua đời năm 1973. Trái tim của người Việt Nam và cả thế giới đều rung cảm, ai cũng cảm phục tấm gương chứng nhân của ngài.
Cha Phao-lô Mahu, một Linh Mục người Pháp đã từ giã quê hương với cuộc sống tiện nghi đến sống giữa những người cùi ở Quy Hoà cho đến chết. Xác ngài được chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người ngài thương yêu nhất.
Ngày nay các Giáo Xứ khắp nơi gần xa thường tổ chức hành hương đến Di Linh, Quy Hoà để viếng mộ Đức Cha Cassaigne và Cha Mahu, thăm viếng và tặng quà cho các bệnh nhân.
Các Nữ Tu của các Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn và Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến sống phục vụ giữa những người bị xã hội xa lánh loại trừ. Chính tình yêu Chúa Ki-tô đã thúc đẩy các môn đệ đến sống với họ, yêu mến họ, chăm sóc phục vụ họ... Chúa đã sờ đến người cùi và họ liền được lành sạch. Các môn đệ của Chúa cũng sờ vào người cùi, sống với người cùi đem lại cho họ tình thương, bình an và niềm vui.
(Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Suy gẫm về cuộc sống

Những khi gặp thất bại, bạn chán chường và bị những suy nghĩ u ám bủa vây...

Lúc đó, bạn cần lắm những lời nói chân thành và sáng suốt để vượt qua bản ngã nhỏ nhen, ích kỷ và yếu đuối của bản thân mình. Thân gởi những hình ảnh trích dẫn các câu nói súc tích và ý nghĩa. Từ những lời suy gẫm về cuộc sống, hy vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn tích cực với mọi chuyện đến với bạn hơn.
[​IMG]
​​
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]
[​IMG]

[​IMG]



Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

Trong khoảnh khắc này

                                                  Trong phút giây này em có hay!
                                                 Vạn vật quanh mình đang chuyển xoay.
                                                Có mầm non hé, hoa cười nụ,
                                                Chiếc lá xa cành theo gió bay.


                            Trong khoảnh khắc này em biết chăng!
                    Có người hạnh phúc, kẻ băn khoăn
                  Nơi tê nghèo đói, đời cô quạnh..
                   Chỗ nớ ngày chưa hết nhọc nhằn.

Cũng trong tíc tắc, từng hơi thở
Vô vàn đi, đến, diệt và sinh
Mắt ai vừa khép, ai vừa mở
Kẻ reo vui, người khóc một mình.

     Trong thoáng giây này em biết không!
Buồn, vui nhân thế rất mênh mông..
Nơi chìm mưa bão, nơi chinh chiến
Thiện, ác vần xoay mãi một dòng.

Phút nao tỉnh thức em ngồi lại
Nhìn ra thế giới, nghĩ về mình.
Thấy chăng một thứ chi thường tại ?
Chập chờn mộng, thực kiếp nhân sinh.

Trong sát na này ta biết đâu
Có người bừng giấc mộng thiên thâu.
Từ miền tịch lặng vô biên ấy
Thầm gửi niềm Thương khắp địa cầu.

           (Thích Tánh Tuệ) 

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Có mang theo được gì không ?

Trước cổng một nghĩa trang nọ, người ta thấy có một chiếc xe Roll Royce sang trọng dừng lại. Người tài xế tiến lại người giữ cổng và nói: xin anh giúp một tay cho người đàn bà này xuống xe vì bà ta yếu quá không đi được nữa. Vừa ra khỏi xe, người đàn bà tự giới thiệu và nói với người giữ cổng nghĩa trang:

- Từ hai năm qua, mỗi tuần, tôi là người đã gửi cho anh 5 đô-la để mua hoa và đặt trên mộ con trai tôi, nhưng nay các bác sĩ bảo rằng, tôi không còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đến đây để chào từ biệt và cảm ơn anh đã mua hoa giùm tôi.

Thế nhưng, người đàn bà không ngờ rằng người giữ cổng nghĩa trang trả lời như sau:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc rằng bà đã làm công việc ấy!


Người đàn bà cảm thấy như bị ai đó vả vào mặt. Nhưng bà vẫn còn đủ bình tĩnh hỏi lại người thanh niên:
- Tại sao lại lấy làm tiếc về cử chỉ đẹp như thế?

Người thanh niên giải thích:
- Thưa bà, tôi lấy làm tiếc vì những người chết như con trai bà, chẳng bao giờ còn thấy được một cánh hoa nào nữa !

Bị chạm tự ái, người đàn bà liền cao giọng:
- Anh có biết anh đã làm tổn thương tôi không?

image

Người thanh niên bình tĩnh trả lời:
- Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi chỉ muốn nói với bà rằng có rất nhiều người đang cần đến những cánh hoa của bà hơn. Tôi là hội viên của một tổ chức chuyên đi thăm những người già lão, các bệnh nhân trong viện dưỡng lão, các bệnh viện. Chính họ mới là những người đang cần đến những cánh hoa của chúng ta, họ có thể nhìn thấy và ngửi được cánh hoa ấy.


Nghe thế, người đàn bà ngồi bất động trên chiếc xe sang trọng một lúc, rồi ra hiệu cho tài xế mở máy.

Vài tháng sau người đàn bà trở lại nghĩa trang. Nhưng lần này không cần ai giúp đỡ, bà tự động bước xuống xe với một dáng vẻ vui tươi nhanh nhẹn hơn, và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nụ cười rạng rỡ, bà nói với người thanh niên giữ cổng:


- Chú đã có lý, tôi mang hoa đến cho những người già lão, bệnh tật. Quả thật, điều đó đã làm cho họ được hạnh phúc. Nhưng người thực sự hạnh phúc chính là tôi. Các bác sĩ không biết được bí quyết làm tôi khỏe mạnh lại. Nhưng tôi đã khám phá ra cái bí quyết ấy, tôi đã tìm ra lẽ sống.
image
(Chị Mary Phạm st)

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Con dâu

Hồi còn ở trường đại học em là bạn cùng lớp của Phượng.
Phượng là em dâu tôiChị chồng em dâu thân nhau như hai chị em ruột.
Những lúc có dịp gặp nhau, em thường nói chuyện với tôi. Vì thế tôi biết về em nhiều hơn. Ở tuổi ba mươi em chưa có mảnh tình vắt vai, ở cái tuổi con gái phải lấy chồng không thì sẽ muộn. Em nói tôi làm mai cho em đi. Thế là tôi và Phượng lên kế hoạch giới thiệu em cho em chồng của tôi. Chúng ta trở nên chị em trong gia đình từ đó.

Em là cô gái mà bố mẹ chồng tôi rất vui lòng khi đi hỏi cưới cho con trai mình.
Gia đình em khá giả, em không đẹp nhưng thông minh, ở quê lên nhưng em đã tốt nghiệp đại học và đang làm cho một công ty xuất nhập khẩu tầm cỡ của nhà nước lúc bấy giờ.
Bố mẹ chồng tôi không phải là người ham giàu nhưng có lẽ bố mẹ hi vọng sau này những đứa cháu nội của mình được sung sướng, được thừa hưởng gien thông minh của cha mẹ (chồng em cũng là kỹ sư đại học Bách Khoa), em nói với tôi rằng thông minh là điều rất quan trọng : tiền bạc không thể nào mua được, cần cù không thể nào bù được. Em cũng nói với tôi tiêu chuẩn em chọn chồng là có trình độ từ đại học trở lên, điều đó cách đây hơn hai mươi năm thật không dễ. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì tiền đâu mà học với hành!

Bố thích em hơn tôi. Bố hay lên nhà vợ chồng em. Bố khó khăn với tôi bao nhiêu thì với em bố lại thân thiện bấy nhiêu. Em hãnh diện vì điều này, có lần em nói thẳng với tôi : chắc tại chị sống sao đó nên bố không ưa chị, chứ với em bố đâu có như thế ! Tính em hay nói thẳng, em nói mà không cần biết cảm nhận người nghe ra sao. Biết tính em nên tôi không bực mình, cũng chẳng trả lời một tiếng, im lặng nhưng buồn thấm thía, thật sự tôi không giận em bởi tôi nghĩ rằng người ta gặp nhau, thương nhau trong cuộc đời đều là có cái duyên cả. Nếu em thương và lo cho bố thì trách nhiệm trên vai tôi cũng nhẹ đi được nhiều phần, vậy tại sao tôi lại ganh tị với em ?

Một thời gian dài dễ chừng hơn mười mấy năm... em và tôi không gặp nhau, bố không lên nhà em nữa, mà em cũng chẳng ghé cha mẹ chồng lấy một lần. Tôi biết có điều gì đó xảy ra nhưng không dám hỏi, bố mẹ cũng không nói.

Được tin bố mất, em về, nhưng chỉ như một người khách. 
Mẹ đưa áo tang cho em, em không mặc.
Ngày đưa bố rời xa gia đình, em cũng đến, vẫn là một người khách.
Giây phút cuối cùng mẹ kiên nhẫn đưa áo tang cho em, nhưng em vẫn không nhận.

Hơn hai mươi năm tôi đã quen với tính cách của em rồi. Tôi và Phượng đã không hiểu rõ về em. Giá như ngày ấy tôi và Phượng đừng lên kế hoạch, đừng làm bà mai cho em... những gì đã qua làm sao lấy lại ? Tôi không buồn cho bố mà tôi buồn cho em. Người xưa nói : "Sóng trước đổ đâu thì sóng sau đổ đó", " Nghĩa tử là nghĩa tận". Cha mẹ có như thế nào thì cũng là cha mẹ, tôi thấy bố mẹ đâu có gì quá đáng để em cư xử thế này ? Chẳng biết bố đã làm gì khiến cho em giận đến thế ? Em có giận bố thế nào cũng hãy nghĩ đến mẹ. Một bà mẹ chồng mà ngay từ đầu em không thích. Mẹ vẫn thương em mặc dù đôi lần em tỏ thẳng thái độ không cần. Em có mấy đứa con là bấy nhiêu lần mẹ lên nuôi em đẻ, thời gian không tính bằng ngày mà là vài tháng nhưng hình như xong công thì rồi việc. Em trả công cho mẹ xứng đáng rồi thôi, không một lần thăm viếng. Em thật sòng phẳng đến lạnh lùng.

Có bao giờ em nghĩ : mình đã làm cha mẹ, thì dù có chăm sóc yêu thương con cái hết lòng thì chưa chắc chúng đã hoàn toàn hài lòng về mình, huống gì là cha mẹ chồng. Em có ba đứa con, hãy dành phước hạnh cho con, tôi mong em suy nghĩ lại, tôi mong một ngày nào đó, em sẽ khác hôm nay, điều đó sẽ tốt cho em hơn...






Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Bố chồng tôi

Khi anh dẫn tôi về giới thiệu với gia đình, tôi đã không nhận được sự hài lòng của bố.
Tôi biết những điều bố không hài lòng về tôi, trong đó có hai điểm lớn nhất là : nhỏ con, không có sức khỏe, lại theo đạo Thiên Chúa. Nhưng vì anh rất cương quyết nên bố đành chấp nhận dù chẳng vui vẻ gì.
Anh giấu bố mẹ để đi học đạo với tôi, ngày lễ rửa tội và lễ cưới không có gia đình bên chồng.
Trong cảnh nghèo, vay mượn tứ lung tung tôi và anh cũng có một căn nhà nho nhỏ, tôi không phải làm dâu. Tôi hiểu nếu làm dâu, tôi sẽ làm dâu bố chồng.
Vậy nhưng bố vẫn cứ hay bắt lỗi tôi, từng chút một, khó khăn từ những điều nhỏ nhặt không đáng, đôi khi tức điên lên được, không cam lòng chịu, nhưng giáo dục đạo đức mà tôi được học từ nhỏ trong trường dòng đã ngăn tôi lại, tôi chỉ giải thích cho bố hiểu, rất lý lẽ nhưng tuyệt đối chưa bao giờ tôi dám hỗn hoặc vô phép với bố dù một tiếng.
Từ từ bố cũng nhận ra đứa con dâu mà bố mẹ đi cưới không đáng ghét như bố nghĩ.

Bố tôi kể lại : có lần bố đã đến nhà gặp riêng bố tôi, bố nói thật lòng là lúc đầu bố không ưa tôi nhưng bây giờ bố thấy tôi là một người tốt.
Bố tôi rất xúc động vì những lời nói này.
Nhưng chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy. Hình như khó khăn với tôi là niềm vui của bố ? Cứ hết chuyện này đến chuyện khác, mà đâu phải chỉ có mình bố, mấy đứa em chồng cũng xa lạ, lạnh lùng, bắt bẻ, xét nét tôi nhất là cô út Mỹ Phương, chỉ có Mỹ Linh là thân thiện với tôi mà thôi. Tôi là chị chồng được các em dâu thương mến, tại sao khi là chị dâu, tôi lại không thể có được tình thương như vậy ? đó là câu hỏi vẫn thường xuyên trong đầu óc tôi, tôi hiểu thiện chí không bao giờ từ một phía.
Thật sự là nhiều lúc nản không chịu được, nhưng cái thiện trong tôi vẫn vượt trội, tôi đã thắng được bản thân để không buồn giận bố, vẫn cư xử tròn bổn phận. Lo được cái gì thì lo, làm được cái gì thì làm, tôi vui với những việc làm của mình và tự an ủi : nếu tôi có con dâu, chỉ mong nó đối xử với tôi như tôi đã đối xử với gia đình chồng, tôi không dám cầu mong nhiều hơn...

Hai tháng bố nằm một chỗ, đau đớn toàn thân, sinh hoạt bình thường không còn tự chủ được nữa. Nhìn bố chỉ còn da bọc xương, tôi xót xa. May mà có Tuấn con của Mỹ Linh, là con trai mà nó chăm ông ngoại cực kỳ nhẹ nhàng, ân cần, kỹ lưỡng và sạch sẽ, nó còn hay nói chuyện tếu táo cho ông vui. Nó kể những ngày cuối cùng bố đau lắm, nó chọc bố:
- Nếu cháu làm ông đau thì cháu ra khách sạn kiếm mấy cô chân dài vào cho ông nhé ! Mấy cô đó nhẹ nhàng lắm ông ạ, chỉ chịu khó tốn tiền chút thôi.
Hoặc :
- Cháu chăm ông thế này, ông có "bo" cho cháu không ?
Những khi nó đùa như thế, bố vui và cười, quên cái đau được một chút.

Những ngày cuối, tôi lên thăm bố nhiều lần hơn, nghe lời em dâu, tôi tìm ảnh Phật Di Đà treo ở đầu giường bố nằm, ảnh Phật từ bi đưa bàn tay cho bố nắm lấy. Tôi nói với bố :
- Con không bao giờ hờn giận hay ghét bố đâu, bố ơi !
Khi bố còn sống, mẹ nói : bố khó tính quá làm mẹ nản lòng, bố không thương mẹ.
Chồng tôi và các em thì nói : bố không thương các con.
Nhưng đó là chuyện của bố. Tôi nói với con trai tôi : dù ông nội như thế nào đi nữa thì mẹ vẫn cứ mang đến cho ông nội chút niềm vui cuối đời con à ! Tôi thấy ánh mắt con nhìn tôi thấu hiểu và tôi chỉ cần như thế, tôi muốn mỗi hành vi, cách ứng xử của mình là bài học cho con.

Những chỉ vàng được bố dành dụm, tằn tiện suốt đời mới có, vào những giây phút cuối đời bố đưa chọ mẹ. Bố nói : bà cầm lấy để lo hậu sự cho tôi.
Tội nghiệp quá, trong con người tưởng chừng khô khan, khó tính như bố vẫn đầy lòng tự trọng và một chút yêu thương.

Buổi sáng ngày 15 tháng 10 năm 2014.
Tuấn gọi điện thoại báo tin bố mất. Tôi không mong đợi tin này nhưng thực sự đó là một sự giải thoát cho bố. 
Đám tang buồn tẻ, hiu quạnh, không một giọt nước mắt.
Tự nhiên tôi thấy thương bố và xót xa. Tôi dành cho bố những giọt nước mắt lặng lẽ của riêng tôi. Tôi mong mẹ và các em bỏ qua tất cả để thương bố nhiều hơn, dù sao đi nữa bố cũng đâu đến nỗi...

Về thế giới bên kia, chắc chắn bố hiểu rõ tôi hơn, bố biết tôi đối với bố mẹ như thế nào. Bố sẽ không còn khó chịu, bực bội với đứa con dâu này nữa. Bố sẽ nói với bố tôi lời nào nhỉ ? Tôi tin khi nghe những lời bố nói về tôi, bố tôi sẽ vui và sẽ cười thật tươi. Tôi tin như thế...







Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

FATIMA 1917 : mặt trời quay

Chắc hẳn khi nhắc đến tên Fatima, các bạn đã nghe nói đến phép lạ mặt trời quay?
Nhưng các bạn có biết rằng qua cách thức phép lạ xảy ra, thì đây hẳn là một phép lạ vĩ đại nhất chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội? Hay: Phải chăng đây là một chuyện thêm thắt và bịa đặt thái quá?
Hy vọng qua những dòng sau đây, các bạn sẽ có được sự nhận định chính xác hơn.
Để mọi người tin
Vào ngày 13.10.1917, tại ngọn đồi Cova da Iria ở Fatima, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã hiện ra lần thứ sáu với ba trẻ chăn chiên: Lucia (10 tuổi), Francisco (7 tuổi) và Jacinta (6 tuổi).
Nhưng nhiều người cho rằng việc Đức Mẹ hiện ra chỉ là trò hề, do ba đứa trẻ nhà quê bịa đặt ra để gạt gẫm người khác, hay do thủ đoạn của những người lớn đứng phía sau giật dây để nhắm tới một mục đích chính trị hay kinh tế nào đó.
Chính bà mẹ Lucia cũng hoàn toàn nghi ngờ, đến nỗi bà còn đánh đập con gái mình vì cho rằng Lucia nói dối.
Để đánh tan sự nghi ngờ và bất tín của thiên hạ, nhất là để mọi người tin nhận biến cố Fatima là sự thật, trong lần hiện ra vào ngày 13.07.1917, Vị Thiên Nữ đã hứa là vào ngày 13.10.1917, sẽ có một phép lạ vĩ đại xảy ra trước sự chứng kiến của mọi người.
Lời hứa này còn được Vị Thiên Nữ nhắc lại vào ngày 19.08.1917 và vào ngày 13.09.1917.
Vâng, trong lần hiện ra vào ngày 13.09. 1917, sự thông báo của Vị Thiên Nữ về một phép lạ vĩ đại sẽ xảy ra vào ngày 13 thang 10 tới, cũng được ba trẻ nói cho mọi người hay. Vì thế, đúng vào ngày đó, đã có khoảng từ 50 đến 70.000 người đã tấp nập đổ xô về Fatima, trong số họ, gồm có đủ mọi hạng người, từ các tín hữu, những người tò mò cho đến cả những người nghi ngờ chống đối.
Nhiều phóng viên của những tờ báo lớn ở Bồ Đào Nha cũng đều có mặt trong lần hiện ra hôm đó. Nhưng có lẽ những phóng viên này chỉ muốn đến để soạn sửa cho bản tin ăn khách sẽ được đăng ở trang nhất trên các tờ báo của họ trong số ra ngày mai với tít lớn: «Sự thất bại ê chề của hiện tượng Fatima», hay: «Nhân loại văn minh của thế kỷ XX vẫn còn bị những chuyện hoang đường lừa đảo » kèm theo những bài bình luận đầy giọng mỉa mai châm biếm tôn giáo, nếu như phép lạ đã được loan báo trước, không xảy ra. Nhưng vào ngày 13.10.1917, mọi sự đã xảy ra hoàn toàn khác với ý nghĩ của những nhà báo này: Phép lạ cả thể đã thực sự xảy ra; mặt trời đã quay cuồng trước sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt hôm đó.
Một vị giáo sư là chứng nhân hiện tượng lạ lùng hôm đó
ưhttp://vietcatholic.net/pics/NhanChung3.jpg
Ở đây, chúng ta hãy nghe tiến sĩ José Maria Proença de Almeida Garrett, giáo sư môn khoa học tự nhiên đại học Coimbra, kể lại những gì ông đã quan sát thấy ở Fatima hôm đó. Vì ông là một giáo sư, nên lời tường trình của ông rất khả tín và gây được sự chú ý của mọi người:
«Hôm đó, tôi đến nơi vào giữa trưa. Cơn mưa tầm tã từ buổi sáng sớm chẳng những không ngớt, mà bây giờ còn bị những trận gió dữ dội thổi ào tới tấp như muốn làm tràn ngập cả cảnh vật. (…) Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều. Trong vài giây lát trước đó, mặt trời còn bị che khuất sau đám mây dày đặc, bổng chốc nó chiếu sáng qua đám mây. Mọi cặp mắt đều hướng nhìn về phía mặt trời như bị một sức mạnh nam châm vô hình nào đó cuốn hút vậy. Chính tôi cũng nhìn thẳng vào mặt trời. Nó trông giống như một cái đĩa sáng rực rỡ, chói lọi, nhưng không làm lóa mắt. (…) Nhưng mặt trời vào lúc bấy giờ không làm lóa mặt, không giống như khi chúng ta nhìn nó bị che khuất sau một đám mây. Không, bầu trời lúc bấy giờ hoàn toàn trong sáng, chứ không hề có một vẩn mây nào che khuất mặt trời cả; nó xuất hiện rõ ràng giữa bầu trời. Cái đĩa sáng chói đầy mầu sắc rực rỡ đó không đứng yên, nhưng chuyển động rất nhanh. Và đó không phải là những tia sáng lung linh phát ra từ các ngôi sao. Cái đĩa lửa quay tròn với một tốc độ nhanh khủng khiếp, khiến từ đám đông những người có mặt hôm đó, bổng chốc vang lên những tiếng kêu la sợ hãi thất thanh. Mặt trời cứ tiếp tục quay tròn như thế cùng với tốc độ nhanh khủng khiếp tương tự, đồng thời nó tách ra khỏi không trung và tiến đến gần mặt đất với mầu đỏ máu, mọi cảnh vật như đang sắp sửa bị nghiền nát dưới độ quay nhanh khủng khiếp của vòng lửa không lồ. (…) Tất cả những hiện tượng này, tôi đã bình tĩnh quan sát và trình bày ra đây sự nhận xét khách quan của mình, chứ không do bất cứ sự xúc động nào chi phối cả. Tôi cũng hoàn toàn chờ đợi sự nhận xét và quan điểm của kẻ khác.» (1).
Phải chăng đám đông bị thôi miên?
Hàng chục ngàn người đều đổ nhìn về phía mặt trời đang quay lộn kỳ lạ. Về phép lạ mặt trời quay, có lẽ sẽ có người cắt nghĩa ngay rằng vì đã được báo từ trước, và đám đông đã đến Fatima với một tâm trạng quá nóng lòng hồi hộp chờ đợi. Vì thế, khi có một hiện tượng bất bình thường nào đó nơi mặt trời xảy ra, họ đã vội cho là phép lạ, và rồi sự công nhận đó cứ lan tỏa ra nhanh trong đám đông một cách vô ý thức như một dòng điện vậy, tương tự như phản ứng của các khán giả ngồi xem đá banh trong một sân vận động khi có cầu thủ đá thủng lưới đối phương.
Nhưng sự cắt nghĩa đó sẽ hoàn toàn trở nên buồn cười và không thể đứng vững được khi sự kiện cụ thể xảy ra trong thực tế, đó là người ta có thể quan sát và nhìn thấy được phép lạ mặt trời quay trong chu vi rộng 1550 cây số vuông.
Rất nhiều nhân chứng đã từ xa chứng kiến được phép lạ mặt trời, lại là những người vô tín ngưỡng, những người đã từng phê bình và cười chê những khách đến Fatima hôm đó như những kẻ «nhẹ dạ cả tin». Trong số những người quan sát được phép lạ mặt trời từ xa, chứ không có mặt tại Fatima, đã cho ý kiến như sau:
Linh mục Joaquim Lourenco, hiện là nhà giáo luật học của giáo phận Leiria, nhưng vào lúc xảy ra phép lạ, hãy còn là một học trò và cùng người anh và các bạn bè của ngài đang có mặt tại làng Alburitel, cách Fatima vào khoảng 54  km. Tất cả đều tưởng ngày tận thế đã đến.
Cha Lourenco tường thuật lại như sau: «Tôi nghĩ rằng tôi không đủ khả năng để diễn tả lại những gì chính tôi đã chứng kiến xưa kia. Tôi nhìn như dán mắt vào mặt trời để quan sát: Mặt trời có màu nhợt, đến nỗi tôi có thể nhìn thẳng vào nó mà không bị đau mắt chút nào cả. Mặt trời vào lúc bấy giờ trông tựa như một quả bóng bằng tuyết, quay chung quanh cái trục của mình, và bổng chốc nó như rơi ra khỏi bầu trời, quay lượn ngoằn ngoèo và tiến sát gần mặt đất với vẻ đầy đe dọa. Vì quá sợ hãi, tôi đã chạy nấp vào phía sau người lớn đang đứng khóc lóc vì tưởng rằng thế giới trong giây lát nữa sẽ bị chấm tận. Bên ngoài ngôi trường làng của chúng tôi, có một đám đông đang tụ họp lại; còn đám học trò chúng tôi thì xô nhau chạy ra khỏi lớp học và đi xuống đường. Khi phép lạ bắt đầu xảy ra thì chúng tôi nghe thấy tiếng kêu la của những người đang đứng đầy ngoài đường phía trước cổng trường, đàn ông cũng như đàn bà…
Lúc bấy giờ có một người vô thần, mà cả buổi sáng hôm đó cứ rêu rao lên tiếng chê bai cười nhạo những người tới Fatima là «những kẻ ngu ngốc», cốt chỉ để xem một đứa bé gái nhà quê. Nhưng trong suốt lúc xảy ra phép lạ thì ông ta đứng đờ ra như một người bị bất toại cả thân mình và chỉ đưa mắt cắm chặt vào mặt trời. Ông ta bắt đầu run rẩy cả mình mẩy lẫn chân tay, rồi quỳ xuống trên bùn lầy và giơ hai tay lên trời cầu xin Chúa tha thứ cho mình.» (2).
Một hiện tượng không thể cắt nghĩa được
Qua sự trình bày của tất cả mọi nhân chứng có mắt hôm đó khi xảy ra phép lạ mặt trời quay, người ta có thể nói được rằng phép lạ cả thể đó có bốn đặc điểm khác nhau :
1. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào một vật sáng chói lọi, mà họ cho là mặt trời, chứ họ không cần phải đeo kính nhâm hay bất cứ phương tiện bảo vệ mắt nào cả.
2. Vừng sáng chói lọi đó đã tỏa ra những tia sáng mầu sắc rực rỡ xuống trên mặt đất, đến nỗi mọi cảnh vật đều bị nhuộm mầu hết.
3. Vừng sáng chói lọi rực rỡ đó rơi xuống trên đám đông.
4. Chỉ trong vòng mấy phút mà cả vùng đất Fatima đang bùn lầy dơ bẩn, bổng chốc trở thành khô cứng, và áo quần của đám đông trên dưới 60 ngàn người từng bị cơn mưa cả buổi sáng làm ướt đẫm, cũng hoàn toàn khô ráo bình thường.
Đúng vậy, chỉ trong vòng khoảng 10 phút đồng hồ mà cả mặt đất lầy lội cũng như quần áo ướt át của đám đông bổng chốc khô ráo hoàn toàn. Đó quả là một điều đã minh nhiên nói lên rằng ngoài phép lạ siêu nhiên ra, không thể tìm ra được lời giải thích theo phương diện tự nhiên được.

Nỗi lo lắng của Mẹ Maria cho con cái loài người
Nếu thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã từng ước ao là khi được về trên trời, thánh nữ sẽ trở thành tình yêu đầy sáng tạo để cứu giúp mọi người, thì nay Fatima và nhất là phép lạ mặt trời quay, là một bằng chứng hùng hồn của tình yêu đầy sáng tạo của Mẹ Maria đối với con cái loài người chúng ta, dĩ nhiên, trên hết là bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa.
Bởi vậy, chúng ta hãy nghiêm chỉnh đón nhận dấu chỉ của sự lo lắng của Mẹ Thiên Chúa; đúng như lời chị Lucia đã cảnh báo : «Fatima luôn luôn mang tính cách thời sự cao điểm của nó.» Bởi vì, đối với Thiên Chúa, thời giờ là vô tận; nhưng đối với phàm nhân chúng ta, thời giờ luôn có giới hạn của nó. Và giới hạn đó không ai biết được dài ngắn, lâu mau. Vì chưa bao giờ có ai biết được mình sẽ được sinh ra lúc nào, và cũng rất ít ai biết được mình sẽ chết lúc nào. Ngày tận cùng của mỗi người sẽ xảy đến một cách bất chợt, không ngờ trước được, tương tự như một kẻ trộm vậy (x. Mt 24,37-44). Do đó, Đức Giêsu đã căn dặn chúng ta: «Các con phải canh chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến!» (Mc 13,33).
Nhưng dĩ nhiên, sự tỉnh thức và canh chừng mà Chúa nói đây, không có nghĩa là sự ngồi chờ cách thụ động, vô vi; nhưng là một sự tỉnh thức đầy sáng tạo, nghĩa là một sự tỉnh thức chờ đợi đầy tính năng động mà Mẹ Maria đã chỉ cho chúng ta tại Fatima cách đây đúng 90 năm về trước. Đó là:

• Mỗi người phải ăn năn sám hối và cải thiện cuộc sống cá nhân của mình
• Hằng ngày hãy siêng năng và sốt sắng lần hạt Mân Côi
• Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, như Chúa muốn.
Nếu được thế, thế giới sẽ được hòa bình, nhiều dân tộc sẽ tránh khỏi cảnh bị diệt vong và nhiều linh hồn sẽ không bị trầm luân trong hỏa ngục đời đời.

Linh mục Nguyễn Hữu Thy
(nguon:vietboston.com)