Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Đêm an bình

Quà tặng của chị Thy Thy





Tuyết rơi phủ lấp đầu non
Không gian trầm lắng như còn đợi tin
Đêm nay Chúa xuống An Bình
Muôn dân hồ hỡi, ... cúi mình nhận ơn
Con đây là kẻ phàm nhân
Bao năm đón nhận những ân phúc này
Nhưng rồi gió lại thổi bay
Để cho muối đá đóng đầy cả tim
May thay Chúa lại đến tìm
Rửa bao vết ố... Ôm nhìn đứa con
Đường đời xuôi ngược héo hon
Nếu Ngài không giúp, con còn biết ai
Thế gian mau dễ tàn phai
Mà bao nguy hiểm sớm mai chập chờn
Đêm nay chẳng muốn gì hơn
Quỳ đây con khẩn được ơn phước lành
Tạ ơn Đấng đã giáng sanh...

ThyThy
NY, Dec. 22, 2013



Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Đêm Noel

Nhạc và lời : Lm Xuân Thảo
                                  
Đêm nay Noel về . Hồn ơi lắng tai nghe !
Đàn muôn cung réo rắt, dồn dập tiếng chuông vàng
Đêm nay Noel về . Hồn ơi ngước lên xem !
Ngàn sao đêm lấp lánh, rộn ràng khắp thiên cung.

Ôi Noel Noel ! 
Đêm trời nhiệm màu, khúc nhạc an hòa
Ôi Noel Noel ! 
Đêm trời nhiệm màu, lời thơ kính mến
Ôi đêm đông linh thiêng ! 
Chúa Trời làm người, đất trời giao hòa.
Ôi đêm đông linh thiêng ! 
Chúa Trời làm người, vì một lòng yêu.

Đêm nay Noel về . Trần gian hãy vui lên !
Hợp câu kinh tiếng hát, hợp lòng với thiên triều
Đêm nay Noel về . Người ơi hãy vui lên !
Bình an cho nhân thế, người người sống tin yêu

Đêm nay Noel về . Này ai chốn u mê !
Hãy mau mau cất bước, tìm về ánh huy hoàng
Đêm nay Noel về . Này ai vẫn mong chờ !
Hãy mau mau cất bước, tìm về chốn Belem
Thương chúc những người thân yêu, bạn bè của tôi và tất cả...một Giáng Sinh An Lành, 
Hạnh Phúc

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Có 1 tình yêu



Quà tặng giáng sinh của Chị Thiên Hương
Xin mời tất cả gia đình và bạn bè của tôi cùng thưởng thức





Gửi một chút yêu thương

Hình như cứ đến hẹn lại lên. Trung thu , Giáng sinh, Tết, hoặc có khi chẳng đúng thời điểm nào cả nhưng chỉ vì bỗng dưng lòng thao thức muốn đi. Từ Nhi đồng 2 qua Nhi đồng 1. Từ  khoa phỏng, khoa ngoại đến khoa thận. Toàn là người nghèo, con bị bệnh nặng. sao đa số bệnh nặng lại rơi vào nhà nghèo vậy không biết ? Các bệnh nhi mà chị em tôi gặp (trừ khoa phỏng) cháu nào cũng dễ thương, cháu nào cũng đôi mắt trong veo, khuôn mặt hồn nhiên ngây thơ. Khi người nhà bệnh nhi được gọi lên để nhận một chút yêu thương (cho tôi được gọi phong bì trao tặng bằng danh từ ấy), tôi cứ xót xa bởi cái dáng cha mẹ nào cũng khắc khổ, trĩu nặng nhiều nỗi lo âu . Các cháu đi theo có cháu gái trắng trẻo, xinh xắn , khuôn mặt như trăng rằm, mới nhìn không ai biết ngày mai cháu phải chuyển qua bệnh viện ung bướu để điều trị, vừa phát hiện ra thì đã ở giai đoạn hai rồi. Có cháu cười thật vui khi nhận quà nhưng mẹ lại bật khóc vì cảm động và cả vì lo lắng nữa, đến nỗi cô y tá phải rầy : em đã dặn rồi, chị đừng có khóc, chị khóc làm con biết bệnh của nó nặng, nó sợ tội nghiệp . Nhớ mua sữa cho con uống bồi dưỡng nha ! Nghe vậy mẹ vội vàng đưa tay áo quẹt nước mắt . Tôi và các em tôi cũng cố kìm những xúc động. Có cháu mới mấy tuổi đã phải chọn bệnh viện là nhà, chạy thận mấy năm rồi, gầy ốm, xanh xao. Cả gia đình khánh kiệt vì bệnh của  con.

Vào khoa phỏng thì các cháu quá sức tội nghiệp vì đau đớn. Thật sự tôi và các em mình khi đến thăm đã không dám nhìn thẳng vào những nỗi đau ấy. Quả là quá sức chịu đựng Chúa ơi ! Có cháu bé ba tuổi bị té ngữa vào nồi nước sôi mẹ vừa nhắc từ trên bếp xuống làm lột hết da lưng, cháu nằm sấp như vậy là hai tháng rồi, vậy mà gan lắm, những ngày đầu thay băng đau quá mới khóc lớn, sau đó chỉ rên ư ử thôi. Các bác sĩ và y tá thấy cháu dễ thương vậy nên thương lắm ! Có cháu đã nằm ở khoa sáu tháng nay. Y tá nói đây là bệnh nhi nằm lâu nhất và chắc là tiếp tục phải điều trị một thời gian dài nữa. Cháu bị băng bó toàn thân kể cả khuôn mặt, chỉ trừ đôi mắt là không phải băng. Hỏi ba cháu sao lại để con ra nông nỗi này thì được trả lời : vợ em ngoại tình với chồng người ta chị ạ . Em và vợ thằng kia đã cảnh cáo nhiều lần rồi mà nó vẫn không nghe. Cuối cùng vợ thằng kia đánh ghen bằng cách tạt acid vào con em. Ôi quá nhẫn tâm và vô cùng độc ác ! Một bé gái chưa được 10 tuổi đã phải hứng chịu trận đòn ghen thay cho mẹ nó. Đau thế này có lẽ chết còn nhẹ nhàng hơn. 

Khi các em tôi trao một chút yêu thương cho các cháu cũng có vài trường hợp cha mẹ các cháu không nhận xin nhường lại cho những cháu nặng hơn. Thương lắm ! tôi chỉ có thể dùng hai từ như vậy để diễn tả mà thôi.

Có khi các em tôi đến trung tâm nuôi trẻ em mồ côi khuyết tật. Đã mồ côi mà còn khuyết tật nữa thì thương biết chừng nào ! Thương nhất là các cháu bị úng não và bại liệt. Các cháu đã bị bỏ rơi ngay từ lúc mới chào đời và được bệnh viện đưa vào đây. Thân thể các cháu bé hẳn so với cái đầu quá bự. Tay chân chằng chịt những dây gắn kim tiêm. Chỉ có đôi mắt là biết nói. Cô bảo mẫu đang đút ăn cho từng cháu. Tôi thấy có một thanh niên nước ngoài đang phụ với các cô chăm sóc các cháu, chàng thanh niên này cứ hai ngày cuối tuần là lại vào đây để chia sẻ yêu thương như thế . Em tôi ẵm một cháu bị liệt vào lòng, cháu lại còn bị mù nữa chứ ! Khi được ẵm cháu thích lắm, cứ đeo cứng không chịu rời, phải dỗ dành mãi và gỡ nhẹ nhàng cháu mới chịu nằm xuống. Có nhiều cháu ngớ ngẩn nhưng hiếu động, thấy được quà thì thích thú ôm chị em chúng tôi hôn chùn chụt, hôn rất mạnh. Ôi những nụ hôn trẻ thơ...!
Còn biết bao cảnh đời khốn khó, thương tâm...


Hơn 2000 năm trước Chúa đã không chọn nơi giàu sang để sinh ra. Hay những nơi giàu sang họ đã không thèm chọn Chúa ? Trên con đường về quê xa thăm thẳm có một đôi bạn, họ đang rất cần một chỗ trọ vì trời đã tối, người phụ nữ lại sắp sinh. Nhưng đôi bạn đã bị tất cả chối từ. Cuối cùng chỉ có Belem, một hang đá tối tăm, ẩm thấp, lạnh lẽo và hôi hám đã đón nhận Người. Chỉ có các mục đồng, các con vật quì chung quanh thở hơi ấm cho Người bớt lạnh giá đêm đông.

Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa trong những người nghèo hèn cơ cực, biết chia sẻ với Người một chút hơi ấm thương yêu. Để chúng con được cùng với thiên thần hát lời chúc tụng :
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.


Lạy Chúa ! 
Giữa giá rét mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa, 
ngay giữa những lo âu hàng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.

Thương tặng các em của Chị, nhất là nhà tài trợ và ghi nhớ những lần đi .
(Lời cầu nguyện trích trong sách Rabbouni - 120 lời nguyện của bạn trẻ)




Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Cu Bin

Bin đang học lớp 7, Bin học giỏi nhất khối năm lớp 6 và đang tiếp tục cố gắng để năm học này vẫn giữ được danh hiệu ấy.

Bin cũng học giỏi giáo lý nữa, hè vừa qua Bin được Cha thưởng cho một suất đi Dalat 5 ngày không phải đóng tiền, thích thật !

Mẹ Bin có xe bán bánh mì thịt và xôi mặn ở đầu hẽm, vừa bán vừa trông nhà. Đến gần trưa thì dù hết hay còn cũng phải dọn vào nhà để nấu cơm. Bây giờ không cần ra ngõ cũng có thể mua được thức ăn, người ta bán hàng nhiều vô kể, vì thế mẹ Bin bán chậm lắm dù rằng thịt, gan để làm paté đều vào siêu thị mua của công ty Vissan bởi ở đây thực phẩm an toàn hơn.

Thương mẹ nên một tuần được học buổi sáng vài ngày là Bin tranh thủ giới thiệu sản phẩm bánh mì và xôi mặn cho các bạn. Bin kể mỗi lần ra chơi là Bin đều phải cầm giấy và viết chạy theo từng bạn để hỏi ngày mai bạn ăn gì Bin mua mang vào cho. Bạn thì ăn xôi mặn không chà bông nhưng thích trứng cút, bạn thì không lấy lạp xưởng, bạn thì nhiều ớt một chút, bạn thì ít đồ chua thôi, mỗi bạn mỗi ý nên Bin phải ghi cho thật rõ ràng để vui lòng khách hàng. Giờ chơi học sinh như bầy thỏ tung tăng mỗi đứa một hướng. Ghi xong được mười mấy phần cho mẹ thì Bin mới vào chơi với các bạn, chơi được một tí thôi là chuông báo đến giờ học tiếp rồi. 

Mẹ Bin thương con không được chơi thì Bin nói dễ thương lắm : không sao đâu mẹ, con đi học giáo lý Cha dặn là phải biết hy sinh...

Ăn hoài một hai thứ ai mà không ngán, huống gì Bin là trẻ con. Nhưng Bin nói : nếu con ăn món khác, bạn thấy ngon nhờ con mua thì làm sao mẹ bán được hàng, nên dù ngán cỡ nào con cũng phải cố gắng ăn bánh mì và xôi mặn thôi.

Mẹ Bin nghe thế dù cực cỡ nào cũng thấy vui.
Bin ơi ! Bin cứ học giỏi và ngoan hoài nghe Bin !

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Hồng nhan...

Một buổi sáng đi công việc, ghé sạp báo quen mua ủng hộ hai tờ. Sạp báo ở ngay trạm chờ xe buýt nên tôi quen chị là vì thế. Xe chưa đến và sạp báo không có khách nên  tôi và chị có dịp nói chuyện năm ba câu. Cũng cả năm rồi tôi nghỉ làm thành thử ít có dịp nói chuyện với chị. Qua câu chuyện tôi mới biết cô bạn ở cạnh sạp báo của chị mới mất gần 100 ngày. Đó là Thanh, hoa khôi của một trường cấp 3 ngày em còn đi học...
Thanh nhỏ hơn tôi chừng 5,6 tuổi. Tôi nhớ là tôi đã đi làm rồi mà Thanh vẫn còn đi học. Cứ mỗi lần nhìn thấy em mặc áo dài trắng là ánh nhìn của tôi bị cuốn hút mãi không thôi. Thanh đẹp một cách ngây thơ, nét đẹp dịu dàng, làn da không cần son phấn mà vẫn mịn màng, ửng hồng rất đáng yêu. Tuy gia đình em là gia đình cách mạng nhưng hai bác dễ thương lắm, ân cần với mọi người, sống chẳng mất lòng ai. Em lớn lên trong một gia đình như thế nên tính cách cũng giản dị . Em lễ phép và ngoan nên tôi và nhiều người cũng rất thích em.
Thi tốt nghiệp trung học xong thì em học y tá. Tôi gặp em ở một bệnh viện lớn. Quan sát em cư xử với mọi người tôi nghĩ em đã chọn đúng nghề...
Lâu lắm rồi tôi cũng chẳng còn nhớ em cho đến một buổi sáng trong khi chờ xe buýt đi làm thì tôi gặp lại. Đứng chờ ở trạm mấy năm rồi tôi đâu có biết đó là nhà em. Thanh bây giờ vẫn đẹp nhưng lặng lẽ, khuôn mặt buồn quá. Không nói nhiều về mình, em nói chuyện với tôi mà ánh mắt như có nước...
Sau này hỏi thăm chị bán báo tôi mới biết em khổ lắm dù lấy chồng giàu. Chồng em giỏi giang làm ăn nên cơ ngơi là căn nhà mặt tiền đúc vài tấm với đầy đủ tiện nghi. Khi em còn làm y tá thì có một bác nằm bệnh viện thấy em dịu dàng dễ thương nên cưới cho con trai mình. Vợ chồng sống với nhau chừng mươi năm thì chồng em có người khác. Em được sống ở ngôi nhà đó với con gái , với đầy đủ tiện nghi, với tiền bạc được chu cấp thoải mái nhưng với điều kiện... không có chồng.
Thời gian sau này em bệnh, loại bệnh nan y. Bệnh thể xác cộng với tâm bệnh đã quật ngã em một cách nhanh chóng.
Em đi rồi, cái đẹp của một thời cũng đã tàn phai theo năm tháng. Em mang được gì về thế giới bên kia hả Thanh ? Con gái em đang học lớp 12, cháu sẽ thế nào trong ngôi nhà cô đơn ấy ?
Suốt cả tuần nay, khi nghĩ về em tôi cứ thấy lòng mình mênh mang ...

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Tất Cả Đều Là Vô Thường



1- Thời gian : Vô Thường 
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới:

“Qua một ngày vui một ngày,sống thanh thản, sống thoải mái. 
Qua một ngày mất một ngày. 
Vui một ngày lãi một ngày.”

2- Hạnh phúc : Vô Thường 
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

3- Tiền : Vô Thường 
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua ? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.(Khó lắm !?!?)

4- Đời sống : Vô Thường 
“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

5- Thế Gian : Vô Thường 
- Tiền bạc là của con (không chắc lắm)
- Tài sản có thể bị mất vì các nguyên nhân: Thiên tai - Hỏa hoạn  - Pháp lệnh (chính quyền tịch     thu, quốc hữu hóa) - Trộm cướp - Con cái. 
- Địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
- Cha mẹ yêu con là vô hạn

               con yêu cha mẹ là có hạn.
- Con ốm cha mẹ buồn lo

               cha mẹ ốm con nhòm một chút, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
- Con tiêu tiền cha mẹ, thoải mái

               Cha mẹ tiêu tiền con, chẳng dễ.
- Nhà cha mẹ là nhà con 

               Nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

- Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
- Ốm đau trông cậy ai ? 

          Trông cậy con ư ? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử).
          Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
          Trông cậy vào đồng tiền ư ? - Chỉ còn cách ấy.


- Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm.

* Chân lý của Đạo : thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

* Cần có tấm lòng rộng mở  :  yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

* Tập cho mình nhiều đam mê :  vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

* Tốt bụng với mọi người : vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

* Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được.. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

* Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

* Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

* Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già ; Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già.

* Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn ào thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.



- Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống…).
- Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh).
- Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống..
- Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…
 Tất cả đều là muộn.

* Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp, chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

* Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

- “Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh,

Tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

* Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

* Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

* Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

* Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời son trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.


* Nếu bạn đã 
cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó ! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả (trái) ngắt vội không bao giờ ngọt.

* Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.



* Sống ngày nào, vui ngày nấy ! Đó là giải thoát !





 


Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Chia sẻ Ánh sáng


CHIA SẺ ÁNH SÁNG CỨU ÐỘ
 


Ngày xưa có một người cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.



Ba đứa con vâng lời cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng. Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định mua những bao lông vịt rất đẹp mắt. 



Còn người con trai thứ ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh mình đã mua được cái gì.

Ngày hôm sau, cả ba người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của mình cho cha:
Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà.
Người con thứ hai mang lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha có vẻ thất vọng.
Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì cả. hai người anh tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi: "Mày không mua cái gì sao?". Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng.

Mọi người đều mỉm cười. Người cha già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.

                                                            ♦♦♦

Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau : thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối... Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi.

Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười.
Một chút ánh sáng của một lời chào hỏi.
Một chút ánh sáng của một san sẻ.
Một chút ánh sáng của tha thứ.
Và một chút ánh sáng của niềm tin 
được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống...

Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác...


Tác giả Veritas

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

THƯ MỘT LINH MỤC CÔNG GIÁO GỬI BÁO THE NEW YORK TIMES

Nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công giáo một cách có hệ thống. Báo này khai thác quá nhiều và không công bằng, một vài vụ linh mục ấu dâm ở Mỹ và nơi khác, trong khi không hề đưa tin về tuyệt đại đa số linh mục có tâm huyết với Giáo Hội, hy sinh cuộc đời vì Chúa và vì tha nhân. Do đó, linh mục Martin Lasarte, người Uruguay, Dòng Don Bosco (SDB), một nhà truyền giáo ở Angola từ 20 năm qua, đã viết bài dưới đây gửi nhật báo The New York Times ngày 6-4-2010. Dễ hiểu là nhật báo không hề trả lời lá thư của cha. Vài ngày sau, lá thư được đăng trên trang mạng Enfoques Positivos ở Argentina, và phát tán nhanh trên các trang mạng bằng tiếng Tây Ban Nha. Sau đó, bản dịch tiếng Anh được phổ biến ở nhiều nước nói tiếng Anh.Mới đây, bản dịch tiếng Pháp được trang www.riposte-catholique.fr đăng ngày 22-3-2013.Xin được giới thiệu bài viết đầy tính thời sự này.


Anh bạn phóng viên thân mến !

Tôi chỉ là một linh mục Công giáo bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về ơn gọi của mình.Trong 20 năm qua, tôi đã sống ở Angola với tư cách là một nhà truyền giáo.

Tôi đọc trong nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ báo của bạn, sự phóng đại của chủ đề linh mục ấu dâm, nhưng trong một cách bệnh hoạn, vì chỉ tìm kiếm chi tiết trong đời sống các linh mục, các sai lầm trong quá khứ.

Có một trường hợp linh mục ấu dâm, trong một thành phố của Mỹ, trong những năm 1970, một trường hợp ở Úc trong thập niên 1980, và cứ như thế, có trường hợp mới đây hơn.... Chắc chắn rằng tất cả các trường hợp này đáng bị khiển trách!

Có các bài báo được cân nhắc và cân bằng, có các bài khác lại phóng đại, đầy thành kiến và thậm chí hận thù nữa. Tôi tự cảm thấy đau đớn nhiều về sự dữ lớn lao, bởi các người ấy đáng lẽ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, lại là con dao găm trong cuộc sống của các người vô tội. Không có từ ngữ nào để biện minh cho các hành vi như vậy. Không thể nghi ngờ rằng, Giáo Hội là phải đứng về phia kẻ yếu và người nghèo. Vì lý do này, tất cả các biện pháp mà người ta có thể dùng để ngăn ngừa và bảo vệ nhân phẩm của trẻ em sẽ luôn luôn là một ưu tiên.

Nhưng sẽ là kỳ cục hết sức khi có ít tin tức và sự thiếu quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình để phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới.

Tôi nghĩ rằng, đối với tờ báo của bạn, các điều sau đây không hề được quan tâm để nói tới:

1) Tôi đã phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm;

2) Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh;

3) Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng;

4) Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em;

5) Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ;

6) Không phải là tin tức thú vị khi một linh mục 75 tuổi, Cha Roberto, rảo qua thành phố Luanda ban đêm, chăm sóc các trẻ em đường phố, dẫn họ đến một nơi trú ngụ, để cho họ không bị ngộ độc bởi xăng dầu mà họ hít để kiếm sống, như là người ném lửa;

7) Việc xóa nạn mù chữ cho hàng trăm tù nhân cũng không phải là tin hay;

Các linh mục, như cha Stéphane, tổ chức các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên bị ngược đãi, đánh đập, hãm hiếp, để họ tạm lánh;

9) Linh mục Maiato, 80 tuổi, đến thăm từng ngôi nhà một của người nghèo, an ủi người bệnh và người tuyệt vọng;

10) Không phải là tin hấp dẫn khi hơn 60.000 trong số 400.000 linh mục và tu sĩ hiện nay đã rời đất nước và gia đình của họ, để phục vụ anh em mình tại các quốc gia khác trong các trại phong, bệnh viện, trại tị nạn, cô nhi viện cho trẻ em bị cáo buộc là phù thủy, hoặc cho trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, trong các trường học dành cho người nghèo nhất, trung tâm dạy nghề, trung tâm tiếp nhận người nhiễm HIV....

11) Nhất là các linh mục dành đời mình trong các giáo xứ và cứ điểm truyền giáo, động viên mọi người sống tốt hơn và nhất là thương mến người khác;

12) Không phải là tin hấp dẫn khi bạn tôi, Cha Marcos Aurelio, để giải cứu trẻ em trong cuộc chiến ở Angola, đã đưa các em từ Kalulo đến Dondo và trên đường trở về, cha bị bắn chết; rồi đến một tu sĩ tên là Phanxicô và năm nữ giáo lý viên bị chết trong một tai nạn, khi họ đi giúp đỡ các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh nhất của đất nước;

13) Hàng chục các nhà truyền giáo tại Angola đã chết vì thiếu các phương tiện y tế, chỉ vì bệnh sốt rét đơn giản;

14) Nhiều người khác đã bị tung xác lên trời do mìn nổ, khi đi thăm các tín hữu; quả vậy, trong nghĩa trang ở Kalulo, có mộ các linh mục đầu tiên đến khu vực ấy... không ai sống hơn 40 tuổi cả....;

15) Không phải là tin hấp dẫn, khi một linh mục "bình thường" sống công việc hàng ngày của mình, trong các khó khăn và niềm vui của mình, sống âm thầm cả đời vì lợi ích của cộng đoàn mình phục vụ;

.......

Sự thật là, linh mục chúng tôi không cố gắng để có tên trong tin tức, nhưng chỉ mang "Tin Mừng", và Tin Mừng này không ồn ào, đã bắt đầu vào buổi sáng Phục Sinh. 

Một cây ngã gây tiếng ồn nhiều hơn cả cánh rừng đang mọc và phát triển.
Người ta gây nhiều tiếng ồn cho một linh mục phạm một lỗi lầm, hơn là gây tiếng ồn cho hàng ngàn linh mục hiến đời mình cho hàng chục ngàn trẻ em và người nghèo khó.

Tôi không muốn làm một biện hộ cho Giáo Hội và các linh mục.
Một linh mục không phải là một anh hùng, cũng không phải là một người rối loạn thần kinh. Linh mục chỉ là một con người bình thường, và với bản tính con người của mình, tìm cách theo Chúa và phục vụ Ngài trong anh chị em của mình.


Linh mục có nhiều khổ đau, nghèo đói và sự mỏng giòn như các người khác; nhưng linh mục cũng có vẻ đẹp và hùng vĩ như mọi thụ tạo khác....

Việc nhấn mạnh một cách ám ảnh bẩm sinh và phá hoại về một đề tài đau đớn, trong khi mất tầm nhìn chung của công việc, tạo ra thật sự các biếm họa tấn công vào hàng linh mục Công Giáo, do đó, tôi cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi chỉ yêu cầu anh, người bạn phóng viên thân mến, hãy tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Điều này sẽ làm lớn mạnh nghề nghiệp của bạn.
Chào anh, trong Đức Kitô!

Linh mục Martin Lasarte, SDB

”Quá khứ của con, lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa.
Hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa
Và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.
(www.riposte-catholique.fr ngày 22-3-2013)


Nguyễn Trọng Đa dịch

— with Cuong Nguyen. 

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

MỘT HỘI THÁNH BẦM TÍM, TỔN THƯƠNG VÀ NHƠ BẨN

 Tôi vừa trở về thành phố từ một vùng truyền giáo cao nguyên, một lần nữa chuyến đi để lại trong lòng tôi nhiều nỗi trăn trở, tiếng cồng tiếng chiêng theo tôi về phố, âm vang đều đặn nghe buồn não nuột như tiếng rên nhẹ của núi rừng.

Dâng lễ trong một căn nhà nguyện nhỏ, cả ngàn người chặt như nêm, vây kín trong ngoài, may mà cao nguyên mùa này se lạnh, gió núi thổi về từng cơn xua đi cái nóng hừng hực của hơi người. Các Cha cho tôi biết tại giáo điểm này có hơn 2.500 giáo dân, nhưng toàn vùng dọc quốc lộ dài hơn 40 cây số có hơn 8.000 giáo dân, chỉ có 1 giáo điểm này đươc phép tụ tập dâng lễ. Vị Giám mục giáo phận đã nói với nhà cầm quyền về quyền tự do tôn giáo của giáo dân, người dân có quyền được thụ hưởng sự chăm sóc tâm linh khi có nhu cầu. Ngài kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm, hãy nhìn đến các cụ già, các người bệnh tật không thể vượt 40 cây số để đến giáo điểm như hiện nay. Ngài đề nghị chấp thuận cho mở thêm các giáo điểm khác gần đó. 
Không chỉ im lặng, không giải quyết, vị đứng đầu huyện trả lời với dân chúng “ai muốn theo đạo thì ra khỏi huyện, huyện này không chấp nhận có người theo đạo”, một linh muc trong hạt nói với tôi như vậy. Tôi cố không tin vào tai mình, rồi tôi cố không tin vào lời của vị linh mục đó, nhưng chính vị Giám mục nói với tôi “hồ sơ nằm ở huyện nhiều năm nay, không giải quyết và cũng không chuyển lên tỉnh !”. 
Chỉ có một giáo điểm, mà giáo điểm này do chính giáo dân lập nên, tự động xây dựng, bị hành hạ đủ điều, bị hạch sách đủ thứ, cuối cùng trước sự “lì lợm” của giáo dân, bất đắc dĩ phải công nhận. Nhưng vị linh mục quản nhiệm không được phép cư trú, ngài phải ở một nhà xứ khác cách đó hơn 40 cây số, ngày ngày di chuyển đến dâng lễ và giáo dân trong vòng bán kính 40 cây số của giáo điểm tìm cách đến với ngài. 
Trong hoàn cảnh khốn khó như vậy, vị quản nhiệm không ngại khó, không ngại khổ, ngài lao mình vào công cuộc loan báo Tin Mừng, ngài tìm đến các buôn làng xa xôi để an ủi, để khuyến khích, để nâng đỡ các linh hồn. Giáo dân nghèo nhưng hồn nhiên sống Lời Chúa, họ duy trì các buổi phụng tự và siêng năng tham dự các bí tích. Cha quản nhiệm chỉ cho tôi một đống biên bản do nhà cầm quyền địa phương lập vì ngài “vi phạm” hoạt động tôn giáo, nụ cười hiền hòa ngài nói “lập nhiều quá quen rồi”, ngài kể cho tôi nghe những gian khổ khi đến vùng này khi đó còn là vùng trắng (không có hoạt động tôn giáo), “khi đó con khổ biết mấy mà không làm gì được con, bây giờ con hết sợ rồi !”. 
Đức Thánh Cha Phanxico vừa ban hành Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, ngài nói về một Giáo Hội mở cửa đi ra, tôi thật sự bị đánh động bởi bức Tông Huấn này. 
Ngài lặp đi lặp lại rằng ngài thích “một Hội Thánh bị bầm tím, bị tổn thương và nhơ bẩn vì ra ngoài các đường phố, hơn là một Hội Thánh... chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. …. (Bản Tổng lược Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của GLV. Phaolo Phạm Xuân Khôi).
Quả thật anh em tôi bị bầm tím, anh em tôi bị tổn thương, nhưng hình như anh em tôi có được niềm vui Tin Mừng, trong nỗi trăn trở của tôi lóe lên một ánh sáng, chính sức sống của Giáo Hội đang tồn tại và mãnh liệt như ở những vùng như vậy, chứ không phải nơi những nhà thờ nguy nga “ở những trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mãng lưới của những cố chấp và thủ tục”. 

Lm. Vĩnh Sang, dcct.
06/12/2013

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Nhật Quang

Mẹ lập gia đình ở tuổi 32, sau rất nhiều lời khuyên lẫn "hăm dọa" của em dâu . Người mà sau này mẹ bắt con gọi là "mẹ Phượng". Vì nếu không có những lời khuyên ngày ấy thì chắc không có con hôm nay.  Mẹ định ở vậy phụ ngoại nuôi mấy cậu. Lúc đó nhà mình nghèo lắm con, mẹ thì tay trắng, bố cũng trắng tay. Cả hai gia đình nội ngoại đều nghèo trong bối cảnh nghèo của đất nước. Suốt thời gian mang thai con, mẹ nhớ là mẹ thèm thịt gà kinh khủng mà không có tiền ăn, mẹ muốn ăn nghêu để tăng lượng calci mà rồi tính đi tính lại thôi thì ăn ốc cho đỡ tốn tiền, mẹ thèm kem ký nhưng bố nói mẹ ráng chờ đến cuối tháng lãnh lương bố mua cho. Hôm đó khuya lắm rồi, mẹ đang ngủ ngon thì bố về gọi mẹ dậy ăn kem, bố tan ca là 10 giờ đêm, đạp xe về nhà là gần 11 giờ, nhớ là vợ thèm ăn kem mà mình mới vừa lãnh lương nên bố mua ngay một ký mang về nhà. Đang ngủ ngon làm sao ăn kem nổi hả con ? Mẹ chỉ ăn được vài muỗng rồi lại tiếp tục ngủ, phần kem còn lại bố một mình thanh toán cho bằng hết...
Ở trong bụng mẹ con ngoan lắm, chả hành mẹ tí ti nào cả. Hồi đó không siêu âm thai như bây giờ. Đến tháng thứ tám thì bác sĩ mới cho mẹ siêu âm, chắc là thấy giới tính rõ rồi nên bác sĩ hỏi mẹ : có muốn biết con trai hay con gái không ? Mẹ trả lời là không vì con nào cũng được, con nào cũng là con , biết trước để làm gì chứ !
Mẹ chuẩn bị toàn tên con gái thôi. Vì vậy khi có con mẹ hơi bị lúng túng chút xíu. Con sinh buổi sáng , ánh nắng mặt trời buổi sáng rất đẹp, rất tốt . Mẹ mong cuộc đời con tươi đẹp như ánh nắng mặt trời, ánh nắng ban ngày chứ đừng cực khổ như bố mẹ. Mẹ gởi vào tên con một ước mơ, một lời nguyện cầu . Mẹ luôn nói với con muốn cuộc đời được như vậy thì phải cố mà học giỏi. Nhật Quang biết mà, phải không con ?
Con sinh ngày 8 tháng 12, ngày  lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, đó là ngày mà mẹ chọn làm bổn mạng cho mình thì nay xin Đức Mẹ cũng là bổn mạng của con luôn. Đối với mẹ điều đó thật có ý nghĩa.
Vui buồn, nhọc nhằn, lo toan, hạnh phúc... tất cả đan xen nhau tạo nên bức tranh sống động của cuộc đời. Con trai được lớn lên trong yêu thương. Bố hướng dẫn học hành . Mẹ chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, dạy dỗ uốn nắn con từng tí từng ly . Cũng lắm phen con cứng đầu, lỳ lợm, ương bướng. Bố mẹ lại phải cùng nhau suy nghĩ để đưa con vào quĩ đạo tương lai. Con là tác phẩm duy nhất của thợ bố mẹ đấy !
Con có nhớ mẹ luôn nói điều này : Con càng lớn mẹ càng thương vì đường đời gập ghềnh, trắc trở , con sẽ phải bươn chải, chiến đấu một mình. Mẹ chỉ bên con trong lời cầu nguyện mà thôi.

Sinh nhật tuổi 24.
Mẹ mừng khi thấy con trưởng thành : là con ngoan trong gia đình, là công dân tốt của đất nước. Mẹ vui với những hoạt động của con ngoài xã hội . Mẹ bằng lòng với những gì con cố gắng. Mẹ mong con thành công trong cuộc sống và mẹ hi vọng sự thành công của con  sẽ đem lại niềm vui cho nhiều người . Nhật Quang nhé !
Xin Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành và che chở con trong mỗi bước đường con đi.

Con nhỏ, mẹ dắt con đi. 
(Dalat, Quang được 4 tuổi, đang học lớp Chồi)

Và 20 năm sau...




Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Ngụ ngôn đêm Noel

Đêm Noel .
Đức mẹ bồng Chúa Giêsu đến nhà thờ dự canh thức. Nhà thờ lớn lắm, rất đông người đang xem hoạt cảnh trước khi chính thức lễ đêm. Tiếng trống, tiếng nhạc xập xình cùng tiếng diễn kịch trên sân khấu làm Chúa Giêsu giật mình khóc, Đức Mẹ sợ Chúa khóc làm những người chung quanh khó chịu nên dỗ dành : Nín đi con , xem kìa, ai cũng vui, con đừng khóc. Nhưng Mẹ dỗ thì dỗ, Chúa cứ khóc hoài. Mẹ đành phải ẵm Chúa đi chỗ khác thôi. 
Ở đây không có chỗ cho hai mẹ con Chúa Giêsu.

Mẹ lại bồng Chúa đến nhà thờ thứ hai. Vẫn chưa tới giờ. Mọi người đang nô nức cho buổi tiệc sau lễ. Mùi thức ăn thơm quá, hình như Chúa đói bụng rồi nên lại khóc. Người bảo vệ nhà thờ nhìn hai mẹ con ăn mặc nghèo hèn bằng ánh mắt không được cảm thông lắm. Mẹ ngõ lời muốn xin một chút thức ăn để Chúa ăn cho đỡ đói. Người bảo vệ chỉ Mẹ đến nơi người ta đang chuẩn bị tiệc nhưng những người ở đó lắc đầu, xua tay : Này bà ơi ! chưa có ai ăn làm sao cho bà được. Bà ẵm con đi chỗ khác đi, khi nào xong tiệc bà hãy quay lại, nếu còn gì thì người ta cho. 
Ở đây cũng không phải là chỗ của hai mẹ con Chúa Giêsu.

Mẹ lại lũi thũi bồng Chúa đến nhà thờ thứ ba. Nhà thờ này còn hoành tráng, đẹp và đông hơn hai nhà thờ kia nữa. Cơ man là hang đá, nhiều hang đá lắm. Thì ra người ta đang tổ chức chấm thi hang đá. Ai cũng trầm trồ, so sánh : hang đá này đẹp, hang đá kia không bằng. Mẹ nhớ lại ngày xưa Mẹ sinh Chúa trong hang đá tối tăm, hôi hám chứ đâu có sáng sủa và đẹp như thế này. Ánh đèn nhấp nháy đủ màu làm chói mắt nên Chúa Giêsu lại khóc. Tiếng khóc của Chúa làm nhiều người giật mình nhìn hai mẹ con nhà nghèo. 
Ở đây cũng không có chỗ cho hai mẹ con Chúa Giêsu.
                         
Trời gió nhiều . 
Đêm càng về khuya sương càng xuống đậm. 
Lạnh thật lạnh. 
Bồng Chúa chặt vào lòng Mẹ cố bước nhanh về nhà mình. 
Khi băng ngang cánh đồng, thấy chòi canh vịt của ai có ánh đèn le lói. Mẹ đến gần cất tiếng hỏi. Người chăn vịt đẩy tấm liếp che thật nhanh và lấy tay kéo Mẹ : Bà ơi vào đây nhanh lên kẻo đứa nhỏ bị cảm lạnh bây giờ.
Và Mẹ đã bồng Chúa bước vào căn chòi của người chăn vịt...


Đây chỉ là câu chuyện ví von, không có thật , nhưng sẽ lắng đọng trong mỗi người chúng ta những nghĩ suy...
Ghi theo lời giảng của Cha Anrê Nguyễn Ngọc Dũng.
Chiều tĩnh tâm 07/12/2013 tại nhà thờ Bình Xuyên.


Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Mỗi ngày một niềm vui





I am different

Tôi đến giúp một khóa linh thao ở miền Nam nước Mỹ. Cha quản nhiệm nói với tôi, hơi ngại ngùng :
- Xin Cha cho em này dự khóa linh thao , vì ...
Em đã bỏ nhà mấy lần, bỏ học. Ba má em không biết làm cách nào. Những em như thế, bố mẹ chỉ muốn "thẩy" vào các khóa tĩnh tâm để may ra cứu vớt. Họ đâu có biết các khóa linh thao không có phép màu như chiếc máy giặt. Người tham dự phải được chuẩn bị, cũng như không ai thành lực sĩ nếu không muốn luyện tập.
Ba má em là thành viên trong Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ. Cha quản nhiệm vị nể, làm sao tôi từ chối ?

Gặp em trong lúc ghi danh. Tôi không biết phải làm gì . Em đeo hai chùm thánh giá bên tai. Tóc nhuộm punk. Để giống Mỹ, em đeo contact lens màu xanh, giống như hai mắt mèo. Em không giống ai ! Hiểu ngầm như tôi sợ em sẽ phá phách trong khóa linh thao, Cha quản nhiệm trấn an tôi :
- Con sẽ nhờ một vài người để ý đến em.
Ngài sợ em sẽ không tĩnh tâm mà còn cản trở những em khác. Luật của linh thao là phải thinh lặng. Làm sao em có thể thinh lặng trong ba ngày. Nhất là khi không muốn đi mà cứ bị ba má bắt đi. Tôi chưa gặp nhưng cảm thấy em lạc lõng ngay giờ đầu ghi danh. Không em nào trong khóa mà mắt xanh, tóc nhuộm, make up son phấn như thế. Tôi đến làm quen. Trong ánh mắt em. Một khung trời nào đó rất xa xôi. Không náo nức. Không phản kháng. Tôi không hiểu em nghĩ gì khi đến đây, có hận bố mẹ bắt đến không .
Em không quấy phá. Em vào lớp, cũng nghe. Mọi người đã qua ngày thứ nhất trong thinh lặng. Em ngồi ở phía góc phòng. Bốn mươi lăm phút giờ kinh tối sắp trôi qua. Nếu tôi cắt giờ kinh tối sớm một chút thì không nghe được lời cầu nguyện đầu tiên của em. Và tôi chẳng hiểu em. Có lẽ em đợi khi không còn ai cầu nguyện nữa chăng. Em ngồi co ro như con mèo trong góc tối. Ánh mấy ngọn nến nhỏ lung linh trên sàn phòng họp chỉ phớt qua, không nhìn rõ mặt. Em vừa nói bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh :

Lời nguyện thứ nhất :
- Lord, lạy Chúa, con không giống các bạn con. Con chán nhà thờ, I hate family, I droped out...
Tôi đã được Cha quản nhiệm cho biết, em đã bỏ học, bỏ nhà đi mấy lần. Mới tuổi 15 mà em như đã sành đời, mất tuổi thơ rồi. Tôi ngạc nhiên khi thấy em cầu nguyện. Chăm chú lắng nghe.
- Lạy Chúa, con chỉ còn một que diêm trong túi. Only one match. Con sẽ đốt..
Em ngập ngừng. Tôi chú ý. Lời nguyện rất lạ.
- Nếu nó tắt, I will give up.
Tôi chưa bao giờ thấy các em cầu nguyện như thế. Nhất là con người đặc biệt như em.
Kinh tối xong, mọi người về ngủ. Tôi tin rằng đêm đó nhiều tâm hồn đã được đánh động bên dòng nước mắt của em. Em nói với Chúa rằng , em chán nhà thờ, chán gia đình, em đã bỏ nhà đi, ba má em đã buồn vì em, em cũng không ưa gì ba má. Em không giống như những em khác ngồi đây. Em biết mình xấu. Em nói với Chúa rằng trong túi em còn có một que diêm, em muốn đốt cây nến trong tâm hồn em, nếu gió thổi tắt thì em không còn biết đi về đâu. Em đã bỏ nhà đi, rồi về, rồi lại đi. Bỏ học, rồi về, rồi lại đi. Em nhận mình là như thế. Giống như một hộp diêm, đã đốt nhiều lần. Đều tắt. Nay chỉ còn lại một que diêm như chút cố gắng , mỏi mệt. Em cầu nguyện thẳng thắn, không văn chương trau chuốt. Em cầu nguyện như xưng tội trước Chúa. Em nói với Chúa, em chỉ còn chút niềm tin trong đời, em đến với Chúa trong cuối tuần này, em muốn thắp lại bình an, nhưng nhiều lần rồi, em ngã. Em cạn niềm tin yêu như người ta cạn hộp diêm vì đốt hết diêm mà không thắp được lửa. Em bảo Chúa thương em đi, chỉ còn một cái diêm thôi, rồi em khóc.
Tôi nhớ lại lúc em ghi danh chiều qua. Tuổi mới lớn mà em make up nhiều quá. Em lạc lõng trong các em khác . Như một con chồn ngơ ngác giữa bầy chiên. Em không dùng loại son màu hồng nhưng màu tím, xoa ướt nhánh môi. Móng tay màu đỏ gụ. Hai chùm thánh giá thủng thẳng hai tai. Em không giống ai.
Ngay chiều hôm sau nữa. Tức đã qua ngày thứ hai của khóa tĩnh tâm. Khoảng năm giờ chiều, sắp kết thúc giờ suy niệm. Tôi không thấy em cầu nguyện. Tôi mong, tôi thèm lời cầu nguyện của em. Bởi, trong lời nói của em như có lửa. Khi tôi sắp kết thúc thì em cất tiếng. Tôi chăm chú chờ :

Lời nguyện thứ hai : 
- Lord, lạy Chúa, con không giống các bạn con. I am different ...
Em nói như tâm sự chỉ giữa em và Chúa. Em nói như cho chính mình mà thôi. Giờ suy niệm này tôi cho các em suy niệm về cây nho và cành nho trong Phúc âm của Gioan. Trên cành nho có những nhánh lá mang màu úa. Có những đốm lá có sâu. Có những khúc thân nho mốc rêu. Em bảo là em không giống các bạn em. Các em khác thì xin được là chùm nho ngọt, xin là những chiếc lá xanh. Có em mơ đời mình là giấc mơ mùa nho sai trái cho Chúa, cho đời. Em bảo em không là chùm nho ngọt, em không là chiếc lá xanh. Khi cầu nguyện như thế, tôi biết, em đang nhìn vào chính em. Em thấy đời em là vậy. Xấu xa. Tôi nghĩ đến những ngày em bỏ nhà đi. Có thể ba má chửi mắng. Tôi nghĩ có thể em đang so sánh em với những người chung quanh. Một kẻ cắp sách đến trường, gia đình êm ấm. Một kẻ chung quanh là những ngán ngẩm, hiu quạnh. Không biết đời đi về đâu. Rồi em xin Chúa. Xin Chúa cho em là chiếc lá mà bây giờ đang úa vàng rồi. Tôi nghe em cầu nguyện tiếp. Tôi hiều thân phận chiếc lá vàng ấy đi về đâu. Em chỉ xin Chúa nếu gió đời có làm lá vàng kia rụng xuống, em chỉ xin gió đừng thổi nó bay đi xa. Em xin như chiếc lá vàng úa được chết bên cạnh gốc cây nho là đủ cho em rồi. Em nói thế. Rồi em lại thút thít khóc. Tiếng khóc của một tuổi thơ không biết làm gì với đời mình.
Tôi nhớ hình ảnh tối qua. Em cầu nguyện với Chúa là em chỉ còn một que diêm. Nó mỏng manh lắm. Niềm tin, hi vọng, mệt mỏi. Như những ánh diêm đã tắt trong đời. Nhiều lần muốn thắp mà không thắp nổi.
Rồi nắng cũng xuống theo ngày. Cuối tuần tĩnh tâm cũng xong. Chuẩn bị thu đồ ra về. Trong giờ suy niệm cuối cùng. Các em khác, mỗi em có một ước mơ dâng Chúa. Có em xin được theo Chúa. Có em xin được làm chứng nhân. Có em xin được ơn phục vụ. Tôi rất thèm nghe ước mơ của em. Tôi không biết em có mơ ước gì không. Tôi mong em cầu nguyện. Bởi trong những giờ suy niệm, hồn em như vùng lửa nóng đã đến với mọi người. Và, sau cùng em đã cầu nguyện.

Lời nguyện thứ ba :
- Lạy Chúa, con không giống các bạn con...
Em cứ nửa bằng tiếng Việt, nửa bằng tiếng Anh. Em hay bắt đầu bằng câu "con không giống các bạn con. I am different ...". Có lẽ em thấy em xấu. Em không giống ai thật. Có em nào trong khóa mà tóc nhuộm, son phấn thế kia đâu. Có em nào bỏ nhà, bỏ học thế đâu. Trong tiếng kinh cầu của em. Tôi thấy em gần Chúa quá. tâm hồn em đẹp quá. Không có con đường nhân đức nào mà không khởi điểm bằng con đường tự biết mình.
Em không xin theo Chúa như các bạn, vì em biết em không theo Chúa được. Em bảo là nếu theo Chúa, Chúa đi trước, em đi sau. Chúa không nhìn lại, em rình rình rồi lại bỏ Chúa thôi. Mà không theo Chúa, em đi trước thì biết đi đâu ? Rồi em xin Chúa cho em được đi cùng, đi ngang hàng với Chúa.
Ý em cầu nguyện rất lạ. Ai cũng xin theo Chúa. Có ai dám xin đi ngang hàng với Chúa đâu. Em bảo là đi sau Chúa thì lại bỏ trốn, đi trước thì không biết lối đi. Nếu đi ngang với Chúa để khi em muốn trốn về phía sau thì Chúa đẩy lên. Nếu muốn bỏ Chúa đi trước thì Chúa kéo lại. Biết đâu như thế thì em đi được với Chúa. Em chỉ xin vậy thôi.

Tôi chưa bao giờ gặp một tâm hồn cầu nguyện như em. Sau thánh lễ, tôi gặp em và hỏi :
- Cha thấy những ngày này con như được gặp Chúa. Cha thấy giữa con và Chúa, như Chúa đã touched con ?
Đối với tôi, em không theo Chúa, không đi với Chúa nhưng em đang ở TRONG Chúa. Phêrô và nhóm người lên thuyền ra khơi. Rất đẹp. Nhưng cả đêm không bắt được gì.
- Người bảo các ông : "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá (Jn 21:6)
- Ai ở lại TRONG Thầy và Thầy ở lại TRONG người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Jn 15:5)

Gần hai mươi năm qua. Hình ảnh em trong khóa linh thao tôi đã hướng dẫn trong những năm đầu đời linh mục của tôi vẫn nhắc nhở tôi ánh nến trong đêm đọc kinh tối. Dáng em ngồi trầm tư. Lời cầu nguyện của em quá đỗi nên thơ và nhân đức. Đấy cũng là hình ảnh tôi mang theo trong đời linh mục, một hành trình kiếm tìm thiêng liêng của tôi. Còn em, giờ này em đã hết tuổi mười lăm, em đang ở đâu trong cuộc tìm kiếm của đời em ?
Khi ở TRONG Chúa, ta thấy đời quá đỗi bình yên.

Trích sách "KẺ ĐI TÌM"
của Cha Nguyễn Tầm Thường

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Hàng xóm

       
                                                                   
 Bạn cứ tưởng tượng là mình đang sống bên cạnh nhà mà :

  • Chó nhà mình sủa càng ít càng tốt, không sủa lại càng tốt hơn. Để chó sủa nhiều là qua mắng vốn : chị để chó sủa tôi không làm sổ sách được. Mẹ ơi, cái giờ đó là tầm 4,5 giờ chiều mà chó không được sủa à ?
  • Nhà tôi hướng tây nên phải trồng cây bông giấy cho mát. Cây bông giấy nhà tôi không mọc tùm lum mà được chăm chút thành một cây dù tròn to che mát sân nhà và là nơi cho những người bán hàng rong ngồi nghỉ mệt. Mà cái nhà bên cạnh họ không thích . Khi thì gặp tôi nói : ở thành phố này người ta không cho trồng cây bông giấy đâu chị ! Chắc nhà bên cạnh hiểu biết về luật nhiều lắm vì họ là cán bộ nhà nước, chứ tôi thì chưa nghe luật cấm trồng cây bông giấy bao giờ. Chính quyền mà nhìn thấy cây bông giấy nhà tôi không chừng cho vợ chồng tôi báo cáo điển hình về môi trường xanh - sạch - đẹp ấy chứ !
  • Khi thì nhắc chồng tôi cắt cây đi , kẻo nó đâm vào dây điện (mặc dù dây điện nhà ấy cao hơn cây).
  • Có lần tôi lại bị mắng vốn : gai cây bông giấy nhà chị đâm vào dây điện thoại của tôi nên bị hư rồi, tôi không nghe được. Sau đó thấy có người ở công ty điện thoại xuống . Chắc nhà bển đã hiểu lý do hư điện thoại rồi , mừng quá !
  • Ở sát cạnh nhau thì chuyện nhờ qua nhờ lại cũng bình thường thôi. Khi xưa họ cho mình để nhờ đường ống thoát nước bên hông nhà thì khi làm nhà mới, mình lại cho họ để cửa hàng rào gá vào cột nhà mình, cũng chín năm trời chứ ít gì.! Vậy mà thói đời cũng lạ, người ta nhờ mình thì nhớ vanh vách, còn chuyện mình nhờ thì quên béng đi, bởi vậy nên họ xây nhà mới, chẳng thèm cưa sát thanh sắt hàng rào, cột của mình thì bị đập bể vài mảng lớn vẫn chẳng buồn qua nói một tiếng. Chắc họ nghĩ họ là cán bộ nhà nước, ở một đẳng cấp cao hơn nên hơi sức đâu mà nói với những người thấp bé .
Và nhiều chuyện linh tinh khác nữa, kể ra không khéo mình trở thành người nhỏ nhặt mất thôi. Cuối cùng rồi cũng có một giọt nước làm tràn ly...
  • Ấy là khi họ cố tình để cột điện sát với hàng rào nhà mình, cao hơn chừng 5 tấc thôi. Cái này thì con nít nhìn vào cũng hiểu, làm khó để mình không dám leo thang cắt bông giấy đây, cây mọc tùm lum thì phải đốn ... thâm hiểm thật ! Ông xã tôi ra hỏi nhỏ nhẹ thì mạnh vợ, vợ vỗ ngực nói : đất nhà tôi, tôi có quyền làm, không thích thì đi thưa đi. Mạnh chồng thì chồng thách : tôi cứ để đó ông làm gì tôi ?
  • Cái câu này mà nói với dân giang hồ chắc họ không dám. Còn nói với những người hung dữ thì dám có chuyện đâm chém lắm . Còn đối với nhà mình thì cãi nhau xảy ra là đương nhiên rồi, mà tôi cãi lớn, cãi ra trò ... họ cũng không ngờ là vợ chồng tôi phản ứng mạnh mẽ và đành phải vác đơn đi thưa. Không ngờ là phải vì từ hồi nào đến giờ nghe nhà bên ấy mắng vốn tôi chỉ cười cười thôi. 
  • Kết quả của đơn thưa là chỉ 2 ngày sau cột điện bên đó phải trở về vị trí an toàn . Thật cám ơn Chúa, ít ra xã hội cũng còn chút lẽ công bằng. Mà tôi nào muốn cãi nhau thế, đó không phải tính cách của tôi nhưng tôi nhịn 9, 10 năm nay rồi, bây giờ không nhịn nữa dù vẫn hiểu câu mua láng giềng gần,  tối lửa tắt đèn .... Ỷ gia đình mẹ con đều là cán bộ thuế, anh là bí thư phường thì  muốn nói ngang ngược gì thì được a ? tôi chưa có khái niệm sợ những người này, tôi chỉ sợ lẽ phải mà thôi !
Ở đời nhiều lúc không phải mình muốn sống hiền lành, dễ thương là được. Thôi đành vậy , mất đi tình hàng xóm láng giềng một nhà chắc hổng sao ! Không còn con đường nào khác...