Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Thôi kệ

(Thơ của nhà sư Thích Tánh Tuệ)
Thôi kệ, buồn chi những tiếng đời
Chỉ là âm điệu thoảng đầu môi
Nghe khen càng thích, chê càng khổ
Thế sự muôn trùng.. vẫn cứ trôi..

Thôi kệ, sầu chi chuyện được thua
Tuồng đời thăng giáng lúc tôi, vua
Ai khôn mà chẳng dăm lần dại ?
Rồi cũng phù vân.. ngọn gió đùa!

Muôn sự trên đời do Nghiệp Duyên
Hiểu ra, thanh thoát mọi ưu phiền
Trong mơ, ai biết đời hư ảo
Thả mồi bắt bóng.. tự truân chuyên..

Thôi kệ, đừng than, trách thế nhân
Đừng nhìn lỗi họ để.. bâng khuâng!
Nhân tình thế thái xưa nay vậy
Thánh thiện thì ai ở dưới trần?

Thôi kệ, chi rồi cũng sẽ qua
Giận, hờn, ân, oán, nặng riêng ta
Gỡ cặp kính màu cho bớt khổ
Mắt nhặm trông đời vạn đốm hoa...

Sống giữa nhân hoàn mấy chục năm
Nói năng thì dễ, khó là câm!
– Đời trôi, ta nhọc vì ÔM, GIỮ
Vui, buồn, sướng, khổ tại nơi tâm.

(Chị PK gởi tặng em để tha hồ mà nghiền ngẫm tình đời, 
miễn bình an như ý nghĩa buông bỏ là tốt... 
Cám ơn chị.)

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Nhắn gởi bạn già

Hỡi các bạn già của tôi ơi!
Đừng có tủi thân, hoặc trách đời
Thời gian, năm, tháng, qua nhanh lắm
Hãy sống từng giây phút tuyệt vời.
 
Bao năm lăn lóc, cũng đủ rồi
Bôn ba thời vận, sống nổi trôi
Nhục vinh, sướng khổ, đều có cả
Giờ chỉ mình ta, với đất trời.
 
Cuộc đời là thế đó bạn ơi
Có trách, có than, cũng đã rồi
Chỉ gây mâu thuẫn, thêm buồn khổ
Chẳng ích lợi chi, lúc cuối đời.
 
Thời gian còn lại, có là bao
Hãy cố vui lên, chớ u sầu
Thực hiện những gì, mình mơ ước
Để đừng hối tiếc, lúc lìa nhau. 
 
Buông bỏ hết đi, cất làm gì
Để hồn thư thả, lúc ra đi
Tiền bạc, lo âu, giờ vô nghĩa
Hận thù, xung đột, chẳng ích chi.
 
Sức khoẻ, niềm vui, lúc tuổi già
Là liều thuốc bổ, chẳng gì qua
Tình thương, tha thứ là sức mạnh
Hạnh phúc, bình an, đến mọi nhà!
 
Vien The Khanh 
(Chị Mary Phạm gởi CMCVN)
 

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Hôn nhân là cục thịt

Em.
Em đến thăm tôi. Ở lại một đêm, nói chuyện đến khuya. Chưa đã. Em ở lại thêm một buổi . Chuyện chính trị, chuyện kinh tế, chuyện vợ con... Nói cho đã rồi em thở dài: "Biết thế thì...". Em giã từ tôi. Nhưng cặp mắt vẫn còn lưu luyến. Tại sao ? Tôi dành một đêm nữa để suy nghĩ về em.

1. Mười hai tuổi, em đòi đi tu. Cặp má phúng phính, nước da trắng trẻo. Bố em bảo : Tu đắc đạo. Cả nhà hớn hở tiễn chân em vào Chủng viện. Bảy năm đèn sách, em cần cù như con kiến, hiền lành như củ khoai, trầm ngâm như con ốc. Bạn bè gọi em là con bò câm. Cha giám đốc khen em có đời sống nội tâm sâu sắc.
Em đậu tú tài hai hạng ưu. Em bước chân vào Đại Chủng viện một cách dõng dạc. Nhìn ngắm em đĩnh đạc trong bộ áo dòng đen may thật khéo, mẹ em ứa lệ. Sung sướng vô cùng...!
Đùng một cái, em quyết liệt cởi áo dòng và háo hức đòi lấy vợ. Mẹ em khóc hết nước mắt. Bố em lầm lì không thèm nói. Cha giám đốc tiếc ngẩn ngơ. Hỏi em : tại sao, thì em bảo : Chúa muốn thế. Thế thì chỉ có Chúa biết. Tâm hồn em kín như bưng.

2. Bí mật mãi, rồi thì bật mí... Vào mùa hè năm ấy, em đi thực tế. Tình cờ em thấy một thiếu nữ ngồi rửa chén trên cầu ao. Da thịt mũm mĩm, nõn nà. Em bị xao xuyến đến tột cùng, giống như Davit thấy nàng Bétxabê đang khỏa nước trên mặt hồ. Sau này chính em đã tự thú với bạn bè : "Tao thấy nàng ngồi mặc quần lĩnh óng ả, đường đùi nổi lên ngồn ngộn, chịu không nổi...". Em bảo đó là tiếng sét ái tình. Nhưng tôi bảo đó là sự bùng vỡ của dục tính. Từ đó em cảm thấy yếu đuối lạ thường. Chỉ một cái áo lót treo tòng teng trên dây phơi cũng đủ làm em ngẩn ngơ...
Em hồi tục. Tôi mừng cho em. Khuôn mặt em hình trái lê, nhẹ phần trên, nặng phần dưới. Nhẹ lý trí, nặng tình cảm. Dễ bị hoàn cảnh chi phối. Cặp mắt hiền hiền được bố em khen là tu đắc đạo, nhưng thật ra đó chỉ là hai trái bom đa tình thuộc loại nổ chậm. Em trầm ngâm như thầy tu nguyện gẫm, nhưng đó là dấu hiệu của người ít xã hội tính. Sống cô đơn. Nghĩ cô đơn. Làm cô đơn. Mẫu ngườinhư em không phù hợp với chức năng linh mục. Em hồi tục. Em làm đúng.

3. Em cưới người con gái mũm mĩm và nõn nà ấy. Quấn quýt bên nhau. Vừa thương vừa thích. Thích nhiều hơn thương.Vừa hạnh phúc vừa sung sướng. Sung sướng nhiều hơn hạnh phúc. Tất cả đều bốc lửa. Nhưng bạo phát thì bạo tàn. Đói quá thì ăn ngấu nghiến. Ăn no quá thì ôm bụng ngồi thở.
Ngày tháng phôi pha. Tình yêu không còn thân thiết. Ham thích không còn mặn mà. Vật lộn để mưu sinh chiếm gần hết cuộc đời. Trách nhiệm chồng chất, chất ngất. Em nuối tiếc đời tu. Em vừa lý luận vừa ca cẩm với tôi : 
- Tu là cõi phúc, tình là giây oan, biêt thế thì... Con cứ tu như cha, sướng biết dường nào !
- Đời chỉ là cái cầu danh - lợi - thú. Cái cầu thì cong cong. Kẻ mong bước tới, người hòng bước ra. Đời là phù vân !
- Chưa lấy vợ thì háo hức. Lấy vợ rồi thì thấy chẳng có gì. Tất cả chỉ là cục thịt.
- Con đã lỡ đâm lao, thì phải theo lao thôi... Cha ráng tu cho trọn kiếp. Đời là buồn nôn, đời là phi lý, Sartre và Hemingway bảo thế...

Em.
Em luyến tiếc tu phòng của tôi, nhưng vẫn phải giã từ, vì em đã lỡ đâm lao. Em đi rồi, tôi lại thương về em.
1. Cám ơn em đã khuyên tôi tu cho trọn kiếp. Nghe lời em tôi sẽ ráng tu, tu mãi, tu cho đến chết, dù tôi biết rằng tu đến chết vẫn chưa trọn kiếp. Nhưng tôi tu không phải vì tôi sợ tình là dây oan. Tu là tập tánh tốt. Tu là rèn luyện ý chí. Tu là vào đời để làm cho đời nên đẹp. Cụ thể là tôi tu để giúp em thấy đời không phải là buồn nôn, không phải là phi lý, không phải là phù vân và hôn nhân không phải là cục thịt.

2. Em háo hức lấy vợ rồi chê việc vợ chồng chỉ là cục thịt. Nhận định của em làm tôi buồn tê tái. Thiên Chúa đã sáng tạo người nam và người nữ, thì Ngài cũng sáng tạo việc vợ chồng. Trong việc vợ chồng có tình yêu và tình dục. Yêu thì quên mình để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Tình yêu thăng hoa tình dục. Tình dục nuôi nấng tình yêu. Cả hai cái tình quấn quýt lấy nhau và dìu nhau đến truyền sinh. Truyền sinh là công trình sáng tạo. Vợ chồng yêu nhau, cùng nhau công hưởng khoái lạc xác thịt để trở thành công tác viên của Đấng Tạo Hóa.
Nhưng quả thật tình yêu của em chẳng có bao nhiêu mà tình dục thi lại quá nhiều. Vì thế tình dục thay vì nuôi nấng tình yêu, thì đã lăng nhục, đã bôi bẩn, đã mạ lị tình yêu.
Em hãy nhìn lại người vợ của em. Vợ em không phải là cái mũm mĩm, cái nõn nà, cái cục thịt. Vợ em là một con người được Chúa gửi đến để cùng với em cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo. Nàng dâng hiến cho em xác thịt của nàng, nhưng trong cái xác thịt ấy là tình yêu cao quí. Xác thịt chỉ là cái hộp. Tình yêu mới là châu báu chứa đựng bên trong. Nếu em chưa thấy được điều đó thì phải suy nghĩ, phải nghiền ngẫm để thấy.

3. Là người công tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài, thì em phải có trách nhiệm chu toàn công trình ấy. Em sẽ có con. Đứa con ấy phải được nuôi nấng và giáo dục tới mức hoàn hảo, nghĩa là con em phải khỏe mạnh, thông minh và đạo đức. Muốn đạt được mục tiêu ấy, em phải khởi đầu bằng tình yêu. Em yêu vợ, vợ yêu em, rồi cả hai cùng yêu con. Con cái chỉ thực sự trở thành người tốt khi được nuôi nấng và dạy dỗ  bởi những người cha mẹ yêu nhau tận tình.
Trách nhiệm thì rất nặng. Nhưng tình yêu sẽ biến nặng thành nhẹ. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn kia mà.
Hãy nhìn về phía em ra đi. Lạc quan và yêu đời. Em đừng nhìn lại tu phòng, vì tu phòng là của tôi. Em khuyên tôi tu trọn kiếp, thì tôi xin em yêu đời da diết.

(Trích trong sách VIẾT CHO EM của Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu.
Cha viết về tình yêu đời thường tuyệt vời quá...!) 

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Ước mơ bên khung cửa sổ

Con trai nói với tôi : Ngày mai con đi Long An. 
- Có chuyện gì không con ?  
- Có một bạn bằng tuổi con nhưng bị liệt, nhà bạn nghèo lắm mẹ, bạn gởi thư về Câu lạc bộ xin được một máy vi tính. Con đi tiền trạm đến nhà bạn xem sao ? Có người tặng 20 quyển tập cho em của bạn đang học lớp 9, con mang theo luôn.
- Vậy mẹ gởi cho em của bạn thêm hộp bánh con nhé !
Nơi mà con trai đến có một cô gái với cái tên rất dễ thương :  Phan Thị Ngọc Diễm (sinh năm 1989) là con thứ ba trong gia đình có 4 anh em. Chị lớn của Diễm chết cháy khi vừa tròn một tuổi. Hôm đó trong lúc mẹ Diễm tranh thủ mang cơm ra đồng cho chồng thì ngọn gió ác nghiệt đã cuốn tàn lửa từ đống rơm đốt đồng bay thẳng vào căn nhà tranh của đôi vợ chồng trẻ, hậu quả là đứa con gái thân yêu đã vĩnh viễn ra đi… Nỗi đau quá lớn đã cướp đi nửa linh hồn của người mẹ và mãi ba năm sau Diễm mới chào đời. Những tưởng niềm an ủi năm nào được bù đắp nhưng có lẽ số phận khắc nghiệt đã không ngừng thử
thách người phụ nữ ấy. Lúc đi khám thai bác sĩ đã chẩn đoán “phôi thai thiếu dinh dưỡng” nên đứa trẻ sau này sẽ bị khuyết tật mãi mãi…Quyết định giữ lại đứa con là cô biết mình sẽ phải đối mặt với trăm ngàn cái khổ khác nhưng bằng 
tình yêu lẫn  sự kiên cường của một người mẹ đã khiến cô bất chấp tất cả với niềm hi vọng mong manh “nó sẽ không sao”. Và một lần nữa, trái tim người mẹ như bị nghìn mũi kim đâm nát vì niềm hạnh phúc chào đón đứa con sau những tháng ngày  mang nặng, đẻ đau chưa được bao lâu đã phải chứng kiến sự phát triển “lạ kỳ” của đứa bé. Nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là mẹ ôm Diễm đi, mặc cho mưa hay nắng, mặc cho trong túi cạn kiệt những đồng bạc cuối cùng và… mặc những trận đòn khi mẹ Diễm dám cãi lời chồng “không chịu bỏ đứa con đó đi”…
Thời gian qua đi, bé Diễm ngày nào giờ đã là cô gái 26 tuổi – độ tuổi mà nhiều người đã có việc làm ổn định hoặc có một gia đình hạnh phúc nhưng cô gái ấy chỉ biết ngày ngày làm bạn với bốn bức tường, với những suy nghĩ vượt xa ra ngoài khung cửa sổ – ước mơ mình được bay trong một thế giới diệu kỳ, thế giới mà em tạm gọi là thế giới của “đa 
phương tiện”.

Những ngày này, mẹ Diễm lại đang trị bệnh ở Bệnh viện đa khoa Hậu Nghĩa – Long An với rất nhiều chứng bệnh: thoái hóa cột sống, tiểu đường, cao máu… hậu quả của nhiều năm dài vất vả trong cuộc sống nhiều nghiệt ngã về thể xác lẫn tinh thần. Tuy nằm điều trị 
nhưng lòng cô nào được yên vì đau đáu những lo toan cho nhà cửa, chồng con, đặc biệt là đứa con gái luôn cần bàn tay chăm sóc của cô. Con bao nhiêu tuổi vẫn là con thơ của mẹ...

“Có một vị mục sư đã từng nói: bao nhiêu giác quan lành lặn (tai, mắt, mũi, miệng, tay chân), là bấy nhiêu phương tiện để chúng ta bước vào cám dỗ. Vậy đó, càng đầy đủ phương tiện, chúng ta 
càng có nhiều điều kiện để sa ngã.
Tiếp xúc với Diễm, tôi được biết nơi Diễm từng đi xa nhất là ra đến... xã, tức là cách nhà chỉ 
có vỏn vẹn 3km... Diễm bằng tuổi tôi - 26 tuổi, cái tuổi mà trong khi tôi và hàng ngàn, hàng 
triệu bạn trẻ khác được thỏa thích tung tăng trên những chuyến đi khắp dải đất Việt Nam, 
khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới tươi đẹp này, thì mọi sinh hoạt của Diễm đều gói 
gọn trên một chiếc giường 2 mét vuông... Tôi tự nghĩ, đến khi nào Diễm mới được có được
cảm giác bước vào nhà ga quốc tế, bay đến một vùng đất mới, và khám phá những điều mới 
lạ, những kỳ diệu của tạo hóa.. Trong khi hàng ngàn bạn trẻ khác đang mơ, đang lập kế 
hoạch cho những chuyến đi "để đời“ của mình ở phương trời xa lạ, thì ước mơ của Diễm có 
vẻ như khiêm tốn hơn: một chiếc máy vi tính để học. Có một sự bất công không hề nhỏ, khi mà biết bao nhiêu người mặc nhiên có đặc ân được tung cánh trên con đường học tập, sống và làm việc, thì lại có những bạn đã bị tước đi đặc ân đó. 
Càng giận hơn khi có những ai hoàn toàn 
lành lặn, lại dùng cái sự lành lặn ấy như một phương tiện để làm nhiều điều sai trái gây đau khổ cho người khác.

Diễm là một cô bé thầm lặng, nhưng đằng sau sự thầm lặng ấy là một ước mơ đang 
âm ỉ cháy. Và những người như tôi – những người đang cảm thấy mình hạnh phúc vì có quá nhiều đặc ân, đang cảm thấy mình nợ cuộc 
đời này một cái gì đó, có nhiệm vụ hỗ trợ Diễm biến ước mơ thành sự thật – đó chính là kết nối những tấm lòng xích lại gần hơn những trái tim đang khát cháy những ước mơ...“


Mọi sự quan tâm, chia sẻ xin liên hệ:
Em: Phan Thị Ngọc Diễm.
Số nhà: 389 - Ấp An Thạnh – Xã An Ninh Tây – Huyện Đức Hòa – Tỉnh Long An.
Hoặc thông qua chúng tôi:

1/Huỳnh Thanh Thảo – Người sáng lập CLB San Sẻ Yêu Thương.
Số điện thoại: 0906801614.
Mã TK ATM: 0106253373 – Ngân Hàng Đông Á – Chi Nhánh Củ Chi (Ghi chú khi gửi: “Ủng hộ nhân vật Ngọc Diễm”).

2/Nguyễn Trương Nhật Quang.
Số điện thoại: 0938046835.
Trân trọng cảm ơn!

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Thầy ơi !



Mấy hôm nay lòng không yên, tâm không tĩnh... Chợt tối qua bỗng nhiên có một cái gì đó thôi thúc mãnh liệt mình tìm về người thầy năm xưa giờ đã lui về ở ẩn tại một nơi yên tĩnh ở Bình Dương...
Thầy vẫn như thế, vẫn chẳng có gì thay đổi, vẫn vóc dáng đó, vẫn giọng nói ấy...
Không hiểu sao trong lòng có 1 cảm giác vui đến lạ, xen lẫn chút tự hào khi thầy giới thiệu với các học trò đang tập luyện của thầy: "Đây là người học trò 10 năm trước của thầy"...
Giật mình... đúng là đã 10 năm... Nhớ lắm những ngày đó, mình cùng với các anh lớn bắt đầu tập luyện, học cái ĐẠO, khi nhiều người còn say giấc...
Và trên sân thượng ở lầu 4, sau những bữa tập được nghe thầy dặn dò những bài học cuộc sống, được nghe thầy kể chuyện, được nghe các anh lớn nói chuyện, trong cái nắng sớm đang lên... Đó là một cảm giác mình sẽ mang theo hết suốt cuộc đời này...
Dạo ấy còn học cấp 2-3, vô tư thôi rồi, học với thầy 2 năm mà chẳng biết gì về thầy. Chỉ biết thầy rất giỏi... Hôm qua ngồi lại tìm hiểu về thầy trên mạng: Thầy là giáo sư ngành Văn Chương Pháp, vô số các đóng góp cho đời, còn tuổi đời gấp 3 lần tuổi con.
Hỏi mẹ, mẹ bảo: "Ở thời của mẹ, Thạc sĩ, Tiến sĩ không giống thời nay, đạt được học vị Tiến sĩ là phải giỏi lắm (mà thầy là Giáo Sư), thật sự phải giỏi lắm mới lên được tiến sĩ, và nền giáo dục ngày xưa đào tạo con người không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất biết cách đối nhân xử thế".
Con còn giữ bộ đồ tập mới mà thầy tặng cho con đây. Vui lắm, hiếm có ai được thầy tặng đồ nhé ! Con cũng nhớ có một hôm mưa tầm tã, con vẫn đến lớp tập, lớp cũng khá vắng, và mỗi người hôm đó được thầy tặng cho một cuốn sách, để khuyến khích tinh thần đội mưa tới lớp đó...
Đã 10 năm... con không tìm được một người thầy nào như thầy nữa, thầy ơi...!
Có ai đó đã bảo:"Một người thầy thật sự sẽ nâng bạn đến tầm mà bạn chẳng bao giờ có thể ngờ tới".
Con thèm cái cảm giác 10 năm trước... tập luyện cùng thầy... được nghe thầy dặn dò, được thầy luôn miệng nhắc nhở:"Quang, không được hấp tấp!"
Đã 10 năm... ngoài ba mẹ, không có ai dẫn đường cho con như thầy hết, thầy ơi...!
(Nguyễn Trương Nhật Quang)

(Đọc xong mẹ thấy thương con trai thật nhiều, Nhật Quang ơi !)

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Hai con sói

Khi thấy cháu về nhà với sự giận dữ do bị bạn bắt nạt ở trường, người ông liền gọi đứa cháu lại và nói:
“Để ông kể con nghe một câu chuyện, có những thời điểm trong quá khứ ông cũng như con bây giờ, vô cùng giận dữ trước những người đối xử tệ bạc với ông mà không hề mảy may buồn phiền. Nhưng căm ghét sẽ hủy hoại con mà chẳng làm được gì kẻ thù của con. Nó cũng giống như con uống thuốc độc rồi ước kẻ thù của con sẽ chết. Ông đã khổ sở với thứ cảm xúc ấy nhiều lần.”
Người ông tiếp tục:
“Có hai con sói bên trong con người ông; con thứ nhất là con sói tốt, hiền lành vàkhông muốn hãm hại ai. Nó sống hòa hợp với mọi thứ xung quanh, nó không tấn công nếu không bị tấn công. Nó chỉ chiến đấu khi sự chiến đấu là đúng đắn và cần thiết. Nó chiến đấu theo cách đúng đắn nhất.”
“Nhưng mà con còn lại, à! Nó chứa đầy giận dữ. Chỉ cần những điều nhỏ nhặt cũng khiến nó nổi cơn tam bành. Nó tấn công, cắn xé mọi người mà chẳng cần lý do. Nó chẳng thể suy nghĩ vì bị sự giận dữ và căm ghét quá lớn lấn át. Thật khó để sống với cả hai con sói – cả hai đều cố gắng thống trị tâm trí của ông.”
Đứa cháu nhìn vào mắt ông và hỏi:
“Vậy con nào thắng hả ông?”
Người ông cười và nhẹ nhàng trả lời:
“Con sói mà ông nuôi dưỡng”

Bài học

Thắng người là mạnh, thắng mình là đại sức mạnh.
~ Lão Tử
Chúng ta không thể kiểm soát được rất nhiều thứ trên đời, bao gồm những “người khác” đặc biệt là những người xung quanh chúng ta. Chúng ta thường cho rằng người khác khiến ta đau buồn, giận dữ…Nhưng thực ra chính ta mới là nguyên nhân thực sự. Cảm xúc tới từ bên trong, chính chúng ta tạo ra sự giận dữ. Kiểm soát cảm xúc là một phần của chiến thắng bản thân – chiến thắng khó nhất mà con người có thể đạt được.
Cuộc sống bộn bề, rất ít người có thể đạt tới trạng thái vượt qua được mọi cảm xúc tiêu cực. Hầu như chỉ có các người tu hành lâu năm không va chạm nhiều với đời mới làm được điều đó. Nhưng chúng ta có thể hạn chế được một phần, để tránh bị chi phối quá mức bởi giận dữ, đau buồn…mà đưa ra những quyết định sai lầm. Điều này rất khó thực hiện nên sẽ cần sự nỗ lực rèn luyện trong thời gian dài, bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất.
Là sói mà không phải là cừu
Hãy nuôi dưỡng con sói của sự tốt đẹp. Tốt đẹp nhưng không yếu đuối, nhu nhược.Hãy là người lương thiện nhưng đừng ngây thơ trước kẻ xấu. Chiến đấu khi cần thiết, chiến đấu một cách đúng đắn.
Từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu kiểm soát cảm xúc của mình. Đơn giản như hãy mặc kệ những người chửi bạn khi đi xe trên đường, đừng để con sói giận dữ không chế mà xung đột với họ, cám ơn họ vì cho bạn thấy được kiểu người mà bạn không bao giờ muốn trở thành. Nhưng nếu bạn bị họ dồn vào thế đường cùng, hãy học cách phản công bằng những hành động, chiến lược cần thiết, thông minh và đúng đắn.
Hãy tha thứ cho những người làm bạn đau khổ, nhưng đừng lãng quên, đó là bài học cho bạn để bạn trở nên cứng rắn, am hiểu cuộc đời hơn. Đừng giữ bực tức, giận dữ trong người, nó sẽ hủy hoại bạn, mà hãy giải phóng ra dưới dạng động lực để hành động.