Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Tim và nước

 Cơn đau tim và NƯỚC !
 Khi bạn đứng, cơ thể giữ nước ở phần dưới của cơ thể, khiến chân bạn sưng lên. Khi bạn nằm xuống, cơ thể hạ xuống thấp hơn, do đó, thận thải nước dễ dàng hơn, độc tố cũng dễ dàng loại bỏ hơn.
   
 RẤT QUAN TRỌNG, xin hãy ghi nhớ:
- 2 ly nước sau khi thức dậy - giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng
- 1 ly nước 30 phút trước bữa ăn - giúp tiêu hóa
- 1 ly nước trước khi tắm - giúp giảm huyết áp
- 1 ly nước trước khi đi ngủ - tránh đột quỵ hoặc đau tim.

Kết quả một số công trình nghiên cứu cho thấy trước khi đi ngủ, uống một cốc nước có thể giúp phòng ngừa chứng tai biến mạch máu não.
    
Trong thực tế, những trường hợp tai biến mạch máu não thường xảy ra vào sáng sớm. Sau một đêm dài cơ thể không được cung cấp nước, máu trở nên đặc hơn, và đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.
    Trong một ngày, máu có lúc đặc lúc loãng, đồng thời có một quy luật nhất định.
   Buổi sáng, từ 4 giờ đến 8 giờ, là lúc máu đông đặc nhất, sau đó dần dần loãng ra, đến khoảng 12 giờ đêm là thời điểm loãng nhất, rồi dần dần đặc lại, và đến buổi sáng hôm sau lại lên đến đỉnh cao.
   
- Vì vậy, mỗi chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, buổi tối trước khi đi ngủ nên uống khoảng 200 ml nước (chừng một cốc), thì sáng ngủ dậy, không những máu không bị đặc mà còn loãng ra.
   Các chuyên gia y học cũng khuyên rằng, buổi tối trước khi đi ngủ uống nước khiến cho máu loãng ra, có lợi cho sự tuần hoàn của mạch máu, giúp phòng chống tai biến mạch máu não.
   -Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não, sự đông đặc của máu tăng lên chỉ là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
   Tuy nhiên, có thể khẳng định thói quen uống nước trước khi đi ngủ có tác dụng nhất định đối với việc phòng chống tai biến mạch máu não.




LÀM SAO ĐỂ SỐNG QUA CƠN ĐAU TIM KHI BẠN Ở 1 MÌNH

Người bệnh khi lên cơn đau tim thì tim họ sẽ đập loạn nhịp, yếu.
Sau đó, họ cảm thấy choáng, uể oải.
Khi bắt đầu cảm thấy như thế, thì chỉ còn 10 giây nữa họ sẽ ngất.

Tuy nhiên người bệnh có thể tự giúp mình bằng cách
ngay lập tức ho rất mạnh, rất dài và rất sâu (như khạc đờm từ sâu trong ngực).
Đồng thời, trước và xen kẽ mỗi cơn ho người bệnh hít 1 hơi thật sâu.

Người bệnh cần lặp lại hít thở sâu và cơn ho như trên mỗi 2s,
chỉ dừng lại cho đến khi cảm thấy tim đập trở lại bình thường và người có thể giúp đỡ đến.

Hít thở sâu giúp cho oxy vào phổi nhiều hơn bình thường và mỗi cơn ho dài, mạnh, sâu
giúp bóp mạnh quả tim làm cho máu lưu thông.

1 bác sĩ tim mạch nói rằng, nếu mỗi người đọc được thông tin này
mà chia sẻ cho 10 người biết thì chúng ta sẽ cứu được ít nhất 1 người.

Xin vui lòng chia sẻ!


 Email từ Chị Thiên Hương

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Khi tôi ở nhà

Hôm nay là tròn ba trăm sáu mươi lăm ngày tôi rời xa công việc mà mình từng gắn bó suốt thời tuổi trẻ, nhớ lại những ngày đầu tiên đi xin việc, hồi hộp chờ đợi, lo lắng, rồi cuối cùng thì mình cũng được đi làm. Dù công việc nhàn hay cực, lương nhiều hay ít thì cũng đã xong, ba mươi bốn năm với vài lần thay đổi chỗ làm giờ tôi trở về vị trí xuất phát.
Buổi sáng đầu tiên ở nhà, tôi đứng thật lâu trước bàn thờ và bỗng nhiên bật khóc. Tôi đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ rất lâu rồi mà, sao lại thế ! Suốt đời mình làm lính, công việc lại toàn là những con số, rồi áp lực, người ưa người ghét, suốt đời chưa bao giờ mình được làm ở chỗ nhiều tiền, nhiều bổng lộc thì đâu có gì để mà tiếc nuối, sao lại thế ! Ai đi làm cũng phải có ngày kết thúc chứ, già rồi thì phải nghỉ cho lớp trẻ ra trường đừng bị thất nghiệp.
Và tôi chỉ buồn đúng một ngày thôi. 
Bây giờ mỗi sáng khi thức dậy, việc đầu tiên là tôi cám ơn Chúa vì tôi còn khỏe mạnh, vì tôi không phải đi làm cực khổ mà vẫn có được chút tiền lương hưu. Thay đổi chỗ làm nhiều lần nên lương hưu của tôi hơi bị ít nhưng dù sao có còn hơn không. Biết bao người mưu sinh trên đường phố, trên đồng ruộng với nắng mưa bụi bặm nhiều khi họ cũng chỉ mong được như tôi thôi .
Ở nhà tôi ra chơi với má thường xuyên hơn. Các em tôi đi làm nên má ở nhà một mình, má cũng cần có người bên cạnh để nói chuyện chứ. Má nói phải chi tôi biết chạy xe honda thì chở má đi chơi, tôi cũng muốn chở má lắm mà ngặt nỗi xe đạp làm sao chở ? 
Ở nhà các em tôi có chuyện vui buồn ới một tiếng là chị hai có mặt ngay, làm được cái gì là sẵn lòng.
Ở nhà nghe tin có chị em CMC nào đau yếu hoặc ... thì "alê" tôi lại lên đường. Quá nhiệt tình và trọn tình trọn nghĩa, tôi tự cho mình điểm 10 về khoản này. 
Ở nhà tôi học được cách làm chà bông rất ngon do chồng tôi chỉ. Ai ăn cũng thích có điều cực quá, đứng xao thịt mỏi cả chân.
Ở nhà tôi có thời giờ cầu nguyện nhiều hơn, dù nấu ăn, dọn dẹp hay nghỉ ngơi, vẫn một mình trong yên lặng, tôi dễ tĩnh tâm. Trong ý nguyện, tôi nhớ đến tất cả mọi người, từ gia đình ruột thịt đến bạn bè, đến cả những người không quen biết, nhất là những người nghèo khổ , những người đang đau đớn vì căn bệnh ngặt nghèo. Cầu xin Chúa ngàn lần khôn ngoan và quảng đại thương đến tất cả mọi người trong Lòng Thương Xót của Người.
Ở nhà không có cơ hội làm ra tiền, tự nhiên tôi thông cảm và thương những người nghèo khổ nhiều hơn hồi trước. Tôi có thời gian nói chuyện với họ nhiều hơn mỗi khi họ dừng chân nghỉ mệt dưới cây bông giấy. Và tôi chia sẻ những khi mình có thể, hình như còn nhiều hơn là lúc tôi đang làm ra tiền nữa chứ !
Ở nhà tôi cũng nhận được sự quan tâm của các em nhiều hơn, cả tinh thần lẫn vật chất. Một vài bạn thân xa gần khi thì điện thoại, khi thì nhắn tin thăm hỏi. Với tôi niềm vui như vậy là quá đầy đặn, tôi còn mong điều gì hơn thế ?
Ở nhà, tôi được nhận và tôi có điều kiện để cho đi, tôi thấy mình HẠNH PHÚC, một hạnh phúc nhỏ bé, giản dị và bình thường thôi.


Cả đời tôi, nhìn lại tôi nghiệm thấy rằng :

... Chúa thương con không phải vì con, nhưng vì tình thương mến, 
nhưng vì Chúa thương con, 
Người thương con vô biên...



Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Tôi và Sức khoẻ


Đây là trang dành cho sức khoẻ mà TN vừa nhận được từ email của chị Mary Phạm (nhóm CMC). Cám ơn chị MP rất nhiều.
Chẳng có cách trị bệnh nào mà không phải gắng sức ngay cả những điều tưởng chừng đơn giản nhất, nhưng thôi hãy cố lên, còn hơn là phải vào bệnh viện.
Mời bấm vào link và xin chúc những người thân yêu của tôi mau lành bệnh.
https://www.youtube.com/watch?feature=player_detailpage&v=j-MJC_Z8CPo


__._,_.___

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Em tôi đau

03 giờ rạng sáng. Tôi đang ngủ ngon thì chuông điện thoại reo. Giật bắn mình vì điện thoại giờ này là chuyện không bình thường rồi. Nhìn vào thấy tên "Chín chùa" tôi càng hết hồn hơn, chắc nó lại bị đau rồi. Chín là em gái tôi, nó thứ chín trong mười một anh chị em. Chả hiểu sao mấy đứa khác căn cứ vào đâu để phang cho nó cái biệt hiệu "chùa" vậy không biết !
- Alô ! chị nghe, có chuyện gì không ?
- Em đau quá chị ơi ! giọng nó yếu ớt và sũng nước mắt.
- Đau quá thì đi bệnh viện. Ở đó đi, chị qua liền.
Hổm rày tôi cứ nghe nó than là đau bụng hoài, nhắc vào bệnh viện mà em bảo em sợ nội soi lắm nên cứ lần lửa cho đến giờ này. Nói xong tôi vệ sinh cá nhân thật nhanh, thay đồ và gọi chồng tôi chở tôi và em vào bệnh viện. Nhưng chồng tôi trả lời : Khoan đã em ơi, Chín gọi điện thoại cho anh nói là sẽ cố gắng thêm chút nữa, nếu không chịu nổi nữa mới đi bệnh viện. Tôi cũng mong em bớt đau. Lần chuỗi 50 kinh Lòng thương xót Chúa xong thì tôi thiếp đi cho đến sáng.

... Buổi sáng đi vào bệnh viện với em, xét nghiệm tổng quát lòi ra một đống bệnh. Hèn gì nó hành em đau hoài là phải rồi. Giọng em bi quan, mắt thì lúc nào cũng chực khóc. Thôi em ạ ngày mai là sự quan phòng của Chúa. Mỗi biến cố trong đời sống nhắc nhở và cảnh báo Chúa muốn gì ở ta ? Em hãy dâng hết cho Người đi và chịu khó uống thuốc em nhé ! Má và các anh chị em ở bên em mà . Cố lên !

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Be

Be và Bôn hồi nhỏ (hình chụp ở Sở Thú 1983)
Gia đình tôi là gia đình Việt Nam truyền thống, chẳng có ai đi nước ngoài để có tiếng "Việt kiều" với người ta. Vậy mà ba đứa em trai út ít lại được bố tôi đặt tên ở nhà bằng tiếng Pháp mới ghê chứ ! Đó là Robert, Bonci và Louis, gọi tắt là Be, Bôn, Y. Gọi riết quên mất tên thiệt của tụi nó trong khai sanh luôn, bởi vậy nếu có ai vô tình đến nhà hỏi mà nói tên thiệt là tôi phải chậm mất mấy giây mới trả lời được.
Em tôi tên Be mà nó hổng có be (bự). Nó sinh sau giải phóng 1975 có mấy tháng thôi,  lúc đó khổ muốn chết, gạo không có ăn lấy đâu ra tiền mà mua sữa nên nhỏ xíu là chuyện tất nhiên phải thế. Tôi nhớ lúc đó nhà có một cái giường thiệt lớn do chú tôi làm cho bằng sắt quân tiếp vụ (sắt của quân đội), má tôi và bốn chị em tôi nằm ngang vẫn rộng. Vì công việc bắt buộc phải đi làm sớm, năm giờ sáng là má đã phải ra khỏi nhà. Mà em tôi ngộ lắm, thiếu hơi má là nó dậy. Tôi thì buồn ngủ nên nghe nó khóc là vội vàng lấy cái gối má nằm để nhẹ lên người em và vỗ vỗ vài cái, hi vọng nó ngủ thì mình cũng được yên thân nhưng không bao giờ quá mười lăm phút. Nó khóc thật to và tôi chỉ còn cách là ẵm ra võng cùng nằm ru nó thì may ra kéo dài được giấc ngủ của hai chị em thêm chừng nào hay chừng ấy. Nhưng như một lập trình định sẵn, đúng sáu giờ sáng là cỡ nào nó cũng không chịu nằm ngủ mà đòi dậy. Thế là tôi vác em ra đầu hẻm cho nó nhìn xe chạy qua chạy lại. Cái thằng ham vui nên xe chạy nó cứ mở mắt to nhìn không còn khóc nữa. Trước khi ra đầu hẻm bao giờ tôi cũng nhớ đội nón len cho em khỏi lạnh, tôi vẫn còn nhớ cái nón len ấy màu cam, có hai tai dài như tai thỏ, mà em tôi tuy con trai nhưng da nó trắng bóc, mắt lại to nên khi đội cái nón len ấy vào ai nhìn mặt nó cũng khen đẹp, rất giống thỏ con. Đứng được nửa tiếng đồng hồ hoặc nhiều hơn một chút là hết cỡ, nó không thèm nhìn xe nữa mà đòi ẵm đi, đi được một lúc nó lại khóc đòi ăn. Được cái Be ăn dễ lắm, ăn rất nhanh. Tôi lúc đó mập mạp khoẻ mạnh, chưa có việc làm nên ở nhà chăm em thành thử nó có hành cỡ nào cũng không "xi nhê" gì đối với tôi.
Rồi các em tôi lớn lên như trái bầu trái bí, đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ hơn, cứ thế...
Em tôi có vợ, vợ Be hiền lành, dễ thương, ngoan ngoãn. Chồng nói gì cũng được, muốn gì cũng bằng lòng, chẳng bao giờ thấy cãi, cái khoản này thì tôi thua em dâu tôi rồi. Mà em trai tôi cũng là người đàn ông tốt : thương vợ, thương con.
Ngày qua ngày, công việc cũng dần ổn định và khấm khá hơn một chút. Sau nhiều năm các em tôi đứa nào cũng có nhà riêng, Be cũng vậy. Trong mười một đứa con thì tới giờ này nó là người lo cho bố má tôi nhiều nhất, chu đáo từng li từng tí.  Ngoài bố má ra em cũng chia sẻ với anh chị em, với người nghèo vì tính em vốn rộng rãi. Tôi nghỉ hưu với đồng lương ít ỏi nên em ưu tiên quan tâm đến tôi nhiều hơn, thật lòng là khi nhận từ em bất cứ cái gì tôi cứ cảm thấy ngại ngùng sao sao ấy ! Đúng là : "Cho đi thì có phúc hơn nhận lãnh" (Cv 2,35). Nhưng khi được nhận mình cũng hạnh phúc chứ vì đó là sự quan tâm, yêu thương . Thôi thì được nhận từ em, tôi lại có thêm điều kiện để chia sẻ với người khác, với người nghèo nhiều hơn, công phúc đó trong tâm tôi dành lại tặng em . Và nhiều khi tôi cứ phải nhắc chừng : con em còn nhỏ lắm, đường còn dài , đừng nghĩ đến chị nhiều, chị sống được mà, không đến nỗi đâu. Cái gì quá cũng không tốt, ví dụ như rộng rãi thì tốt nhưng rộng rãi quá tội nghiệp Be . Nhưng nhắc thì nhắc, nó vẫn thế. 
Thời gian lặng lẽ nhưng sao nhanh quá. Mới đây mà đã ba mươi mấy năm. Em tôi không còn là chú thỏ con mắt to, da trắng dễ thương ngày nào mà phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn. Thấy em bận rộn với công việc tôi chỉ biết cầu xin Chúa và Mẹ Maria luôn che chở cho em trên đường đời . Mong gia đình em hạnh phúc, an vui,  nhất là những thiên thần nhỏ lúc nào cũng mạnh khoẻ, dễ thương và ngoan ngoãn.


Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Trò chơi đêm Giáng sinh



Đêm Giáng sinh, anh em chúng tôi có một trò chơi lớn , một trò chơi đầy ắp yêu thương và ấm áp tình người .Trò chơi ấy được mang tên : HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA

12h đêm, tất cả anh em cùng quây quần bên hang đá nhỏ, sau mấy lời kinh đơn sơ và nhận lời chúc lành từ anh đồng hành, anh em chia thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm 3 người, bắt đầu tản đi vào các con đường khác nhau. Tôi xin gia nhập cùng nhóm các anh đi sâu vào trong quận 9, hành trang mang theo là 20 gói bánh ngọt cùng ít tiền mà anh em quyên góp được trong mùa vọng này. 12h đêm, trời lạnh, ở thành phố nhà nào nhà nấy đều kín cổng cao tường, đường phố vắng tanh không một bóng người, 4 anh em bước những bước nhanh nhẹn, trong  thinh lặng để cố gắng không làm phiền đến giấc ngủ của mọi người.

Bắt đầu “ HÀNH TRÌNH TÌM CHÚA”...

Sau hơn 1 giờ đi bộ, vị khách đầu tiên mà chúng tôi gặp là một bác xe ôm đang nằm ngủ cạnh chiếc xe của mình. Anh em phân vân không biết nên gọi bác dậy hay đi tiếp. sau ít phút bàn bạc, cả nhóm quyết định gọi bác dậy, cả nhóm tiến lại gần, anh nhóm trưởng lay nhẹ người bác, nhưng chưa kịp nói gì thì đã bị la : “ mấy đứa bây để yên cho tao ngủ, đi chỗ khác chơi”. Có lẽ bác đã quá mệt sau một ngày làm việc vất vả, mới ngủ được một lúc đã bị quấy rầy ai mà chả bực mình, chỉ tội anh trưởng nhóm, vội vàng xin lỗi rối rít, vẻ mặt bối rối ngượng nghịu, nhưng thôi, làm sao bác biết được đêm nay mình sẽ có một món quà giáng sinh.
Đi thêm một đoạn dài nữa, chúng tôi lại gặp một bác xe ôm, bác cũng đang ngủ. Kinh nghiệm lần đầu cho hay chúng tôi không nên lại cả bốn người, thay vào đó cử một anh mang quà lại thôi. Bác xe ôm già lắm rồi, vậy mà nửa đêm còn phải lặn lội để kiếm sống. tôi vừa tiến lại gần, chưa kịp gọi thì bác đã bật dậy, tội nghiệp, chắc bác tưởng có khách đây mà. Thấy bác dậy, anh em chúng tôi cùng xúm lại, trao bác chút quà cùng những lời chúc giáng sinh đơn sơ, ấm ấp. bác cảm động và nói cám ơn liên tục làm anh em chúng tôi cũng lấy làm ngại. trò chuyện ít phút anh em chia tay bác để tiếp tục lên đường.


2h sáng, anh em tiến gần ra phía xa lộ, xe cộ trở nên đông đúc hơn, người đi đường cũng vậy, một vài quán nhậu đêm vẫn đang còn khách,  lâu lâu lại xuất hiện những dàn xe đầu kéo chạy như bay trên đường vắng, anh em nhắc nhau đi sát vỉa hè cho an toàn. Vừa đến ngã tư, đang tính qua đường, thì một anh phát hiện ra có túp lều tạm, xiêu vẹo nằm bên lề đường. Một túp lều tạm giữa đường phố Sài Gòn. Không gian đường phố quá rộng , đêm nay lại có sương nên ánh sáng của ngọn đèn cao thế trở nên mờ ảo, chúng tôi chỉ kịp thấy có người đàn ông đang nằm co quắp trong túp lều lụp xụp. chắc ban ngày họ làm nghề sửa xe vì trên nóc lều thấy toàn lốp xe cũ. Chúng tôi tiến lại, khẽ gọi người đàn ông , vừa dứt tiếng thì trong lều phát ra tiếng khóc lớn của trẻ con, một người phụ nữ từ phía sau bò ra (lều thấp quá không đứng thẳng được) ngóc đầu nhìn chúng tôi. Ánh mắt trõm sâu vì thiếu ngủ, khuôn mặt nhăn nhúm cùng mái tóc bù xù nên trông chị già và khắc khổ lắm. Thì ra túp lều tồi tàn này lại là chốn nương thân của cả một gia đình. Một hang đá Belem giữa lòng thành phố . Anh nhóm trưởng ra hiệu cho chúng tôi lấy thêm quà, trao vội cho chị món quà cùng lời chúc giáng sinh, anh em xin phép đi luôn vì không muốn đánh thức đứa trẻ cùng người đàn ông đang say ngủ.

 Anh em vẫn tiếp tục đi dọc theo xa lộ, giờ mới bắt đầu thấy mỏi chân nên dừng lại nghỉ nơi trạm xe buýt. Có một người phụ nữ đang chờ xe. Giờ này làm gì có xe buýt nên chị phải chờ đến sáng, thường thì chuyến xe đầu tiên sớm nhất cũng phải năm giờ. Còn phải chờ thêm những ba giờ đồng hồ nữa. Đàn bà con gái một mình giữa đêm hôm khuya khoắt thật tội nghiệp. Trời vẫn lạnh. Chị đi từ Bình Dương lên thành phố có công chuyện, xuống xe muộn nên phải ngồi chờ xe buýt như thế này.Trò chuyện một lúc, anh em trao chị món quà giáng sinh. Chị khóc… chị kể gia đình chị đạo Phật nhưng chồng chị đạo Chúa. Chị theo đạo chồng nhưng cuộc sống vất vả lo toan với miếng cơm manh áo đã làm chị dần dần xa Chúa, không còn thời gian đến nhà thờ, ngay cả thánh lễ đêm giáng sinh tối qua cũng không thể đi được.  Cầu xin Chúa Hài Đồng ban cho chị bình an và ấm áp, cất bớt cho chị gánh nặng âu lo. 
      
     Thêm một đoạn đường không xa lắm chúng tôi gặp một người đàn ông vô gia cư đang nằm ngủ trên vỉa hè xa lộ. Hình như ông bị bệnh tâm thần thì phải, vì khi anh em tặng quà cùng lời chúc giáng sinh ông cứ ngơ ngơ nhìn , ánh nhìn vô hồn không cảm xúc. Tôi nhớ ai đó đã nói thế này : người điên là người mất tất cả, chỉ còn lại lý trí. Người đàn ông này cũng thế : cô đơn và độc hành trên đường đời, người thân của ông đâu ? không thấy ! Chỉ có vỉa hè là nhà, là bạn. Chỉ có lý trí mà lý trí lại ngu ngơ. Chúa ơi ! Nếu con rơi vào hoàn cảnh của người này không biết con sẽ thế nào ? Hãy yêu thương và gìn giũ người con này Chúa nhé !
     
      Hành trình được tiếp tục, chúng tôi dừng chân trước cổng một nhà thờ và cùng đọc những lời kinh. Cám ơn Chúa vì quãng đường đã qua và xin Chúa cùng đi với chúng con trên hành trình sắp tới
     
      Đồng hồ chỉ hơn 3h sáng. Anh em đang ngồi nghỉ chân dưới chiếc cầu tạm phía dưới cầu Rạch Chiếc thì gặp một người đàn ông chạy chiếc xe đạp cũ kĩ chở đống đồ thật to phía sau. Ông đi gom phế liệu, đến chân cầu không đủ sức leo dốc nên dẫn bộ. Một anh chạy đến phụ với ông đẩy xe lên và trao tặng món quà giáng sinh. Có những công việc lặng thầm trong bóng đêm, có mấy ai sống dư dả bằng nghề này đâu ? Đói no của gia đình, học hành của con cái tất cả tùy thuộc vào đồ phế thải lượm được nhiều hay ít. Anh em chúng tôi thấy chạnh lòng.

      Đi tiếp hướng lên cầu Sài Gòn, đoạn này nhà ở rất thưa và  cơn buồn ngủ bắt đầu kéo đến , hai mắt cứ muốn díp lại khiến chúng tôi di chuyển chậm chạp, nặng nề. Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh các tông đồ ngày xưa say ngủ trong vườn Cây Dầu, để rồi bỏ Thầy bơ vơ một mình với nỗi cô đơn buồn phiền, đúng là  : “ tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu hèn”. Anh trưởng nhóm cho cả nhóm kiếm chỗ nào đó ngủ ít phút, và cái giường của chúng tôi là bãi cỏ ven xa lộ, bãi cỏ ướt đẫm sương đêm, sống thử những phút giây với kẻ không nhà ,nhưng thôi kệ, chúng tôi vẫn nằm ngủ ngon lành.

      20 phút sau chúng tôi tiếp tục lên đường.
      Gần đến cầu Sài Gòn. Chúng tôi bắt gặp một chú xách bị đi lượm ve chai, tiến lại gần, chúng tôi trao chú món quà giáng sinh. Được biết ở nhà chú phải nuôi 2 đứa con ăn học, vợ mất sớm, gửi con nhà ông bà nội, một mình lên thành phố mưu sinh. Chúa ơi ! thương biết mấy cho vừa những cảnh đời như thế này ? Tôi mong cho chú luôn gặp may mắn để cuộc sống vơi đi những nhọc nhằn. Mong những đúa con nhìn thấy vất vả của cha để ngoan, để cố gắng học thật giỏi . Chắc chú cũng chỉ mong như vậy thôi.

Qua cầu Saigon, 4h. Trời gần sáng rồi , một ngày làm việc mới dường như đã bắt đầu, dọc 2 bên đường các quán ăn bắt đầu mở cửa, khách hàng chủ yếu là những bác tài chạy xe đêm. Phía đầu một con hẻm nhỏ, chúng tôi phát hiện có bác xích lô đang ngủ. Nhà đâu mà bác lại nằm trên xe ngủ như vậy ? Đến gọi bác dậy, mọi người xung quanh nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò lẫn nghi ngại. Nhận được món quà giáng sinh thật bất ngờ, bác vui và cảm động nói lời cám ơn. Chia tay bác xích lô, anh em chúng tôi tiếp tục lên đường để trao hết những phần quà còn lại.

 Đến ngã tư Hàng Xanh, băng qua gầm cầu vượt đông đúc. Chúng tôi gặp một bác đi lượm ve chai. Với chiếc xe đạp cũ kỹ bác lượm những chai , ly nhựa mà khách bỏ lại tại các tiệm ăn.         Anh em lại gần, trao bác chút quà, chúc bác ngày mới tốt lành, bác vui vẻ nhận quà, còn chúc anh em : bác chúc cho mấy anh em mai này người làm bác sĩ, người làm kỹ sư, thành đạt rồi sẽ giúp được nhiều người hơn nữa . Vâng bác ơi mặc dù đã chọn con đường riêng cho mình nhưng giúp ích cho cuộc đời, cho mọi người cũng là mục đích mà chúng cháu rất mong được như lời chúc của bác đấy !  Tạm biệt chúng tôi, bác lại tiếp tục công việc của mình với chiếc xe đạp cà tàng cọt kẹt…
     
      5h sáng mà trời vẫn còn tối lắm, anh em rẽ vào một nhánh đường khác. Cố gắng bước nhanh vì không còn nhiều thời gian. 6h là chúng tôi phải có mặt ở nhà. Gần đến trạm xe buýt, chúng tôi gặp người phụ nữ bán bánh dạo, thực ra chị là công nhân ở một nhà máy gần đó, nhưng với đồng lương ít ỏi không thể trang trải đủ cho cả gia đình nên chị phải đi bán bánh kiếm thêm thu nhập, mỗi ngày chị phải đi bán thật sớm, hy vọng nhanh hết bánh để còn kịp giờ đi làm. Trao chị chút quà giáng sinh, mong ngày nào chị cũng bán đắt hàng để không bị trễ giờ làm ở nhà máy.

      Cả nhóm đón xe buýt về, khi lên xe anh trưởng nhóm nhờ bác tài  khi nào đến ngã tư Thủ Đức thì gọi dùm. Sau đó ai cũng ngủ ngon lành. May mà bác tài không quên. Xuống xe, trên đoạn đường gần cây số rưỡi về nhà, chúng tôi gặp một cụ già ngồi ở góc vỉa hè, lúc đầu anh em tưởng cụ đi tập dưỡng sinh, nhưng không phải, khi lại gần mới biết cụ bị cụt mất một chân, mới sáng sớm đã phải lết trên đường để bán vé số. Tặng cụ món quà giáng sinh, cũng là món quà cuối cùng mà anh em mang theo. Chẳng biết cụ có con cái không hay là tất cả con cái đều nghèo nên thương con, cụ ráng kiếm thêm một chút để đỡ gánh nặng cho chúng nó . Thật thương cho thân già , từng tuổi này vẫn còn cực đến thế !



      Chúng tôi đã trở về mái nhà của mình và cùng dự thánh lễ trước hang đá. Thánh lễ diễn ra thật sốt sắng dù anh em ai cũng mệt sau một đêm thức trắng và lang thang trên đường phố, chân mỏi nhừ và đôi mắt cứ như sụp xuống vì quá buồn ngủ. Vậy mà hình ảnh Chúa chúng tôi gặp trong suốt chặng đường hôm qua vẫn cứ phải bươn chải mưu sinh để tồn tại . Đêm qua đêm, ngày qua ngày với những công việc lặng thầm, buồn tẻ. Chắc họ thấy Chúa ở trên cao và xa vời lắm. Những gì chúng con sẻ chia thật quá ít ỏi vậy mà làm họ vui và cảm động như thế thì xin Chúa ngàn lần quảng đại hơn chúng con hãy ban cho mọi người được hạnh phúc, ấm no. Với tôi, đây là đêm giáng sinh đầu tiên mà tôi sẽ nhớ mãi. Đêm giáng sinh TÔI ĐI TÌM CHÚA trong những mảnh đời cơ nhỡ . Và tôi sẽ tiếp tục chuyến hành trình ấy trong suốt cả cuộc đời tôi...


Em Anton Nguyễn Hoàng Thi
Thân tặng các anh 
Hẹn nhau mùa giáng sinh năm tới
     



Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Lời nguyện cầu năm mới


Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm
đi thêm một đoạn đường đời.
Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành...
Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha
để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.
Tạ ơn Cha 
vì những gì cuộc đời làm cho chúng con, 
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời...
Xin cho chúng con sống những ngày của năm mới
trong tinh thần vui tươi, hòa nhã
và không quên những người nghèo khổ, cô đơn


Lạy Cha, đây là mơ ước của con về thế giới :
con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Lazarô đói ngồi ngoài cổng,
      bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
                  không còn những cô gái đứng đường
                                      hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những người thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, 
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
                        và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.

(Trích từ sách Rabbouni - 120 lời nguyện của bạn trẻ)
Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria thương chúc lành 
cho thiện chí và những cố gắng, 
cho những dự tính và những mơ ước của chúng con
 Xin thương ban ơn lành và tình yêu 
cho gia đình anh chị em con, cho những người thân thương, bạn bè con và tất cả ...

Những hình ảnh đáng nhớ năm 2013



Trăng tròn phía sau Tượng Chúa Cứu Thế ở thành phố Rio de Janeiro, Brazil hôm 25/5. Tượng Chúa cao 38 mét, đứng trên đỉnh núi Corcovado cao 732 mét. Ảnh:AFP.




Tro bụi bay ra từ ngọn núi lửa Popocatepetl ở gần thành phố Mexico City, Mexico hôm 4/7. Ảnh: AFP.





Hiện tượng thiên văn hiếm hôm 3/11 xuất hiện ở Bắc Mỹ, Châu Phi và Châu Âu, cho phép người dân quan sát được nhật thực một phần và toàn phần.


Hiện tượng cực quang ở Thụy Điển hồi tháng 4.
image 



Đôi vợ chồng trẻ ôm nhau giữa đống đổ nát trong ngôi nhà mình một ngày sau khi cơn lốc xoáy tàn phá thành phố của Moore , Oklahoma(Mỹ). Ảnh: Reuters
image
Một cậu bé cõng chú chó vượt qua nước lụt do mưa kéo dài ở Manila , Philippines. Ảnh: AP                                                                                                                                                                   
image




“Superman” mỉm cười với bé Joao Bertola, 2 tuổi, và cha của cậu bé tại Bệnh viện Infantil Sabara ở Sao Paulo, Brazil.
image













Cả gia đình Tammy Holmes phải dầm mình xuống nước tránh cháy rừng lịch sử tại Dunalley (Úc). Ảnh: AP

image












Người biểu tình tặng hoa hồng cho một binh sĩ Thái Lan tại Bộ Quốc phòng trong cuộc biểu tình ở Bangkok
image











Garrett McNamara nỗ lực phá vỡ kỷ lục thế giới về lướt sóng cao nhất tại Nazare, Bồ Đào Nha.
image














Cậu bé buồn bã nhìn vào phía trong Vườn thú Quốc gia ở Washington , D.C. đang ngừng hoạt động tạm thời do chính phủ Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters 
image

Du khách xem cảnh phun nước ở hồ chứa Xiaolangdi trên sông Hoàng Hà của Trung Quốc



image
Chú chó Figo lưu luyến bên linh cửu của "người bạn đồng nghiệp" - cảnh sát Jason Ellis, đã thiệt mạng sau khi bị 1 tay súng tấn công trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Ảnh: Reuters
image
Cậu bé ôm chân mẹ than khóc trước ngôi nhà bị động đất phá hủy. Trận động đất cường độ 6,6 độ Richter Scale xảy ra tại làng Long Môn, quận Lộc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
image




Một người biểu tình chống chính phủ tại Bahrain bị thiêu sống sau khi cảnh sát chống bạo động bắn vào bom xăng trong tay người này. Ảnh: AP




image







Giải cứu em bé từ đống đổ nát tại hiện trường của một tòa nhà dân cư bị sập ở Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 11. Ảnh: Reuters
image
Hình ảnh Đức Giáo Hoàng ôm hôn và cầu nguyện cho người đàn ông bị u sợi thần kinh, khiến giáo dân thế giới rung động. Ảnh: EPA
image




Bé sơ sinh Bea Joy sinh ra trong cơn bão Haiyan ở Tacloban - niềm hy vọng giữa đống đổ nát. Ảnh: Reuters