Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Ước mơ đoàn viên (1)


Tôi chợt nhận ra thời giờ và sức khỏe thật rất quý với tôi lúc này, cuối năm nhìn lại có biết bao điều tôi vẫn chưa làm, hẹn lần hẹn lữa cho qua rồi gác lại một góc. Năm hết, Tết đến ước mơ ngày đoàn viên, gặp được ba má, người thân, một lần gặp gỡ với bao thương nhớ đợi mong.

Má tôi đã già, tóc bạc phơ đẹp quá ! Sức khỏe yếu đi nhiều so với hai năm trước vì con mắt nhìn không rõ, mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhìn thông suốt rõ ràng thì nhanh nhẹn, nhưng mắt kém sẽ kéo theo mọi việc đi đứng khó khăn.
Thuở nhỏ chúng tôi đông lắm, mười một chị em, tôi là chị cả lớn nhất trong nhà, rồi theo vận nước đổi thay, phải dần xa nhau, xa mặt cách lòng, mười phương tám hướng không bao giờ dám ước mơ ngày đoàn tụ, xa cả một đại dương, Việt Nam, Mỹ, Đức cách xa nghìn trùng, kẻ sáng người đêm, không gian cách biệt !!!


Lâu dần tình cũng nhạt phai theo cơn gió, dù biết trong tim tôi đếm mình có 11 người em, bởi vậy tôi hay nhớ về ngày xưa, ngày còn nhỏ bên ba má và đám em, cuộc sống nhiều vất vả, chia nhau từng phần quà tấm bánh ba má cho, gói hết vào góc nhỏ trong tim, thoáng nhớ vào những ngày cuối năm, kỷ niệm một thời thơ ấu không bao giờ phai.
Giờ chúng tôi ai cũng có gia đình riêng, làm ông làm bà, làm cha làm mẹ, có cuộc sống riêng không ai cần ai, nhớ nhau chăng là mỗi độ Xuân về.

Ước mơ gì cho mùa Xuân năm nay? Tôi mong gặp lại ba má một lần, được nắm lấy bàn tay, được ôm má một cái thật chặt, được ôm ba như ngày còn bé, nấu cho ba má một món ăn ngon, mua cho ba má cái áo mới như ngày còn bé ba má đã thường làm cho tôi, một ước mơ tầm thường, đơn sơ nhưng lại khó thực hiện vì xa xôi cách trở, mấy sông tôi không lội được, mấy đồi không trèo nổi, phải bay và phải đợi chờ rất lâu.

Đợi nhé, hẹn mãi hẹn hoài, mong gặp lại ba má là mùa Xuân vui, mẹ ơi! Con hứa Xuân sau sẽ về, mà nay đã bao Xuân rồi trôi qua, mấy chục cái Tết rồi con không được cùng ba má đón giao thừa, thật là nhớ thương ngày tháng cũ tay trong tay cùng gia đình ăn Tết và đi lễ đầu Năm.

TB: Em chúc chị và gia đình hưởng một mùa xuân gặp gỡ, yêu thương, tràn đầy niềm vui nơi quê hương.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Bệnh QUÊN

Có một gia đình nghèo, thất nghiệp.  May thay lại có một chủ xưởng cưa chịu nhận cả gia đình vào làm.  Ông lo cho cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, và có việc làm mỗi ngày.  Mọi chuyện tốt đẹp.
Nhưng ít sau, đến giờ đi làm thì:
- Người thì nói: trời hôm nay nắng quá, khi nào trời mát rồi tính.
- Kẻ thì lên tiếng: khúc cây còn tươi, nên dai, khó cưa.
- Người thì nói: lưỡi cưa không sắc, khi nào có lưỡi tốt thì làm.
- Người khác kêu ca: loại gỗ này già tuổi, gỗ cứng chắc làm sao mà cưa.
- Một người lớn tiếng: khúc gỗ hôm nay cong quá, làm sao bây giờ.
- Người thì than rằng hôm nay mình chán nản, mệt mỏi quá.
Và thế là cả gia đình nghỉ việc.

********************************************
Dân Israel trong thời nô lệ ở Ai cập rất là khổ cực, bất hạnh.  Bị hành hạ, ngược đãi và đối xử bất công.  Họ phải làm những việc nặng nhọc, dù thời tiết có mưa bão hay nắng cháy, dù người khoẻ hay yếu đều phải làm việc.  Ăn uống thì chỉ được ăn cho khỏi chết mà thôi.  Học hành, giải trí… quần áo, nhà cửa, thuốc men ư?  Bị đối xử như là súc vật thì làm gì có những thứ tốt và làm gì có quyền đòi hỏi quyền lợi.
Thế rồi, họ được Đức Chúa thương cứu họ cho khỏi cái nhục nhằn của đói khổ và công việc. Họ thoát được cảnh bất công giữa chủ và nô lệ.  Họ được Moses dẫn qua sa mạc đến vùng đất hứa, vùng đất đầy sữa và mật ong, vùng đất hứa hẹn cho cả dòng dõi họ và con cháu.
Thế nhưng, họ đâu có nhớ.  Họ kêu ca than phiền và đưa ra mọi thứ yêu sách.  Tại sao chúng tôi phải như vậy.  Nào là trời nắng, khó chịu, bực bội quá.  Rồi đến ăn bánh
manna nhạt nhẽo không bổ béo gì.  Nào là muốn nước trong, nước sạch nước mát, rồi đến đòi ăn thịt chim.  Chưa hết, họ còn chê trách Thiên Chúa, bỏ rơi Ngài để thờ thần khác, thờ bò vàng.

Trình thuật của Luca cho biết đến cái thế hệ khó hiểu là: “thổi sáo vui mừng thì không nhảy múa.  Hát bài đưa đám thì không khóc than” (Lc 7, 31).  Chúa Giêsu còn dẫn chứng: Gioan tẩy giả sống đơn sơ nghiệm nhặt; sống chay tịnh, không ăn bánh, chỉ ăn châu chấu và mật ong, không uống rượu chỉ uống nước lã.  Thì họ cho là đồ ngốc đồ khùng, người bị quỷ ám.  Còn Con Người đến cũng ăn, cũng uống như ai thì lại kêu là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Đúng là con người, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
Chúa Giêsu nói đến thế hệ này, để giúp cho ta thấy con người có một lịch sử không tốt lành, ít là thời gian dân Israen thoát khỏi ách nô lệ Ai cập trên con đường qua sa mạc về đất hứa, dưới hướng dẫn của Moise.  Và cũng là lời cảnh báo cho những người nghe Ngài phải đặt lại vấn đề về sự cứng lòng không nhìn nhận, không chịu nghe Ngài hướng dẫn để có thể đi qua sa mạc đời mình mà về được đất hứa thật là Nước Trời.
Vậy nguyên nhân bởi đâu?  Bởi con người bị mắc một thứ bệnh khó trị, bệnh di truyền.  Ấy là bệnh Quên.
Những người trong câu truyện trên, họ đã đưa ra đủ lý do để nghỉ việc.  Họ quên hẳn thân phận của mình rằng, nếu không được ông chủ giúp đỡ thì còn bi đát khốn khổ hơn.  Nhờ ông chủ mà gia đình họ nhìn thấy mặt trời, nhìn thấy tương lai tươi sáng và nhiều hy vọng.  Đáng lẽ họ hăng say, nhiệt tình và chịu khó làm việc để đền ơn đáp nghĩa, thì họ lại đòi hỏi, ra điều kiện với ông chủ, rồi nghỉ việc.
Những người Israel, đã được Đức Chúa cứu giúp, thoát khỏi ách thống trị áp bức của Ai cập.  Họ được trả tự do, được phục hồi nhân phẩm.  Giờ đây, mỗi người có quyền xây dựng cuộc đời mới tốt hơn trong tin yêu và hy vọng.
Đáng lẽ họ phải hết lòng biết ơn và một mực trung thành với hướng dẫn của Đức Chúa qua Moises trên con đường trở về với vùng đất phì nhiêu, vùng đất của hạnh phúc mà Người đã hứa. Thế nhưng họ lại quên.  Quên đi thân phận hẩm hiu bọt bèo của mình.  Hành trình ở sa mạc cho biết rõ con người thật mau quên của họ.  Họ dần quên Đức Chúa.  Họ bắt đầu càm ràm về thời tiết nắng cháy, về ăn không ngon, uống không ngọt, ngủ không yên.  Họ nghĩ mình là người phải được phục vụ mọi thứ tốt lành.  Họ chê trách Moses, oán hờn Đức Chúa.  Rồi bỏ Người mà theo các thần khác, đúc bò vàng để thờ.
Những người đương thời với Chúa Giêsu cũng vậy, đáng lẽ họ phải vui mừng phấn khởi hân hoan vì điều họ hy vọng về Đấng Cứu Thế đến, giờ đã thành hiện thực.  Đáng lẽ họ phải lắng nghe, chiêm ngắm và cộng tác, phải vui mừng và vỗ tay, kính trọng và biết ơn, tôn kính và thờ phượng.  Thế nhưng họ lại thờ ơ dửng dưng, hiểu lầm coi thường, chê bai trách móc, hãm hại chống đối, vu khống giết chết.  Cái nghịch lý là chính họ muốn Đấng Tốt lành đến, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không chấp nhận, và muốn trở về với truyền thống tổ tiên.
Quên quả thật rất tai hại.  Quên sẽ đánh mất chính mình, đánh mất Thiên Chúa và là cửa đưa tới đau khổ.
Nhìn vào Ađam và Eva, nhìn vào nhân loại xưa cũng như nay, đời cũng như đạo, biết bao thứ trục trặc xảy ra cũng bởi vì quên.
Quên làm cho ta thành kẻ vô ơn bạc nghĩa.
Quên làm cho ta thành người bất hiếu bất trung.
Quên làm cho ta thành loại bạc nghĩa bất lương.
Quên làm cho ta thành kiêu căng tự phụ.
Quên làm cho ta thành căng thẳng khó tính.
Quên làm cho ta thành lo âu bất ổn.
Quên làm cho ta thành đau khổ bất hạnh.
Quên làm cho ta xao xuyến lao đao.
Quên làm cho ta xa rời ân sủng Chúa, cắt đứt liên lạc với Ngài.  Và ta sẽ bị cô lập khỏi ân sủng Chúa.  Dù ân sủng Ngài nhiều như mưa, như nắng, như không khí.
Xin Chúa cho ta biết khiêm nhường nhìn nhận sự thật về mình và về Thiên Chúa để bày tỏ lòng thành kính tri ân về mọi ân lộc Chúa đã ban cho ta.


Thanh Thanh
Email Langthangchieutim

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Mưa Cali

Hôm qua, hôm nay và cuối tuần sẽ mưa lớn, thật là tin mừng và hạnh phúc cho người dân Cali đã lâu ngày không được nghe tiếng mưa rơi.

Mưa rất lớn, mưa như trút nước lâu ngày bị nghẹt, mưa như giông bão ầm ầm nổi cơn thịnh nộ, mưa cho trôi đi hết bao muộn phiền trong cuộc sống, ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, những dòng nước cuồn cuộn trôi xuống cống nhanh như ai đang rượt bắt, dù mưa rất to nhưng đường phố không bị ngập, vài chỗ trũng sâu nước chưa kịp thoát thì phải cẩn thận kẻo chạy nhanh qua nước sẽ bao bọc hết không còn nhìn thấy gì trong giây lát như sắp chết đuối, quạt nước lâu nay chỉ nằm im trươc kính, bây giờ mới có cơ hội múa nhanh,  chóng cả mặt để tài xế nhìn rõ mà lái trong mưa.
Một cảm giác hơi lo sợ vì mưa to quá không nhìn rõ, nhưng định thần lại tôi mở đèn sáng, quạt nước gạt tốc độ Tango và tìm thấy cảm giác hạnh phúc được lái xe trong khi trời đổ mưa, mở nhạc nghe bài hát về MƯA, ôi thú vị biết bao ! hôm nay ai cũng chạy nhẩn nha và lái rất lịch sự, không vội vã hay đổi vị trí, chắc mỗi người một tâm trạng trong cơn mưa.


Thuở nhỏ tôi rất thích dầm mưa ở xóm, lớn lên thích đi trong mưa gió, mặc áo mưa che dù cứ thế đi thật lãng mạn, giờ đây cũng vẫn thích mưa, mang đôi boot vô, tay cầm cây dù, mặc thật ấm, đội chiếc mũ len thêm chiếc khăn quàng cổ, lái xe đi thoải mái, xuống xe bung dù ra che đi một đoạn đã vào đến bên trong shopping ấm áp.


Trời mưa ăn gì cũng thích, nhưng nếu bún bò, phở và cả nhà xì xụp húp còn gì bằng.
Giọng hát Elvis Phương vang vẳng bên tai :
Thương nhau ngày mưa của Nguyễn Trung Cang.
"Như mưa ngày nào thấm ướt vai em...
Thương nhau, thương nhau "
Nghe thật nức nở và ấm áp,
Kỷ niệm chợt ùa về, nhớ chuyện ngày mưa, ngày nắng, tiếng Elvis Phương vẫn tha thiết:
" Dù biết trái tim đã già,
Mà những thiết tha chẳng nhòa.
Gọi tên nhau lúc cô đơn
Để nghe sưởi ấm tâm hồn."

Mưa đã nhẹ hạt, trời bớt tối hơn lúc nãy dù mới một giờ trưa, mượn ca khúc CÒN YÊU EM MÃI gửi tặng anh ngày Sinh Nhật và Mưa Cali làm cảm xúc, có nhau trong đời, anh là người bạn đời cũng là bạn đường, cùng bên nhau khi vui lúc buồn. Happy Birtday 66.🎂


(Em gởi đến anh chị lời chúc muộn : 
mong anh chị luôn sống những ngày vui vẻ bên nhau trong lâu đài tình yêu. 
Có tình yêu là có hạnh phúc, chị nhé !)

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Ngày em về

Tôi gọi điện thoại cho Thu, em dâu họ của tôi ở quận 11.
Không có tiếng của Thu, mà là tiếng của em trả lời,
Ủa sao vậy ? Em đang ở Cali mà ! Em về Việt Nam hồi nào mà tôi không biết ???
Em về thật bất ngờ.
Chị em tôi gặp lại nhau sau gần một ngàn ngày xa cách. Em vẫn vậy, vẫn nét hiền hòa, vẫn nụ cười thường xuyên trên môi, em vui với tất cả mọi người chẳng trừ ai. Những ngày cuối ở Saigon em nói chuyện miết đến tắt tiếng luôn.


Em luôn đón và từ giã tôi với cái ôm siết chặt, với những cái hôn thấm tình chị em thương mến. Em giới thiệu với mọi người tình cảm giữa em và tôi. Em và tôi nhắc nhớ nhau chuyện ngày xưa, chuyện một thời nghèo khó.
Tuy chỉ là chị em họ nhưng vì nhà gần nhau,tuổi thơ gắn kết nhiều kỷ niệm nên chúng tôi thân nhau là vì thế. 
Nhớ những lúc ngặt nghèo, những khúc quanh trong cuộc đời em đã luôn bên cạnh tôi, nắm lấy bàn tay tôi.

23 tuổi em vượt biển, nếu ngày đó em không liều mạng tìm sự sống trong cái chết thì hôm nay chắc em vẫn chỉ là...

Gần bốn mươi năm rồi em nhỉ ?
Cám ơn Chúa đã giữ em bình an, để khi vượt lên những đắng cay, gian khổ em đã luôn biết mở rộng vòng tay.
Tôi cảm nhận được rằng chính Chúa thương tôi, qua em Người dẫn tôi vững chân trên bước ngoặt cuộc đời.
Hôm em đến nhà chơi, tôi đãi em món bò bía, chả giò chiên và ốc bươu hấp xả. Tôi đãi mà em vào bếp, em dành chiên chả giò và lạp xưởng, em dành luôn xắt mỏng lạp xưởng nữa chứ ! Mấy tiếng đồng hồ đứng không biết mỏi chân.
Vợ em bảo : chắc hôm nay bên Cali có mưa lớn...
Mà quả thật, hôm đó Cali nơi em ở trời không những có mưa mà lại còn mưa rất lớn...

Em nói với tôi : ba tuần trôi qua nhanh quá chị ! Ngày mai em về rồi !

Tôi cười : mười năm còn nhanh huống gì là ba tuần, Cầu Chúa cho vợ chồng em đi bình an. Nhớ đọc kinh Lòng thương xót lúc ba giờ chiều mỗi ngày. Chị em mình bên nhau trong lời kinh nguyện.
- Em sẽ nhớ đọc, em cũng nhớ chị nữa.
- Chị cũng thế ! Thôi, tạm biệt em... ! Tạm biệt...!


(Chị viết tặng Tân ngày gặp lại...)

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

1 phần rất nhỏ...

Tôi chẳng biết mình có giống được Giêsu phần nào không ? Tôi chỉ biết mình có một tâm hồn, một cảm xúc rất rõ nét khi nhìn thấy cảnh khổ của một người nào đó, dù cố tình muốn biết hay đôi khi chỉ là bất chợt.

Đọc bài LUPE xong, tôi thoáng nhớ lại một lần cũng đã lâu lắm rồi...
Lúc đó tôi ở căn hộ trong một chung cư cũ. Chung cư ở ngay chợ nên có người ăn xin khá là đông, nhưng tôi thương cảm nhất vẫn là mấy người dân tộc Thượng, đen nhẻm, gầy còm, con nít thì ở trần, có khi ở truồng nữa, tóc tai bù xù, xơ xác. Họ đi xin, có khi thì đi bán vé số. Thường buổi cơm chiều mỗi ngày tôi nấu nhiều hơn một chút. Ăn xong tôi xách bịch nilon đựng cơm và thức ăn xuống cho họ, cả nhà họ đang quây quần bên nhau chỉ với một cái thau ở giữa, mạnh ai nấy xúc nên thấy tôi họ vui lắm, chắp tay xá và cám ơn lia lịa.

Có một buổi trưa cuối tuần, đang định đóng cửa đi ngủ thì có hai đứa nhóc người thượng mời tôi mua vé số, tội nghiệp chúng nên tôi mua cho mỗi đứa một tờ, nhìn cái bụng lép kẹp của tụi nó, tôi mở cửa bảo vào nhà tôi lấy cơm cho ăn, may mà còn chút thịt luộc với canh. Chúa ơi ! tụi nó ăn sạch sẽ cơm và canh, thịt thì chừa lại. Chỉ vào miếng thịt. tôi hỏi sao không ăn ? Tụi nó lắc đầu bảo không biết ăn thịt. Tất nhiên cuộc đàm thoại nảy giờ chỉ là bằng tay thôi. Có một nỗi xót xa trong lòng tôi.
Ngồi nhìn tụi nó ăn, ngửi thấy mùi hôi từ thân thể gầy ốm lâu ngày không được tắm, thương quá, tôi lôi hai đứa xuống bếp, lột quần áo ra, lấy xà bông làm một cuộc thanh tẩy. Đổ dầu gội lên tóc, không có một miếng bọt vì quá dơ, tới lần thứ ba mới hoàn tất xong mớ bòng bong đó, rồi tôi xát xà bông lên người và kỳ cọ cho chúng, vừa kỳ cọ vừa xối nước liên tục, đã quá, chúng cười thích thú và miệng huyên thuyên từng tràng tiếng thượng mà chỉ chúng nó mới hiểu. Nửa giờ đồng hồ sau, quá sạch sẽ, thơm tho nhưng phải mặc lại quần áo cũ thôi, tôi ước gì có được cho chúng bộ đồ mới, tiếc quá nhà tôi không có con nít, đành vậy. Cầm xấp vé số đi bán, chúng lại chắp tay cám ơn.

Rất nhanh sau đó, không đầy 5 phút, chưa kịp đi ngủ thì chúng lại dẫn lên nhà tôi một nhóc nữa, nó ra dấu bảo tôi tắm cho bạn nó. Thôi lỡ rồi, làm ơn thì làm ơn cho trót, tôi lại thanh tẩy thêm một lần nữa cho con nhóc này. Nhìn chai dầu gội đầu hết khoảng một phần ba, tôi mĩm cười một mình.
Khi tôi tắm cho ba đứa nhóc, con trai tôi nhìn mẹ, tôi thấy trong mắt con có cái gì đó... rất đáng yêu, lúc đó con trai được mười tuổi. Một cách rất vô tình và đơn giản, tôi đã dạy con bài học về lòng nhân ái.

Nhưng tôi chỉ làm được có mỗi một lần thôi, chỉ là một phần rất nhỏ, rất nhỏ...
Tương lai của những đứa bé đáng thương này ở đâu ? ở đâu ?
Một câu hỏi nhức nhối trong tôi và của những ai có một tấm lòng thương cảm.
Sẽ không có câu trả lời...

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2016

Lupe

“Hãy đuổi con mẹ Jo đó ra khỏi chỗ này đi, nó hôi như cứt vậy, chẳng ai chịu nổi,” những người vô gia cư khác phàn nàn về cô Jo với bà Lupe.  Bà Lupe làm thiện nguyện trong phòng tắm nữ dành cho người vô gia cư cũng được cả năm rồi, đây là một trong các chương trình của Bánh và Cá (Loaves & Fishes) ở thành phố Sacramento, California, dưới sự điều hành của Nữ tu Libby Fernandez.  Người ta xua đuổi Jo cũng phải vì thật sự cô ta hôi quá, khi Jo đi khập khiễng đến quầy gặp bà Lupe để nhận khăn tắm và xà bông, bà cũng phải nín thở để chào Jo và đưa đồ cho cô ta.  Hình như Jo không tắm rửa gì cả tháng rồi.

Jo khệ nệ lê lết thân xác to lớn của mình vào phòng tắm, ngồi trên cái băng ghế tắm dùng cho người già và khuyết tật.  Loay hoay mãi không cởi đồ được, Jo đành phải nhờ một cách ngại ngùng: “Bà Lupe ơi, nhờ bà giúp cởi đồ cho tôi được không?”  Ngần ngừ giây lát rồi bà cũng ráng đến giúp cho cô.  Khi cởi áo Jo, bà mới thấy rõ cái vai phải của Jo đã bị trật qua một bên đã nhiều năm rồi, nên lâu nay Jo không thể giơ cánh tay lên được nữa, và đó là lý do Jo không thể tự cởi đồ hay tắm giặt gì được.

“Nhờ bà tắm cho tôi được không?” Jo lại vụt miệng nhờ nữa.  Quả là khi giúp cởi đồ cho Jo, bà Lupe cũng đã choáng váng với cái mùi hôi không tưởng của cô rồi, thế mà bây giờ lại còn nhờ tắm giúp nữa, với lại bà cũng chưa hề tắm cho ai, ngoại trừ hồi xưa tắm cho hai đứa con nhỏ của bà.  Nhìn Jo thấy thương quá nên qua vài giây im lặng ngại ngùng, bà cũng ráng giúp tắm cho Jo.

Tắm cho Jo là một tình huống rất đặc biệt.  Thân hình của Jo to gấp bốn lần bà Lupe với những lớp mỡ chảy trệ xuống, tắm cho Jo như tắm cho một khối thịt khổng lồ vậy.  Bà Lupe bắt đầu dùng vòi sen xả nước ấm lên người Jo.  Jo ngồi im lặng thưởng thức từng giọt nước ấm tưới lên cơ thể mình, và tận hưởng bàn tay xoa xà bông và chà xát của bà Lupe lên người cô.

Hồi đầu bà Lupe chỉ tính giúp qua loa cho mau thôi để còn đi làm các công việc khác vì bà không cảm thấy thoải mái với chuyện tắm rửa này, nhưng rồi bà chợt nhận ra bà đang bước vào một vùng đất “rất thánh”, như xưa kia Môsê ở trong sa mạc gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai cháy rực.  Bà nghe như Chúa đang nói với mình: “Con ơi, hãy cởi giày ra, vì nơi con đứng là vùng đất thánh.”  Ở nơi sa mạc đầy sỏi đá và gai góc, mà cởi giày ra đi chân không thì phải bước từng bước một cẩn thận và mắt luôn nhìn xuống đất để tránh không giẵm phải đá và gai sắc nhọn.  Bà Lupe nhận biết bà đang đi vào “vùng đất thánh” của Jo và bà cần phải “cởi giày ra” để bước đi từng bước chậm rãi từ tốn, nhẹ nhàng và kỹ lưỡng để Jo không bị tổn thương.  Bà tháo đôi găng tay cao su y tế đang mang để chạm vào thân thể Jo bằng chính đôi tay trần của mình.

Bà Lupe đã ở với Jo gần nửa tiếng trong cái không gian nhỏ bé đó, và cái kinh nghiệm của những giây phút thánh thiêng đã để lại một dấu ấn sâu xa, ngọt ngào cho bà trong suốt tuần lễ.  Bây giờ thì không còn là chuyện tắm cho Jo nữa, mà là cả một câu chuyện gặp gỡ thiêng liêng giữa bà với Jo trong cái không gian chập hẹp và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.  Bà có cảm tưởng như thời gian dừng lại.  Cùng với những giọt nước mắt thổn thức như đang muốn trào ra, bà như muốn nuốt trọn vào tâm hồn từng hơi thở của một cuộc đời bị xã hội khinh rẻ và bỏ rơi của Jo vào lòng.  Bà ngỡ ngàng vì Chúa đến với bà trong một tình huống khó tả và nhạy cảm như vậy.  Bà có cảm tưởng như bà là Thiên Chúa đang chạm bàn tay từ ái vào một tội nhân đáng thương bị con người ruồng bỏ.  Đồng thời bà cũng cảm nhận bà chính là Jo, bà đang ngồi đó và được Thiên Chúa chạm vào thể xác cũng như tâm hồn để xóa sạch những vết bùn nhơ, bóng tối tội lỗi và hận thù trong lòng bà.  Lúc đầu bà tưởng bà ra tay giúp Jo, không ngờ chính Jo đang giúp bà gặp gỡ Thiên Chúa của bà.  Bà nghe văng vẳng đâu đó như có tiếng các Thiên Thần đang xướng ca...

Lạy Chúa, trong một năm vừa qua, Chúa đã đi ngang qua nhà con nhiều lần lắm nhưng mấy khi con nhận ra Chúa vì con quá bận rộn và say mê với những chương trình của con.  Đã mấy lần con thấy Chúa nhưng con không tha thiết ở lại trong những khoảnh khắc thánh thiêng ấy để chiêm ngắm Chúa.  Con đã để những giây phút thánh và không gian thánh ấy qua đi quá dễ dàng trong đời con.


Lạy Chúa, 
hôm nay đã bắt đầu bước qua năm mới rồi, năm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người tín hữu sống với tâm tình “Lòng thương xót Chúa.  
Xin giúp con biết dừng chân lại để biết nhận ra và thưởng thức những cuộc gặp gỡ nhỏ bé, thầm lắng, chóng vánh, nhưng thật thánh thiêng vì Chúa đang tỏ lòng thương xót Chúa cho con.  
Xin Chúa tiếp tục dạy bảo con biết chia sẻ lòng thương xót Chúa mà con đã được nhận nhưng không, cho những anh chị em con gặp gỡ mỗi ngày, 
nhất là những anh chị em nghèo khổ và bị ruồng bỏ, đặc biệt trong năm Thánh này.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
January 1, 2016
(Email Langthangchieutim)

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Chân Phúc Têrêsa Calcutta được phong thánh

WHĐ (20.12.2015) 
– Hôm thứ Năm 17-12-2015, đúng ngày sinh nhật của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký bốn sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các tôi tớ Chúa là: Enrico Hahn, giáo dân người Đức sống vào thế kỷ thứ 19; Giuseppe Ambrosoli, linh mục người Ý; Lanzuela Leonardo Martínez, tu sĩ người Tây Ban Nha; hai vị sau qua đời trong những năm cuối của thế kỷ 20.

Nhưng thông tin được nhanh chóng loan đi trên khắp thế giới với niềm vui mừng lớn lao là sắc lệnh thứ tư, công nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa Calcutta, vị nữ tu nhỏ bé trong chiếc áo sari hai màu xanh trắng, đã được Đức Giáo Tông Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phúc ngày 19-10-2003. Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta là những người vui mừng hơn hết vì đã chờ đợi tin này từ rất lâu; các chị nói rằng “đây là lúc vui mừng và tạ ơn”. Một Thánh lễ tạ ơn do Đức cha Thomas D’Souza, Tổng giám mục Calcutta, chủ sự, đã được cử hành tại nhà mẹ của Dòng Thừa Sai Bác Ái vào lúc 16g00, giờ địa phương.

Việc một người đàn ông Braxin được khỏi các khối u não một cách kỳ diệu đã được công nhận là phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa, mở đường cho việc tuyên thánh cho vị Chân Phúc người Albania đã dâng hiến cuộc đời phục vụ người nghèo ở Calcutta.

Sinh tại Skopje năm 1910 trong một gia đình người Albania ở Macedonia, Agnes Gonxha Bojaxhiu, tức Mẹ Têrêsa Calcutta, đến Ấn Độ năm 1929 và thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái vào năm 1950 để chuyên lo phục vụ người nghèo, các bệnh nhân và những người hấp hối, đặc biệt là ở Calcutta. Chính tại thành phố này ở miền Bắc Ấn Độ mà vị nữ tu được cả thế giới biết đến đã qua đời ngày 05 tháng Chín 1997 vì bệnh tim, thọ 87 tuổi.

Theo nhiều chuyên gia tại Vatican gần gũi với Đức Thánh Cha, lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra ngày 04 tháng Chín 2016 tại Roma, trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngày này đã được Phòng Báo chí Toà Thánh nhắc đến hồi tháng Năm vừa qua, nhưng còn phải được Công nghị Hồng y xác nhận.

Con người đã dành trọn cuộc đời cho những người nghèo khổ nhất đã từng nói: 
“Về huyết thống, tôi là người Albania. 
Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. 
Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. 
Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế giới. 
Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Dòng Thừa Sai Bác Ái hiện nay có 5000 tu sĩ (nam và nữ), phục vụ tại 132 quốc gia trên thế giới.