Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Lời nguyện cầu và Tiếng Chúa

 - Xin Cha tha hết những yếu đuối và lầm lỗi của con. Xin cho con biết quên đi những gì là phụ thuộc để chỉ hướng về Cha như hoa hướng dương quay nhìn về phía mặt trời.
2 năm trong đời linh mục đã đủ cho con thấy ơn gọi và công việc của con. Thời gian ngắn nhưng cũng đủ cho con thấy con đường mà Cha đã đi ngày xưa. cánh đồng mênh mông mà thợ gặt quá ít, bàn tay con lại ngắn. Con muốn ôm trọn vào lòng con mơ ước đó, mơ ước được chết trên cánh đồng, được tàn hơi vì mùa gặt. 2 năm trong đời linh mục đã cho con thấy quá nhiều nước mắt trong những đêm đen mịt mùng mà đàn chiên của con đang khóc. Có những tâm hồn khốn khổ với những sợi dây chằng chịt trói buộc của Satan. Họ tha thiết đi về với Cha nhưng yếu đuối đưa đời họ chìm xuống, đam mê nghẽn lối trèo lên. Họ biết thế, nhưng quyền lực của Satn mạnh quá, Cha ơi !

- Và còn chính con nữa. Con cũng cần ơn sủng của Cha nhiều lắm. Cha phải ở cạnh con và nói cho con từng lời chỉ dẫn, nhắc nhở con từng bước dại khờ. Con phải đương đầu với một quyền lực có sức mạnh và xảo trá gấp trăm ngàn lần trí óc của con. Bóng tối cạm bẫy của Satan. Nhiều lúc con thấy quá lẻ loi, như có một mình con đứng giữa chiến tuyến. Giáo dân đáng lẽ phải là bạn song hành của con, nhưng vì yếu đuối và cũng lầm lẫn trong lối đi quanh co của bóng tối đã nhiều lần đưa đời con chìm xuống, làm lý tưởng theo Cha của con phải lao đao.

Cha ơi !
- Bước chân con cũng xiêu vẹo, ấy vậy mà Cha bảo con phải là điểm tựa cho bao nhiêu những con cá nhỏ khỏi bị dòng nước lũ cuốn trôi ra biển khơi. Khó biết bao, phải không Cha ?

- Con không là nhà chính trị, con chỉ là linh mục. Ngày xưa họ cũng đã đòi Cha phải là nhà cách mạng để đuổi kẻ xâm lăng Rôma ra khỏi bờ cõi. nhưng Cha đã chẳng là nhà cách mạng và họ đã giết Cha trên đồi máu. Con cũng yêu đất nước con, thương dân tộc con. Nhưng con phải chọn một hướng đi không có máu và nước mắt.

- Xin Cha cho con can đảm đi trọn con đường Cha đã đi. Xin cho mây trời mãi mãi bay, đừng dừng lại, vì nếu mây chẳng bay thì mây không còn là mây nữa, mây chẳng đem mưa đến cho rừng khô lá đang đợi chờ.
Xin cho dòng sông mãi chảy về biển rộng, vì ngày nào sông ngừng chảy thì rác rưởi sẽ đọng lại và dòng sông sẽ thành cơn bệnh cho cỏ cây, hoa lá.
Nếu không có những thùng rác thì trần gian làm sao sống nồi. Nhưng Cha ạ, chẳng ai nhớ đến những bác phu quét đường dậy từ sáng tinh sương. Cha bảo con nhặt rác nhưng cấm con để rác làm cảm lạnh.

- Xin Cha tha cho con vì những so sánh nhỏ nhen, những lười biếng ích kỷ. Xin cho con thêm nghị lực để con tiếp tục đi. Xin cho con thêm kiên nhẫn để chịu đựng. Hãy giúp con quên mình hơn nữa. Xin hãy ở bên cạnh con luôn, Cha ơi !

- Con biết tin vào cha là đặt trót cuộc sống vào Cha, nhưng không dễ Cha ạ, yếu đuối của con cao hơn tầm tay con với. Buông tay ra để cho đời mình rơi xuống là một thử thách cam go, rụng rời. lên đường mà không biết bao giờ tới. Vào sa mạc để rồi thấy tất cả đều vô phương hướng, mênh mang. Con sợ hãi những mịt mùng. Xin trợ giúp con.

Tiếng Chúa :
** Con là con Ta yêu dấu. 
Con hãy tiếp tục đi và loan báo tin mừng trên mọi nẻo đường. Đem bình an cho người bất hạnh. Mở ngục tù cho công bình nở hoa. Đem ánh sáng cho kẻ kiếm tìm sự thật. hãy loan báo triều đại hồng ân cứu rỗi. Một triều đại đang mở cửa chống lại quyền lực Satan.

** Nếu con có đức tin bằng hạt cải, con sẽ dời được núi.


** Hãy bỏ tất cả đi ! Vứt mọi khí giới đi, hãy đến với quyền lực Satan bằng tay không ! Hãy quì xuống nhìn vào Cha ! Đêm nay là đêm Đức Tin chứ không phải đêm sức mạnh trần thế ! Con không nhớ khi xưa các môn đệ của Cha đã không trừ nổi quỉ vương, và Cha đã dạy họ rằng chỉ có Đức Tin và Cầu Nguyện mới đánh bại được quyền lực của bóng tối hay sao ? Chẳng có gì bảo vệ được con ngoài niềm tin đặt nơi Cha. Cha nói cho con biết, điều ấy không dễ. Nhưng con phải nhớ rằng Cha ở với con mọi ngày. Hãy tin và hãy để Cha chiến đấu...


** Con hãy quì xuống nguyện cầu và hãy tin. Cha sẽ chiến đấu giúp con. 

     Và con sẽ chiến thắng !


Thứ ba tuần thánh.
(Trích trong chuyện ĐÊM SATAN ! ĐÊM ĐỨC TIN
Sách Đường về thượng trí của Lm. Nguyễn Tầm Thường)

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Chia sẻ Lời Chúa : Chúa nhật Lễ Lá 2015

                                    Gương mặt CHÚA GIÊSU bao gồm đầy đủ hai mắt, mũi và miệng

- Một trận lở đất nhỏ tại khi vực núi San Francisco thuộc Putumayo, Colombia vào thứ 7 ngày 21.03.2015 vừa qua đã vô tình tạo nên cảnh tượng rất giống gương mặt của Chúa Jesus trên nền đất…Chỉ sau hai ngày những hình ảnh về vụ lở đất được đăng lên mạng, đã có rất nhiều du khách, bao gồm cả các giáo dân và người bình thường kéo tới đây xem vì tò mò…
Ximena Rosero Arango, một nhiếp ảnh gia tới đây chụp ảnh đã nói với phóng viên: “Nếu bạn tin vào Chúa, bạn sẽ nhìn thấy được hình ảnh đó”. Gương mặt trên nền đất bao gồm đầy đủ hai mắt, mũi và miệng được tạo thành hoàn toàn tự nhiên bởi đất đá xung quanh…

Tuy vậy, vẫn có không ít người hoài nghi rằng hình ảnh trên được tạo ra từ bàn tay con người với mục đích nào đó, còn với những người theo đạo Thiên Chúa, họ tin rằng đây là một phép màu diệu kỳ hiện hữu ngay trong đời sống của chúng ta…

- BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ THEO THÁNH MACCÔ HÔM NAY CŨNG LÀ MỘT TRÌNH THUẬT KỲ DIỆU VỪA XẢY RA VỚI CHÚNG TA…

1- Một trình thuật có sự liên kết rất chặt chẽ.Trình thuật Cuộc Khổ Nạn chiếm một khoảng lớn trong Tin Mừng Maccô, bởi vì nó chiếm đến hai chương, gồm một đoạn nhập đề và hai phần, tất cả đều liên kết với nhau rất chặt chẽ.

- Nhập đề (14,1-11) mở đầu trình thuật bằng ba phối cảnh, hướng dẫn độc giả vào cuộc, đó là:
+ Âm mưu chống Đức Giêsu, nguồn gốc của tấn thảm kịch,
+ Xức dầu tại Bêtania, cử chỉ có tính tiên tri báo trước việc táng xác,
+ Giuđa phản bội, khai mào thảm kịch.

- Phần thứ nhất (14,12-52) của trình thuật xoay quanh bữa tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu với các môn đệ,Chuẩn bị bữa Tiệc ly,Thông báo việc Giuđa phản bội,Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể,Tiên báo việc Phêrô chối Người, Lời cầu nguyện trong vườn Ghetsêmani, Đức Giêsu bị bắt.

- Phần thứ hai dẫn chúng ta vào giữa tấn thảm kịch, qua việc Xét Xử và Lên án Tử cho Đức Giêsu, Vụ Xét Xử diễn tiến trong hai giai đoạn: Toà án Do Thái, trước Thượng Hội Đồng,Toà án Rôma, trước tổng trấn Philatô. Trong hai giai đoạn này, có kèm hai sự cố,Phêrô chối Thầy,Quân lính nhạo cười Chúa.Thi hành án tử cho Đức Giêsu, Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.Đức Giêsu chết trên thập giá(15,33-41): trọng tâm của trình thuật.
Và Sau cùng, Đức Giêsu được mai táng.

2- Chóp đỉnh của trình thuật là: một người ngoại giáo tuyên xưng đức tin…
- Những biến cố được thuật lại cách hờ hững,có thể làm chúng ta bực bội. Như thế, cùng với Maccô và các môn đệ, ta có thể nhận thức được rằng: việc thực thi kế hoạch của Thiên Chúa làm cho con người cảm thấy hụt hẫng. Thập giá đúng là cớ vấp phạm.Vậy mà chính ở đó mầu nhiệm Con Thiên Chúa được mạc khải!

3- Sự Thinh Lặng của Đức Giêsu thật đáng kinh ngạc.
- E. Charpentier giải thích: "Đức Giêsu biết rằng mầu nhiệm của Người vượt quá tầm hiểu biết của loài người. Người biết rằng: chúng ta bị "tắc nghẽn”.Bởi vậy, trong cuộc đời công khai, Người đã từ chối nói ra Người là ai. Trong cuộc thương khó, Người chịu vén mở một chút bức màn thinh lặng bởi vì Người đã bị kết án tử và không còn nguy cơ diễn dịch danh hiệu của Người theo nghĩa ham muốn quyền lực, ".

- Mặc dù bị thúc bách bởi những câu thẩm vấn, Người chỉ mở miệng ba lần sau khi bị bắt:
              1/ Khi vị thượng tế hỏi Người có phải là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa không, Người đáp: Phải, chính thế. Rồi Người giới thiệu mình là "Con Người”, Đấng mà ngôn sứ Đaniel đã loan báo sẽ đến vào ngày tận thế, để phán xét chung.
              2/ Khi Philatô hỏi với ẩn ý chính trị rằng Ngài có phải "Vua dân Do Thái" không, Đức Giêsu xác nhận lời ông: “Chính như ngài nói đó”. Nhưng rồi Ngài thinh lặng("Đức Giêsu không trả lời gì nữa"), ngay cả khi liên quan đến số phận của Ngài. Điều đó nhắc ta nhớ "Người Tôi Tớ đau khổ trong sách Ngôn sứ Isaia(Is 53, 7): "Bị ngược đãi Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xé lông ".
              3/ Sau cùng, trên thập giá, Người mượn lời kêu than của người vô tội bị bách hại trong TV 21: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con" để nói lên tiếng than van trong cơn nguy khốn và kết thúc bằng lời ca hy vọng tuyệt vời.


- Chính trong giờ phút Đức Giêsu chết bị mọi người bỏ rơi, trong khi gánh mọi đau khổ, mọi tang tóc của nhân thế, chúng ta nghe vang lên Lời Tuyên Xưng Đức Tin của viên sĩ quan Rôma, chóp đỉnh của Tin Mừng: Quả thật người này là Con Thiên Chúa”…

- J. Hervieux nhận xét:"… Trong nhân vật sĩ quan Rôma, (người đứng trông coi việc thi hành án tử), ông nhìn thấy các dân ngoại đang ăn năn trở lại. Ngay lập tức, người ngoại này đã tặng Đức Giêsu danh hiệu cao cả trên mọi danh hiệu. Ngài không những là Đấng Mêsia dân Do thái trông đợi mà còn là "Con Thiên Chúa"

+ Ngày lễ hôm nay, khi nghe bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Có người đã viết như thế này:“Giữa Chúa nhật lễ lá và thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của các Kitô hữu: 
Hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa: vạn tuế, vạn tuế, ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét: đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh hắn vào thập giá. 
Hôm nay chúng ta yêu thương, ngày mai chúng ta oán ghét. 
Hôm nay chúng ta hân hoan, ngày mai chúng ta buồn sầu. 
Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ. 
Hôm nay chúng ta tin tưởng, ngày mai chúng ta hoài nghi…”.

- Cành lá dừa xanh tươi tượng trưng cho những đặc tính tích cực của Chúa nhật lễ lá, như hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng. Tuy nhiên,cũng đề cập đến khía cạnh tiêu cực của cuộc sống như khước từ, oán ghét, buồn phiền, hung dữ, hoài nghi, nếu diễn giả tuốt bỏ phần lá xanh, chỉ còn để lại cọng của cành lá dừa.Và có thể biến thành một bó roi có thể chúng ta dùng để hành hạ CHÚA, sát phạt lẫn nhau, biến thiên đàng thành địa ngục…

- Bắt đầu Tuần Thánh,Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta nhìn vào thánh giá CHÚA để thấy những ý nghĩa sâu xa này:
Thấy đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chúa bên trong, 
sự chết của con người và sự sống lại của Thiên Chúa, 
bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, 
sự ích kỷ của ta và sự hy sinh của Thiên Chúa, 
sự kiêu căng của ta và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, 
sự bất lực của ta và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, 
sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chúa, 
sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa,

Thánh Phaolô đã dạy: 
“Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa”. Amen

(Chị Mary Phạm gởi CMC)

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Tuổi 22 và 3 chữ "THẤT"

22 tuổi, sau 4 năm học xa nhà đại học, sau những kì thi cử cũng là lúc khoác trên mình chiếc áo cử nhân, rạng rỡ cùng bạn bè đón chờ một ngày đáng nhớ. Khi bước vào cổng trường đại học, bạn đã từng mơ ước về một tương lai tươi sáng,rồi bạn sẽ tung cánh, đến với những giấc mơ thành công của mình. 


“THẤT NGHIỆP”.

Nhưng thực tế là, sau cái ngày mặc trên mình chiếc áo cử nhân, cầm trên tay tấm bằng, cùng bạn bè chụp hình tung mũ, thỏa thích cười một ngày hạnh phúc. Để rồi ngày sau đó sẽ bị đá thẳng ra khỏi trường, với cánh cổng to đùng mang tên “Thất nghiệp”. 

Bạn tốt nghiệp, bạn nghĩ đó đã là đủ, nhưng bạn lại quá non nớt khi bước ra cuộc sống thật, khác hẳn với cuộc sống lý thuyết trong trường đại học. 22 tuổi,bạn chỉ có kiến thức cơ bản học theo cách cưỡi ngựa xem hoa, để rồi ngơ ngác trước nhà tuyển dụng. Thế là đi từ đâu hãy quay về chỗ đó. 
Bạn không có kinh nghiệm, bạn vác hồ sơ chạy khắp nơi, bạn không cam tâm làm những việc tầm thường không xứng với tấm bằng mình nhận được. Và thế là cứ thất nghiệp dài ngày, chờ đợi mòn mỏi, áp lực từ gia đình, bản thân mãi không tìm ra lối đi.

“THẤT TÌNH”.
Nói là thất tình thì cũng có hơi quá, vì ở tuổi nào người ta cũng có thể thất tình. Nhưng đáng nói là khi tuổi 22 đến, bạn đến lúc lao ra dòng đời và tự học cách sống. Bạn mất hết những mơ mộng, trong cuộc sống vô cùng thực tế. Công việc, tiền bạc, các mối quan hệ khác, làm bạn không thể giữ vững được tình yêu gắn bó thời sinh viên, lúc mà hai đứa còn thề non hẹn biển, khi mà chưa bị mưu sinh phân tâm, thì có ăn mì gói cũng cảm thấy lãng mạn.
Yêu nhau thì không có lý do, nhưng chia tay thì đơn giản một câu “không hợp” là xong. Vì một người có việc làm, một người không có, người này mặc cảm với người kia. Cả hai cùng không có, thì những ngày túng quẫn sẽ làm cả hai chẳng còn vui mà ăn chung mì tôm qua ngày được nữa, sẽ nảy sinh những mâu thuẫn. Hoặc nếu cả hai cùng có việc làm, thì hẳn đôi lúc môi trường mới, người ta dễ gặp những đối tượng mới, làm cả hai trở nên xa cách nhau hơn.
Đó có thể là những lý do, khiến những mối tình sinh viên thường không bền.
“Tình chi đẹp khi còn đi học
Đời mất vui khi tốt nghiệp rồi”
Nhưng chữ thất này, sẽ không kéo dài lâu, vì 22, bạn quá trẻ mà, rồi sẽ yêu đời ngay thôi.

“THẤT VỌNG”
Sau thất nghiệp, thất tình, bạn sẽ thất vọng toàn tập khi gà mờ bắt đầu loạng choạng gây dựng cuộc sống tự lập.
Sẽ không còn những khoản hỗ trợ rủng rỉnh và những câu dặn dò “ráng học, ráng ăn uống vào nhé con!”, thay vào đó là cắt tài trợ, và những câu hối thúc kiếm việc, cùng với sự so sánh “Mẹ thấy con nhà kia học ra làm chỗ này, chỗ kia rồi mà mày thì…”, “Thằng X bạn học chung cấp 1,2,3 gì đó với mày, giờ làm lương tháng cả mười mấy triệu”. Ôi bạn sẽ cảm thấy run run mỗi khi nghe điện thoại reo, mà màn hình nổi lên số người thân.
22 tuổi, bạn sẽ biết chỉ có đam mê và hy vọng. Bạn phải chấp nhận sự bất công trong xã hội khi không có mối quan hệ, không có sự quen biết. Đôi khi bạn biết bạn có khả năng nhiều hơn người khác nhưng rồi phải ngậm cười cay đắng nhìn người ta ngồi vào vị trí đó, chỉ vì họ biết che Ô.
Bạn sợ mỗi lần đối diện với bố mẹ, với câu hỏi của người thân, sợ những cuộc họp lớp với bạn bè, sợ tự vấn chính mình. Bạn co ro, tự cô lập mình. Rồi chấp nhận làm những công việc không yêu thích, nhưng cần thiết để có thể chi trả sinh hoạt cho chính mình, cứ thế ngày qua ngày, bạn không biết mình đã đánh mất giấc mơ của mình lúc nào không hay.

TUỔI 22 KHÔNG CÓ GÌ NHIỀU NGOÀI TUỔI TRẺ.
22 tuổi bạn nhận lấy đủ thứ thất vọng, nhưng bạn nhận lại đó là tuổi trẻ. Bạn còn trẻ lắm, những va vấp, trầy xước không làm bạn tổn thương được đâu, nó sẽ giúp bạn dày dặn hơn mà can đảm bước tiếp.

22 tuổi, hãy cho mình thời gian để suy ngẫm, hãy quay lại hỏi niềm đam mê của mình ban đầu là gì ? Bản thân mình thực sự muốn gì ? hãy lao vào mà thử thách. Bạn đã thất vọng nhiều, thêm một chữ nữa không hề hấn gì. Còn trẻ mà, té ngãchỗ nào, đứng dậy phủi bụi rồi đi tiếp.


22 tuổi ấy, thật trẻ trung, hãy cười thật lớn, 
hãy sống cho mình đầu tiên, bước đi ngẩng cao đầu. 
Tự tin chấp nhận những chữ “Thất” to đùng ấy để trưởng thành hơn.
Để sau này khi đi qua, nhìn lại thật mãn nguyện : 
“à thì ra mình cũng từng có tuổi 22 mạnh mẽ như thế”.

(Nguyễn Thành lê)

TB : Đọc những dòng suy nghĩ của con thấy mà thương ! Bên ngoài cái vỏ tếu táo, mạnh bạo của một thằng con trai hay nói, hay cười là mênh mang những cảm xúc...
Ai bước vào cuộc đời mà chẳng có một chút gian nan hả con ? Hổng sao, mọi chuyện rồi sẽ qua. Ngày xưa cô cũng thế. 
Từ lúc nào do duyên phận con đã đến nhà cô và ở lại. Thấm thoát cũng gần bốn năm rồi. Nhanh thật !!! 

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Vải che tử thi không có túi

Dream as if you'll live forever, live as if you'll die today"

“Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.”

Đây là một ông lão mới thoạt nhìn trông nghèo khó lại keo kiệt. Nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành tấm gương cho các phú hào khác

ĐKN - Vì sao ông lão 76 tuổi muốn quyên góp hết 8 tỷ đô la gia sản?

Đây là một ông lão mới thoạt nhìn trông nghèo khó lại keo kiệt. Nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành tấm gương cho các phú hào khác như Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông.

Ông đã 76 tuổi, ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời. Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. Ông cũng không có ô tô riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, túi xách mà ông từng dùng để đi làm là túi vải.

Mặc khác, nếu bạn cùng ông đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn; nếu bạn ở lại nhà ông ấy, trước khi ngủ ông ấy nhất định sẽ nhắc bạn tắt đèn.

Một ông già keo kiệt nghèo khó như vậy, bạn có biết trước 76 tuổi ông đã làm những việc gì chăng?

Ông đã từng cống hiến cho đại học Cornell 588 triệu đô la Mỹ, cho đại học California 125 triệu đô la Mỹ, cho đại học Stanford 60 triệu đô la Mỹ. Ông từng bỏ vốn 1 tỷ đô la cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở New Ireland và hai trường đại học ở Northern Ireland. Ông từng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển… Cho đến nay, ông đã quyên 4 tỷ đô la, còn 4 tỷ nữa đang chuẩn bị quyên góp.

Ông là người sáng lập tập đoàn được miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người, thích kiếm tiền lại không thích được tiền – ông là Chuck Feeney.

Trước mắt, Chuck Feeney còn ba nguyện vọng: Một là trước năm 2016 quyên hết 4 tỷ đô la còn lại, nếu không chết không nhắm mắt. Hiện tại, từ số tiền kia mỗi năm đều có hơn 400 triệu đô la chảy về các nơi cần trên thế giới.

Ông đã dựng nên một tấm gương cho những người giàu có: “Trong khi hưởng thụ cuộc sống đồng thời quyên góp cho mọi người”. Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng nhiều từ ông mà đã thay đổi hành động của mình.

Sau khi việc thiện của Chuck Feeney bị tiết lộ ra, rất nhiều phóng viên muốn tiếp xúc với ông. Trong tâm ai cũng đều có một nghi vấn: Làm sao Chuck Feeney có thể dửng dưng trước gia tài hàng tỷ đô la kia chứ?

Đối với nghi vấn của mọi người, Chuck Feeney mỉm cười kể cho mọi người một câu chuyện: “Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào.”

Kể xong câu chuyện, Chuck Feeney nói:
“Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.” 
Truyền thông hỏi Chuck Feeney, vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình?

Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người! Ông nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.”
 
Nguyen
​ ​
Dac
​ ​
Song
​-​
Phuong

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Ông Chủ Gánh Xiếc

Cha Jean de Frontfroide thuộc dòng Xitô ở đan viện Senanque, 
tỉnh Vaucluse, nước Pháp, thuật lại câu truyện như sau :
Hồi cha ở Đan viện Sénanque, một chiều nọ, trái với lệ thường, cha đi dạo chơi trong nhà thể thao gần cổng đan viện. Cha vừa mới đi được mấy bước thì thầy coi cổng đến nói với cha: 
- Nhà ông nọ muốn gặp cha. Ông đã nhìn thấy cha và giơ tay chỉ rõ.
Cha Frontfroide đi ra ngay gặp ông khách. Ông khách là một con người hào hoa, ăn mặc chững chạc, thái độ nhã nhặn, nhưng tỏ ra rất bối rối. Cách xa ông mấy bước, một con ô mã lộng lẫy đang gặm cỏ, một con ngựa tuyệt đẹp mà cha chưa hề thấy trong đời. Ông nói với cha :
- Thưa ngài, tôi không hề quen biết ngài. Tôi thấy ngài từ xa và tôi đã nhờ mời ngài. Xin ngài cứu tôi với. Tôi muốn đi trầm mình mà không sao được. Con ngựa của tôi kia đã mang tôi qua nhiều núi đá rồi ngừng lại trước cửa nhà ngài. Tôi ở đâu đây không biết ? Nhà này là nhà gì vậy ? Phải một trại binh không ?
- Không, thưa ông. Đây là một đan viện.
- Tôi chưa hề thấy đan viện bao giờ. Mà sao ngài lại mặc áo vừa trắng vừa đen như một chú hề vậy, ngài ?
- Đây là y phục của dòng chúng tôi. Nhưng xin ông nói cho tôi biết ông là ai đã chứ ?
- Tôi là giám đốc gánh xiếc hoàng gia ở Lyon đây.
- Ông bị khánh tận hay sao ?
- Không, tôi hiện có một gia tìai đang lên đến hàng triệu đồng và công việc của tôi sắp phát đạt tuyệt vời nữa ấy chứ…Nhưng tôi cứ bị ám ảnh mãi về một ý tưởng tự vận.
Cha nắm tay ông ta, mỉm cười nói:
- Không, thế thì ông không thể đi trầm mình được, nước mùa này lạnh lắm mà, hà hà. Ngựa ông, sẽ có người săn sóc. Bây giờ mời ông kể cho tôi nghe câu truyện đời ông đã, nhiên hậu ta mới có ý kiến được.

Ông khách lạ bắt đầu kể ngay truyện đời ông.
- Cha tôi mất quá sớm, không bao giờ tôi được biết người. Lên bảy tuổi, tôi lại mất luôn mẹ tôi nữa. Mẹ tôi chết vào một buổi chiều. Một đám rước đã đến đưa mẹ tôi đi. Thoạt đầu, cha xứ đến cùng với những trẻ nhỏ mặc áo đỏ, có mũ sọ, có dây lưng và một thứ áo ngắn viền ren. Điều ấy làm tôi rất ngạc nhiên. Sau này người ta nói với tôi là họ đem mẹ tôi đi rước lễ lần đầu. Mẹ tôi chết rồi, tôi lấy một số tiền nhỏ tôi tìm thấy trong nhà, và tôi đi đến gánh xiếc đang lưu diễn bên cạnh làng tôi. Tôi chỉ có một mình, chẳng còn cha me, chẳng có bạn bè nào. Tôi xin ông giám đốc gánh xiếc cho tôi vào đoàn ông, nếu ông bằng lòng. Ông ta bảo tôi:
- Em còn nhỏ quá. Phải nói với cha em đã.
- Cha tôi mất rồi.
- Thì nói với mẹ…
- Người ta vừa chôn mẹ tôi hôm nay.
- Em ở đâu ? Tôi nói rõ với ông ta.
- Ngày mai trở lại; xem xem đã.
Hôm sau tôi trở lại. Ông nhận tôi vào đoàn xiếc của ông. Lúc nào ông cũng xử với tôi như con ông. Và khi ông mất, ông đã trối lại cho tôi gánh xiếc của ông. Tôi đã đi lưu diễn khắp nơi; tôi kiếm được rất nhiều tiền bạc. Nhưng ít lâu nay không biết cái gì cứ ám ảnh tôi hoài: tôi vô phúc quá, tôi phải trầm mình. Cha Fronfroide hỏi :
- Ông có đức tin không ?
- Ngài nói gì tôi không hiểu ?
- Nghĩa là ông có tin Thiên Chúa không ?
- Cái ấy thì có, mơ hồ vậy. Tôi cũng không biết Thiên Chúa là gì nữa.
- Ông có biết làm dấu thánh giá chứ ?
- Mẹ tôi có làm và đã dạy tôi làm. Nhưng tôi đã bỏ từ lâu rồi. Mẹ tôi cũng có dạy tôi một kinh và bảo tôi phải đọc hằng ngày. Tôi xin đọc ngài nghe. Rồi ông đọc kinh đó: “Lạy Thánh Giuse….”
- Ông có đọc đôi khi chứ ?
- Chiều nào, trước khi đi ngủ, tôi cũng đọc; không bỏ ngày nào.
- Thế ông có biết Thánh Giuse là ai không ?
- Không. Tôi không biết Thánh Giuse là ai cả !
- Mà tại sao ông lại vô phúc ?
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi rầu quá. Ngán hết cả mọi sự, rồi ngán sống luôn. Tôi rong ngựa đến bờ sông Rhône để nhảy xuống sông, nhưng nó nhảy ngược lại và chạy thoát. Lần đầu tiên trong đời, tôi không làm chủ được nó.
- A, phải rồi, chính chúa Quan Phòng dẫn ông tới đây.
- Chúa Quan Phòng là gì vậy, thưa ngài ?
- Đó là bàn tay Thiên Chúa dẫn đưa mà ta không cảm thấy. Chính bàn tay đó đã đưa ông tới đây, vì Thiên Chúa muốn cứu ông. Ông đã chịu phép rửa tội; Chúa không muốn để ông chết như một người ngoại đạo. Ông không phải trầm mình trong nước sông Rhône mà là trong nước ân sủng. Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc này. Vào giờ này, không bao giờ tôi xuống dạo chơi trong vườn. Nhưng Chúa soi sáng cho tôi xuống đây, Chúa nhân từ gửi tôi đến với ông. Tôi thật hết lòng ái ngại cho ông. Xin ông cho phép tôi ôm hôn ông.
Cha ôm hôn ông ta rất đằm thắm; ông rất cảm động. Cha nói thêm:
- Mời ông ở lại đây dùng bữa chiều. Nhưng ông sẽ ngủ trên bộ ván này thôi, nhà dòng chúng tôi chỉ có thế. Và đến mai, ông sẽ ở lại đây cả ngày, chứ đừng đi đâu cả.

Không những ông ở lại ngày hôm sau, mà là trọn ba ngày. Cha dạy ông những chân lý căn bản của đạo. Ông rất thông minh, và Thiên Chúa cũng đã cho ông biết khoái lạc và tiền tài không làm nên hạnh phúc. Ông xưng tội và rước lễ. Rồi cha để ông ra về mặc dầu trái ý ông. Về Avignon, ông điều hành công việc, bán gánh xiếc của ông lấy tiền phân chia cho người nghèo rồi đi tu dòng. Mấy năm sau, ông bị ngã bệnh sốt rét nặng và chết như một vị thánh lúc hãy còn rất trẻ và chẳng ai biết ông là ai.

“Các bạn xem, ơn Thánh Giuse phù hộ rất có giá trị cho một linh hồn. Ông giám đốc nói trên đã trung thành cầu xin Thánh Giuse, mặc dầu không hiểu kinh ông đọc, cũng chẳng biết là đọc cầu xin ai. Vậy mà ông đã được thưởng. Thánh Cả Giuse thật là Đấng rất quyền thế cầu bầu cho các tội nhân trở lại cùng Chúa”.

Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con
(Theo “Le Lis de St. Joseph”)

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Em họ tôi

Em là con của cô ruột tôi.
Hồi còn nhỏ, gia đình tôi ở chung với ông bà nội. Nhà em hẻm trên, nhà ông bà nội hẻm dưới. Hẻm nhà em sâu nên cứ mưa là ngập nước. Chiều chiều đi nhà thờ là đi ngang qua nhà em. Mỗi khi trời mưa là ông bà, bố má bắt tôi đi đường ngoài. Ừ thì đi đường ngoài... nhưng con nít thì thích lội nước, thế là để che mắt người lớn tôi đi vòng chút xíu thôi, rẽ vào con hẻm khác đi ngang nhà em và... xắn quần lội nước. Có lúc nước ngập đến gần đầu gối, lội bằng thích, quá đã ! Đâu biết cái vui của con nít là cái lo rầu của người lớn ! Con nít thì vô tư mà !

Vì ở gần nhà nhau nên chị em họ thân nhau như chị em ruột. Đặc điểm của anh em bố tôi là sinh nhiều con trai, lúc đó nhà cô năm thằng đực rựa, ba má tôi sáu thằng, cộng lại gần một tiểu đội nên có kéo phe uýnh lộn thì không bao giờ sợ thua. Tụi con nít trong xóm cũng gờm, chỉ cần một đứa bị ăn hiếp là cả anh em ùa ra bênh nhau, đứa nào chả sợ ! Mà ngày xưa uýnh lộn cũng chỉ sơ sơ giữa con nít với nhau chứ không mang màu sắc bạo lực như bây giờ...

Nhà cô tôi làm nhiều nghề, nhưng tôi nhớ nhất là làm bàn chải và kẹp tóc. Các con cô làm rất nhanh, rất đẹp. Những lúc rảnh rỗi tôi thường hay ghé nhà cô chơi và tập làm chút chút nhưng vì không khéo tay nên sản phẩm tôi làm vừa chậm lại vừa xấu. Hic !

13 tuổi, tôi đi học xa nhà.
Vài năm sau khi về lại nhà thì tôi đã lớn. Em cũng lớn.
Chị em tôi bắt đầu thân nhau. Thời gian đó ai cũng nghèo khổ. Em đạp xích lô, tôi may mắn vào làm ở Ủy ban phường nhưng đồng lương thì quá đỗi eo hẹp. Né tuổi nghĩa vụ em xuống ở với gia đình tôi, hàng xóm có người khó chịu nhưng vì tôi làm Ủy ban nên họ có đôi phần nể nang, chỉ dám nói xa nói gần. Tính em hiền lành, dễ thương, chịu khó. Nhớ những lần tôi đi chơi với bạn về khuya, sợ bị la, tôi dặn em chờ cửa. Nhà tôi có thói quen ngủ sớm, 9 giờ tối là lên giường, tắt đèn. Tội nghiệp em những lúc như vậy phải thức đến 10 giờ, em canh giờ về để ra đứng ở đầu đường chờ tôi. Bố tôi có lỡ thức giấc lên tiếng hỏi thì em trả lời. Phần em, đạp xe đâu phải ngày nào cũng như nhau, bữa đắt, bữa ế, bữa nắng, bữa mưa, cứ chiều chiếu là hai chị em tôi chia sẻ, tôi kể chuyện đi làm, em kể chuyện ngoài đường đón khách...

Cuộc sống không ổn, chẳng thấy tương lai.
Cô tôi lo cho em vượt biển. Tôi buồn như mất một người bạn thân trong đời.
Có những lúc nhớ em, tôi chỉ lặng lẽ khóc.
Ơn Chúa, em đi bình yên.
Cơm áo gạo tiền lôi tôi vào vòng xoáy cuộc đời, tôi tạm để hình ảnh em trong ký ức.
Món quà đầu tiên em gởi cho tôi trong ngày tôi đám cưới. Không một dòng tin nhắn. Tôi thắc mắc không biết của ai ?
Thời gian sau em về. Lần về nước đầu tiên tôi mới biết được món quà đó của em. Em nói em vẫn nhớ tôi dù không liên lạc được. Thời điểm đó để vào được điện thoại bàn phải tốn hai cây vàng, nên nhà nào có điện thoại đương nhiên là giàu, nhà tôi làm gì có cửa để mà mơ ?

Đường đời đâu bằng phẳng : lắm khúc quanh, nhiều lối rẽ.
Những lúc đó em ở bên cạnh tôi.
Tôi nghĩ Chúa gởi em đến cho tôi để khi gặp khúc quanh cuộc đời, khi đành đứng lại, có người đến nhấc tôi qua, tôi lại tiếp tục bước đi trên chính đôi chân của mình. Chị cám ơn em, Tân ơi !
Em nói với tôi : em hài lòng khi em giúp tôi vì mỗi lần gặp lại, em đều thấy tôi hơn được ngày hôm qua. Đó là niềm vui của em.

Thân nhau từ thuở chị hai mươi, em mười tám.
Vậy mà cũng gần bốn mươi năm. Giờ hai chị em mình tóc bạc như nhau, sức khỏe cũng bắt đầu hao gầy, tay em cũng run run theo năm tháng.

Sinh nhật em 8 tháng 3, 
Chị nói sẽ viết tặng em những cảm nghĩ của chị về em. Em bảo : thôi chị đừng viết. Nhưng chị muốn viết. Ừ thì cũng được, nếu chị thích thì chị cứ làm đi. Vậy Tân nhé !
Chị gởi em chút hồi ức ngày xưa với ước mong cho em luôn được niềm vui và bình an trong cuộc sống vì em đã luôn sống rất tốt với gia đình, người thân, bạn bè, kể cả những người em chưa quen biết.


Chị gởi tặng em câu này : 
- Chúa không thua ai lòng quảng đại.
- Điều thú vị trong cuộc đời là ở chỗ : 
sản lượng thu hoạch sẽ gấp nhiều lần hơn những hạt giống đã gieo. 

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Sống là cho

Hình chụp với má - Dalat 2014
“Sống là cho và chết cũng là cho” 
Tôi xin mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói lời tri ân và lời cảm ơn chân thành đến người anh, người thầy thuốc đã giúp Tôi vượt qua căn bệnh viêm gan C mãn tính và điều quan trong hơn là cho Tôi có niềm tin mãnh liệt đối với cây thuốc nam, một dược liệu quý của nền y học nước nhà.

Cách đây hơn 4 năm trong một lần đi xét nghiệm tổng quát tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi phát hiện mình bị bệnh viêm gan C mãn tính. Tôi đến bệnh viện Nhiệt Đới để làm các xét nghiệm y khoa về định lượng virus viên gan C với chỉ số 106 ( tương đương 10 triệu con virus trên 1ml máu). Tôi có gặp giáo sư,  bác sĩ Trí ông là trường khoa gan, mật tại bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM, một bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về bệnh gan, ông có tư vấn cho tôi về điều trị phải chích thuốc inteferon thì mới khỏi bệnh nhưng xác suất thành công chỉ có 50%, có nghĩa là còn 50% sẽ không khỏi bệnh. Kình phí điều trị tương đối lớn phải tốn vài trăm triệu đồng mà bảo hiểm y tế thì lại không chi trả. Chưa kể đến những tác dụng phụ khi chích thuốc inteferon làm người bệnh sẽ rất mệt mỏi, giảm trí nhớ và có triệu chứng rụng tóc vì tác dụng của thuốc rất mạnh.

Nghe những thông tin trên tôi rất hoang mang và lo lắng vì không biết nên điều trị như thế nào. Tình cờ một hôm gặp người bạn trước đây anh bị bệnh gan giờ đã thuyên giảm rất nhiều do uống thuốc của anh Trần Lê Ngân với pháp danh Chiếu Quang ngụ tại 150/5 đường Nguyễn Trãi Q1 TP.HCM, anh có giới thiệu cho tôi đến gặp anh Ngân có lẽ đây cũng là cơ duyên trong cuộc đời tôi. Điều ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp anh Ngân là phong thái ung dung tự tại và kiến thức uyên thâm về các loại cây thuốc nam cũng như cách điều trị rất nhiều loại bệnh như ung thư gan, viêm gan, mỡ trong máu, đau khớp, nhức mỏi, thần kinh tọa, cao huyết áp, tiểu đường v..v….

Những lúc rãnh rỗi anh em chúng tôi có thể ngồi uống trà nói chuyện với nhau hàng giờ về những loại cây thuốc nam mà anh vô cùng tâm đắc khi trị hết cho rất nhiều người bệnh. Sau khi uống các loại thuốc anh Ngân cho thì cứ khoảng 6 tháng tôi lại đi xét nghiệm định lượng virus viêm gan C một lần thì càng lúc thấy càng giảm, nhưng các bác sĩ trong bệnh viện vẫn khuyên tôi nên chích inteferon để cho dứt hẳn. tôi vẫn cương quyết với bài thuốc anh Ngân cho, và đến cuối năm 2014 lần xét nghiệm cuối cùng tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã cho kết quả âm tính với virus viêm gan C. Niềm vui đã vỡ òa trong tôi vì sự kiên trì và lòng trung thành với cây thuốc nam đã được đền đáp.

Viết lên những dòng này thay cho lời tri ân và lời cám ơn chân thành của tôi đến anh Trần Lê Ngân với lời chúc “Làm phước sẽ gặp phước”. Nhân dịp xuân về kính chúc cho anh thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp y đức của mình.
Xuân 2015
Trương Quốc Cường
Nhà báo
   Phó giám đốc chi nhánh phía Nam
     Báo kinh tế hợp tác Việt Nam

ĐT:0913711799

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Tay người thì ấm

Tôi rất thích nắm tay. Ôm thì tôi cũng thích, nhất là khi được ôm từ phía sau với cảm giác mình bé bỏng đang được chở che. Tôi cũng chẳng ghét bỏ gì những nụ hôn. Những cái hôn lên trán, lên tóc, phớt nhẹ lên môi hay đậm sâu nồng nàn với tôi đều là chân tình cả.
Chỉ là bản thân tôi không thể ôm môt ai đó vài tiếng vì tay sẽ mỏi nhừ và tê cứng. Nằm trong vòng tay một ai đó quá lâu cũng sẽ thấy không thoải mái. Và hôn thì càng không thể nào kéo dài hàng giờ liền. Chỉ có mỗi nắm tay thì có thể.

Tôi rất thích nhìn người ta nắm tay nhau. Mỗi lần đi trên đường bắt gặp hình ảnh mẹ/cha kiên nhẫn bước chậm rãi dắt tay đứa con bé xíu, những đôi tình nhân nắm tay nhau với yêu thương trong mắt là tôi lại mỉm cười, có khi lại chảy nước mắt trước những hình ảnh dễ thương đó. Có lần tôi tưởng tượng cả một đoạn đối thoại khi nhìn hai cụ già từ từ dắt tay nhau qua đường thế này:
Cụ bà: "Xe đông, tôi sợ quá ông ạ."
Cụ ông nắm lấy tay cụ bà: "Bà đừng sợ, chúng ta sẽ băng đường an toàn thôi. Tôi sẽ không bao giờ buông tay để lạc bà trong biển người đâu."
Đoạn đối thoại ấy có lẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng với tôi cảnh tượng đó quả là một sự kỳ diệu, vì giữa cuộc sống hối hả mà người ta có thể buông tay nhau ra một cách quá dễ dàng thế này thì việc "nắm tay nhau đi đến tận cùng" thật sự là một phép nhiệm màu.

Tôi rất thích nắm tay, vì TAY NGƯỜI THÌ ẤM. Cũng chính bởi vì  rất thích như vậy nên không phải tay ai tôi cũng nắm. Bạn bè thân nhau đến thế mà hình như cũng chưa có lần nào tôi nắm tay D. hay H. Bởi tay người thì ấm,nên nắm rồi tôi sợ tôi không buông ra được một cách rạch ròi .
Tôi rất thích nắm tay, nên tình cảm đôi khi cũng chỉ cần gửi gắm vào một câu nói: "Tay em rất ấm" hoặc "Tay em rất lạnh" là cũng đủ rồi.

LÒNG NGƯỜI THÌ LẠNH
Con người vốn có thân nhiệt, nên tay ai về căn bản cũng toả ra hơi nóng. Có điều với tôi, hơi ấm từ lòng bàn tay chưa bao giờ phản ánh được lòng người.
Có khi bàn tay chưa kịp chạm vào nhau nhưng lòng người ấm áp vô ngần.
Có khi những ngón tay chỉ chạm khẽ vào nhau thôi mà truyền đến sâu thẳm ngõ ngách của tâm hồn.
Cũng có khi bàn tay nắm bàn tay thật chặt trong an nhiên tin tưởng, mà không nhận ra hơi nóng toát ra giờ đây chỉ còn theo quán tính sinh học. Bởi ai nắm tay ai thì cũng ấm nóng, chỉ có lòng người này với người kia thì đã dần nguội lạnh tự khi nào. Bởi ai nắm tay ai thì cũng ấm nóng, phải nguội lạnh chỗ này thì mới từ từ nhen nhóm được lửa hồng để thắp cho một nơi khác cho phải lẽ công bằng .
Cũng có khi mỗi tay lại nắm lấy một bàn tay khác, dùng dằng trong tim sôi lên bỏng rát. Nhưng chẳng được bao lâu, bởi vốn dĩ LÒNG NGƯỜI THÌLẠNH, không ai có đủ sức mà ôm cả thế gian. Tay trái là tay trái chứ không thể là tay phải, nên đến một lúc thì cũng đành nắm tay nào THUẬN và buông thỏng tay còn lại mà thôi.

TAY NGƯỜI THÌ NÓNG ẤM, nên đôi khi người ta coi hiển nhiên lòngngười cũng vậy. Nên người ta thèm chút GIÓ mát cho bớt nóng, và bị cuốn đi lúc nào không biết. Gió thì mát, gió thổi mãi thì LÒNG NGƯỜI SẼ LẠNH, và lạnh thì truyền xuống bàn tay cũng mau mắn lẹ làng.
Một ngày đẹp trời nào đó, có thể chẳng bao giờ có ngày đẹp trời như thế, nhưng cứ ví dụ một ngày đẹp trời nào đó, lòng người mệt mỏi không còn muốn mát lạnh nữa, chỉ muốn tìm lại bàn tay chứa đầy hơi ấm cũ kỹ đến mức đã thuộc lòng từng vết chai sần, từng đường cắt dọc ngang.
Lúc đó, TAY NGƯỜI CÓ CÒN ẤM NÓNG?

 Nguyễn Thành Lê
(Bài viết rất hay và nhẹ nhàng, dễ thương. 
Cám ơn con đã gởi những suy tư)

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Quà 8 tháng 3

Tổ ấm của tôi (nhìn từ bếp ra ngoài sân)
Những bông hồng, con cá, chim, cào cào... được làm từ những lá dừa tươi


Cám ơn món quà ý nghĩa của ngày 8 tháng 3.
Cám ơn con trai người ta nhé !
Hoàng Thi thật là khéo tay.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Sinh nhật má tuổi 78





 
Trong vũ trụ có lắm kỳ quan,
nhưng kỳ quan tinh xảo nhất vẫn là TRÁI TIM CỦA NGƯỜI MẸ (Bernard Shaw)
Hạnh phúc thay cho người nào được Thượng Đế ban tặng cho một người mẹ hiền (Lamartime)












 Lòng người mẹ là vực thẳm mà đáy được trải bằng lòng khoan dung hiền dịu (Honore de balzac)

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Chiếc xe của má

Nó là một chiếc xe hai bánh mà má tôi đã gắn bó gần như cả cuộc đời để nuôi chị em tôi khôn lớn.
Nó không có động cơ , hai bánh của nó bằng sắt, hai càng dài cũng bằng sắt, tuy thô sơ nhưng rất nặng.
Vì không có động cơ nên nó không chở má mà ngược lại má phải dùng sức để kéo nó đi mỗi ngày trên những tuyến đường quen thuộc, công việc của má là làm cho những con đường này trở nên thật sạch. Nó là một chiếc xe rác. Và má tôi là công nhân vệ sinh.

Từ nào đến giờ vẫn biết công việc má làm là nặng nề nhưng thực sự tôi chỉ cảm nhận được trong một buổi chiều tôi và Cường (em trai) phụ má đi mua và chở củi về nhà nấu cơm. Chiếc xe đã nặng, bánh và càng xe lại bằng sắt nên khi dùng sức kéo là tê rần rần cả hai cánh tay, cảm giác rất khó chịu. Đoạn đường bằng không nói làm chi, khó nhất là qua cầu chữ Y. Khi lên dốc cầu thì má tôi phía trước, hai chị em tôi phía sau cố dùng hết sức lực đẩy xe lên, dốc cầu vừa dài vừa cao, phải mất hai, ba bận dừng lại thở và lau mồ hôi  mới đẩy xe lên được giữa cầu. Ba mẹ con nghỉ thở một chút rồi tiếp tục, tưởng rằng xuống dốc khỏe hơn nhưng thực sự đây mới là bắt đầu, vì xuống dốc khó hơn lên dốc nhiều lắm. Lần này Cường đổi lên trước cùng với má để dùng hết sức lực giữ càng xe, tôi ở phía sau cũng cố giữ xe lại không để nó có trớn tuột xuống. Dốc xuống cũng vừa dài vừa cao nên ba mẹ con hết sức vất vả mới chở củi về đến nhà. Những lần sau này vựa củi chở đến tận nhà nên không còn vất vả nữa.

Giờ làm việc của má cũng khác người ta : sáng sớm 5 giờ là má đã ra khỏi nhà. Khoảng 10 giờ má  mang thức ăn về nhà cho bố nấu. 12 giờ trưa người ta dược nghỉ thì má lại phải có mặt ở chợ để dọn dẹp cho sạch. Thấy má hiền lành, chịu khó, nhà nghèo, đông con nên những người bán hàng trong chợ rất thương, họ thường cho má hoặc bán rẻ nên cũng đỡ tiền chợ rất nhiều. Cám ơn lắm những tấm lòng...
Những ngày lễ và những ngày cận tết là má cực hơn bao giờ hết, người người mua sắm, lượng rác quăng ra cũng gấp nhiều lần hơn, tỉ lệ thuận với sự vất và của má. Chưa bao giờ má về nhà đúng giờ giao thừa, sớm nhất cũng một, hai giờ sáng. Nhà nghèo, giao thừa ai cũng ngủ. Má tôi về khuya cũng vội vàng với giấc ngủ để có sức khỏe mà lo cho gia đình. Hiểu vậy nên bố thương má lắm, bố hiểu má phải thay bố chèo chống với cuộc đời, nên bố chăm sóc má từng ly từng tí, không để má phải làm bất cứ việc gì trong nhà dù nhỏ nhất, khi má đau bố cũng là người ân cần chăm sóc. Bố thương má biết bao nhiêu.

Tôi nhớ lúc Be được hơn bốn tháng thì má trúng gió nặng, tưởng gần chết. Bố giao em cho tôi rồi chở má vào bệnh viện. Hàng xóm có bác tốt bụng đi theo chăm má. Khi về nhà, bố ru em mà bố khóc, tôi cũng khóc theo. Mấy ngày sau má về. Lối xóm ai cũng mừng vì họ sợ má chết bỏ một bầy con làm sao nuôi. Thời bao cấp, nhờ má là công nhân nên các con hưởng theo mẹ được tiêu chuẩn gạo giá nhà nước, chứ nhà bạn tôi phải mua gạo giá ngoài, mua từng bữa vì tiền đâu mà mua gạo một ngày, thật khổ không tưởng tượng nổi !

Người xưa nói : khi nghèo khổ mới đo được lòng người. Tôi thấy thật đúng. Lúc đó tôi thấy rõ người nào thương mình thật sự, người nào ngoảnh mặt coi thường vì sợ mình tới nhờ vả, mượn nợ...

Tôi nhớ có thời gian má bị viêm tai giữa rất nặng, Má bị như vậy suốt nhiều năm vẫn không dứt, lúc đó các loại thuốc đặc trị cực kỳ khan hiếm, lọ thuốc nhỏ tai chỉ to hơn ngón chân cái tí xíu mà giá gần năm phân vàng. Hết bệnh viện công rồi bác sĩ tư vẫn không hết, mãi cho đến ba mươi tết cách đây vài năm, má tôi lên cơn đau mà bác sĩ lại không làm việc. Xót quá, chịu không nổi một đứa em dâu của tôi khéo tay đã rửa tai và kiếm thuốc nam cho má uống. Ơn Chúa, từ đó đến nay má tôi hết hẳn. Cám ơn Chúa, cám ơn em nhé Phượng ! Các ơn các em Nga, Mai, Thủy, Hằng, Thúy, Phương là những nàng dâu ngoan ngoãn, dễ thương, hiếu thảo với mẹ chồng. Các em quan tâm má từ tinh thần, sức khỏe đến những món ăn ngon, những vật dụng nhỏ trong nhà. Má tôi thật có phước !

Cứ mỗi lần má bệnh thì tôi có nhiệm vụ viết đơn xin nghỉ ốm để má nộp cho công ty. Khi nhận được đơn cả văn phòng công ty ai nhìn đơn cũng xuýt xoa khen con gái má sao viết chữ đẹp quá, được thể má khoe con gái học giỏi. Các chú bên ấy ai cũng muốn con gái má vào làm văn phòng công ty, những lúc đó má vui lắm. Cực nhọc, vất vả, bụi bặm, dơ bẩn đeo bám má suốt đoạn đường dài. May mà cho tới giờ này má tôi vẫn khỏe.

Lây lất mấy chục năm, từ từ chị em tôi cũng lớn, má đến tuổi nghỉ làm, lúc đó Út Y mới tầm 10 tuổi. Má lại xoay với đủ thứ nghề : bán bánh mì bì, gỏi cuốn, hột vịt lộn nhưng vẫn rất khó khăn, nhà vẫn cứ nghèo. Cái nghèo khổ dễ gì thoát ra ? Vậy mà, cứ từ từ từng bước, từng bước một, chậm lắm, thật chậm... chị em chúng tôi đã có gia đình, có nhà riêng, dù to dù nhỏ cũng một căn nhà, không đứa nào phải ở mướn. Các con cháu cũng có công việc tương đối nhẹ nhàng, không vất vả nắng mưa, cực khổ ngoài đường như má ngày xưa. Thế là phước đức rồi !

Năm nay má tôi 78 tuổi. Má ở với ba đứa độc thân, căn nhà mới vừa làm xong trước tết mấy tháng, căn nhà mới là niềm ao ước cả đời của má giờ đã trọn vẹn. Cám ơn em nhiều nhé Be !

Tôi nghỉ hưu thấm thoát cũng đã hơn hai năm, mỗi buổi sáng tôi có thói quen ra chơi với má một chút rồi mới đi chợ. Má kể chuyện tôi nghe, chuyện mới đây, chuyện ngày xưa, chuyện vui, chuyện buồn v.v... Hai mẹ con nói đủ thứ chuyện. Tôi nói má ráng khỏe, mai mốt trăm tuổi, má không còn, chắc con buồn lắm, mỗi buổi sáng con đâu gặp má để nói chuyện nữa, con biết nói với ai ? Năm nay tôi gần sáu mươi, nhưng tôi có một điều hãnh diện để nói với con trai tôi là :
- Con biết không ? đến từng này tuổi, mà mẹ chưa bao giờ cãi ngoại một câu nào.

Ngày xưa của má, khai sinh chỉ ghi năm chứ không ghi ngày tháng. Thôi thì tụi con chọn 8 tháng 3 là sinh nhật má. Chúc má luôn mạnh khỏe, sống an vui để làm chỗ dựa tinh thần cho tụi con. Thương má thật nhiều ! Má ơi !

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Dấu lặng 28 tết

Con viết trên face book: 
Tết đã đến rất gần, ai ai cũng nô nức đón Tết mừng Xuân, thế nhưng sao "những điều (tui) trông thấy mà đau đớn lòng" lại nhiều vô kể trong ngày 28 Tết zị nè, điểm lại 1 chút xíu:
- Sáng sớm chạy bộ, đoạn chạy ngang 1 cô gái trẻ, cao lắm cũng chỉ 18, cô hỏi :"Chơi hông anh?". Tôi chua xót... Ở tầm tuổi ấy, tôi nghĩ cô ấy thật sự là một nạn nhân thì hợp lý hơn... Nếu mình sinh ra trong 1 gia đình không đàng hoàng, chắc gì mình đã khác cô gái trẻ ấy?
- IS hành quyết tập thể 21 con tin người Ai Cập... Tôi chua xót, không hẳn là cho 21 con tin ấy, mà cho người nhà của họ. Người đi thì dễ rồi... người ở lại mới đau đớn...

- Đi thăm 1 vài người: những ngày giáp Tết tui được nghỉ khỏe còn người ta đi làm cực lắm, cực còn hơn con chó (cái này là tự người ta nói nghen). Mà tui thấy cũng đúng thiệt, nhìn con người không còn một chút sức lực nào hết... Thanh niên còn chưa chắc chịu nổi, thì lấy gì 40-50 tuổi mà chịu cho được. Con người ta phải đổi sức khỏe để lấy tiền, để rồi sau này lại phải đổi tiền để lấy sức khỏe. Tui chua xót... họ làm việc nhiều, tạo ra nhiều giá trị, giúp được nhiều người lắm. Nhưng bản thân lại thân tàn ma dại như thế (đã có sử dụng nghệ thuật nói quá) , thật sự cũng nằm trong những cái vòng lẩn quẩn của cuộc sống. Mấy ai thoát ra được đâu, vướng bận trách nhiệm với nhiều thứ làm sao mà thoát ra được.
- Trong một câu chuyện, để ý thấy những người tên Phước hầu như ai cũng khổ hết, rất khổ, họ khổ họ kéo theo gia đình và những người xung quanh cũng khổ theo. Tại sao? Có những bậc cha mẹ thật sự là làm phước nhiều lắm, và họ đặt tên con là Phước cũng mong cho nó được hưởng phước của mình. Vậy mà sao cuộc đời lại trái ngược vậy? Tại sao vậy?

Mẹ viết cho con:
- Mẹ cố gắng làm gương và dạy con những điều tốt nhất có thể về lòng bác ái, sự nhiệt tình và yêu thương. Nhưng mẹ chưa bao giờ nói với con (hình như thế) về những cô gái đứng đường cả. May mà con giống mẹ. Mỗi khi nhìn thấy những cô gái ấy, mẹ buồn, mẹ thương chứ chưa bao giờ ghét (trừ những trường hợp mồi chài rồi gài bẫy cướp của, giết nạn nhân). Đường đời muôn lối rẽ, nhiều khi chỉ vì một lý do nào đó trượt chân rồi không gượng lại được. Nếu cô gái ấy được sinh ra từ gia đình mình chắc sẽ không phải như ngày hôm nay...

- Mỗi lần nghe tin tức của IS về việc hành quyết các con tin là tim mẹ thắt lại. Người đi không dễ đâu con, cái chết quá kinh khủng và đau đớn. Cho đến giờ này mẹ vẫn không sao quên được ánh mắt sau cùng của viên phi công Jordan trước khi bị thiêu sống. Ánh mắt thất thần, buồn bã và đau đớn trước cái chết. Kinh khủng quá Chúa ơi ! Cái ác cứ ngang nhiên tồn tại mà không cách gì ngăn cản đuơc. Sao lại thế ???


- Cả đời mẹ luôn cám ơn Chúa vì được làm việc nơi "nắng không tới mặt, mưa không tới đầu". Dẫu lương không cao, nhưng có biết bao người mơ ước chỉ chừng đó thôi vẫn không thể nào với tới ? Biết bao người "i dầu mưa nắng, một nắng hai sương"  vẫn chẳng đủ hạt cơm no lòng, nói chi đến chuyện nhà cửa, con cái học hành và cái vòng đói nghèo cứ lẩn quẩn không lối thoát. Hãy biết chia sẻ nha con ! Đời cần lắm những tấm lòng, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...

- Mẹ biết những câu chuyện về những người mang tên Phước, và mẹ cũng tự hỏi : tai sao vậy ???