Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Những bài hát một thời

Trong blog này tôi chỉ muốn nói đến những bài hát mà khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường chúng tôi đã từng học và được hát với tất cả tâm tình của mình . 

Ngày đó chúng tôi học tiểu học, bắt đầu vào là lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì và cuối cùng là lớp nhất.Tôi không nhớ rõ là lớp nào thì mình bắt đầu được học Sử , nhưng khi học đến bài Hội nghị Diên Hồng thì cô giáo đã tập cho chúng tôi hát bài :
Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến !
Hận thù lồng lộng, nên hòa hay chiến ?
...Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ? Quyết chiến !
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ? Hy sinh !

Cứ mỗi sau từ Quyết chiến và Hy sinh là những cánh tay nhỏ bé lại giơ lên và đồng thanh hô to : Quyết chiến ! Hy sinh ! cứ như cả lớp đang là hội nghị Diên Hồng bừng bừng tinh thần yêu nước.

Rồi đến bài học Ngô Quyền chiến thắng lẫy lừng ở sông Bạch Đằng, chúng tôi lại được cô dạy hát bài Bạch Đằng Giang :
Đây Bạch Đằng Giang,
Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung.
Trên trời xanh muôn sắc đua chen bóng ô.
Dưới đáy dòng nước ánh sáng  nhởn nhơ nhấp nhô.
Hàng cây cao soi bóng gió cuốn muôn ngàn lau
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao !
...Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rằng
Thời liệt oanh của bao người xưa anh dũng
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình xông pha, tuốt gươm bao lần.
Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét, bão bùng, mưa nắng
 Bạch Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung.
(Xin tác giả thứ lỗi vì hơn 40 năm không hát, chữ nhớ chữ quên)

Những bài hát hay và hào hùng như thế làm sao chúng tôi không thích học Sử, không cảm nhận tinh thần yêu nước cho được ?

Rồi lên trung học, chúng tôi bắt đầu vào lớp đệ thất (là lớp 6 bây giờ), mỗi tuần có một giờ học nhạc, học xướng âm đồ rê mí, học đánh nhịp. Năm đó tôi học ở Nguyễn bá Tòng (bây giờ là trường Bùi thị Xuân), những học sinh be bé, học giỏi được vào Đoàn Học sinh Danh dự, tôi cũng hân hạnh có mặt trong đoàn học sinh ấy,  chúng tôi hát bài "Nếu hỏi rằng" và được quay phim trên đài truyền hình Saigon. Bài hát dễ thương và đơn giản lắm :
Nếu hỏi rằng em yêu ai :
Thì em rằng em yêu ba nè, yêu má nè, yêu chị yêu anh, yêu hết cả nhà
Rồi đến : yêu ông, yêu bà, bác dì cậu cô, yêu hết họ hàng.
Và : yêu bạn, yêu thầy yêu cô , yêu hết cả trường.

Tình yêu trẻ thơ phải được bắt đầu từ những gì thân quen gần gũi nhất rồi mới đến xã hội, bởi không thể tự nhiên ngang hông có thể yêu anh công nhân hay yêu chú bộ đội được, đó là điều xa vời, không tưởng.

Lên cấp 3 không còn giờ học âm nhạc nhưng trong những buổi cắm trại, sinh hoạt tập thể, trò chơi lớn thì những bài mà chúng tôi vẫn thường xuyên hát cũng rất vui, mạnh mẽ, hào hùng và trong sáng vì nó hun đúc tinh thần yêu nước, sức sống tràn đầy và trong sáng của những người trẻ tuổi chứ không mang tính chất chống đối hay chính trị gì cả.

Ví dụ như bài Thương quá Việt Nam có câu :
"...Hót đi chim, hót đi chim, hót cho mặt trời hồng quê ta 
Hót đi chim, hót đi chim, hót cho lòng hận thù trôi xa..."

Thể nhạc Du ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang có bài :
"Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
.... Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng !
...Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam..."

Bài Dậy mà đi của Nguyễn xuân Tân :
"Dậy mà đi ! Dậy mà đi !
Ai chiến thắng không hề chiến bại ?
Ai nên khôn không khốn một lần ?... "

Và bài Việt nam Việt Nam của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, tình yêu thương :
" Việt Nam Viêt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai tiếng nói trên vành môi
Việt nam nước tôi
Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai tiếng nói sau cùng khi lìa đời
... Tình yêu đấy là khí giới
Tình yêu đem về muôn nơi..."

Những bài hát trong sáng mà mạnh mẽ đã theo chúng tôi suốt thời cắp sách, rồi trưởng thành bước ra ngoài xã hội nên trong mỗi người luôn luôn đầy ắp khát vọng vươn lên, khát vọng làm sao cho bản thân mình giỏi và cùng nối vòng tay lớn để có thể hãnh diện với bạn bè trên thế giới.
Cho đến bây giờ khi tóc đã ngả màu với thời gian mỗi khi có dịp hát một mình tôi vẫn còn thấy lòng rộn ràng yêu thương, một tình yêu thiêng liêng với quê hương đất nước chẳng bao giờ có thể mất đi. 






Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

CÁCH NGƯỜI BỊNH TỰ CHỮA BỊNH UNG THƯ


Tôi có một người bạn, anh ta mắc chứng bịnh ung thư cuống phổi, cục bướu ác tính to bằng cái chén nằm ở cuống phổi. Bác sĩ nói về nhà ăn uống chờ chết, không thể cắt bỏ vì nó nằm sát với động mạch chủ. Tôi đến chơi hỏi thăm, anh ta cho tôi xem hình chụp X-Ray của cục bướu.  Anh ta đã chữa trị bệnh ung thư bằng phương pháp dưới đây: Không ăn đường, không ăn thịt, cá, cơm, chỉ uống nước xay bằng rau, củ như củ cà rốt, của cải, củ dền, cam, táo ...


 S
au ba tháng uống liên tục cục bướu to bằng cái chén thu nhỏ lại chỉ còn bằng cái khu chén, sau chín tháng bướu ung thư biến mất. Bây giờ anh ta khoẻ mạnh làm việc và ăn uống bình thường. Bốn người cùng chứng bệnh ung thư như anh ta chữa bằng phương pháp chemical therapy đã chết hết rồi.

Những chi tiết của bài viết dưới đây rất đúng, tế bào ung thư khi đã không được nuôi dưỡng bằng thịt bò, đường.. thì nó sẽ chết. Nên phổ biến tài liệu này cho mọi người cùng biết.
   
Sau nhiều năm nói với mọi người hóa trị liệu là cách duy nhất để điều trị và loại bỏ ung thư, Bệnh viện Johns Hopkins đã bắt đầu nói với mọi người rằng có những lựa chọn thay thế khác với hóa trị liệu: một cách hiệu quả để chống lại ung thư là không nuôi các tế bào ung thư với các chất dinh dưỡng cần thiết cho nó để nó không phát triển được.

THỨC ĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ : đường, sữa, thịt đỏ
 

A/- ĐƯỜNG là một loại thực phẩm của bệnh ung thư. Không tiêu thụ đường là cắt bỏ một trong những nguồn quan trọng nhất của các tế bào ung thư. Có sản phẩm thay thế đường như saccharin, nhưng chúng được làm từ Aspartame và rất có hại. Tốt hơn nên thay thế đường bằng mật ong Manuka hay mật đường nhưng với số lượng nhỏ. Muối có chứa một hóa chất phụ gia để xuất hiện màu trắng. Một lựa chọn tốt hơn cho muối trắng là muối biển hoặc các loại muối thực vật.

B/- SỮA  làm cho cơ thể sản xuất chất nhầy, đặc biệt là trong đường ruột. Tế bào ung thư ăn chất nhầy. Loại bỏ sữa và thay thế bằng sữa đậu nành, các tế bào ung thư không có gì để ăn, vì vậy nó sẽ chết.

C/- Các tế bào ung thư trưởng thành trong môi trường axit. Một chế độ ăn uống là thịt đỏ có tính axit, tốt nhất là ăn cá, và một chút thịt gà thay vì thịt bò hay thịt heo. Hơn nữa, thịt chứa kháng sinh, hormon và ký sinh trùng, rất có hại, đặc biệt đối với những người mắc bệnh ung thư. Protein thịt khó tiêu hóa và đòi hỏi nhiều enzym. Thịt không tiêu hóa ở lại và hư hỏng trong cơ thể dẫn tới tạo ra các độc tố nhiều hơn.
 
                 GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

a) Một chế độ ăn uống gồm 80% rau quả tươi và nước ép, ngũ cốc, hạt, các loại hạt quả, quả hạnh nhân và một ít loại trái cây đặt cơ thể trong môi trường kiềm. Chúng ta chỉ nên tiêu thụ 20% thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu. Nước ép rau tươi cung cấp cho cơ thể co-enzyme có thể dễ dàng hấp thu và ngấm vào các tế bào 15 phút sau khi được tiêu thụ để nuôi dưỡng và giúp định hình các tế bào khỏe mạnh. Để có được các enzyme sống, giúp xây dựng các tế bào khỏe mạnh, chúng ta phải cố gắng uống nước ép rau (tất cả, bao gồm cỏ linh thảo) và ăn nhiều rau quả tươi 2 hoặc 3 lần mỗi ngày.

b) Không nên dùng CÀ PHÊ, TRÀ và SÔ CÔ LA có chứa nhiều caffeine. TRÀ XANH là một lựa chọn tốt hơn vì có chất chống ung thư. Tốt nhất là uống nước tinh khiết hoặc nước lọc để tránh các chất độc và kim loại nặng trong nước thường. Không uống nước cất vì nước này có chứa axit.

c) Các thành các tế bào ung thư được bao phủ bởi một loại protein rất cứng. Khi không ăn thịt, những thành tế bào phóng thích nhiều enzim hơn, tấn công các pro tê in của các tế bào ung thư và cho phép hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư.

d) Một số chất bổ sung giúp xây dựng lại hệ thống miễn dịch: Floressence, Essiac, chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, EPA, dầu cá … giúp các tế bào để chiến đấu và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chất bổ sung khác như vitamin E được biết đến bởi vì nó gây ra apoptose, cách bình thường của cơ thể để loại bỏ các tế bào vô dụng hoặc bị lỗi.

e) Ung thư là một căn bệnh của cơ thể, tâm trí và tinh thần. Một thái độ hoạt động và tích cực hơn sẽ giúp các bệnh nhân ung thư chiến đấu và sống còn. "Giận dữ và không hiểu biết, không tha thứ sẽ đặt cơ thể vào tình trạng căng thẳng và một môi trường axit". Học để có tâm hồn khả ái và yêu thường với một thái độ sống tích cực là rất có lợi cho sức khỏe. Học thư giãn và tận hưởng cuộc sống.

f) Các tế bào ung thư không thể sống trong một môi trường dưỡng khí (oxygénée). Luyện tập thể dục hàng ngày, hít thở sâu giúp lấy thêm nhiều oxy vào các tế bào. Liệu pháp oxy là một yếu tố giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.

                 1. Không để hộp nhựa trong microwave.

                 2. Không để chai nước nhựa trong tủ lạnh.
                 3. Không để tấm nhựa trong microwave.

g) Các hoá chất như dioxin gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Dioxin rất có hại, đặc biệt là đối với các tế bào cơ thể.
         
Đừng để trong tủ lạnh chai nước nhựa bởi vì nhựa sẽ "đổ mồ hôi" dioxin và làm nhiễm độc nước uống. 


Gần đây, Tiến sĩ Edward Fujimoto, Giám đốc chương trình Wellness ở bệnh viện Castle, xuất hiện trong một chương trình truyền hình giải thích sự nguy hiểm của dioxin. Ông nói rằng chúng ta không nên đặt hộp nhựa trong microwave, đặc biệt là các loại thực phẩm có chứa chất béo. Ông nói rằng do sự kết hợp của chất béo và nhiệt lượng cao, nhựa sẽ truyền dioxin vào thực phẩm và do đó vào cơ thể chúng ta. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thủy tinh như Pyrex hoặc gốm sứ để đun nấu.

         "Hãy chia sẻ bài viết này với tất cả bạn bè của bạn."


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Tiếng thở dài của những người mẹ nghèo

Thấm đậm dòng suy nghĩ : học, con đường để thoát khỏi cái nghèo mà bao nhiêu thế hệ trẻ, dù cơm không đủ no, đèn không đủ sáng để học vẫn học, học miệt mài...Cứ thế, những con người hiếu học, có ý chí và lòng đầy khát vọng vươn lên đã bước qua ngưỡng cửa tiểu học, trung học rồi rời làng quê để đặt chân vào giảng đường đại học. Vượt qua mỗi chặng đường là một phần của tương lai tươi sáng hiện ra, là niềm tự hào, là hạnh phúc lớn lao của những người cha, người mẹ nghèo lam lũ ở những vùng quê...

Và chính vì niềm tự hào, niềm hạnh phúc và vì tương lai của con cái mà những người cha người mẹ nghèo không quản nắng mưa, gió rét, không nề khốn khổ, đói no. Lưng cha cứ ngày thêm còng, tay chân mẹ năm tháng cứ thêm sần chai để những đứa con ngẩng mặt với đời...
Lớp tới lớp, những người cha người mẹ chân quê vẫn lặn lội thân vạc thân cò và ươm bao hi vọng tương lai cho những đứa con. Vui biết bao khi con đỗ tú tài, hạnh phúc biết bao khi con vào đại học... Thời nào cũng vậy, có những người cha người mẹ quê cái chữ cắn làm đôi không có nên với họ đại học là cái gì cao xa, là vòm cửa rộng thênh cho con bước về ngày mai... 

Có khác là giờ đây, họ có biết đâu đại học cũng có năm bảy đường đại học, thật thật giả giả, biến biến hóa hóa... Họ có biết đâu có trường đại học mà trang thiết bị dùng dạy cho con mình là lu nướng, thùng đựng đá, bếp gas, là chén dĩa Bát Tràng... Họ có biết đâu vòm cửa rộng mà họ mừng vui khi con được bước vào có quá nhiều nơi chẳng qua là căn phòng học của các em trung học, tiểu học, thậm chí là nhà kho, là phân xưởng người ta chạy đi thuê đi mướn tạm bợ. Họ có biết đâu không ít đại học cũng chỉ là nơi mà người ta thường nói : phổ thông cấp bốn.... Những người cha người mẹ quê tay lấm chân bùn nào đâu biết được nông nỗi này. Họ nào đâu biết về ...  đẳng cấp, chất lượng. Đại học có năm bảy đường đại học, họ có biết đường nào đâu, chỉ biết đại học là cao xa, là hoài vọng, là phép màu đem lại sự đổi thay cho đời con mình...

Và vì thế trên bước đường đại học của con, trong tiền trường tiền sách của con, không ai có thể tính hết công sức của người mẹ người cha ở chốn quê nghèo : bao nhiêu là mồ hôi làm thuê làm mướn, bao nhiêu hạt gạo "đắng cay muôn phần " , bao nhiêu lần gom góp bầy gà, bầy vịt, nải chuối, buồng cau, bao nhiêu lần nhịn miếng ăn ngon, nhịn mặc chiếc áo lành ?...

Rồi cũng có những đứa con mang tấm bằng đại học trở về sau khi mỏi mòn đi xin việc, ở đâu người ta cũng lắc đầu : "Đại học X. à ?" ... Cất tấm bằng đại học, để sống, những đứa con lao đi bỏ hàng, chạy chợ, xin một chân phục vụ nhà hàng..., có đứa ngao ngán trở về quê nhà kiếm sống quẩn quanh trong vườn, trên ruộng...

Những người cha người mẹ sau những năm tháng ươm mơ và vắt kiệt sức mình cho con học đại học, giờ đây chua xót nhìn con và đêm đêm cất tiếng thở dài.
Có lẽ trong những tiếng thở dài của những người cha người mẹ nghèo thì đó là tiếng thở dài não nề nhất đời mình.

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Báo Tuổi trẻ ngày 21/04/2010

Bức tranh màu xám


Bây giờ người ta hay nói câu này :
"Con đỗ đại học mặt đỏ như vang
Con tốt nghiệp đại học mặt vàng như nghệ "

Mà ngẫm nghĩ cũng đúng thật ! Như trường hợp của bạn tôi : thân cò lặn lội một nách hai con vì chồng mất sớm. Con của bạn xinh xắn, học giỏi, cháu học ngành môi trường, tốt nghiệp loại giỏi . Trở về quê nhà xin việc mãi không được, cháu ra chợ bán hàng "si", bữa được bữa không, lúc đầu chủ hàng dụ bằng những bao hàng rất tốt, đẹp và mới, chỉ cần năm, mười cái là đủ vốn, nhưng càng về sau hàng càng tệ, bán không được đành làm từ thiện. Kết thúc vài tháng ra chợ là hàng bán không được ước chừng năm  bao loại một trăm ký.  Sao mà người ta ác thế không biết ! Cháu nói với tôi : "Con buồn quá cô ạ ! khi đang học con nhìn cuộc đời màu hồng, sao bây giờ nó màu xám vậy cô ?"... Mãi rồi cháu cũng được một cán bộ hứa bố trí cho một việc làm, nhưng sau đó có người đến nhà bỏ nhỏ : chi phí khoảng vài chục "chai". Tìm đâu ra vài chục "chai" bây giờ ? Mà chung vài chục "chai" rồi có chắc làm suốt đời không, hay chỉ một vài năm bị cho nghỉ để họ kiếm thêm vài chục "chai" khác. Thôi thì : "Việc ơi ! ta xin chào mi ! Không tiền việc bỏ ta đi..."

Cách nhà tôi vài ba căn có mấy cháu tốt nghiệp cao đẳng và đại học công nghệ thông tin  : học xong xách đơn nộp đủ chỗ hết. Cuối cùng một cháu mở tủ bán sim và thẻ cào điện thoại di động, một cháu đi làm công nhân., các cháu khác vẫn còn tiếp tục học thêm ngoại ngữ để chờ cơ hội.

Đọc báo thấy có những thầy cô giáo tương lai không có trường dạy đành phải xin một chân bảo vệ hay phục vụ trong nhà hàng, quán ăn càng thấy buồn cho đất nước có quá nhiều trường đại học. tại sao nhà nước lại cho mở quá nhiều trường đại học vậy nhỉ  ???

Cũng có trường đại học thu học phí cao ngất ngưỡng với lời hứa 100% sinh viên ra trường sẽ được giới thiệu việc làm, vị hiệu trưởng mạnh mẽ tuyên bố : "cha mẹ bán đất cho con vào đại học, nếu để cho sinh viên tốt nghiệp mà không tìm được việc làm là một tội ác". Nói thì hay lắm  nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận, giới thiệu chỗ làm nhưng không bao lương , vì thế có những sinh viên phải xin đổi chỗ làm tới lần thứ ba vì lương quá thấp, xí nghiệp thì xa nên lương chỉ đủ trả tiền xăng và ba bữa ăn trong ngày là hết . Như thế còn may, chứ có trường hợp học xong hơn năm rồi nhưng chưa có bằng tốt nghiệp lý do còn nợ một môn nào đó phải đợi nhà trường tổ chức cho thi lại, và khi nào thi lại thì chưa biết. Ít sinh viên mà tổ chức thi trường lỗ sao ? Ai đã trải qua đời sinh viên ắt hiểu điều này : có khi qua (thi hết môn) được mà không biết tại sao mình qua ? có khi tưởng môn đó mình điểm cao không ngờ lại ít ? Muốn làm đơn xin phúc khảo hả ? Suy nghĩ kỹ nha, làm rồi thì đừng hối hận. Thôi thì đành tự lực cánh sinh đi tìm việc. chứ chả lẽ ở không đợi đến khi tốt nghiệp trường tìm việc cho à ? Ôi các ông các bà ơi, thương chúng nó và cha mẹ chúng nó tí đi, tụi nó như con cháu mình thôi mà.

Bởi vậy, các bạn sinh viên thân mến ! trong khi ở giảng đường đại học, ngoài việc đi làm thêm để đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ cha thì hãy tự trang bị thêm cho mình kiến thức khác, ngoại ngữ càng giỏi càng tốt và những kỹ năng mềm như giao tiếp ...  để có thêm cơ hội khi tìm việc, đừng để khi nhà tuyển dụng đưa ra những yêu cầu mới thấy mình còn thiếu sót, lúc đó là muộn rồi, cũng đừng chờ nhà trường tìm việc cho. Đừng thấy màu xám để chán nản mà càng phải nổ lực nhiều hơn .   Hãy làm sao để niềm vui của cha mẹ ngày bạn bước vào giảng đường cũng là niềm vui khi nhìn thấy bạn có được một công việc tốt , bạn nhé !








LỜI HAY LỖ ?

Tôi có thói quen thích đi siêu thị từ hồi thành phố này bắt đầu có cái  siêu thị đầu tiên, đi để bớt căng thẳng trong công việc, để bớt buồn, để vui, để ngắm và mua hàng khuyến mãi... nói tóm lại rất nhiều lý do để đi siêu thị.
Nhưng có một lý do luôn luôn tôi bắt mình phải nhớ là tìm hàng khuyến mãi càng rẻ càng tốt, càng thông dụng càng tốt để mua về bán lại.
Khách hàng của tôi là những người bán hàng rong, bán vé số, bán kem, lượm ve chai ...
Giá của tôi bán cũng mềm lắm vì nó rẻ hơn cả sự mong đợi.
Ví dụ kem đánh răng loại 200gr giá 20.000 đ/hộp, mua hai tặng một. Như vậy giá vốn mỗi hộp 13.300đ, quá rẻ rồi. Tôi bán cho khách hàng 10.000đ là được ..
Sữa tắm, xà bông gội đầu 400 đ/gói nhỏ. Tôi bán cho khách hàng 200 đ.
Sữa Ngôi sao Phương Nam có khi giảm còn 14.800 đ/hộp. Tôi bán cho khách hàng 10.000đ.
Rồi bột ngọt, đường, bánh, kẹo, dầu ăn, mì gói  v.v....
Siêu thị khuyến mãi cái gì cần thiết là tôi mua nhưng vì vốn không có nhiều nên tôi chỉ mua trong phạm vi có thể, gặp khách hàng nào khổ quá tôi bán miễn trả tiền.
Có lần khi mua giúp vé số cho một ông cụ, tự nhiên thấy thương thương tôi tặng cho ông thêm một hộp sữa và nửa ký đường. rất xúc động, ông cám ơn tôi và nói : " bà nhà tôi bị mù, mang sữa này về chắc bả thích lắm, hổm rày bả thèm nước chanh mà tôi không có tiền mua đường trắng". Thật sự là nghe xong tôi thấy cổ họng mình như nghẹn đắng. Sao mà còn nhiều người khổ đến thế ?
Tôi lời hay lỗ ?
Tôi chưa bao giờ thấy mình lỗ cả, tôi chỉ thấy mình lời, lời nhiều lắm. Vì khách hàng của tôi thường mua để dành mang về quê làm quà. Tôi tưởng tượng cảnh cha mẹ già của họ có những hộp sữa uống khi ốm đau, con gái của họ có được sữa tắm dầu gội thơm tho, cả nhà bớt đi những lần  đánh răng với muối, bữa cơm có thêm chút gia vị mặn mà ...tôi đọc được trong ánh mắt của khách hàng thân thiết lấp lánh niềm vui.

Và tôi vui với niềm vui ấy. 
Tôi chỉ có thể làm được những việc rất bình thường và nhỏ bé vậy thôi. 
Vào ngày phán xét, hi vọng Chúa sẽ cho tôi đứng bên phải của Người.



Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Dalat tuổi thơ

Với tôi : Dalat là cả một khoảng trời dễ thương, hồn nhiên của tuổi học trò :  lớp 8 ngây thơ, lớp 9 nghịch ngợm, lớp 10 thì bắt đầu biết mơ với mộng.


Với tôi : Dalat lúc nào, chỗ nào cũng đẹp : từ sáng tinh mơ đến chiều tà,  từ hoa ngũ sắc , tầm xuân mọc dại ven đường, tới những đóa mimosa cánh bạc, hoa hồng, dã quỳ, hướng dương ...lúc nào cũng ướt đẫm sương,  tôi thích những cây thông cao vợi nhưng mỗi khi gió mạnh là nhìn thấy nó như đong đưa,  tiếng lá reo vi vu nhẹ nhàng. tôi yêu và mê những triền dốc thoai thoải, con đường  nhỏ uốn lượn tĩnh lặng êm đềm.
Hồi đó Dalat lạnh lắm , buổi tối và buổi sáng thở ra khói, nói chuyện cũng ra khói hệt như phim Hàn quốc. 
Tụi tôi ở Thiên Hương của mấy soeur Dòng Mến Thánh Giá, nhưng học ở trường Trí Đức (sau này đổi tên là Quang Trung) phía sau nhà thờ chánh tòa Dalat.

Con đường từ Thiên Hương đến Trí Đức không xa nhưng gian nan nhất là đoạn ngang qua trường Lasan của bọn con trai, tụi nó đi học sớm ngồi dài dài bên đường đợi con gái đi qua để chọc ghẹo, hình như đó là niềm vui hay sao ấy ? Công bằng mà nói con trai Dalat hiền, bọn nó ghẹo cũng lịch sự, nhẹ nhàng, không bao giờ có lời nào khiếm nhã cả nhưng cũng đủ làm cho con gái tụi tôi đỏ mặt vì mắc cỡ...
Trường của tôi tuy không đẹp như Domaine, Couvant ... nhưng với tôi nơi đó quá nhiều kỷ niệm của tuổi học trò ngây thơ vụng dại.
Tụi tôi học chung với bọn con trai, bọn nó nghịch khủng khiếp, sợ nhất là trò ghép đôi , cũng chẳng có tình ý gì với nhau nhưng lỡ đứa nào bị ghép với nhau chỉ có nước chết , ví dụ như trong lớp tụi nó tự ghép Châu và Quy, Đệ và Hoa .... những cái tên này sẽ là đề tài cho những trận cười nghiêng ngả. Mà đầu têu gây cười là thằng Xuân con. Nó bé như cái kẹo nên cả lớp gọi nó bằng biệt danh ấy. Nó bé nhưng mà giọng của nó không hề bé, âm thanh lồng lộng. Tôi nhớ mỗi buổi học mà gặp thầy cô nào dễ dễ một chút là cứ giữa giờ nó xin ra ngoài đi toillet, xuống đất, ra bên hông lớp học tìm chỗ khuất rồi lấy tay bắc loa gọi vọng lên (lớp tôi học ở lầu 3), nó gọi vài ba lần tên "Châu Quy" hoặc "Đệ Hoa" bằng âm thanh kéo dài làm cả lớp cứ ôm bụng lăn ra cười trong khi  hai nhân vật chính được réo gọi tên thì mặt cứ "đơ như cây cơ" khóc không nổi mà cười cũng không xong và thầy cô thì tức mình không biết vì lý do gì mà học trò cười dữ dội vậy. Gọi xong nó thản nhiên vào lớp như không có chuyện gì xảy ra, đang cười mà gặp cái mặt nó "bơ bơ" đi vào cả lớp càng cười to hơn nữa.

Dalat ngày đó những thắng cảnh như hồ Than Thở, thung lũng Tình yêu, đồi Cù ... cho tới những khách sạn lớn như Palace ra vào rất dễ dàng, vì vậy học sinh tụi tôi mỗi khi được nghỉ tiết giữa giờ là lại có dịp lang thang đến khách sạn Palace, vào phía sau ngồi trên thảm cỏ tha hồ mà ngắm hồ Xuân Hương, ngắm đồi Cù. Từ phía sau Palace nhìn khung cảnh Dalat thật đẹp, thật tuyệt vời. Có khi tụi tôi vào Bích Câu kỳ ngộ, vào thư viện Pháp xem tranh...

Mỗi tháng thì được đi chơi cả ngày vào chúa nhật cuối tháng, thích vô cùng. Mà cái thích thú nhất với tụi tôi là ra tiệm chụp hình Hồng Thủy đưa thẻ học sinh để mướn máy chụp hình và mua một cuộn phim. Thời đó chỉ có máy Pen và Canon là có thể cho học sinh mướn, tụi tôi thích máy Pen hơn vì dễ chụp, không phải canh, không phải chỉnh mà chụp tới 72 "bô" lận, tha hồ mà tung tăng trên khắp các con đường vì Dalat góc cạnh nào vào ảnh cũng đẹp. Chiều về trả lại máy cho tiệm và ứng trước ít tiền rửa hình là được, không phải trả tiền mướn máy. Sao mà cái thời ấy học sinh tụi tôi hiền và con người cũng dễ tin nhau chừng ấy ?

Con đường đến trường đi ngang qua một đồn lính (gần nhà thờ chánh tòa Dalat ), tôi còn nhớ nếu mình đi tới đó mà gặp lúc chào cờ thì tất cả đều đứng lại thật nghiêm, nhìn vào quốc kỳ cho đến khi lễ chào cờ chấm dứt. Không có ai ra đường ngăn xe, ngăn người đi bộ mà tất cả xe và người đều đồng lòng và tự giác, hình ảnh đó đẹp lắm. Nó nói lên tinh thần của công dân hết lòng tôn trọng biểu trưng của đất nước mình.
Giáo dục công dân mà tụi tôi được học trong trường là vậy đó !
.........

Có nhiều lắm những gì của Dalat , của tuổi thơ ngày ấy để sau rất nhiều năm xa cách, bạn bè gặp nhau vẫn cứ nhớ hoài và nhắc mãi . 
  
Viết tặng Thông, Len, Thoa, Quy ... và tất cả lớp 8/4 - 9/4 của chúng mình
Thúy Nga




Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

GIỌT ĐẮNG CÀ PHÊ


Năm Căn đêm 19-10-1971
Giấc ngủ bị cắt đứt và chấm dứt bởi một giấc mơ. Mình mơ thấy mẹ đang dúi vào tay mình một nắm tiền lẻ. Bà nhìn mình không nói một lời. Mẹ mình nghèo lắm. Thân hình bà tiều tụy và bé nhỏ. Cứ mỗi lần tựu trường, bà lại dúi vào tay mình một số tiền lẻ như thế. Có lẽ bà ki cóp cả năm trời mới có được ngần ấy tiền. Bà xấu hổ vì số tiền ấy quá nhỏ bé so với lòng thương lớn lao mà bà vẫn dành cho con mình, một đứa con mà bà đã đặt nhiều kỳ vọng nhất. Hình ảnh tiều tụy và bé nhỏ của mẹ, thái độ rụt rè đầy mặc cảm tự ti của bà làm mình khóc òa lên. Thế là giấc mơ chấm dứt. Nhưng dòng nước mắt lại tiếp tục trào ra, trào ra mãi không ngưng.
Có lẽ mình đã quên khóc từ trên hai chục năm rồi. Mình vẫn tự hào về điều đó. Thế mà hôm nay mình lại khóc và khóc quá chừng. Phải chăng cuộc đời của mình đã chuyển hướng ? Mình quen sống với lý trí và ý chí. Hôm nay con người mình đã nhão ra và buông theo tình cảm. Qủa thế, khi đến với Năm Căn, mình đã tự nguyện chọn phần nhỏ nhất, hiên ngang húc đầu vào mọi thiếu thốn và thử thách. Nhưng từ ít lâu nay, con tim mình bắt đầu nhỏ lại, ti tiện và hẹp hòi. Mình bắt đầu so đo và phân bì với anh em về đời sống và vật chất :
         *Nào là người ta có nhà cao cửa rộng, còn mình thì chỉ có túp lều lúp chúp.
         * Nào là người ta được ăn uống đầy đủ, còn mình thì cứ hát mãi cái điệp khúc “khô kèo chấm nước tương”.
         * Nào là người ta có đủ thứ ngân quỹ. Lộ phí đi tĩnh tâm hằng năm được trích từ quỹ nhà xứ, còn mình thì cứ “trăm dâu đổ đầu tằm”, từ một viên thuốc cảm cho tới cái mùng, cái chiếu đều lấy từ trong túi rách mà ra.
          * Nào là người ta ở ngay trung tâm thành phố, muốn mua sách báo thì chỉ 5 phút sau là có, còn mình thì cả tháng trời mới có được một tờ báo cũ mèm.
          * Nào là ban đêm người ta ngồi coi tivi tỉnh bơ, còn mình thì phải đứng ngắm ánh hỏa châu, nơm nớp lo lo sợ sợ.
     

          * Nào là người ta thì được giáo dân cung phụng đủ thứ: từ món “đết-xe” ngọt lịm trên bàn ăn, cho tới chiếc xe “ếch-bà” chạy phom phom trên xa lộ, còn mình thì phải đi xin từng lon gạo để nuôi cán bộ truyền giáo. Ôi lon gạo truyền giáo, mi đày đoạ ta biết bao nhiêu ?

Bây giờ mình mới hiểu thấm thía câu nói của Đức Giám mục: “Tôi không dám sai các cha đi truyền giáo, vì cuộc đời truyền giáo gian khổ lắm”. Mình không sợ gian khổ, nhưng mình không ngờ rằng gian khổ đang gặm nhấm đời mình và đang biến mình trở thành con người ti tiện và hẹp hòi. Mình thoáng nảy ra ý nghĩ “đào ngũ”, thì bỗng có tiếng ú ớ ở trong mùng bên cạnh. Mình lấy đèn pin rọi sang, thì Mai, người bạn đồng hành của mình đang đưa cục cựa trở mình, rồi lại chìm vào giấc ngủ yên lành.
Mai là người bạn đồng hành bất đắc dĩ. Mình còn nhớ cuộc đối thoại hôm ấy ở Toà Giám mục. Đức cha Quang nói:
Tôi cho cha chọn bất cứ Cha nào hợp tánh với cha để đi truyền giáo ở Năm Căn.
    - Thưa Đức cha, con biết đi Năm Căn là phiêu lưu lắm, xin Đức cha cho con đi một mình để thử xem sao đã.
     - Không được. Phải có hai cha mới được.
     - Vậy thì xin Đức cha cho con cha Mai. Con thấy cha Mai hiền, có thể hợp với con. Nhưng thưa Đức cha, cha Mai mắc bệnh bao tử.

Mình quí mến Mai, một người anh em linh mục hiền hoà và trầm tĩnh. Nhưng mình lại không muốn Mai đi với mình, sợ rằng mình sẽ trở thành kẻ mang bất hạnh đến cho anh em. Mình cố tình khai bệnh bao tử của Mai để dồn Đức cha vào chân tường mà cho mình “đơn thương độc mã”. Thế những Đức cha vẫn liều mạng cho Mai đi Năm Căn với mình. Bây giờ thì Mai đang ở đó, đang ngủ yên lành, còn mình đang manh nha tư tưởng “đào ngũ”.
Mai mến,
Tôi xin lỗi anh, bởi tại tôi mà anh phải sống khốn khổ giữa mảnh đất “khỉ không dám ho, cò không dám gáy” này ! Nhưng tôi xin cám ơn anh bởi anh đang là đề tài suy nghĩ lớn cho tôi. Để hiểu thế nào là giá trị của sự hiện diện của anh, tôi tự đặt câu hỏi: “Nếu không có anh, tôi sẽ ra sao ?”.

Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta đã từng sai người lên đường truyền giáo. Chắc hẳn Thầy của chúng ta nhắm nhiều mục đích khác nhau:



1- Hai người cùng rao giảng một lời, lời ấy là sự thật. Đó là luật và luật ấy đã đi vào văn hoá dân tộc Do Thái.
2- Hai người cùng làm một việc, việc ấy là việc của tập thể. Giáo hội là một tập thể. Giáo hội là phổ quát. Nếu chỉ có một người lập giáo điểm, người ấy sẽ múa gậy rừng hoang, sẽ biến giáo điểm thành tư hữu, hay ít nhất người ấy sẽ có cảm tưởng mình là mọi sự. Như vậy Giáo hội mà người ấy xây dựng sẽ đánh mất tính phổ quát là một đặc tính quan trọng của Giáo hội.
Mai mến,
Nếu không có anh, tôi sẽ là anh hùng cát cứ một cõi; tôi sẽ độc đoán; tôi sẽ biến giáo điểm thành tôi và tôi thành giáo điểm. Như thế thì còn gì là truyền giáo.

3- Sách Chiến quốc nói: “Khi hai người cùng lo một việc, họ sẽ yêu nhau; khi hai người cùng hưởng chung một quyền lợi, họ sẽ ghét nhau”. Anh và tôi cùng chia nhau kiếp sống gian khổ, cùng chia nhau trách nhiệm nặng nề. Gian khổ ấy và trách nhiệm ấy bỗng trở nên êm ái hơn, nhẹ nhàng hơn. Còn quyền lợi thì chúng ta chẳng có để mà giành giật, để mà ghét nhau.
 

Mai mến,
Nếu không có anh ở đây, liệu tôi có đủ sức tiếp tục sứ mạng mà Chúa Thánh Thần trao phó hay không ? Nếu không thấy anh nằm ở đó, đang thở đều đều trong một giấc ngủ yên lành, liệu tôi có đủ can đảm để bỏ đi cái ý nghĩ “đào ngũ” vừa mới manh nha không ? Thấy anh trong giáo điểm, tôi cảm thấy yên tâm. Thấy anh ở đó, lòng tôi vơi đi bao nỗi phiền muộn dày vò. Thấy anh ở đây, dòng nước mắt tủi hận không còn tuôn trào nữa.
Đêm nay tôi thao thức không ngủ, nhưng đêm mai tôi sẽ ngủ một giấc thật ngon, bởi vì tôi biết rằng anh vẫn ở đó, ở ngay bên cạnh tôi…
 Mai mến,
Trời gần sáng rồi. Anh có biết không, nước thủy triều đã tràn vào nhà chúng ta. Đôi dép của anh, đôi dép của tôi đều đã theo nhau trôi dạt về một góc. Lát nữa khi anh thức dậy, anh sẽ ngẩn ngơ vì mất dép; anh sẽ bàng hoàng vì phải lội bì bõm ngay trong nhà của chúng ta. Nhưng cả hai chúng ta sẽ hưởng một trận cười giòn giã, để đón chào một ngày mới.



Lm.PIO NGÔ PHÚC HẬU

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

CHO NGÀY HỌP MẶT

Đây là bài viết đầu tiên của tôi năm 2011 gởi ở blog của chị Hải Triều khi bắt đầu có CMC .
(CMC có nghĩa là cựu Mân Côi, những người đã có thời gian là đệ tử Mân Côi dù chỉ 1 ngày - chúng tôi qui tụ lại với nhau và được chia thành từng miền vì ở rải rác trên khắp mọi miền đất nước. Riêng miền Saigon thì đông quá chừng vì vào cho lắm mà ra cũng quá trời quá đất. Chúng tôi học với nhau từ lúc mười mấy tuổi rồi xa mãi cho tới giờ gặp lại tóc ai nấy cũng đã điểm sương. Vậy mà ngồi với nhau biết bao nhiêu là chuyện và thường hay được bắt đầu bằng hai tiếng : ngày xưa ...)




        Thúy Nga chào tất cả các chị và các bạn

Thúy Nga nhận được điện thoại của Hải Yến và Minh Nguyệt nhắn họp mặt, thật lòng ngại lắm vì Nga không biết các chị nhiều, em chỉ vào Dòng có 2 năm thôi rồi đến ngày 30/4/1975, bắt đầu giai đoạn mới của đất nước, tưởng rằng mọi chuyện chấm dứt ở đây, không ngờ sau đó được Chị Lâm gọi lên Phước Lộc, ở Phước Lộc vì nhỏ nhất nên các chị gọi Nga bằng cái tên thân thương là Út, hoặc là Cu Tí, chị Xuân con là Cu Tèo ...(chị tên Xuân nhưng vì dáng người nhỏ nhắn xinh xắn nên được gọi là Xuân con).


Như Trung Thu kể : nơi đây thật nhiều kỷ niệm, Thúy Nga nhớ phải đi cuốc cỏ, trồng mì, trồng lúa, nhưng sản phẩm làm ra thì cái nào ngon dành mang ra chợ bán, toàn là ăn đồ dở không hà… ví dụ như bắp chỉ lác đác ít hột thôi, chủ yếu gặm lấy nước ngọt. Chị Hùng làm nước mắm không được ngon vì đâu có chuyên nghiệp, rồi đi vào rừng lấy nứa về làm nón lá, ăn cơm chủ yếu là độn khoai lang và sắn, ấy thế mà ai cũng dành ăn khoai nhường cơm cho bạn.


Thúy Nga nhớ mình không thích ngồi đan nón lá vì sợ ngồi nhiều bụng to nên xin chị ra đồng, thế là chị Hùng phân công cho Cu Tèo, Cu Tí cùng với chị Cúc nuôi heo, gà, thỏ, ra vườn trồng củ sắn, khoai mỡ. Khi thu hoạch thì vui lắm, vì củ sắn mới vừa đào lên rất ngọt, Nga và chị Xuân con cầm lòng không đặng nên ăn tại chỗ  (chỉ ít thôi, không dám ăn nhiều sợ lỗi kỷ luật), khoai mỡ thì có ngày suông sẻ nhổ được rất nhiều, có ngày thì trầy trật vì gặp củ dài khoảng 4 tấc cắm thẳng xuống đất, 2 chị em đổ mồ hôi mẹ, mồ hôi con lấy sức đào rộng như hố cá nhân vì sợ khoai gãy mà vẫn không lôi lên được… (phải cố giữ khoai cho đẹp để còn mang đi bán).


Chị em mình biết bao nhiêu kỷ niệm phải không chị Xuân ? giờ này chị ở đâu ? Nghe nói chị đi vượt biên và đã mãi mãi ở lại giữa lòng đại dương bao la, tính chị hiền lắm, hay cười. Làm việc vất vả ngoài đồng cả năm trời mà hai chị em mình vẫn vui, chưa một lời than thở , việc nào khó và nặng chị dành làm thay em, hai chị em cứ nói chuyện và cười suốt thôi. Nga nhớ Noel 1975 sau thánh lễ đêm chúng mình vui chơi và rút thăm quà, có món quà mà ai cũng thích đó là 1 chiếc áo dòng. Chị đã nhận được món quà ấy, ai cũng công nhận món quà rất xứng đáng dành cho chị. Chúa đã cho chị một dấu chỉ lựa chọn nên Người mang chị về khi vừa bước qua tuổi đôi mươi. Một thoáng xót xa, buồn và cứ tiếc tiếc làm sao vì mình là con người bình thường mà ! chị em mình ai đi ... cũng qua được hết, sao chỉ riêng chị ...?  em phải cố dằn lòng để nhớ lại lời Đức Mẹ nói với thánh nữ Benadette : "Mẹ không hứa cho con hân hoan và an ủi ở trần gian này, nhưng hứa đau khổ và thử thách". Thôi mình chỉ biết cúi đầu vâng ý, Xuân ơi bình an Xuân nhé !

Ở với các chị Nga đúng là một đứa em khờ khạo, dân Saigon làm cái gì cũng không biết vậy mà các chị chỉ cười chọc thôi, không bao giờ la hoặc nhăn nhó. Nga nhớ mình được phân công nuôi mấy chục con gà, mới có 4 giờ chiều sợ nó không vào chuồng Nga cầm cây đi lùa từng con một, nó bay tứ tán trong khi mình mồ hôi ướt đẫm ngồi thở dốc. May mà chị Xuân ra vườn : "Làm gì mà thở dữ vậy Thúy Nga ?" 
- Em bắt gà cho nó vào chuồng chị ạ !
- Không cần phải thế, cứ tối là nó tự động vào chuồng thôi mà, em bắt làm chi cho mệt, mà bắt cũng không được đâu !
Hai chị em cười quá chừng, đúng là dân Saigon thứ thiệt.
Rồi đến tối chị Cúc bảo Nga vào chuồng đếm xem có đủ số gà không, sáng thì canh con nào sắp đẻ nhốt riêng, muốn biết nó sắp đẻ hay không chỉ có nước lật ngược con gà, lấy tay sờ vào đít nó thấy trứng sát đít là biết liền. Nói thiệt với chị Cúc nha, Nga dạ dạ thôi chứ không dám làm vì ớn thiệt đó, thành thử lâu lâu thấy có một bầy gà con từ đâu dẫn về là vì lý do này đây.

Cám ơn Trung Thu đã cho Nga nhìn lại tấm hình ngày xưa, mới đây mà đã 36 năm rồi, khi mới nhìn Nga không nhận ra mình, cứ ngờ ngợ cho đến khi thấy chú thích bên dưới của Thu thì mới dám chắc. 36 năm ... chớp mắt đã một đời người.


Bây giờ cũng đã 22 giờ 30 rồi, Nga đi ngủ đây, mở trang web, đọc xong là Nga viết liền một mạch nên nếu không đầu không đuôi đùng có cười nha. Chúc các chị, các bạn của Nga một giấc ngủ thật ngon bên cạnh những người thân yêu. Ngày họp mặt cứ thấy ai nhỏ con, gầy ốm và xấu xí nhất là Thúy Nga đó. 

Thân mến.
CMC THÚY NGA

CMC Thúy Nga , thứ hai,từ trái san