Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Ba qui luật vàng của VIVEKANAND

Gửi đến Thuý Nga ba quy luật vàng làm hành trang cho nửa đời còn lại của mình, chị đọc thấy hay quá và tâm đắc.    
AI GIÚP TA - ĐỪNG QUÊN HỌ
AI YÊU THƯƠNG TA - ĐỪNG GHÉT HỌ 
AI TIN TƯỞNG TA - ĐỪNG LỪA GẠT HỌ.



Bốn ý tưởng hay cho cuộc sống :
Nhìn lại đằng sau & có kinh nghiệm !
Nhìn đằng trước & thấy hy vọng ! 
Nhìn xung quanh & tìm ra thực tại !
Nhìn bên trong & tìm thấy chính mình !


Và thêm một ý tưởng hay cho chị em mình học lúc xế chiều :

Tại sao lại cằn nhằn ai đó trong đời mình ? 
Người tốt mang hạnh phúc cho ta...
Người xấu cho ta kinh nghiệm...
NGƯỜI TỆ NHẤT THÌ CHO TA MỘT BÀI HỌC....
( nhớ đời )


Thương mến gửi đến Nga lời hay ý đẹp chị thu nhặt được để an ủi nhau khi muộn phiền biết tìm thấy niềm vui cho mình.
Bốn câu thơ của tác giả Thích Nhất Hạnh :


Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hoá 
Không lang thang sao biết gió mưa chiều.


Thương mến gửi tặng Thuý Nga (Chị PK)





Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Đời là một giấc mơ



ĐỜI LÀ MỘT GIẤC MƠ
 Cuộc sống trần gian: một giấc mơ!
Thất tình, lục dục, khói sương mờ.
Cái ta tạo nghiệp giam lồng kén,
Con buớm thay hình mở lưới tơ.
Vở kịch trên màn thương vớ vẩn,
Tấn tuồng sân khấu cảm vu vơ.
Trăng lồng đáy nước đùa hư, thực,
Duyên nợ ba sinh thoát đúng giờ.
                                                                                                                   Tư Nguyên

ĐỜI LÀ MỘT GIẤC MƠ
Con người đa số sống trong mơ,
Trí tuệ luôn luôn bị phủ mờ.
Thù hận rèn trui như sắt thép,
Tình yêu ôm ấp tựa nhung tơ.
Tay chân làm đủ điều v vẫn,  
Tâm thức chạy theo ý vẩn vơ.
Đâu biết mình đang say cõi mộng,
Giật mình tỉnh giấc…chẳng còn giờ!
                                                                                        Chánh Minh

CHỈ LÀ MƠ
Nương vận
Đời người thoáng chốc...chỉ là mơ
Dày đặc Vô minh - phủ khói mờ
Sân ,hận khơi trào...tâm tựa lửa
Tham, si trỗi dậy...dạ như tơ
Ham danh, chức sắc - hoài lao chụp
Thích của, tiền tài - mãi nhảy vơ
Cho đến một ngày...khi tắt thở
Ăn năn thì đã chẳng còn giờ.

                                                                                     Phan Ngọc
                                                                       Đệ Nht B1, Quốc Học  Huế  58-59

(Chị Mary Phạm gởi CMCVN)

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Tri ân và bày tỏ lòng biết ơn

1. Những lời cảm tạ của bạn phải xuất phát chân thành từ đáy tim của bạn. Cách diễn tả bằng cử chỉ cũng phải nói lên tâm tình cảm ơn sâu xa. Một nụ cười, một cái gật đầu, một cử chỉ chắp hai tay cúi đầu cũng diễn tả được lòng biết ơn.


2. Nói bằng lời là cách diễn đạt hay nhất. Nói với lòng khiêm nhường và tình yêu thì bạn sẽ đắc nhân tâm. Hãy nhắc nhở và dạy dỗ con cái hay học trò về tầm quan trọng của việc diễn tả lòng tri ân.

3. Một lời cảm ơn có ảnh hưởng sâu rộng. Khi ta tỏ lòng biết ơn thì người ân nhân cũng cảm thấy họ được chúc phúc. Cuộc sống cần những người tử tế và những người biết ơn. Nếu thế giới thiếu hai loại người này thì cuộc sống không thể tươi đẹp được.

4. Hãy tập cho mọi người biết nói lời cám ơn. Hãy tỏ lộ sự biết ơn một cách chân thành mà không kỳ vọng người ta đền ơn mình.

5. Hãy chân thành cảm ơn những người chung quanh và bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè chân thật. Hãy cảm tạ Chúa về cuộc sống thì bạn sẽ có một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc.

6. Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa về cuộc sống và những gì ở trong cuộc sống của con. Con cảm tạ Chúa ban cho con những tháng ngày dài, những giờ phút và giây phút ngắn ngủi, những khoảnh khắc hạnh phúc và đau khổ.

7. Nói lời cảm ơn là nhận thức về cuộc sống của nhân loại.

8. Tri ân là một thái độ tuyệt vời. Ai cũng thích những kẻ biết cảm ơn. Nó làm cho người cho được sảng khoái và người nhận được vui mừng.

9. Kẻ nghèo nhất là kẻ không bao giờ biết tri ân. Lòng biết ơn là những đồng tiền thiêng liêng mà chúng ta có thể để dành cho bản thân và tiêu xài quảng đại mà không sợ bị phá sản.


10. Có hai loại biết ơn: Một loại bổng dưng chúng ta cảm thấy được nhận lãnh, và một loại khi chúng ta cảm thấy được cho đi.

11. Lòng biết ơn là ký ức được dấu kín trong trái tim chứ không phải trong đầu óc.

12. Một hành động tử tế dù nhỏ nhất vẫn có giá trị hơn những ý nghĩ vĩ đại.

13. Những ai đem ánh nắng mặt trời cho cuộc sống những kẻ khác thì vẫn nhận được những ánh nắng cho riêng họ.

14. Chiều sâu của ý muốn thể hiện khi chúng ta phục vụ người khác và khi chúng ta tỏ lòng biết ơn người khác.

15. Những điều trở nên tốt nhất cho con người là khi người ấy cố gắng làm mọi sự  tốt đẹp nhất cho những người khác.

16. Khi chúng ta tỏ lòng biết ơn thì không nên quên rằng lòng biết ơn sâu xa nhất không phải là lời nói mà là cách sống với lòng biết ơn.

17. “Cảm ơn.”Đó là lời cầu nguyện tốt đẹp nhất mà ai cũng có thể nói được. Cảm ơn diễn tả lòng tri ân, khiêm nhường và hiểu biết.

18. Không có sự buôn bán nào có thể sánh bằng cảm tưởng biêt ơn khi có gia đình và bạn hữu.

19. Đối với những người quảng đại thì món nợ ân tình làm cho họ biết ơn và phải tìm cách trả ơn.

20. Một người biết ơn thì luôn có sự bình an và niềm vui thinh lặng.


Kim Hà  (Chị Mary Phạm chuyển)  





Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Dù đời không yêu ta...

“Dù đời không yêu ta, vẫn cứ yêu thương hoài…!”
(Cảm nhận về những quan điểm sống)

Hàng ngày, mỗi buổi sáng, tôi thức dậy với một tâm hồn mới hơn ngày hôm trước.
Hồ Tịnh Thủy

Tôi lăng xăng đi, ăn, sống và cười trước những niềm vui nho nhỏ, lăng xăng hạnh phúc với những yêu thương tôi nhận được từ người thân quanh mình.
Tôi cố gắng sống thật tốt và trao đi thật nhiều cho những người tôi gặp, quen và quý mến. Nhưng bỗng một lúc, tôi nhận ra (không cố ý, rất vô tình vì tôi vốn nhạy cảm), có người không thích tôi, nói quá hơn là họ… ghét tôi, biểu hiện qua nhiều lời nói, thậm chí là hành động khác nhau. Có thể, họ nghĩ tôi sẽ không biết vì trước mặt tôi, họ vẫn tỏ ra rất tốt nhưng tôi nhận ra vì phải nói lại, tôi cực kỳ nhạy cảm.
Tôi không phải là người ủy mị, yếu đuối và dễ buồn với những lý do bé kiểu như trái nho nhưng thú thật, cảm giác đầu tiên khi tôi biết có người không thích mình đó là… hụt hẫng. Cao hơn thế là buồn nếu tôi và họ thân nhau. Cao hơn nữa là sự dằn vặt bản thân mình, tự hỏi, “tôi đã làm gì sai khiến người ta ghét” khi tôi đã đặt người ta vào một góc quan trọng trong trái tim mình.
Tôi nhìn lại mình, săm soi từng góc ký ức để tìm cho bằng được cái hạt sạn đã gây ra điều đó. Tôi tìm, mỏi cả “con mắt” nhưng chẳng thể nào thấy vì tôi nhớ, tôi biết, tôi tin, tôi chưa từng làm gì có lỗi với họ một cách cố ý, chưa từng ghét họ, thậm chí, tôi thương họ và dành nhiều sự quan tâm tới họ. Cũng rất tự nhiên, việc tìm kiếm đó khiến nỗi buồn trong tôi vơi đi nhanh chóng, hụt hẫng biến mất hoàn toàn. Vì với tôi, sự thanh thản trong tâm hồn là điều quan trọng nhất giúp tôi vui sống mỗi ngày. Tôi thanh thản, tôi mãn nguyện, tôi hạnh phúc.
quandiemsong_1




















Bạn à, tôi thương bạn, đó là quyền của tôi. Và bạn ghét tôi, đó là quyền của bạn. Tôi không có quyền, không có lý do gì và hơn hết tôi không thể ép người khác thương mình khi lòng họ không mong muốn. Tôi tôn trọng “cái sự ghét” của bạn. Tôi lặng lẽ tự tách mình ra khỏi cuộc đời bạn, tôi sẽ mỉm cười và đi qua cuộc đời bạn như một làn gió, không hề trách cứ, không hề giận dỗi, không hề hận thù.
Tôi nói vậy, bạn đừng vội ghét tôi thêm vì nghĩ tôi cố tình tỏ ra bao dung khi đã không ghét ngược lại bạn. Thật lòng, tôi không hề đủ bao dung cho người khác như bạn nghĩ. Tôi không trách cứ, không hận thù… trước hết là vì bản thân tôi. Vì tôi biết, nếu tôi trách cứ, hận thù, cay cú bạn, người đầu tiên mệt mỏi và khổ tâm đó chính là tôi chứ không phải bạn. Thế nên, tôi chọn cách lặng im, chấp nhận và đi qua.
Tuy nhiên, khi tôi không ghét bạn mà bạn lại ghét tôi, tôi trao đi mà không được nhận lại, tôi cũng tự ái lắm chứ. Tôi là con người, trái tim tôi làm bằng máu thịt và linh hồn nên hẳn nhiên là tôi biết buồn, biết đau, biết khổ. Tôi tự ái, tôi giận, tôi buồn, có thể tôi sẽ phản ứng lại rất nhanh ngay lúc ấy bằng những lời nói hay hành động không nên có. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không hề tiếc nuối với những gì tôi đã cho đi. Không hề nói “giá như”, “đáng lẽ”… tôi không nên trao yêu thương cho bạn.
Cũng phải nói lại rằng bạn đừng vội ghét tôi thêm vì nghĩ tôi tỏ ra bao dung. Đơn giản, khi tôi cho đi dù không nhận được từ bạn điều gì cả nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, từ trong chính trái tim mình. Khi cứ giữ khư khư những yêu thương ấy, tôi sẽ khổ tâm bởi cái ý niệm, tôi ích kỷ, tôi bé mọn, thế nên, tôi không hề tiếc nuối.
Theo thời gian, tôi phát hiện ra, có nhiều người ghét tôi, không lý do, chỉ đơn giản, thấy là ghét. Điều đó khiến tôi vừa buồn, vừa cười, rồi thành… buồn cười, dẫu tôi không hề muốn. Bạn có thể ghét tôi khi tôi chẳng làm gì bạn cả. Nhưng chẳng phải như thế, bạn sẽ thấy mệt mỏi khi nghĩ về tôi hay sao?
Và cũng theo thời gian, tôi nhận ra, có những người không thích tôi vì những lý do rất “đặc biệt” dù tôi có yêu thương họ hay là không. Bạn tỏ ra không thích tôi bởi bạn là người có nhiều nỗi buồn hay u sầu trong khi tôi lúc nào cũng cười, lạc quan và yêu đời. Khi tôi vui và hạnh phúc, bạn thờ ơ, khi tôi nói tôi buồn, bạn tỏ ra hả hê. Tôi cho đó là sự ghen tị.
Bạn à, bạn không phải là tôi, cho nên, đến suốt cuộc đời này, bạn chẳng bao giờ hiểu được con người và cuộc sống của tôi. Tôi không muốn kể lể ra nhiều điều để minh chứng điều đó mà chỉ muốn nói với bạn rằng ai đó cười chưa hẳn là người ta đang vui, ai đó yêu đời, lạc quan không có nghĩa đời họ được nhiều suôn sẻ, may mắn. Mỗi con người đều có cuộc sống, hoàn cảnh riêng, có niềm hạnh phúc và nỗi đau riêng.
quandiemsong_2Sao phải ghen tị với tôi chỉ vì tôi hay cười, tỏ ra lạc quan và yêu đời? Biết đâu, bên trong cái vỏ bọc “sáng sủa” ấy, trái tim tôi đang đau khổ, mục nát vì những mất mát của cuộc sống nhưng tôi đang cố tỏ ra vui vẻ để chống chọi với đời thì sao? Dẫu vậy, tôi vẫn không hề trách bạn bởi tôi biết đời bạn đã quá buồn rồi, tôi mong bạn cười thật lòng. Vì khi bạn cười, nghĩa là bạn đang vui, bạn sẽ không ghét tôi nữa, tôi sẽ có thêm nhiều niềm tin vào cuộc đời này, để tôi vui sống.
Bạn tỏ ra không thích tôi vì tôi thành công ở một lĩnh vực nào đó mà bạn không có. Cái sự không thích này tôi cũng cho đó là ghen tị. Nhưng bạn có biết rằng, để đạt được thành công ấy, tôi đã bỏ ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi thậm chí là nước mắt không? Bạn ghét tôi, bạn có thấy vui không hay càng ghét, bạn càng thấy buồn cho chính mình?
Thậm chí có lúc bạn mong tôi không còn tồn tại trên cõi đời này. Nhưng có chắc, khi tôi đau khổ, chết đi, bạn vẫn vui và thanh thản bởi lương tâm của mình? Tôi không bao giờ lấy sự ghen tị của người khác làm niềm tự hào cho riêng mình bởi tôi muốn niềm vui được nhân lên chứ không bớt đi. Mà niềm vui chỉ được nhân lên khi nó được chia sẻ thật lòng. Nếu bạn chia sẻ cùng tôi, tôi sẽ vui còn bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn cho chính mình.
Còn nhiều người không thích tôi bởi những lý do khác nữa. Tôi từng buồn, nhưng nỗi buồn đó trôi qua rất mau, tựa như một cơn mưa bất chợt giữa mùa hạ. Tôi biết, sống trên đời này, chẳng có ai là hoàn hảo cả, chẳng có ai chỉ có người ghét mà không có người thương và ngược lại.
Thế nên, tôi trân trọng hết tất thảy những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc mà cuộc sống ban cho, yêu quí hết thảy những ai yêu thương mình. Nhờ có những phút giây ấy, nhờ họ, tôi thấy cuộc đời đẹp biết bao, đáng sống và đáng hy sinh biết bao. Cuộc đời, suy cho cùng, mọi thứ đều tiêu tan đi, chỉ có tình thương là ở lại.
Bạn ghét tôi, nếu điều đó khiến bạn có thêm niềm vui sống thì bạn cứ việc. Và hãy yên tâm, rằng tôi sẽ không ghét lại bạn. Vì thật lòng, tôi chưa từng ghét ai, dù họ có gây ra cho đời tôi nỗi đau nào đi chăng nữa. Tôi sợ ghét, tôi sợ hận, sợ sự khổ tâm, nên tôi chẳng bao giờ ghét, nói đúng hơn là tôi chẳng dám.
Có những lúc bị ai đó làm tổn thương ghê gớm, tôi ước có thể hét lên thật to, tôi ghét họ, hận họ. Thậm chí tôi nghĩ, nếu họ gặp trắc trở trong cuộc sống, tôi sẽ mãn nguyện lắm. Nhưng tôi đã nhầm, càng hận ai đó chỉ càng chứng tỏ mình còn quan tâm đến người ta.
Những nỗi hận, chẳng thể nào hóa giải nỗi buồn trong lòng tôi. Và cách tốt nhất để nỗi đau vơi đi, là đi tìm niềm vui khác cho đời mình. Đôi khi, tôi chúc họ may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống. Cũng chẳng phải vì tôi bao dung, suy cho cùng, khi họ hạnh phúc, tâm hồn họ sẽ nhẹ nhàng, thanh thản, họ sẽ yêu đời và ít gieo nỗi đau cho người khác, trong đó có tôi.
Có thể ai đó bảo tôi rằng, tôi không nên quan tâm đến những người không thích mình, hãy làm những gì tôi thích, hãy sống cho chính tôi, đừng vì người khác mà tự chuốc lấy nỗi buồn. Tôi không làm được điều đó.
Tôi chỉ thực sự thấy mình sống khi được ở trong cộng đồng, được nhận và được cho đi. Giữ khư khư những gì mình có cho riêng mình, mọi thứ chẳng bao giờ nở hoa, ngược lại, có thể, nó sẽ chết dần chết mòn với thời gian.
Tôi vẫn luôn tập cách vui sống mỗi ngày, với những người luôn yêu thương tôi và cả những người đã, đang và muốn ghét tôi. Tôi luôn tin, cuộc đời này công bằng, không lấy đi của ai tất cả. Có chăng, sự cho và cái nhận, đến và đi theo những cách khác nhau, những lúc khác nhau mà thôi.
Mỗi người có một sự lựa chọn riêng để sống và kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc. Bạn có thể lựa chọn “sự ghét” nếu bạn thấy vui. Riêng tôi, tôi chọn sự thanh thản.
Dẫu cho, bạn ghét tôi chừng nào đi nữa.
Dẫu cho, cuộc đời này lắm gập ghềnh, tôi vẫn hạnh phúc với những gì đang có.
Đơn giản, vì tôi trân trọng và yêu quí cuộc đời này.

Người đời thường vô lý, không “biết điều” và vị kỷ.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ yêu thương họ.
Nếu bạn làm điều tốt, 
có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ làm điều tốt.
Việc tốt bạn làm hôm nay có thể sẽ bị lãng quên.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ làm điều tốt.
Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ sống thẳng thắn.
Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế 
nhưng lại chạy theo những kẻ mạnh.

Nhưng dù sao đi nữa, hãy tranh đấu cho người yếu thế.
Những thành quả mà bạn phải mất nhiều năm để tạo dựng 
có thể bị phá hủy chỉ trong phút chốc.

Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.
Bạn có thể bị phản bội khi giúp đỡ người khác.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy cứ giúp đỡ mọi người.  


Chị Mary Phạm gởi CMCVN 
Nguồn: dongten.net

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Mẹo Vặt Y Khoa - đơn giản mà hiệu nghiệm.


- BỊ ONG ĐỐT: hãy chà 1 viên Aspirin lên vết chích.

- CAO MÁU: ăn nhiều rau cần (Celery).
- CHÁN ĐỜI (trầm cảm): uống B-complex và amino acid.
- CHOLESTEROL: uống sinh tố E.


- HAY QUÊN: hãy uống nhân sâm (gingsen) hay ginko biloba.
- HÔI NÁCH: hãy ăn nhiều rau ngò (parsley).


- KHÓ CHỊU TRƯỚC KINH KỲ: hãy uống sinh tố B6.
- KHÓ NGỦ: uống sinh tố B6 sẽ dễ ngủ hơn.


- LÊN CƠN SUYỂN: hãy uống ngay 1 ly cà phê đậm.


- MUỐN HẾT NGÁY: Hãy ôm gối khi ngủ, hoặc nằm nghiêng hẳn về phía tay trái.
- MUỐN KHÔNG BỊ MUỖI CHÍCH: uống nhiều sinh tố B1.
- MỎI LƯNG: hãy uống sinh tố B5 và B-complex.
- MỤN: hãy ăn nhiều đậu.
- MỤT CÓC: dùng sinh tố A sẽ hết.
- MẮT CƯỜM: dùng sinh tố B2.


- NẤC CỤC: Bịt kín hai lỗ tai lại sẽ hết ngay lập tức.
- NHỨC RĂNG: Để một cục nước đá trên huyệt hợp cóc giữa ngón trỏ & ngón cái sẽ bớt 80%.
- NỔI MỤT TRONG MIỆNG: lành trong 1-2 ngày với chất kẽm (Zinc).
- NÔN MỬA: Uống trà gừng hoặc nhai sống vài lát gừng sẽ hết.


- RÁCH KHOÉ MÔI: lành trong 1-2 ngày với sinh tố B6.


- SẠN THẬN: tự chữa khỏi với sinh tố A và B6.
- SAY SÓNG** bấm mạnh vào cổ tay sẽ hết.
- SÌNH BỤNG: dùng bột nổi.( baking Soda)
- SỔ MŨI: Súc miệng bằng nước muối sẽ hết.


-
VỌP BẺ (chuột rút) : Thò ngón trỏ và ngón cái bấm mạnh vào vành môi trên sẽ hết ngay.



Chị Mary Phạm
  

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Gặp lại anh

Có tiếng chuông điện thoại reo, nhìn vào số lạ hoắc lạ huơ tôi nghĩ chắc là ai đó đặt cơm cháy chà bông. Món này bạn tôi làm ngon lắm vì nêm vừa miệng và nóng hổi, Nóng hổi ở đây có nghĩa là ai đặt hàng mới làm chứ không làm sẵn nên dòn ngon. Tôi và bạn hợp đồng tác chiến, bạn sống được và tôi cũng có lời một chút cho vui. Bình thường nhiều khi tôi chẳng thèm mang điện thoại theo người làm gì cho mệt, bởi vậy gia đình và bạn bè tôi hay chọc là tôi di động còn điện thoại di động thì lại cố định là thế ! Còn con trai tôi thì hăm he nếu mẹ không mang điện thoại theo, con gọi mẹ không được là con không thèm gọi nữa đâu. Có khi tôi sợ con (cái gì nó nói đúng thì cũng phải sợ nó chút), có khi cũng quên béng. May mà hôm nay tôi mang điện thoại xuống bếp.
- Alô, phải cô N, đó không ạ ?
- Vâng, tôi là N, xin lỗi ai ở đầu dây ?
- Tôi là H. đây.
- Phải anh C.H không anh ?
- Đúng rồi ! sao em giỏi thế, anh là H đây.
- Chiều nay anh ghé thăm em nhé !
- Vâng, anh nhớ đến, em đợi.
Công nhận là trí nhớ tôi tốt thiệt, vì cũng hơn hai mươi năm rồi còn gì !

... Ngày trước, anh là trưởng phòng hành chánh.
Nghe nói công ty nhà nước đang tuyển người, tôi mang lý lịch theo và xin gặp phòng tổ chức. Gặp tôi là anh K. anh chỉ bằng tuổi tôi mà đã làm trường phòng trong khi tôi vẫn lang thang tìm việc, hỏi sơ qua vài câu anh từ chối ngay với lý do là chỉ tuyển đảng viên hoặc chí ít cũng phải là nhân viên biên chế. Tôi chẳng thuộc tiêu chuẩn nào lại còn có đạo nữa thì thua chắc (Chúa ơi ! tha tội, lý lịch con bỏ trống chứ nào dám ghi vào phần tôn giáo). Buồn muốn khóc nhưng tôi cũng ráng cười và đưa lý lịch cho anh :
- Anh ơi ! ở nhà em đang làm thợ may nhưng buồn quá (chẳng lẽ nói thiệt là đói quá, thời bao cấp mấy ai có tiền mua vải may đồ) em gởi anh lý lịch của em, nếu sau này có việc gì khác xin anh cho em làm với.
Cũng may cho tôi là anh mở lý lịch ra xem và nói ngay :
- Chữ cô đẹp quá ! tôi rất thích, tôi sẽ lưu ý trường hợp của cô.
Tôi đi về với năm mươi phần trăm hi vọng, nhưng nghĩ lại mình chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, cũng chẳng có chuyên môn vì học vừa xong lớp 12 là giải phóng, bỏ học nửa chừng lao vào mưu sinh kiếm sống nên giờ bị từ chối cũng là chuyện thường tình thôi.

Vậy mà không đầy một tuần lễ, tôi được gọi. Anh K. bảo tôi được nhận vào làm và chuyển tôi xuống gặp anh H. Anh H có khuôn mặt hiền lành, nói chuyện nhỏ nhẹ và tác phong rất giản dị. Anh nói vói tôi :
- Cô đã biết rồi đó, công việc này cơ quan chỉ tuyển đảng viên, hoặc tệ lắm cũng là nhân viên biên chế mà cô chả thuộc diện nào cả, nhưng vì chữ cô đẹp quá nên anh K. bảo tôi nhận cô. Vậy cô có biết đánh máy không ?
- Dạ biết chút chút.
- Cô đánh máy được mấy ngón ?
- Dạ em tự học nên chỉ đánh được bốn ngón thôi anh.
Tôi nói đại là vì lúc học lớp 12 ở Mai Khôi, các bạn bầu tôi làm phó ban báo chí, cuối năm thực hiện tập san Myriam, phải tập "mổ cò" chứ biết nhờ ai ? Chính xác là chỉ hai ngón trên bàn phím.
- Vậy cô qua đây đánh máy cho tôi tài liệu này, tôi muốn kiểm tra tay nghề của cô.
Nghe xong tôi muốn rụng rời hết hai tay hai chân, từ hồi đó đến giờ đã hơn mười năm có lẻ, chắc tôi chết thiệt sự rồi. Hic ! Nhìn tôi chỉ có hai ngón chọt chọt nhảy qua nhảy lại trên bàn phím chắc anh tức cười lắm, khi đã là nhân viên của anh tôi mới biết anh đánh máy cực kỳ giỏi, cả mười ngón như múa trên bàn phím thật đẹp. Đánh xong một trang giấy thì mồ hôi rịn ra khắp mặt dù tôi đang ở phòng máy lạnh. Tôi cười chữa thẹn, một nụ cười méo mó :
- Anh thông cảm cho em, em tự học mà bỏ lâu quá nên ...
- Thôi được, mai cô đi làm.
Mặt anh nghiêm nghị làm tôi không dám biểu lộ niềm vui. Tôi hiểu anh miễn cưỡng nhận một nhân viên chẳng có được tiêu chuẩn nào cả theo lệnh của trưởng phòng tổ chức. Sau này tôi mới hiểu tôi đã may mắn gặp được những đảng viên thực sự có tâm. Anh K. nói sở dĩ anh nhận tôi là vì anh thấy chữ tôi đẹp quá, tôi lại có nét thật thà, nhất là khi anh hỏi tôi :
- Cô có quen với ai trong cơ quan này không ?
- Dạ em không quen ai hết, em chỉ cần việc nên vào đại thôi.
Anh nói anh rất ghét những người đến xin việc mà khoe quen với ông này, bà nọ. Những người đó anh cho lên đường ngay lập tức, chỉ trừ khi họ thật sự giỏi mà cơ quan cũng thật sự cần.

Vượt qua những vụng về ban đầu, tôi cố gắng trở thành một nhân viên văn phòng giỏi. Ngoài công việc văn thư, sổ sách đẹp, rõ ràng, cẩn thận, tôi phụ đánh máy với bạn M.A, và kiêm thêm công việc trang trí hội trường như cắm hoa, cắt chữ. Cơ quan tôi ngày ấy đón khách nước ngoài và những vị khách cấp cao trong nhà nước thường xuyên lắm, nhìn hội trường đẹp chắc các anh cũng hài lòng khi biết mình không nhận lầm người. Phải khiêm tốn để nói rằng trong tất cả các nơi đã làm qua thì tôi chưa có đối thủ về chữ viết. Tôi có thể viết trên những tấm bảng lớn và trang trí bằng hình ảnh thật đẹp dù không biết vẽ.
Tôi đã có một công việc để sống. Ở đây mọi người tình cảm, cư xử nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ thương. Có thể nói đây là một môi trường thân thiện nhất trong cuộc đời tôi .  

... Buổi chiều anh đến, vẫn còn đó đôi nét của ngày xưa. Anh và tôi kể về những kỷ niệm . Còn nhớ khi tôi sanh Nhật Quang, anh đã đến thăm tôi trong căn nhà nhỏ cấp bốn chỉ vỏn vẹn không đầy hai mươi mét vuông, lần thăm của anh làm tôi cảm động và nhớ  mãi. Anh cũng kể cho tôi nghe những thăng trầm trong cuộc đời anh, cuộc đời thăng thì ít mà trầm hơi bị nhiều. Nhưng với bọn tôi, những người đã từng là nhân viên của anh đều có chung một nhận xét : anh hiền lành, tình cảm và chăm lo cho đời sống của mọi người dù có khi phải hy sinh quyền lợi riêng tư của mình.
Vài năm sau đó, cơ quan bị sát nhập với Liên hiệp nên giải thể. 
Cũng đã một phần tư thế kỷ nhưng tình cảm anh em mình cứ như ngày nào anh H. nhé !
Cám ơn anh vì còn một chút gì để nhớ và đến thăm em.
Em mong anh luôn gặp may mắn trên đường đời.




Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

7 Bài Học - Chiếc đồng hồ bị mất

7 BÀI HỌC


Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi cùng thế gii, diễn giảng rất nhiều. Đây là 7 bài sưu tầm, đã được chọn lọc. 
Những bài nào người mình chưa học được ? 
Những bài nào bạn chưa học được ? 
Này, bạn suy nghĩ kỹ rồi hãy trả lời nha.
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA:
Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được !


1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”. 
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Thứ hai, “học nhu hòa”. 
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được.

3. Thứ ba, " học nhẫn nhục”.
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Thứ tư, “học thấu hiểu”.
Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm.Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5. Thứ năm, “học buông bỏ”.
Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6. Thứ sáu, “học cảm động”.
Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7.  Thứ bảy, “học sinh tồn”.
Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.


Chiếc đồng hồ bị mất

Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông.

Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.

Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.

Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: "Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành". Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: "Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?".

Cậu bé đáp: "Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó".

Sự tĩnh lặng trong tâm hồn có thể sẽ tốt hơn so với một trí não luôn hoạt động. Hãy để cho tâm trí của bạn những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn hàng ngày. 

Và hãy xem, sự hiệu quả mà nó đem lại khi giúp bạn xây dựng cuộc sống hằng mong đợi của mình.

(ST - Email của chị Mary Phạm)

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Người con dâu nước Mỹ

Một câu chuyện vô cùng cảm động của quả phụ một sĩ quan, kể về một mối tình thời chiến tranh Việt Nam giữa chị ruột của tác giả với một người lính Mỹ, đã hy sinh trong cuộc chiến. Hơn ba mươi năm sau, tưởng nhớ công ơn người anh rể đã hy sinh cho quê hương, tác giả ghé thăm bức tường đá đen ghi danh 58.000 tử sĩ Mỹ trong chiến tranh Việt Nam... Không ngờ, tại đây, bà tình cờ gặp bố mẹ của người anh rể cũng đến viếng thăm con, và qua câu chuyện, tác giả đã giúp ông bà nội người Mỹ tìm thấy người con dâu Việt và đứa cháu nội chưa từng biết mặt...
                                                           
                        Người con dâu nước Mỹ


Tháng tư thường cho tôi nhiều nỗi buồn và nhớ.
Buồn vì từ đó ta làm thân mất nước không nhà và nhớ vì trước đó có quá nhiều kỷ niệm không bao giờ còn tìm lại được. Giữa lúc lòng tôi đang chơi vơi thì chị bạn rủ theo đoàn người về thủ đô Hoa thịnh Đốn để coi hoa anh đào nở và nhất là đi thăm bức tường đá đen, ghi lại tên tuổi của hơn năm mươi tám ngàn tử sĩ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đã bỏ mình để bảo vệ tự do của miền Nam xưa. Với tôi đó là một dịp may đến thật tình cờ.

Tôi vẫn thường nghe nói về vườn hoa anh đào mà vương quốc Nhật tặng cho nhân dân Mỹ khi xưa ở thủ đô, đang khoe sắc mỗi độ xuân về. Thật như thỏa tấm lòng vì cả hai, được nhìn những cành hoa mà cả một thời tuổi trẻ ước mơ và đến tận nơi bức tường đá đen để tìm tên một người đã là điều tôi mong muốn từ lâu. Thế nên tôi thu xếp hành trang vôi vã đi ngay. Hơn hai mươi bốn giờ ngồi trên xe theo nhóm người du ngoạn đã đưa tôi từ miền Texas xa xôi về tới thủ đô. Con đường Ohio chạy dọc theo bờ sông Potomac hoa anh đào đã nở rực rỡ một màu hồng phơn phớt trắng. Hơi lạnh đầy trong không khí của một mùa đông dài còn sót lại, vương qua mùa xuân, đọng trên những cánh hoa dọc theo con đường Constitution dẫn đến bức tường đá đen nằm kia, trầm mặc u buồn.

Tháng tư, hoa đã nở từ lâu. Xác hoa rơi lả tả làm hồng cả một khỏang không gian quanh những con đường chạy dọc theo công viên. Hoa anh đào thật đây rồi, những cánh hoa mà tươi xinh ngày xưa tôi chỉ được nhìn thấy trong phim ảnh rồi thầm cảm mến những kiếm sĩ của xứ Phù tang, cô đơn vung đường gươm, để hoa rơi trong tuyết lạnh, thì hôm nay đang rực rỡ khoe sắc trước mắt tôi đây. Tôi tách ra khỏi nhóm người đi bộ một mình dưới những tàn cây. Tôi vẫn thích được đi một mình để nhớ về những ngày tháng đã dần qua.

Ngày xưa chưa mất miền Nam gia đình tôi đã có một cuộc sống ấm êm hạnh phúc. Chồng tôi, một người lính trận, mỗi lần về phép thường hay cùng đi với một quân nhân Mỹ, cố vấn trong đơn vị. Hai người cùng làm việc, cùng chung sở thích và ý nguyện nên rất thân nhau. Thuở ấy tôi không biết nhiều về đất Mỹ như bây giờ nhưng qua lời anh diễn tả, cũng đủ hiểu rằng người lính Mỹ ấy đến từ một vùng quê xa xôi miền Trung bắc Hoa Kỳ. Ngoài cái vẻ bên ngoài rất tài tử, râu ria xồm xoàm vì những ngày tháng lăn lóc trong chiến trận chưa kịp cắt tỉa thì Mike Wright thật nhân hậu và hiền lành. Tôi cũng ngạc nhiên với tấm lòng rộng lượng hồn nhiên của nguời Mỹ. Họ đã mang biết bao nhiêu tài sản, cả sinh mạng khi đến giúp đất nước tôi, hòa nhập vào đời sống người dân bản xứ, tươi vui trong cuộc sống. Bởi thế, anh chàng râu tia xồm xoàm Mike chiếm được cảm tình của gia đình, nhất là bà chị lớn chưa chồng của chúng tôi ngay. Chuyện tình của một người lính viễn chinh từ một đất nước xa xôi với người con gái Việt Nam còn nguyên nền nếp gia phong diễn ra thật êm đềm hạnh phúc với một đám cưới đậm chất phương Đông. Chị tôi khăn đóng, áo dài bên cạnh anh Mike cũng áo dài, khăn đóng. Trông họ cũng thật vừa đôi.

Từ đó tôi không còn cô đơn trông ngóng hằng đêm mà có cả chị tôi là kẻ đồng tình, đồng cảnh. Chúng tôi đã có những ngày đợi chờ trong lo lắng, đã có những ngày đoàn viên trong hạnh phúc. Những tháng tươi vui của một thời son trẻ tưởng như không bao giờ dứt cho đến một ngày kia...

Tôi không quên được cái ngày người chỉ huy hậu cứ tiểu đoàn đích thân đến báo cho tôi biết là chồng tôi và đơn vị của chàng không về nữa. Cả người cố vấn Mỹ dễ thương đang là anh rể của tôi cũng cùng chung số phận. Một đơn vị oai hùng, thiện chiến, tưởng như là không bao giờ thua trận đã nằm lại đâu đó trên vùng đất Hạ Lào của mùa Hè khói lửa. Tôi và người chị, ngày ấy thực sự bị cuốn vào những cơn ác mộng, nhất là khi chị tôi biết được rằng mình vừa khó ở, chưa thông báo cho Mike biết về đứa con vừa thành hình trong bụng chị.

Sau khi miền Nam lọt vào tay phương Bắc là một quãng đời địa ngục trần gian đến với chúng tôi. Nhất là chị với đứa con lai đã hứng chịu trăm đắng ngàn cay bởi vì sự dè bỉu, khinh khi cũng như phân biệt đối xử của người cai trị mới. Chị tôi bị hành hạ, bị lăng nhục, bị đe dọa đưa vào cái trại gọi là phục hồi nhân phẩm mà thực chất là tước đoạt hết nhân phẩm con người. Chịu đựng bao nhiêu đắng cay khổ sở nhưng chị tôi vẫn cắn răng làm việc nuôi dạy con khôn lớn nên nguời. Có một điều làm tôi lạ lùng là tình yêu của chị dành cho anh hơn hẳn những thường tình. Chị luôn nhắc tới anh với những lời yêu thương trang trọng, với sự bùi ngùi thương tiếc của một người góa phụ tưởng nhớ thương chồng. Chị không đòi hỏi gì ở anh cũng như đất nước anh. Khi chương trình tái định cư những người con lai bắt đầu, tôi cũng tưởng chị vui sướng lắm. Nhưng không, chị từ chối ra đi chỉ vì còn nặng lòng với mảnh đất được sinh ra và đứa cháu tôi cũng vui vẻ vâng theo lời mẹ. Tôi không giống và cũng không chịu đựng được như chị. Tôi chọn ra đi để đưa các con tôi về với tự do. Khi con thuyền mong manh đưa chúng tôi ra biển, tôi đã thầm cầu nguyện ơn trên cho chúng tôi vượt sóng được bình an. Tôi đã chọn tự do hay là chết và chân thành cầu xin đó là một sự chọn lựa đúng đắn và may mắn nhất trong đời...

Cứ mãi suy nghĩ và đi theo con đường hoa, tôi đến trước bức tường đá đen tự bao giờ. Con đường dần xuống thấp để những dòng tên trắng hiện ra. Một cặp vợ chồng người Mỹ trắng đã già lắm, run rẩy dắt tay nhau bước lên bực thang. Mắt người đàn bà còn ướt đỏ. Tôi đoán rằng bà vừa mới khóc. Gặp nhau trên bực thang đầu tiên, tôi vui vẻ chào hai người rồi hỏi lớn :
- Ông bà từ đâu tới ?
- Chúng tôi từ Ohio, còn cô ?
- Thưa ông bà tôi từ Texas.

Người đàn ông râu dài nhưng cắt tỉa gọn gàng, dáng vẻ hiền từ thân thiện. Ông ta mỉm cười hỏi lại.
- Tôi muốn hỏi cô người nước nào. Phi, Tàu, Nhật hay Thái lan.
- Thưa ông tôi là người Việt Nam.

Bỗng nhiên tôi thấy gương mặt người đàn bà dường như đổi sắc. Hình như một sự giận dữ bất ngờ chợt làm bà ta vùng vằng cố bước lên bậc thang ngắn tiến về phía trước. Tôi ngạc nhiên nhìn ông già chờ đợi một lời giải thích về cử chỉ bất thường của bà. Chắc có một điều gì không ổn vì tôi biết đa số người Mỹ thường lịch sự, ít ai bày tỏ ngay những điều khó chịu trong lòng. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông buồn rầu giải thích.
- Cô đừng buồn với thái độ của vợ tôi. Bà ấy đang buồn rầu. Chúng tôi mất đứa con trai duy nhất ở Việt Nam, nên mỗi khi thấy người Việt Nam vợ tôi lại xúc động, không ngăn được cảm xúc nên có những cử chỉ bất thường.

Tôi nhìn bà già đã ngồi xuống chiếc ghế đá bên lối đi, đang run rẩy cố chống hai tay lên đùi, mắt vô hồn nhìn vào quãng không gian phía trước. Nếu tôi mất con cho một cái xứ sở xa lạ nào chắc gì tôi còn giữ được bình tĩnh như bà. Lòng tôi rạt rào niềm thương xót để nói với ông rằng tôi thông cảm tâm tình của những bà mẹ mất con cho một dân tộc họ không hề mảy may biết tới. Trong lúc xúc động tôi cũng nói với ông là chính tôi và gia đình tôi cũng mất mát rất nhiều trong cuộc chiến chống cộng sản xâm lăng đó. Và đau đớn hơn thế nữa, chúng tôi đã mất cả quê hương, tổ quốc. Ông già Mỹ luôn luôn lập đi lập lại rằng tôi biết, chúng tôi biết, rồi xin phép tôi chạy đến săn sóc cho bà đã ngồi xuồng ghế đá cách đó không xa lắm. Ông nói lớn, chào từ giã khi tôi đi lần xuống phía dưới để dò tìm những hàng chữ mang tên người anh rể ngoại chủng năm xưa đã nằm xuống ở Việt Nam.

Tôi biết vần W sẽ nằm ở hàng cuối cùng nhưng cũng mất một lúc lâu mới tìm thấy cái tên Mikes Wright, tên người anh rể tôi năm kia, khiêm nhường giữa tên của bao nhiêu người. Nhỏ bé và đơn giản trong một không gian bao la, nhưng thật hào hùng độ lượng như cuộc đời anh và đất nước đang cưu mang chúng tôi đây. Tôi lặng chìm trong những giấc mơ xưa về một gia đình hạnh phúc mà nhớ đến chồng tôi. Tên của Mikes người ta còn nhớ chứ tên của chồng tôi kẻ thù đã xóa đi. Ngay cả miếng đất nhỏ bé mà chồng tôi an nghỉ người ta cũng đang toan tính cướp mất của anh. Tôi nhớ đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Nhớ đến giây phút vật vã khóc lóc nhìn thi hài anh được gắn lon giữa hai hàng nến. Nhớ đến những khuôn mặt lầm lỳ, chai sạn vì gió bụi của những người lính bồng súng chào chồng tôi lần cuối khi đưa chàng về với đất mẹ năm xưa.

Giữa lúc lặng yên tưởng nhớ thì mấy bà bạn tôi xuất hiện. Các bà gọi la tên tôi ơi ới, trách tôi xé lẻ tìm vui một mình. Cả bọn trầm trồ, chỉ trỏ reo vui với những cái tên lạ, nói cười vui vẻ như không cần biết gì về những niềm đau. Ôi nhân thế thường mau quên để sống, chỉ có mình tôi hay đi ngược thời gian về những dòng sông cũ. Chúng tôi lại rủ nhau đi thăm Viện bảo tàng Không gian gần đó. Một đoàn người vừa đi vừa cười, vừa hỏi thăm đường rộn vui lên góc phố. Ở đây người ta quen mắt với những cái lố lăng của du khách từ khắp mọi miền trên thế giới nên chẳng thấy phiền hà.

Đến trưa lúc sắp ra về tôi lại gặp cặp vợ chồng người Mỹ ban sáng. Lạ một điều là tôi thấy ông già có nét gì rất quen. Lần này bà có vẻ vui hơn, mỉm cười khi tôi chào gặp lại. Chắc ông đã giải thích cho bà biết rằng ai cũng có những nỗi buồn, những mất mát khác nhau chứ không phải riêng bà. Chúng tôi đứng ngoài hành lang nói chuyện. Ông bà cho tôi biết sẽ về lại Ohio chiều mai, một nông trại xa xôi nằm sát biên giới tiểu bang Indiana. Ông nói thế nhưng tôi chẳng hình dung được gì ngoài những con số mà tôi đoán rằng đất đai chắc là rộng lớn. Tôi cũng cho ông biết chúng tôi còn ở đây thêm vài ngày, đi thăm một vài nơi nữa rồi chào từ giã theo dòng người thăm viếng.

Buổi sáng hôm sau tôi có thói quen thức dậy thật sớm trong lúc mọi người còn say trong giấc ngủ. Tôi mở cửa bước ra ngoài, đi bộ theo con đường Ohio dọc theo bờ sông, rồi tình cờ bước dần về phía bức tường đá đen. Trời còn sớm quá nhưng tôi thấy dưới chân bức tường thấp thoáng bóng người. Bước tới gần hơn tôi bất ngờ nhận ra ông bà già Mỹ hôm qua đang ở đó tự bao giờ. Bà ngồi hẳn xuống đưa tay sờ lên những hàng tên như vuốt ve một vật gì quý giá.

Gặp lại nhau tôi lên tiếng :
- Chào ông bà. Ông bà ra đây sớm quá. Tôi cứ tưởng chỉ mình tôi đi bộ trong khu này...
Ông ôn tồn giải thích :
- Chiều nay chúng tôi trở về lại Ohio rồi nên thu xếp thời gian thăm lại nơi đây lần nữa.


Bà vẫn không nói, đưa tay sờ lên phiến đá. Tôi chắc bà thương yêu người con và đau đớn lắm khi nhìn lên hàng chữ có tên con mình. Mắt tôi tò mò nhìn theo và ngạc nhiên thấy tay bà đang đặt trên hàng chữ của vần W. Như có một linh tính báo trước chuyện lạ lùng tôi buột miệng hỏi ông :
- Con trai của ông bà tên là gì nhỉ. Anh ấy mất ở Việt Nam năm nào ?
- Con trai tôi tên là Mikes Wright, Tử trận ở Việt Nam năm 1972. Tên nó đây, ngay đây này...

Vừa nói ông vừa chỉ về phía tay bà đang xoa xoa che khuất cái tên mà trước đây tôi đã đặt tay vào. Chính đó là tên anh rể của tôi. Cha của đứa cháu mồ côi mà chị tôi yêu quý như báu vật của cuộc đời mình. Tôi đứng lặng người nhìn ông rồi lại nhìn bà. Sao cuộc đời lại có sự tình cờ kỳ diệu đến thế này. Để chắc chắn mình không nằm mơ tôi hỏi lại những chi tiết rất chung chung mà tôi còn nhớ về anh.
- Anh Mikes của ông bà rất nhiều râu và vui tính lắm phải không ?
- Cô nói gì tôi không hiểu. Dĩ nhiên ngày ấy Mikes còn trẻ lắm nên râu ria mọc là thường.

Tôi nhìn lại ông và mơ hồ thấy nét quen thuộc mà tôi chợt khám phá ra hôm qua, là ông trông rất giống Mike ở cái cằm vuông vức và bộ râu rậm dài. Ông già bùi ngùi nói tiếp.
- Vợ tôi buồn một điều là đáng lẽ ra Mikes đã hết hạn phục vụ ở Việt Nam trở về Mỹ nhưng vì yêu thương một người con gái bản xứ nên tình nguyện phục vụ thêm một thời hạn nữa và cái thời hạn đó không bao giờ chấm dứt...
- Thế ông bà có biết tin tức gì về người con gái ấy không ?
- Mikes có gởi cho chúng tôi một tấm hình, thông báo là đã thành hôn. Lâu quá rồi nhưng chúng tôi còn giữ tấm hình ấy trong tập ảnh gia đình ở Ohio. Chỉ có thế mà thôi.

Tôi muốn nói với ông chính tôi là em người con gái Việt Nam ấy nhưng sợ rằng mình nhận lầm, vì biết đâu có một anh Mike nào khác nữa nên chỉ nói với ông :
- Hơn ba mươi năm trước đây tôi cũng có một người anh rể tên là Mike Wright, quê quán ở miền trung bắc Mỹ. Tôi chỉ biết thế không biết có phải là anh Mikes con của ông bà không ? Tôi từ Texas lên đây chơi nhưng chính là để nhìn thấy tên anh Mikes Wright một lần trên tấm bia đá này.

Ông mở mắt nhìn tôi kinh ngạc rồi kéo bà lên, nói với bà tin tức quan trọng đó. Ông luống cuống, mời tôi ngồi xuống tấm ghế đá trong khi bà cứ há miệng ra thẫn thờ chờ đợi. Rồi ông dồn dập hỏi 
:
- Tôi chắc là đúng rồi. Đấy cô coi có cái tên Mikes Wright nào khác đâu. Thế chị cô bây giờ ở đâu ? Tôi muốn hỏi thăm tin tức về Mikes trong những ngày cuối cùng.
- Thưa ông bà, chị tôi vẫn còn ở Việt Nam. Chắc rằng chị tôi cũng chẳng biết gì hơn ông bà.

Như chính tôi đây chẳng biết gì hơn tin tức cuối cùng của chồng tôi và Mikes. Đầu tiên người ta chỉ thông báo cho chúng tôi là hai người đã mất tích sau một đợt tấn công của địch và cả tuần lễ sau mới tìm thấy xác mang về.
- Thế thì đúng như cô nói, chắc đúng là Mikes rồi. Khi chúng tôi đến nhận xác Mikes thì đã không mở ra được nữa vì những điều kiện vệ sinh.
- Nhưng tôi có một tin quan trọng về anh Mikes, không biết ông bà có muốn nghe không ?
- Tin gì vậy, thưa cô ? Chúng tôi không còn gì trên đời này ngoài hình ảnh của Mikes và những gì liên quan đến đứa con yêu thương của chúng tôi.
- Chị tôi có một người con với anh Mikes. Chính anh Mikes cũng không biết vì lúc vừa mới có thai, chưa kịp thông báo thì anh Mikes và chồng tôi đã không về nữa.
Ông bà liên tục kêu lên những lời thống thiết, không rõ là lời đau khổ hay mừng vui :
- Chúa ơi, thật thế sao ! Chúa ơi ! Chúa ơi !
- Thật thế thưa ông bà. Cháu giống Mikes lắm. Nếu ông bà thấy cháu là nhận ra ngay thôi.
- Thế bây giờ cháu ở đâu thưa cô ?
- Cháu vẫn còn ở Việt nam. Vì thương mẹ nên cháu không về Mỹ theo chính sách trở về quê cha của những đứa con lai.

Tôi và ông bà Wright cùng bước đi như trong cơn mơ vì sự gặp gỡ bất ngờ. Tôi cho ông bà địa chỉ, số điện thoại của tôi và nhận lại địa chỉ số điện thoại của ông bà ở Ohio để tiện bề liên lạc. Những thông tin ban đầu mặc dù đã chính xác, nhưng tôi muốn biết chắc tấm ảnh ngày xưa có phải là của chị tôi hay không. Chiều hôm đó ông bà Wright về lại Ohio. Tôi đoán ông bà vui vẻ lắm. Mất một đứa con cho cái xứ Việt Nam xa xôi nhưng ông bà sẽ được nhận lại một đứa cháu ngoan ngoãn và đứa con dâu còn giữ đúng truyền thống Việt Nam. Tôi biết chị tôi là một người đàn bà Việt Nam hiền thục. Tôi đã đoán không sai vì ba hôm sau khi tôi còn ở khách sạn thì tiếng điện thoại lại reo. Lần này ông bà Wright theo xe trở lên, mang cả gia đình đứa con gái gồm con rể và hai đứa cháu. Họ lái một chiếc xe van lớn mang theo cả tấm ảnh ngày xưa.

Gặp nhau tại công viên ông bà đưa tôi tấm ảnh và giải thích :
- Vội quá nên chúng tôi không book được vé máy bay. Vả lại Nathalie, em gái của Mikes và chồng con nó ở gần đó cũng muốn đi nên chúng tôi lái xe cho tiện.

Tấm ảnh chụp cách đây hơn ba mươi năm giờ đã ố vàng. Màu sắc phai theo thời gian nhưng vẫn còn sắc nét. Tôi cầm tấm ảnh như đưa tay chạm vào một phần quá khứ xa xăm. Trong ảnh, chị tôi người con dâu đất Mỹ, e ấp đứng bên người chồng râu tia xồm xoàm, đang đưa cánh tay khỏe mạnh ôm vòng lấy người con gái như ôm ấp chính cuộc đời cô.
- Đúng là chị tôi rồi...

Ông bà Wright mừng vui như mở hội. Bà như trẻ trung hẳn lên. Bao nhiêu bệnh tật gần như tan biến. Mấy người đi theo cũng lộ nét mừng vui hớn hở. Bà hỏi tôi những chuyến bay về Việt Nam với những dự định đi thăm viếng đứa cháu, con của người con tưởng như đã mất, bỗng dưng còn để lại trong cuộc đời này cả một phần huyết nhục. Tôi thưa với ông bà rằng tôi đã nói chuyện với chị tôi qua điện thoại. Chi cũng rất vui mừng về sự gặp gỡ này. Chị sẵn sàng cho cháu về quê nội cũng như chính chị sẵn sàng về làm dâu ông bà, chăm sóc cho ông bà trong lúc tuổi già đúng như truyền thống của người Việt nam. Tôi đã biết tình yêu của chị dành cho Mikes nên không ngạc nhiên với quyết định này. Ông bà chăm chú nghe tôi giải thích phong tục Việt Nam là người vợ phải làm dâu phụng dưỡng cha mẹ chồng. Ông kêu Chúa ôi liên tục sau mỗi câu nói làm tôi có cảm tưởng như đang kể cho ông bà nghe về chuyện phong thần, nhưng tôi biết bây giờ đối với ông bà, đất trời là cả một mùa Xuân.
 
Sau đó một thời gian dài, tôi lại bận bịu vì phải lo lắng dẫn ông bà Wright về lại Việt Nam. Bận bịu nhưng lòng tôi sung sướng. Tôi không giấu được xúc động khi nhìn thấy ông bà lần đầu tiên gặp lại đứa cháu nội sau hơn ba mươi năm thương nhớ người con đã khuất. Ông bà cứ kêu lên những lời vui mừng vang một góc sân và làm ngạc nhiên những người hàng xóm Việt Nam vốn không thiếu sự tò mò.
- Oh my God! He just looks like his father! Oh my God!

Bây giờ chị tôi, một người con gái Việt nam về làm dâu muộn màng trên đất Mỹ, đang thay cha mẹ chồng cai quản một nông trại trồng bắp ở Ohio với đứa con duy nhất của một cuộc tình nở vội trong cuộc chiến Việt Nam.


Lưu Hồng Phúc
(Email chị Mary Phạm)