Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Nghĩ về 30/4...

Không biết tự lúc nào sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mỗi năm vào dịp nầy lòng tôi dường như chùng xuống. Trước khi về hưu vào năm 2012, công việc hàng ngày vẫn chu toàn 8 giờ để trả nợ áo cơm, một vài giờ cho dịch vụ tư vấn về môi trường của tôi, cũng như thì giờ cho các buổi phỏng vấn hay ngồi suy tư và viết bài hoặc đi đó đi đây…tôi đã cảm nhận được một nỗi niềm u uẩn nào đó trong tôi. Nhưng bây giờ, mặc dù đã giã từ nợ cơm áo, nhưng niềm u uẩn trên vẫn tiếp tục còn trong tôi ngày càng…dai dẳng hơn thêm, càng cô đọng hơn nữa đến nỗi nhiều khi tôi chỉ muốn nói… một mình!
1. Tại sao lại có hiện tượng như vậy trong tôi?
Có lẽ, vì tuổi đời ngày càng cao, và niềm hy vọng về một ngày mùa xuân nở hoa trên quê hương còn xa vời vợi…cho nên nỗi buồn của tôi càng thêm ray rứt và điểm thêm đôi nét tuyệt vọng trong tâm tư?
Mà cũng có lẽ, theo lời của một người bạn xưa, Ngộ Không nhận xét về tôi trong bài “Thằng… chào cờ” là: "Thêm một lần với biệt hữu thiên địa phi nhân gian, và ông hiểu là gã làm như đang sửa soạn cho một chuyến đi xa… Lại thêm một lần sau ánh mắt xa vắng như vắt ngang dòng sông Bến Hải đang lặng lờ với nước chẩy đôi dòng. Dòng sông vẫn tiếp tục trôi đi, ở giữa dòng có một giải phân cách ý thức hệ tích tụ đã bao năm. Cùng một cảm hoài, ông cảm thấy thanh thản ở cái tuổi cổ lai hy nên hiểu được cuộc đời là dòng sông đã gần đến cửa biển. Mà biển là tàng thức chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những dòng sông chính là những mảnh đời. Qua ánh mắt thằng Nam Kỳ quốc dường như đã mệt mỏi. Ông nhìn thấy ánh mắt ấy vắt qua một khoảng không gian nào đó mà gã đã từng hoài bão, kể cả những hoài vọng thầm kín như giấc mơ của một đời người với … mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây. (Nguyễn Bính)”.
- Bỏ qua những ngày tháng nghiệt ngã còn lại ở Việt Nam trước khi vượt biên sau 30/4/1975, phải thành thật mà nói, lúc đó tôi không có thì giờ để “buồn” như hôm nay, vì miếng cơm manh áo và mãi lo “tìm đường ra đi” (cứu nước?) cho một gánh nặng với 4 đứa con dại…
- Bỏ qua những năm đầu tiên sống đời tị nạn, tôi cũng chưa thực sự quan tâm gì mấy cũng như không có thì giờ để buồn…như nỗi buồn hôm nay vì một đời sống tạm dung nơi xứ người.
Nhưng chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, khi gia đình tương đối ổn định và sau khi bắt đầu bước vào con đường tranh đấu cho Việt Nam qua ngã môi trường, tôi mới thực sự cảm thấy buồn. Và mỗi năm nỗi buồn đó càng se sắc hơn, ngậm ngùi hơn, vì nghiệm thấy con đường mình đang đi vẫn còn quá xa…mà ước mơ một ngày Việt Nam ơi! Quê hương réo gọi - Những người con Việt hẹn nhau về - Chung vai vá lại dư đồ rách - Cùng nhau xây đắp mảnh Tình Quê …vẫn còn quá xa…
2. Buồn để mà buồn một mình !
Không thể nào nói tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn được. Mà tôi hiểu và hiểu rất rõ nỗi buồn thực sự của tôi vì hai lý do:
- Đất Nước còn điêu linh,
- Và Bà con mình vẫn còn chìm đắm trong nỗi nhục nhằn làm công dân hạng hai cho một chế độ phản dân tộc chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam.
Nhìn lại những ngày bắt đầu từ giữa tháng tư năm 75, có thể nói cả thành phố Sài Gòn đang lên cơn sốt. Nào là chạy đôn chạy đáo thăm dò tình hình… mặc dù biết rằng miền Nam đang trong cơn hấp hối, nhưng cũng mong tìm và hy vọng một phép lạ. Nào là, đối với những người có chút tiền, lo chạy đi đổi đô la, làm…áp phe, hay do là tin tức tìm đường ra đi. Tin tức đồn đãi nhiều khi trái ngược nhau, tin vui lẫn với tin buồn.
Nhưng nỗi buồn của tôi thực sự buồn khi rời trụ sở USAID ở đường Lê Văn Duyệt sau khi làm “thủ tục”…ra đi. Cầm tấm thẻ vô tri có hình của một “ông giáo trẻ” đầy nhiệt huyết, mà khi về lại Việt Nam năm 1973, nguyện sẽ làm một cái gì cho thanh niên Việt Nam. Tôi không thiết ăn cơm chiều hôm đó. Nếu tôi nhớ không lầm, đó là ngày thứ tư 09/4/1975.
Tới thứ hai tuần sau đó, vào khoảng tuần lễ thứ hai của tháng tư, lên Đại học Cao Đài Tây Ninh, tôi gặp mấy anh chàng “CIA” trẻ đóng trên đài phát tuyến ở đỉnh Núi Bà vừa xuống chợ Tây Ninh, cho tôi biết rằng ngày mai, họ sẽ rút về Mỹ và khuyên tôi nên rời bỏ quê hương qua một giọng Bắc rất rành rọt. Suốt các buổi lên lớp sau đó, tôi nói như người mất hồn, một tâm trạng mà chính giờ phút viết lên dòng chữ nầy, tôi lại thêm một lần “phiêu diêu” nữa.
3. Đi ? Hay Ở ?
Hai chữ nầy ám ảnh mãi nơi tôi trong suốt thời gian còn lại cho đến ngày 30/4 năm đó.
Hình ảnh Ba tôi lẩn quẩn trong đầu. Hình ảnh một ông giáo già đã về hưu từ lâu, căm cụi viết thư cho con mình đi du học mỗi buổi sáng thứ năm trong tuần, để rồi, sang sáng thứ bảy đem thư ra Bưu diện gửi đi cho kịp chuyến máy bay Air France bay về Pháp, để con mình nhận được thư đúng ngày thứ hai. Việc nầy xảy ra đúng như in, không hề sai sót suốt hơn hai năm trời sau khi tôi du học bên Pháp cho đến khi Ba tôi mất. Ba tôi mất ngày chủ nhật và thứ hai sau đó tôi vẫn nhận được thư ba viết trước khi nhận được điện tín của anh tôi.
Còn Má tôi. Một người mẹ già gặp lại và sống với con chưa đầy hai năm…sau khi tôi về nước. Mà cũng chính trong thời gian nầy, tôi luôn bận bịu với những “đam mê” cho cuộc sống, mải mê chuẩn bị cho con đường “công danh” của mình… thì làm sao tôi có thì giờ chăm sóc hay hỏi han đến mẹ già. Và mỗi khi nhìn lại mình, chính tôi cũng phải tự thú rằng mình cũng không có thì giờ để nghĩ đến mẹ mình nữa trong thời gian nầy. Tôi thật có lỗi với má tôi nhiều và nỗi ân hận vẫn còn ray rứt mãi trong tôi. Và giờ đây, khi viết những dòng chữ nầy, tôi chỉ còn biết mỗi đêm nhìn ảnh mẹ để sám hối.
Trở lại thời gian giữa tháng 4 năm xưa. Tâm trí tôi luôn bị ray rứt với tâm trang nửa Ở nửa Đi.
- Đi không đành cũng vì mẹ già đơn côi.
- Đi không đành cũng vì bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ níu kéo lại để làm một “cái gì” cho quê hương.
- Và đi cũng không đành vì một suy nghĩ non dại (mà chắc cũng có nhiều người suy nghĩ như tôi), đó là “Mình có thể đối thoại với người cộng sản, vì trước khi họ là cộng sản, họ cũng là người Việt Nam với đầy đủ dân tộc tính; vì vậy mình có thể hợp tác được”.
Một khi đã biết sai lầm thì đã muộn, tôi phải trả cái giá gần 8 năm trong nhà tù lớn Việt Nam dưới chế độ nầy. Biết là sai lầm trong giai đoạn đó, nhưng tôi không bao giờ hối hận vì quyết định trên. Vì sao? Vì chính cái sai lầm oan nghiệt nầy đã làm cho tôi hiểu được người cộng sản Bắc Kỳ như thế nào…và chính điều sau này làm cho tôi dứt khoát hơn là chúng ta, những người con Việt hiền hòa không thể nào sống chung với những người luôn mang não trạng chuyên chính vô sản và không có tình người.
Cái sai lầm nầy cũng giống như cái sai lầm của người thầy giáo Tạ Ký dạy Văn chương của mái trường thân yêu của người miền Nam; đó là Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, mà thời tôi đi học có tên là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký – LPK. Anh Ký khi đi “tù” về cùng ngồi uống rượu với Gs Tôn Thất Trung Nghĩa bên Trường Luật và tôi tại Chợ Đuổi nằm tại góc đường Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp năm 1981 như sau:“Hai mươi năm mới biết chuyện xưa lầm. Thì tuổi trẻ đã biến thành uất hận!”
Chiều thứ hai 28/4, khi một tên phi công (tôi không muốn nhắc tới tên nầy lên đây, vì làm sao tôi quên được tên những kẻ phản bội quê hương) dội bom dinh Độc Lập, và từ đó lịnh giới nghiêm 24/24 được ban hành. Tôi liền chạy lên nhà một người bạn vong niên trên cư xá giáo chức ở đường Tự Đức. Đó là GS Nguyễn Văn Trường, vừa qua đời ngày 3/1/2018 tại Houston.
Ngay từ những ngày đầu còn chập chững bước vào ngưỡng của trường ĐH Sư Phạm Sài Gòn với tâm thức đầy tự tin, Anh đã từng khuyên tôi:”Cuộc sống vốn bất toàn. Vì thế mà con người cầu toàn. Vì cầu, và muốn cho bằng được, cho nên mới có thất vọng. Cuộc sống vốn vô thường, không ngừng biến đổi. Nhưng ta lại muốn ngưng giòng đời, gói nó trong những ước vọng của ta, cho nên mới có khổ đau. Vọng tâm là duyên tạo thành, và biến đổi tùy duyên, ta lại đồng nhất mình với nó, cho nó là chân lý, căn cứ vào nó để phê phán thiệt hơn, đúng sai, phải trái. Thế thì làm sao ta không nhìn sai lệch, không sống trong giả tưởng của vọng. Cho nên, nhà Phật dạy vô trụ. Đừng trụ vào bất cứ một niệm nào, Đừng trụ vào Phật Tánh, Chân Tâm, Thiên Đàng, Địa Ngục. Đừng trụ ngay cả vào cái ý niệm vô trụ”.
4. Tôi đã chứng kiến được gì và đã học được gì ?
Xin ghi lại vài dòng để chiêm nghiệm nỗi đau thương, nhục nhằn của những người con Việt trước cảnh quốc phá gia vong trong những ngày cuối cùng của Miền Nam. Đó là:
- Hình ảnh một Trung tá TQLC chạy từ Đà Nẵng về nhà người anh cũng ở cùng cư xá, hình ảnh giọt nước mắt lưng tròng khi anh cổi chiếc áo trận và cắt từng nút áo cũng như hai bông mai bạc trên cầu vai. Anh nói với người anh qua giọt nước mắt và trong từng tiếng nấc “Anh xem như em đã chết ngày hôm nay”;
- Hình ảnh từng đoàn trực thăng Mỹ chiếu đèn sáng rọi vào mặt chúng tôi trên sân thượng của cư xá trong lúc tháo chạy và chở người di tản đi ra hạm đội;
- Hình ảnh những người lính tôi không còn nhớ Dù tiếp tục chiến đấu ở cầu Phan Thanh Giản trên con đường đi ra Ngã tư Hàng Xanh. Tiếng súng bắt đầu ngay sau khi tướng Minh tuyên bố đầu hàng lúc 10 giờ 37 phút sáng 30/4. Và tiếng súng chỉ im lặng lúc xế trưa, có nghĩa là tất cả anh em binh sĩ đã chiến đấu cho đến quả lựu đạn cuối cùng.
Chuyện ĐI và Ở đã được tôi quyết định ở khúc quành định mệnh nầy, không khác chi khúc quành của nhân vật Thiệu “phải” rời bỏ khúc quành của con sông Đuống đầy kỷ niệm tuổi thơ với Yến, người bạn thời trẻ thơ mà sau nầy trở thành…người tình muôn thuở cho đến cuối đời, để di cư vào Nam tìm tự do. (trong quyển tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” của nhà văn Doãn Quốc Sĩ).
5. Những ngày sau đó
Qua ngày thứ năm 1/5, lệnh trên radio yêu cầu (bắt buộc thì đúng hơn) mọi công chức phải đến trình diện tại trụ sở làm việc của mình. Sáng đó, tại cư xá có mặt Ông Khoa trưởng, Ông Phó Khoa trưởng và một số giáo sư, tôi và một giảng nghiệm viên tình nguyện vào Trường Sư phạm xem tình hình.
Mọi sự có vẻ êm xuôi vì “họ” chưa có người vào tiếp quản, ngoài một số “cơ sở” địa phương thôi. Nhưng một hình ảnh khác làm bẽ bàng và làm đảo lộn những suy nghĩ tốt đẹp trong tôi khi nhìn thấy một số đồng nghiệp của mình mới chỉ vừa cách đây một ngày, nay đã mang “băng đỏ cách mạng” từ cung cách hướng dẫn chỗ để xe, cho tới thái độ trong lúc nói chuyện. Đáng phỉ nhổ nhứt là những người nầy ngày nào thưa anh, xưng em với tôi, mà nay trở mặt dương dương tự đắc tự xưng tôi, tôi, anh, anh một cách trơ trẻn. Có những chị giáo sư thước tha, dịu hiền trong khi lên lớp mà nay ngoài băng đỏ, thậm chí còn để lá cờ vàng ba sọc đỏ dưới chân bàn đạp ga xe nữa. Thế mà, rốt cuộc, họ cũng phải liều thân vượt thoát và hiện đang sống rải rác tại Canada, Hoa Kỳ, Pháp, và Úc châu. Thật là nẽ bang cho chính họ!
Và hơn nữa, có giáo sư trong suốt thời gian chưa đầy hai năm ngắn ngủi của tôi, đã xem tôi như “thần tượng” mặc dù biết rằng tôi đã lập gia đình rồi, thường xuyên đi ăn uống chung. Tết đến, cô cũng không quên hái vài trái xoài trước nhà để biếu tôi, thậm chí đã dám cùng tôi “nhậu thịt chó” nữa…Người đó bây giờ là một “công thần” của chế độ. Chính là Tôn Nữ Thị Ninh.
- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt I ngày 22/9/1975, đổi 1Đ tiền “chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam” tức tiền “ngân hàng Việt Nam” lấy 500Đ tiền Việt Nam Cộng Hòa hay “tiền Ngân hàng Quốc gia Việt Nam”. Người dân chỉ đổi được mỗi gia đình 100.000Đ mà thôi.
- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt II ngày 3/5/1978, đổi 1Đ “tiền thống nhứt XHCN” tức tiền “ngân hàng nhà nước” lấy 1Đ tiền “ngân hàng Việt Nam” và mỗi gia đình chỉ được đổi 100Đ mà thôi.
- Làm sao tôi quên được lần đổi tiền đợt III ngày 14/9/1985, đổi 1Đ tiền ngân hàng nhà nước cũ lấy 1Đ tiền ngân hàng nhà nước mới (tiền thống nhứt Bắc Nam).
- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt I ngày 11/9/1975, cướp của và tịch thu nhà những người được cho là tư sản cùng bắt đi vùng kinh tế mới. Chiến địch nầy gọi là X1;
- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt II, tức chiến dịch X2, từ tháng 3/1978 tới cuối năm 1990 nhắm vào tư sản tiểu thương, những nhà tiểu thủ công nghệ, ước tính trên 14.000 gia đình tại Sài Gòn;
- Làm sao tôi quên được lần đánh tư sản đợt III tức chiến dịch X3, song hành với chiến dịch X2 tại Sài Gòn nhằm mục đích trục xuất người củ ra khỏi nơi ở và điền khuyết vào bằng gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Đây là một âm mưu thâm độc nhằm “Bắc kỳ hóa” thành phố Sài Gòn. Tính đến tháng 9/1989, ước tính có đến 950.000 người bị đuổi khỏi Sài Gòn, và có khoảng 150.000 gia đình cán bộ Bắc kỳ được điền khuyết vào;
- Làm sao tôi quên được những đợt bị bắt buộc đi “học tập cải tạo”, đáng kể nhứt là đợt cuối cùng vào tháng 6/1975, kêu gọi công quân cán chính tập trung mang theo lương thực cho một tháng…để rồi tất cả bị lường gạt và phải chịu lao động khổ sai từ một hai năm cho đến hơn 17 năm đối với những cán bộ hành chánh và quân đội cao cấp của Việt Nam Cộng hòa.
…. 
  - Lời ca của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đã kéo tôi về với thực tại, bài “Không phải là lúc”, bắt đầu bằng “Không phải là lúc ta ngồi đặt vấn đề”, để rồi kết thúc bằng một quyết tâm dứt khoát “…Làm việc đi không lo khen chê, làm việc đi hãy say và mê, cứ bắt tay gan lỳ, chúng ta giải quyết. Mình chậm chân đi sau người ta, mà ngồi đây nghĩ lo viễn vông, thắc mắc ngại ngùng biết khi nào mới làm xong!”
 TS. Mai Thanh Truyết 

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Mỹ Chi


Một buổi sáng giữa tháng tư.
Điện thoại gọi đến, một số điện thoại lạ không có trong danh bạ. Tôi không nghĩ đó là Mỹ Chi.
- Chi đang ở đâu vậy ?
- Ở Việt Nam. Chi về có hai tuần thôi, mấy bữa nữa đi rồi. Tính dành cho Nga bất ngờ, nhưng nghĩ mình già rồi, bất ngờ cũng không hay lắm. Mai mình gặp nhau nha.

Mỹ Chi, bạn cùng lớp với tôi từ năm 13 tuổi, từ ngày hai đứa học nội trú Thiên Hương Dalat.  Chỉ học chung với nhau một năm rồi chia tay, Chi về Vĩnh Long, chúng tôi xa nhau từ dạo ấy...
Còn nhớ trên đường từ Dalat về Saigon, Chi đã cho tôi mượn tiền mua một trái mít. Ăn rồi quên trả, cứ để từ từ, thì con nít mà ! Mấy năm sau khi tôi tìm đến nhà Chi để trả nợ thì bạn đã dọn nhà đi rồi. Nợ dai quá Chi nhỉ ? Cũng may là người mắc nợ có tật nhớ dai.
Cách đây hơn một năm, qua một chị bạn học cùng lớp, giờ là soeur phụ trách trường học cũ ngày xưa, chúng tôi liên hệ được với nhau. Chi đang ở cách xa tôi nửa vòng trái đất, nghe tôi nhắc lại món nợ, Chi cười quá chừng, bạn nói bạn quên rồi nhưng nếu trả thì tôi phải trả cho bạn một cây mít. Tôi lém lỉnh không vừa :
- Nga sẽ tặng cho Chi một hột mít, chịu khó trồng, khi nào mít có trái tha hồ ăn dài dài luôn.

Hai đứa email qua lại, nhắc bao nhiêu là kỷ niệm thuở còn cắp sách đến trường.
Chi nhớ tôi bé bỏng, xinh xinh, hay bứt tóc đến hói đầu một khoảng trống, sương xuống lạnh thấy me !
Tôi nhớ Chi với nụ cười có chiếc răng khểnh. Giờ tóc bạc mà nụ cười vẫn thế.
Tôi nhớ mỗi sáng Chi hay phết patê gan hoặc patê thịt vào khúc bánh mì của tôi. Ở
trường nội trú, quanh năm suốt tháng, hết năm này đến năm khác chỉ độc nhất một món bánh mì bơ với chuối cho bữa điểm tâm. Gọi là bánh mì bơ cho sang chứ bơ chỉ nằm gọn lỏn trong một tô canh quệt vào bánh mì cho gần hai trăm đứa học trò, chả thấm thía gì. Thường thì bơ được soeur quản lý nhà bếp mà chúng tôi gọi là bà cai lấy sẵn để trong tô. Hôm nào bà cai bận việc hoặc quên lấy là chúng tôi có dịp múc bơ cho thiệt đầy. Có khi qua trót lọt, có khi nửa chừng bà cai đi xuống thì chắc chắn bơ sẽ bị thu hồi gần phân nửa kèm theo một câu cằn nhằn. Ấy vậy mà lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng mập tròn, càng ngày càng lên cân mới lạ chứ !

Tôi đón Chi ở đầu ngõ.
Hai đứa nhìn nhau thật kỹ. 48 năm trôi qua. Thì vẫn còn đâu đó đôi nét của ngày xưa, nhưng nếu bất chợt gặp nhau giữa dòng đời xuôi ngược trên hè phố, chắc chúng tôi sẽ vô tình đi lướt qua nhau.
Tôi mừng cho đại gia đình Chi hạnh phúc, ấm êm ở một đất nước tự do.

Bạn bè chúng tôi đa số còn ở lại.
Tôi hạnh phúc khi may mắn có chồng con thương yêu, trải qua năm tháng vất vả lo toan  giờ tôi có một căn nhà khang trang để ở, tuy không giàu có nhưng như vậy đã là quá đủ cho một đời người.
Viết cho Chi, tôi lại nhớ Kim Liên, nhớ Phúc, nhớ Kim Thoa là những người bạn cùng chung lớp, chung trường với tôi và Mỹ Chi nhưng mỗi đứa một hoàn cảnh, một cuộc đời.

- Kim Liên ngày ấy viết văn thật hay, bài văn nào của Liên cũng được thầy cô cho điểm tối đa. Liên có đôi mắt ướt, lúc nào cũng đượm buồn. Nét buồn vận vào cuộc đời bạn, đến giờ này Liên vẫn còn ở nhà mướn, vẫn chiều chiều đi bán trứng luộc...

- Phúc bất hạnh hơn, bị tai biến liệt nửa người, ở với hai đứa con, không thấy chồng của Phúc, tôi tế nhị không hỏi. Tiền thuê nhà thiếu trước hụt sau...

Kim Thoa ở Du Sinh, nước da trắng hồng, thật đẹp. Đó là hình ảnh mà tôi và Mỹ Chi nhớ về bạn. Từ rất nhiều năm trước, trong một lần về lại trường xưa, nghe nói Thoa bị ung thư, đang bán sữa đậu nành ngoài chợ, gia đình khó khăn lắm. Tôi đã lang thang một mình ra chợ, tìm Thoa ở những chỗ người ta chỉ, nhưng không thấy, Dalat đâu còn như ngày xưa, quá đông người.
Chẳng biết bây giờ Thoa ra sao ? Chắc gì còn hiện diện trong cõi phù du này ?
Ở một nơi nào vô định, tôi vẫn mong bạn bình yên, không còn đau khổ nữa.

Sau khi rời Dalat, Chi và Kim Liên vẫn là đôi bạn thân.
Chi kể gia đình Chi rất thương Liên. Nhưng cuộc đời sướng khổ là do chính mình quyết định hay là do số mệnh ? Tôi thật sự không tìm được câu trả lời chính xác. Riêng tôi, tôi chỉ biết cố gắng hết sức, cuộc đời nhiều lúc chìm nổi, không tìm được ánh sáng nào ở cuối đường hầm nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Cảm ơn Chúa đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi đáng được dù lắm khi ngã lòng và bất xứng.

Tôi mong tất cả bạn tôi luôn mạnh khỏe, bình an.
Bóng đã ngã về chiều. Không biết lần gặp này có là lần sau cuối ? 
Không biết ai sẽ rời cõi tạm này trước ai ?
Dù sao đi nữa, tôi tự nhủ với lòng sẽ luôn trân trọng, yêu thương những người bạn của mình, dù giàu nghèo hay sang hèn, chúng mình vẫn là bạn.


Tôi đọc được câu danh ngôn thật hay : 
Bạn cũ là Vàng ! Bạn mới là Kim Cương 
Nếu ta có Kim Cương, đừng quên Vàng !
Vì muốn giữ được Kim Cương, ta luôn cần Vàng để bọc Kim Cương !


(Thân tặng Chi, để nhớ lần gặp lại)

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Có những niềm riêng

Tác giả: Ái Miên
Dưới ánh đèn nhiều mầu của sân khấu, Á hậu trẻ Vivian tươi cười nhận hoa và giải thưởng. Các ký giả lăng xăng chụp hình, phỏng vấn, nhất là giới Truyền thông Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giải Á Hậu của Miss Teen Canada lọt vào tay một cô gái Việt gốc Canada.

Vivian là sự hài hòa của nét đẹp Tây phương và Á Đông. Cô đàn hát thật hay, bên cạnh ba mẹ cũng thật đẹp đôi. Ba cô là người Canada, cao ráo đẹp trai, cũng khá nổi tiếng trong giới Thương mại. Mẹ cô là một người Việt khoảng trên 40, nhưng trẻ đẹp hơn số tuổi rất nhiều. Bà là Quản đốc Kế toán cho một hãng buôn bán. Họ trả lời các câu hỏi phỏng vấn thật khéo léo, thông minh. Mọi người đều vui mừng và ngưỡng mộ thành công của gia đình họ. Hằng, - mẹ của Vivian - thật chững chạc, khôn ngoan, ăn mặc thanh lịch. Họ ở trong một biệt thự rộng thênh thang, có người làm vườn, giúp dọn dẹp nhà cửa. Họ lái xe sang trọng đắt tiền! Họ có tất cả… Sự thành công của mẹ con Hằng là niềm vui nói riêng cho cộng đồng Việt Nam.

 Ngày mai các báo chí địa phương sẽ đăng tải hình ảnh, các tin tức liên quan đến cuộc thi Hoa Hậu hôm nay và tâm tình của gia đình Hằng. Ánh đèn sân khấu được tắt, mọi người ra về với lòng hân hoan vui vẻ, chúng ta hãy nghe Hằng kể về cuộc đời của bà…

***

Tôi rời gia đình và vượt biên năm 18 tuổi - cái tuổi non nớt mới bước vào đời, xa quê hương, xa cha mẹ, phải học hỏi và cố gắng thật nhiều. Cũng may, tôi gặp Minh và có một mối tình đầu đời thật đẹp. Minh chăm học, thành thật. Anh đàn guitar và hát khá hay, với tất cả tâm hồn. Nhưng tôi yêu Minh không phải vì anh đàn hay hát giỏi, tôi yêu sự chân thành dễ thương của anh. Tôi yêu ý chí tự lập, sự cố gắng trong bổn phận. Tôi yêu tính tình thoải mái, dễ tin người, và tôi biết anh yêu tôi thật nhiều. Hơn nữa, chúng tôi đều ra đi một mình, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần, việc đến với nhau để xoa dịu những mất mát, khó khăn trên con đường tị nạn là chuyện dễ hiểu. Minh thích nhạc nhưng không quá ủy mị, tính tình đứng đắn không thích bông đùa. Tôi và Minh hợp nhau, giống nhau ở rất nhiều điểm, chỉ khác ở chỗ tôi thực tế hơn, tính toán hơn, không có tâm hồn nghệ sĩ mơ mộng như anh...

Ngày ở trại tị nạn, chúng tôi hay dắt nhau ra biển chơi. Biển Thái Lan thật đẹp, dù nó đã cuốn trôi bao nhiêu mạng người trên đường tìm tự do, cũng như có nhiều hải tặc khét tiếng. Chúng tôi hay ngồi yên lặng thật lâu trên biển vắng, thỉnh thoảng trao đổi những tâm tình trong cuộc sống, xây dựng tương lai. Minh hay vuốt tóc tôi, thì thầm:
 - Anh ghen với gió, với tóc.
- Tại sao?
- Vì gió biển luôn thổi ve vuốt má em, vì tóc em luôn bay, hôn lên mặt em, anh chỉ được ở bên em một lúc nào đó, rồi lại phải ra về. Biết bao giờ anh mới được luôn ở bên cạnh em, che chở yêu thương em.
Tôi cảm động mỉm cười, chọc quê anh:
 - Cải lương quá! Thì em cắt tóc ngắn, cho anh khỏi ghen!
- Đừng bao giờ cắt tóc ngắn nhé, tóc em đẹp lắm, em không hợp với tóc ngắn đâu! Em có hay ghen không?
- Có chứ, ghen nhiều nữa là khác, nếu anh hôn em má bên trái, mà quên hôn bên phải, bên phải sẽ giận đó!
Minh vuốt mũi tôi:
- Anh không dám quên đâu, em bé lì lợm bướng bỉnh của anh ơi! Sau khi định cư ở Canada, anh sẽ tìm em, mình sẽ đi học và sẽ cưới nhau, em có chịu làm vợ anh không?

Tôi gật đầu thật nhẹ, lòng thênh thang. Biển chứng giám lòng tôi. Biển lắng nghe lời hứa chúng tôi trao nhau, biển vỗ về cho tình yêu chắp cánh…

***

Chúng tôi đến Montreal, đi học, đi làm, để dành tiền, cưới nhau. Đời đẹp như bài thơ dù tôi không biết làm thơ. Tình đẹp như bài ca dù tôi không biết hát. Nhưng có Minh đàn hát, đọc thơ cho tôi nghe là được rồi. Anh tài lắm, dù tôi lười biếng nằm trên sofa gối đầu lên đùi anh, anh vẫn có thể ôm đàn và hát cho tôi nghe được. Tôi thích nhõng nhẻo nằm trùm mền trên đùi anh xem TV, để anh đút trái cây cho ăn. Tôi kén ăn lắm, nho thì phải lột vỏ, dù vỏ mỏng tới đâu. Tôi chỉ thích thức ăn mềm, ngọt, lười biếng nhai, lười biếng... nuốt, anh phải luôn vỗ về:
 - Ăn giỏi, anh thương!

Cuộc sống êm đềm chỉ được hơn 1 năm thì sóng gió nổi lên. Biển không yên lặng lắng nghe chúng tôi thì thầm yêu thương, vẽ vời tương lai nữa. Biển gào thét trong giông tố bão bùng, từng đợt sóng cao ngất cuốn xô đời chúng tôi vào một ngã rẽ không bao giờ định trước. Tối hôm đó, Minh băn khoăn, bồi hồi, thái độ thật lạ! Ngày hôm trước, anh nhìn tôi lạ lùng, khó hiểu. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Minh sao vậy, anh có điều gì muốn nói?
Minh hốc hác, tiều tụy, khác hẳn bình thường! Anh đột nhiên quỳ xuống trước mặt tôi:
- Hằng, em có thể tha thứ cho anh không?
Tim đập mạnh, tôi hơi mất tự chủ:
- Chuyện gì vậy Minh, đừng làm em sợ!
Minh ngập ngừng:
 - Em có nhớ cách đây 2 tháng, anh đi hát cho cộng đồng người Việt ở Ottawa không?
- Dạ nhớ!
- Đêm đó anh ở lại nhà bạn và ngủ tại đó, phải không?
Tôi tròn xoe mắt, xác nhận:
 - Dạ phải, anh ở nhà anh Bằng.
Minh đau khổ:
- Đêm đó, có thêm một ca sĩ khác cũng ngủ tại đó, cô Phương Thi. Em biết Thi mà!
- Dạ biết, Thi là bạn của anh, hay hát nhạc new wave, nhảy rất hay, em có gặp vài lần.
- Đêm hôm đó, anh bị ép uống, say rượu… Bây giờ, anh chỉ nhớ láng máng chuyện xảy ra, nhưng Thi vừa cho biết cô ta đã mang thai, và cha của đứa bé là... anh!

Tôi ước gì mặt biển có thể mở ra để cuốn tôi vào tận lòng đại dương, để thực tế phũ phàng không làm nhức nhối trái tim nữa. Nước mắt tôi rơi như mưa, tôi trả lời trong đau đớn:
 - Chuyện như vậy mà anh làm được sao? Tôi ghê tởm anh !
Minh đau khổ:
 - Anh không biết, anh hoàn toàn có lỗi. Anh có thể xin em tha thứ cho anh không, anh yêu em và không hề có chút cảm tình nào với Phương Thi.
Tôi chua chát:
- Không có cảm tình mà làm chuyện đó được? Đàn ông các anh mà! Ngày xưa ba khuyên mấy chị em tránh lấy chồng nghệ sĩ, em không tin, vì cho rằng có nhiều loại nghệ sĩ, nhưng bây giờ em mới thấm thía!

Tôi vẫn yêu nụ cười trẻ thơ của Minh, vì nó thật hồn nhiên, thật thà. Nhưng bây giờ trước mặt tôi là một người đàn ông xa lạ, hàm râu chưa cạo làm tôi càng thấy rõ sự đểu giả được che giấu lâu nay.

Tôi là người thực tế, rõ ràng. Mặc cho Minh nói gì, đề nghị gì, tôi đều lạnh lùng gạt bỏ. Cũng may chúng tôi chưa có con, cũng may tôi còn trẻ đẹp, tôi giải quyết bài toán cuộc đời thật nhanh chóng. Phương trình có 2 ẩn số, một là Hằng, hai là Thi, đáp số sẽ là Thi, vì còn một đứa con tương lai đang cần cha…

Tôi tìm luật sư lo giấy tờ ly dị, giá cả phải chăng, thủ tục đơn giản vì chúng tôi chưa có nhà cửa, tài sản rắc rối gì! Có lúc tôi cũng mềm lòng và thấy thương Minh vô cùng, như có lần tôi bắt gặp Minh một mình cặm cụi tự may lấy nút áo cho mình. Nhìn Minh vụng về, chịu đựng cầm kim không dám nhờ tôi (Vì sau đêm thú tội trở đi, tôi có nói với Minh tiếng nào đâu!) Tôi xót xa lắm, nhưng tôi mím môi, ra lệnh cho mình không được ngu dại mà mềm lòng. Không bao giờ tôi có thể tha thứ cho sự phản bội của Minh. Tình yêu không lý tưởng, không hoàn hảo, nhưng cũng không thể tồi tệ như vậy. Tôi rất buồn nôn nếu phải gần gũi chung đụng với Minh. Tôi phải ngẩng cao đầu bước tới cuộc đời, thách đố với định mệnh, tìm cho ra giải đáp khác của phương trình.

***

Tôi dọn ra riêng và bắt đầu tìm lẽ sống, tìm chỗ dựa cho cuộc đời mình. Tôi không u sầu, nghĩ rằng mình bị chồng bỏ nữa, tôi tiếp tục tập thể dục thẩm mỹ, chăm sóc vóc dáng bên ngoài, học thêm về Kế toán.

Tôi giỏi toán từ bé, làm việc cho công ty tài chánh Montreal, được bạn bè trong hãng thương mến. Người thương mến đặc biệt là Vince, giám đốc của tôi. Vince hay nhìn tôi say đắm, khi biết tôi đã có chồng, anh cười méo xẹo che giấu đau khổ !

 Tuy không mơ mộng nghệ sĩ nhưng tôi cũng có trực giác của người đàn bà, biết ai thích mình, biết tình cảm nghĩa là gì, biết làm sao để được lòng người khác. Tôi xin gặp Vince tại văn phòng, vừa khóc vừa trình bày chuyện riêng, xin phép nghỉ 2 tuần để lo việc nhà và bớt căng thẳng. Công việc hãng đang thời kỳ cao điểm, nhưng Vince chấp thuận không nài ép. Dĩ nhiên anh tới lui thăm viếng thường xuyên, và tôi đã bằng lòng lấy anh.

Đám cưới chúng tôi khá lớn, vì Vince có tiền và thích được nhiều người biết anh đã lấy vợ. Anh bảo anh luôn ước mơ có được cô vợ Á Đông dịu dàng, khéo léo như tôi. Anh sắp xếp tất cả chu đáo, trước ngày đám cưới, anh chỉ yêu cầu tôi ký tên vào tờ giấy xác nhận không đụng tới tiền bạc, tài sản của anh kiếm được trước đây, nếu có ly dị. Biết là người Canada luôn thực tế như vậy, biết là Vince rất thẳng thắn với những con số, nhưng tôi vẫn thất vọng và đau lòng lắm, dù tôi không cần tiền của Vince. Tới non nước này tôi làm gì được nữa, tôi ký tên mà lòng mặn đắng. Chữ ký vào văn kiện này không ảnh hưởng cuộc đời tôi bằng chữ ký vào tờ hôn thú với Vince, mà sau này tôi mới nhận ra.

Chúng tôi sống tương đối hạnh phúc, Vince rất lịch sự chiều chuộng tôi, nhưng tôi phải vượt qua tập tục của 2 nền văn hóa, của sở thích khác nhau, phải tập nấu và ăn thức ăn Tây với Vince (tôi vẫn vốn kén ăn). Tôi ép lòng ăn mặc thật đẹp đi với Vince tới những dạ hội sang trọng, ồn ào. Nếu được chọn lựa, tôi chỉ thích ngồi yên ngắm biển cả. Tôi làm việc thật hăng say trong hãng, lên chức thật nhanh không vì sự bảo bọc của Vince, vì tôi đã thuyên chuyển qua chi nhánh khác.

Rồi bé Vivian ra đời. Tôi yêu cháu, sống vì cháu, vui vì cháu. Cháu đẹp, khôn ngoan trước tuổi, nhạy cảm và lãng mạn. Cháu học dương cầm rồi chuyển qua đàn tranh, đàn vĩ cầm, nhạc khí nào cũng giỏi. Cháu biết hát tiếng Việt chỉ nhờ xem phim video, vì tôi không dạy cháu hát được ngoài những bài ca thiếu nhi bập bẹ thuở còn bé. Vince cũng khuyến khích tôi học dương cầm, mướn thầy thật giỏi về dạy riêng cho tôi. Tự nhiên lúc sau này tôi cũng mềm lòng, thích nghe nhạc, thích đàn và hay khóc. Nhưng tôi không học nhạc lâu với Chris được, vì ông không đứng đắn. Ông không nể sợ Vince dù Vince là bạn thân, đã thẳng thắn tán tỉnh, có hành động sỗ sàng với tôi. Tôi nghỉ học đàn với Chris ngay, từ từ sẽ kiếm một bà giáo già cho chắc ăn.

Điều đáng nói là chỉ sau khi lấy Vince chừng vài tháng, Minh đã xin hẹn và gặp riêng tôi tại một quán cafe. Minh cho biết Phương Thi đã tìm được cha ruột của đứa bé, và không bắt tội Minh nữa. Thử nghiệm DNA cũng đã xác nhận chuyện này. Minh xin tôi hãy tha thứ và trở về với anh, anh cần tôi hơn bao giờ. Bài toán rắc rối hơn, đáp số không đơn giản. Tôi suy nghĩ thật nhiều. Bây giờ tôi đã hiểu và thông cảm cho Minh, biết anh chỉ là nạn nhân. Nhưng tôi không thể kiếm chuyện ly dị với Vince được. Tôi hối tiếc cho sự nông nổi, nóng nảy của mình. Tại sao tôi không cho Minh cơ hội, thời gian? Tại sao tôi không nghĩ tới chuyện thử nghiệm DNA? Tại sao không có ai giúp tôi khi tôi phải làm thật nhanh bài toán hôn nhân?

Tôi bỗng nhớ ra, vì tự ái, vì hờn ghen, tôi có mở miệng nói cho bất cứ ai biết chuyện của mình để có người giúp đỡ, cho ý kiến đâu ! Tôi luôn tin mình thông minh, lanh lẹ và có quyết định đúng. Sự ghen tuông, tự cao, không chấp nhận sai sót đã làm hại tôi thật nhiều! Nếu tôi không biết mình đẹp, nếu tôi có lần vấp ngã và thông cảm với sự thất bại, yếu đuối, chắc tôi đã hiểu biết và dễ dàng tha thứ, chấp nhận hơn. Như thế chắc cuộc đời tôi không đến nỗi khó xử như thế này!...

Lúc sau này Vince hay đi vắng, anh say sưa trong công việc, thích đi diễn thuyết về thị trường chứng khoán, về kinh nghiệm tài chánh… Anh rất nhạy bén với thời cuộc, một biến cố xảy ra ở Trung Đông, một chuyện tình lăng nhăng của giới dầu hỏa cũng đủ để làm anh suy luận và đoán biết được giá cả lên xuống của đồng đô-la, của stock. Anh mua, bán stock mê mải và rất may mắn, thành công! Anh đã có tiền, có vợ đẹp, có con khôn, anh cần danh tiếng, thích những tràng pháo tay khen ngợi, cần những bài báo nhắc tới tên anh…

Anh đi vắng ngày thật nhiều, những đêm cô đơn trong phòng rộng, tôi chỉ biết xem phim ca nhạc và âm thầm rơi nước mắt. Có những bài hát trước đây tôi cười, chê là cải lương, là nhạc sến, nhưng bây giờ tôi lắng nghe và thương cảm thật nhiều. Tôi ngạc nhiên thấy mình thích hát, thích thơ, dù ít khi nào ca hát xưa nay. Minh cũng đã trở thành ca sĩ có tiếng, không phải chỉ đi hát thiện nguyện cho cộng đồng như trước đây. Tôi đã khóc thật nhiều khi bắt gặp Minh trên màn ảnh với sáng tác của chính anh:

Một lần lầm lỗi
Mất em suốt đời
Làm sao đủ lời
Để tôi trách tôi...

Tôi bắt đầu khó ngủ, mệt mỏi, không say mê với công việc trong hãng nữa. Vài người bạn khuyên tôi nên bỏ việc công ty, lắng đọng nghỉ ngơi và làm việc thiện nguyện cho cộng đồng người Việt, nhưng tôi còn ngại ngùng lắm. Tôi sợ người ta biết chuyện, tôi sợ người ta cười mình. Tôi ghi danh giúp Red Cross, Daily Food Bank, lòng vẫn còn trống vắng, sợ thì giờ thừa thải, cô đơn.

Có lần tôi ngủ khó, lăn lộn nên bị té xuống khỏi giường. Vince ôm tôi lên giường, tôi trêu anh:
- Tại anh không ôm em, nên em mới té như vậy!
Vince trả lời rất thành thật:
- Anh muốn ôm em lắm chứ, nhưng em bảo em ngộp không thở được mà.
Tôi giật mình, Vince nói đúng. Trong tiềm thức, tôi đã từ chối sự ôm ấp, ân ái của Vince, tôi chỉ chấp nhận như bổn phận, và tránh né nếu có thể. Tôi vẫn nhớ vòng tay ôm của Minh và thương tiếc cho tình vợ chồng tuy ngắn ngủi nhưng nồng nàn và tràn đầy yêu thương.

Trong trái tim tôi, Minh vẫn hoàn toàn chiếm hữu. Tôi hoảng sợ khi nhìn ra vấn đề, và tránh né chính mình thật nhiều. Tôi tiếp tục vùi đầu vào công việc, tôi biết mình có lỗi với Vince, và cố gắng hết sức để tránh xa những cơ hội có thể gặp lại chồng cũ.

Thỉnh thoảng tình cờ gặp Minh, tôi xót xa vì thấy anh gầy còm, đơn độc. Tôi thấy mình quan tâm đến Minh, đến các câu bình phẩm, các bài báo, chi tiết có liên hệ tới Minh. Tôi nửa thích người ta khen anh hát hay, sáng tác giỏi, nửa bực bội vì chắc chắn có nhiều cô, nhiều bà ái mộ anh. Có lần anh hát bài “Say”, MC phỏng vấn anh, anh trả lời : từ lâu và có lẽ đến hết cuộc đời, anh sẽ không bao giờ đụng tới 1 giọt rượu nữa! Tôi tin Minh rất thật lòng trong việc này, và tôi lại khóc…

Tôi chiến đấu khổ sở với chính mình, tôi ra lệnh cho tôi không thể gây thêm rắc rối, khó xử. Bài toán cuộc đời phải chính xác hơn, tôi phải chịu trách nhiệm về việc làm, quyết định của mình, dù niềm đau có về vô tận…

***
Vivian đã lớn, có xe riêng (quà sinh nhật của Vince cho con), có cuộc sống riêng, không cần tôi đưa đón nữa. Dù gần gũi cháu nhưng tôi vẫn thấy mình mất mát, xa cách cháu dần. Vi thích ca hát, thích sinh hoạt với hội học sinh Việt Nam trong trường. Một ngày Vi hỏi tôi về sự tích Trọng Thủy & Mỵ Châu. Tôi say sưa kể cháu nghe thiên bi hùng sử này, về tình yêu trong hoàn cảnh chiến chinh, về chữ Tình và chữ Hiếu, về sự trăn trở của Trọng Thủy khi nhảy xuống giếng tự tử. Tôi vô cùng sửng sốt khi Vivian nói với tôi:
- Mẹ ơi, nếu có cái giếng ở đây, con cũng muốn nhảy xuống mà chết!
Thì ra Vi đã thầm yêu một bạn trai VN trong trường - Chấn lại chính là cháu ruột của Minh. Thế giới đông người, nhưng sao lại quá nhỏ bé!?! Chấn không yêu Vi, Chấn chỉ thích 1 cô gái VN khác trong lớp, và cô gái này đã được chọn đóng vai Mỵ Châu với Chấn là Trọng Thủy. Vi đẹp, khôn ngoan, giỏi tiếng Việt, nhưng Vi không thể đóng vai Mỵ Châu được vì Vi là một đứa con lai. Tôi khóc với Vi, tôi đau khổ với Vi, tôi hiểu yêu thương là gì, tôi biết thất vọng có thể dẫn tới những hậu quả nào. Tôi khuyên can, an ủi cháu thật nhiều. Hy vọng thời gian và sự trưởng thành sẽ giúp Vi.

Cuộc sống sao quá nhiều phức tạp, đau khổ? Vi có tất cả, nhưng Vi lại thua thiệt trong tình yêu đầu đời. Nhìn bên ngoài, ai không thấy Vi là một cô gái tràn đầy may mắn, hạnh phúc? Một đứa bé xấu hơn, nghèo hơn, kém thông minh hơn chưa chắc đã phải nghĩ tới cái chết. Tình yêu nghĩa là gì, đau khổ bắt đầu từ đâu? Vật chất đem lại được gì cho hạnh phúc? Thử thách dẫy đầy, chuyện rắc rối sẽ không biết từ đâu đưa tới, biển có bao giờ ngưng tuôn sóng vỗ mênh mông? Con thuyền đời có bao giờ luôn mãi dừng ở bến bờ bình an, hạnh phúc? Làm sao để sống tốt, cho nhau niềm vui trong hoàn cảnh hiện tại, giúp nhau sống còn qua những khó khăn, thử thách?...


Tôi và Vi bắt đầu tìm hiểu về Chúa, học về sự thứ tha, hy sinh, chăm chỉ đi nhà thờ, tìm sự an ủi nơi Đấng Toàn Năng. Tôi cũng đọc sách Thiền, tập hạn chế lòng sân si, thích câu hát “yêu người độ lượng”.

Tôi đã trưởng thành và chấp nhận cuộc sống hiện tại. Tôi không thể làm Vince đau lòng, tôi không thể làm Vi chấn động, Vi cần một người cha, cần một mái ấm gia đình. Tôi không còn chọn lựa nào khác. Tôi có đi tìm, bài toán cũng không thể có đáp số thứ hai. Vi sẽ quên đi tình cảm đầu tiên kém may mắn. Cuộc đời còn lâu còn dài, còn biết bao điều phải suy nghĩ, phải chấp nhận, và sẽ còn nhiều cơ hội. Tôi sẽ dạy để cháu hiểu nhiều về sự tha thứ, lòng thông cảm, và ước mong cháu có được cuộc sống thật đẹp, thật tốt, dù cháu có lãng mạn và yêu người nghệ sĩ.

Mỗi khi rảnh rỗi, tôi hay ngồi một mình bên dòng sông vắng gần nhà để nhớ về biển, về Minh, về tình yêu một đời không bao giờ tàn phai trong trái tim chúng tôi. Tôi thật sự mong Minh tìm được một người vợ, một người yêu khác để Minh sống vui quãng đời còn lại. Tôi mỉm cười và tin mình không còn ghen tương, nông nổi nữa! .
Hãy học lấy tình bao dung, thứ tha của Chúa. Hãy thả lòng mênh mang như biển, để nước cuốn trôi đi những tị hiềm, ghen tức. Nếu tôi có khóc, cũng chỉ là những dòng nước mắt thương yêu, để thương cảm cho cuộc đời, để hiểu rằng con người còn đầy yếu đuối, cần được đỡ nâng. Tôi cố gắng làm việc thiện nguyện, vui trong bổn phận, giúp đỡ mọi người, góp phần bé nhỏ làm cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn, dù trong hoàn cảnh nào.

***
Hơn 20 năm sống trên xứ người, trước những câu phỏng vấn về sự thành công trong tiền bạc, sự nghiệp, cách làm việc, tôi đã trả lời rất trôi chảy, sáng suốt.

 Chỉ đôi khi tôi tự hỏi lòng mình, mình đã thật sự thành công hay thất bại ? Nếu có thể làm lại, undo một việc trong đời, tôi sẽ làm việc gì? Câu trả lời chỉ riêng tôi biết...

(Một chuyện tình đẹp quá !)

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Đám cưới con của bạn

Bạn hỏi tôi  muốn đi dự đám cưới ở Saigon hay Bảo Lộc ?

Thôi thì dự đám cưới ở Saigon vậy, đi với chồng cho có đôi vì cũng ít khi có dịp đi chung. Mối quan hệ của ai người ấy lo, chỗ thân tình mới đi cùng một lượt.

Nhớ ngày nào hai đứa còn là học sinh ở thành phố Dalat sương mù, thành phố mộng mơ của tình yêu, của tuổi vừa lớn, chúng tôi ít nhiều cũng có một tình yêu đầu đời, một thứ tình yêu nhẹ nhàng, trong sáng, dù tình nhỏ nhưng làm sao quên ?

Nhớ những lần bạn viết thư cho tôi, nỗi nhớ Dalat vẫn đong đầy qua từng năm tháng. Bạn biết không ? Tôi đâu có khác gì. Dalat đã trở thành một phần đời của chúng mình từ ngày ấy.

Vậy đó, 48 năm cho một tình bạn.
Hôm nay là đám cưới Thiên, con trai bạn.
Hai đứa mình ngồi bên nhau, đứa nào cũng đẹp, nụ cười đứa nào cũng xinh.

Con trai bạn hiền lành, cao lớn, nó thừa hưởng chiều cao của cha, nét đẹp của mẹ. Con gái người ta thật biết nhìn người.

Chúc mừng bạn thật nhiều nhé Len
Ngày 21/4/2018 !



Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Nỗi lòng người chăn chiên

Tình thương thúc đẩy, chàng chuẩn bị lương thực, với cây gậy gỗ, chàng dẫn chiên lên đường. Ðường lên núi chỉ có mình chàng.  Trên trườn núi mênh mông, chàng tiếp tục đi, can đảm.  Chàng chỉ có một niềm vui: tình thương cho bầy chiên.  Bầy chiên gặp cỏ non thì hớn hở.  Chúng ham ăn, quên người chăn.  Chàng ngồi đó, trên bờ đá.  Ánh nắng làm bóng chàng đổ dài trên nền cỏ.

Nghĩ đến những ngày sắp tới dài dằng dặc.  Có thể là mưa.  Có thể là gai góc.  Và có thể là mệt mỏi.  Chàng ngần ngại cho cuộc sống.  Nhưng còn bầy chiên thì sao?  Tình thương dành cho bầy chiên lại níu kéo chàng về với bổn phận.  Cõi lòng chàng, can đảm, trìu mến lại trải rộng theo bầu trời.

Chàng chấp nhận tất cả sương gió, nguy hiểm, vì bầy chiên.  Chàng chấp nhận hy sinh, nỗi vắng và nỗi đắng vì bầy chiên.  Nhưng bầy chiên chẳng biết nỗi lòng chủ mình.  Chúng cứ thản nhiên như lạnh lùng với chủ.

***********************************
Sau những ngày đầu bình yên. Chàng đã nghe tiếng sói rừng sủa văng vẳng đâu đó.  Bây giờ là chiến đấu với giao tranh.  Ðêm đêm, chàng thức giấc một mình nhìn núi lặng lẽ mà nghe xao xuyến.  Riêng chiên cứ ngủ yên vô tư.  Mỗi khi gió trời chuyển mưa là chàng ướt lạnh.  Lạnh cả thân xác và lạnh cả tâm hồn vì yêu thương chiên.

Sói đã đến vào một tối.

Chiến đấu nào mà không cam go.  Bởi thế, chẳng mấy ai là người chấp nhận gian nan vì kẻ khác. “Kẻ làm công thì không màng đến chiên, khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy trốn.  Chỉ có người chăn chiên thương chiên mình thì mới thí mạng sống vì chiên” (Yn 10,1-14).  Chàng chiến đấu bảo vệ chiên.  Chân rướm máu vì núi đá.  Tay ê ẩm vì phải chống cự.  Trận chiến nào cũng có phần thua thiệt.  Lời Kinh Thánh đã loan báo: “Cứ chủ chiên mà giết thì đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31).  Biết thế, sói tấn công chàng, sói muốn ăn thịt chiên.  Nỗi đau của chàng không phải là thương tích chàng phải mang, mà là những tiếng kêu của chiên con bị thương.  Nhìn vài con chiên nhỏ phải đi tập tễnh, lòng chàng như tơ chiều chùng xuống.  Thương yêu quá đỗi.  Chiên thì chẳng biết tâm sự chủ mình.  Chúng cứ vô tư.

Ðó có là tâm tình của Chúa đối với con người?

***********************************
Người chăn chiên biết đâu là cỏ non.  Nơi nào có suối trong lành.  Chiên chẳng biết gì.  Nhưng làm sao để chiên nghe lời chủ.  Ðấy là nỗi khổ tâm của người chăn chiên.  Ðó là nỗi khổ tâm của Chúa đối với nhân loại.

Khi chợt thấy bãi cỏ xanh trước mắt, mầu xanh quyến rũ.  Bầy chiên nôn nao ùa tới.  Cũng như con người trong lúc hoang vu, buồn chán, chợt thấy bóng hạnh phúc mờ ảo, cứ ngỡ là cơn mưa tươi mát, đã sa ngã.  Người chăn chiên thì biết đám cỏ xanh kia tuy có đẹp nhưng nó mọc trên đám bùn, nơi đó đầy đỉa độc và rắn xanh.  Nếu chiên đến ăn sẽ sa lầy, sẽ bị đỉa cắn, sẽ bị rắn độc giết chết.  Ðằng sau mầu xanh đẹp mắt là thuốc độc.  Nhưng chiên đâu biết thế.  Chiên cứ muốn xuống.  Chiên chẳng nghe lời chủ.  Và người chăn chiên se sắt cõi lòng khi thấy chiên mình chết.

Chúa cũng vậy, bao lần con người đã đi tìm hạnh phúc giả trong tội lỗi.  Những hạnh phúc giả vì bất trung trong tình nghĩa vợ chồng.  Những hạnh phúc giả vì gian tham bất chính, vì những rung cảm trái phép.  Chẳng ai muốn hạnh phúc giả.  Chỉ vì lười biếng đi tìm hạnh phúc thật nên thấy bất cứ đám cỏ xanh nào cũng chạy lại.  Chúa biết rõ đâu là hạnh phúc đem bình an.  Chúa cản ngăn và con người đã than trách.  Chúa đau lòng.  Nhưng biết làm sao.  Vì thương chiên mình nên vẫn phải ngăn cấm.  “Chúa thương ai Người mới sửa dạy, Người nhận ai làm con, Người mới cho đòn.  Vì còn gì là con nếu người cha không dạy” (Hr 11,5-10).  Sửa dạy thì có đau đớn.  Nhưng nếu không sửa dạy thì người cha không còn là cha nữa.

***********************************
Trên đường dẫn chiên đi, bao lần chiên kêu gào oán than chủ.  Chiên cứ muốn dừng nghỉ, nhưng chủ biết phải đi nữa mới có cỏ tốt, suối lành.  Chủ cũng biết chẳng mấy chốc nữa mùa đông lại về.  Phải vội vã mà lên đường.  Chiên nào có hiểu vậy.  Chúng mỏi chân.  Chúng chán nản.  Nhìn lịch sử cứu độ, khi Maisen dẫn dân qua sa mạc về Ðất Hứa, đã chứng minh rõ ràng điều đó.

Cũng trên đường đi ấy, có những liên hoan của bầy chồn, bầy heo đứng ca múa bên đường.  Có những con chiên nghe tiếng cười đùa của bầy chồn, vui tai, xuôi lòng muốn ở lại.  Nhưng chủ biết rằng nếu con chiên nào ở lại với bầy chồn, bầy cáo, chúng sẽ suốt đời cô đơn.  Bầy chồn sẽ chẳng bao giờ săn sóc chúng, mà chúng phải nô lệ bầy chồn.  Trên đường đời của con người cũng thế.  Bao lần đi với Chúa, những tông đồ của Chúa đã muốn rẽ lối, phân vân ở ngã ba đường.  Họ thấy con đường theo Chúa sao mà dài.  Họ chẳng thể nhìn thấy đồi cỏ ở xa xa.  Họ muốn theo lối rẽ để ở lại vui chơi theo tiếng mời gọi của thần tượng ảo ảnh.  Trên đường về Ðất Hứa, dân Chúa đã bao lần than trách Maisen, họ đã dừng lại để thờ các tượng thần mà họ nghĩ là sẽ cho họ khoái lạc.

Sói rừng bao giờ cũng khôn ngoan.  Chúng mang bộ mặt của những con thỏ hiền từ.  Chờ chiên đến gần, chúng sẽ vồ bằng răng nhọn.  Chúng đứng bên đường nhởn nhơ nô đùa.  Bầy chiên phải theo chủ hoài thì nản lòng, muốn bỏ đồi cỏ xanh ở đàng kia.  Chúng muốn đến làm bạn với bầy sói.  Riêng chủ thì biết đằng sau tiếng cười là nước mắt.  Bên này là nỗi vui, bên kia là chết chóc.  Người chăn chiên thương chiên mình thì phải ngăn cản.  Nhưng bầy chiên đâu hiểu thế.  Không nghe lời thì người chăn chiên phải dùng roi mà đánh.  Mỗi vết roi là lòng chủ lại thêm đau.  Tâm hồn chủ chiên thì tan tác mà chiên cứ oán than.

Ðời người cũng vậy.  Có người cha nào không lo âu khi thấy con mình đùa với vực thẳm.  Chúa biết con người nghèo đói hạnh phúc.  Chúa biết trong thực tế, cuộc sống của con người có nhiều nỗi đắng, con người dễ bị cám dỗ ăn những đám cỏ dại.  Chúa biết con người không muốn bị sửa trị vì có đau đớn.  Biết vậy, Chúa đã căn dặn: “Bị sửa phạt thì chẳng có vui, chỉ có buồn, nhưng nhờ đó mà được luyện tập và về sau mới thấy sinh lợi: tức hoa quả của bình an” (Hr 11,11).

***********************************
Tuy nhiên vẫn có những con chiên bỏ đàn, ở lại với bầy chồn, bầy cáo và nhận quê hương đó làm của mình.  Ðã bao lần Chúa ngậm ngùi xót thương mà chẳng làm gì được.  Khi một tâm hồn muốn bỏ chiên đàn mà đi, Chúa xót thương cho Chúa vì đã mất một người con.  Ðể cứu vãn, Chúa dùng gậy mà đe dọa.  Nhưng Chúa không thể đánh chết chiên mình được.  Nó quyết định đi thì Chúa chỉ biết đứng nhìn, nuối tiếc mà thôi.  Người chăn chiên thật thì thương chiên của mình.

Người chăn chiên bao giờ cũng khôn ngoan.  Biết nơi nào có thể cho chiên dừng nghỉ, uống nước. Người chăn chiên biết từng con suối: “Ta đến để chiên Ta có sự sống và có một cách dồi dào” (Yn 10,10).  Khi bất hạnh làm con người khổ thì bất cứ an ủi nào cũng như suối trong.  Người ta dễ bị cám dỗ bỏ đời sống đức tin, muốn bám víu vào thú vui của trần thế.  Chỉ có Chúa thấy rõ, đấy không phải là bóng mát hạnh phúc, suối trong bình an.  Ðấy chỉ là bóng đen của những cơn mưa sắp đổ xuống.  Thay vì phải đi nhanh, phải chạy trốn, con người lại muốn ẩn trú trong những bóng đen ấy.  Rồi từ đó, bất hạnh lại nẩy sinh bất hạnh.  Túng thiếu lại nẩy sinh túng thiếu.

Vì bản tính của chiên là chiên, nên những con chiên bỏ đàn đi, nó sẽ chẳng bao giờ tìm được căn tính của mình.  Từ đó, cuộc đời sẽ trôi dạt, hạnh phúc sẽ là những bóng mây chợt qua.  Khi tôi lìa xa Giáo Hội là đàn chiên Chúa, tôi sẽ thao thức, bất an.

***********************************
Trên đường đi đến đồng cỏ, chắc chắn sói sẽ đến.  Chắc chắn có giao tranh, Nhưng hạnh phúc của bầy chiên là chủ chiên không bao giờ bỏ bê.  "Chiên của mình, Ta gọi tên từng con một" (Yn 10,3).  Sói rừng chỉ bắt được những con chiên bỏ đàn đi rong chơi một mình.  Giáo Hội là nhiệm thể có lửa của Chúa Thánh Thần sưởi ấm.  Những viên than nằm riêng rẽ chẳng bao lâu gió sẽ làm nguội tắt.  Nó tự làm cho đời sống mình nên khô cằn và cũng làm cho bếp than kém hồng vì mất đi một phần tử.

Cũng trên đường đi đến đồng cỏ, núi đá có thể làm đau chân chiên con.  Nó có thể mang thương tích và chẳng thể kịp với đàn chiên.  Nhưng chỉ cần cất tiếng kêu là chủ sẽ đến và bồng nó trên vai mà dẫn đi.  Người chủ thương chiên mình thì chẳng bao giờ vì chiên con yếu đuối không đi kịp đàn chiên mà bỏ rơi nó.  Chủ chiên hãnh diện vì những con chiên khỏe mạnh nhưng lại thương những con chiên bé bỏng, yếu sức.  Chúa cũng vậy, một tâm hồn mang nhiều thương tích là tâm hồn được Chúa yêu thương đặc biệt: "Có cần lương y, hẳn không phải là người lành mạnh, mà là người đau ốm" (Lc 5,13).  Khi người ta trách Chúa tại sao lại ngồi chung bàn ăn với người tội lỗi.  Chúa đã trả lời như thế.  Câu trả lời ấy cho tôi nhiều an ủi.

Trong cuộc sống, Chúa chẳng bao giờ quên những tâm hồn lạc lõng. "Ai trong các ông giả sử có một trăm con chiên và lạc mất một con, há người ấy lại không bỏ 99 con còn lại mà đuổi theo con lạc cho đến khi tìm ra con chiên lạc đó sao?" (Lc 15,4-7).  Chính vì thế mà Chúa đã đến.  Chỉ cần cất tiếng kêu, Chúa sẽ đến như người chăn chiên bồng chiên mình trên vai mà đi.  Trong vòng tay chủ chiên, con chiên đã mang thương tích sẽ được ngủ bình yên vì người chăn chiên quá thương nó.

Người chăn chiên mừng vui biết bao khi tìm thấy chiên mình.  Nhưng nếu chiên không về thì sao?
- Nỗi nhớ thương sẽ hằn sâu trong tim và người chăn chiên sẽ mãi mãi thao thức.  Sợ nó chết trên đường cô độc, người chăn chiên sẽ dõi theo vết chân nó, vì nó vẫn thuộc đàn chiên mình.

Ðó là nỗi lòng của Chúa, người chăn chiên tốt lành.

(Lm Nguyễn Tầm Thường -  trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc)