Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Thanksgiving

 
Lễ Tạ Ơn còn gọi là Thanksgiving.

Ngày lễ nghỉ để mọi người ăn mừng, Tạ Ơn Thượng Đế đã cho chúng ta đến bến bờ tự do, được sống trên nước Mỹ, một xứ sở đầy lòng nhân hậu, tự do phát biểu, con người được tôn trọng, nhân phẩm con người không bị chà đạp, được là công dân Mỹ, được luật pháp bảo vệ. Để tỏ lòng biết ơn Nước Mỹ, cảm ơn cuộc sống đầy đủ tiện nghi mà nước Mỹ ban tặng chúng ta, gia đình chúng tôi luôn ghi nhớ và cảm tạ ơn trên , cảm tạ nhau thật lòng vào bữa ăn tối, cảm ơn về tất cả những gì đã làm cho nhau trong suốt năm qua.

Mỗi năm, sau ngày Halloween là tôi luôn nghĩ ngay đến lễ Tạ Ơn, một ngày lễ mang nhiều hồi tưởng trở về, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đều hiện ra ngay trước mắt, ngỡ như vừa hôm qua, lòng tôi thầm cảm ơn Thượng Đế đã ban cho chúng tôi cuộc sống hôm nay và những gì chúng tôi đang thụ hưởng.

Ngày rời Quê Hương, vài câu tiếng Anh bập bẹ, nghe cũng chẳng hiểu họ nói gì, ba cái vali, vài túi xách làm hành trang nơi xứ người, bỏ lại sau lưng tất cả người thân, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, lối xóm, mái nhà thân yêu, trường học, nơi tôi làm việc, đường đi lối về, chỉ trong chớp mắt khi máy bay dần cất cánh bay lên cao, bỏ lại một trời yêu thương, mơ mộng, tất cả chỉ còn ghi khắc trong tim, biết mình ra đi, nhưng không biết bao giờ trở lại, vui buồn lẫn lộn.

Thế rồi ngày tháng trôi, nơi xứ lạ quê người, làm thân lữ khách, văn hoá, phong tục tập quán, sinh sống, thời tiết, ăn uống đều phải thay đổi, làm lại từ đầu, khó khăn nhất là ngôn ngữ, nghe mà chẳng hiểu họ nói gì ngoài dăm chữ : hi, thank you, sorry, yes, no...

Thế rồi nước mắt nhớ nhà, nhớ Quê Hương, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, nhớ góc nhỏ trong căn nhà cũ, tiếng rao hàng buổi sáng của bà bán cháo sườn, tiếng bà bán xôi, các món ăn Việt mà con cái , cả nhà tôi yêu thích, biết bao trở ngại không hoà nhập kịp với cuộc sống mới, tôi đã khóc một dòng sông mỗi khi đêm về.

Bên đây thời gian qua thật nhanh, trôi vun vút không như Saigon, phải vừa làm vừa học để mau hoà nhập vào cuộc sống bên Mỹ, tôi không tập đi mà luôn bước vội vã, chạy vài bước cho kịp mọi người, tôi nghĩ thôi chay luôn cho nhanh, nếu té thì phủi rồi chạy tiếp, cái gì cũng phải học , phải thi có bằng cấp mới đi làm, may mắn tôi không té, chỉ vấp chút là chạy luôn cho kịp cuộc sống mới, chắc lúc ấy chúng tôi còn trẻ, mới bốn mươi, còn hăng hái và nhiều dũng cảm, Tạ ơn đời.

Hôm nay,  sau hai mươi mốt năm nhìn lại, đã một phần ba cuộc đời, vì bài hát 60 năm cuộc đời làm tôi thấy cuộc sống đã viên mãn, ngoài 60 tuổi, mỗi ngày tôi nhận thêm chính là quà tặng của Thượng Đế.

Tôi phải chắp tay cảm tạ Thiên Chúa, cảm tạ nước Mỹ, giấc mơ của biết bao con người mong đặt chân đến nước Mỹ, nơi không lo lắng về cơm ăn, áo mặc, mọi người ai cũng được chính phủ trợ cấp đầy đủ nếu thu nhập thấp, người già, thất nghiệp hay có con nhỏ. Thực phẩm không độc hại giết người, không lo bị giựt phone trên tay khi đang nói, hay đeo bóp ví lang thang trong shopping, ngoài đường phố.

Cám ơn Nước Mỹ đã cưu mang gia đình chúng tôi, ngày đầu tiên đến Mỹ, nhìn dòng xe chạy trên Freeway (đường cao tốc)  tôi nhắm mắt lại vì sợ hãi, hôm nay chúng tôi mọi thành viên trong gia đình cũng hoà vào dòng xe, đi khắp mọi nơi, ngày đó căn nhà thuê trống rỗng, phòng khách chỉ có một cái bàn và một cái ghế do anh bạn mang đến cho dùng tạm, chồng tôi ngồi ghế thì anh bạn leo lên bàn, tivi anh đang xem cũng mang đến cho, cùng nhắc lại kỷ niệm với nhiều bồi hồi xúc động. Ngày ấy chúng tôi chưa học lái xe, chính anh đã chở các cháu đi học, trời lạnh đi bộ thì chết cóng vì ở Việt Nam mới sang chưa quen khí hậu, cảm ơn anh, tên anh là Thuận, cám ơn anh đã giúp chúng em cái thuở ban đầu đặt chân trên nước Mỹ.


Cám ơn chiếc xe là đôi chân cho tôi đi làm, đi chợ, đi khắp nơi.
Cám ơn tôi có việc làm, cám ơn khách hàng yêu mến đã ủng hộ tôi khi tin tưởng giao cho tôi mái tóc, cắt, chải, nhuộm làm đẹp cho quý vị, đã cho tôi một thuở huy hoàng.
Cám ơn nền văn minh thế giới, cám ơn các hãng phone giúp chúng ta xích lại gần nhau, chỉ một cú phone nhìn thấy mặt, nghe được giọng nói mà không phải tốn công và thời gian bay về, mỗi ngày tới hẹn chúng tôi lại gọi thăm nhau chỉ để nghe tiếng cho đỡ nhớ, nhiều khi gọi mà cũng không biết nói gì, thật hạnh phúc biết bao khi thế giới văn minh, xa nửa vòng trái đất mà giọng nói tiếng cười vẫn vang bên tai, xin tạ ơn đời.
Cám ơn cái phone luôn bên cạnh tôi, chuyển tải mọi thông tin khoa học, kỹ thuật, đời sống, chiếc phone gần gũi như người yêu và không biết làm tôi giận, thật tuyệt vời !
Cám ơn cái bếp và máy hút khói cho sạch mùi hôi, đã cùng tôi nấu ăn cho cả nhà.
Cám ơn mảnh vườn hoa trái, cám ơn bông hoa nở thắm sau nhà tô điểm cho cuộc đời nên thơ.
Cám ơn ông bà, cha mẹ sinh thành ra con.
Cám ơn các con đã ngoan ngoãn chăm chỉ học hành vâng lời cha mẹ, trở thành người hữu ích cho xã hội để trả ơn và đóng góp cho đất nước đã tạo cho chúng ta mọi điều kiện tốt, thay đổi toàn bộ đời sống chúng ta thành người tài ba.
Cảm ơn chồng yêu quý đã lo cho gia đình, là người cha, người chồng hiền hậu.
Cám ơn cháu ngoại đã cho tôi nụ cười, niềm vui trong cuộc sống và luôn yêu bà.
Cám ơn anh chị em, bạn bè, dù xa hay gần, hay ngay cạnh bên tôi, qua bao sóng gió, tình mất, tình còn, dù đến rồi đi, cũng xin tạ ơn người.

Để được như ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua biết bao sóng gió và thăng trầm, nhiều khi tưởng mình không vượt qua nổi những sóng gió của cuộc đời vì có quá nhiều bão tố.

Xin cảm ơn Thượng Đế đã ban cho con trời mới, đất mới và đời con cũng đổi mới, cho con sức khoẻ, một gia đình hạnh phúc và tình yêu rộng mở, đón nhận tất cả những gì Người ban dù vui hay buồn đều là Hồng Ân.

Thương mến chúc tất cả mọi người một Lễ Tạ Ơn vui vẻ và hạnh phúc bên người thân, "dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người."


Cali tháng 11/2014
Kim Dung


Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Có ai biết Tuấn không ?

Nhân Dụng

Chắc quý vị không ai biết Nguyễn Tuấn. Anh qua đời khi đang ngồi trong quán bánh ngọt tên là Jolly Donuts nằm ở góc Đại lộ Roscoe và Đường De Soto trong thành phố Los Angeles, nước Mỹ. Một chiếc xe hơi SUV cao và lớn đâm thẳng vào tiệm lúc anh đang uống cà phê, khoảng 10 giờ đêm ngày 4 tháng Mười năm 2014.

Khi chết đi, trong túi Nguyễn Tuấn chỉ có mấy tấm vé sổ số cũ, 350 đô la tiền mặt, và một điện thoại di động. Thi hài anh được đưa vào nhà xác thành phố, tạm ghi tên là John Doe No. 278. John Doe là cái tên chung đặt cho những người rõ họ, tên. Giống như lối người Việt gọi những người không rõ họ tên Nguyễn Văn Mỗ. Anh là tên Nguyễn Văn Mỗ thứ 278, trong số mấy trăm di hài vô thừa nhận trong nhà xác Los Angeles, một thành phố dân số gần 10 triệu.

Sở giảo nghiệm (Coroner) chắc đã nhờ cảnh sát hỏi nhân viên làm trong quán cà phê mà đêm nào anh cũng tới, biết người ta gọi anh là “Tuan,” họ “Nguyen.” Vậy chắc tên anh là Nguyễn Tuân hay Nguyễn Tuấn. Nhưng vì anh không mang giấy tờ nào, cũng không thấy thân nhân nào đến nhận diện, cho nên họ vẫn ghi cái tên John Doe No. 278. Dấu tay anh được đưa cho cảnh sát tìm thêm, nhưng họ tìm không thấy trong các hồ sơ lưu trữ. Cả đời anh chưa bao giờ bị bắt vì phạm tội. Có người cho biết tuổi anh, chắc sinh vào năm 1961. Sở Xe tự động (DMV) cho chạy tên Tuan Nguyen 1961 trong máy vi tính, hy vọng tìm ra các chi tiết khác. Máy cho biết có 623 người họ, tên tương tự. Nếu tìm trong hồ sơ của Sở Di trú chính phủ Mỹ, chắc có thể thấy những dấu tay giống của anh; vì khi một di dân vào nước Mỹ thế nào cũng được lấy dấu tay. Nhưng trước đây gần 40 năm chưa có máy vi tính để chứa được nhiều dữ kiện trong hồ sơ các di dân như vậy. Cuối cùng, trước pháp luật, anh chỉ là John Doe No. 278, vô danh.

Thi hài Nguyễn Tuấn đang được giữ trong phòng lạnh của thành phố, với vài trăm người khác. Người ta sẽ lấy mẫu sinh học DNA từ người anh, lưu giữ để sau này cần sẽ dùng. Trong thời gian từ ha đến sáu tháng, nếu không ai đến nhận, anh sẽ được hỏa thiêu, rồi đưa về cất tại nghĩa trang của Quận Los Angeles. Trong vài năm, nếu vẫn chưa ai tìm, tro của anh sẽ được đem chôn. Mỗi năm, vào tháng Mười Hai, thành phố sẽ làm một lễ cầu nguyện cho tất cả những người được chôn chung như anh. Tôi viết bài này để xin báo Người Việt đăng ngày 22 tháng 11 năm 2014, nhân dịp 49 ngày Nguyễn Tuấn. Để xin quý vị cùng cầu nguyện hương linh anh bước vào một cõi bình an vĩnh cửu.

Tôi biết đến Tuan Nguyen nhờ đọc ký giả David Montero, tác giả bài “Who was Tuan Nguyen?” Tuan Nguyen là ai? trên tờ Los Angeles Daily News, số ngày 25 tháng Mười. Anh Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, đã gửi bài ký hay cho tòa soạn cùng học hỏi. Montero đã tìm thêm, biết Tuan Nguyen là một người Việt trong số những thuyền nhân, “boat people” chạy khỏi nước Việt Nam trước đây hơn 30 năm.

Những người đầu tiên Montero phỏng vấn chắc là các nhân viên tiệm bánh, ai cũng nhớ Tuan Nguyen. Họ cho biết mỗi buổi tối anh đều tới quán đúng 9 giờ, trả một đô la mua ly cà phê. Anh cho rất nhiều đường và chỉ quấy sữa bột, không bao giờ dùng sữa lỏng. Anh ngồi ở một cái bàn nhất định, nếu chỗ đó có ai ngồi thì anh chờ tới lúc bàn trống mới vào. Lý do vì cái bàn đó gần chỗ cắm điện để anh “sạc” máy điện thoại di động. Vì cái máy đó mà mỗi đêm anh đến quán cà phê “sạc” điện. Buổi tối anh qua đời, cái máy vẫn còn chạc chưa đầy.  Chắc anh chỉ dùng cái cell phone để chơi “games,” các trò chơi điện tử. Trong máy không ghi lại một số điện thoại của người nào. Cũng không thấy số điện thoại nào gọi tới mà không gặp. Anh có rất nhiều bạn trong khu này; nhưng chắc anh không gọi cho ai bao giờ.

Tuan Nguyen sống không nhà, một người “homeless.” Mỗi ngày anh đi lượm lon, bán lấy tiền sống. Tối ngủ quanh quẩn trong công viên Canoga Park hay Winnetka Park. Ký giả Montero đã hỏi chuyện bà Lori Huynh, 77 tuổi. Bà biết Tuấn đã 20 năm nay; thân với nhau vì cùng trải qua cảnh vượt biển. Bà Huỳnh đi năm 1980 khi chồng bà còn nằm tù trong trại “cải tạo.” Chiếc thuyền chở 300 người chạy trốn chế độ cộng sản; tới được một hòn đảo ở Indonesia, bà đã sống ở đó sáu tháng. Bà Huỳnh kể lại nhiều cảnh hãi hùng. Năm 1986 bà mua lại một tiệm làm Nails.  Thấy một anh da vàng hay đi qua lại, bà làm quen, mời anh ly cà phê. Hai năm sau Tuấn mới thổ lộ, kể rằng cha mẹ anh đã chết hết trên biển; anh là người duy nhất còn sống sót.

Không biết gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển năm nào. Năm nay anh 53 tuổi thì chắc lúc đến nước Mỹ anh đã hơn 13 rồi. Tuấn kể với bà Huỳnh rằng cha mẹ anh từng làm việc tại “cơ quan điện nước” ở thành phố Sài Gòn. Gia đình sống trong khu chúng cư, một khu nhà đẹp đẽ thuộc lớp trung lưu, của sở. Anh đã học Trung học Petrus Ký lúc trường chưa bị đổi tên; vậy trước 1975 anh đã hơn 10 tuổi. Anh kể khi đi học anh giỏi toán. Nhiều người cũng nhớ lại trong túi đeo vai của anh lúc nào cũng có một cuốn sách, lâu lâu anh lại ngồi xuống vẽ các đồ biểu hay hình học.

Nhà báo Montero cũng gặp Ben Massaband, chủ nhân một tiệm giặt khô trong 32 năm qua, nằm bên cạnh tiệm Nails của bà Huỳnh. Lâu lâu Tuan Nguyen vẫn giúp ông đem thùng rác ra cho xe đổ rác lấy. Ông nói, “Tôi gặp Tuan Nguyen nhiều hơn gặp vợ con.” Cô Kate Leone là chủ nhân một tiệm thẩm mỹ gần đó; cô kể có lần Tuan Nguyen đã giúp cô mà không cho cô biết. Một tối Chủ Nhật cô Kate đóng cửa tiệm mà không vặn khóa. Tiệm nghỉ ngày Thứ Hai, đến sáng Thứ Ba cô tới mới biết mình đã quên. Sau khi kiểm soát khắp chỗ, thấy không mất gì cả, cô vào coi lại trong máy truyền hình tự động. Trong cuộn phim cô nhìn thấy anh Tuan Nguyen đã đứng gác trước cửa tiệm giúp cô cả ngày Thứ Hai; có lúc anh đi khỏi, khi quay về lại kiểm soát xem có ai mở cửa vào tiệm hay không. Cô Maria Avila là thợ hớt tóc, biết Tuan Nguyên rất nhiều, mỗi năm cô cắt tóc cho anh hai lần. Cô kể mỗi lần lại bảo cô cắt cho anh không lấy tiền, nhưng lần nào anh cũng từ chối, nhất định trả đủ 10 đô la. Cô vừa nói vừa khóc: “Tuan Nguyên nghĩ chúng tôi săn sóc anh ấy, nhưng thực ra chính anh đã chăm sóc cho chúng tôi.”

Một người bạn “homeless” của Tuan Nguyên là bà Brooke Carrillo, 42 tuổi. Năm ngoái bà bị mất nhà, vì mất việc rồi không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Mỗi Thứ Năm bà đến nấu nướng giúp nhà thờ, cung cấp bữa ăn cho những người vô gia cư khác. Tuan Nguyên tuần nào cũng tới, lần chót là hai ngày trước khi anh mất. Bà còn nhớ anh thích ăn mì spaghetti kiểu Ý và nước trái cây. Bà biết anh thường ngủ ở công viên Winnetka Park hoặc một chỗ kín đáo trên con đường đó. Bà Carrillo đang sống trong cái xe hơi cũ của mình, trên nóc xe chất đầy đồ, phủ mền kín. Hàng ngày bà cũng đi lượm lon. Bà cần tiền đổ xăng, vì phải di chuyển chiếc xe hơi trong những ngày đường cấm đậu xe. Bà nhớ lại có lần hết tiền mua xăng, Tuan Nguyên cho. Bà cũng khóc, “Anh ta là một người nhân từ, hào hiệp, không bao giờ làm phiền ai cả.”

Bà Huỳnh vượt biển đã bán tiệm Violet Nails từ năm 2007, sau khi quen Nguyễn Tuấn 20 năm. Bà đã dặn dò người chủ mới “phải trông nom cho Tuấn” như một điều kiện khi bán tiệm. Và những người chủ mới vẫn giữ lời; nghe tin anh chết, ai cũng khóc. Họ đem hoa tới đặt tại nơi xẩy ra tai nạn. Cách đây ít lâu, Tuan Nguyên trúng vé số, được 800 đô la. Anh đã đi mua hoa đến tặng tiệm Violet Nails và mua nước hoa tặng các cô nhân viên.

Ký giả David Montero, dưới tựa bài “Who was Tuan Nguyen?” đã viết thêm một dòng tự nhỏ: “Bạn bè kể lại niềm bí ẩn của người vô gia cư chết tai nạn xe hơi ở LA” (Friends unravel mystery of homeless man killed in LA accident).

Nhưng nhiều bí ẩn khác trong cuộc đời Nguyễn Tuấn sẽ không bao giờ được kể lại. Tại sao anh phải sống không nhà suốt mấy chục năm qua, trong khi nhiều thiếu niên cùng tuổi với anh đến tị nạn ở Mỹ một mình, các em đó vẫn sống  được, nhiều người đã thành công? Anh đã chứng kiến những thảm cảnh nào trong chuyến vượt biển, lúc 14, 15 tuổi Nguyễn Tuấn chỉ kể chuyện đời mình với bà Huỳnh sau hai năm quen biết, và bà kể lại rất ít chi tiết. Có phải vì anh vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lạ quá khứ hay không? Cái chết của cha mẹ anh, và bao nhiêu người khác trong chuyến đi đã ảnh hưởng tới tâm não anh thế nào? Anh đã trông thấy những gì, nghe những âm thanh nào trên mặt chập trùng gào thét? Nguyễn Tuấn mang theo những niềm bí ẩn đó xuống tuyền đài. Chắc hương hồn anh đã bay ngay lập tức về Biển Đông tìm gặp lại cha mẹ anh. Dân tộc Việt đã vác cây thánh giá trong bao nhiêu năm, hết cuộc chiến tranh lại đến chế độ độc tài tàn ác khiến mấy trăm ngàn người phải chết chìm trên biển cả khi chạy tị nạn. Nguyễn Tuấn vẫn một mình vác cây thánh giá đó bao nhiêu năm, cho đến ngày 4 tháng Mười năm 2014.

Nhưng có một điều rõ ràng, minh bạch, không bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Tuấn: Anh qua đời, tất cả những người quen biết anh đều thương tiếc – như David Montero kể. Không một ai nói một kỷ niệm xấu nào. Một người “không bao giờ làm phiền ai cả” như bà Carrillo nói về anh, đã khó kiếm. Nhưng Nguyễn Tuấn còn đáng ngợi khen hơn thế nữa. Anh nhân từ, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người chung quanh. Thấy có thể giúp được ai, là giúp, như một Hướng Đạo sinh tuân theo lời hứa thứ hai. Giúp một người chủ tiệm quên khóa cửa cho tới một người bạn homeless thiếu tiền đổ xăng; và chắc còn bao nhiêu người khác mà ký giả Montero không gặp. Nguyễn Tuấn sống một mình nhưng không cô đơn, vì lúc nào anh cũng nghĩ đến người khác. Anh sống vô gia cư nhưng có cả một gia đình lớn, là những người gặp gỡ hàng ngày, ai cũng quý mến anh. Anh tận tình giúp người mà không muốn nhờ vả ai, không chờ ai đền đáp. Anh giữ tư cách, không nhận người khác bố thí cho mình, dù chỉ là công cắt tóc trị giá 10 đồng. Khi có tiền, 800 đô la là một món tiền lớn đối với anh, anh không hưởng một mình mà đem chia sẻ niềm vui chung với những người tử tế quanh mình.

Nguyễn Tuấn đã theo một quy tắc cư xử mà loài người vẫn dậy nhau mấy ngàn năm nay: Sống đàng hoàng tử tế; người khác sẽ tử tế với mình. Cứ thế, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới gồm những người tử tế.

Một thiếu niên bơ vơ nơi đất khách quê người, không thân thích, không nơi nương tựa; chắc anh đã trả qua những thất bại lớn trong đời nên sống vô gia cư mấy chục năm nay. Nhưng khi qua đời anh vẫn được người khác kính trọng. Anh sống ở Mỹ, nhưng nếu sau khi vượt biển anh có lưu lạc đến xứ Zambia hay Equator thì chắc tư cách đàng hoàng của anh vẫn không thay đổi. Cha mẹ anh đã dậy dỗ thế nào để đứa con giữ được tư cách như thế? Họ đã học hỏi từ đâu mà truyền lại cho anh các đức tính kể trên? Cha mẹ anh chỉ dậy anh theo truyền thống dân Việt. Nền luân lý mấy ngàn năm để lại, cùng nền nếp xã hội trước năm 1975 tạo môi trường đào luyện những con người như Nguyễn Tuấn.

Có ai biết Nguyễn Tuấn không? Chúng ta vẫn có hàng triệu, hàng chục triệu những Nguyễn Tuấn đang được cha mẹ người Việt Nam làm gương và dậy bảo. Để các em sẽ trở thành những con người nhân từ, hào hiệp, sống tư cách đường hoàng như Nguyễn Tuấn. Dù còn ở trong nước hay đang sống khắp bốn phương trời, những Nguyễn Tuấn vẫn mang theo truyền thống luân lý của tổ tiên làm hành trang cho cả cuộc đời.
Nguyễn Tuấn mang trong mình một di sản văn hóa anh đã nhận được từ cha mẹ, ông bà, từ những người cùng sống trong xã hội chung quanh từ lúc anh sinh ra đời. Anh đã  sống di sản văn hóa đó suốt cuộc đời một người vô gia cư. Cuộc sống càng gian nan, các đức tính anh thể hiện càng sáng lên rực rỡ.

Đọc xong bài báo của David Montero, nhiều người không cầm được nước mắt. Nhưng không cần ai thương xót Nguyễn Tuấn. Chúng ta có thể còn hãnh diện về Nguyễn Tuấn. Vì mình là một người Việt Nam như anh. Tôi muốn dậy các con tôi tấm gương của anh: Dù gặp cảnh cùng quẫn đến đâu nữa cũng giữ vững vàng tư cách xứng đáng của một người Việt Nam.

(Chị Mary Phạm gởi CMC VN) 

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Những con mèo

Thỉnh thoảng đầu hẻm nhà tôi lại xuất hiện những mèo con. Đó là những con mèo bị nhà nào đó bỏ ra ngoài đường, thường thì họ bỏ vào lúc sáng sớm để không ai nhìn thấy.
Sáng hôm kia cũng thế, có tiếng mèo con kêu yếu ớt. Không phải một tiếng mà là nhiều tiếng. Trời ơi ! những bốn con, chúng sàn sàn nhau và đều một màu lông xám đen, chắc cùng một mẹ. Hàng xóm vài ba người nhìn ra, có người nói :
- Sao mà ác quá vậy ? Muốn bỏ thì nuôi nó lớn một chút rồi hãy bỏ, chứ nhỏ cỡ này làm sao mà sống nổi !
- Nhà tui có mèo rồi, nếu không tui bắt một con về nuôi.
- Tui nuôi con mèo, khi nó chết, tui buồn cả tuần lễ luôn.
Chưa biết xử lý sao với đám mèo con tội nghiệp thì có tiếng xe honda vụt qua nhanh, trong hẻm mà họ chạy bạt mạng thế kia... Và một con mèo đã nằm gọn dưới bánh xe bẹp dúm, lòi cả hai mắt, trông thật thảm thương. Có tiếng chép miệng, những cái lắc đầu.
Cuối cùng thì một người mang về nhà nuôi đỡ, nhà này không thích nuôi mèo nhưng lại có mấy con chó. Tưởng ba con tạm thời yên thân nhưng không phải vậy, sáng nay chỉ còn một con thôi, hai con kia ra đi theo anh chị của nó rồi. Nó bị con chó nhà đó xử đẹp, nó bé quá đâu lanh lẹ để chạy trốn. Chủ nhà lu bu làm sao mà để ý canh chừng được. Con duy nhất còn lại quá sợ hãi chui tọt vào kẹt tủ, không dám ra trừ khi chủ gọi cho ăn. Mong cho mày bình yên lớn thêm chút nữa để có người mang mày về nuôi nha mèo con tội nghiệp.

Hôm nọ, tôi qua nhà má, cách nhà má tôi hai căn là nhà tộc của một làng quê ngoài Bắc, không có ai ở, lâu lâu đến ngày kỷ niệm gì gì đó mới thấy có người đến tụ họp. Vậy mà có người lầm tưởng đây là chùa, mang đến bỏ ba con mèo chưa kịp mở mắt, chúng bò lóp ngóp, vừa bò vừa kêu, được một lúc thì lăn quay ra chết, chắc vì lạnh và vì khát sữa. Thật không hiểu nổi sao người ta lại có thể làm thế !

Nhìn lại những con mèo nhà tôi nuôi, chúng thật có phước.
Mèo mẹ đẻ bốn con, đang nằm ổ cho con bú mà cũng bị tụi trộm mèo bắt mất. Chắc là nó bị bắt lúc ra đường hóng gió. Từ sáng đến chiều không thấy nó chạy ra đòi ăn như những hôm trước, dù tôi gọi đến mấy lần. Tối đến,  hết kiên nhẫn, tôi rọi đèn pin vào ổ thì chỉ thấy bốn mèo con nằm co quắp, hình như chúng biết thân biết phận không kêu một tiếng...
Thế là tôi nuôi nó thay cho con mèo mẹ. Mỗi ngày ba lần tôi đút từng muỗng sữa cho từng con, hết giai đoạn uống sữa thì tôi cho ăn cháo. Một hôm tôi đi công việc cũng khá lâu, về đến nhà chưa kịp thở đã thấy bốn con mèo từ trên lầu hai đi xuống, chúng bò từng bậc thang, mỗi con một bậc thật dễ thương. Không kịp nấu cháo tôi lấy đại cơm nguội trộn với thức ăn rồi đưa cho chúng nó. Chắc là đói lắm nên bốn con mèo nhà ta ăn lấy ăn để, loáng cái đã hết sạch.
Cho được hai con rồi, còn hai mèo cái tôi đợi chúng nó được một tuổi thì đem ra bác sĩ thú y để triệt sản. Tốn tiền một chút nhưng chúng nó không phải mang nặng đẻ đau, không có mèo con. Nếu không làm thế, chúng đẻ đầy nhà làm sao tôi nuôi cho xiết. mà quăng ra đường thì nhẫn tâm quá, tôi không làm được. Hai con mèo đã lớn, mập mạp, tròn trĩnh. Tôi tập cho nó đi vệ sinh ở WC.  Hai con mèo rất được việc : bắt chuột, bắt gián sạch trơn. Ngày nào cũng có vài con gián tử trận. Một trong hai con mèo rất tình cảm, nó lặng lẽ theo tôi suốt, tôi lên lầu, xuống nhà bếp, ra ngoài sân nó cũng đi theo. Ngay cả khi tôi vào WC, nó cũng theo, nếu không vào được thì lấy chân cào cửa. Dễ thương gì đâu !

Ngẫm nghĩ : người hay con vật đều có số cả. Không ai lựa chọn được nơi để sinh ra.
Thôi thì con nào ở với mình coi như đó là phước phần của nó.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Chút tâm tình với ngày 20/11

Ngược thời gian, trở về quá khứ, phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình...
Lời hát ngày nào tưởng chừng như đã quên nay chợt trở về trong trí nhớ, trong tâm tưởng.
20 tháng 11, nhận lời mời trở về trường cũ dự buffet trưa, cũng thoáng một chút ngại ngần chẳng muốn đi. Hồi đó làm kế toán, số người có tình cảm với tôi chắc chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Công việc khô khan, nguyên tắc, có mấy người ưa ! Tính tôi lại thẳng thắn, đâu ra đó, dù tình cảm nhưng làm thiệt hại đến khẩu phần dinh dưỡng của học sinh, cố tình tận thu với phụ huynh là tôi không chịu. Nói không chịu cho oai thôi, chứ mình chỉ là lính, đã cố thuyết phục mà vẫn không được thì đành vậy. Ai gây lỗi lầm thì nghiệp người ấy mang, chẳng thể khác được !

Tôi đến trễ một chút vì đợi Thủy đến nhà chở. Chỗ tôi ngồi rất tốt vì có thể quan sát được tất cả mọi người trước mặt. Những khuôn mặt đồng nghiệp ngày nào : trẻ có, lớn tuổi có, thân quen có, như người xa lạ cũng có... Tôi chỉ muốn ngồi một chỗ nên các bạn chung quanh lấy gì, tôi ăn nấy ! Cùng trường nhưng làm ở văn phòng, tôi không có học trò cho riêng mình, tôi cũng không có phụ huynh và quà tặng. Hai mươi năm chỉ vui với niềm vui chung, thế thôi.

Đồng nghiệp cũng nhận ra tôi. Cả nam lẫn nữ đã đến bên tôi với những lời thăm hỏi, trò chuyện, có cả những tâm tình... Tôi đọc được chân tình trong lời nói, trong ánh mắt nhìn của các bạn, các em, vậy mà tôi cứ tưởng... Tôi đã nhận được nhiều hơn những gì mình mong đợi và tưởng tượng ra. Xin cám ơn mọi người !

Tôi từ giã công việc hai năm rồi còn gì ! Ai ai cũng sẽ có ngày để lại sau lưng tất cả để về với gia đình.
Vui buồn, yêu thương, giận hờn, bực tức, đôi khi có cả những ganh ghét của một thời... đều trở thành quá khứ. Chỉ biết một điều : khi nhìn lại quãng đời đi qua, tôi đã làm việc bằng tất cả khả năng và cái tâm của mình. Với tôi, thế là đủ.

Xin gởi đến các đồng nghiệp, các em, những người còn ở lại một cành hoa tươi thắm.

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Các tính năng không ngờ của Aspirin

Aspirin (acetylsalicylic acid) chế từ mặt vỏ trong của cây liễu. Trong nhiều thế kỷ, aspirin được coi là một trong những loại thuốc thần kỳ có tác dụng giảm đau, giảm sốt, làm loãng máu,...
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chưa biết hết hữu ích của aspirin. Dưới đây là 7 lợi ích hàng đầu của aspirin có thể làm bạn ngạc nhiên!

1. 
Ngăn ngừa nấm đất tàn phá khu vườn của bạn. Hòa tan một ít aspirin trong 4 lít nước, sau đó tưới lên cây. Làm cách này cũng giúp ngừa nấm làm hại cây cảnh.
2. Trị gàu. Đơn giản chỉ cần nghiền một vài viên thuốc thành bột trộn với một ít dầu gội để gội đầu. Xoa xoa để tạo bọt trong vài phút, sau đó gội sạch.
3. Giúp trị mụn. Nghiền một ít aspirin sau đó trộn với nước để làm một miếng dán trị mụn. Dán vào mụn rồi sau một vài phút rửa sạch.

4. Loại bỏ vết bẩn mồ hôi trên quần áo. Hòa tan một vài viên thuốc rồi nghiền với một ít nước ấm. Ngâm quần áo vào dung dịch này trong vài giờ.

5. Giảm ngứa khi bị rệp cắn. Nhúng một viên aspirin vào nước trong một hoặc hai phút, sau đó chà aspirin vào vết cắn.


6. Khởi động lại xe khi hết ắc quy. Đơn giản là chỉ cần nhét hai viên thuốc aspirin vào bình ắc quy. Với cách này bạn có thêm một chút thời gian lái xe đến cửa hàng sửa chữa gần nhất để thay bình ắc quy mới.

7. Loại bỏ những cục chai ở gót chân. Nghiền 4 đến 6 viên aspirin thành bột rồi trộn với nước và nước chanh cho tới khi thành hỗn hợp nhão. Sau đó bôi hỗn hợp đó vào cục chai. Lấy một miếng vải ẩm phủ lên chỗ cục chai và chờ khoảng mười phút. Các cục chai sẽ mềm ra, đủ để gọt đi một cách dễ dàng.

                                                   (Email chị G.Trần)

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Sinh nhật em




- Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc.
- Không một gia đình nào là hoàn hảo... vẫn có cãi vã, vẫn có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình... nơi tình yêu luôn luôn hiện hữu


Các em trai tôi


                                   Má và con gái, con dâu












Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác. 
                                        (Karen Armstrong)



- Hãy lấp đầy một ngôi nhà bằng tình yêu, nó sẽ trở thành gia đình
- Gia đình là một món quà - thứ luôn tồn tại mãi mãi - Terri Burrit



- Khi mọi thứ dường như trở nên tồi tệ, chỉ có một vài người luôn đứng bên bạn mà không hề do dự - đó chính là gia đình - Jim Butcher

Ý ẹ ơi ! Nhìn con giống điệp viên quá !

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Bạn là người hạnh phúc


Nếu bạn thức dậy sáng nay
vẫn có nhiều sức khỏe hơn bệnh tật , được sống tự do...,
không phải nằm trong phòng cấp cứu bệnh viện ...thì bạn
đang may mắn hơn hằng triệu người sắp chết tuần này ... 
Người ta hay coi thường những gì mình đang có ! 
Chỉ khi nào mất đi , mới hiểu và...ân hận...muộn màng !


Nếu cha mẹ bạn vẫn còn sống, 
và may mắn hơn, vẫn còn sống chung với nhau,
vẫn thương yêu , săn sóc bạn ,
trong gia đình không có tang tóc...
bạn thật sự là người may mắn hiếm có !
Bạn còn chờ gì mà không bày tỏ tình cảm với Cha Mẹ ,
thương yêu anh chị em , các người thân , bạn bè...
Sao bạn lại phải chờ đến khi Cha Mẹ sắp qua đời mới thương yêu , săn sóc ...?
Hạnh phúc đang trong tay các bạn đó ! 
Còn đi tìm đâu nữa ? 
Lên Thiên Đường đã chắc đâu được gặp Cha Mẹ ,Vợ Chồng , anh chị em, người thân ?        
10 năm nữa , có khi bạn không thể làm điều đó đâu  !!!
Cuộc đời trôi qua và thời gian không bao giờ trở lại ! 

Nếu bạn có thể ngẩng cao đầu , có thể mỉm cười
và cảm thấy biết ơn cuộc đời ...,
Bạn đã là người có hạnh phúc
vì đa số chúng ta có thể cảm nhận điều đó ,
nhưng lại không  chịu làm điều này . 
Quá nhiều người tham lam , tự làm khổ mình...
Nếu bạn có thể nắm tay người nào đó
ôm choàng họ , hoặc vỗ về an ủi , động viên họ bằng hình thức nào đó, 
từ tinh thần tới vật chất...,
Bạn đã là người có hạnh phúc vì bạn có thể
hàn gắn vết thuơng lòng , làm vơi đi nỗi buồn của nhân loại !
Hàng ngày , ngay lúc này đây , đang có biết bao người đau khổ vì đủ mọi bất hạnh , từ bệnh tật đến chiến tranh, tù đầy, các hoàn cảnh cơ cực..., hàng nghìn trẻ em chết đói ở ​Châu Phi mỗi ngày.​

Bạn là người  đang có nhiều hạnh phúc,, đang sung sướng...
Chỉ có điều... Bạn chưa biết đó thôi !
Đừng than phiền , đòi hỏi quá nhiều...
Mai đây , chưa biết những gì ...sẽ tới !
Quy luật " Vô thường " luôn đúng ...
Xin đừng phí phạm hạnh phúc trong tay !
Gởi em những tư tưởng của người khác... 
Đọc để cảm nhận em đang là người hạnh phúc và may mắn hơn nhiều người lắm.
Mừng sinh nhật Thanh Ngọc lần thứ 24, ý quên ...42.
Chị Hai





Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Những lần con đau

Lúc đó con đang năm thứ ba đại học. Cơn đau đầu tiên thật dữ dội. 7 giờ sáng mẹ đưa con vào bệnh viện NTP, hôm đó chẳng hên tí nào : phòng cấp cứu quá đông không còn giường nằm, con phải ngồi trên xe đẩy chịu trận, bác sĩ khám xong chuyển con lên khoa thì cũng quá đông, con nằm ở hành lang. Con đau lắm, mặt xanh như tàu lá, không còn một giọt máu. Con nói : 
- Con đau quá mẹ ơi ! con có cảm tưởng như ai đang cầm dao cắt vào ruột con vậy !
Mẹ nhìn con quằn quại trong cơn đau, lòng mẹ bấy giờ cũng y như lời con nói. Những người nuôi bệnh đứng chung quanh ai ai cũng đều nhìn con với ánh mắt thương cảm. Con được chích thuốc mà cả tiếng đồng hồ sau cơn đau vẫn không giảm. Nóng ruột quá, mẹ chạy vào hỏi bác sĩ. Chắc hôm đó bệnh nhân quá đông nên bác sĩ mệt, bà ấy quát mẹ :
- Tôi đã chích cho con chị hai mũi thuốc giảm đau rồi, chưa có kết quả xét nghiệm máu, chị bảo tôi phải làm sao ? Cái gì cũng phải từ từ chứ !
Mẹ vẫn cố gắng nhỏ nhẹ :
- Nhưng con em đau quá bác sĩ ạ !
Không trả lời...
Nằm ngoài hành lang bệnh viện đến buổi trưa thì con cũng có giường nằm. Cơn đau đã dịu lại.
Hai ngày sau con về với kết luận : Viêm đại tràng co thắt. 

Chỉ năm ngày sau, có vẻ như cơn đau tái phát, sợ con giống như lần trước, mẹ đưa con đến BV ĐHYD, khám cho con là một bác sĩ trẻ nhưng vô cùng kiệm lời, không nói thừa đến một chữ. Hỏi triệu chứng bệnh xong là bấm bấm vào máy vi tính, in ra đơn thuốc uống trong vòng "một tháng". Cái câu nói đầy đủ nhất là : 
- Có gì thì chị đưa cháu vào đây.
Mẹ thật khâm phục tài của ông bác sĩ trẻ, khám bệnh chưa tới năm phút đã ra toa cho một tháng. Tiền thuốc một tháng đâu có rẻ sau khi chờ đợi ở chỗ mua thuốc quá đông, lại còn phải để ý bọn người móc túi lảng vảng chung quanh mà bệnh viện không có cách gì ngăn chận được.

Linh cảm của  mẹ đã đúng. Mới uống thuốc được một tuần, cơn đau lại ập đến, dữ dội như lần đầu. Mẹ đưa con đến bệnh viện khác nữa, đó là Quân Y Viện 7A. Đưa con đi siêu âm, mẹ thật thương khi bác sĩ rất kỹ, rà tới rà lui trên vùng đau không thấy được gì, ông ấy gọi thêm đồng nghiệp đến tìm phụ : không có gì khác trên cơ thể mà sao bệnh nhân lại đau đến thế này ?
Những ngày trong bệnh viện, con nói với mẹ :
- Mẹ ơi ! con còn nhiều dự tính, nhiều việc phải làm. Con không thể đau được !
Tội nghiệp con tôi.
Bác sĩ Minh điều trị cho con, ông ấy yêu cầu mẹ đưa toa thuốc ở hai bệnh viện trước để có thể tìm ra hướng điều trị tốt nhất. Biết lắng nghe, chia sẻ và suy nghĩ trong nghề nghiệp, đó là y đức mà mẹ nhìn thấy nơi vị bác sĩ này. Ngày ra viện bác sĩ dặn con : khi ngủ nhớ kê gối dưới lưng, khi đau đừng co người lại, nếu có thể ưỡn được thì hãy cố gắng. Khi nào đau nữa hãy vào đây,, bác sĩ sẽ tìm cách khác để điều trị cho con. Con ra viện với kết luận hội chứng kích thích ruột.
Cám ơn bác sĩ Minh, cám ơn rất nhiều. Mẹ mong có nhiều bác sĩ tốt được như vậy.

Con áp dụng phương pháp điều trị bác sĩ Minh dặn. Kết quả rất tốt nhưng thỉnh thoảng cũng còn đau. Lúc này con đi làm rồi, bảo hiểm của con cao cấp hơn : bệnh viện Pháp Việt. Có lần mẹ đưa con vào đây. Đường từ nhà mình đến bệnh viện không xa lắm mà con liên tục kêu đau, may đó là đường tốt... Mẹ nghĩ đến những bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa, ở đường rừng hoặc đường toàn ổ gà, ổ voi thì đau chịu sao thấu hở trời ? Bác sĩ, y tá nhiệt tình, taxi vừa dừng là có băng ca đưa đến, con có hẳn buồng riêng nho nhỏ với bác sĩ và hai y tá túc trực bên cạnh. Họ hướng dẫn, dặn dò thân nhân kỹ lưỡng. Bênh viện sạch sẽ, chu đáo, đúng là tiền nào của đó, dịch vụ cấp cứu và tiền thuốc chỉ trong vài tiếng đồng hồ là hơn ba triệu đồng. May là công ty trả chứ như nhà mình chắc chẳng bao giờ dám vào đây. Con nói với mẹ :
- Chẳng lẽ con cứ phải chịu cái bệnh này hoài sao mẹ ? cứ phải lo lắng như vầy hoài sao mẹ ?
Mẹ đã trả lời con thế này :
- Đừng lo và đừng suy nghĩ nhiều con ạ, hãy vui vẻ sống, mỗi ngày thức dậy hãy cảm ơn Chúa đã cho con sống thêm một ngày và hãy sống thật tốt. 

Những cơn đau khi ít, khi nhiều, thỉnh thoảng cứ đến. Mẹ nhớ lúc đó đi làm mà có điện thoại của con , thì câu đầu tiên mẹ hỏi liền là : Con đau hả con ? Khi nghe con trả lời không phải thì lòng mẹ mới nhẹ nhàng. Khi nào con lập gia đình, có con, con sẽ hiểu. Một lần đang lúc làm việc, con gọi : 
- Mẹ ơi ! Mẹ về ngay đi, con đau quá !
Biết lúc này chỉ có một mình con ở nhà, mẹ thương lắm, nhưng ngay làm sao được hả con, có nhanh lắm cũng phải hai mươi phút. Mẹ gọi cậu tư về với con trước vì cậu làm việc gần nhà mình hơn, nhưng cậu tư cũng phải làm xong việc giao cơm, đâu có thể nhờ ai được. Mẹ nhờ người chở về, trên đường đi mẹ chỉ biết đọc lời nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Chắc Chúa chữa cho con nên khi vừa về đến nhà, con đã dứt hẳn cơn đau. Con cười với mẹ : 
- Hết đau rồi mẹ ơi, nhưng con còn mệt. 


Sau những lần phải vào bệnh viện cấp cứu, gia đình mình có thêm một bác sĩ đó con : đó là Lòng Thương Xót Chúa. Từ đó đến nay, cứ con đau là mẹ chườm nóng, miệng lâm râm đọc lời kinh : 
"Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới"
Và điều kỳ diệu đã xảy ra, không phải một lần mà nhiều lần. Lần cấp cứu ở bệnh viện Pháp Việt là lần cuối cùng.

Con học võ, con chạy bộ, con tập khí công. Việc thường xuyên luyện tập cơ thể làm con khỏe lên rất nhiều, mẹ mừng vì con biết quí trọng và giữ gìn sức khỏe của mình. Nhưng sáng hôm qua con chợt đau trở lại, mẹ vẫn động tác và lời kinh ấy, Chúa đã chữa lành cho con, rất nhanh.

Con trai à ! Mẹ nói với con điều này :
- Con có một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ, con cái thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho nhau. Con thông minh, có việc làm, khởi đầu bước vào cuộc đời như thế là may mắn, là tốt lắm rồi con, hãy luôn cám ơn Chúa với tất cả tấm lòng biết ơn nha con.

- Chúa để con đau, Người muốn nhắc con rằng : đời sống này hữu hạn lắm, trần gian là cõi tạm.
Chúa đã cho con trí thông minh, sức khỏe, hạnh phúc thì Người cũng có thể lấy đi tất cả.
"...Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng.
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích..." (Gióp 14: 1-2).

- Được và mất. Sống và chết. Hạnh phúc và đau khổ. Giàu sang và tay trắng. Ranh giới ấy thật mong manh. Hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Sống thật tốt và phải biết chia sẻ. Con sẽ có niềm vui và an bình thật sự từ trong tâm hồn. 
                                         "... Ngày tháng hôm nay và mãi tương lai, Chúa biết từng ngày.
Đời con đang sống, dẫu có đổi thay, tay Chúa an bài..."


Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Các linh hồn trả ơn (2)

* Thánh nữ Catarina thành Bologna chứng thực rằng, bất cứ khi nào bà xin Chúa ơn gì, bà luôn nhờ các linh hồn Luyện ngục, và hầu như lần nào bà cũng được ơn xin. Bà thánh thêm rằng, nhiều ơn bà xin các Thánh không được, bà xin các linh hồn Luyện ngục lại được, bà nói: "Khi tôi muốn được ơn nào từ Cha nhân lành, tôi thường xin qua các linh hồn đau khổ trong Luyện ngục, và tôi thường được ơn tôi xin" (Charity p. 299).

* Đấng Đáng kính Frances Thánh Thể rất hay cứu giúp các linh hồn quả quyết rằng: Các linh hồn giúp đỡ bà trong mọi nơi nguy hiểm và cho bà biết ma quỉ đặt ra cạm bẫy để cám dỗ bà. Một linh hồn hiện ra nói rằng: "Quỉ dữ tìm mọi cách hại bà, nhưng đừng sợ, chúng tôi che chở bà". Linh hồn khác nói rằng: "Chúng tôi cầu cho bà hằng ngày. Khi ai nhớ tới chúng tôi, chúng tôi cũng nhớ tới và cầu bầu cho họ trước mặt Chúa, nhất là chúng tôi xin cho họ được ơn trung thành phụng sự Chúa  và được ơn chết lành" (Charity p. 299).

* Thánh nữ Brigitta, trong cơn ngất trí nghe thấy nhiều linh hồn kêu lên: Lạy Thiên Chúa Toàn năng, Chúa thưởng gấp trăm lần cho những ai giúp đỡ chúng con bằng lời cầu nguyện, bằng việc lành, để chúng con được về hưởng Tôn nhan Chúa".

* Cha thánh Gioan Vianey nói: "Các linh hồn Luyện ngục có thần thế chừng nào đối với Trái Tim nhân lành của Chúa, nếu chúng ta biết đã nhận bao nhiêu ơn lành do các linh hôn cầu bầu, ta sẽ không quên cầu cho các ngài". Thánh nhân nói thêm: "Ta phải cầu thật nhiều cho các linh hồn Luyện ngục, để các linh hồn Luyện ngục cầu nhiều cho ta" (Purgatory p. 339).

* Đấng Đáng kính Crescentia có thói quen cầu xin các linh hồn Luyện ngục giúp đỡ, và bà quyết chắc rằng bất cứ khi nào bà ước muốn được Chúa ban ơn gì đặc biệt, bà cũng được nhận lời.

* Bà Bề trên Macrina kể lại truyện này cùng Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9, ngài truyền thuật lại cho mọi người nghe như sau: Năm 1843, những người bắt đạo Công Giáo thời Cêzar Nicholas nhốt chúng tôi vào tù, bắt nhịn đói và bắt uống nước pha muối, để bởi khát khô cổ mà chị em chúng tôi phải bỏ đạo. Hai ngày đầu cơn khát nước hành hạ chúng tôi khổ sở lắm, da và môi chúng tôi se lại.
Trong nơi khổ sở này, chúng tôi nhớ đến cơn khát của các linh hồn Luyện ngục nóng nảy rát rúa và khát nước hằng sống gấp bội chúng tôi. Chúng tôi liền sấp mặt xuống đất cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Chúa đã thương chúng tôi, bởi mấy ngày sau cũng bị bắt nhịn đói và uống nước muối, nhưng chúng tôi không thấy đói  khát nữa. Tới ngày thứ bảy người ta mở cửa tù ra và tưởng chúng tôi ù chạy tới vòi nước uống cho giải khát, nhưng chúng tôi lại xin chịu khát để kính 7 sự đau đớn Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc. Người quản tù ngạc nhiên và rất tức bực, lớn tiếng quát hỏi người canh tù tại sao kết quả  xảy ra trái ngược như vậy,  tại sao chúng tôi không chết, hay là chúng tôi có phù phép gì đây? Nhưng không, chính Chúa, Đức Mẹ, các linh hồn Luyện ngục đã cứu giúp chúng tôi (Charity p. 306).

* Một thiếu nữ nghèo nhưng được học  giáo lý từ ngày còn nhỏ. Bởi nhà nghèo, cô phải đi ở mướn. Cô có thói lành là tháng nào cũng xin lễ cho các linh hồn Luyện ngục. Khi rời miền quê theo ông chủ lên ở tỉnh thành, cô cũng vẫn giữ thói quen đó. Hơn nữa chính cô đi dự lễ hợp lời cầu nguyện với linh mục chủ tế để cầu cho các linh hồn sắp được ra khỏi Luyện ngục. Chúa muốn thử lòng cô gái nghèo bằng một cơn bệnh. Không những cô đau đớn bởi bệnh, cô còn bị mất việc làm và tiêu xài hết cả món tiền nhỏ đã dành dụm được. Khi khỏi bệnh, túi cô chỉ còn một đồng bạc. Làm sao bây giờ? Cô ngửa mặt cầu xin Chúa ban cho chỗ làm khác. Nghe nói có một nhà cuối phố muốn tìm người ở mướn, cô liền tìm đến xin việc làm. Khi đi được nửa đường, gặp nhà thờ, cô vào để kính viếng Chúa.
Cô nhớ lại cả tháng nay không được dự lễ, nên nảy ra ý định lấy đồng bạc cuối cùng xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn, nhưng bụng đói quá làm sao chịu được. Cuối cùng cô vào phòng mặc áo lễ với niềm tin "Chúa biết mọi sự, bởi vinh Danh Chúa, Chúa không bỏ con". Cô đã xin một lễ cầu cho linh hồn Luyện ngục, rồi cô sốt sắng dâng Thánh lễ đó.
Dự lễ xong cô tiếp tục đi về cuối phố, phó thác tương lai cho Chúa. Đang khi cô lủi thủi bước đi thì một thanh niên dáng vẻ xanh xao đi ngược chiều. Gặp cô, chàng hỏi: "Có phải cô đang đi tìm việc làm không? Cô cứ đến nhà đường này, số này, vào tìm bà này... bà ta sẽ nhận cô và xử tử tế với cô". Nói xong chàng biến đâu mất, cô chưa kịp cám ơn chàng. Tìm đến đúng đường và đúng số nhà, cô ấn chuông cổng. Một cô gái khác đã bị bà chủ đuổi, sắp phải ra đi, vẻ tức giận càu nhàu ra mở cổng nói xẵng: "Vào mà gõ cửa, bà ta sẽ mở cho!" Rồi cô ta xách gói đồ của mình đi thẳng ra phố.
Bà chủ nhà nghe tiếng gõ cửa, ra mở và thấy cô thiếu nữ nghèo, bà hỏi ai chỉ cho mà biết đường tới đây xin việc. Cô thật thà kể lại tình cảnh. Thấy truyện hay hay, bà bảo cô kể lại từ đầu, kể xong cô nhìn bức ảnh trên tường reo lên: "A! Thưa bà, chính anh này bảo con tìm đến nhà bà". Bà chủ nhà rất xúc động thấy cô nhà nghèo có lòng thương các linh hồn , đã bỏ ra đồng bạc cuối cùng để xin lễ, và như có sức thúc giục, bà ôm chầm lấy cô, nói trong nghẹn ngào: "Con ơi, con không phải là người làm mướn của ta, con là con ta. Chính con trai ta đã chỉ cho con tới đây, nó chết hai năm nay rồi, và con đã cứu nó. Ta tin rằng nó về chỉ lối cho con. Từ nay hai chúng ta sẽ hợp nhau cầu nguyện cho các linh hồn Luyện ngục chóng lên Thiên đàng (Charity p. 307-309).

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Các linh hồn trả ơn (1)



Chúa Giêsu đã phán : 
"Hãy dùng tiền của vô nghĩa mà mua chuộc bạn bè, 
để khi ngươi hết của, họ sẽ đón ngươi vào nơi ở muôn đời" (Lc 16,9).

* Thánh Anphongsô cũng dạy: "Ai cứu giúp các linh hồn Luyện ngục là những con cái rất thân thương của Chúa, người ấy có thể tin tưởng rằng mình sẽ được cứu rỗi, bởi nếu một linh hồn được giải thoát nhờ lời cầu nguyện và các việc lành của ai, linh hồn được cứu sẽ cầu nguyện không ngừng cho người đã cứu mình, và Chúa sẽ không từ chối lời cầu xin của bạn thân thiết Người".


1. Các linh hồn cầu bầu cho các ân nhân trước mặt Chúa.

2. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân trong công việc làm ăn đời này.

3. Các linh hồn biết ơn các ân nhân bằng cách giúp phần rỗi đời đời.
4. Các linh hồn giúp đỡ các ân nhân khi họ qua đời và trước tòa Chúa phán xét.

Các nhà thần học như Gregoriô, Valencia, Berlaminô, Suarez, Sylviô, và nhiều vị khác đồng ý rằng các linh hồn Luyện ngục cầu bầu cho các tín hữu cách chung, nhưng cầu bầu cho những ân nhân và thân nhân mình còn sống trên trần gian  cách riêng.

* Thánh nữ Magarita thành Cortona có lòng thương các linh hồn Luyện ngục lắm. Trong truyện đời thánh nữ, người ta kể rằng: Sau khi qua đời, thánh nữ đã thấy vô số linh hồn mà người đã cứu khỏi Luyện ngục đã mặc hình người đón linh hồn thánh nữ vào thiên quốc.

* Thánh Philip Nêri  cũng được nhiều linh hồn con thiêng liêng người hiện ra với người sau khi họ qua đời, hoặc để xin người cầu nguyện, hoặc để cảm ơn người đã cứu giúp. Khi thánh nhân qua đời, một linh mục dòng người được thấy vô số linh hồn đến vây quanh và đưa người vào Thiên đàng.

* Cha Lacordaire, một Linh mục nổi tiếng nước Pháp kể truyện sau đây trong cuốn sách Các Bài giảng về linh hồn bất tử : 

Một hoàng tử vô thần người Ba lan đã viết xong một quyển sách chống vấn đề linh hồn bất tử . Hoàng tử sắp cho in ra. Ngày kia, ông đang đi bộ trong công viên, một phụ nữ chạy tới qùi xuống chân ông khóc lóc: "Lạy hoàng tử, chồng tôi chết mấy ngày nay, có lẽ linh hồn ông ta đang ở dưới Luyện ngục đau khổ, nhưng tôi nghèo  không có lấy một đồng để xin lễ cho linh hồn chồng tôi, xin hoàng tử giúp tôi để tôi giúp lại chồng".
Dù không tin có đời sau, hoàng tử cũng mủi lòng và đưa cho bà ta một đồng tiền vàng ông đem theo mình. Người đàn bà mau mắn  chạy đến nhà thờ xin lễ cho chồng. Ba hôm sau, vào buổi chiều, hoàng tử đang ngồi nghỉ trong phòng đọc sách vắng vẻ, bận bịu sửa chữa lần chót quyển sách nói trên, bỗng ông nghe có tiếng động đậy, vội nhìn chung quanh, ông đã thấy sừng sửng trước mặt một người ăn vận kiểu nhà quê đang đứng đó. Ngạc nhiên và tức giận, sao lại có người nhà quê vào phòng lúc này khi ông chưa cho phép. Ông đứng dậy đuổi đi ngay. Người nhà quê biến mất. Hoàng tử gọi các tôi tớ đến trách mắng tại sao lại cho người nhà quê vào phòng không xin phép trước. Các tôi tớ ngạc nhiên không biết ai đã vào phòng ông. Họ quả quyết không có khách lạ vào dinh lúc này. Hoàng tử im lặng về phòng, nhưng đinh ninh rằng "Chắc chắn có người đã vào".
Cũng cùng giờ chiều hôm trước, khi ông ta đã quên truyện ấy, người nhà quê lại hiện ra đứng trước mặt ông không nói nửa lời. Lần này hoàng tử nổi giận quát mắng xua đuổi ra ngay. Người nhà quê lại biến mất. Hoàng tử chạy tìm quanh nhà không thấy người ấy đâu. Tôi tớ xục xạo khắp chốn nhưng không ai hiểu ra sao hết. Hoàng tử bắt đầu suy nghĩ, chờ đợi.
Chiều hôm sau cũng giờ ấy, người nhà quê đến nữa, nhưng trước khi hoàng tử nổi nóng đuổi đi thì ông đã lên tiếng: "Thưa hoàng tử, tôi tới đây cảm ơn ngài, tôi là chồng của đàn bà nghèo khổ, ngài đã bố thí cho một đồng vàng để bà ta xin lễ cầu cho linh hồn tôi cách đây mấy bữa. Cử chỉ bác ái của ngài đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa cho phép tôi về đây để cảm ơn hoàng tử và quả quyết với ông rằng "có đời sau", và linh hồn người ta không chết. Hoàng tử hãy dùng ơn Chúa ban đây để lo phần rỗi đời đời của mình". Nói xong người nhà quê biến đi. Hoàng tử đã chợt bừng tỉnh, ông quyết định không xuất bản quyển sách chống linh hồn bất tử nữa. (Charity p. 298).

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Kinh nghiệm sự chết của Cha JOSE MANIYANGAT

(Sau khi Chúa cho sống lại năm 1985)

Tôi sinh ngày 16 tháng 7 năm 1949 tại Kerala, Ấn Độ. Cha mẹ của tôi là Joseph và Theresa Maniyangat. Tôi là người con lớn nhất trong bảy anh chị em : Jose, Mary, Theresa, Lissama, Zachariah, Valsa và Tom.


Vào năm 14 tuổi, tôi gia nhập tu viện St. Mary ở Thiruvalla. Bốn năm sau đó tôi đổi sang tu viện St. Joseph ở Alwaye, Kerala để tiếp tục đời tu. Sau 7 năm triết học và thần học, tôi được thụ phong linh mục vào ngày 01 tháng 01 năm 1975. Sau đó tôi làm công tác truyền giáo ở giáo phận Thiruvalla.


Vào năm 1978, trong thời gian tôi đang dạy ở tu viện St. Thomas ở Bathery, tôi là một thành viên hoạt động trong phong trào Canh tân đặc sủng ở Kerala và bắt đầu tổ chức các cuộc tĩnh tâm, đại hội của phong trào Canh tân đặc sủng ở Kerela.


Vào chúa nhật lễ kính Lòng Thương Xót ngày 14 tháng 4 năm 1985, khi trên đường đi dâng lễ cho một nhà thờ ở phía bắc Kerala, tôi đã bị tai nạn thật khủng khiếp. Tôi đang lái xe gắn máy thì bị một người say rượu lái xe jeep đụng vào đầu xe. sau đó người ta chuyển tôi tới bệnh viện cách xa khoảng 35 dặm. Trên đường tới bệnh viện, linh hồn tôi đã lìa khỏi xác, và tôi đã cảm nghiệm được sự chết. Ngay lúc đó tôi gặp Thiên thần bản mệnh. Tôi được nhìn thấy thân xác của tôi và những người đưa tôi tới bệnh viện. Tôi nghe tiếng họ đang khóc và cầu nguyện cho tôi. Lúc đó Thiên thần bản mệnh nói với tôi rằng : "Tôi sẽ đưa cha lên Thiên đàng, Thiên Chúa muốn gặp và nói chuyện với cha". Thiên thần bản mệnh cũng nói với tôi trên đường đi sẽ cho tôi thấy Hỏa nguyện và Luyện ngục.



Trước tiên, Thiên thần dẫn tôi tới Hỏa ngục
Thật là một cảnh rất khủng khiếp ! 
Tôi đã nhìn thấy satan và các quỉ dữ với độ nóng phừng phực khoảng 2.000 độ F, giòi bọ bò lúc nhúc, người ta la hét và chửi bới, một số khác đang bị tra tấn bởi quỉ dữ. Thiên thần bảo tôi những người này đã mắc tội trọng mà không ăn năn hối cải khi còn sống. Tôi đã hiểu ở đó có 7 mức độ đau đớn của hình phạt khác nhau tùy theo tội trọng mà họ đã phạm khi còn sống. Linh hồn họ rất xấu xí, độc ác và kinh khiếp. Đó là một kinh nghiệm đáng sợ. Tôi có nhìn thấy một số người quen nhưng tôi không được phép nêu tên của họ. Những tội bị rơi vào hỏa ngục chính yếu là các tội : phá thai, dâm dục, ghen ghét, không tha thứ và phạm thánh. Thiên thần bảo tôi rằng nếu những người này thống hối trước giờ chết thì họ có thể tránh được hỏa ngục, chỉ phải đền bù ở luyện ngục. Tôi còn hiểu rằng một số người hối cải chịu đau khổ để đền tội ở đời này. bằng cách đó, họ sẽ tránh được luyện ngục và được lên thẳng thiên đàng.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có cả các linh mục và giám mục ở hỏa ngục. Trong số những người đó, một số người tôi không bao giờ dám nghĩ họ sẽ bị sa hỏa ngục. Những giám mục và linh mục này bị sa hỏa ngục vì đã giảng dạy sai lầm và làm gương xấu.


Sau khi thăm hỏa ngục, Thiên thần đưa tôi đến Luyện ngục
Ở đây cũng vậy, có 7 mức độ hình phạt và lửa cháy phừng phực khác nhau. 
Nhưng ở luyện ngục thì không khủng khiếp như ở hỏa ngục. Người ta không tranh giành và chửi bới. Nỗi đau khổ chính của họ là không được chiêm ngắm Thiên Chúa. Một số người trong luyện ngục  mắc tội trọng nhưng họ đã ăn năn thống hối với Chúa trước khi chết.  Mặc dù những linh hồn này đang chịu hình phạt, họ vẫn cảm nhận sự bình an và họ biết rằng ngày nào đó họ sẽ được hưởng nhan thánh Chúa. Tôi đã được phép nói chuyện với linh hồn ở luyện ngục. Họ xin tôi và mọi người cầu nguyện cho họ để họ sớm được về Thiên đàng. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, họ sẽ nhớ ơn và cầu nguyện lại cho chúng ta khi họ về thiên đàng.

Thật rất khó mà diễn tả Thiên thần của tôi đẹp như thế nào. Thiên thần sáng như ánh hào quang, Thiên thần luôn đồng hành với tôi trong công việc mục vụ, đặc biệt là mục vụ chữa lành. Thiên thần luôn đi với tôi bất cứ nơi nào và tôi rất biết ơn về sự bảo vệ của Thiên thần cho đời sống của tôi.



Kế tiếp, Thiên thần đưa tôi lên Thiên đàng
Chúng tôi băng ngang qua con đường hầm sáng láng. 
Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được sự bình an và hoan hỉ bằng lúc này. Ngay tức khắc, tôi nghe thấy điệu nhạc du dương của những thiên thần đang ca hát và tôn thờ Chúa. Tôi nhìn thấy những vị Thánh, đặc biệt là Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, nhiều giám mục và linh mục thánh thiện. Những vị này sáng láng như các vì sao. Khi tôi đến trước mặt Chúa, Chúa Giêsu bảo tôi : " Cha muốn con trở lại trần gian, trong cuộc sống thứ hai của con, con sẽ trở nên dụng cụ hòa bình và chữa lành cho mọi người, con sẽ đến một nơi đất lạ và con sẽ nói tiếng nước ngoài, mọi sự sẽ được Cha chúc lành, con hãy làm những gì Cha bảo, Mẹ Maria sẽ giúp con trong công việc mục vụ của con".

Không một ngôn từ nào diễn tả được sự đẹp đẽ của Thiên đàng. Nơi đó chúng ta đầy tràn bình an và hạnh phúc vượt quá hằng triệu lần sự tưởng tượng của chúng ta. Thiên Chúa rất là tốt đẹp hơn bất cứ sự tưởng tượng nào. Mặt của Ngài thì sáng láng và rực rỡ hơn ngàn lần ánh sáng của mặt trời. Những bức tranh mà chúng ta nhìn thấy ở thế giới này chỉ là những bóng mờ so với sự lộng lẫy của Ngài. bên cạnh Chúa Giêsu là Mẹ Maria. Mẹ rất đẹp và sáng láng. Không có một hình ảnh nào trên thế giới có thể so sánh với vẻ đẹp thật sự của Mẹ. 

Thiên đàng là quê thật của mỗi người chúng ta. Chúng ta cố gắng trở về Thiên đàng và hưởng hạnh phúc nhan thánh chúa mãi mãi. 


Sau đó tôi cùng thiên thần trở lại trần gian.

Lúc xác tôi còn nằm ở bệnh viện, bác sĩ đã kiểm tra toàn bộ và xác nhận tôi đã chết. Nguyên nhân của sự tử vong là do mất quá nhiều máu. Gia đình tôi đã được thông báo khi họ còn ở xa. Nhân viên bậnh viện quyết định đưa xác tôi xuống nhà xác. Bởi vì bệnh viện không có máy lạnh nên họ lo ngại xác sẽ có mùi hôi.

Ngay lúc họ chuyển xác tôi tới nhà xác, linh hồn tôi trở lại thân xác. Tôi cảm thấy rất đau đớn bởi vì những vết thương và xương bị gãy. Tôi bắt đầu rên la, những người chung quanh tôi chạy tán loạn, la hoảng lên vì sợ hãi. Một trong những người đó đã đi gọi bác sĩ và nói : " xác chết đang rên la".

Bác sĩ đến kiểm tra lại thân thể tôi và phát hiện tôi vẫn còn sống. bác sĩ ấy nói rằng : "Cha Jose vẫn còn sống, đây là phép lạ, hãy đem cha trở lại bệnh viện".

Khi họ đưa tôi đến phòng để truyền máu, đồng thời họ mổ và sửa lại những xương đã bị gãy. Họ sửa lại xương quai hàm, xương sườn, xương chậu, xương cổ tay và xương chân phải của tôi.

Sau hai tháng điều trị tại bệnh viện, bác sĩ về xương đã cho tôi biết là tôi không bao giờ có thể đi lại được nữa. Nhưng tôi đã nói với bác sĩ :" Thiên Chúa đã cho tôi sống lại, gởi tôi về trần gian thì cũng sẽ chữa lành tôi". Sau một tháng cắt băng bột, tôi vẫn không thể đi lại được. Trong lúc chung tôi đang cầu nguyện tại nhà, tôi còn cảm thất rất đau đớn ở nơi xương chậu. nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự đau đớn đã hoàn toàn biến mất và tôi nghe tiếng nói với tôi : " Con đã được chữa lành, đứng dậy và đi". Tôi cảm thấy an bình và được chữa lành hoàn toàn trong con người của tôi. Tôi đứng dậy và bước đi. Tôi ngợi khen và tạ ơn Chúa cho phép lạ này.

Tôi báo cho bác sĩ về cái tin mà tôi đã được chữa lành, ông ta rất ngạc nhiên. Ông ta nói với tôi rằng : "Thiên Chúa của ông là Thiên Chúa thật, tôi phải theo Thiên Chúa của ông". Bác sĩ này là người theo đạo Hindu, ông ta đã hỏi tôi về đạo thánh. sau đó ông ta học đạo và chính tôi là người đã rửa tội cho ông để gia nhập đạo công giáo.


Theo sứ điệp của Thiên thần, tôi đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 11 năm 1986, với công tác là linh mục truyền giáo. Lúc đầu tôi làm việc cho giáo phận Boise ở Idaho từ năm 1987 tới 1989, kế đến tôi làm tuyên úy cho một nhà tù trong giáo phận Orlando, Florida từ năm 1989 tới 1992.


Năm 1992, tôi thuyên chuyển đến giáo phận thánh Augustinô và làm việc tại nhà thờ thánh Matthew ở thành phố Jacksonville trong hai năm. Sau đó tôi được chỉ định làm chính xứ của nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời từ năm 1994 đến 1999.  Vào năm 1997, tôi được chính thức công nhận là linh mục trong giáo phận. Từ tháng 6 năm 1999 đến nay, tôi là cha quản nhiệm nhà thờ Đức Mẹ của Lòng Thương Xót ở thành phố Mac Clenny, Florida. Đồng thời tôi cũng phục vụ cho trại tù Starke, trung tâm cải huấn Raiford và trong bệnh viện Mac Clenny. Hơn nữa, tôi cũng là cha linh hướng của Hội Lêgiô Marie của địa phận.



Trong mỗi ngày thứ bảy đầu tháng, giáo xứ tôi có giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ chữa lành. Mọi người đến từ nhiều nơi trong tiểu bang Florida và các tiểu bang khác. Tôi đã được mời đến cho mục vụ chữa lành ở nhiều thành phố lớn trong nước như New York, Philadelphia, Washington DC, San Jose Dallas, Chicago, Birmingham, Denver, Boise, Idaho Falls, Ontario, Miami, Ft. Lauderdale, Poolsville và nhiều nước trên thế giới như Ireland, Spain, Czech Republic, India, France, Portugal, Yugoslavia, Italy, Canada, Mexico, Cayman Island và Hawaiian Islands.

Xuyên qua công tác mục vụ chữa lành qua phép Thánh Thể, tôi đã thấy nhiều người được chữa lành về thể xác, linh hồn, tâm hồn cũng như cảm xúc. Nhiều bệnh khác nhau như ung thư, sida, tim, mắt, suyễn, đau lưng, lãng tai và nhiều bệnh khác đã được chữa lành hoàn toàn. Thêm vào đó, nhiều lần trong năm có những cuộc chữa lành đặc biệt về dòng tộc mà đã ảnh hưởng bởi tội lỗi của cha ông cũng đã được chữa lành hoàn toàn.

Vì thế chúng ta cần sự chữa lành về gia tộc. Các bác sĩ và nhiều thuốc men không thể giúp chúng ta chữa lành về các loại bệnh tật này.

Trong mục vụ chữa lành, đã có nhiều người được nghỉ ngơi trong ơn Chúa Thánh Thần trước Thánh Thể Chúa và nhiều người được đổi mới tâm linh cũng như chữa lành về thân xác.

Tường thuật của Linh Mục Jose Maniyangat.
Chuyển dịch: Anna Liên Nguyễn Seattle ngày 7 tháng 11 năm 2007
Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về cha Jose và các mục vụ của ngài, bạn có thể vào website www.stmarymacclenny.com . 
Thân mến. 
Anne Liên Nguyễn dịch.