Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Gửi em-người sắp bước chân vào đời dâng hiến.


(Tặng con Thi-Copy từ trang Văn thơ Công giáo)

Em nói em đi tu, việc gì cũng dám làm, dám làm thì dám chịu.  

Em dám bỏ dở công việc để vào dòng.

Em dám bỏ lại sau lưng sự nghiệp, gia đình, lời than trách của cha mẹ để ra đi.

Vậy còn việc gì mà em không dám, em khẳng khái tuyên bố.”

Em, nói thì dễ đó nhưng làm lại khó lắm.

Em có dám để lộ ra những khuyết điểm của mình để sẵn sàng nhận lấy những lời khuyên bảo, thậm chí là chỉ trích khinh thường của mọi người ?
Em có dám nuốt cái tôi của mình vào trong để mặc lấy cái tôi khiêm nhường của Đấng mà em đang theo đuổi ?
Em có dám nhỏ đi, lu mờ đi từng ngày để người khác nổi trội hơn hay không, như một Gioan Tẩy Giả đã dám nhỏ lại để cho Người được lớn lên, em có dám làm một Gioan Tẩy Giả thứ hai không?
Em có dám quên mình vì những công việc chung và làm việc một cách hăng say nhiệt tình chứ không chỉ để nhận lại những lời khen hay không?
Em có dám từ bỏ những thú vui nho nhỏ của mình vì anh em, chị em mình hay không?
Em có dám im lặng để lắng nghe mỗi khi bị ai đó dè bỉu, đổ oan hay là luôn lên tiếng để biện minh ?
Em có dám chịu thiệt hay là luôn đấu tranh giành công bằng ?
Em có dám hy sinh thời gian của mình để chăm sóc các cha hưu hay các sr hưu hay không?
Em có dám ra đi khi bề trên trao bài sai mới cho em hay không, ra đi vì yêu mến hay ra đi chỉ để vâng lời, bằng mặt mà không bằng lòng ?
Em có dám yêu hết mọi người dù họ khác biệt mình về màu da, ngôn ngữ, phong tục, cả cách sống hay không?
Và nhiều cái EM CÓ DÁM....?
Và liệu rằng em có dám thật hay là chỉ trên môi trên miệng và trong thực tế lại đi ngược lại hoàn toàn.

Và đó cũng mới chỉ là những thách đố nho nhỏ, đường tu còn dài và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ hết những chông gai.
Huấn ca chương 2 câu 1 nói rằng “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2,1).

Đúng vậy, một thí sinh để thi đại học đã phải mất 12 năm chuẩn bị, Chúa Giê su trước khi đi rao giảng cũng đã phải chuẩn bị cả 30 năm trường, còn em để bước vào đời tu em đã chuẩn bị được những gì, hành trang của em là những gì? 
Đó là những câu hỏi bỏ ngỏ, một dấu chấm hỏi lớn đang chờ lời giải đáp của em được thể hiện qua cách sống hằng ngày.

Đời tu không chỉ đẹp bởi bộ áo dòng, những tràng chuỗi, mà đời tu còn đẹp bởi cách sống, em đừng ảo tưởng cũng đừng kỳ vọng quá nhiều vào đời tu hay những người tu trước, ăn thua là ở em “áo dòng không phải chân tu, hoa thơm nhân đức đường tu mới bền”. Đời tu với nhiều thách đố, thử thách, cám dỗ, và thánh giá đời tu thì chẳng bao giờ là nhẹ nhàng cả, đi tu là dám bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân, là đi ra khỏi biên giới cái tôi, là dám từ bỏ tất cả để chỉ thuộc về Chúa mà thôi, chọn đời tu có nghĩa là chọn con đường khổ giá mà Chúa đã đi xưa kia. Em đã chọn và đang bước đi, có lẽ em sẽ thấy mọi người đi tu thì dễ còn em thì sao mà khó quá, khó quá bởi bề trên, khó quá bởi người bạn cùng phòng, khó quá bởi giờ giấc, khó quá bởi nhiều cái khó quá mà đối với em là không thể chịu nổi, em hãy nhớ là Chúa đã chẳng hứa rằng “…….”

Nhưng qua đó em đã đón nhận những thử thách như thế nào, thái độ của em với từng việc, cách hành xử của em qua từng biến cố, em có để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm việc trong em hay là để cho cảm xúc làm chủ. Có những người luôn cư xử như nhím lúc nào cũng xù lông để phòng vệ, còn em thì sao? “hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách”, thử thách là để ta trưởng thành hơn, thử thách là để tôi luyện bản thân, một tâm hồn vui chịu thử thách thì đẹp hơn một tâm hồn luôn phàn nàn, trách móc, oán giận, Chúa đã nói rằng “ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, để chuẩn bị cho một hành trình sắp đến em phải “từ bỏ” và phải “vác”, từ bỏ đi không những gia đình, sự nghiệp, mà còn phải từ bỏ đi cả cái tôi ích kỷ, cái tôi kiêu ngạo, cái tôi muốn thống trị, để mặc lấy cái tôi khiêm nhường, cái tôi yêu thương của Chúa, đồng thời phải vác lấy thập giá Chúa trao, thập giá của chính em chứ không phải của ai khác.

Một tâm hồn đã được tôi luyện thì thử thách có lớn mấy đi nữa thì tâm hồn đó vẫn luôn đứng vững, em đã chuẩn bị cho tâm hồn của mình như thế nào? 
Một tâm hồn biết khóc biết cười, một tâm hồn biết vui biết buồn, một tâm hồn biết cảm thông chia sẻ, hay một tâm hồn biết đón nhận lắng nghe, một tâm hồn biết cho đi nhận lại, một tâm hồn biết cám ơn xin lỗi… 

Em hãy sống thật với chính mình chứ đừng lừa dối giả tạo, đời tu chắc chắn là không dễ nhưng nó sẽ thật dễ dàng với những ai đã sẵn sàng chuẩn bị để đón nhận, nhưng nếu chỉ cậy dựa vào sức mình thì chẳng ai có thể bước đi cho đến trọn đời, chúng ta những người đi tu đều phải cậy dựa vào Chúa, chính đời sống thiêng liêng kết hiệp mật thiết với Chúa là nền tảng cho đời dâng hiến.

Và với ơn Chúa giúp thì thử thách trong đời tu sẽ chẳng là gì, có Chúa cùng đi còn sợ gì mà không dám bước.
Cầu chúc em luôn hiên ngang vững bước.
Lúc mệt quá thì dừng lại để lấy sức rồi tiếp tục chứ đừng quay đầu em nhé!!!

-Paul Trần-

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Corona - Nếu con còn cơ hội để sống



1. Tôi nói với một em cùng sinh hoạt trong giáo xứ khi corona mới xuất hiện lác đác ở một vài tỉnh phía Bắc :

- Chị thấy Chúa thương Saigon mình lắm em, nơi đây đất lành chim đậu, cưu mang biết bao cuộc đời, nên ở đâu bị gì thì bị chứ Saigon vẫn bình yên à.
- Dạ, em cũng nghĩ như chị vậy.

Nhưng chỉ hai tuần sau thôi...
Những gì chị em tôi nói đã không như thế, không phải là như thế...
Saigon không bình yên nữa...
Nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như nó còn xa xôi lắm, cho đến buổi trưa 27/7 tôi nhận được cuộc gọi :
- Chị, chị biết tin gì chưa ? Con Trâm nó mới chết tức thì vì covid đó, nó không thở được mang vào bệnh viện thì xong rồi.
Tôi không tin vào tai mình, Trâm là chị của em dâu tôi. Trâm hiền lành lắm, 44 tuổi, không bịnh nền, em không ra khỏi nhà, chồng em làm ở siêu thị nên em không phải đi chợ, thậm chí đi mua thuốc chồng cũng mua luôn, sao em bị dính vậy chứ ?
Tin dữ này không chỉ mình tôi mà nó làm tất cả đại gia đình đều hoảng thật sự. Liên tục những ngày sau đó hơn mười người tôi từng ít nhiều quen biết cũng đã lần lượt ra đi vì covid...

Tôi được chích ngừa, nhưng những ngày sau đó tôi rất mệt, nhai cơm như nhai trấu, mỗi bữa chỉ một muỗng cơm chan canh với thức ăn mà nuốt mãi không vô. Tuy không bị sốt ho nhưng cổ họng lại đau rát, một chút mất vị giác, một chút mất khứu giác, cơ thể mệt mỏi rã rời, ăn xong chỉ muốn nằm, tôi không đủ sức dự lễ online mỗi ngày được nữa. Vaccine hành tôi hay đó chính là những biểu hiện của covid ?
Kết quả hai lần test nhanh là âm tính, có khi nào sai ?
Những cuộc gọi, những tin nhắn dồn dập hỏi thăm làm tôi càng mệt mỏi hơn, tôi không muốn nghe, tôi không muốn xem, tôi chỉ muốn im lặng, thời gian đó tôi nghĩ nhiều về cái chết, tôi thực sự sợ hãi mỗi khi đêm về.

Ra đi bây giờ ư ? Có lẽ nào ? Tôi sẽ gặp Chúa và tôi nói gì với Chúa đây ? 
Từ lâu, tôi đã tập cho mình thói quen luôn nhớ đến Chúa trong bất cứ thời gian, không gian, hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Và đơn giản chỉ là NHỚ, không gì khác. Lời thánh ca luôn phù hợp với tôi là lời trong một bài hát về Mẹ Maria :
”...Và quì đây con muốn không dâng gì, không xin gì. 
Phút gian nan trông vào ai, nương nhờ ai, Mẹ ơi...”
Bây giờ cũng vậy, trong tôi chỉ tồn tại chỉ một chữ nhớ mà thôi.

Tôi không hiểu tại sao lúc đó tôi lại không ăn năn tội, không cầu xin, hoàn toàn không có một khái niệm nào, đầu óc tôi rỗng lắm, tôi thấy mình trần trụi dù cuộc đời mấy mươi năm tôi được nhiều thương mến, ai cũng nói tôi nhiệt tình, tốt bụng, rộng rãi và tôi bằng lòng với những lời khen ấy, tôi nghĩ mình vậy là ok rồi. Nhưng giờ phút này đây tôi thấy những việc mình đã làm tưởng như rất tốt đó không là gì cả, đó chỉ là BỔN PHẬN phải làm. Chúa cho tôi nhiều và trách nhiệm của tôi là phải trao đi, phải cho đi và càng nhiều càng tốt, đó không thể gọi là công. Còn nếu tôi không cho đi đủ thì là thiếu sót, thế thôi.

Tiền của thế gian mà suốt đời dành dụm giờ vô nghĩa, cầm giấy bút tôi bắt đầu ghi lại tất cả những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè, những người từng thương mến tôi và những người cuộc sống còn nhiều chật vật, lo toan. Tôi tặng mỗi người ít nhiều coi đó như tình cảm và tôi không quên sổ tiết kiệm cho người nghèo. Tôi muốn khi tôi không còn hiện diện trên mặt đất này thì tôi vẫn còn có thể CHO, lạy Chúa nếu con chưa cho đủ như Chúa muốn từ bấy lâu nay thì con vẫn còn cơ hội lần cuối này, con xoá nợ để chính con ra đi thanh thản. Nếu con có cơ hội sống, con sẽ chẳng nhắc nhở với người đã nợ con. Vì trước mặt Chúa con đã cho rồi.

Chúa cho tôi khoẻ lại sau mười ngày tưởng chừng như giã từ dương thế.
Nhưng Saigon, quê hương tôi vẫn còn đau nặng lắm, 18gi chiều cho tới 6 giờ sáng hôm sau không ai được ra đường trừ trường hợp phải đi cấp cứu. 
Một chị bạn nhắn tin  cho tôi :
- “ Chích ngừa sau mấy hôm D cũng vật vã, cách đây mấy ngày 7giờ tối ko nơi nào bán thuốc D tự mình xin trạm chốt qua bệnh viện quận nhưng cấp cứu F0 đầy sân đang thở 0xy, bv ko nhận và chỉ qua bv Chức năng cách 2km. Ở đây cũng la liệt người thở Oxy đầy sân, bệnh viện cũng không nhận, y tá kêu mình đứng giữa lòng đường để ko bị nhiễm và họ báo bác sĩ.
Sau đó bác sĩ ra cho 3 viên thuốc uống qua đêm và một đơn đóng dấu cấp cứu để sáng tự mua thuốc uống. Mấy bữa nay vừa đau vừa mệt ko ngồi dậy nổi. Đã vậy phải bò dậy để lo thức ăn cho ông xã D nữa (anh đau không tự phục vụ được đã mấy năm nay rồi), con trai D chích bị hành tê rần chân,  bụng đau nằm mê man ko phụ giúp được. Nhà ba người, mỗi người nằm một nơi. D phía trong đặt nồi cháo dùng cho cả nhà. Hơn 60 mươi năm cuộc đời giờ nếm trải trận dịch này càng trân trọng những gì về tình thân.”

Mỗi ngày vài ngàn ca nhiễm, vài trăm người ra đi đơn độc.
Gọi xe cấp cứu, xe không đến.
Vào bệnh viện, bệnh viện không nhận.
Chính em dâu tôi sau khi chích vaccine, bị xốc thuốc không thở được, chồng chở em đến ba bệnh viện nhưng không nơi nào chịu nhận đành phải về nhà. May mà em khoẻ lại...
Một chị bạn của tôi không may mắn như em, chị mất ngay sau đó. Gia cảnh chị nghèo quá, chúng tôi gom góp để con chị có tiền mà lo hậu sự.

Y tế quá tải. Hoả táng Bình Hưng Hoà quá tải.
Con đường Tân Kỳ Tân Quý ngày ngày mấy chục xe vẫn nối dài, trên mỗi xe là hàng chục quan tài xếp chồng lên nhau, tất cả đều chung nỗi niềm chờ đợi.
Đau lòng quá.

Một người bạn trong giáo xứ đã viết những dòng tâm sự này trong đại dịch covid :
Dù đi sớm hay đi muộn, thì đây là chặng đường cuối cùng của đời người, không người thân đưa tiễn im lìm, lặng lẽ, cô đơn ra đi một mình. 
Ai cũng như ai.
Không còn phân biệt giàu nghèo, có người thân hay không, con nhiều hay ít, có bạn bè hay không đã chẳng quan trọng nữa. 
Họ đều bình đẳng, bình đẳng đến mức quá chua xót, quá nghẹn ngào. 

Vâng đúng là như vậy, trong những người đã ra đi mà tôi từng ít nhiều quen biết có chị bạn rất nghèo, có một soeur thánh thiện đạo đức,  có Trâm hiền lành, có em vừa giàu tiền vừa giàu tình với Chúa, với người, em hiến rất nhiều đất để xây dựng nhà thờ này, em góp công góp của xây dựng nhà thờ khác.
Chúa ơi ! Con không hiểu được thánh ý Chúa trên từng người...

2. Thằng em trai thứ mười của gia đình tôi, em nhỏ con nhưng tấm lòng em thì to lớn, rộng tay là bản chất của em.
Em lo cho má, cho mỗi gia đình anh chị em. 
Em chia sẻ hàng tháng cho các mái ấm nuôi người già, nuôi trẻ mồ côi.
Em tặng quà cho người nghèo không những chung quanh mình mà còn ở các tỉnh như Nha Trang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Cách đây mấy ngày em nhắn trên group gia đình :
- Em gửi Cha Trúc: 3 tấn gạo & 100 thùng mì. Cha Thứ 2 tấn gạo. Cùng 2 bạn hỗ trợ. Chỉ mong được chút phước để má và các ACE bình an lúc này. Em cũng hỗ trợ Đồng Tháp 600k gạo.
- Có gia đình chồng làm mướn mỗi ngày để nuôi vợ và 2 hoặc 3 đứa con nhưng giờ thất nghiệp không có tiền mua sữa cho em bé nên em giúp tiền để họ mua sữa cho em bé. Thấy mà đau lòng lắm.

Em nói với tôi đầu em lúc nào cũng căng vì công việc nhưng mục tiêu của em là luôn sống theo lời Chúa. Yêu thương bằng hành động, còn lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tấm lòng của mình. Nhưng có chia sẻ là Chúa đã yêu thương.
Tôi tin Chúa rất yêu em theo cách rất riêng của Chúa.


3. Trong những phút giây thật quá đỗi mong manh của cuộc sống
Có con trai và bạn con luôn bên cạnh chăm sóc mẹ từng ly nước, từng bữa ăn.
Có các em mang thuốc, mang đủ thứ bổ dưỡng để tôi nhanh khoẻ lại, các em nâng đỡ tôi từng ngày, từng chút một : Chị ơi, hãy cố gắng vượt qua nha chị.
Có những bạn âm thầm cầu nguyện, gom góp những hi sinh, hoặc chia sẻ những món ăn dành cho tôi. 
Cha xứ khi biết tôi bệnh đã gọi hỏi thăm nhiều lần, cha cho người mang đến cho tôi và những gia đình khác nhiều loại rau củ, những thứ trong mùa dịch trở nên quí và đắt, nhờ vậy tôi có dịp chia sẻ lại cho anh chị em và hàng xóm chung quanh.
Tôi cũng nhận được hải sản từ biển Bình Thuận, trái cây từ Bến Tre, gà vườn và đủ thứ cần dùng từ cao nguyên Bảo Lộc.
Còn nhiều nữa những tình cảm chân thành của anh, của chị là sếp của tôi ngày xưa khi làm việc.
Tôi cảm nhận và hết sức cảm động.
Mẹ cám ơn hai con.
Con chân thành cám ơn cha, các anh chị, các em và bạn bè xa gần. 
Và trên hết con cám ơn Chúa đã cho con thêm thời gian để yêu thương.
Con sẽ rộng lượng và vị tha hơn. 
Con không hờn giận và bỏ qua hết những gì làm con ưu phiền.

4. Chúa ơi.
Hành tinh này Chúa ban tặng cho con người nhưng con người đã huỷ hoại nó, để bây giờ con virus li ti đã huỷ hoại con người.
Hay đây là thời gian thanh lọc của Chúa ?
Mỗi người sẽ có cách suy nghĩ của riêng mình.
Những hình ảnh thương tâm lan toả trên cộng đồng mạng thật quá xót xa.
Chúa ơi.
Hải ngoại xa xôi, các tỉnh thành xa xôi cũng đang hướng về Saigon với tất cả tình thương mến.
Hai tháng trôi qua mà những con số biết nói vẫn đang nhảy múa mỗi ngày trước mặt con và chưa hề có dấu hiệu ngừng lại.
Trong niềm hoang mang, lo lắng, sợ hãi và yếu đuối, con khiêm nhường chung lời cầu nguyện với tất cả nhân loại nài xin Chúa cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, xin Chúa đừng ngoảnh mặt đi vì rất nhiều người đói khổ mà bàn tay con thì nhỏ bé, con không biết phải làm gì cho quê hương con, nói chi đến thế giới bao la, to lớn này.
Con mong ước khi dịch bệnh qua đi, mỗi người chúng con sẽ biết thay đổi bản thân mình, sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, thế giới biết gìn giữ môi trường nhiều hơn để ngôi nhà lớn Chúa trao tặng chúng con luôn phủ đầy màu xanh của cỏ cây, của rừng, của hi vọng.
Lạy Chúa.
Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thế giới.
Chúng con tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa.
Nữ vương ban sự bình an, cầu cho chúng con.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Anh là tảng đá

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt, rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.

Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.  Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.  Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào, về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.  Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Ngài còn sống.

Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.  Cả hai đều được Đức Giêsu gọi.  Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.  Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamát.  Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.  Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.  Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.  Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.  Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.  Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.  Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.

Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.  
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách nồng nhiệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.  Này anh Simon, anh có mến Thầy không?  Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." (Ga 21,16)

Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Ngài là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”  (Gl 2, 20).  Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.

Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.  Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40).  Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).  “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7).  Cả hai vị đã chết như Thầy.  Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).  Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu, dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng.  Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.

*************************

Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.  Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.  Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.  Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.  Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.  Amen !

Trích trong “Manna”
Lang thang chiều tím

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Hoa buồn dâng Mẹ

Một năm học trong dòng, có đôi lần con nói với tôi về các kỳ thi. 
- Dòng con thi rớt là về, con thấy mấy anh em học căng thẳng quá mẹ ơi. 
Và bao giờ tôi cũng trấn an : 
- Không sao đâu, con hãy cứ mạnh dạn bước đi, theo Chúa cũng cần có một chút liều lĩnh của Simon chứ con. 

Các cha cho con thi trước một năm. 

Thi triết vào ngày 06/4/2019. Gọi về cho tôi, giọng con vui vì con làm bài khá tốt. Tôi nhớ hồi thi đại học. con đã đoán đúng số điểm ba môn toán, lý, hóa. Con hi vọng, cả nhà hi vọng, bước đầu thế này thật là ổn. Tôi chuẩn bị đón kết quả trong tâm trạng chỉ xíu xíu lo lắng mà thôi.


Sau ba tuần lễ chờ đợi.
Một buổi chiều đầu tháng 5, tháng hoa, tháng của Mẹ.
Đang nấu bữa cơm cho gia đình thì chồng tôi lên tiếng :
- Thằng chó con nó về kìa em.
Nhìn ra thì con ở ngay trườc cửa, tôi lên nhà đón con :
- Sao về bất ngờ vậy ?
- Dạ. Có kết quả thi rồi mẹ, chiều hôm qua cha thông báo.
- Rớt rồi phải không con ?
Một linh tính rất nhanh vụt qua trong trí để tôi buột miệng hỏi con câu đó. Vì nếu là tin vui, con đã gọi cho mẹ từ xa, từ hôm qua rồi, chứ không phải đợi hôm nay về đến tận nhà. Tôi kềm chế cảm xúc :
- Không sao con, kể chuyện bố mẹ nghe đi.
- Mẹ ơi ! Anh văn con nhiều hơn 9 điểm là thủ khoa, nhưng môn Văn chỉ có 4,5 thôi. Hội đồng thi chấm phúc khảo lại cho con mà họ vẫn đánh rớt. Các cha bảo tùy con quyết định, có thể thi lại lần 2 vào năm sau, cha cho phép về nhà bàn bạc với gia đình mẹ ạ.

Ngoài miệng thì nói vậy với con nhưng trong lòng tôi một cảm giác buồn, buồn lắm, không thể diễn tả bằng lời. Tôi đã cầu nguyện nhiều cho con, và tôi biết con rất cố gắng. Thiếu 0,5 điểm giống như thi đại học, nó làm thay đổi hoàn toàn những dự tính trong cuộc đời. Tôi còn thấy sốc, huống chi con, bởi đó là điều mà không bao giờ tôi nghĩ nó sẽ xảy đến. Con là một đứa ham đọc sách, ham học hỏi, thường xuyên tham gia hoạt động xã hội, những lần thuyết trình đi thi kể chuyện cổ tích Việt Nam với các nước...Nếu con thiếu cảm nhận thực tế, thiếu chiều sâu và lời văn không lưu loát thì làm sao có thể hoàn thành tốt những việc này ?
Lúc trước tôi thường nói để con thoải mái, không bị bất cứ áp lực nào :
- Con nhớ đừng nặng nề quá nha, rớt thì về, có sao đâu.
Tôi nói vui là vì tôi nghĩ với bề dày thời gian và công việc như trên, chả lẽ con mình không được tối thiểu điểm 5 hay sao ? 
Vậy mà tôi đang phải đối diện với điều không ngờ ấy.
- Bây giờ con tính làm sao ? Nếu cha không cho con thi trước một năm thì năm sau con mới được thi mà. Cứ ở thêm thời gian nữa đi con.
- Nhưng nếu năm sau con thi rớt nữa thì sao bố mẹ ?
- Thì về thôi, bố mẹ không trách con đâu.
- Con cần yên tĩnh, bố mẹ để con suy nghĩ đã.
Tội nghiệp con. Tôi biết nó buồn lắm.

Con trở lại nhà dòng. Cha cho anh em tụi nó đi Dalat chơi 5 ngày.

Từ Dalat con gọi về cho mẹ :
- Đi chơi vui lắm mẹ, con đi Dalat nhiều lần nhưng chưa lần nào con có nhiều cảm xúc như lần này.
Tôi hiểu được tâm trạng của con trai. Thương con thật nhiều.
Sau những ngày vui, con trở về nhà. Bất chợt qua phòng con, thấy mắt nó đỏ hoe, tôi hỏi : 
- Khóc hả con ?
- Dạ không, con cắt móng tay bị văng lên mắt...
Con nói sao nghe vậy, nhưng là một người mẹ, tôi hiểu con.
Vợ chồng tôi nói chuyện với con, không nhiều lắm nhưng đủ để con yên tâm về cuộc sống và chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của con, hướng con nên thi thêm lần hai, nhưng rồi con trả lời mẹ :
- Mẹ tưởng con không buồn, không tiếc sao ? Con tiếc lắm mẹ ơi, nhưng có nhiều lý do để con quyết định về. Con không cho phép tâm trí mình chìm vào nỗi buồn và những cảm xúc tiêu cực, con phải nhìn về phía trước để mà bước tới mẹ à.
Có thể một trong những lý do đó là tuổi già cô đơn của tôi và anh, vì có lần con nói khi xa gia đình, con biết trân trọng hơn những điều mà trước đây con coi đó là chuyện bình thường. Thôi thì đành vậy...


************

Nhớ lại những lần con được về thăm nhà. 

Mặc dù chỉ cần có mặt ở dòng trước giờ cơm tối nhưng lần nào cũng như lần nấy, cứ tầm ba giờ chiều là nó vội đi. Nó nói con phải đi để kịp giờ kinh chiều với anh em. Khi đi xe đạp, khi đi bộ ra đầu hẽm để lên xe bus, nhưng cứ ra khỏi nhà một đỗi là nó lại quay lại, tay vẫy vẫy, miệng cười với tôi. Tôi cười với con mà nước mắt cứ tự nhiên ứa ra, nhớ con kinh khủng.
Hôm đám tang Mai em dâu tôi, Nhiệm bạn tôi từ Bảo Lộc về Saigon, con cũng về. 
Tôi hỏi con :
- Con đã từng đi làm khá khá tiền, bây giờ chọn đời sống từ bỏ hết, có lăn tăn trong lòng không ?
- Cách đây vài ngày con đi tĩnh tâm ở Củ Chi, có đoạn tin mừng của thánh Luca mà con nhớ là : "Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó".
Nhiệm nghe con trả lời, sau đó bảo tôi :
- Quang trưởng thành về tâm linh nhiều đó Nga, nó không trả lời thẳng mà ý nhị để mình tự hiểu. Nhiệm cảm thấy mừng.
Con trai gần mẹ, hay thủ thỉ kể chuyện, tâm sự.
- Thỉnh thoảng có soeur người Philippine đến nhà dòng chơi, anh em tụi con có dịp nói chuyện, con khá Anh văn nên hạn chế nói, dành phần cho các anh em nói chuyện nhiều hơn.
- Con trai của mẹ nổi tiếng lắm nha : nhà ở Saigon, con một, giỏi tiếng Anh. Tiếng đồn lan sang nhà triết, mấy anh qua tìm coi mặt thằng Quang, nhưng con xem chuyện đó không quan trọng, anh em cũng nhiều người giỏi đàn, giỏi hát, giỏi nhiều thứ mà mẹ.
- Mẹ ơi ! Hôm nay cha Bề Trên nhờ con đi dạy tiếng Anh vì cha đang ở nước ngoài, các cha khác cũng không rảnh. Tiền dạy học cha cho con nhưng con không nhận, con góp sức cho nhà dòng thôi.
- Có gia đình ân nhân cần một phiên dịch cho đám cưới, cha sai con đi giúp. Chú rể người Mỹ, nhìn mặt hiền như một linh mục đó mẹ.
- Mẹ ơi ! Hôm nay con và hai anh em được đi cùng với cha thăm bệnh viện Nhân Ái, bệnh viện nuôi những người HIV.
- Mẹ ơi ! Cha Bề Trên gọi con đến gặp riêng cha, hồi hộp quá. Mấy anh em hù con là từ nào đến giờ cha chưa gặp ai, lần này gặp mày cha cho mày về. Mẹ biết không ? Cha hỏi thăm con nhiều điều và đưa sách cho con đọc.
- Mẹ ơi ! Con siêng học lắm, anh em cứ chọc con, xin một chút siêng của con. Anh em viết trên bàn của mình là "Học đi, không lười", xoay qua con, anh em nói "Lười đi, đừng học".
Tết về, con khoe với mẹ là các cha lì xì cho con một triệu.
- Con đưa để mẹ lì xì cho các em nha.
- Không cần đâu, mẹ đã chuẩn bị tiền cho con lì xì rồi nè. Con cứ giữ lấy để xài.
- Vậy con đi chơi ha mẹ.
- Ừ con.
Nhưng cuối cùng con lại ở nhà. Con nói :
- Con không đi đâu mẹ ơi, đi chơi vài ngày có tiết kiệm cũng hết một triệu. Gần nhà dòng có ba bà già sống một mình, trong đó có gia đình hai chị em mà một người phải ngồi xe lăn. Con sẽ lấy tiền cho các bà.
- Mẹ ơi ! Cha cho con thi triết trước một năm ở dòng Tên, con cảm thấy vui nhưng lo nhiều. Con chỉ muốn thi chung với anh em ở Đaminh thôi.
Cuối cùng thì cha cũng đồng ý cho con thi ở Học viện Đa Minh với anh em. Vì dòng Tên đào tạo ba năm, trong đó có một năm tiếng Anh mà con thì không cần phải học tiếng Anh nữa, học ở Đa Minh chỉ hai năm sau là con đi phục vụ, con sẽ đi phục vụ ở Châu Phi.
Con kể cô giáo dạy Văn cũng thường khen con với anh em.
Một năm học, chín tháng trời với những giờ kinh nguyện, với sự dạy dỗ bảo ban của các cha, của các thầy cô dạy học, sinh hoạt với các bạn cộng với ý thức vốn có của bản thân từ trước, con tôi thay đổi khá nhiều theo chiều hướng tích cực.
Vậy mà cũng có một lần suy nghĩ lệch lạc, con bị bố giận và mẹ la quá chừng. Về đến nhà dòng con nhắn tin cho tôi :
- Mẹ ơi ! Bây giờ con vào nhà nguyện để sám hối, xin Chúa tha tội đây.
Buổi tối hôm đó tôi gọi điện thoại hỏi thăm cha phụ trách :
- Cha ơi ! con trai của con là con một, cháu ở nhà cũng khá ngoan. Con không biết khi vào trong đó nó có làm phiền cha và các anh em khác không ? Xin cho con biết để con dạy bảo nó thêm.
Câu trả lời của cha là như thế này :
- Quang sống tốt lắm chị. Nó là một đứa luôn tìm tòi và khát khao về Chân, Thiện, Mỹ. Không có gì chị phải lo lắng đâu.
- Dạ, con cám ơn cha. Nếu nó có điều gì chưa đúng, xin cha nhân từ và kiên nhẫn với nó nha cha.
- Được chị. Chị cứ yên tâm.

Mùng ba tết, hai mẹ con hái lộc đầu xuân.
Lời này Chúa dành cho tôi : Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con (Mc 1,11).
Lời này của con trai : Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em (Lc 6,20)
Lời của Chúa đem đến cho con hi vọng và niềm vui.
Làm sao không vui cho được khi tất cả sự việc gần như hoàn toàn xảy ra theo chiều biến thiên thuận lợi từ bản thân con, từ hướng đào tạo của các cha, tôi có thể cho phép mình mơ ước một chút về ngày mai. 
Và lạy Chúa, như một người thợ dệt, con dệt đời mình theo suy nghĩ của con...

                                                                        ************                                                 


Gần hết một tháng hoa, tôi không đọc nổi một kinh kính mừng. Chỉ còn lại giờ thánh lễ hàng ngày với cộng đoàn, thế nhưng tôi luôn đắm chìm trong nỗi buồn. Từ lúc con đi, tôi đã chuẩn bị cho tuổi già của tôi và anh để con có thể yên tâm phục vụ ở miền quê nghèo trên đất nước Việt Nam hoặc ở một châu Phi xa xôi nào đó, con nói với tôi sẽ luôn tận dụng thời gian để cố gắng học hỏi, con mong con có thể truyền đạt mọi thứ một cách tốt nhất nơi con sẽ đến. Con là vậy... 
Tôi khóc nhiều mỗi khi đứng trước ảnh Thánh tâm Chúa, tôi để nước mắt mình rơi trên ngực, nơi có trái tim Chúa mà tôi thường hay hôn mỗi ngày, tôi nói : con giận Chúa rồi, món quà quí nhất đời con, con tặng Chúa không một chút tiếc nuối mà Chúa chê, Chúa trả lại cho con. Chúa hiểu lòng con mà, con quí ơn gọi biết bao. Khóc thì khóc một mình vậy, nhưng trước mặt con, lúc nào tôi cũng cười.
Khải Tú nói với tôi : con đi cũng khóc, con về cũng khóc, biết sao chiều nổi đây trời !
Cha Trúc nhắn tin cho tôi : Cô nói Quang đừng buồn, năm sau thi tiếp, có những thử thách biết trước, có những thử thách bất ngờ...
Tâm hồn tôi trĩu nặng, tôi không biết Chúa đang thử thách để muốn con quyết tâm theo Ngài hay đây là dấu chỉ để con ngừng lại. Chúa cứ im lặng, làm sao tôi hiểu Chúa muốn gì ở tôi ?
Đúng là chồng tôi không muốn con đi chút nào vì mỗi lần con về thăm nhà, anh hay hỏi :
- Ổn không con ? Không ổn thì về.
Bao giờ cũng là câu trả lời : con ổn, bố đừng lo.
Hỏi thì hỏi vậy nhưng anh vẫn muốn con thành công, đi trọn con đường ơn gọi.
Còn tôi chỉ nhẹ nhàng : Chúa gọi thì con cứ đi, nhưng năm nay đã ba mươi tuổi rồi, được hay không thì quyết định chứ đừng để lâu.

Tôi thân với chị Mười, với Mơ, với chị Vũ Loan, các bạn ngày xưa của tôi hiện vẫn ở trong dòng. Các bạn luôn chia sẻ và đồng hành với tôi trong ơn gọi của con ngay từ những ngày đầu tiên. Cả Út Mười dòng kín Clara, dù chỉ mới quen thời gian gần đây nhưng em thường nhắn tin, cầu nguyện, em đề nghị con tìm hiểu ở một dòng khác và tha thiết tìm dòng mới cho con, Út chỉ mong con đến gặp Út để trở về với ơn gọi sống đời  thánh hiến...

Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tôi lại buồn, lại khóc nhiều hơn.

Tôi nghĩ nếu con còn ở trong dòng thì ngày lễ bổn mạng hôm nay chắc vui lắm. Trong cuộc đời mình. chưa có lần nào, tôi có nhiều cảm xúc thiêng liêng về Chúa Thánh Thần như hôm nay. 
 ***********

Con đi làm, đồng nghĩa với việc cuộc đời sang một trang mới.

Món quà quí giá mà Chúa Thánh Thần đã tặng cho gia đình tôi là con trai đã có công việc mới trước ngày lễ của Ngài. Ngài muốn tôi đừng khóc nữa.
Qua công việc của con, tôi thấy rõ một điều : có khi tìm hoài mà không được. Nhưng khi Chúa muốn, điều tưởng rất khó lại trở nên hết sức nhẹ nhàng và đơn giản. 
Lạy Chúa
Nơi mà con đã từng ao ước được đến
Khi đón nhận cuộc đời với những điều không như ý, xin cho con được can đảm nói với Chúa rằng : Xin hãy thể hiện thánh ý Chúa trên cuộc đời con vì Chúa biết điều gì tốt cho con. Chỉ xin cho con vững một niềm tin yêu, trông cậy và phó thác hoàn toàn đời mình trong bàn tay quan phòng và lòng thương xót của Chúa.
Cho con biết vui tươi đón nhận mảnh đời mà Chúa dệt cho con, để con đừng quá buồn phiền trách móc khi bàn tay Chúa bỗng cắt ngang hàng chỉ.
Bước đi theo Ngài, Ngài không để con phải thiệt thòi, uổng phí thời gian.
Bước đi theo Ngài, đời con bình an.

Một tháng mừng kính Mẹ trôi qua, con chỉ có những đóa hoa buồn. Thế nhưng Mẹ vẫn âm thầm can thiệp tình yêu Chúa trong đời sống gia đình con bằng công việc mới của con trai, có thuận lợi và cả những thử thách...
Xin Mẹ rất nhân từ hãy thương yêu gìn giữ con trai con như ngày xưa Mẹ từng nâng niu yêu thương Chúa Giêsu những tháng ngày thơ ấu, đồng hành khi Chúa trưởng thành, khi Chúa bước từng bước chân nặng nhọc trên đường thánh giá và cuối cùng là sự im lặng khổ đau trên đỉnh đồi Calvariô. 

PS : Mẹ gom tất cả những lời con kể thành một trang kỷ niệm đẹp, tặng con để thêm chút hành trang thiêng liêng trong cuộc đời. Xin cho con dù ở môi trường nào cũng vẫn là một người con ngoan hiền của Chúa, của Mẹ Maria và của gia đình nhỏ của mình, nhé con.
Xin Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho con.

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Số phận

Chỉ một tích tắc, sớm hơn một vài giây, chậm lại một phút có thể thay đổi cả một thế giới, đổi thay cả cuộc đời, có tất cả hoặc mất tất cả chỉ sau một khoảnh khắc chúng ta chọn lựa hay ngẫu nhiên.
Với trường hợp của riêng bà cháu tôi, chỉ cần nhanh một phút hay chậm lại một phút đã không hề gặp người say trên đường, rất may vì có Chúa luôn đồng hành, bàn tay Người đã chở che đã gìn giữ an lành không hề nguy nan dù tưởng như mình đã không thể còn tồn tại.

Đường vắng ngắt như của riêng chúng tôi, tài xế chạy 150 km một giờ, xe lao đi như tên bay làm tôi hơi kinh sợ và thầm cầu nguyện với Đức Mẹ, xin cùng đi với con, nhìn tài xế nhấn ga nhanh hơn 160 km lòng tôi thấp thỏm nhưng vững tin vào Mẹ, có gì mà phải lo sợ, tôi ngồi cạnh tài xế, xa thật xa phía trước có một xe cũng phóng như tên bay, trời tối đen như mực, tôi chẳng nhìn thấy gì, nghe rầm một cái như bom nổ, xe loạng choạng nghiêng lật, may là tài xế rất vững và từng lái xuyên quốc gia, từ Đức sang Bỉ để đến Pháp chỉ mất 6 tiếng, chạy một lèo chỉ ngừng để đổ xăng và ghé nhà nghỉ khoảng 20 phút là đến Pháp lúc 9 giờ sáng. Vì là sáng Chúa Nhật, người Châu Âu họ còn ngủ say, các khu buôn bán và business đóng cửa để dành thời gian cho gia đình và đi nhà thờ cảm tạ Chúa. Bà cháu tôi lặng người không biết chuyện gì đang xảy ra, trong tích tắc mở mắt ra tôi biết mình chưa chết, nhìn trong bóng đêm, kẻ say rượu lái xe đâm vào xe chúng tôi. tài xế xe kia sau khi gây tai nạn đã bỏ chạy nhạnh như chớp, Mỹ gọi là : HIT AND RUN

Lúc bấy giờ tôi mới kịp kêu lên : Chúa ơi ! Chúa ơi ! Thật kinh hoàng, kính chiếu hậu bên trái để chuyển làn đã gẫy vụn, nhưng trên xe cả bốn người đều an toàn không thương tích, tài xế định thần rượt đuổi chiếc xe định bỏ chạy trên freeway, chạy kiểu này chỉ có chết thôi, tôi can và xin đừng rượt theo nhưng không thể. Cuộc rượt đuổi sát sao, chiếc xe bỏ chay ra đường nhỏ lẩn trốn, tài xế xe tôi lanh trí vừa tin còi, vừa pha đèn, thoáng chốc đã dí sát ép chiếc xe đó phải dừng lại, xuống xe là một người đàn ông cao to người Bỉ chừng 40 tuổi, mặc vest. Trái với bề ngoài nhìn lịch sự, đẹp trai, ông ta rất là hung hăng, định đập cửa kính xe bên tôi ngồi, đã thế còn la hét bằng tiếng Pháp, nhưng tài xế xe chúng tôi không hề sợ.
Sau vài phút ông ta nhanh chóng leo lên xe bỏ chạy như tên bay trong màn đêm.
Tài xế bên xe tôi lại định vào xe rượt tiếp, Lúc này tôi nói đủ rồi, cháu trai đã chụp hình số xe và quay video cảnh tượng khi nãy, không cần rượt theo nữa làm gì, khi cãi cọ, chúng tôi nói tiếng Anh, tài xế nói tiếng Đức, tên đụng xe chúng tôi bỏ chạy nói tiếng Pháp.
Ôi ! ba thứ tiếng chẳng ai hiểu ai, chỉ có một điều duy nhất mà tôi hiểu là anh ta đã uống bia rượu nên mới đụng rồi bỏ chạy vì phạm luật, nếu xe chúng tôi bị lật chết hết hay bị thương nặng hôn mê thì giờ đây con người đó hoàn toàn vô trách nhiệm khi đường khuya vắng, chắc anh ta nghĩ mình đã chạy thoát.

Sau đó chúng tôi chạy lòng vòng kiếm sở cảnh sát của Bỉ mất cả tiếng mới nhìn thấy Ty cảnh sát của tỉnh, may mắn ông cảnh sát biết chút ít tiếng Anh, nhưng lại không biết tiếng Đức. Ngồi đợi khoảng 15 phút thì một bà cảnh sát ra biết cả hai thứ tiếng để nghe chúng tôi khai báo. Bà cảnh sát gọi tôi ra riêng lấy lời khai xem có ăn khớp với tài xế và cháu tôi không, mất khoảng một tiếng mới xong bản báo cáo, ký tên. Sở cảnh sát cam kết sẽ bắt được tên đó ngay ngày Chúa Nhật.
Tiếp tục lên đường sang Pháp với tốc độ chậm như rùa vì xe bị gẫy cánh, phải nhìn thật kỹ mới có thể sang làn bên trái an toàn.Khi đến Pháp vào thành phố còn nguy hiểm hơn vì xe chạy giống bên Việt Nam, mạnh xe nào nhanh cứ lủi, không ai nhường ai, có cọ quẹt cũng chẳng sao, luật rừng, Việt Nam mình ảnh hưởng Pháp nên dòng xe chạy tựa nước mình.
Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cùng đi với chúng con và gìn giữ bà cháu con an toàn.
Chúa ơi ! tình Chúa bao la, Người luôn ẵm chúng con trên vai.


(Chị PK)