Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Nội, Ngoại và Bà Cô



Hình bố ở giữa hai mẹ
Trong bốn anh em thì bố lớn nhất. Bà nội mất khi bố là chàng thanh niên 17 tuổi và chú út Lâm vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Tôi không biết mặt bà, chỉ nghe bố kể lại. Bố nói bà nội hiền lắm, nhà nghèo, chịu cực chịu khổ,  bà vất vả, tần tảo ngược xuôi vẫn không đủ nuôi anh em bố. Bố vẫn nói với chị em tôi rằng điều ân hận lớn nhất trong cuộc đời bố là không lo cho bà nội được ngày nào. Bố là đàn ông, lớn thế, già thế, nhất là trong lúc thời gian đau kéo dài, bố hay gọi một mình : Mẹ ơi mẹ ! tôi nghe thật não lòng, tôi biết bố thương và nhớ bà nội lắm, nhưng mẹ còn đâu nữa để trả lời cho con ?

Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì bà ngoại hiền lắm, hiền ơi là hiền !
Bố tôi là con rể, bà nội mất sớm nên khi lấy má thì bố thương bà ngoại như mẹ ruột của mình. Bố vẫn thường nói với tôi câu nói ấy. Bố chạy taxi, nhưng chúa nhật là bố nghỉ, buổi sáng đưa vợ con đi ăn phở. Có khi ăn phở của bác Thiện lối xóm, có khi ăn phở Tàu Bay cạnh nhà thờ Bắc Hà. Sau màn ăn phở no nê, bố chở tất cả lên nhà ông bà ngoại chơi. Tôi nhớ mỗi tháng một lần bố lại mang đến một bao gạo thật to vì ông bà ngoại ở với mấy cậu mợ và dì. Nhà ông bà ngoại gần nhà thờ tuốt trên Gò Vấp (tôi quên mất tên nhà thờ ấy vì ông bà ngoại đã dọn đi nơi khác từ lâu lắm rồi) . Sân nhà thờ rộng, có trò chơi mà con nít tụi tôi thời đó đứa nào cũng thích là xích đu, cầu tuột. Taxi của bố vừa ngừng ở cửa nhà, chào ông bà ngoại xong là chị em tụi tôi dông thẳng ra sân nhà thờ, leo lên cầu tuột chơi cả buổi sáng : mình mẩy lấm lem, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, còn đít quần thì thôi khỏi phải nói, đen một màu đất. Chơi đến trưa đói bụng mới chịu về nhà ăn cơm, lần nào má tôi cũng bực mình la cho một hồi vì phải giặt đồ cho tụi tôi chắc chắn chà mỏi cả tay may ra mới sạch. Chơi mệt, ăn cơm nhiều và lăn ra ngủ một giấc ngon lành là đến giờ về. Thế nào bà ngoại cũng dúi cho chị em tôi mỗi đứa một ít tiền lẻ. Bố má tôi không cho lấy nhưng mắt trước mắt sau thế nào tụi tôi cũng nhận, sợ phụ lòng bà vì bà nhất quyết cho mà ! Khi bố má biết được thì đâu đã vào đấy, chả lẽ bắt trả lại, mà trả thì bà ngoại cũng đâu có chịu nhận !
Nhớ có lần bà hỏi tôi : Cháu sợ má hay sợ bố ?
Tôi trả lời ngay : Sợ má chứ không sợ bố vì bố không đánh, còn má đánh đau lắm.
Bà dạy tôi : Dù bố không đánh nhưng phải sợ, phải ngoan, không được trả lời như vậy nha cháu !
Tôi dạ nhưng quên mất tiêu những lời bà nói.
Tôi được bố má gởi lên Dalat học, mỗi lần tết đến, hè về mới gặp bà ngoại, lớn rồi nên khi bà cho tiền tôi không tranh thủ cố cầm như hồi còn bé nữa.
Tôi nhớ mùa hè 1973, mới từ Dalat về được mấy ngày thì bà mất. Bà bị ung thư xương.
Những giây phút cuối cùng bà vẫn tỉnh, bà vuốt ve bàn tay, khuôn mặt tôi, đôi mắt thật trìu mến, ánh mắt ấy tôi còn giữ mãi đến bây giờ... Đó là ngày 31 tháng 05.

Bà ngoại mất được một tuần thì bà cô tôi cũng ra đi.
Bà cô là em ruột của ông nội. Chồng của bà có một đời vợ trước. Vợ mất sớm nên ông đi thêm bước nữa với bà cô, bà cô không có con nên thương và chăm sóc người con riêng duy nhất của chồng như con ruột, Tôi gọi con riêng của ông là chú Tính. Khi chú Tính lập gia đình và có con cũng một tay bà cô tôi chăm sóc.
Bà cô bán bánh mì vào buổi sáng sớm, Bán xong vội vàng về nhà chợ búa, cơm nước cho chồng con. Vậy mà cuối đời bà khổ lắm. Bà bị ung thư, khi bà vào bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bịnh ung thư đâu có lây, thế nhưng chú Tính không cho mang bà về nhà, bố tôi và chú Khánh xin mãi mà vẫn không thể nào lay chuyển. Lần cuối tôi đến thăm bà ở bệnh viện, bà nằm ngoài hành lang vì bệnh nhân quá nhiều. Bà đau lắm, bác sĩ cho bà uống thuốc ngủ triền miên để giảm cơn đau. Vậy mà khi bố nhấc bà lên để chú Khánh thay drap, bà vẫn kêu lên đau đớn, tôi chứng kiến cảnh ấy không cầm được nước mắt . Suốt đời bà chăm sóc con riêng, rồi tới cháu nội của chồng mà phút giây sinh ly tử biệt chỉ có các cháu, cũng không được về lại ngôi nhà mình đã từng gắn bó, tận tụy, yêu thương, chắc bà buồn và cô đơn lắm...

Hôm qua gặp má, nhắc lại chuyện ngày xưa, má kể cứ mỗi tháng một lần bà lại lên thăm ông nội. Lần nào lên chơi bà cũng có quà cho tất cả các cháu, bà cưng mày lắm, rồi má chép miệng thở dài : số bà cô khổ lắm con ơi, sống cũng khổ, chết cũng khổ !
Vậy mà hơn bốn mươi năm tôi đâu có nhớ, sự vô tình quên lãng của tôi như thể một tội ác. Bà tha lỗi cho cháu, bà ơi ! Cháu và má sẽ cùng xin tặng bà một thánh lễ trọn đời, dù muộn vẫn còn hơn không, xin lễ nhưng cháu hi vọng giờ này bà ở trên thiên đàng rồi, bà sẽ mĩm cười tha lỗi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét