Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Chuyện không tin nổi về người Việt sống ở Biển Hồ

Ngụ cư trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài.
Tonle Sap – Cambodia mà người Việt quen gọi là Biển Hồ Campuchia, rộng khoảng 15.000km2, không nhìn thấy bờ, trải dài qua sáu tỉnh, thành, gồm Pursat, Battambang, Kompong Chahnang, Moung Roessei, Kampong Luong và Siem Reap. Đó là nơi sinh sống của hàng ngàn người Việt Nam với gần 600 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu.
Tổ tiên của họ theo dòng Mekong, từ Việt Nam ngược sông Tiền và sông Hậu dùng nghề chài lưới để mưu sinh. Nơi nào có cá thì dừng lại và nơi cuối cùng họ định cư là Biển Hồ Tonle Sap, một cái hồ rộng mênh mông như biển.
Hàng ngàn người dân Việt Nam định cư trên Biển Hồ, trong đó có mấy ngàn hộ dân ở Siem Reap, đều là những cư dân vô thừa nhận dù họ can dự vào đời sống xã hội Campuchia từ bao đời nay trong vai trò cung cấp cá, một thực phẩm quan trọng cho người dân nước này.
Ngủ trưa trên Biển Hồ
Tất cả họ không có quốc tịch Việt Nam vì là người Việt mất gốc, càng không một ai được nhập quốc tịch Campuchia của nước sở tại. Cuộc đời tồn tại với rất nhiều cái “không”, như: Không trạm y tế, không trường học, không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không điện, nước, không biết đi giầy, dép...
Đau đớn thay! Khi họ ở trên biển hồ nước ngọt nhưng không có nước sạch để dùng, nước lại đục ngầu lợn cợn bùn, rác. Chất thải của hàng ngàn con người hàng ngày xả thẳng xuống Biển Hồ, là nguồn để ăn uống, sinh hoạt.
Đã vậy, họ khổ đến mức… chết cũng không có chỗ chôn. Vào mùa nước nổi phải treo xác chết trên bè, chờ nước rút mới mang vào bờ hỏa táng hoặc chôn trên đất chùa.
Ngụ cư trên Biển Hồ, cách xa đất liền, cộng đồng người Việt sống như một tộc người biệt lập với thế giới bên ngoài, không tương lai, đói khổ lại quanh năm đeo bám. Bởi lẽ, đánh cá ở Biển Hồ không phải là nghề có thể dễ dàng đổi đời. Cho dù ông bà xưa thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” hoặc “Rừng vàng, biển bạc” e rằng không đúng lắm với những “Việt kiều” này.
Mưu sinh trên Biển Hồ.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Biển Hồ, chính phủ Campuchia quy định một năm chỉ được đánh cá 6 tháng, 6 tháng còn lại... ngồi chơi. Họ không thể lên bờ làm thêm vì không có giấy tờ tùy thân. Nhiều người không còn đường mưu sinh đành dẹp bỏ lòng tự trọng, chèo kéo, xin tiền du khách.
Túng quẫn, một số người lén lút đánh bắt cá ở các khu vực cấm, đem bán cho các nhà hàng khách sạn thì bị bắt và phải đi tù. Hiện, trên 30 người đàn ông của làng chài người Việt đang đang có nguy cơ bị xử án tù vì không có tiền đóng phạt hoặc tái phạm nhiều lần. Mà không tái phạm sao được, bà con đánh bắt cá mưu sinh bao đời nay, có biết nghề nào khác.
Bao câu hỏi tôi tự đặt ra mà không có câu trả lời. Từ Biển Hồ xuôi theo dòng Tonle Sap để về An Giang và Đồng Tháp chưa đầy 300km, dẫu quê mẹ chưa giàu có lắm nhưng vẫn có đủ cơm no, áo ấm, trẻ em luôn được tạo điều kiện học hành, chăm sóc, yêu thương. tại sao lại không quay trở về quê hương?
Trên 500 nóc nhà lợp lá dừa, lụp xụp, tuềnh toàng. Gọi là nhà cho oai, chứ có căn chỉ là chiếc thuyền cũ rách nát, neo chơi vơi giữa hồ. Ngư dân đóng bè neo chặt trên mặt nước rồi dựng chòi thấp lè tè, che chắn tạm bợ đề phòng giông lốc. Họ cho biết có hôm gió lớn, cả nhà phải nhảy xuống nước níu giữ để chiếc bè không bị cuốn trôi.
Cuộc sống ở đây cực kỳ lênh đênh bằng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Mùa nắng thì phải dời nhà ra giữa dòng, mùa mưa lại tìm nơi có nhiều bụi cây um tùm để neo nhà núp gió.
Những cuộc đời gặp nhau, ghép đôi mà nên vợ nên chồng, thêm con thêm cái, nheo nhóc.
Gặp một phụ nữ có 6 đứa con, 3 đứa lớn đang mò cua, bắt ốc, còn 3 đứa nhỏ ngồi trên ghe theo chị xin tiền, tôi hỏi: “Cuộc sống khó khăn mà sao chị sinh con nhiều quá vậy?”. Sau giây phút e ngại, người phụ nữ mạnh dạn: “Ở đây hổng có gì chơi… ngủ sớm… kệ mà!”.
Mùa cấm đánh bắt cá, họ phải ăn mày kiếm sống.
Ông Trần Văn Tư, SN 1937, từ Tây Ninh buôn muối qua Campuchia, nhiều lần đến Biển Hồ. Nhìn thấy cảnh những đứa trẻ thất học đói khổ phải lang thang sóng nước theo mẹ đi xin ăn, nên động lòng trắc ẩn. Ông bỏ việc buôn muối, đến Biển Hồ mở một lớp học, dạy cho những đứa trẻ biết viết cái chữ của cha ông.
Trung tâm được thành lập năm 1997, không thuộc hệ thống giáo dục Campuchia. Nó ra đời sau những năm tháng chạy vạy ngược xuôi gian nan của người thầy giáo già Trần Văn Tư, từng cùng gia đình rời bỏ quê hương đến nơi này.
Lúc đầu lớp học lèo tèo vài học sinh vì cha mẹ chúng không thấy ích lợi của việc học chữ. Ông Tư phải chèo thuyền đến từng hộ dân vận động con em họ tới lớp. Ông nghĩ ra một phương cách để dụ bọn trẻ và cha mẹ chúng: “nếu đi học sẽ được ông cho ăn sáng”. Đến khi vốn liếng vận động mạnh thường quân kha khá, ông biến lớp học thành “Trung tâm giáo dục từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo Biển Hồ”. Sau khi nâng dần lên mức “nuôi ăn ngày ba bữa”, thì đã có đến 314 đứa trẻ ở Biển Hồ theo học. Hai con trai và con dâu của ông Tư cũng là giáo viên trong số năm người tình nguyện ở đây.
Tham quan trên biển Hồ, chiếc tàu chở đoàn khách của chúng tôi chạy quanh làng chài người Việt. Tàu ghé vào trường học được làm bằng ba cái bè kết lại. Năm 2010, một số cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam – Quân khu 7 trở lại thăm chiến trường xưa và tặng một ngôi trường trên bè và một nhà máy nước sạch. Một Hội đoàn Công giáo tặng nhà thờ bè, các mục sư Hàn Quốc dựng nhà thờ ngay trên lòng hồ, có cả chùa bè để mong xoa dịu nỗi khổ của những người dân xa xứ.
Ông Tư và lớp học từ thiện.
Bước vào lớp, chúng tôi thấy những khẩu hiệu mà ở Việt Nam, lớp học nào cũng có: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hoặc “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em”. Trên tường còn có cả thông báo cho các gia đình đang sinh sống tại Biển Hồ hãy đưa con em tới trường, và nhắc nhở: “Đừng để các em đi ăn xin trôi dạt bên ngoài”.
Nhìn những khuôn mặt chân chất và hiền lành của các thầy cô giáo trên bè, tôi không nén nổi cảm giác kính phục. Tất cả đều từ Việt Nam tự nguyện sang đây dạy học, không có bất cứ một đồng lương hay các chế độ chính sách gì, ngoài những đồng tiền ủng hộ của du khách và các tổ chức từ thiện.
Trời đã quá trưa, cái nắng rát bỏng của đất Campuchia thiêu cháy da thịt, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều trẻ em, theo chân những bà mẹ chèo ghe đu bám xung quanh trung tâm để xin tiền du khách. Đứa trẻ nào cũng gày gò, đen nhẻm, rách rưới, có đứa tay chân quặt quẹo, ốm yếu. Cuộc sống đã cuốn những người cha, người mẹ kia vào vòng xoáy mưu sinh với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đoàn du khách chúng tôi, không ai cầm được nước mắt.
Một nỗi buồn man mác cứ đeo đẳng mãi trong suốt chuyến đi của tôi với những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác, u hoài. Dù rằng tha hương cầu thực thì chẳng thể có niềm vui, nhưng chẳng chốn nào buồn như chốn này. Những chiếc thuyền ăn xin với những cánh tay đen nhẻm chìa ra, một cảm giác đau xót choáng ngợp tâm trí tôi.
Tạm biệt Biển Hồ Tonle Sap, trời chiều nhạt nhòa mưa trên khóe mắt. Lòng chúng tôi như thắt lại, nặng trĩu với bao câu hỏi, bao nỗi niềm khó tả. Có lẽ, đó là nước mắt cho những số phận tha hương, những con người trôi nổi.
Rồi mai đây, những thế hệ trẻ thơ lại đi đâu, về đâu, hay tiếp tục trôi nổi như cha mẹ chúng, như những chiếc thuyền trôi trên Biển Hồ Tonle Sap bao la, rộng lớn…

(Email Ngiem Duong)

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Nhà cũ - Nhà mới

1. Tôi gặp chồng tôi khi gia đình anh đã bán nhà để chữa bệnh cho bố anh. Sau đó bố mẹ có mua nhà khác nhưng vì thiếu cẩn thận khi xem giấy tờ, một phần bị gài bẫy nên mất khá nhiều tiền và phải đi thuê nhà để ở. Ở nhà mướn một thời gian cũng không còn khả năng trả tiền nên chủ lấy lại cho người khác mướn. Người mới biết hoàn cảnh gia đình anh nên thương tình cho ở tạm dưới bếp vì căn nhà rất rộng, họ ở không hết, họ cũng không nỡ lấy tiền của gia đình. Trong hoàn cảnh buồn ơi là buồn đó, chúng tôi làm đám cưới, một đám cưới thật giản dị. Nhưng trước khi cưới, phải có nhà để ở. Dành dụm được ít vốn từ trước, tôi và anh cố vay mượn thêm để mua một nền đất nhỏ xíu chưa đầy 20 mét vuông, thôi thì tạm gọi là nhà. Một căn nhà cấp bốn, nền xi măng, cửa cũ, tôn fipro ximăng nóng hầm hập từ mười giờ sáng đến nửa đêm mới nhả được cái nóng.

2. Mà mượn tiền thì phải trả, hai vợ chồng làm công nhân thiếu trước hụt sau làm sao dư để trả nợ ? Căn nhà nhỏ xíu đành phải bán thôi. So với vốn ban đầu bỏ ra thì có lời, nhưng trả nợ xong cũng chỉ đủ mua một nền đất rộng hơn nhà cũ. Lúc này con trai chưa đầy một tuổi, chúng tôi ở mướn nhà một người quen mà tôi từng giúp đỡ. Tôi làm việc ở Ủy ban phường nên mối quan hệ quen biết cũng khá rộng. Chị thiếu tiền tôi đi mượn giúp, chị không có việc làm, tôi xin giúp, chị vào làm một thời gian mang cả con gái vào làm với mẹ, một công việc thật ổn định. Thế nhưng chị đã không tốt với tôi. Có va chạm mới biết lòng người. Tôi đi khỏi nhà chị và cũng chấm dứt tình nghĩa bao lâu nay.

3. Thời điểm đó, Tân là em họ tôi từ Mỹ về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Hai chị em thân nhau từ khi em còn ở đây. Em giúp tôi tiền cất nhà trên nền đất đã mua hơn một năm vẫn còn để trống vì không có tiền. Vẫn là một căn nhà cấp bốn, nền xi măng, cửa cũ, tôn cũ nhưng rộng rãi hơn nhiều. Ngày có nhà mới tôi cứ ngỡ như mình ở trong mơ. Nhưng giấc mơ của tôi thường hay tỉnh vào lúc giữa trưa cho đến khoảng bốn giờ chiều vì nhà quá nóng. Còn nhớ những đêm đang ngủ ngon phải bật dậy lấy thau hứng vì trời mưa, nhà dột tùm lum chỗ.
Bàn thờ Chúa tôi để ở đầu tủ. Có tượng Mẹ Maria bên cạnh.
Đó là nợi cao nhất trong căn nhà cấp bốn và không bị dột. Tôi buồn mỗi khi nhìn lên bàn thờ. Tôi mong ước khi nào có nhà đẹp, tôi nhất định không để Chúa và Mẹ ở chỗ như thế này.

4. Căn nhà xuống cấp rất nhanh vì móng yếu, chúng tôi có ít tiền quá khi xây cất. Cũng chẳng dư nhiều tiền để có thể xây mới lại lần nữa. Căn nhà ấy tôi đổi cho Cường, em trai tôi, để dọn lên chung cư. Một chung cư cũ nhưng còn bền chắc. Căn nhà này chắc có duyên với chị em tôi vì Cường lên đây một thời gian làm ăn khấm khá, có nhà mới nó để lại cho tôi. Khi về ở được vài tháng thì chồng tôi xin được việc ở Myanmar, anh đi không tốn đồng bạc nào, công ty lo từ vé máy bay đến miếng ăn chỗ ở.

5. Sau ba năm làm việc ở Myanmar, chúng tôi tích lũy được kha khá. Em trai tôi bằng lòng để lại căn nhà cũ cho chị, rẻ nhiều so với thời giá lúc bấy giờ. Cám ơn vợ chồng em rất nhiều. Mua được căn nhà cũ của mình rồi, vợ chồng tôi bán nhà chung cư để cất mới lại hoàn toàn.
Thật ngẫu nhiên tôi gặp được Hiền Thắng, một kiến trúc sư trẻ mới 27 tuổi, em cất nhà cho tôi một cách tốt nhất có thể.
Chị Nguyễn Tuyết
thêu tặng em ảnh Mẹ Mân Côi
Bạn Bích Liên gắn những hạt đá
hoàn thành bức tranh LTXC
Từ căn nhà nhỏ xíu đầu tiên 1988.
Qua bốn lần đổi chỗ ở vì bán nhà và đi thuê.
17 năm sau tôi đã có được căn nhà hiện nay, một căn nhà chưa đầy 40 mét vuông nhưng với tôi và nhiều người nhìn, tuy không sang trọng nhưng thật là dễ thương.
Bố mẹ và các em chồng tôi cũng đã có nhà riêng và ổn định cuộc sống.
Có lần con trai dẫn một người bạn Đức tên Sylvia về nhà chơi, Sylvia rất thích, cô ấy nói : Oh ! Very beautiful !
Con trai liền quay lại và nói rất nhiều với Sylvia. 
Tôi hỏi : con nói gì mà nhiều vậy con ?
Be tặng chị tượng Mẹ Hằng Cứu Giúp 
Bình hoa thạch thảo của Thi 
trong một lần ghé thăm cô
- Con nói với cô ấy là ngày xưa nhà mình nghèo lắm, nhờ bố đi Myanmar làm việc mấy năm mới đủ tiền làm căn nhà này. Căn nhà này là một hồng ân của Chúa. Con không biết từ hồng ân dịch làm sao nên tạm dùng chữ "The Gilf of God" vậy.
Nghe con nói, tôi thầm cảm ơn Chúa vì nó đã trưởng thành và nhận biết được nhiều điều. Trong những điều ấy, lòng biết ơn là quan trọng nhất.

Tôi đã ở trong ngôi nhà hồng ân này mười hai năm rồi.
Như lời ước nguyện ngày xưa, tôi để bàn thờ Chúa và tượng Mẹ vào nơi trang trọng nhất, đẹp nhất. Mỗi ngày nhìn lên bàn thờ, hoa tươi và ánh điện lung linh ấm áp, tôi thấy lòng mình lâng lâng niềm cảm mến vô bờ. 
Trải dài trong suốt cuộc đời tôi, gia đình tôi, hiển hiện rõ nét Lòng Thương Xót của Chúa.

Thăng trầm nhiều năm trong cuộc đời, tôi hiểu và thấm được nỗi cơ cực của người nghèo, của người phải thuê nhà ở mướn. 
Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi là một người nghèo để dễ dàng thông cảm, dễ dàng chia sẻ. 
Con xin kính gởi đến Chúa niềm ước mong của những người nghèo.
Xin Chúa ban cho tất cả có được một kết thúc tốt đẹp như lòng họ hằng mong ước.
Nơi trang trọng nhất trong nhà,
con dành cho Chúa và Mẹ
Tôi rất thích những lời trong thánh vịnh 127 : Ca khúc lên Đền. Của vua Sa-lô-môn. 
            Ví như CHÚA chẳng xây nhà, 

            thợ nề vất vả cũng là uổng công. 
            Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, 
            uổng công người trấn thủ canh đêm.

          Bạn có thức khuya hay dậy sớm, 

            khó nhọc làm ăn cũng hoài công. 
            Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ
Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.

Lạy Chúa !
Cám ơn Chúa vì tất cả những gì Chúa đã ban tặng cho con.
Xin cho con biết sống xứng đáng để được Chúa thương yêu luôn mãi.

            

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Vỡ nợ


Em là hàng xóm của tôi.

Cái nhà nhỏ xíu của em bán quần áo bình dân cho con nít và phụ nữ, bán vải khúc, bán card điện thoại, về sau này khi chồng đổ bệnh, em còn bán thêm trái cây nữa, rồi em lãnh sửa đồ v.v... Vào những buổi chợ đông hoặc cận tết, em mang hàng ra vỉa hè đổ xôn để thu hồi vốn. Tôi là khách hàng thường xuyên ủng hộ em, có lẽ vì thương nhiều hơn là vì nhu cầu. Em cũng biết tình cảm tôi dành cho em nên có những khúc vải nào đẹp là em lại ưu tiên cho tôi lựa trước. Nhờ thế mà tôi có nhiều áo đẹp với giá rẻ không ngờ. Quần áo mặc ở nhà của tôi cũng toàn do em lựa vải rồi cắt may với giá thiệt hời. 

Em cao ráo, làn da trắng trẻo, hay cười, khá dễ dãi trong việc mua bán, không kỳ kèo bớt một thêm hai, chịu thương chịu khó, dù tất bật từ sáng đến tối chẳng hề than một tiếng. Chồng chạy xe ôm, khi có khi không, hai đứa con của em thừa hưởng nét đẹp của mẹ, phổng phao, to lớn nhưng buồn là chúng khá vô tâm. Vì vậy tôi thương em nhiều hơn. Em cũng tâm sự với tôi nhiều hơn mỗi khi tôi ghé vào căn nhà nhỏ xíu ấy.

Em kể con em không ham học, hết nhỏ to đến la rầy cũng chỉ cố gắng cuối lớp mười hai là hết sức. Đôi lúc chứng kiến thằng con lớn nạt em, em khóc nghẹn lời. Rồi chồng đổ bệnh, trời ơi bệnh nhà giàu mới khổ, mỗi lần chạy thận em chở chồng đến bệnh viện rồi quay về nhà lo buôn bán, cơm nước. Con gái quê lấy chồng thành phố mà có sung sướng gì đâu ! Thấy công việc của em chẳng thể kham nổi một gia đình, tôi hỏi thăm. Em trả lời : Phải giật gấu vá vai chứ biết sao bây giờ chị ơi ! Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy hàng nước mắt rưng rưng của em.

Những lần thiếu hụt miếng ăn hàng ngày, học hành của con, điều trị bệnh cho chồng em phải mượn tiền trả góp. Tiền lời cứ thế chồng lên.
Rồi không hiểu sao em nghĩ ra cái cách mượn tiền của người này cho người khác vay lại để hưởng chênh lệch chút ít. Chính điều này đã đẩy em vào ngõ cụt hôm nay. Những người vay của em không thể trả nổi, họ bỏ trốn mất rồi. Còn em, em lại không thể bỏ trốn người cho mình vay...
Tôi thật tình la : sao mà dại thế hả em ? Em lắng nghe trong nước mắt.
Đã quá muộn rồi, sai một li, đi một căn nhà.

Có lần, em dợm bán nhà để trang trải nợ nần, lần đó tôi mua giúp em một số hàng dù thực sự không cần thiết. Nhưng rồi có lẽ xoay sở được, em không bán nữa. Thiệt lòng tôi mừng cho em.
Mấy hôm trước đi ngang qua nhà, lại thấy em soạn đồ đạc, soạn vải, tôi nghĩ chắc em dọn dẹp cho gọn gàng, sạch sẽ hơn. Lần này tôi thực sự có nhu cầu nhưng rồi nghĩ thư thả một chút hãy mua.

Chiều hôm nay, tính ghé mua ủng hộ em thẻ cào điện thoại thì thấy căn nhà trống trơn. Thấy tôi vào, em khóc và nói : đâu còn tâm trí gì nữa chị ơi ! Em bán nhà để trả nợ. Tôi hỏi thăm, em nói em mướn nhà hơn bốn triệu một tháng. Tôi ngao ngán dùm em. Tôi nói em ráng lo liệu làm sao chứ mướn nhà khổ lắm, quay qua quay lại tới tháng liền liền. Tôi với em nói chuyện cũng không được nhiều vì đến giờ phải ra nhà thờ giữ xe. Chỉ biết cầu chúc em may mắn hơn trong cuộc đời này. Em nói em sẽ luôn nhớ tôi vì tôi đã tốt với em. Những lần trái cây ế ẩm, em qua nhà tôi nài nỉ mua dùm, chẳng bao giờ tôi trả giá, nhiều khi ngán muốn chết mà vẫn mua. Có những lúc tối trời, qua nhà em, tôi lựa toàn trái chín để mua giúp, chỉ sợ nếu để ngày mai, nó bị hư, em lỗ tội nghiệp. Tôi quen nghĩ cho người khác nhiều hơn nghĩ cho mình, vì thế nhiều lúc cũng chợt thấy mình thiệt thòi, khờ khạo. Thôi kệ, biết sao giờ, khi nhìn thấy người khác khổ quá mà hai bàn tay mình thì lại nhỏ bé...


Tôi cầu mong hai đứa con biết thương mẹ hơn, hiểu em hơn để đừng trách cứ, mà chung vai lo phụ em trang trải cuộc sống. Em đi tối thứ hai, hôm nay thứ năm nhớ về em tôi viết những dòng này.
Tối thứ hai, em dọn về nhà mới, nhưng đó không phải nhà của em.
Biết khi nào em mới có lại được căn nhà giống như ngày xưa, dù chỉ là căn nhà nhỏ xíu xiu thôi.
Buồn thật ! 

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Chỉ một lời thôi...

SUY NIỆM LỜI CHÚA - Mt 8, 5-17
(1.7.2017 – Thứ bảy Tuần 12 Thường niên)

Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.
Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

Suy niệm:
Đức Giêsu mới chữa cho một người phong bằng một tiếp xúc gần,
nay Ngài lại chữa lành cho một người bị đau liệt ở xa.
Người được khỏi chính là đầy tớ thân tín của viên đại đội trưởng.
Con người sống gắn bó với nhau bằng những mối dây.
Viên đại đội trưởng là chủ, nhưng ông cảm được nỗi đau của anh đầy tớ:
“Đầy tớ của tôi bị liệt nằm ở nhà, đau đớn kinh khủng” (c. 6).
Người đầy tớ được khỏi là nhờ tình thương của chủ đối với anh,
chính ông đã đi gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho anh đầy tớ (c. 5).
Và chính lòng tin của ông đối với Đức Giêsu đã khiến anh được khỏi (c. 10).
Những điều tốt lành của Thiên Chúa vẫn đến với ta qua người khác.
Khi Đức Giêsu nghe lời kêu xin, thì Ngài sẵn sàng lên đường ngay (c. 7),
dù biết rằng nhà của viên đại đội trưởng là nhà dân ngoại, bị coi là ô uế.
Có thể vì sợ Ngài bị ô uế mà ông ta đã can ngăn bằng câu nói nổi tiếng :
“Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời,
đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh” (c. 8).
Ông ý thức về sự bất xứng của mình, của căn nhà mình ở.
Và ông xác tín vào sức mạnh của việc “Ngài chỉ nói một lời.”
Viên đại đội trưởng nhận mình là người có quyền.
Uy quyền của ông nằm trong lời ông ra lệnh cho cấp dưới (c. 9).
Ông tin lời của Đức Giêsu cũng có uy quyền như vậy.
Chỉ một lời ra lệnh của Ngài cũng đủ đẩy lui bệnh tật và thần dữ.
Đức Giêsu ngây ngất trước lòng tin của viên sĩ quan dân ngoại,
một lòng tin vừa mạnh mẽ, vừa khiêm tốn.
Một lòng tin như thế, Ngài chưa từng gặp nơi dân Ítraen (c. 10).
Đức Giêsu nghĩ đến ngày cánh chung, quanh bàn tiệc Nước Trời,
có bao người đến từ muôn phương, những kẻ không phải là người Do thái.
Họ làm nên một cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài.
Họ vui sướng được ngồi bên các tổ phụ và những người Ítraen chân chính.
Đức Giêsu cho thấy dòng lịch sử đang đi vào ngã rẽ quan trọng.
Ơn cứu độ phổ quát do Ngài đem lại được mở ra cho mọi người.
Chỉ ai cố tình chối từ Tin Mừng Nước Trời mới bị loại (c. 12).
Đức Giêsu không chỉ rao giảng Nước Trời bằng lời.
Ngài còn chứng minh Nước Trời đã đến bằng bao việc tốt lành, kỳ diệu.
Lời Ngài giảng cũng là lời chữa cho người phong, cho tên đầy tớ.
“Ngài nói một lời là trừ được các thần dữ” (c. 16).
Lời uy quyền khi giảng cũng là lời uy quyền khi chữa bệnh.
Nhưng Đức Giêsu cũng đụng chạm đến nỗi đau của con người.
Ngài đụng đến người phong, và đụng đến bàn tay mẹ vợ ông Phêrô (c. 15).
Hôm nay, Giáo Hội vẫn cần những người rao giảng như Giêsu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới

Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
Amen.

(ĐHY Roger Etchegaray - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)