Vài năm ... sau ngày 30/4/1975.
Tôi là người duy nhất được chọn giữa hàng trăm thanh niên nam nữ đi công tác ở địa phương.
Ngoài những công việc ban ngày có lương, tôi còn kiêm thêm chức vụ "hiệu phó" của lớp học tình thương mỗi tối. Tôi đóng ngoặc kép chữ hiệu phó là vì ngoài thầy hiệu trưởng là thầy giáo thực sự thì từ tôi cho đến giáo viên chẳng có ai qua trường lớp sư phạm nào cả, cứ theo sách giáo khoa về coi thật kỹ trước khi đến lớp dạy. Cái gì chưa hiểu thì trao đổi với thầy hiệu trưởng.
Có tất cả là năm lớp : lớp một đông học sinh nhất, lớp năm ít nhất. Một tuần dạy 6 buổi tối trừ chủ nhật. Thế là sau 8 giờ đồng hồ chính thức làm việc ban ngày, tôi lại vất vả thêm 2 giờ buổi tối nữa.
Từ Ban giám hiệu đến giáo viên không có lương mà chỉ có tiền bồi dưỡng, tiền bồi dưỡng một tháng dạy học tôi nhớ chỉ ăn được 5 ổ bánh mì thịt, nếu so với bây giờ thì chưa được 100.000 đồng.
Sở dĩ tôi vòng vo tam quốc như vậy là để hiểu rằng chúng tôi dạy học không vì tiền bồi dưỡng chút nào cả mà hoàn toàn vì tình thương đối với các em.
Tùy theo trình độ của mỗi người chúng tôi tự chia nhau phụ trách lớp : Hậu bí thư chi đoàn dạy lớp năm vì tiếng Hậu to, sang sảng, toán nhiều bài khó. Định dạy lớp ba và một vài bạn khác nữa .. tôi quên mất tên vì đã hơn 30 năm rồi. Tôi đi vòng ngoài kiêm giữ trật tự không cho các em bên ngoài vào phá phách, giáo viên nào bận việc nghỉ thì tôi vào dạy thế.
... Học trò của tôi ngày ấy gồm toàn con nhà nghèo đã bỏ học, đứa nào bỏ học ít nhất cũng 1 năm, có đứa thâm niên lên tới 4 năm nên việc đi học lại chúng ngán lắm. Chỉ có một ít đứa nghỉ học là được ở nhà, còn đa phần phải đi bán, bán đủ thứ từ vé số đến kem cây, có đứa lượm bịch nilon, phụ bưng bê ở quán... Đặc điểm chung của chúng nó khi đến lớp không được sạch sẽ lắm, quần áo nhiều khi chẳng kịp thay toàn mồ hôi, tóc tai thì thơm mùi nắng gió, chẳng đứa nào có làn da trắng vì chưa đen là may rồi. Nhiều đứa vì hoàn cảnh phải nghỉ nhưng vẫn thích học nên có khi đi bán về chưa kịp ăn cơm đã vội vàng đến lớp. Có nhiều đứa đến lớp không có tập, cũng không có viết vì tập hết rồi mà chưa có tiền mua, viết cũng thế... Mỗi đứa khi bắt đầu học được phát 5 quyển vở và 2 cây viết, hết tự mua , không có tiền mua thì cứ ngồi nghe chay vậy thôi. Chịu không nổi tôi lấy tiền bồi dưỡng của mình để mua giấy, loại giấy giống như giấy A4 bây giờ nhưng dầy và vàng khè . Tôi dùng thước kẻ gỗ chịu khó gạch hàng ngang và đóng thành từng xấp phát cho học trò để chúng nó làm bài, thầy hiệu trưởng cứ bảo tôi lo làm sao cho xuể, tôi chỉ cười : kệ em , lo được tới đâu thì lo thầy ạ !
Chúng tôi áp dụng vừa chơi vui, vừa hát, vừa dạy để giữ học trò. Học được bao nhiêu cũng tốt cho chúng nó. Dạy căng quá chúng nó nản bỏ học tội nghiệp còn mình coi như uổng công.
Chung vai với tôi lâu nhất, dài nhất và trong từng nỗi lo giữ lớp, giữ học trò là Hậu bí thư chi đoàn, Hậu là nam nên năng động, xốc vác, tôi chăm chỉ ít nói cứ như định luật bù trừ cho nhau. Chúng tôi là đôi bạn thân, có trách nhiệm và hạp ý nhau trong công việc. Một đôi lần được nghỉ phép thì cái câu đầu tiên mà Hậu luôn nói với tôi khi gặp lại là : đến lớp mà không có N, mình nhớ quá ! Bi nhiêu cũng đủ ấm lòng bạn hữu !
Trong số học trò lớp tình thương hồi ấy, có hai đứa đặc biệt là Minh và Dũng. Minh gầy ốm , sáng sáng vác thùng kem đi bán, nhà Minh bán kem từ cha cho tới con. Suốt ngày ngoài đường mà Minh khá trắng trẻo. Dũng thì da ngâm đen, mập ù, tròn trĩnh nhưng hai chân bị liệt, em cứ bò lết trong nhà. Nhà cách nhau có mấy căn nên Minh chịu khó cõng Dũng đi học mỗi tối. Thấy cảnh Minh sau một ngày đi bộ không biết bao nhiêu cây số để bán hàng mà cứ tối tối chịu khó cõng Dũng trên lưng để đến trường suốt mấy năm trời, thân hình Dũng mập nên cứ trĩu trên lưng của Minh ai nhìn cũng thương. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Dũng chưa biết chữ nên vào lớp một, Minh lớp ba. Thấy Minh dễ thương với bạn nên Hậu bí thư chụp hình hai em rồi gởi lên báo. Khi báo đăng hình hai đứa lên là Minh được mời ra Hà Nội tham quan một tuần lễ và dự Hội khỏe Phù Đổng. Tôi tin đây là kỷ niệm và niềm vui theo em suốt cuộc đời. Ngày Minh ra Hà Nội có xe hơi đến tận nhà đón, tôi và Hậu cùng đi với Minh cho nó thêm phần tự tin. Nhưng khi Minh lên máy bay rồi thì tôi và Hậu cuốc bộ từ sân bay Tân sơn Nhất về đến chợ Saigon, từ Saigon lên xe buýt đi một đoạn lại xuống xe cuốc bộ tiếp mới về đến nhà, mỏi chân kinh khủng vì lúc đó xe buýt không có nhiều tuyến đường như bây giờ. Vậy mà những đứa học trò của tôi từng ấy tuổi đầu đã phải đi bộ một ngày không biết bao nhiêu cây số để kiếm sống ...
Thương Dũng suốt ngày cứ quanh quẩn bò hết trong nhà rồi lại ra sân, có lần Hậu lấy xe đạp chở em ra Saigon đi vòng vòng chơi , tôi đạp xe bên cạnh nói chuyện. Cái gì em thấy trên đường cũng đẹp, em cứ luôn miệng : từ nhỏ đến giờ em mới thấy cái này lần đầu à ! nhà Dũng nghèo ai cũng vất vả lo làm ăn, có ai chở em đi chơi bao giờ đâu mà biết !
...............
Sau 5 năm trời gắn bó, tôi nghỉ làm, cũng đồng nghĩa với việc rời xa lớp học. Đó không phải là ý muốn của tôi. Cuộc đời nhiều lúc đẩy mình vào ngả rẽ. Chỉ có Hậu ở lại, chưa biết người mới có nhiệt tình như tôi không ? Buổi học cuối cùng hai đứa đều buồn.
Sau mấy năm tôi xin được việc làm ở Saigon. Có lần đang đi chợt nghe tiếng gọi : Cô ơi ! Quay lại thì ra hai đứa học trò của tôi, chúng nó đi bộ từ Cầu chữ Y ra tận đây để bán kem. Từ sau lưng học trò vẫn nhận ra tôi. Thương quá các em ơi ! Cô trò nói chuyện với nhau một lúc thì tạm biệt.
Rất lâu sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp lại học trò của mình, thường thì các em nhận ra tôi trước và gọi , tiếng gọi nghe thân thương làm sao, tôi biết các em quí mến mình mặc dù tôi chỉ vào lớp dạy khi có giáo viên nào nghỉ.
Các em lớn nhưng công việc xem ra cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Nhà nghèo, ít học, cái vòng lẩn quẩn cứ bám riết với nhau, có muốn thay đổi cũng dâu phải dễ. Khi đã lớn thỉnh thoảng Minh lại cõng Dũng đến nhà thăm tôi, hai đứa còn rủ cô đi uống nước nữa chứ ! Những lần nghe tiếng học trò gọi, những lần đến thăm của Minh và Dũng tôi cảm động vô cùng.
Ơi những đứa học trò của tôi ngày xưa ! Dù lúc đó chưa có ngày 20/11 , các em vẫn như những bông hoa rất đẹp, hồn nhiên và trong sáng đối với cô.
Cô mong các em thoát được cảnh nghèo.Cô mong dù dòng đời có
ngược xuôi xô đẩy các em vẫn là người tốt, vẫn là những bông sen vươn mình lên với bầu trời cao xanh.
Cô mong các em hạnh phúc, vợ chồng cùng chung lưng xây dựng gia đình để con cái các em được học hành tử tế và thành công trong cuộc đời, không còn phải đến lớp học tình thương như cha mẹ nó ngày xưa nữa.
Thân tặng Hậu, các bạn và học trò ở lớp học tình thương ngày xưa .
TN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét