Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Ngày tết nhớ bố

Thời gian nhanh quá, chỉ còn hai tuần nữa là tết !
Chúa nhật cả gia đình tôi thuê xe lên thăm bố. Nghĩa trang không đông vì chưa phải là ngày tảo mộ. Các em tôi lên sớm là vì tuần sau đứa nào cũng tất bật với công việc không thể dứt ra.

Khi còn sống, bố tôi rất giản dị, hiền lành, thương người. Phương châm của bố là mỗi ngày phải làm được ít nhất một việc tốt. Tôi thấy mình cũng giống bố được ở điểm này. Nhớ hồi còn nhỏ xíu, tôi ngủ với bố ở cái giường nhỏ sát cửa ra vào. Một buổi tối nọ đã khuya nghe tiếng ông già mù ăn xin ngoài đường, tôi lay bố dậy : Bố ơi mở cửa cho ông tiền đi bố ! - Khuya rồi con, ngủ đi ! Tôi không ngủ mà tiếp tục : Bố ơi dậy đi bố, dậy cho ông tiền đi ! Bố vẫn còn nhỏ nhẹ :  Bố mệt lắm, mai bố còn đi làm nữa, con ngủ đi ! Con bé bướng bỉnh là tôi vẫn cứ lay bố : Bố dậy đi bố, mở cửa cho ông tiền. Lần này bố tôi bực thiệt nên nói hơi lớn tiêng một chút : Bố bảo ngủ đi, khuya rồi, lần sau cho. Tôi ấm ức, thiếp đi trong nước mắt, không khóc vì bị la mà khóc vì tội nghiệp ông già mù.


Ngày ấy còn non nớt, tôi đâu biết bố suốt ngày ngoài đường kiếm tiền nuôi chúng tôi, bỏ "vô lăng" ra là bố ngủ miệt mài. Mở cửa cho người nghèo vài đồng là chuyện nhỏ. Ngày nào bố cũng làm ít nhất một việc thiện. Có lần bố chở một bà già từ dưới quê lên, bà kể con bà đau nặng đang nằm ở bệnh viện Bình Dân. Khi đến nơi loay hoay làm sao mà bà ấy lại để quên gói tiền trên xe. Chạy mãi vẫn chưa có khách, bố phát hiện ra gói tiền. Thế là bố chạy một lèo trở lại bệnh viện Bình Dân. Trong dòng người đông đúc trước cửa bệnh viện, bố đã nhận ra người hành khách già nua và bà ấy cũng kịp thời nhìn thấy bố với nỗi vui mừng không sao kể xiết. Bà hết lời cám ơn bố, bà nói : nếu không tìm được số tiền này, chắc con tôi chết mất ông ơi !


Có một lần khách đi xe của bố là một phụ nữ trên dưới 50 tuổi. Người phụ nữ ẵm trên tay một đứa bé mà khi lên xe bà ấy nói đó là cháu ngoại bà. Nhà nghèo quá, con gái bà lỡ lầm bụng mang dạ chửa, thời đó đâu có dễ dàng phá thai như bây giờ. Lỡ rồi thì phải chịu, sanh xong rồi tính. Đứa bé chỉ mới hơn mười ngày tuổi đang định gởi vào viện mồ côi. Bố chở bà lên cô nhi viện Gò Vấp nhưng các soeur từ chối vì nó bé quá, các sr bảo gia đình ráng nuôi nó hai tháng rồi lên đây sr nhận.

Các sr không nhận mà bà ấy cũng không thể mang cháu về nhà, thế là bố tôi lại phải chạy lòng vòng kiếm các cô nhi viện khác. Bà khách nói với bố : chạy xa quá tôi không có tiền trả ông đâu, chắc tôi bỏ đứa nhỏ này ở trước cổng nhà ai để người ta lượm. Nghe bà ấy nói vậy bố tôi không đành lòng, sợ đứa nhỏ chết nên bố trả lời : 
- Khi nào tìm được chỗ cho đứa bé, tôi mới lấy tiền xe, bà đừng lo.
Tội nghiệp bố cả một buổi sáng, chẳng có nơi nào nhận, nơi nào cũng trả lời là phải tròn hai tháng. Trưa trầy trưa trật, bố chở bà về nhà tôi để ăn cơm rồi chiều đi tiếp.
Tôi còn nhớ buổi trưa hôm ấy nhà tôi đông người, hàng xóm nhiều người đến xem, cuối cùng thằng bé được một người hiếm muộn ở xóm trên nhận về nuôi. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì gia đình này tuy không giàu nhưng đàng hoàng tử tế. Nhưng cũng có người ác miệng bảo đó là con rơi của bố, bố dàn cảnh vậy thôi. Nghe xong bố chỉ cười. Hôm đó bố tôi chỉ lấy tiền xăng để bà còn ít tiền trở về quê. Bố tôi vui lắm. Niềm vui không thể tính bằng tiền.

Những chuyện nhân nghĩa bố làm rất nhiều. Tôi đã viết trong bài BỐ ƠI !
Với bố, đó chẳng phải là chuyện lớn lao, chỉ bình thường thôi nhưng với chúng tôi, bố đã để lại bài học lớn về lòng thương người, tận tình tận nghĩa, không tham tiền. Và những đứa con của bố, con trai, con gái, con dâu, cháu nội, cháu ngoại... ít nhiều giống bố về điểm này. Đứa có nhiều cho nhiều, đứa có ít cho ít, đứa không có thì tặng công. 
Ở trên cao, nhìn chị em tôi, chắc bố vui nhiều ! 
Làm cho cha mẹ vui đó là hiếu thảo. Đó là cách đền ơn tốt nhất. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét