Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Chút bám víu sau cùng

Gã rũ người như cái bao bị trên vai người phụ nữ. Gã nặng thật. Người đàn bà vừa nắm chắc tay lái, vừa gồng bờ vai bé tí của mình cho gã dựa vào. Dù rũ như cái bao hắn vẫn lè nhè vớt vát một câu:
- Cô chở cháu thế, có ngán không ?
- Ngán cái gì ? Trông cho về tới nhà để mi nghỉ cho yên. Gió ù ù thế này, mi vật ra giữa đường, mình cô xoay sở làm sao được.
Rồi con đường xa hun hút cũng dừng. Người đàn bà cũng tha gã về được tới nhà, gọi cửa, giao gã lại cho gia đình, không quên dâng một lời tạ ơn và xin Chúa chở che cho gã !


·       Một Cuộc Đời Như Cây Mất Gốc 
Gã vốn không phải là người Việt Nam. Trên giấy tờ, gã là công dân một nước Đông âu, nhưng thực tế gã là một bụi đời chính cống của vỉa hè Sài Gòn. Một người Việt Nam thứ thiệt !
Gã được sinh ra bởi một người đàn bà đẹp, và rất đẹp. Gã có một cội nguồn rất oai, không phải loại thứ dân thấp kém tầm thường. Bố gã là người nước ngoài, xét gốc gác thì là dòng giống hồng quân xô viết. Còn mẹ gã là con quan cực lớn. Bà ấy đi làm việc ở nước ngoài, và sinh ra gã.
Cuộc hôn nhân quá khác biệt đó đổ vỡ. Cộng thêm lúc bé tí gã bị sốt bại liệt. Những thầy thuốc rất giỏi của Châu Âu đã cứu cho cặp chân gã có th đi lại được.
Mẹ ôm gã bỏ chạy khỏi Châu âu, chạy khỏi mối tình làm bà đau khổ vật vờ, chạy khỏi cái giá lạnh của băng tuyết có thể lấy đi những bước chân của gã. Lúc đó là một thằng tây con rất là kháu khỉnh.
Và thế là hắn thành người sống ở thành phố tràn nắng Sài Gòn, nhưng không có bất cứ giấy tờ nào dính líu tới Việt Nam. Hắn cứ ăn cơm Sài Gòn, và vẫn c là một người ngoại quốc.
Hắn bập bẹ nói tiếng Việt Nam, và hắn cũng đến trường. Mẹ hắn rất khốn khổ mới có thể xin cho thằng con nước ngoài nhập học trường quốc nội.
Mẹ hắn tiếp tục khổ. Bà tái giá, đẻ một bầy con. Lẽ dĩ nhiên, dù cha dượng có thương thế nào thì thương, khoảng cách vẫn cứ có.
Ở nhà thì hắn chán. Ở lớp thì hắn cách biệt cô đơn. Hắn chọn một con đường bỏ học, lang thang sống bụi với đám trẻ con móc bọc !
Mẹ thương, mẹ khóc, mẹ đi tìm hắn về năm lượt bảy lần. Song về nhà, chỉ cần chút gì đó tủi phận mình, hắn lại dội ngược ra hè phố. Mười lăm tuổi, hắn phạm lỗi, và chấp nhận để gia đình gửi vào trường giáo dưỡng.
Đây sẽ là một nỗi đau dai dẳng cho người mẹ thân yêu của gã, bởi khi hắn phạm lỗi, ông ngoại có bàn đến phương án này. Ông tin vào môi trường giáo dưỡng nghiêm khắc và nhân văn sẽ khiến hắn thành người. Một sự tai hại...
Sau hai năm giáo dưỡng, hắn hoàn toàn mất sạch nét thơ ngây, chút Tây âu cũng chẳng còn. Bây giờ hắn là một thằng thanh niên bậm trợn ngang tàng, mình dày đặc hình xăm. Khái niệm tình thương cũng hoàn toàn biến mất trong óc hắn.
Chút ủi an, yêu thương của mẹ không th bù đắp cho hắn những nỗi đau. Không giấy tờ người Việt Nam là không thể có xe, không có việc làm, một thằng thanh niên mười bảy tuổi với sự tổn thương đầu đời. Hắn quẫn !
Và thế là hắn bị đêm đen nuốt chửng. Hắn làm những việc phạm pháp và đối diện với tù đày. Lần nào bị bắt tù, hắn đều gào thét, tranh đấu bằng được thân phận ngoại quốc của mình, và hắn luôn được nhốt ở trại tù dành cho người nước ngoài, điều đó an ủi được gã tý chút.
Tính đến nay thì thời gian hắn ngồi tù đã nhiều hơn những tháng ngày hắn tự do dưới mặt trời. Cái cuộc đời tù đày của một tên tây lai có lúc rầm rộ tới mức gương mặt của hắn được phơi trên báo với những bài về những vụ án có những yếu tố giật gân, hi hữu.
Với hắn, thế là hết. Thế là chẳng còn gì. Lần sau cuối đi tù, hắn ngoái lại nhìn mẹ hắn, mắt nhạt nhòa khóc không thành tiếng.

· Không Hẳn Là Đã Hết
Lần cuối đi tù ấy, tòa kêu án bốn năm. Mẹ cũng thương yêu ngoi ngóp đi thăm nuôi một thời gian, rồi sau đó là bằn bặt chia ly. Hắn cũng không còn muốn ngóng trông. Thôi thì đời muốn tới đâu thì tới.
Mẹ gã không bỏ gã !
Nhưng cuộc đời với những sự cố bị thương, đã đánh nát gia đình chị chẳng còn gì. Chị lần hồi mang bầy con biệt tích về một nơi heo hút.
Nơi ấy vắng vẻ, vài nóc nhà, rồi người ta cũng biết và chẳng dây dưa phiền phức với gia đình chị mà chi, trừ gia đình người phụ nữ sát vách.
Nhà ấy khác nhà chị quá. Họ có đạo, và bình an. Chị cũng không muốn dây dưa, thành ra cửa đóng then cài im ỉm.
Những quả là buồn quá.
Nỗi buồn khiến người mẹ cũng dần dà làm quen với nhà bên. Một chút đỡ ngại ngần khi người đàn bà Công Giáo đón nhận những lời tâm sự của chị mà không hề chê cười, phán xét, hay đạo đức dạy đời như thói thường chị vẫn gặp.

Và hai người đàn bà gần gũi hơn với nhau. Người mẹ mới thổ lộ về đứa con sắp ra tù. Người đàn bà Công Giáo hàng xóm hối thúc chị dọn cửa dọn nhà, liên lạc với trại tù, và gửi tí tiền lên cho cậu con có tiền đón xe về. Và cậu tây ở trại ra, sống ở xóm hắt hiu buồn, có mẹ chăm sóc và có người đàn bà Công Giáo hàng xóm thi thoảng hỏi han, ân cần không xa lánh.
Nhờ vậy mà hắn cũng đỡ đớn đau. Hắn thú nhận với mẹ và cô, hắn nghiện lòi, hết đường cứu vãn.
Người đàn bà Công Giáo hàng xóm bảo gã : vẫn có một con đường, cô sẽ cầu nguyện khẩn xin Thiên Chúa yêu thương cứu vớt hắn.
Mưa dầm thấm lâu, hắn cũng rất muốn sống lương thiện làm người. Cô bàn bạc với mẹ hắn liên lạc với tòa đại sứ làm giấy làm tờ chứng minh nhân thân của hắn.
Và họ động viên hắn cai nghiện, dù là cai tại nhà thôi. Hắn đồng ý. Nhưng giữa chừng cai, hắn lên cơn chạy sổng ra ngoài, song hắn vẫn muốn dừng. Hắn lại điện thoại về cầu cứu.
Mẹ hắn đang ốm, thế là cô đi đón hắn về. Cô vẫn động viên hắn hãy kiên trì cầu nguyện Đấng mà hắn nghe cô gọi là Thiên Chúa !
Hắn bỗng nhiên ngơ ngác. Mặc dù cô người dưng nước lã nhưng thương hắn mà kiên trì cầu nguyện xin Thiên Chúa xót thương hắn, vậy hắn sao không cố kiên trì thương lấy thân mình, và thương mẹ đang chết lần mòn vì đám con đi lạc đường sai hướng.
Hắn lầm bầm trong cơn sảng : con sẽ kiên trì, kiên trì…
Mẹ hắn ngồi bên. Nước mắt mẹ nóng hổi rơi trên mặt hắn. Cô hàng xóm có Đạo đã tranh thủ về nấu cho hắn một bát mì thơm bốc khói bê sang cho hắn. Cô cầm tấm hình Lòng Chúa Xót Thương và động viên : “Nếu cháu kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ xót thương, sẽ không bỏ cháu...”
Hắn nhận ra, chưa phải là hết, còn có mẹ và cô, rất có thể còn có cả ông Chúa đầy lòng xót thương mà cô tín nhiệm nữa cũng đang dòm xuống hắn, xót thương hắn.
Hắn lờ đờ mở mắt, bụng cồn cào, miệng lẩm bẩm nhắc lại sau cô lời kinh : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới…”

Thay đoạn kết câu chuyện chứng nhân giữa đời thường : Đức Tin cần phải được diễn đạt ra bằng cuộc sống. Người phụ nữ Công Giáo trong câu chuyện trên đã biến lời cầu nguyện thành hành động. Chị đã luôn “sống đức tin” trong đời thường của mình chứ không đợi đến “năm sống đức tin” mới sống đức tin, vì chị xác tín rằng “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.”

Chị đã sống đức tin bằng hành động cụ thể trên những con người tưởng chừng đã là đồ bỏ rồi, không còn chút hy vọng nào nữa. Chị đã đến, đã cho người thanh niên ấy thấy mình vẫn còn “chút bám víu cuối cùng” chính là Lòng Chúa Thương Xót. Chị đọc được trong Nhật Ký của Faustina: “Cho dù linh hồn đã ra như cái thây ma thối rữa, xét về phương diện nhân loại, không còn hy vọng hồi sinh và mọi sự coi như đã tiêu tan, thế nhưng với Thiên Chúa thì khác. Phép lạ của lòng thương xót sẽ hồi sinh linh hồn ấy một cách toàn diện” (NK, 1446-48). Vì thế chị xác tín như Faustina: “Mọi sự đều bắt đầu bằng lòng Chúa thương xót và kết thúc cũng bằng lòng Chúa thương xót…đừng một ai nghi ngờ về lòng nhân lành của Thiên Chúa; tội lỗi chúng ta dù có đen đúa như bóng đêm thì lòng Chúa thương xót vẫn còn mãnh liệt hơn nỗi khốn nạn của chúng ta. 
Chỉ cần một điều: đó là tội nhân phải mở cửa lòng, dù hé một chút cũng được, để đón nhận một tia ân sủng của lòng Chúa thương xót, và khi ấy, Thiên Chúa sẽ làm tất cả những gì còn lại…” (NK, 1506-07).

T.H
Email của chị Hong Ho



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét