VRNs (27.8.2014) – Sài Gòn - Thằng Bi sinh đầu năm trước, thằng Bin sinh cuối năm sau. Anh lớn hơn em gần hai tuổi. Hai đứa là anh em ruột, nhưng cùng cha khác mẹ. Chị Lan, mẹ thằng Bi bị tai nạn giao thông, không qua khỏi, nhưng người ta cứu được đứa con. Thằng bé sinh non, không có sữa mẹ, gầy quắt như một con mèo hen, oặt oẹo như một cọng bông súng héo, tưởng không thể sống được. May, trước cám cảnh ấy, chị Huệ hàng xóm, không cầm lòng được. Chị giúp anh Hải nuôi dưỡng thằng bé, chăm chút cho nó, như một người mẹ. Chị thương yêu nó, rồi thương yêu bố nó lúc nào không hay. Vì con, và được cả ba bên nội ngoại ủng hộ, anh Hải đi bước nữa. Họ, anh Hải và chị Huệ kết hôn với nhau. Được hơn một năm, thằng Bin cất tiếng khóc chào đời.
Năm thằng Bi lên sáu, chuẩn bị vào lớp một thì nó bị ốm nặng. Ông bác sĩ chuyên tu ở trạm xá xã bảo nó bị thương hàn. Sau gần một tuần lễ theo dõi và chữa trị, bệnh tình thằng Bi không những không thuyên giảm mà còn diễn biến xấu hơn. Ông bác sĩ đành bó tay, phải chuyển nó lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà bác sĩ trưởng khoa nhi mắng vợ chồng anh Hải như tát nước:
- Sốt xuất huyết rành rành ra đó, lại đi chữa thương hàn. Sao không để vài ngày nữa hẵng đưa nó lên, rồi mang nó về chôn luôn một thể?
Trận ốm ấy, thằng Bi thoát chết, nhưng trễ mất một năm học. Thế nên, hai anh em nó học cùng lớp với nhau.
* * *
Thằng Binh, con trai cưng của cô giáo chủ nhiệm lớp Bốn A, móc cọng dây thun vào hai ngón tay trỏ và giữa bàn tay trái, đặt lên bả vai nung núc thịt của thằng Bin. Nó kéo căng cọng thun rồi buông ra:
- Một… Đã quá!
Thằng Bin giật bắn người, nhăn mặt:
- Ai da! Đau. Bạn bắn nhẹ thôi, được không?
Thằng Binh trả lời bằng cách kéo cọng thun căng hơn:
- Hai… Mày mướn của tao mười tập truyện Doremon, mỗi tập hai ngàn, tất cả là hai mươi ngàn. Tao bắn trừ nợ, mỗi phát một ngàn. Hai mươi trừ hai bằng mười tám, còn mười tám phát nữa. Không bắn thì thôi, đã bắn thì như lời bố tao, phải bắn “nghiêm văn chỉnh”. Nếu không chịu được thì mày trả tiền cho tao. Cái gì cũng phải “rành văn mạch”.
- Ba…, bốn…, năm… Sướng làm sao!
Thằng Bin cắn răng, mím môi chịu đựng. Nhưng vì đau quá, nó òa khóc. Thằng Bi nghe thấy, chạy vội tới, luống cuống:
- Ai? Sao? Cái gì?
Thằng Bin chưa kịp trả lời anh thì thằng Binh đã vác mặt lên:
- Nó nợ tao hai mươi ngàn, tao bắn trừ nợ, còn mười lăm phát nữa.
Thằng Bi móc túi quần:
- Mình có sáu ngàn trả bạn, còn chín, mình chịu thay cho em mình được không?
- Ô kê thôi.
Đến phát thứ năm thì thằng Bi thấy đau quá, không chịu nổi. Nó đứng dựng lên:
- Còn bốn. Cho mình khất, mai trả.
Thằng Binh không đồng ý. Nó chì chiết:
- Lớn đầu mà không giữ lời. Đúng như bố tao vẫn mắng mẹ tao, mày là thứ “vô văn hóa phẩm”.
Thằng Bi tức lắm. Nó nhớ có lần bố nó giải nghĩa cho nó: “Vô văn hóa là câu chửi rủa rất nặng, cũng như mắng nhiếc người khác là vô giáo dục hay đồ ngu, hay đồ mất dạy vậy”. Nó trừng mắt:
- Bạn không được quyền chửi mình. Mình cấm bạn.
- Không ai cấm được tao. Này thì cấm này.
Thằng Binh giương thẳng cánh tay đấm vào mặt thằng Bi. Nhanh như một con chim cắt, thằng Bi thụp đầu tránh đòn đồng thời đưa tay gạt mạnh, làm cho nắm tay thằng Binh tự đập vào mặt mình. Vốn bị bệnh chảy máu cam, lỗ mũi thằng Binh chảy máu lênh láng.
Nhà trường viết thư về mời phụ huynh. Thằng Bi bị đưa ra hội đồng kỷ luật, bị đuổi học một tuần lễ và bị hạ một bậc hạnh kiểm. Theo yêu cầu của cô chủ nhiệm, hai anh em nó phải chuyển sang lớp khác. Hình như từ đó, không bạn nào dám bắt nạt thằng Bin nữa. Nhưng chị Huệ trách chồng:
- Thằng Bi đánh con người ta giập mặt. Hoặc là nó có gien hung dữ, hoặc là có bản tính độc ác, hoặc là anh nuông chiều nó thái quá.
Anh Hải cười nhạt, không nói một câu nào.
* * *
Đích thân cha xứ xuống dự buổi kiểm tra các em ấu nhi đang học giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Chị huynh trưởng đặt câu hỏi:
- Khi nào bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa?
Chắc là sự có mặt của cha xứ làm các em sợ, không một em nào đưa tay trả lời. Chị huynh trưởng có vẻ ngượng. Chị chỉ tay gọi thằng Bin. Nó đứng lên, ngập ngừng đôi chút, rồi dõng dạc:
- Thưa chị! Bánh rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa khi linh mục đọc câu thần chú: ‘‘Này là Mình Thầy…, này là chén Máu Thầy…’’
Cả lớp cười rộ. Cha xứ cũng không nín cười được. Chị huynh trưởng càng ngượng. Chị cảm thấy mọi người không phải cười thằng Bin mà đang cười chính chị. Đó là lỗi của chị dạy dỗ không nên. Chị chỉ thằng Bi. Nó đứng lên:
- Thưa chị, không phải ‘‘câu thần chú’’ mà là ‘‘lời truyền phép’’ ạ!
Khi tiếng vỗ tay ngưng hẳn, chị huynh trưởng từ tốn:
- Đúng rồi! Bi nhớ về nhà chỉ bảo cho em mình, nghe không?
Nếu cha xứ không can thiệp thì chị huynh trưởng đã không cho thằng Bin đủ điểm xưng tội rước lễ lần đầu rồi. Biết chuyện, chị Huệ trách chồng:
- Thằng Bi giống bố như đúc, thâm hiểm thật. Đã giao cho nó trông nom, kèm cặp thằng Bin. Thế mà có một cụm từ ‘‘lời truyền phép’’ thôi, nó cũng nỡ không nhắc nhớ, dạy dỗ em nó.
Anh Hải cũng vẫn im lặng, không nói câu nào.
* * *
Chị Huệ gọi thằng Bi ra, dặn dò:
- Bố mẹ và em Bin đi công chuyện. Con khóa cửa trong cửa ngoài cẩn thận. Nhớ ôn bài. Có đói thì nấu đỡ gói mì tôm, ăn, nghe không?
- Dạ!
Anh Hải chở vợ và thằng Bin đến một nhà hàng tạm được coi là hạng sang ở trung tâm thị trấn. Hôm nay mừng sinh nhật lần thứ ba mươi lăm của chị Huệ. Trong lúc chờ tiếp viên đem thức ăn ra, chị thủ thỉ với chồng:
- Anh biết không? Lúc đầu em thương thằng Bi như con đẻ, thương thật tình, thương hết lòng. Nhưng từ khi có thằng Bin, nói anh đừng buồn, hình như em thương thằng Bin hơn thằng Bi hay sao ấy. Làm sao thế, anh nhỉ?
Anh Hải trầm tư:
- Đó là tình mẫu tử, là quy luật cuộc sống, là bẩm sinh, là bản năng người nữ. Anh không trách gì em. Anh luôn nhớ ơn em. Thử hỏi: nếu không có em, thằng Bi sẽ ra sao? Anh sẽ ra sao? Nhưng thôi. Hôm nay mừng sinh nhật em, mình chỉ nói chuyện vui thôi. Đây quà mừng em.
Anh đặt chiếc bánh sinh nhật lên bàn, đưa cho vợ tờ hóa đơn mua chiếc máy giặt đã trả tiền, giao hàng sau:
- Giúp em đỡ vất vả đôi chút. Còn đây, quà của hai con mừng sinh nhật em.
Chị Huệ mở chiếc phong bì anh Hải đưa, lấy ra hai tờ giấy học trò. Chị đọc từng chữ:
Tập làm văn
Nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mươi lăm năm của mẹ, em hãy viết ngắn gọn một lá thư chúc mừng mẹ.
“Dear Mom,
Happy birthday,
Chúc mừng sinh nhật mẹ. Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm. Mẹ mua cho con quần áo đẹp, cho con ăn những món ngon, cho con chơi games bằng điện thoại của mẹ, con thích gì mẹ cũng chiều, cái gì mẹ cũng cho con hơn phần hơn anh Bi, bố có phạt con thì mẹ lại bênh.Con thương mẹ lắm. Nếu mẹ mua cho con truyện tranh Doremon trọn bộ thì con còn thương mẹ hơn nữa. Bin của mẹ”.
“Mẹ!
Nhân dịp mừng mẹ tròn ba mươi lăm tuổi, con cầu chúc mẹ khỏe mạnh, vui vẻ. Từ ngày được rước lễ lần đầu, nhớ lời cha tuyên úy, không ngày nào con không cầu cùng Chúa Giêsu Thánh Thể xuống ơn lành cho bố mẹ và em Bin. Con hứa sẽ cầu xin hàng ngày. Con cũng cầu xin cho bố bớt uống rượu, em Bin ngoan, giỏi để mẹ vui lòng. Con hứa sẽ nhặt rau, rửa bát, quét nhà, phơi quần áo, giúp mẹ đỡ vất vả phần nào. Bi”.
Không hiểu tại sao chị Huệ chợt nhớ tới một câu đối đã lưu truyền trong dân gian mà bố chị thường nói đến khi trà dư tửu hậu. Chị nghĩ khác đi một chút, rồi chị mấp máy môi:
- “Con cả, con thứ hai, cả hai thứ con đều là con cả”.
Chị đứng lên, lưỡng lự vài giây rồi rút điện thoại ra, chị bấm một số quen:
- A lô! Làm ơn cho một chiếc taxi bốn chỗ. Nhà hàng X, số Y, đường Z.
Anh Hải không hiểu gì:
- Em đi đâu?
- Em về đón con tới đây.
- Đón thằng Bi ấy à? Để anh chạy xe về.
Chị Huệ kiên quyết:
- Không! Em… phải…, đích thân em phải về đón con.
Anh Hải chưa hiểu được điều gì xảy ra nơi nội tâm của vợ sau khi chị đọc hai bài tập làm văn của hai đứa con. Anh cũng chưa kịp hỏi chị tại sao, thì đúng lúc ấy, tiếng nhạc trỗi lên, đồng thời anh thấy người ta chiếu lên màn hình trên sân khấu một trái tim đến là to, đến là đỏ, đến là đẹp, đến là sáng, đến là rực rỡ.
Lão ngu
(Chị Mary Phạm st)
(Chị Mary Phạm st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét