Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Tôi là ai ?

Chúng ta đang sống trong tuần thánh, tưởng niệm lại cuộc khổ nạn thương khó của Chúa Giêsu Kitô.

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm.


Nhưng thử hỏi, nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án của Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào?


1. Nếu tôi là một trong nhóm 12 môn đệ được Chúa tuyển chọn :

- Tôi là Gioan, trong đêm tiệc ly đã ngồi tựa đầu vào trái tim Chúa. Là người theo Chúa suốt chặng đường khổ giá, cùng đứng bên mẹ Maria trên đỉnh đồi Calvariô ?
- Là Phêrô nhiệt tình, nhưng lại hèn nhát chối bỏ Thầy mình khi gặp nguy khốn ?
- Là Giuđa, lòng dạ hẹp hòi, một kẻ giả hình, âm mưu phản bội ?
- Là một trong những môn đệ còn lại : hoảng sợ chạy trốn ? . 

2. Nếu không thuộc nhóm 12 môn đệ, tôi sẽ là :

- Là các thượng tế, biệt phái, kinh sư cổ võ, xúi giục dân chúng giết Chúa Giêsu ?
- Là Philatô rửa tay, phủi trách nhiệm trước cái chết của người vô tội ?
- Là các binh sĩ La Mã đánh đập, hành hung và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
- Là những tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên : “Đả đảo ! Đóng đinh nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá !

Phải thú nhận rằng :

- Tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê vác đỡ thập giá Chúa Giêsu. 
- Tôi không dễ gì làm được như bà Veronica, quá thương Chúa, đã xông vào giữa vòng vây giáo mác của binh sĩ  quì xuống đưa khăn cho Chúa Giêsu lau mặt. Và Chúa đã cảm ơn người phụ nữ can đảm ấy bằng cách in khuôn mặt mình vào chiếc khăn. 


Một mình vò võ trong những đớn đau tinh thần và thể xác. Chúa Giêsu như tên tử tội cô đơn trước dinh thượng tế Caipha, trước dinh tổng trấn Philatô rồi vác thánh giá lầm lũi tiến đến pháp trường.

Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến ngày tận thế.

Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một xỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ đứng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý. Tôi dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng khi gặp nghịch cảnh.

Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. 


Nếu Kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, 

thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. 
Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. 
Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành đô Giêrusalem 
Và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết… 
Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu.
Tình yêu vô cùng lớn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại.
Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu,
chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn,
yêu thánh giá của mình hơn
và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

(Email của một Đan sĩ linh mục dòng Xitô Phước Vĩnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét