"Mỗi khi có dịp xuống Hậu Giang và đi ngang cầu Bến Lức, tôi thường nghe tiếng hát của em bé thơ ngây hát dạo ở ven đường... Nắm chiếc gậy tre em dắt theo một ông lão tật nguyền... Em cất lên tiếng ca buồn rười rượi : Mưa rừng ơi mưa rừng ! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng mưa buồn vì tình đời, mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu..."
Tôi không xuống Hậu Giang mà chỉ tới Long An thôi, tới ngay thị xã. Chú ruột tôi là sĩ quan thuôc binh chủng Địa Phương Quân, đơn vị chú đóng quân ở đó, cả gia đình chú cũng ở trong trại gia binh. Ngày xưa cầu Bến Lức làm bằng gỗ, lòng cầu nhỏ hẹp, xe qua phải chờ lâu lắm, tôi nhớ có lần khi nghe xong bản vọng cổ tôi nói với chú :
- Chú ơi, để cháu cho ông già ăn xin một đồng.
- Cháu có bao nhiêu mà cho ông ấy một đồng ?
- Cháu chỉ có một đồng thôi chú, hồi nảy má cháu cho.
- Cháu có một đồng mà cho hết thì tiền đâu ăn bánh ?
- Thì cháu không ăn.
Tôi trả lời theo cách ngây thơ của một đứa trẻ và cũng chả nhớ nhung gì chuyện nhỏ nhặt ấy, vậy mà chú nhớ, về lại Saigon chú kể cho ông bà nội và bố má tôi nghe, chú còn kể cho nhiều người nghe nữa, cứ như tôi là đứa trẻ tốt lắm vậy, vì thế mà tôi còn nhớ được đến hôm nay. Nghĩ lại thấy mình cũng có lòng thương người ngay từ hồi nhỏ đấy chứ !
Má nói trong tất cả các cháu gọi bằng chú, hay bằng cậu thì chú thương tôi nhất, đi đâu chú cũng dẫn tôi đi. Chú hay hỏi tôi về chuyện học, những lúc ấy tôi thích lắm vì có dịp khoe là mình luôn đứng trong tốp ba của lớp. Niềm hãnh diện của tôi cũng là niềm vui của chú. Má nói chú tuy nhỏ con nhưng tính tình hiền lành và khuôn mặt rất đẹp trai nên dù có vợ rồi mà vẫn có hằng tá cô thích. Đó là điều mà khi làm vợ của chú, thím tôi luôn khổ sở vì ghen. Sau này khi lớn lên tôi hiểu được ngày xưa thím phải vượt qua nhiều đối thủ để được chú là sở hữu. Vậy thì có sung sướng gì đâu hả trời ?
Tôi nhớ những ngày đầu hè năm ấy, mới từ Dalat về tôi gặp chú, chú nhìn tôi hồi lâu rồi nói :
- Đợi chú nghỉ phép lần này chú dẫn cháu về Long An chơi nhé ! Trong trại lính của chú có người thích cháu lắm cứ nhắc hoài, lần nào gặp chú cũng nói sao mà có đứa cháu dễ thương và học giỏi vậy ? Lớn rồi còn thích đi chơi với chú nữa không ?
- Dạ thích ! Mà chừng nào chú được nghỉ phép ?
- Khoảng một tháng nữa thôi cháu !
Tôi và chú đều không biết rằng lần gặp đó, những lời nói đó đều là lần cuối cùng giữa tôi và chú.
Một tháng đã đến, nhưng lời hứa của chú bay theo gió mất rồi, chú không về nữa.
Đó là mùa hè đỏ lửa 1972, mùa hè khốc liệt của nội chiến Bắc - Nam, nó không dễ phai trong ký ức của những người cùng thời với tôi ... Trong một trận đánh, chú bị thương nặng ở đùi, vết thương vào ngay động mạch làm máu ra nhiều quá, đồng đội khi mang được chú ra ngoài thì không còn kịp nữa. Tôi vẫn còn nhớ lễ tang của chú, có quốc kỳ phủ trên nắp quan trang trọng, có những khuôn mặt chai sạn vì gió bụi của những người lính bồng súng chào chú tôi lần cuối trong tiếng kèn nhạc và quốc ca oai hùng khi đưa chú về với đất mẹ năm xưa.
Chú hy sinh khi vừa hơn ba mươi ba tuổi. Một mình thím ở lại chăm sóc đàn con năm đứa chưa kịp lớn. Dù không dư dả nhưng vẫn đủ ấm no mỗi ngày với tiền trợ cấp dành cho con người lính. Cái khổ chỉ thực sự bắt đầu vào tháng tư năm 1975 khi đất nước thay đổi, khoản trợ cấp không còn, thím vất vả với nhiều nghề, cái gì làm được thì làm miễn có tiền mua gạo, và các con chú cũng phải nghỉ học đi làm phụ mẹ. Lúc ấy ai cũng nghèo, chẳng ai giúp được ai, có thời gian tôi làm chung với thím, sáng sáng chiều chiều hai thím cháu đi về có nhau. Chú mất rồi thím cũng thương tôi tuy không bằng chú...
Giờ thì chú và thím đã gặp lại nhau. Nhớ đừng để thím phải ghen nữa nha chú ! tội nghiệp thím lắm !
Giờ thì bố tôi cũng gặp chú rồi. Nhớ lúc chú mất, bố tôi khóc suốt, đêm nào trước khi đi ngủ bố cũng mong gặp chú, nhưng chú đã không về dù chỉ một lần trong mơ. Bố thương chú nhất trong các em, vì khi bà nội mất chú mới có bảy tuổi, tuổi thơ của anh em bố tôi ai cũng cực, chú là người duy nhất trong bốn anh em được đi học tương đối nhiều nhưng sáng nào cũng phải mang theo bánh mì đến trường bán, bán xong thì vào học luôn.
Còn với tôi, chú vẫn nợ một lời hứa. Dù lớn tôi vẫn thích được chú dẫn đi chơi, mà thích nhất là đi câu cá, tôi nhớ cảm giác ngồi bên cạnh chú trên chiếc cầu gỗ ngay bờ sông, chú thả cần câu và kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện, tôi thì đong đưa hai chân, mắt dõi nhìn theo những vòng tròn trên mặt nước dần loang xa, cảm giác cứ như nước đẩy mình đi, thật thích !
Tôi bây giờ đã hai màu tóc, đâu còn nhỏ nhắn như ngày nào, nét dễ thương trả lại thời gian, học có giỏi cũng đi xong một đoạn đường. Thời gian nhanh thật, mọi chuyện cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Nhưng tôi vẫn hay nhớ về chú. Trong góc nhỏ của trái tim, lúc nào tôi cũng dành một chỗ cho chú, chú Lâm của tôi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét