Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Để nhớ về nhau...

Rời tập viện năm mười chín tuổi, một đứa con gái như tôi sau sáu năm trời nội trú trong trường dòng, giờ như hoàn toàn ngỡ ngàng, xa lạ trước dòng đời rộng lớn. Ba năm ở cao nguyên Dalat với biết bao mộng mơ của tuổi học trò, cái mộng mơ của thời mới lớn. Dalat với những buổi học mà lời thầy cô dạy cứ như văng vẳng ở đâu đó chứ chẳng phải trên bục giảng ngay trước mặt mình, vì tâm trí lãng đãng nhìn ra rừng thông thoai thoải xa xa, nhìn những triền dốc uốn lượn quanh co trên các sườn đồi, màu xanh của thông, của cỏ cây, màu sắc rực rỡ của những cánh hoa dại lúc nào cũng như mê hoặc chúng tôi. Từ giã thành phố mộng mơ, tôi về Saigon học thêm hai năm nội trú , ở môi trường này tôi trưởng thành hơn mọi mặt, cộng với một năm cày cuốc, chăn nuôi ở miền đất cát Phước Lộc là bài học đầu đời dạy tôi biết khi có được miếng ăn mỗi ngày phải vất vả như thế nào !

Sau tháng 4/1975 bố mất việc làm, một mình má tôi gồng gánh với đàn con mười một đứa, tôi yên tâm với đời sống bố đã lựa chọn và đang kỳ vọng vào tôi sao ? Tôi yên tâm với sáng sáng chiều chiều cất cao lời ca tiếng hát sao ? Khộng thể, ngàn lần không thể, tôi có cái chọn của riêng tôi với nhiều tiếc nuối... Lúc đó, bố giận tôi lắm, giận đứa con gái nhìn có vẻ ngoan hiền mà lại bướng bỉnh, muốn gì làm nấy, quyết định lớn của cuộc đời mà không hỏi ý kiến ai, bố giận đến mức độ cả hai năm trời không thèm nhìn mặt.tôi. Còn tôi, tôi cũng đau đớn đâu kém gì bố. Không bằng cấp, không tay nghề chuyên môn, tôi bắt đầu tháng ngày tìm việc. Cố lục lọi trong trí nhớ địa chỉ của những người bạn Saigon, vì hầu hết dân nội trú toàn dưới tỉnh lên học, rồi tôi cũng nhớ ra...

Đầu tiên,  tôi đạp xe đến nhà MN và TN, bạn cùng lớp. Các bạn đang làm mành sáo trúc xuất khẩu. sau một hồi lòng vòng nói chuyện, tôi nhờ bạn có thể giúp tôi chút xíu công việc được không ? Bạn trả lời ngắn gọn : chỉ đủ làm thôi. Trên đường về, tôi buồn lắm, một nỗi buồn không nói nên lời, tôi buồn không phải vì bạn không chia việc cho tôi mà vì tôi không thấy ở bạn tôi sự ân cần, sao bạn không hỏi tôi vài câu về hoàn cảnh hiện tại, sao bạn không hỏi nhà tôi ở đâu để nếu biết được việc gì thì bạn sẽ chỉ cho ?  Cảm giác của tôi : bạn ít nói và lạnh quá !

Tôi tìm đến D, bạn đã có chồng và mấy con. Chồng bạn đạp xích lô, kinh tế cũng chỉ đắp đỗi qua ngày, thương bạn, tôi đến hoài thôi, chơi cả buổi, nói chuyện thật nhiều. Rồi chồng bạn mất, thương bạn cô đơn, tôi càng đến nhiều hơn. Cả khi có chồng, tôi vẫn còn dành thời gian cho bạn. Thời gian sau đó, gia đình bạn vượt biên trót lọt, nghe kể con bạn rất may mắn và thành đạt nơi xứ người, tôi mừng cho bạn thoát khỏi cảnh khổ của những tháng ngày qua. Vậy mà... bạn vẫn vô tình, bao nhiêu lần bạn về nước ? bao nhiêu lần bạn gởi cho người này, người kia những món quà, vẫn vô tình chẳng nghĩ đến tôi. Bạn đừng nghĩ xấu cho tôi nhé ! tôi không quan trọng vật chất đâu, nhưng một chút vật chất cũng thể hiện tình cảm mà ! Tôi bỗng nhớ lại trong nhiều năm dài đến với bạn, chưa một lần bạn hỏi nhà tôi ở đâu để ghé thăm khi có dịp (tôi biết bạn có con nhỏ nên bận rộn), tôi chợt hiểu trong lòng bạn không bao giờ có tôi, tình cảm tôi cho đi chỉ một chiều...


Cũng may...tôi có Ry, Ry đưa tiền cho tôi đi học may, tánh tôi dễ tin và thương người nên đã cho người khác mượn xoay sở trong vụ tai nạn xe cộ để rồi tiền đi không bao giờ trở lại. Không có tiền cũng đồng nghĩa với việc không thể học may. Món nợ ân tình ấy rất lâu sau này tôi mới hoàn trả cho bạn được.

Cũng may... tôi gặp lại Thông, bạn thân ngày xưa, hoa khôi của một thời Dalat thơ ngây áo trắng, Thông giờ trôi dạt về Saigon và đang bán mỹ phẩm ở chợ Tân Bình. Nhìn tủ kính đầy ắp những phấn son, tôi ước gì mình có được một hộp phấn con Én (thời ấy phấn con Én là sang rồi) và một thỏi son để trang điểm, con gái đứa nào chả thích. Hình như đọc được cái thèm muốn ấy trong mắt tôi, Thông đưa cho tôi món quà mà nảy giờ tôi mơ ước, thế nhưng lòng tự trọng đã ngăn tôi lại, tôi không dám nhận, Thông nói cỡ nào tôi cũng chối từ, tôi trân trọng tình cảm bạn dành cho tôi, tôi muốn khóc vì món quà ấy, nhưng tôi không thể nhận vì tôi hiểu gia đình bạn lúc này cũng khổ sở lắm, bị nhà nước khép tội là tư sản, bị đánh tư sản hai lần nên gần như khánh kiệt. Gom tất cả vốn liếng còn lại, ba mẹ bạn hùn vốn đóng tàu ra đi, chuyến đi ấy bạn hẹn tôi lên để chơi với nhau một buổi. Tôi đúng hẹn nhưng hành trình đã sớm hơn dự định, tôi đọc lá thư bạn gởi lại, một lá thư tạm biệt đầy nước mắt của cả hai đứa. Qua Mỹ, bạn đi học, thư đi, thư về gói trọn cả chân tình, tôi còn nhớ trong thư ấy có câu : "TN ơi ! T đi học về mà trời mưa lớn quá, T không biết đó là nước mắt hay nước mưa rơi trên mặt mình " hoặc : " TN ơi ! T tủi thân vô cùng, đi học bằng xe buýt mà trên xe có dòng chữ thật lớn : coi chừng người Việt Nam ăn cắp, còn nỗi nhục nào lớn hơn không hả TN ?", mỗi khi đọc thư ấy, tôi cũng khóc, cũng thấy tủi thân và nhục như bạn tôi vậy. Có khi tôi bất chợt nhận quà từ phương xa, gói quà nhỏ bé lọt thỏm giữa những thùng đồ nặng ký, đó là hai hộp kem Hoa Lan (loại kem khá nổi tiếng lúc bấy giờ). Tôi đi nhận quà mà chung quanh có người bĩu môi : gởi vậy mà cũng gởi. Nhưng với tôi, thật sự là cả một trời thương yêu, họ đâu hiểu rằng bạn tôi không tiền, chỉ vì bạn không muốn thấy tôi xấu với cái mặt đầy mụn mà thôi. Vì khi còn học ở Dalat, tôi với bạn là cặp bài trùng, nhiều chị nói : trong lớp có hai đứa đẹp, lại thân nhau, một đứa sắc sảo, còn một đứa trông ngây thơ, mũm mĩm (là tôi).

Cũng may... tôi có Thủy. Bạn là con của chủ , tôi là một trong bốn người làm công mỗi ngày. So với những người làm công khác thì tôi là người làm chậm nhất, lương lãnh theo năng suất nên tiền của tôi bao giờ cũng ít nhất, đó là công việc quấn thuốc lá thành điếu để mang bán, công việc mà những người không cần học chữ nào cũng làm giỏi hơn tôi. Còn tôi học cho lắm giờ thế này đây !!! Cái buồn sâu đậm trong tim khiến mỗi buổi sáng tôi đến đây lặng lẽ, không nói một tiếng. Thủy nhận ra điều này, bạn nói chuyện với tôi rất ân cần nên từ từ tôi cảm thấy vui hơn, bạn nâng tôi lên là bạn thân của bạn. Tôi còn nhớ lúc đó Thủy yêu anh Sang mà gia đình không ai đồng ý, mỗi lần hẹn nhau là Thủy dẫn tôi đi chung, cả nhà cứ tưởng hai đứa đi chơi đâu đó nhưng thật ra tôi chỉ đứng đợi với bạn ở điểm hẹn, khi nào anh Sang đến thì tôi về. Lương tháng chẳng bao giờ đủ cho gia đình mười mấy miệng ăn, thiếu hụt lần nào là tôi mượn Thủy lần đó, cũng chưa bao giờ bạn càu nhàu, bực bội khi phải cho tôi mượn tiền. Lần nào trả nợ, Thủy cũng hảo tâm tặng lại cho tôi chút ít để dằn túi. Sau này gia đình Thủy sang Mỹ định cư, thỉnh thoảng có dịp bạn lại gởi về cứu trợ cho tôi.

Cũng may... tôi có Hải Yến. Tôi nghèo, bạn cũng nghèo, nhà cách nhau khoảng chừng gần ba cây số nhưng hai đứa qua lại hình như mỗi ngày, chỉ toàn đi bộ vì chẳng đứa nào có xe đạp, gặp bữa thì ăn cơm như chị em ruột thịt. Sau bao nhiêu năm dù có khá lên đôi chút nhưng chuyện chồng con của Hải Yến vẫn còn ngổn ngang nhiều điều, nhưng tôi khâm phục ở bạn lòng đạo đức, thánh thiện, dù đau khổ cỡ nào bạn vẫn một niềm cậy trông, tín thác và tạ ơn. Hải Yến ơi ! TN thua bạn nhiều lắm ! 

Cũng may... tôi còn những người bạn khác chung quanh,  những người bạn chưa từng học chung, ăn chung, ngủ chung như bạn bè nội trú, những người bạn Phật giáo, vậy mà các bạn từng bước nâng đỡ tinh thần, chia sẻ khó khăn, chia sẻ công việc cho tôi rất chân tình như chị Liễu, như Kim Thoa, Bửu Châu, Bửu Trân, Kim Ánh, Quỳnh Trâm...

Chị Liễu lớn hơn tôi đúng một con giáp, chị chưa chồng, dễ thương, hiền lành, nhà rộng thênh thang mà có một mình nên chị hay rủ tôi ra chơi cho vui, tôi cũng thích nữa vì bên chị, tôi như cô em gái nhỏ, nghe chị tâm sự, dạy bảo đủ chuyện trên đời. 

Tôi không biết may nhưng Thoa lãnh áo sơ mi về, bạn dạy tôi cách may thân áo, tra cổ thế nào cho khéo, từng bước một cho đến khi tôi tự kiếm ra tiền mới thôi. Là con một nên bạn được cưng chiều, mẹ nấu không đúng ý là bỏ ăn, những lúc ấy tôi ăn dùm bạn, cái gì mẹ bạn nấu cũng ngon, nhà đông con nên tôi đâu được những bữa ăn ngon như thế !

Khi sơ mi không còn nữa thì Bửu Trân, Bửu Châu kiếm hàng khác cho tôi may. Hai chị em rất dễ thương, kiểu nào tôi không biết thì Trân hướng dẫn. Mẹ của Trân, Châu ngồi bán thuốc lá ở đầu hẻm, bác cũng thương tôi, khi nào nhận được hàng từ nước ngoài, bác cũng dành tặng tôi vài cây kẹo sing-gum, có khi là một hộp kem Hoa Lan với lời dặn : kem này tốt lắm, con xức đi cho hết mụn.

Ánh và tôi thân nhau thật sự chứ chẳng có yêu iếc hay đồng tính gì đâu. Thưở ấy, tôi sợ nhất là Noel, ai cũng có cặp, có đôi, riêng tôi vẫn một mình lẻ bóng. Con gái nhà nghèo, lại không còn đẹp như ngày xưa, tôi mang nhiều mặc cảm. Tôi rủ Ánh đi lễ đêm, bạn cũng chiều, vào nhà thờ làm con chiên ngoan đạo. Tôi nhớ Kim Ánh bảo tôi đừng lấy chồng, khi nào cả gia đình đi nước ngoài thì Ánh sẽ ở lại, hai đứa ở chung một nhà với nhau.Thế nhưng tôi lấy chồng trước, hai đứa không còn gặp nhau vì tôi có con nhỏ, bận rộn suốt. Thỉnh thoảng ngang qua nhà Ánh, tôi dừng xe nói chuyện ít phút rồi lại vội vã về nhà. Vài năm sau cả gia đình bạn qua Úc định cư, biết tôi khó khăn nên mỗi độ xuân về là tôi lại nhận được quà của Ánh, thật một miếng khi đói bằng một gói khi no. 

Quỳnh Trâm thì nhỏ hơn tôi bốn tuổi nhưng em lanh lẹ, tháo vát, hiểu biết hơn tôi nhiều. Tôi và em chia sẻ với nhau từng tấm áo đẹp, từng bữa ăn đạm bạc đến những bữa ăn ngon (điều này thỉnh thoảng mới xảy ra). Ba em là đại úy quân đội Viêt Nam Cộng Hòa nên sau ngày giải phóng phải đi học tập. Gia đình tôi đã nghèo mà gia đình Trâm thì lại càng thê thảm hơn, gạo mua từng bữa chứ đừng nói từng ngày. Là chị hai, em cũng chung vai với mẹ giống hệt như tôi, lo cho đàn em nhóc nheo năm, sáu đứa. May mà có diện HO, em đi lúc nào tôi chẳng hay, cho đến lần đầu tiên em về nước và tìm ghé thăm tôi với bao nhiêu tâm sự tuôn trào. Trâm ơi, chị mừng, rất mừng cho em, nếu ở lại đây, giờ này em ra sao ? làm gì có tương lai cho con sĩ quan chế độ cũ ?
                                                                                                  ..............


Thời gian dần qua đi, từng ngày với những đổi thay, tôi không giàu nhưng đã thoát được cái khổ sở, nghèo túng của một thời đeo đẳng tưởng chừng không lối thoát.
Và bạn, những người đã đi qua cuộc đời tôi cũng thế, cũng đổi thay.
Hình như rất lâu rồi ai cũng bận rộn nên chuyện ngày xưa dần khép lại, chẳng có dịp liên lạc cùng nhau, riêng tôi, khi nhìn lại, có niềm vui, cảm ơn cuộc sống đã cho tôi gặp nhiều bạn tốt, nhưng lẫn trong đó cũng có một chút buồn : những lúc khó khăn mới đo được lòng bạn hữu...

(Viết để nhớ về những người bạn ở sát cạnh bên tôi thời ấy...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét