Trời vẫn còn mờ sương đêm. Bắt đầu chuyến hành trình về Trà Vinh bằng xe honda.
Đường dài hơn 120 cây số . Lê chở tôi. Thi đi với bạn của nó.
Đến Trà Vinh phải đi qua phà. Ở đây người dân gọi là sông Cổ Chiên, đó là một nhánh lớn của sông Tiền, sông rất rộng, nước đậm phù sa. Qua phà một đỗi thì gặp Thu (chị của Thi) đón chúng tôi. Thu là soeur dòng Mến Thánh giá Cái Mơn, đang giúp nhà thờ Bà Tùng. Nhà thờ nhỏ bé, không có cha, chỉ có hai soeur lo việc tinh thần cho giáo dân. Giáo dân ở xứ đạo này rất ít. Nhưng mỗi buổi chiều đều có cha từ nơi khác đến dâng thánh lễ, đến dự lễ ngày thường chỉ khoảng mười mấy trẻ con và vài người lớn. Cuộc sống khó khăn nên họ ít thời gian dành cho Chúa, ai cũng bận bịu lo toan với đời thường. Ít người đi lễ vậy mà mục tử vẫn đến với đoàn chiên trong ngôi nhà thờ đơn sơ nhỏ bé. Tôi nhìn giỏ tiền được quyên trong hai ngày lễ thứ bảy và chúa nhật mà soeur chưa kịp đếm : đa số là bạc lẻ một hoặc hai ngàn, hiếm hoi mới có tờ năm ngàn hay mười ngàn, ôi những đồng xu của bà góa, tôi tin Chúa hiểu lòng thành của họ.
Tôi xin được góp chút gió vào trong chiếc giỏ ấy, chút gió của Saigon...
Mục tử trong chòi canh đìa tôm |
Ăn trưa xong, không kịp nghỉ, chúng tôi đến nhà thờ Cổ Chiên chào Cha xứ.
Ở đây chúng tôi gặp Cha phó là Cha Thi . Cha đang ở ngoài chòi coi sóc đìa tôm, quần lửng, áo thun, nhìn Cha y hệt nông dân chánh hiệu nhưng không kém phần lãng tử của một diễn viên Hàn quốc. Tôi trêu :
- Sao Cha không tu ở Saigon cho đỡ vất vả ?
Cha cười, nụ cười đôn hậu khoe hàm răng trắng và đều như hạt bắp :
- Mình ở quê, chọn hoàn cảnh sao cho giống con chiên. Là mục tử thì phải sống cùng đoàn chiên chứ không được sống với đoàn chiên.
Ôi ! Chân lý giản đơn nhưng lại vô cùng sâu sắc...
Nói chuyện vui một lúc, Cha nhắc chúng tôi chỉ còn một phút nữa là phải đi cho kịp chuyến phà, nếu không thì phải chờ thêm một giờ nữa. Từ biệt Cha, chúng tôi lên xe phóng hết tốc lực vì sợ trễ.
May quá, vì đường vắng nên chúng tôi đến bến phà cũng vừa kịp lúc.
Mưa mù mịt, gió quất rát mặt, mặt sông mờ mờ một màu của nước. Tôi bỗng nghĩ đến những ngư dân thường xuyên đối mặt với bão trên biển mênh mông, chống chọi với sự hung hãn của thiên nhiên, chống chọi để giành sự sống, tất cả vì miếng cơm manh áo, tất cả vì những người thân yêu, họ can đảm biết chừng nào !
Mục tử đang làm thợ xây dựng |
Con đường vòng vèo đưa chúng tôi đến nhà thờ Bãi Vàng. Tên thì đẹp mà nhà thờ thì ngược lại : cũ
kỹ, chắc cần phải đại tu. Có lẽ vàng nặng quá nên mái nhà thờ chịu không nổi, Cha Thiện đang cho người lợp lại. Cha về đây cũng tròn một năm. Giáo dân thưa thớt, trên sổ sách có khỏang sáu trăm mà thực tế chắc chỉ còn phân nửa. Đời sống khó khăn nên họ cũng dễ dàng bỏ đạo, Cha đã phải dành thời gian để mời gọi những con chiên trở về. Lúc chúng tôi đến, Cha đang cùng với thợ trên mái nhà thờ. Cha thật hiền, từ giọng nói, nụ cười, ánh mắt... Dân Nam bộ đón khách rất nhiệt tình : khô mực nướng, cá kèo nướng và vài lon bia. Cha và con cùng cụng ly sương sương một chút, gần gũi và chân tình...Cám ơn Cha dù bận bịu với công việc cũng đã dành cho chúng tôi một ít thời gian.
Đan viện Phước Vĩnh, Vĩnh Kim, Cầu Ngang.
Đường vào đan viện toàn ổ gà, đoạn thì đá lởm chởm, đoạn thì sình lầy, đoạn này cứ tiếp nối đoạn kia, có muốn đánh võng né ổ gà cũng không được vì đường quá nhỏ chỉ vừa đủ cho hai honda chạy song song. Khi nhìn thấy nhà khách của đan viện, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau bữa ăn, chúng tôi dự giờ kinh tối với các đan sĩ, thật ấn tượng khi nhìn thấy lễ phục của các thầy trong giờ kinh : trang trọng, tôn kính khi đến trò chuyện, thân thưa với Chúa.
Ở đây chúng tôi được đón tiếp ân cần và nhiệt tình, từ thầy Tân phụ trách nhà khách đến Cha kiến trúc sư (biệt danh này là do tôi đặt mặc dù Cha khiêm tốn từ chối), Cha Ba cũng dành thời gian nói chuyện nhiều với chúng tôi, câu chuyện cứ bị đứt quãng liên tục vì Cha còn phải lo nhiều việc khác. Thánh lễ sáng xong chúng tôi từ biệt để lên đường.
Tạm biệt đan viện, hẹn ngày gặp lại...
Cha "xì tin" và các mục tử tương lai ... hi vọng thế ! |
Buổi tối trước khi từ giã miền sông nước rợp những bóng dừa để về lại Saigon, chúng tôi nghỉ ở đây. Vị mục tử nhìn rất trẻ so với tuổi. Cha có phong cách bụi bụi, phù hợp với giới trẻ nên Thi, Công và Lê gọi là Cha "xì tin". Cha xì tin đón ba bạn trẻ của tôi bằng một buổi tối hát karaoke và sò huyết xào tỏi, thật vô cùng hấp dẫn. Lê nói nó cạy sò huyết đau cả móng tay...Giúp công việc với Cha có thầy Đằng, món sò huyết này là do tay thầy Đằng làm đấy ! Ai dám bảo đi tu không biết làm đồ nhậu ? Thậm chí làm ngon nữa là khác !
Tôi nhìn thùng quyên góp làm nhà thờ, tôi nhớ cuối giờ lễ tất cả cộng đoàn đọc Kinh cầu thánh Giuse xin bảo trợ cho việc xây cất được tốt đẹp, tôi hiểu ước mong của vị mục tử khi nói : nhà thờ đã xây từ 1928, gần chín mươi năm rồi còn gì, để yên vậy thì không sao nhưng lỡ có chuyện gì thì không biết tiền ở đâu ra, dân còn nghèo quá, lên Saigon xin ư ? cũng có những khó khăn, trở ngại...
Tôi xin được gởi lại những viên gạch nhỏ bé, vài năm nữa khi nào nhà thờ xây mới chắc sẽ có một cái tên nào đó, Cha Giang nhỉ ?
Những nơi tôi đã đi qua đều xanh ngát một màu cỏ cây, đều mát rượi hơi nước, không khí trong lành, thoáng đãng, yên bình. Nhưng phía sau khung cảnh êm đềm và thanh bình ấy vẫn còn nhiều lắm những lo toan, cuộc sống miền quê chưa đủ mang lại ấm no nên người người cứ phải dứt áo tha phương.
Và những Mục tử sống cùng đoàn chiên vẫn còn lắm điều trăn trở ...
Tôi đọc được trong ánh mắt, trong lời nói của các Ngài những điều trăn trở ấy...
Xin cho các Mục tử luôn là "muối đất ướp cho mặn đời", luôn được dư đầy ơn Chúa để vững vàng, mạnh mẽ, để dù gió mưa cuộc đời vẫn " kiên vững không lay, sống sao nên người con Chúa, chứng nhân tình yêu".
Mong điều đó lắm thay !
Cám ơn soeur Thu, một hướng dẫn viên du lịch kiêm hướng dẫn viên hành hương, thổ địa vùng Bến Tre, Trà Vinh, nơi Thu đã từng có nhiều năm phục vụ đã giúp chúng tôi hai ngày rất vui ở vùng sông nước. này.
Trong sân đan viện, hoa màu hồng nho nhỏ, ngắt từng cánh dán lên móng tay rất dễ thương. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét