Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Anh Lộc


Anh tên Lộc, Lộc trong Tài – Lộc. 
Có lẽ cha mẹ anh cũng đã gởi gắm rất nhiều khi chọn cho anh cái tên này, cũng đã hy vọng rồi đây tương lai anh sẽ sung túc giàu sang. Nhưng cuộc đời anh không được như vậy ! 

Tôi gặp anh trong một lần chở cô đi siêu thị, cô nhận ra anh giữa dòng người đông đúc. Tôi chở cô lại gần vì cô muốn giúp anh ít tiền, luôn như vậy, cô thương và luôn sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn gặp trên đường. Anh cao hơn tôi một chút, dáng vẻ hiền lành nhưng khắc khổ, đôi mắt lõm sâu trên khuôn mặt gầy gò. Hai tay chống nạng anh lết đi với một bên chân bị sưng húp, bầm tím. Anh bảo từ một vết trầy nhỏ trong một lần té xe, vết thương bị nhiễm trùng rồi lan rộng ra cả bàn chân. Cô hỏi sao không đi chữa cho hết, để vậy lỡ nó hoại tử có ngày phải cắt cả chân thì sao? Anh không trả lời… hỏi vậy nhưng cô cũng biết chắc là anh không có tiền. Hàng ngày anh vẫn đi bán vé số khắp khu vực cầu Chữ Y, cô cũng có gặp vài lần, trước thì còn đi được xe đạp, nhưng nay chỉ còn chống nạng thôi. Cuộc trò chuyện diễn ra chóng vánh, anh còn phải tiếp tục công việc để mưu sinh. Về nhà, cô bảo muốn mua cho anh Lộc bảo hiểm y tế, để đi khám cho đỡ tốn kém. Qua hỏi thăm mấy người hàng xóm, cô tìm ra nhà anh Lộc, anh sống chung với gia đình bác, người chị họ và anh trai, trong căn hẻm nhỏ gần chợ Ông Địa, là chợ mà tôi hay đi mua rau buổi chiều mỗi khi cần. Bố mẹ anh bỏ nhau từ khi anh còn nhỏ, thời gian đầu anh ở quê với bà, sau này mới chuyển lên thành phố. Chúng tôi cũng biết được anh đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS, có lẽ là chính nguyên nhân khiến anh rụt rè ái ngại trả lời mỗi khi tôi hay cô hỏi thăm. Nhưng không vì thế mà cô thôi muốn giúp anh, trái lại càng thấy thương hơn.

Cô có nhiều bạn, khi nghe cô chia sẻ về anh Lộc mọi người cũng chung tay giúp mỗi  người một ít, trong đó có sr Vũ Loan, là Bề trên Tổng quyền tu viện Mân Côi, sr trích một khoản tiền để đưa cô giúp cho anh Lộc, điều này hẳn đã đỡ đần cho anh rất nhiều. Nhưng cái chân của anh vẫn chưa thể điều trị, vì không đâu dám mổ… điều này thực làm cô lo lắng, nếu cứ để vậy thì đến lúc hoại tử, có khi phải cắt bỏ cả chân. 

Tình cờ, trong một lần giao lưu giữa nhóm Hiệp Nhất với nhóm Nắng Mai (tôi từng sinh hoạt trong nhóm HN hồi học năm thứ nhất đại học) tôi biết chị Nguyệt, chị là một chuyên viên về chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân AIDS, đang công tác tại khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS - trung tâm y tế dự phòng quận 9. Tôi trao đổi với chị về trường hợp anh Lộc, chị rất nhiệt tình, hẹn tôi ngày chở anh xuống phòng khám để chị coi, chị cũng giới thiệu cho tôi mấy chổ mà có thể giúp điều trị cho những trường hợp như anh. Tôi nói cô biết, cô vui lắm, tôi cũng vậy, vì bỗng thấy mình có thể giúp cho ai đó thêm chút hy vọng. Cô sang tận nhà báo cho anh Lộc, cô cũng đứng ra bảo đảm với chị của anh để mọi người yên tâm. Đến ngày tôi chở anh đi, từ nhà ở quận 8 đi đến phòng khám cũng mất cả tiếng rưỡi đồng hồ vì không dám chạy nhanh. Tới nơi tôi đưa anh đến gặp chị Nguyệt, anh Lộc khá rụt rè, hỏi gì nói nấy, khi coi vết thương ai cũng ái ngại. Chị Nguyệt bảo tôi sẽ gởi anh cho phòng khám Mai Hoa, là cơ sở chăm sóc người nhiễm HIV – AIDS của dòng Thánh Gioan Thiên Chúa, ở đó sẽ có bác sĩ mổ chân cho anh, rồi có các thầy chăm sóc lo cho anh bữa ăn hàng ngày. Anh đồng ý, chị căn dặn vài điều nữa thì vừa may có người từ phòng khám lên lấy thuốc nên họ chở anh về luôn. Tôi lo nhiệm vụ giữ hồ sơ và giúp anh lấy thuốc hàng tuần tại bệnh viện quận 8, vì nhà anh không có ai đi được. Về nhà tôi báo tin lại cho cô, cả hai cô cháu đều đầy hy vọng, mừng vì có nơi chịu chữa cho anh, lại có các thầy chăm sóc, chắc chắn sẽ rất chu đáo và tận tình. Anh vừa được chữa bệnh, lại có thời gian nghỉ ngơi chắc hẳn sẽ khỏi thôi.

Vậy mà, sáng hôm sau vừa thức dậy, thấy có cuộc gọi nhỡ của chị Nguyệt, linh cảm không lành, tôi gọi lại cho chị mấy lần mà không được. Mãi tới trưa chị lại gọi cho tôi, giọng chị buồn bã : “Lộc trốn về rồi em ơi !”. Tôi giật mình không hiểu chuyện gì, chị bảo Lộc vẫn còn nghiện, mà quy định của phòng khám là tuyệt đối không được sử dụng thuốc, tối qua lộc đòi về vì thèm thuốc, mọi người can ngăn nhưng không được. Tôi ngẩn người, tiếc nuối như thể vừa mất cái gì đó rất quý giá, mọi hy vọng bỗng vỡ vụn, và tôi biết có người còn buồn hơn tôi nữa… 

Ít lâu sau, cô nhờ tôi gọi điện lại cho chị Nguyệt, thì ra anh Lộc nhắn tin cho cô, chắc là anh cũng đau khổ và cảm thấy áy náy lắm, nay cái chân của anh lại trở nặng hơn, anh nhờ cô xin vào lại phòng khám để chữa. Cô bảo tin nhắn này cô nhận được từ tuần trước, nhưng nay cô mới hỏi con để trả lời, dẫu rằng cô rất thương và muốn giúp ngay. Tôi gọi cho chị Nguyệt, nhờ chị lần nữa, và như lần đầu chị lại rất nhiệt tình giúp đỡ. Lần này chị giới thiệu Lộc cho một nhà tình thương, cũng giống như phòng khám Mai Hoa nhưng nhỏ hơn, là cơ sở của tu hội Gia Đình Naza ở gần cầu vượt Sóng Thần, cạnh nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm. Lần này cô cũng đi, cô bảo cô muốn đi để động viên giúp anh Lộc thêm quyết tâm, mỗi lần đi là một lần khó, lần này không được chắc chắn sẽ chẳng có lần sau. Tôi chở anh Lộc và nhờ Khôi chở cô, chị Nguyệt cũng chạy từ phòng khám qua. Trên đường đi, tôi nói chuyện với anh Lộc rất thân tình. Anh chia sẻ rằng những ngày đầu lên thành phố không có việc làm, anh thường đi bụi với đám bạn, cũng xâm mình rồi lao vào hút chích và nhiễm HIV lúc nào không hay, chẳng mấy chốc cơ thể anh tàn tạ, gầy gò. Mới 27 tuổi nhưng không có sức khoẻ biết làm gì bây giờ, anh đành xin ít tiền vốn, chịu khó đi bán vé số kiếm tiền ăn qua ngày, và cả tiền để hút nữa… Anh đã từng đi cai mấy lần nhưng không thành, lúc về còn nghiện nặng hơn. Anh cũng xin lỗi tôi vì lần trước trốn về, thực sự khi được cô quan tâm anh vui lắm, vì lâu lắm rồi anh không được ai hỏi han, gia đình bác cũng nghèo, có lẽ cũng đã hết cách nên thôi đành thân ai nấy lo. Thực lòng tôi không giận gì anh, nhưng tôi tiếc vì mình vẫn chưa giúp được gì. Đôi khi tôi cũng thử đặt mình trong trường hợp của anh và không dám chắc mình sẽ hành động tốt hơn, cơn cám dỗ của ma tuý thực sự khủng khiếp mà thiết nghĩ ai có thể dứt được chắc hẳn phải là anh hùng. Tôi thì không phải anh hùng, nên tôi thông cảm với anh. 


Chúng tôi đến nơi khoảng ba giờ chiều, tiếp chúng tôi là cha phụ trách mái ấm, rất thân thiện và nhiệt tình. Sau khi biết về tình hình anh Lộc, cha nhíu mày bảo vết thương thì có thể cố gắng chữa được, mà phải chữa càng nhanh càng tốt, có thể phải cưa chân, nhưng vấn đề là anh vẫn còn nghiện, còn nghiện thì việc đấu tranh với cơn nghiện khó khăn hơn việc cưa chân rất nhiều… Rồi còn một rắc rối về mặt pháp lý, phải có người đứng ra bảo lãnh cho anh Lộc, nhưng cô lại không phải người thân của anh, mà cha bảo công an khu vực luôn tìm cách để gây khó dễ với cha. Dẫu biết nỗi khó xử của cha, nhưng chúng tôi đặc biệt là cô vẫn tìm cách năn nỉ, cô cố gắng thuyết phục cha khiến cho cha còn tưởng cô là mẹ của anh Lộc chứ không phải người dưng. Cuối cùng cha cũng đồng ý, cha căn dặn anh Lộc một số điều cần thiết cho việc sống chung và quá trình điều trị, cha đặc biệt nhấn mạnh rằng anh sẽ phải cai nghiện bằng mọi giá. Xong việc, chúng tôi ra về, về trong hy vọng dẫu rất mong manh.

Nhạc sỹ thiên tài người Đức Beethoven có nói “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Tôi thấy mình may mắn khi biết cô, với lòng trắc ẩn cô luôn luôn nhạy cảm với những nhu cầu của người khác. Cô nhìn thấy anh Lộc giữa phố xá đông đúc. Cô biết anh Lộc đau đớn, cô đơn và rồi luôn khắc khoải để tìm cách giúp đỡ. Tôi cũng được biết chị Nguyệt, một người phụ nữ nhanh nhẹn, nhiệt tình và cũng đầy tình thương. Dù chị không trực tiếp điều trị bệnh nhưng chắc rằng những người nào may mắn gặp chị sẽ luôn được an ủi và đỡ nâng. Rồi cha phụ trách mái ấm của tu hội Naza mà lúc này tôi không nhớ tên, hay các thầy, các y bác sĩ trong phòng khám Mai Hoa mà tôi chưa một lần gặp mặt, mọi người đều làm việc với cả tấm lòng, và những hy sinh của họ để mang lại hạnh phúc cho người khác thật cao quý và tốt đẹp.

Hai ngày sau cái buổi chiều ở tu hội Naza, chị Nguyệt báo tin anh Lộc đã xin về. Một lần nữa anh thất bại và cơn nghiện lại thắng. Anh quay lại với những tháng ngày lê bước dọc các con đường đông đúc quận 8, rao bán những tờ vé số để mưu sinh, một kết thúc không có hậu… 

Tôi chuyển về nhà dòng nên không còn gặp anh nữa, nhưng vẫn nhớ cầu nguyện cho anh. Ngẫm lại thấy rằng câu chuyện của anh cũng là bài học cho tôi. Tôi cũng mang trong mình một cơn nghiện, cũng mắc phải căn bệnh thế kỷ của tâm hồn: Tội lỗi, cũng nhiều lần đầu hàng những thói hư, nết xấu. Nhưng Chúa vẫn kiên nhẫn chờ tôi, để yêu thương, chăm sóc và chữa lành khi tôi chạy đến với Ngài. 


Lạy Chúa, xin hãy đặt con như một sự tình cờ
Đem may mắn cho những người con gặp...
(An-tôn Nguyễn Hoàng Thi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét