Mỗi năm tháng Tư về, lòng tôi lại dấy lên một vết thương tưởng chừng đã lành, đã QUÊN nhưng thật ra chẳng bao giờ phai nhoà dù rằng cuộc sống đã ban cho chúng tôi cách riêng và những người tỵ nạn nói chung rất nhiều Hồng Ân, được người Mỹ mở rộng vòng tay và bao dung đón tiếp, tạo cho nhiều cơ hội để chúng ta hoà vào dòng chính trong xã hội, nếu mọi người biết bắt nắm lấy và trân quý.
Chúng tôi hồi tưởng lại ngày 30 tháng 4 năm 1975, mà chớp mắt mọi thứ đều sụp đổ, hoảng loạn, người thân, gia đình và bạn bè, sự nghiệp chỉ trong một ngày tan thành khói mây, chia cắt kẻ sống, người ra đi vĩnh biệt không lời giã từ, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, ai cũng cuống cuồng tìm đường thoát thân chạy, xuống tàu ra khơi, giành nhau lên trực thăng trốn chạy tìm tự do.
Cùng như bao người, tôi ngơ ngác không biết mình phải làm gì, ở lại hay ra đi, tiếng phó Tổng Thống Nguyễn cao Kỳ còn văng vẳng bên tai tôi : " Anh em hãy cùng tôi chiến đấu bảo vệ Quê Hương, không bỏ nước ra đi, cùng tôi sát vai bảo vệ Tổ Quốc..."
Vì câu nói dõng dạc trên, đã kéo chân tôi lại không bỏ chạy, lúc đó người yêu của tôi là phi công oai hùng vì nhẹ dạ tin vào lời nói không trung thành mà cuộc đời chúng tôi từ đó dang dở, người lính Việt Nam Cộng Hoà đã phải vào tù với một danh xưng " học tập cải tạo " không hạn định.
Ba tôi hơn 10 năm, khi đó em trai út tôi chỉ vài tuổi, ngây ngô không biết gì đã phải xa ba, không hề có tình cha âu yếm dạy bảo, ngày ba tôi được về đã như một ông lão già nua.Chồng tôi cũng không kém, gần 6 năm lao động trong tù nơi rừng thiêng nước độc, nhờ niềm tin và tình yêu tôi dành cho anh mà tháng ngày trôi nhanh đợi mong ngày đoàn tụ. Má tôi một mình ở lại chèo chống nuôi đàn con nhỏ dại, rồi các em tôi vượt biên, gia đình ly tán từ đấy, ngậm ngùi nhớ lại giây phút đi thăm nuôi trong rừng, đường xa hun hút, mấy mươi năm rồi mà tôi vẫn rùng mình kinh sợ tưởng như vừa hôm qua, ngày ấy xa rồi, đã 41 năm mà đôi khi trong giấc ngủ anh vẫn còn thấy mình đang học tập cải tạo, choàng tỉnh thức cảm ơn Trời, chỉ là giấc mơ !!!
Biết bao người bỏ nước ra đi, bỏ xác trên biển Đông, cuộc tháo chay diễn ra trong thoáng chốc, quân đội tan hàng, vứt bỏ quân phục quay về với gia đình, không mộng ước, chẳng tương lai, chỉ toàn sợ hãi, ngày ấy tôi còn rất trẻ, mới 22 tuổi đời nào hiểu gì về chính trị một cách sâu sắc, chỉ biết miền Nam lúa gạo đầy nhà và tự hào Việt Nam là Hòn Ngọc Viễn Đông. Công danh sự nghiệp, học hành đang theo đuổi tất cả đều ngừng quay, lúc đó tôi vừa là sinh viên trường luật, vừa đi làm ở Bộ Công Chánh, sở Giao Thông Vân Tải, thuộc công Ty cấp thoát nước, thế sự đổi thay, mọi việc cũng thay đổi, từ đang mặc chiếc áo dài thướt tha đi làm, chúng tôi phải thay đổi y phục cho phù hợp, từ đó chiếc áo dài cũng vắng bóng một thời trên đường phố.
Buồn vui lẫn lộn không sao kể hết tâm tư lúc đó, rất khó mà làm quen được với những gì đang thay đổi mỗi ngày, nhưng lâu dần cuộc sống cũng quen, phải hoà nhập, tất cả là quá khứ, ngày ấy xa lắm rồi mà tôi vẫn nhớ như in, vẫn không thể nào quên.
Biết bao người đã ra đi, đã nằm xuống nghìn thu lưu luyến, thế hệ chúng tôi nay cũng sửa soạn lên đường, nếu không nói ra những gì chất chứa trong lòng thì nhiều trẻ nhỏ thế hệ thứ 3 con cháu làm sao hiểu được vi sao có sự hiện diện của người Việt Nam trên toàn thế giới như hôm nay.
Vì hai chữ TỰ DO, ta mang đời lưu vong, dù muôn trùng xa cách, tim còn đập, còn yêu
Quê Hương, mong cho đất nước tôi mọi người được có tự do, ấm no, hạnh phúc và những người Việt Hải Ngoại chúng tôi hết thảy được bình an, các con cháu thế hệ trẻ cũng yêu Quê Hương, nhớ cội nguồn dù ở bất cứ phương trời nào trên thế giới, hãnh diện mình là người Việt Nam.
Quê Hương, mong cho đất nước tôi mọi người được có tự do, ấm no, hạnh phúc và những người Việt Hải Ngoại chúng tôi hết thảy được bình an, các con cháu thế hệ trẻ cũng yêu Quê Hương, nhớ cội nguồn dù ở bất cứ phương trời nào trên thế giới, hãnh diện mình là người Việt Nam.
(Chị PK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét