Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Biết đến bao giờ ?

Học trò đu dây qua sông đi học.
Cô và trò vào túi nilon băng suối đến trường.
Người dân tự làm cáp treo qua sông để đi làm kiếm sống. Cáp đứt, rớt từ trên cao, người thiệt mạng, người may mắn được cứu sống với tỉ lệ thương tật ...%.
Ngày nào cũng xảy ra tai nạn giao thông, có những tai nạn vô cùng khủng khiếp.
Bệnh viện xuống cấp trầm trọng, y đức thì hiếm hoi.
Tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhìn những khuôn mặt non nớt thế kia sao lại có thể ra tay một cách tàn độc để giết người ?
Thành phố Saigon bây giờ tấp nập người bán hàng rong. Ai ai cũng đổ về Saigon, từ Hà Nội xa xôi, miền Trung nắng gió, đến những vùng quê một  thuở yên bình cũng dứt áo ra đi tha phương cầu thực.
Đất đã được qui hoạch làm khu du lịch sinh thái, làm thủy điện mất rồi. Thủy điện chưa xong đã gây ra động đất, thủy điện làm xong đi vào hoạt động có cái vỡ đến chín lần !
Ai đẩy vùng quê vốn đã nghèo lại càng xác xơ hơn ?
Ai đẩy người dân quê vốn đã nghèo lại càng bế tắc, bần cùng hơn ?
Ngã tư đèn xanh đèn đỏ cũng đầy những người ăn xin hoặc bán tăm, bán vé số, bán tất cả những gì có thể bán. Có những mảnh đời thật sự cơ hàn nhưng cũng có những người được chăn dắt bởi những kẻ táng tận lương tâm. Giúp họ là gián tiếp giúp cho bọn bất lương kia sung sướng trên xương máu, trên nhọc nhằn của người khác. Bao nhiêu lần tôi phải quay mặt đi mà lòng thì ngổn ngang nhiều nỗi...
Lòng nhân ái ngày càng chai sạn mất rồi !
Thành phố Saigon của tôi không còn là "hòn ngọc Viễn Đông"  của 40 năm về trước mà trông nhếch nhác,  vàng thau lẫn lộn.
Buồn thiệt chứ !

Em bán bánh bèo than : ế quá chị ơi ! từ sáng đến giờ đi mỏi cả chân, rao khàn cả giọng mà mới bán được mấy chục ngàn, chị mua giúp em một hộp đi chị. Trưa nào tôi cũng để dành phần cơm cho em, dù sao cơm nhà tôi gạo trắng, canh nấu xương hầm ngon ngọt, rau xanh mát lòng, em đỡ tốn chút tiền.

Hà bán trái cây trưa nay ghé ăn cơm, giỏ củ sắn vẫn còn hơn quá nửa, tôi nghiệp em thức từ ba giờ sáng đi chợ nông sản Thủ Đức, chở về tới Saigon. Em nói : khó bán quá chị ơi ! em nghỉ mấy hôm nay mới đi bán lại !
Rồi em bán rau, các chị mua ve chai, ai cũng một lời như thế !!!
Gặp mươi người bán hàng là đủ một chục người than thở. Tôi vui được không ? Tôi cười được không ?

Ngày xưa cái thời tiểu học của bọn tôi, chỉ lớp nhì, lớp nhất (bây giờ là lớp bốn, lớp năm) mới phải học bốn giờ. Còn lại những lớp nhỏ hơn chỉ học hai giờ thôi. Mà cứ giữa buổi học là học sinh được sắp hàng ra uống mỗi đứa một ly sữa tươi foremost ướp lạnh đàng hoàng và một miếng bánh mì kẹp phô mai dày cộm. Sách giáo khoa thì đầu năm nhà trường cho mượn, cuối năm trả lại, nếu làm rách hoặc bị mất mới phải đền. Đi học sướng thế này cha mẹ nào lại không muốn cho con đến trường ?


Lên trung học đệ nhất cấp (gồm lớp sáu, bảy, tám, chín). chúng tôi phải thi, nếu đậu vào trường công thì học phí miễn hoàn toàn. Không đậu thì vào trường tư, mà đa số là trường đạo nên học phí tương đối nhẹ nhàng. Sách giáo khoa không thay đổi, anh chị học trước để dành cho các em học sau chẳng tốn tiền mua. Đồng phục chỉ cần màu trắng, còn học sinh muốn mặc đồ bộ, hay áo đầm, áo dài ... đều được hết, cứ theo hoàn cảnh gia đình sao cho thoải mái, thuận tiện là được.


Bắt đầu bước qua đệ tam (lớp mười), chúng tôi chọn ban A,B,C. Việc chọn ban này theo chúng tôi cho đến khi thi tú tài và vào đại học. Năm của tôi bắt đầu bỏ tú tài một, bỏ thi viết. Chọn lối thi trắc nghiệm, lúc đó điểm số là 20 nên mỗi môn thi thường từ 80 đến 100 câu, có 5 lựa chọn A,B,C,D,E. Chính phủ thay đổi luật thi, học sinh chấp nhận và cố gắng học, phụ huynh cũng thấy hợp lý, không phản đối dù được tự do phát biểu.


Chỉ tiếc một điều : xong lớp mười hai là giải phóng 30/4. Tôi xếp sách vở lo cho gia đình. Gánh nặng cơm áo gạo tiền trĩu nặng trên vai, mỗi lần đi ngang qua giảng đường đại học là tôi lại nuốt nước mắt vào trong, rất nhiều năm như thế !

Tôi học không xuất sắc như thời tiểu học nhưng thuộc hàng top ten trong lớp, thì chắc con đường đại học không xa lắm tầm tay với.

Gần 40 năm rồi còn gì.

Noel lại đang về...
Đường phố Saigon tấp nập,  lộng lẫy đèn màu, các cửa hàng trang trí rất đẹp cho mùa giáng sinh. Nhưng sao tôi vẫn thấy ẩn sạu bên trong cái tưng bừng náo nhiệt, cái ồn ào kia bao điểu không như ý...
Còn bao nhiêu nơi trên mảnh đất này chưa có điện, vẫn trong cảnh sống tối tăm ?
Còn bao nhiêu nơi chưa có nước sạch để dùng, ngày ngày vẫn dòng suối nhiễm độc, ao tù ?
Còn bao nhiêu nơi giá rét lạnh căm, trẻ con áo mặc không đủ ấm, cơm chẳng đủ no lòng thì nói chi đến học với hành ?
Còn bao nhiêu ngư dân nơi đầu sóng ngọn gió, đối đầu với hiểm nguy và hải tặc ?
Còn bao nhiêu người bệnh tật không tiền thuốc thang, không người chăm sóc ?
Ơi đât nước tôi ! Quê hương tôi ! Những người dân quê tôi ! Biết đến bao giờ cơm no, áo ấm ? Đến bao giờ ?


Tôi muốn hát lời này với Chúa :
"... Lạy Chúa, đêm nay Người xuống đời
Xin ban niềm vui tới những đôi môi cằn cỗi lâu không cười..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét