Con xin được mượn tựa đề bài viết của cha Piô Ngô Phúc Hậu
trong cuốn Nhật Ký truyền giáo.
Cảm ơn Cha.
- Sao lại không thắp hương cho Phật ? Tôi hỏi .
- CV dạy như vậy là không đúng với đức tin.
Không biết lời em truyền đạt lại cho tôi có đúng 100% như CV nói không nhỉ ?
Tôi mong nó chỉ mấy chục % thôi và tôi nghĩ như thế này nè em :
1. Người nằm trong quan tài là một người bình thường, có hai vợ, đời sống không có gì nổi bật, thiện ác trong tâm mình không rõ.
- Đức Phật cũng là con người nhưng đạo hạnh của Phật thì không ai sánh bằng. Ngài là một hoàng tử cao sang quyền quí, vợ của hoàng tử chắc chắn là đẹp người, đẹp nết, con của hoàng tử chắc chắn phải sáng sủa khôi ngô. Vậy mà Ngài đã bỏ tất cả giàu sang phú quí, bỏ tột đỉnh vinh quang, bỏ hạnh phúc gia đình để vào rừng khổ tu. Tôi thầm so sánh Ngài ngang tầm thánh Phanxico thành Assisi hoặc hơn thế nữa...
Chỉ thắp nhang cho người đã khuất là ta đối xử quá sức thiên vị với đức Phật rồi.
2. Em theo đạo Chúa, chung quanh em, môi trường em làm việc cũng đa số là người theo đạo Chúa, em có thể hành động như lời CV.
- Còn tôi thì khác, bạn tôi trong suốt mấy chục năm dài làm việc phần lớn theo đạo Phật, tôi hòa mình với các bạn, đi tham quan vui chơi, nếu vào chùa tôi sẵn sàng cúi mình thắp nhang cho Phật. Vì vậy các bạn (bốn người) cũng sẵn lòng đi hành hương Đức Mẹ La Vang với tôi chín ngày trời, cũng 5giờ sáng dậy đi lễ, cũng dự giờ kinh tối, cũng canh thức ban đêm, cũng tham gia rước kiệu, một tay cầm nến, một tay cầm hoa huệ, cũng hát thánh ca, cũng thuộc lòng kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, cũng ngồi thinh lặng tâm sự và cầu xin trước Mẹ. Và trong chuỗi chín ngày hành trình tại La Vang này đức Mẹ đã gởi một niềm vui tinh thần để tất cả các bạn ngoại giáo lúc nào cũng vui tươi, náo nức trong những giờ dự thánh lễ và kinh nguyện (có dịp tôi sẽ kể chuyện về chuyến đi này).
Có bạn nghe tôi nói về Lòng Thương xót của Chúa đã về thưa chuyện với gia đình và vài ngày sau đó em bạn đã thức dậy từ năm giờ sáng, xếp hàng chờ đợi để đúng giờ ngọ ban trưa (mười hai giờ) mới được vào nhà thờ Chí Hoà tham dự thánh lễ. Bạn nói với tôi : Chúa linh quá chị ơi ! gia đình em được ơn rồi.
Em ơi ! so với cái cúi mình trước Phật khi vào chùa, với những gì các bạn tôi thực hiện, tôi thấy mình không hề bị lỗ mà còn lời chán !
3. Gia đình chồng tôi đạo Phật, khi lập gia đình với tôi, anh đã đồng ý theo đạo Chúa. Gần ba mươi năm chưa bao giờ anh bỏ lễ ngày Chúa nhật trừ những khi chẳng thể đặng đừng. Những lúc khó khăn, bệnh tật anh cầu nguyện rất thành tâm và Chúa đã tỏ cho anh biết sự hiện diện và uy quyền của Người như thế nào. Bố chồng chết, rước sư thầy đến, tôi cùng quì với gia đình nhất bái, nhị bái, tam bái trước vong linh bố và bàn thờ Phật. Tôi rất thành tâm vì lòng hiếu thảo. Nếu là tôi, em có thể làm khác được sao ?
Báo Công giáo và Dân tộc số 2024 tuần lễ từ 18/9 - 24/9/2015, ĐGM Bùi Tuần có viết bài "Nguy cơ cực đoan đang đến gần" trong đó có một đoạn mà tôi rất thích :
Một trong những điều tôi lo cho tôi và Hội thánh tại Việt Nam của tôi là đừng bao giờ cũng trở thành cực đoan, coi cực đoan là một cách bảo vệ đạo và truyền bá đạo.
Tôi không muốn, phải nói đúng hơn là tôi chưa muốn tranh luận với em. Trong đó có phần là do e ngại, ngại vì sợ đến tai CV, ngại vì em sẽ cho tôi là đi lạc đường...sao tôi sợ nhiều thứ vậy nhỉ ?
Viếng đám tang, ai ai cũng đều thắp nhang hai bàn thờ : bàn thờ Phật và bàn thờ người vừa khuất.
Người nào theo đạo Chúa thì không thắp nhang bàn thờ Phật sao ?
Đối với tôi, Chúa là trên hết, nhưng tôi còn ngưỡng mộ đức hạnh của Phật nữa.
Đối với tôi, Phật là một vị Thánh lớn.
Vì vậy, khi có thể, tôi vẫn muốn thắp cho Ngài một nén hương.
Nén hương cho ai không quan trọng, điều quan trọng là đừng suy nghĩ cực đoan.
Nhưng trong ý nghĩ của nhiều người, tôi có lạc đường không nhỉ ???
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét