Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Sứ điệp của ngôi mộ đá

 Có ai trong chúng ta mà đã không hơn một lần đến viếng người thân và đã trầm ngâm bên ngôi mộ.  Có biết bao hình thức khác nhau của ngôi mộ: mộ đá, mộ xây, mộ xi măng, mộ đất.  Mỗi ngôi mộ thường chỉ được ghi vài dòng chữ đơn sơ nói lên tên, tuổi, ngày sinh và ngày mất của người nằm dưới ba tấc đất.  Dừng chân suy tư bên những ngôi mộ, có lẽ mỗi người chúng ta đã tự hỏi: phải chăng cuộc đời con người, đã có thời huy hoàng là thế, mà nay chỉ còn lại ngôi mộ lanh lẽo với vài dòng chữ đó thôi sao?

Không!  Ngôi mộ không chỉ là nấm đất vô hồn.  Đó là nơi an nghỉ của một con người, một cuộc đời. Nằm dưới ngôi mộ là cả một lịch sử đời người với những tháng ngày vinh quang xen lẫn với ô nhục; với những giọt nước mắt và những nụ cười; với một thời yêu thương và một thuở giận hờn… nói tóm lại, dưới ngôi mộ là cả một chặng đường của một con người có Thiên Chúa luôn đồng hành.  
Vì vậy, ngôi mộ đá có biết bao điều nói với chúng ta:

1- Điều thứ nhất : ngôi mộ đá nói với chúng ta: cuộc đời này thật mỏng manh quá đỗi.  Như bông hoa phù dung sớm nở tối tàn, cuộc đời thật ngắn ngủi.  Mới ngày nào còn cắp sách đến trường, hôm nay đã lên ông lên bà, rồi già lão, bệnh tật, rồi chấm dứt cuộc đời.  Khi nghĩ về cuộc đời quá ngắn ngủi như thế, xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì.  Xin đừng chia rẽ và giận ghét làm chi.  Cuộc đời này ngắn lắm, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được.  Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

2- Điều thứ hai
 : ngôi mộ đá nói với chúng ta: đây chỉ là một điểm dừng.  Những ngôi mộ đá không nằm yên bất động mãi mãi.  Cũng như cuộc đời này chỉ là cõi tạm, là quán trọ, ngôi mộ chỉ là một chỗ dừng chân.  Thân xác con người được an táng trong lòng đất như hạt giống được gieo xuống.  Hạt ấy bị mục nát, nhưng đó là điều cần thiết để mọc lên một cây mới.  Sẽ có ngày Thiên Chúa mở tung các ngôi mộ.  Sẽ có ngày Ngài cất tấm khăn tang bao trùm thế giới.  Khi ý thức ngôi mộ chỉ là nơi dừng chân, chúng ta được yên ủi, vì chúng ta không mãi mãi mất những người thân, nhưng họ đang an giấc trong bụi đất, chờ ngày phục sinh.  Chính vì vậy, một số nghĩa trang công giáo được gọi là “nhà chờ”, một số phòng chứa hài cốt được gọi là “phòng đợi.”  Đây chính là nơi chờ đợi đến ngày ra trình diện trước nhan Chúa và để gặp gỡ Ngài.

3- Điều thứ ba :
 ngôi mộ đá nhắc nhở chúng ta về một ngôi mộ trống: sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần -Tin Mừng Thánh Gioan kể lại - Maria Mađalêna ra mồ từ sáng sớm và bà thấy ngôi mộ trống. Ngôi mộ ấy là mộ của Đức Giêsu.  Ngài đã được an táng ba ngày trước và nay không còn ở đó nữa. Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần.  Thân xác Người không bị hư nát trong mồ.  Thiên Chúa đã cho Người sống lại vinh quang.  Cùng với Người, những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại như vậy “ai tin Ta sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 47). Như vậy, ngôi mộ nhắc nhở chúng ta về biến cố Đức Giêsu phục sinh và đồng thời nhắc chúng ta rằng những người đang an nghỉ nơi đây sẽ được sống lại. Người lành được sống lại để hưởng vinh quang; kẻ dữ được sống lại để lĩnh án phạt đời đời.

Như vậy, khi dừng chân suy niệm bên mộ người thân, chúng ta hãy lắng nghe điều được phát biểu qua những nấm mộ tưởng chừng như vô tri vô giác và lạnh băng ấy.  Suy nghĩ về cuộc đời, về linh hồn, về sự chết cũng giúp chúng ta hãy cố gắng sống hoàn thiện hơn.


GM Giuse Vũ Văn Thiên
(Email chị Mary Phạm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét