Nó không có động cơ , hai bánh của nó bằng sắt, hai càng dài cũng bằng sắt, tuy thô sơ nhưng rất nặng.
Vì không có động cơ nên nó không chở má mà ngược lại má phải dùng sức để kéo nó đi mỗi ngày trên những tuyến đường quen thuộc, công việc của má là làm cho những con đường này trở nên thật sạch. Nó là một chiếc xe rác. Và má tôi là công nhân vệ sinh.
Từ nào đến giờ vẫn biết công việc má làm là nặng nề nhưng thực sự tôi chỉ cảm nhận được trong một buổi chiều tôi và Cường (em trai) phụ má đi mua và chở củi về nhà nấu cơm. Chiếc xe đã nặng, bánh và càng xe lại bằng sắt nên khi dùng sức kéo là tê rần rần cả hai cánh tay, cảm giác rất khó chịu. Đoạn đường bằng không nói làm chi, khó nhất là qua cầu chữ Y. Khi lên dốc cầu thì má tôi phía trước, hai chị em tôi phía sau cố dùng hết sức lực đẩy xe lên, dốc cầu vừa dài vừa cao, phải mất hai, ba bận dừng lại thở và lau mồ hôi mới đẩy xe lên được giữa cầu. Ba mẹ con nghỉ thở một chút rồi tiếp tục, tưởng rằng xuống dốc khỏe hơn nhưng thực sự đây mới là bắt đầu, vì xuống dốc khó hơn lên dốc nhiều lắm. Lần này Cường đổi lên trước cùng với má để dùng hết sức lực giữ càng xe, tôi ở phía sau cũng cố giữ xe lại không để nó có trớn tuột xuống. Dốc xuống cũng vừa dài vừa cao nên ba mẹ con hết sức vất vả mới chở củi về đến nhà. Những lần sau này vựa củi chở đến tận nhà nên không còn vất vả nữa.
Giờ làm việc của má cũng khác người ta : sáng sớm 5 giờ là má đã ra khỏi nhà. Khoảng 10 giờ má mang thức ăn về nhà cho bố nấu. 12 giờ trưa người ta dược nghỉ thì má lại phải có mặt ở chợ để dọn dẹp cho sạch. Thấy má hiền lành, chịu khó, nhà nghèo, đông con nên những người bán hàng trong chợ rất thương, họ thường cho má hoặc bán rẻ nên cũng đỡ tiền chợ rất nhiều. Cám ơn lắm những tấm lòng...
Những ngày lễ và những ngày cận tết là má cực hơn bao giờ hết, người người mua sắm, lượng rác quăng ra cũng gấp nhiều lần hơn, tỉ lệ thuận với sự vất và của má. Chưa bao giờ má về nhà đúng giờ giao thừa, sớm nhất cũng một, hai giờ sáng. Nhà nghèo, giao thừa ai cũng ngủ. Má tôi về khuya cũng vội vàng với giấc ngủ để có sức khỏe mà lo cho gia đình. Hiểu vậy nên bố thương má lắm, bố hiểu má phải thay bố chèo chống với cuộc đời, nên bố chăm sóc má từng ly từng tí, không để má phải làm bất cứ việc gì trong nhà dù nhỏ nhất, khi má đau bố cũng là người ân cần chăm sóc. Bố thương má biết bao nhiêu.
Tôi nhớ lúc Be được hơn bốn tháng thì má trúng gió nặng, tưởng gần chết. Bố giao em cho tôi rồi chở má vào bệnh viện. Hàng xóm có bác tốt bụng đi theo chăm má. Khi về nhà, bố ru em mà bố khóc, tôi cũng khóc theo. Mấy ngày sau má về. Lối xóm ai cũng mừng vì họ sợ má chết bỏ một bầy con làm sao nuôi. Thời bao cấp, nhờ má là công nhân nên các con hưởng theo mẹ được tiêu chuẩn gạo giá nhà nước, chứ nhà bạn tôi phải mua gạo giá ngoài, mua từng bữa vì tiền đâu mà mua gạo một ngày, thật khổ không tưởng tượng nổi !
Người xưa nói : khi nghèo khổ mới đo được lòng người. Tôi thấy thật đúng. Lúc đó tôi thấy rõ người nào thương mình thật sự, người nào ngoảnh mặt coi thường vì sợ mình tới nhờ vả, mượn nợ...
Tôi nhớ có thời gian má bị viêm tai giữa rất nặng, Má bị như vậy suốt nhiều năm vẫn không dứt, lúc đó các loại thuốc đặc trị cực kỳ khan hiếm, lọ thuốc nhỏ tai chỉ to hơn ngón chân cái tí xíu mà giá gần năm phân vàng. Hết bệnh viện công rồi bác sĩ tư vẫn không hết, mãi cho đến ba mươi tết cách đây vài năm, má tôi lên cơn đau mà bác sĩ lại không làm việc. Xót quá, chịu không nổi một đứa em dâu của tôi khéo tay đã rửa tai và kiếm thuốc nam cho má uống. Ơn Chúa, từ đó đến nay má tôi hết hẳn. Cám ơn Chúa, cám ơn em nhé Phượng ! Các ơn các em Nga, Mai, Thủy, Hằng, Thúy, Phương là những nàng dâu ngoan ngoãn, dễ thương, hiếu thảo với mẹ chồng. Các em quan tâm má từ tinh thần, sức khỏe đến những món ăn ngon, những vật dụng nhỏ trong nhà. Má tôi thật có phước !
Cứ mỗi lần má bệnh thì tôi có nhiệm vụ viết đơn xin nghỉ ốm để má nộp cho công ty. Khi nhận được đơn cả văn phòng công ty ai nhìn đơn cũng xuýt xoa khen con gái má sao viết chữ đẹp quá, được thể má khoe con gái học giỏi. Các chú bên ấy ai cũng muốn con gái má vào làm văn phòng công ty, những lúc đó má vui lắm. Cực nhọc, vất vả, bụi bặm, dơ bẩn đeo bám má suốt đoạn đường dài. May mà cho tới giờ này má tôi vẫn khỏe.
Lây lất mấy chục năm, từ từ chị em tôi cũng lớn, má đến tuổi nghỉ làm, lúc đó Út Y mới tầm 10 tuổi. Má lại xoay với đủ thứ nghề : bán bánh mì bì, gỏi cuốn, hột vịt lộn nhưng vẫn rất khó khăn, nhà vẫn cứ nghèo. Cái nghèo khổ dễ gì thoát ra ? Vậy mà, cứ từ từ từng bước, từng bước một, chậm lắm, thật chậm... chị em chúng tôi đã có gia đình, có nhà riêng, dù to dù nhỏ cũng một căn nhà, không đứa nào phải ở mướn. Các con cháu cũng có công việc tương đối nhẹ nhàng, không vất vả nắng mưa, cực khổ ngoài đường như má ngày xưa. Thế là phước đức rồi !
Năm nay má tôi 78 tuổi. Má ở với ba đứa độc thân, căn nhà mới vừa làm xong trước tết mấy tháng, căn nhà mới là niềm ao ước cả đời của má giờ đã trọn vẹn. Cám ơn em nhiều nhé Be !
Tôi nghỉ hưu thấm thoát cũng đã hơn hai năm, mỗi buổi sáng tôi có thói quen ra chơi với má một chút rồi mới đi chợ. Má kể chuyện tôi nghe, chuyện mới đây, chuyện ngày xưa, chuyện vui, chuyện buồn v.v... Hai mẹ con nói đủ thứ chuyện. Tôi nói má ráng khỏe, mai mốt trăm tuổi, má không còn, chắc con buồn lắm, mỗi buổi sáng con đâu gặp má để nói chuyện nữa, con biết nói với ai ? Năm nay tôi gần sáu mươi, nhưng tôi có một điều hãnh diện để nói với con trai tôi là :
- Con biết không ? đến từng này tuổi, mà mẹ chưa bao giờ cãi ngoại một câu nào.
Ngày xưa của má, khai sinh chỉ ghi năm chứ không ghi ngày tháng. Thôi thì tụi con chọn 8 tháng 3 là sinh nhật má. Chúc má luôn mạnh khỏe, sống an vui để làm chỗ dựa tinh thần cho tụi con. Thương má thật nhiều ! Má ơi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét