Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Lời tôi nguyện cầu

Trần Trung Lương (Toronto)
(Chị Mary Phạm gởi CMCVN)

Mấy năm trước, tình cờ đọc được bài Cha Nguyễn Văn Đông gốc Kontum giảng tại Nhà Thờ Chính Tòa Saigon , tôi thấy hay quá, bèn viết lên báo Văn Nghệ Tiền Phong xuất bản ở Hoa Kỳ.  Mấy bà làm việc công quả trong một ngôi chùa ở Toronto đọc bài tôi viết, cũng xúc động như tôi.  Các bà Phật tử ngưỡng mộ lòng bác ái của Cha Đông và thương mấy người cùi, đã góp tiền trong chùa rồi nhờ tôi chuyển về cho Cha Đông. Việc này làm tôi cảm động và suy nghĩ mãi. 

Bài tôi viết về người cùi dài dòng, bắt đầu từ chuyện Đức Cha Cassaigne rồi mới dẫn tới chuyện Cha Đông, như sau :
... Đức Cha Jean Cassaigne là người con một, sinh ra trong một gia đình quý phái giàu có bên Pháp, nhưng ngài đã từ bỏ mọi sự sang trọng thế gian mà đi tu Dòng Thừa Sai Paris. Lãnh chức linh mục xong, ngài xin sang Việt nam truyền giáo. Ngài chọn Việt Nam vì sau khi đọc các bài Cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes viết trên báo Journal des Voyages về cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam, Ngài đã bị Việt Nam thu hút. 
Cha Cassaigne tới VN ngày 5.5.1926 và học tiếng Việt ở Cái Mơn. Ngài chọn tên VN là Gioan Sanh. Sau đó ngài được bề trên sai đi làm cha sở một họ đạo ở Di Linh, miền Cao nguyên. Nơi đây ngài gặp những người Thượng bị phong cùi lang thang trong rừng. Đây là những người bị cùi vào giai đoạn tuyệt vọng. Gia đình đem bỏ họ vào rừng, để họ ở đó một mình, sống chết ra sao mặc họ. Gia đình và dân làng coi như đã xong bổn phận. Những người phong cùi này sống trong đói khổ và chết dần mòn. Cha Cassaigne đã đưa họ về và lập thành một làng riêng cho họ. Cha vừa coi họ đạo, vừa coi luôn làng cùi. Làng có tên là Kala. Ngài kiêm nhiệm vai y tá băng bó vết thương, kiêm nhiệm chức hỏa đầu quân nấu ăn cho họ, đồng thời kiêm luôn chức ngoại giao đi cầu viện khắp nơi. 
Chẳng bao lâu sau, Ngài nhiễm bệnh sốt rét và lao phổi. Ngài viết thư gửi bạn bè bên Pháp : ‘Một năm 12 tháng, tôi bị sốt rét 10 tháng, nhưng tôi không thể nằm nghỉ vì không có ai thay thế tôi để lo cho bệnh nhân người cùi’. Ngài rất giỏi tiếng Việt và tiếng Thượng Kobo. Người Thượng nhất là những người cùi đã coi Ngài như cha ruột của mình. Vì ngài đạo đức thánh thiện nổi tiếng như vậy nên năm 1941 Toà Thánh đã đặt Ngài làm Giám mục Saigon. Năm 1943, Ngài phát hiện mình bị mắc bịnh cùi, nhưng Ngài vẫn cố gắng tiếp tục coi sóc giáo phận Saigon cho tới năm 1955. Sau đó ngài trao quyền lại cho Đức Cha Nguyễn Văn Hiền. Đức Cha Cassaigne luôn sống trong khó nghèo. Ngài là vị giám mục duy nhất đi xe đạp và vespa khi còn tại chức ở Saigon.

Rời Saigon, ngài trở về làng cùi Di Linh và tiếp tục phục vụ những người xấu số. Ngài phát triển làng, mở trường học và bệnh xá. Tới năm 1972 thì ngài kiệt sức, liệt giường. Ngài mắc nhiều thứ bệnh : sốt rét rừng từ năm 1942, bệnh cùi năm 1943, lao xương năm 1957, lao phổi năm 1964. Nằm trên giường bệnh, ngài luôn nói: ‘ Tôi là người Việt Nam’.

Ngài qua đời ngày 31.10.1973 tại Di Linh. Cả làng cùi Kala đã khóc một tuần lễ. Lễ an táng có đông đủ các chức sắc cao cấp đạo đời. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tặng Ngài Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Ngài được an táng ở chân tháp làng Kala, trên bia mộ có ghi hàng chữ : “Jean Cassaigne, 1895-1973, Caritas et Amor”. Caritas et Amor là chữ Latin, khẩu hiệu giám mục của ngài, nghĩa là ‘Bác Ái và Yêu Thương’.


Mấy chục năm sau, có một vị đã theo chân Đức Cha Cassaigne, đó là Cha Nguyễn Văn Đông. Cha Đông coi sóc họ đạo Sa Thầy ở Kontum. Cha Đông là người sống mộc mạc, đơn sơ và nghèo khó. Ngài được mời về Nhà Thờ Chính Tòa Saigon, nơi có ngai tòa của Đức Cha Cassaigne, để giảng mở đầu cho mùa Chay năm 2001. Bài giảng đơn sơ như thế này :


... Kính thưa ông bà anh chị em, 
Thật là xúc động khi tôi được mời giảng bài Tin Mừng đầu mùa Chay tại nhà thờ chính tòa. Tôi thú thực với anh chị em là đứng trước cảnh tráng lệ đẹp đẽ và sang trọng trong nhà thờ này, lòng tôi bị giao động qúa. Tôi so sánh cảnh này với cảnh nghèo nàn trong xứ Sa Thầy ở cao nguyên nơi tôi phụ trách, tôi thấy đây cách biệt một trời một vực. Tôi thấy bị lúng túng.

Quý anh chị em chắc có biết, nói về tỉnh Kontum, tôi xin tự hào khoe rằng, xứ tôi phụ trách cái gì cũng nhất, lớn nhất, có người dân tộc đông nhất, đồng bào khắp nước đổ về đây nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất, và...nghèo nhất.

Tôi làm linh mục đã hơn ba chục năm. Năm nay tôi vừa tròn 61 tuổi. Tôi trẻ nhất so với mấy linh mục ở chung. Dù có tuổi nhưng được cái tôi chưa phải vào nhà thương hay uống thuốc nên còn có thể gồng mình cáng đáng nhiều việc. Xứ Sa Thầy nơi tôi phụ trách có 4 cha, cha chính xứ đã 77 tuổi, bịnh tiểu đường đã yếu lắm, còn 2 cha kia thì một ông nằm liệt giường vì bệnh cột sống, một ông ung thư giai đoạn cuối, nên chỉ còn mình tôi chạy ra chạy vô. Công việc nhiều lắm, ờ nhiều mà vui.

Tỉnh Kontum, từ thị xã quét một vòng bán kính xung quanh ra toàn tỉnh là 70 cây số, do vậy xứ tôi rộng tha hồ mà đi, đi mệt thôi. Đi mà rất vui, vui vì giúp đỡ được nhiều người. Anh chị em cũng biết là tỉnh Kontum có số lượng người phong cùi nhiều nhất nước. Tại nhà xứ, tôi là người trẻ nhất, có sức khoẻ nhất nên tôi được giao việc phụ trách người cùi, vì vậy mà tôi hay đi thăm họ lắm.

Tôi xin kể anh chị em nghe. Kontum có đến 70% là người dân tộc, sống rải rác khắp nơi. Nguyên đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác đã thấy mệt rồi, huống chi bây giờ đi thăm người bịnh, toàn tỉnh chỉ có tôi. Đồng bào Thượng sống ở đây nghèo lắm, có thể nói họ nghèo nhất nước. Họ gọi tôi là Bab. Tôi nhớ có lần vào thăm một buôn làng, già làng nói : Ơ Bab ơi, Bab nói Bab nghèo ha, Bab mới thấy nghèo thôi, chứ chúng tôi nghèo qúa rồi, nghèo riết rồi nên không thấy mình nghèo nữa, khổ quen rồi cho khổ luôn...

Có lần tôi đi bộ 12 cây số vào thăm một buôn người dân tộc. Ở đây họ có phong tục là hễ ai mắc bệnh phong cùi thì làng sẽ cất riêng một mái nhà trong rừng cho người đó ở, người bệnh này không được ở chung trong làng. Mà vì họ nghèo qúa, ngay cái nhà họ ở cũng không ra cái nhà thì mái nhà họ cất trong rừng cho người cùi ở đâu có thể gọi là nhà, phải gọi là cái lều hay cái ổ mới đúng, chỉ một mùa mưa là nát.

Lần kia tôi tới thăm những mái lều này, tôi phải cúi rạp người xuống mới vào nhà họ được. Thấy tôi đến thăm, họ mừng qúa anh em à. Họ cứ nhìn tôi rồi họ cười. Họ nói Bab đến thăm thì họ sung sướng lắm, qúy lắm. Họ cười mà tôi khóc, anh chị em ơi. Họ đã nghèo lại cùi. Tôi biếu họ món gì thì họ ôm vào ngực như sợ bỏ ra là mất.

Lần khác tôi vừa vào lều thì có ông già nói : Bab ơi, Bab có nylon không, nếu Bab có thì Bab cho con một miếng đi, một miếng thôi, để con che cái chỗ con nằm. Bab ơi, đêm qua mưa lớn qúa, cả nhà con chỗ nào cũng ướt, cũng lạnh, con không ngủ được, Bab ơi.

Anh chị em có biết người Thượng cùi khổ đến mức nào chưa ?. Họ vừa nghèo, vừa bệnh, lại không được học hành gì cả. Họ chỉ biết đếm đến số 100 là hết. Các anh chị em có thể tưởng tượng nổi không, họ cầm tờ giấy 20 ngàn, mua chai nước mắm 7 ngàn, họ không biết nhận lại là bao nhiêu, người bán hàng đưa lại bao nhiêu họ cầm bấy nhiêu, vậy đó. Đã nghèo lại không được học, sống chỉ bám vào đất mà sống, nên giàu sao được. Cứ mỗi lần từ thị xã lên thăm họ, tôi cố tìm chỗ nào có thức ăn rẻ nhất mà mua cho họ. Ví dụ ở đây một kí ruốc là 20 ngàn, nhưng ở Phan Thiết chỉ bảy ngàn thôi. Tôi là người Bình Định, dân miền Trung cũng nghèo đói quá mà tha phương đến tận Kontum, nên tôi rành lắm. Ở Kontum đồmg bào mình nghèo quá, khắp bốn phương về sinh sống, Bắc có, Trung có, Nam có. Họ đều nghèo như nhau, nhưng lại tốt bụng, nên tôi xin họ giúp gì, dù nghèo họ cũng giúp tôi ngay. Tôi cứ lang thang khắp tỉnh, có cá vụn, cơm khô, muối hạt, tôi cứ xin. Chỗ nào người ta bán rẻ nhất là tôi tìm đến, vừa mua vừa xin cho họ. Có lần một số bạn bè cho tôi một ít tiền và nói với tôi : “ Nhờ Cha mua ít đồ tặng cho họ đi cha”. Tôi liền đi mua nhiều thứ rẻ, gói thành từng gói nhỏ. Như cá khô thì tôi gói theo kí. Tôi đem cho họ, họ mừng lắm. Lần đó đến một xã, khi tôi đã phát hết quà, còn lại trong giỏ mấy kí cá khô, lại gói trong giấy bóng màu vui mắt, trẻ con cứ theo tôi mà nhìn, ánh mắt của chúng tỏ ra thèm lắm, nhưng chúng không dám nói. Tôi hỏi : các con có thích không ? Chúng gật đầu. Tôi xuống xe ngay và phát hết mấy kí cá khô còn lại, đây con một kí, con một kí. Chúng nhìn tôi chăm chăm, hai tay ôm gói cá khô miệng cứ hỏi tôi hoài : Bab ơi Bab cho con thiệt hả Bab ? Tôi nói : Ừ, Bab cho con thiệt mà. Chúng lại hỏi : Bab cho con thiệt hả Bab, Bab cho con thiệt hả Bab ?
Thưa anh chị em, có đến những vùng này mới thấy hết cái khổ cùng cực của người dân ở đây. Tôi cứ tự hỏi là nếu tôi đem mấy kí cá khô này tặng bà con ở Saigon, chắc các anh chị sẽ nói ông cha này khùng. Thế đấy thưa anh chị em.Tôi muốn nói rằng, chúng ta nhớ giúp người nghèo người bịnh, trong khả năng của chúng ta, không cần nhiều, mỗi người một ít thôi.

Thưa anh chị em, một ít thôi, một tấm nylon nhỏ, một kí cá khô, giúp cho họ bớt khổ, họ mừng lắm, thưa anh chị em. Tôi mong rằng tất cả quý ông bà và anh chị em sẽ sống đẹp hơn lên trong Mùa Chay này, để xứng đáng với đức hy sinh quên mình của Chúa Giêsu. Amen.

Đọc xong bài giảng, tôi có cảm nghĩ này: Ngôn từ bài giảng rất bình dân và đơn sơ. Nó toát ra sự thành thực và thánh thiện, nó toát ra sự vui vẻ tự nhiên. So sánh với nếp sống đầy đủ tiện nghi vật chất của chúng ta hiện nay, tôi thấy người cùi như đang ở trong thời đại hoang sơ ngàn năm trước. Cha Đông đi làm việc bác ái mà khổ cực quá : đi vào làng Thượng, chui vào các mái lều lụp xụp và dơ bẩn, tiếp xúc với những người nghèo khổ bệnh tật và dốt nát. Thế nhưng lời nói của Cha toát ra sự vui vẻ. Ngài không hề than khổ than cực, không hề nói ra lời nào như đang làm một việc miễn cưỡng. Ngài nói về ngươi Thượng một giọng thân thương, coi những người Thượng này là bà con anh em của mình. Đó là điều làm tôi xúc động. 

Việc này làm tôi nhớ tới Mẹ Teresa Calcutta. Mẹ đã từ bỏ nếp sống một giáo sư, một hiệu trưởng, nhà cao cửa rộng, dạy những học sinh con nhà giàu thuộc giai cấp sang trọng ở Ấn Độ, để hạ mình xuống sống với lớp người cùng đinh xã hội. Tôi được may mắn là đã sang sống ở Ấn Độ 2 tháng, cách đây 8 năm. Tôi đã nhìn thấy tận mắt lớp người cùng đinh ở trong giai cấp hèn mạt. Họ không có nhà. Họ sống ở vỉa đường, lấy đất làm giường lấy trời làm màn. Họ che mưa nắng bằng giấy báo. Gia đình nào may mắn lắm mới có một tấm bạt làm mái che. Ở Ấn Độ, con bò được kính trọng. Chúng đi lang thang đầy đường. Người ta hốt phân bò, phơi khô để đun bếp và để sưởi vào những buổi sáng trời lạnh. Họ nghèo mạt rệp mà lại đẻ nhiều. Đẻ con nhưng không có sức nuôi con. Hoặc họ phá thai hoặc họ để đứa bé chết dần mòn. Mẹ
Teresa đã nhìn thấy cảnh nghèo khổ cùng cực này trong suốt 10 năm dạy học.  Mẹ không thể dửng dưng được nữa. Mẹ đã xin từ bỏ mọi sự sang trọng, mẹ đã ẵm các hài nhi hữu sinh vô dưỡng này, đã ôm những người bệnh tật đang hấp hối này về chăm sóc. Mẹ làm hết lòng vì Mẹ tin rằng đây chính là con Chúa, là anh chị em của mình. Mẹ đã làm việc này ròng rã 40 năm. Chúng ta có thể làm một vài việc bác ái trong một ngày, hai ngày, một tuần, là đã hết sức rồi. Còn Mẹ Teresa đã làm trong 40 năm.

Mẹ Teresa mất ngày 13.9.1997. Lễ an táng đã được trực tiếp truyền hình đi khắp thế giới. Tại Canada, Linh mục Philippe Thibodieu đã ngồi trên đài TV ở Torontođể dẫn giải buổi lễ. Chính trong lễ này, ngài đã kể chuyện chính ngài được gặp mẹ Teresa ở Calcutta trước đó mấy năm. Cha Philippe đã xin mẹ mấy lời để đem về Canada nói cho bạn bè nghe. Mẹ đã cầm tay cha và nói : Tất cả cuốn Thánh Kinh tóm tắt trong 5 tiếng này 
“ You did it to me”.Mẹ nói từng tiếng và chỉ vào 5 ngón tay của cha. 5 tiếng này lấy từ lời Chúa : 

Bất cứ việc gì các ngươi làm cho người thấp hèn nhất, là đã làm việc đó cho chính Ta ( Matthêu 25 : 40 ). 
Mẹ Teresa ôm người hấp hối, ẵm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên lề đường, vì Mẹ đã nhìn thấy Chúa nơi những người nghèo khổ cùng cực này.Cha Đông vui vẻ đi thăm người Thượng bị phong cùi và nghèo khổ cùng cực, vì đã nhìn thấy Chúa nơi những người anh em đáng thương này. Đức Cha Gioan Cassaigne mấy chục năm phục vụ người cùi, đã nhìn thấy rõ Chúa nơi những anh em xấu số này

Rồi tôi nghĩ đến tôi. Nhiều lúc tôi sống mà như không nhìn thấy Chúa trong mình, chứ đừng nói tới việc nhìn ra Chúa nơi tha nhân. Nhiều lúc tôi giống như anh Peter trong truyện đăng trên đặc san Le Monde des Religions tháng Bảy năm ngoái. Tôi xin tóm lược chuyện này như sau :

Peter là người nước Anh gốc Do Thái.   Anh theo đạo Công Giáo.Vợ anh chết đột ngột, anh đau khổ vô cùng. Không gì có thể làm anh quên được niềm đau to lớn này. Anh không tìm thấy nguồn an ủi trong đạo Công Giáo. Anh nghĩ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ có thể chữa bệnh đau khổ cho anh. Anh sang Ấn Độ và xin gặp Đức Đạt Lai lạt Ma. Người ta chỉ cho phép anh được gặp ngài 5 phút. Vừa gặp ngài, anh òa lên khóc. Anh kể cho Ngài nghe về việc mất vợ. Đức Lạt Ma ôm lấy anh và ngài cũng khóc. Anh kể tiếp cho Ngài là anh theo đạo Công Giáo, rồi lại oà lên khóc. Ngài liền nói mấy lời bằng tiếng Tây Tạng với viên thư ký. Vị này lấy ra ngay một tấm ảnh Chúa Giêsu vào trao cho ngài. Với một sự cung kính đặc biệt, Đức Lạt Ma trao tấm ảnh cho anh Peter rồi nói : Đức Phật là con đường của tôi, còn Chúa Giêsu là con đường của anh, anh hãy tiếp tục sống đạo Chúa. Rồi Ngài lại ôm lấy anh và cùng khóc với anh. Cuộc gặp gỡ này kéo dài trong 2 giờ thay vì 5 phút. Anh Peter chia tay trong nước mắt. Anh tâm sự : Ngài đã chữa lành vết thương của tôi. Ngài không bảo tôi theo đạo của Ngài mà bảo tôi tiếp tục tin vào Chúa.

Đọc xong chuyện này, tôi nghĩ rằng ban đầu anh Peter hình như muốn bỏ đạo Chúa và sẵn sàng theo đạo Phật với Đức Lạt Ma. Sở dĩ anh có ý định như vậy là anh đã không nhìn thấy Chúa. Tôi nghĩ Đức Lạt Ma đã nhìn thấy Chúa và nghĩ mình là một ngôn sứ đặc biệt của Á Châu đang đi rao giảng lòng yêu thương cho mọi người theo một cung cách đặc biệt nên mới bảo anh thế.
Tôi không biết sau cuộc gặp Đức Lạt Ma anh Peter có nhìn thấy Chúa chưa ? 



Phần tôi, 
Tôi vẫn cầu xin Chúa cho tôi nhìn thấy Chúa hiện diện thực sự trong tôi mọi lúc, và xin cho tôi nhìn thấy Chúa trong mọi người. 
Xin được một chút xíu của Đức Cha Cassaigne, của Mẹ Teresa Calcutta, của Cha Nguyễn Văn Đông. 
Tôi còn ghét người này, còn nói xấu người kia, thì rõ ràng tôi chưa nhìn thấy Chúa trong tôi và nơi tha nhân. Tôi mới giữ đạo bằng môi bằng miệng, theo thói quen, cho xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét