Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những tiếng rao

Hồi còn bé, gia đình tôi ở chung với ông bà nội. Với ông bà lúc nào tôi cũng là đứa cháu gái cưng. Dù bà nội chỉ là mẹ kế của bố thế nhưng bà rất thương tôi. Má tôi kể lúc nhỏ bà thường xuyên cho tôi ngậm vú da (vú không có sữa) của bà, mỗi lần khóc bà cho ngậm vú là tôi nín, mỗi lần buồn ngủ bà cũng cho ngậm vú da là tôi ngủ êm luôn.

Trước sân nhà ông bà nội có mái hiên, tuy không rộng nhưng mỗi khi trời mưa nó cũng trở nên nơi trú cho nhiều người đi đường, kể cả những gánh hàng rong. Ông bà tôi thường mở hé cửa bảo họ vào trong nhà cho khỏi ướt, đợi tạnh mưa rồi hãy đi. Những lúc ấy nhà đầy người, người này đứng nép nhường chỗ cho người kia, ưu tiên nhất là không để gánh hàng bị ướt. Khi trời vừa dứt hạt, mọi người thở ra nhẹ nhõm và những tiếng rao lại cất lên vội vã...


Năm 1974, lúc đó tôi được mười bảy tuổi thì bố má tôi mua được nhà bên quận 8 nên tất cả chị em tôi chuyển về bên ấy. Nhưng có lúc vì công việc tôi lên ở chung với ông bà nội. Tối tối ngồi nói chuyện với bà mà nghe tiếng rao hàng tôi thường hay nói : Sao thấy người ta đi bán hàng rong cháu cứ thấy tội nghiệp họ quá bà ạ !
Lần nào bà cũng cười mắng yêu tôi : Vớ vẩn, người ta bán hàng có lời mà tội nghiệp cái gì !
Biết vậy, mà sao tôi vẫn cứ thương.
..............
Nhớ lúc học ở Dalat, cứ chúa nhật cuối tháng là tụi tôi được đi chơi cả ngày. Các bạn nhà gần thì về với ba mẹ. Những đứa tứ xứ thì dong ruỗi khắp mọi ngóc ngách của thành phố mộng mơ, thời đó tụi tôi đi bộ giỏi lắm, đi về năm mười cây số trong buổi sáng là chuyện rất đỗi bình thường. Dalat nắng ấm, gió lạnh, leo dốc cỡ nào cũng không mệt, cũng không đổ mồ hôi, chỉ có mỏi chân thôi. Mỏi chân thì cứ ngồi nghỉ trên cỏ, bên gốc cây lề đường xem ra lại thú vị !

Thường thì tụi tôi hay lên đồi cù, kiếm gốc thông già, to, nhiều tán rộng rồi trải áo mưa ra ngồi chơi với nhau. Tôi đi chơi với Thông nhiều nhất. Nhà Thông ở Bảo Lộc nên nó cũng không về. Tôi với nó hợp nhau ở cái tật ăn hàng. Trên đồi cù người ta hay bán kem, gỏi khô bò và tàu hủ. Hai đứa tôi ăn tất, ăn cho đã thèm một tháng, vì tháng sau mới được ăn lại. Tôi vẫn là người hào phóng, ăn xong còn mời họ ăn bánh mà hai đứa đã ghé chợ mua trước khi lên đồi cù. Tôi nhớ có những thằng con trai bằng tuổi tôi mà phải nghỉ học đi bán hàng, nó mời hai đứa tôi mua với khuôn mặt rất ngại ngần, mặc dù lúc nó mời tụi tôi cũng không đói nhưng vì tội nghiệp nên ăn ủng hộ. Ăn xong tôi còn hỏi nó có muốn ăn bánh không ? Dĩ nhiên nó cũng rất ngại không trả lời. Tôi lôi bánh từ trong cặp ra dúi vào tay nó và bảo: ăn đi, bánh ngon lắm. Nó chẳng bao giờ chối từ được đâu vì bánh tôi mua thường là bánh patechaud và croissant của lò nhà thầy Kế làm, ướt rượt và thơm mùi bơ, lại còn nóng hổi, ngon vô cùng. Giờ ngồi nghĩ lại, thấy mình cũng buồn cười, ngây thơ gì đâu...!

Đến bây giờ vẫn thế. Tính tôi dễ xúc động, hay thương cảm.
Có lẽ tôi hay mua hàng nên cứ đi ngang nhà tôi là những người bán hàng rong cố ý đi chậm hơn, rao to hơn bình thường, có người còn đứng hẳn lại, nhìn vào trong để xem tôi có nhà không ? Có người cố đợi tôi trả lời thì họ mới đi tiếp...
Có tiếng rao quen thuộc, bình thường. Có tiếng rao bằng loa, cái nào cũng giống cái nào không phân biệt được người bán. Lại có những "ca sĩ" dùng giọng hát ấm áp, rung động lòng người để đi bán kẹo kéo, bút bi, vé số, hộp quẹt ga...! Ôi cũng thân phận một kiếp người, có nhiều tiếng hát không bằng một góc mà được hát dưới ánh đèn màu, xe đưa xe đón, lại có kẻ hè phố thế này đây !
Hơn bốn mươi năm hòa bình trở lại trên quê hương tôi, cái gì nhiều tôi chưa thấy rõ chứ đội ngũ bán hàng rong thì nhiều vô số kể.

Mua hoài, cái gì cũng mua thì mình không có nhu cầu. Nhưng tôi cầu mong có nhiều người mua giúp cho họ bán hết hàng. Đằng sau gánh hàng rong ấy là cuộc sống của một gia đình, đằng sau tiếng rao ấy là niềm hy vọng ấm no, học hành cho con cái.  Những khi thong thả, tiền bạc rủng rỉnh tôi hay mua vài gói xôi, vài hộp bánh bèo cho những người bán vé số, ve chai cùng được ăn. Cảm giác lúc ấy thật là vui. Nhưng mấy tháng nay con ở nhà, thu nhập giảm hẳn, phải tiết kiệm thôi. Nhưng mỗi khi từ chối tôi cứ cảm thấy chạnh lòng.


Saigon đã vào mùa mưa. 
Saigon chợt mưa, chợt nắng. 
Nắng đó rồi mưa đó. 
Mưa tạnh rất nhanh chứ không dầm dề, lê thê, ướt sủng như Dalat, nơi ngày xưa tôi đã ở.
Tôi cũng đâu còn bé bỏng như lúc còn sống với ông bà nội. Tuổi tôi bằng tuổi bà ngày xưa rồi.
Nhưng thương cảm với những tiếng rao hàng thì tôi vẫn thế !
Chẳng có chút gì thay đổi. Biết sao được nhỉ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét