Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Những chị giáo trong cuộc đời tôi

Đọc bài Dư âm...Ngày hội ngộ... của bạn tôi Nguyễn Thế có đoạn sau :
"...Tôi vẫn yêu Saigon.
Tôi vẫn yêu tu viện Mân Côi.
Tôi vẫn nhớ chị Lâm, chị Sa, chị Nhi và chị Thảo. Tôi nhớ từng giọng nói, từng dáng đi của các chị. Tôi thương chị Ngân dáng mong manh, nói theo ngôn ngữ bây giờ là siêu mỏng. Chị như người mẹ hiền luôn nhẹ nhàng khuyên bảo các em mỗi khi sai lầm..." 


Lòng tôi lại bồi hồi, nhớ nhiều lắm những ngày xưa...

Tôi nhớ chị Lâm nhỏ người, dáng thoăn thoắt, nhanh nhẹn. Chị là giám đốc đệ tử, hiệu trưởng trường Mai Khôi. Tôi làm văn phòng trường, đối diện phòng chị, chị thường hay qua lại văn phòng trao đổi công việc với chị giáo Đoan. Lúc đó gia đình tôi nghèo, đầu năm nhập học mà phải một hai tháng sau ba mẹ tôi mới có tiền đóng, quần áo sờn rách tôi cũng không dám cho bố mẹ biết. Tôi nhớ hôm đó chị nhắn tôi sau khi ăn lên gặp chị. Tôi lo lắng không hiểu chuyện gì, vì thường bị gọi riêng như vậy chắc chắn phải có vấn đề, thật sự bữa cơm đó tôi ăn không ngon, sợ mình có lỗi mà không biết để chị phải gặp riêng để sửa dạy. Tôi hồi hộp bước vào phòng chị, trái với dự đóan của tôi, chị hiền từ hỏi han, chị hỏi tôi có mấy bộ đồ mặc, tôi nói với chị tôi chỉ có hai thôi. Chỉ vào cái quần đen tôi đang mặc, chị hỏi sao có chỗ gần rách mà em không vá ? Tôi trả lời tôi chưa tìm ra vải cùng loại nên tôi chưa vá được. Thế là chị cắt ngay cho tôi hai xấp vải để may quần và còn cho thêm một ít tiền, chị dặn tôi khi nào có thiếu gì cứ lên nói với chị, chị cho. Tôi cám ơn chị và nói rằng tôi không xứng đáng được chị thương như vậy. Chị bảo tôi : Mình theo Chúa, Chúa sẽ lo cho, đừng ngại. Chị nói vậy nhưng tôi vẫn ngại lắm, tôi nhớ tôi chỉ dám xin chị một lần nữa để mua sách học, lúc đó cũng gần cuối năm học lớp 12.

Chị giáo Ngân phụ trách tôi lớp mười một, chị hiền nhưng cực kỳ ít nói, chị nghiêm quá nên tôi sợ.

Mùa hè 1974 tôi không về gia đình mà ở lại phụ làm văn phòng với chị giáo Đoan, phụ làm ký nhi viện với chị Nhi.
Tôi thường xuyên gặp chị, vẫn không biết gì để nói. Tôi nhớ có những buổi tối phòng ngủ thật vắng lặng vì ít người, chị nói chuyện với chị lớp trưởng của tôi, tôi thấy hai chị cười nói thật vui vẻ, tâm đắc, tôi mong chị đừng qua chỗ tôi, vì tôi sẽ chẳng biết gì để nói. Tôi sống nhẹ nhàng, đơn giản vậy đó.
Chị bệnh, tôi biết nhưng chưa một lần ghé thăm chị.
Ngày chị rời bỏ thế gian, tôi cũng không biết để về dự lễ lần cuối cho chị.
Cái tính sợ hãi, nhút nhát rụt rè làm tôi trở nên vô tâm. Chị ơi ! Chị đừng buồn em, chị nhé !

Qua năm lớp mười hai, chị giáo Nhị phụ trách, tôi không sợ chị như chị giáo Ngân, nhưng tôi vẫn chẳng có gì để nói với các chị giáo của tôi. Chị Nhị hiền, nhưng cũng không nói nhiều. Kỷ niệm nhớ nhất trong năm học đó và cả cuộc đời tôi là xúi Đài giả làm ma nhát mọi người.

Hôm đó tôi và Đài bệnh, qua ngày thứ ba cũng tạm khỏe. Cái tính nghịch ngầm cố hữu bỗng trở về. Tôi chạy qua giường của Đài : 
- Đài khỏe chưa ? 
- Rồi.
- Buồn không ?
- Buồn.
- Buồn thì làm cái gì cho đỡ buồn đi.
- Làm cái gì bây giờ ?
- Làm ma nhát mấy chị đi.
- Làm ma là sao, ta chưa hiểu.
- Đài cứ đứng im đây, để ta lo.
Tôi lôi Đài ra chỗ công tắc điện, tôi quấn cho Đài một tấm drap trắng từ thắt lưng dài xuống chân, một tấm drap trắng trùm đầu. Nhìn tướng Đài cao lớn, trắng toát, tấm drap trắng bay bay trong bóng tối không ánh đèn, chính tôi còn cảm thấy sợ. Sau giờ đọc kinh, Thanh ở Nha Trang (em chị Thiện) nhanh chân chạy lên phòng ngủ, vừa định giơ tay bật công tắc điện thì hét lên một tiếng thật to, Thanh vừa la hét vừa bỏ chạy kéo theo các chị phía sau cùng quay đầu chạy tán loạn. Tôi không nín được cười. Một lát sau chị Nhị lên phòng ngủ, tang chứng vật chứng chưa kịp giấu, vẫn còn rành rành ở cuối giường của Đài. Đài bị chị gọi lên "mần việc". Tội nghiệp, Đài chịu bị la chứ không nỡ khai tôi là kẻ chủ mưu. Nhưng làm người ai làm thế ! Tôi tự giác lên gặp chị để nhận lỗi. Vậy mà chị chỉ hiền từ, nhìn tôi lắc đầu :
- Sao em nghịch ngầm thế hả Nga ? Chị không bao giờ nghĩ em có thể nghịch đến như thế. Lỡ hôm nay có chị em nào đó yếu tim ngất xỉu thì sao ? Lần sau không được dại dột thế nghe chưa ?
Không có hình phạt nào cho tôi và Đài cả. Hú hồn, em xin lỗi chị, xin lỗi các bạn.
Một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. 
Lần đầu tiên sau nhiều năm gặp lại, tôi và Đài cùng mắng yêu nhau : đồ con ma !

Hai năm vào đệ tử Mai Khôi là hai năm tôi làm văn phòng với chị giáo Đoan, với Ry. Tính tôi hay mơ màng nên bị chị la nhiều hơn Ry. Tôi có nhiều kỷ niệm với chị lắm, tôi đã viết trong bài riêng cho chị : Chị ơi ! Em nhớ ...!

Cuối hè 1974, sau  hai tháng không về gia đình mà ở lại phụ việc cho chị, chị dẫn tôi đi Vũng tàu chơi, đi xem đoàn xiếc cá heo Tây Đức lần đầu biểu diễn ở Việt Nam. Ở bên chị, tôi luôn cảm nhận được tình thương của một người chị dành cho đứa em nhỏ. Tôi thương chị lắm !
Về với cuộc đời, tôi hay lên với chị trong nhiều tâm trạng : vui buồn, bực bội, bất mãn. Tôi tranh cãi với chị khi tôi làm biếng đọc kinh, không siêng đi lễ, tôi nói chỉ cần làm việc tốt là đủ rồi. Tôi nhớ chị đã nói với tôi câu này : 
- Như vậy, em chỉ là một người công chính, mình phải nên thánh chứ em !
Tôi cười, không cãi, lòng vô định. Nhưng càng ngày tôi càng thấm lời dạy của chị. Dù còn rất nhiều những sai lầm, khiếm khuyết nhưng tôi sẽ cố gắng nên thánh trong bổn phận đời thường của tôi, trong những việc nhỏ nhất, chị yên lòng chị nhé !
Chị dời chỗ ở sang cộng đoàn thiên quốc rồi, tôi buồn, tôi hay nhớ chị. Mỗi lần nhớ chị, tôi thăm chị với những lời kinh. Chắc đâu đó, chị đang mĩm cười mà tôi không thấy. Phải không chị ?

Tôi nhớ chị Thảo quản lý nhà bếp. Tôi không biết nấu cơm, rất sợ làm cá. Mỗi lần đến ca làm bếp, phải đi chợ bằng đôi quang gánh, chúng tôi tập gánh, sưng cả vai đau lắm, tôi lại chỉ có chiều cao khiêm tốn 1,45m nên đôi gánh lòng thòng gần chạm đất. Từ từ rồi cũng quen, nhưng tôi vẫn là người bị chị la nhiều nhất vì vụng về, tôi rất sợ chị, mỗi lần chị dặn cái gì, nghe hoặc không nghe rõ, tôi cứ đều dạ dạ cho qua, sau đó mới hỏi lại các chị khác. Lần đó có lẽ thấy tôi dạ mà cái mặt ngơ ngơ, chị hỏi lại :

- Chị dặn cái gì nói lại chị nghe coi !
Tôi không nói được, thế là bị la thêm lần nữa...
Từ đó về sau tôi bỏ tật, cái gì nghe không kịp thì hỏi chị, không còn dám dạ bừa bãi. 
Có lần vo gạo cũng không xong, chị bắt ca làm bếp của tôi lấy ghế ngồi chung quanh nhìn chị vo gạo...
Biết tôi sợ làm cá, mỗi lần đi chợ mà mua cá, chị Cúc lớp tôi bảo với các bạn làm việc khác, một chậu mấy chục con cá để tôi làm, chị nói với tôi tập làm cho quen, cá có gì mà sợ. Phải ngồi làm thôi, tức anh ách nhưng không dám cãi, lúc đó tôi ghét chị Cúc lắm. 
Sau này lên Phước Lộc, sống gần Cúc, tôi thương chị nhiều. Chị, tôi và chị Xuân con phụ trách làm vườn, nuôi gà, nuôi heo, nuôi thỏ, trăm điều cực nhọc, chị nhanh nhẹn, xốc vác, đỡ đần cho tôi...

Chị giáo Sa không phụ trách lớp tôi, nhưng tôi thích khuôn mặt trắng bóc, đầy đặn và hay cười của chị. Nhớ trung thu năm nào, chẳng có tiền mua bánh, tôi xin ra chợ mua một chú heo con rồi loay hoay cắt giấy làm cái hộp bé bé xinh xinh, làm những cộng rơm nhiều màu, đặt chú heo con vào đó rồi len lén để lên bàn chị, sợ có ai nhìn thấy bảo mình thương riêng, cơ khổ !
Bốn mươi mốt năm không gặp lại, ngày kỷ niệm 70 năm Mân Côi, chị đứng trước mặt mà tôi nhìn không ra. Tôi chào chị rất bình thường, mãi đến khi Vân giới thiệu thì tôi và chị ôm choàng lấy nhau, ôm thât chặt. Không còn một nét nào của ngày xưa nữa rồi, chị ơi ! sức mạnh của thời gian...

Tôi về Phước Lộc những ngày đầu tiên khi miền Nam thất thủ hoàn toàn và rơi vào tay cộng sản. Cực khổ lắm nhưng trong tôi đầy tràn niềm vui vì được nhà dòng gọi lại. Lúc đó vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên dù đã khấn rồi, hoặc đang là tập viện, thử viện cũng có thể ra đi. Vậy mà một con bé tầm thường như tôi được các chị chọn ư ? Tôi thấy Chúa thương xót tôi nhiều lắm, nhiều hơn những gì tôi đáng được. Tôi đã bước theo Người không một chút so đo, toan tính.
Chúng tôi sống với nhau khổ cực trăm bề, nhưng thương nhau thì nhiều không kể xiết. Chị Hùng phụ trách chúng tôi. Chị hiền lành, dễ thương, chẳng thấy chị la ai bao giờ.
Tôi sống với các chị tròn một năm rồi xin về với gia đình, bố thất nghiệp, chỉ mỗi má đi làm, một bầy em thơ dại...
Tôi đã đặt gia đình mình quan trong hơn lý tưởng, tôi là người cầm cày mà còn quay lại phía sau làm sao xứng đáng ?
Tôi vẫn nhớ Mai Khôi, nhớ Phước Lộc.
Tình thương một phần đời tôi đã để lại hai nơi này mất rồi.
Tôi vẫn hay lên thăm chị Hùng, chị thích ăn gì, tôi mua cho chị. Chẳng nhiều tiền nhưng tình thương của tôi trong đó, các chị chỉ cần có vậy. Chị kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Có câu chuyện khi chị muốn rời nhà dòng thì mẹ bề trên giữ chị lại. Chị nói nhờ vậy mà chị còn ở được đến ngày hôm nay. Tôi hỏi chị :
- Vậy sao lúc em xin về, chị không giữ em lại ?
Chị cũng biết đùa vui :
- Giữ em lại thì giờ này đâu có ai lên thăm chị, đâu có ai mua bánh cho chị ăn.
Hai chị em cười nắc nẻ, có lần chị để tôi ngồi trên đùi chị rồi vòng tay ôm như người mẹ hiền ôm đứa con thơ.
Sức khỏe chị bắt đầu yếu rồi, trí nhớ cũng vậy, chị quên trước quên sau. Tôi biết chị giống chị giáo Đoan hồi trước, tôi sẽ đến thăm chị nhưng chị sẽ không còn nhận ra tôi nữa, chị sẽ im lặng với thế giới riêng của chị. Nghĩ đến đây bất chợt nước mắt tôi lăn dài...

Tôi thấy mình là người hạnh phúc.
Khi còn nhỏ được bố mẹ cưng chiều. Khi đi học được thầy cô thương yêu. Vào nội trú được các chị giáo chăm sóc. Tôi có một gia đình êm ấm dù lắm lúc cũng bão tố phong ba. Đến tuổi già có một tình bạn rất đẹp với thời gian, có một chốn cũ bình yên để quay về kỷ niệm.
"Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa
Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa
Đến muôn đời con ca vang tình thương Chúa
Và mãi mãi con nhớ công ơn Người..."

Kính gởi đến các chị giáo của em với tâm tình yêu thương, biết ơn và trân trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét