Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Tiếng thở dài của những người mẹ nghèo

Thấm đậm dòng suy nghĩ : học, con đường để thoát khỏi cái nghèo mà bao nhiêu thế hệ trẻ, dù cơm không đủ no, đèn không đủ sáng để học vẫn học, học miệt mài...Cứ thế, những con người hiếu học, có ý chí và lòng đầy khát vọng vươn lên đã bước qua ngưỡng cửa tiểu học, trung học rồi rời làng quê để đặt chân vào giảng đường đại học. Vượt qua mỗi chặng đường là một phần của tương lai tươi sáng hiện ra, là niềm tự hào, là hạnh phúc lớn lao của những người cha, người mẹ nghèo lam lũ ở những vùng quê...

Và chính vì niềm tự hào, niềm hạnh phúc và vì tương lai của con cái mà những người cha người mẹ nghèo không quản nắng mưa, gió rét, không nề khốn khổ, đói no. Lưng cha cứ ngày thêm còng, tay chân mẹ năm tháng cứ thêm sần chai để những đứa con ngẩng mặt với đời...
Lớp tới lớp, những người cha người mẹ chân quê vẫn lặn lội thân vạc thân cò và ươm bao hi vọng tương lai cho những đứa con. Vui biết bao khi con đỗ tú tài, hạnh phúc biết bao khi con vào đại học... Thời nào cũng vậy, có những người cha người mẹ quê cái chữ cắn làm đôi không có nên với họ đại học là cái gì cao xa, là vòm cửa rộng thênh cho con bước về ngày mai... 

Có khác là giờ đây, họ có biết đâu đại học cũng có năm bảy đường đại học, thật thật giả giả, biến biến hóa hóa... Họ có biết đâu có trường đại học mà trang thiết bị dùng dạy cho con mình là lu nướng, thùng đựng đá, bếp gas, là chén dĩa Bát Tràng... Họ có biết đâu vòm cửa rộng mà họ mừng vui khi con được bước vào có quá nhiều nơi chẳng qua là căn phòng học của các em trung học, tiểu học, thậm chí là nhà kho, là phân xưởng người ta chạy đi thuê đi mướn tạm bợ. Họ có biết đâu không ít đại học cũng chỉ là nơi mà người ta thường nói : phổ thông cấp bốn.... Những người cha người mẹ quê tay lấm chân bùn nào đâu biết được nông nỗi này. Họ nào đâu biết về ...  đẳng cấp, chất lượng. Đại học có năm bảy đường đại học, họ có biết đường nào đâu, chỉ biết đại học là cao xa, là hoài vọng, là phép màu đem lại sự đổi thay cho đời con mình...

Và vì thế trên bước đường đại học của con, trong tiền trường tiền sách của con, không ai có thể tính hết công sức của người mẹ người cha ở chốn quê nghèo : bao nhiêu là mồ hôi làm thuê làm mướn, bao nhiêu hạt gạo "đắng cay muôn phần " , bao nhiêu lần gom góp bầy gà, bầy vịt, nải chuối, buồng cau, bao nhiêu lần nhịn miếng ăn ngon, nhịn mặc chiếc áo lành ?...

Rồi cũng có những đứa con mang tấm bằng đại học trở về sau khi mỏi mòn đi xin việc, ở đâu người ta cũng lắc đầu : "Đại học X. à ?" ... Cất tấm bằng đại học, để sống, những đứa con lao đi bỏ hàng, chạy chợ, xin một chân phục vụ nhà hàng..., có đứa ngao ngán trở về quê nhà kiếm sống quẩn quanh trong vườn, trên ruộng...

Những người cha người mẹ sau những năm tháng ươm mơ và vắt kiệt sức mình cho con học đại học, giờ đây chua xót nhìn con và đêm đêm cất tiếng thở dài.
Có lẽ trong những tiếng thở dài của những người cha người mẹ nghèo thì đó là tiếng thở dài não nề nhất đời mình.

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Báo Tuổi trẻ ngày 21/04/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét